CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 16

Đức Khổng, một sử gia

 

Không ai có thể chối cãi được rằng đức Khổng là một sử gia lỗi lạc, vì Ngài đã có công san định và biên soạn hai bộ sử lớn của Trung Quốc:

1- Kinh Thư, từ thời Nghiêu (2356- 2255) đến Tần Mục Công (659- 620) gồm khoảng 1723 năm.

2- Xuân Thu từ năm Ẩn Công I (721) đến năm Ai Công 14 (481) gồm 242 năm.

Qua trung gian hai bộ sử ấy, đức Khổng đã cho ta thấy lại những hoạt động, những lời lẽ, những nguyện ước, những đường lối, những cách tiếp nhân xử sự của người xưa, nhất là của những người cầm đầu dân nước.

Nhưng đức Khổng chép sử, không phải là ký ngôn, ký sự một cách máy móc. Ngài đã lựa chọn sự việc, tùy nghi mà tường lược, tùy sự mà khen chê.

Kinh Thư thì lựa việc, lựa chuyện, lựa lời, để đem trình bày.

Xuân Thu thì trình bày mọi sự việc, mọi công chuyện đã xảy ra, nhưng trình bày với một bút pháp đặc biệt, bằng những danh từ, những từ ngữ chọn lọc rất tinh tế, để khéo léo mà nói lên lời khen chê.

Mục đích là dùng những bài học lịch sử sống động, để mà cổ súy, để mà phục hưng lại nền thiên trị Trung Hoa thời cổ, để mà xây dựng một chế độ chính trị quân chủ toàn mỹ, lý tưởng, có thể dùng làm khuôn mẫu cho mọi đời.

Để tìm hiểu phương pháp viết sử, cũng như lý do và mục đích viết sử của đức Khổng, trong chương này ta sẽ lần lượt khảo sát:

1- Tình hình kinh sử trước thời đức Khổng.

2- Quan niệm trị và loạn của đức Khổng.

3- Lý do đã xui khiến đức Khổng viết sử và mục đích Ngài nhằm vào, khi viết sử (Kinh Thư và Xuân Thu).

4- Kinh Thư: Đại lược và đại chỉ.

5- Kinh Xuân Thu

               a- Đại lược.

               b- Kỹ thuật, trình tự, và bút pháp.

               c- Vi ý.

               d- Đại chỉ và đại nghĩa.[1]

1- Tình hình kinh sử trước thời đức Khổng.

Trước thời đức Khổng, không phải là không có kinh sử.

Riêng về sử, nhà Chu có sử quan, các nước chư hầu cũng có quốc sử. Ở Lỗ đã có bộ sử gọi là Xuân Thu.

Tả Truyện viết: «Mùa xuân (năm thứ 2 đời Chiêu Công) (538), Tấn hầu sai sứ là Hàn Tuyền Tử sang viếng Lỗ. Hàn Tuyền Tử khi xem các sách tàng trữ ở nhà Thái Sử, thấy bộ Dịch Tượng và Lỗ Xuân Thu, bèn nói: “Chu lễ hoàn toàn ở Lỗ vậy. Bây giờ tôi mới biết rõ tài đức của Chu Công, và biết tại sao nhà Chu làm vua thiên hạ.”» (Xuân Thu, Tả Truyện, Chiêu Công năm 2, mùa xuân).

Mạnh Tử viết: «(Cùng một sử) mà nước Tấn gọi là Thặng, nước Sở gọi là Đào Ngột, Lỗ gọi là Xuân Thu …» (Mạnh Tử, Ly Lâu hạ 21).

Khổng Tử lấy văn liệu, sử liệu ở đó, nhưng đem tâm tình, tư tưởng mình lồng vào đó, để Xuân Thu có một ý nghĩa mới mẻ đặc biệt …

Mạnh Tử viết: «Sự, thời như truyện Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công; văn, thời là văn sử. Khổng Tử viết: ý nghĩa, thời ta trộm đưa vào…» (Mạnh Tử, Ly Lâu hạ 21).

2- Quan niệm trị và loạn của đức Khổng.

Nghiên cứu cách trình bày cũng như cách viết Kinh Thư và Kinh Xuân Thu, ta thấy hiện rõ sau những khung cảnh lịch sử, những cảnh trí hưng vong của các triều đại, tâm tư, chí hướng và nguyện ước của đức Khổng.

Đọc Tứ Thư rồi lại đọc Kinh Thư và Xuân Thu, ta thấy rõ quan niệm của đức Khổng về trị và loạn, cũng như những căn nguyên sinh ra trị và loạn, những phương pháp đổi loạn thành trị.

Tứ Thư trình bày vấn đề trên phương diện lý thuyết. Kinh Thư và Xuân Thu trình bày vấn đề dựa trên các sự kiện lịch sử sống động.

Ta thấy rằng đối với đức Khổng, lịch sử chẳng qua là một sự luân phiên giữa trị và loạn (xem thêm Mạnh Tử, Đằng Văn Công hạ, 9). Nhưng trị và loạn đều có duyên cớ.

Tại sao mà trị?

Một quốc gia được thịnh trị nhờ ở nhiều căn do, nhiều yếu tố:

- Có chính nghĩa, có đạo lý làm nòng cốt (Đại Học 1).

- Có tôn ti, trật tự (LN, XII, 11).

- Có minh quân, thánh đế (LN, II, 1; LN, VIII, 19. - Mạnh Tử, Ly Lâu hạ, 20).

- Có hiền thần phụ bật (LN, XVIII, 11).

- Công cuộc cai trị có đường lối, có tổ chức (LN, XIX, 2. - Trung Dung XX).

- Dân chúng được săn sóc, được hướng dẫn, được giáo hóa (LN, XII, 7; XII, 9).

- Biết thuận thiên thời, thuận địa thế, thuận nhân tâm mà hành sự (Trung Dung XXX).

- Phòng ngừa được nạn Di, Địch xâm lăng (LN, XIV, 18), v.v…

Tại sao mà loạn?

- Loạn là vì mọi người xa rời đạo lý, khinh thị cương thường (LN, XVI, 2; XVIII, 6).

- Loạn vì vua không ra vua, tôi không ra tôi (LN, VI, 23).

- Xã hội không còn tôn ti, trật tự, không chính danh, không định phận (LN, III, 1, 6; XIII, 3, 20; v.v…)

Đức Khổng chép Kinh Thư để minh chứng tại sao người xưa «trị».

Đức Khổng san định Kinh Thư, có mục đích là để chứng minh, bằng sử liệu, tại sao người xưa trị.

Người xưa trị, là vì:

- Biết thuận thiên thời (Nghiêu Điển).

- Biết thuận thủy thổ (Vũ Cống).

- Thuận nhân tâm (Thang Thệ, Bàn Canh, Thái Thệ, v.v…)

- Biết kính sợ Thượng Đế (Thái Thệ).

- Biết lo sợ sự mất lòng dân (Ngũ tử chi ca).

- Biết khuyến cáo sự đoàn kết giữa vua tôi (Ích Tắc).

- Thánh quân, hiền thần biết tự giới, tự tu, tự kiểm điểm hành vi (Phó Duyệt, Y Huấn).

- Vua biết khuyên tôi, tôi biết khuyên vua (Tây Bá kham Lê).

- Trị dân có đường lối, có tổ chức (Hồng Phạm, Thiệu Cáo, Khang Cáo, Tửu Cáo, Tây Bá kham Lê, Vô Dật, Lập Chính, v.v…)

Đức Khổng chép Xuân Thu để minh chứng tại sao người nay «loạn».

Đức Khổng viết Xuân Thu để chứng minh tại sao thời nay «loạn».

Loạn vì:

- Vương triều mất hết quyền bính (Ẩn Công I, mùa Thu, tháng 7. - Ẩn Công IX mùa Hạ. - Hoàn Công I, mùa Xuân tháng 3.- v.v…)

- Loạn vì chư hầu tiếm vị, tiếm nghi lễ của vua (Hi Công XXVIII, mùa Đông. - Trang Công XXIII và XXIV, v.v…)

- Loạn vì thế khanh lũng đoạn vương triểu (Chiêu Công XXIII).

- Loạn vì người ta cho họa hung là do thiên tai, địa họa, mà không biết rằng họa hung chính là vì lòng con người vẫn loạn, mờ ám, theo tư dục, không theo đạo lý (Hi Công XVI, Xuân chính nguyệt).

- Loạn vì không còn chính danh, định phận: tôi chiếm quyền vị, tước hiệu của vua (Sở và Ngô đều xưng Vương).

- Loạn vì quyền bính tản phân, mạnh ai nấy làm, làm cho nhà tan nước nát. (Thời Xuân Thu là thời Ngũ Bá chuyên quyền. Ngũ Bá là: Tề Hoàn Công (683-641), Tấn Văn Công (634-626), Tần Mục Công (673-644), Tống Tương Công (649-635), Sở Trang Vương (612-589).

- Loạn vì mọi người đua nhau dùng bạo lực, dùng thủ đoạn để đạt danh vị, bất chấp nhân nghĩa, cương thường (Ẩn Công I, tháng 5. - Ẩn Công IV, mùa Xuân, tháng 2, v.v…)

3- Lý do đã xui khiến đức Khổng viết sử và mục đích Ngài nhằm vào, khi viết sử (Kinh Thư và Xuân Thu).

Đức Khổng san định Kinh Thư và viết Xuân Thu với mục đích đổi loạn thành trị, cổ súy một nền chính trị lý tưởng.

- Đổi loạn thành trị bằng phương pháp «chính danh, định phận»; đề cao nhân nghĩa, đạo đức, tài năng; chê bai, mạt sát những chuyện thoán loạn, bạo tàn, gian ác (Xuân Thu).

- Cổ súy và phục hưng lại nền Thiên Trị lý tưởng của các thánh đế, thánh vương thời trước (Kinh Thư).

Có hiểu được thâm ý và viễn đích của đức Khổng, đọc Kinh Thư và kinh Xuân Thu mới thấy được hết ý vị.

4- Kinh Thư:

a- Đại lược

Theo Khổng An Quốc thì Kinh Thư do đức Khổng san định, thoạt kỳ thủy có 100 thiên.

Sau nạn «khanh nho phần thư» đời Tần, bộ sách này bị thất lạc.

Đến đời Hán, người ta thu thập lại, do khẩu truyền của nhà học giả lão thành Phục Sinh, người Tế Nam, và do sự tìm thấy nơi vách tường ngôi nhà cũ của đức Khổng, tất cả được 59 thiên (Xem Kinh Thư, Nhượng Tống dịch, tựa của Nhượng Tống và tựa của Khổng An Quốc)

Ngày nay chỉ thấy có 58 chương, chia làm 4 sách:

1. NGU THƯ

(5 thiên), ký sự, ký ngôn thời Nghiêu, Thuấn.

2. HẠ THƯ

(4 thiên), ký sự, ký ngôn thời vua Đại Võ và nhà Hạ.

3. THƯƠNG THƯ

(17 thiên), ký sự, ký ngôn thời nhà Thương Ân, nhất là công chuyện của Thành Thang, Thái Giáp, Bàn Canh, Cao Tông, v.v…

4. CHU THƯ

(32 thiên), thuật CÔNG, CHUYỆN, MỆNH, CÁO ĐỜI NHÀ Chu, nhất là đời Vũ Vương, Thành Vương, Khang Vương, Mục Vương, Bình Vương, v.v…

b- Đại chỉ

Kinh Thư xiển minh phương pháp trị dân của các vị thánh vương đời xưa, như Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Vũ.

Kinh Thư đề cao sự cộng tác giữa vua và tôi, và chủ trương thánh vương phải có hiền thần phụ bật mới nên công.

Vì vậy Kinh Thư đã dành một phần lớn để ghi những lời điều trần hoặc can gián của các hiền thần như:

- Cao Dao (xem Cao Dao Mô)

- Ích Tắc (xem Ích Tắc)

- Y Doãn (xem Y Huấn)

- Tổ Y (xem Tây Bá kham Lê)

- Vi Tử (xem Vi Tử)

- Cơ Tử (xem Hồng Phạm)

- Chu Công (xem Vô Dật, Lập Chính).

5- Kinh Xuân Thu

Kinh Xuân Thu là một quyển sách mà đức Khổng coi như là cốt tủy. Ngài nói: «Biết ta cũng vì Xuân Thu, buộc tội ta cũng vì Xuân Thu.»

Cho nên chúng ta sẽ nghiên cứu Xuân Thu kỹ càng hơn.

a. Lý do đã xui khiến và mục đích đã được đặt ra khi viết Xuân Thu.

Đức Khổng đã nhân những sử liệu đã có mà viết kinh Xuân Thu. Ngài viết Xuân Thu vì thấy thế đạo suy vi, nên thấy mình có nhiệm vụ phục hồi lại đạo nghĩa, cương thường; cổ súy một nền chính trị lý tưởng.

Mạnh Tử viết: «Thế đạo suy vi, tà thuyết, bạo hành nổi dậy. Những chuyện tôi giết vua, con giết cha xảy ra thời thường.

Đức Khổng sợ nên viết Xuân Thu. Xuân Thu chính là công việc của Thiên tử. Nên đức Khổng nói: «Biết ta cũng vì Xuân Thu, buộc tội ta cũng vì Xuân Thu.» (Mạnh Tử, Đằng Văn Công hạ, 9).

Theo Mạnh Tử thì đức Khổng viết Xuân Thu chính để «chính nhân tâm, ức tà thuyết», đánh đổ những nết bất công, bất chính, hài tội bọn loạn thần, tặc tử; làm cho chúng kinh sợ. Công lao của Ngài cũng ví như công lao của vua Đại Võ trị nạn hồng thủy, làm cho thiên hạ an bình; như công lao của vua Chu Công dẹp Di, Địch và xua đuổi mãnh thú, đem an lạc về cho bá tính. (Mạnh Tử, Đằng Văn Công hạ, 9).

- Cốc Lương, trong bài tựa sách, ông đã viết về những lý do đã xui khiến đức Khổng viết Xuân Thu, cũng như công trình và mục đích Ngài theo đuổi, bằng những lời văn rất là bay bướm và tha thiết như sau:

«Xưa kia, vì Chu đạo suy vi, kỷ cương lỏng lẻo, lễ nhạc suy tàn, luân thường đảo lộn, những chuyện thoán nghịch, giết lát, trộm đạo không phải hiếm. Lòng con người phóng túng, dâm bôn, những chuyện bại hoại đạo nghĩa xảy ra thời thường. Cho nên trời xui khí hậu quải gàng; đất sinh phẩm vật quái dị; nhân tình sa sút, biến thiên; âm dương đôi đàng nóng lạnh cũng không còn đúng điệu. Trên trời thì nhật nguyệt và ngũ tinh biến dạng thất thường. Dưới đất, núi băng, sông cạn. Quỉ thần dường như cũng hờn dỗi, chán chường.

«Tình phụ tử giảm suy, nên mới có thơ Tiểu Bàn (xem Tiểu Nhã) chỉ trích.

«Nghĩa quân thần suy, nên mới có thơ Tang Hộ (xem Tiểu Nhã) mỉa mai.

«Đạo vợ chồng hết, nên mới có thơ Cốc Phong (xem Bội Phong) rung chuông cảnh giác.

«Tình cốt nhục đã chia ly, nên thơ Giác Cung mới nói lên lòng ai oán. (xem Tiểu Nhã).

«Quân tử tắc đường tiến thủ, nên mới có thơ Bạch Câu ủy lạo, xót vì. (xem Tiểu Nhã).

«Trời dùng các biến dạng của nhật nguyệt tinh cầu để cho trần thế biến điềm hung cát.

«Thánh nhân lập ngôn, giáo huấn là muốn cho các vua chúa cẩn trọng trong hành vi, và chịu cải thiện guồng máy hành chánh cũng như phương pháp cai trị.

«Thế nhưng lời thánh nhân thì tha thiết mà vua chúa thì lơ là, chẳng chịu nghe theo. Như sương mỏng lâu dần mới đóng thành băng, tai họa đâu phải một sớm một chiều mà hình hiện?

«Mọi rợ bốn phương đã xâm nhập Trung Hoa, làm cho đôi bên một tầm, một lứa.

«U Vương, vì tàn bạo mà đã chiêu tai. Bình Vương, vì nhu nhược mà phải dời đô về Lạc Ấp.

«Thiên tử không còn phát được mệnh cho chư hầu chinh thảo kẻ tàn hung. Quyền thần đã quen tự mình ban bố hiệu lịnh.

«Bậc thần tử không giữ lễ, từ khi xây cửa Lưỡng Quan (Lỗ). Đấng quân vương đã mất quyền uy, khi chư hầu dùng chu can, ngọc thích để múa nhạc vũ Đại Hạ.

«Người dưới bị áp chế, người trên bị tiếm quyền. Sự lăng bức đến thế là cùng cực.

«Thiên hạ xuyến xao, vấn loạn; Vương đạo đến thế là hết.

«Đức Khổng thấy thiên hạ như bể cả sóng cồn loạn động, bèn thở dài mà than: Văn Vương đã chết, vẻ sáng ấy nay chẳng ở đây sao, bèn gánh vác lấy trách nhiệm chấn hưng vương đạo, sửa sang Nhã, Tụng; nhân Lỗ sử mà viết thành bộ Xuân Thu.

«Thời thì bắt đầu từ Ẩn Công; sách gồm sự hóa dục của Âm Dương; giải thích sự biến hóa của nhân tình, thế thái; làm sáng tỏ lẽ đắc thất, thành bại, và lấy đó làm phương châm cho lời khuyến dụ; cố cứu vớt sự suy vong của cương thường, để mà nối tiếp đạo của ngũ đế tam vương thủa trước.

«Một lời khen quí hơn là tặng áo cổn hoa. Một lời biếm trách nhục hơn đòn roi đánh nơi triều thị.

«Ai giúp cho đạo đức, thời dẫu ti tiện cũng đề cao; ai làm sai nghĩa lý, thời tôn quí cũng hạ thấp. Cho nên những kẻ ỷ quyền thế, giấu giếm những điều tà ngụy, gian manh, thời không thể trốn thoát được tội tình…

«Khi đã hoành dương được đạo lý của tiên vương, thời thần lân hiện ra, như thể là đáp ứng (Ai Công năm 14, mùa Xuân). Và đức Khổng thấy công trình mình đã xong, liền cũng dừng bút sau chuyện đó. Như vậy là Ngài đã hoàn thành xong công trình xây dựng nghiệp lớn cho muôn đời, định đoạt được thị phi cho vạn thế…» (Xem Cốc Lương Truyện, tựa).

Lục Đức Minh cho rằng Xuân Thu có chủ trương: «Quí nhân, trọng đức, sùng đạo, ức tà, hoành dương đường lối của tiên vương.» (Xem Cốc Lương Truyện, tựa).

Trong bài tựa Công Dương Truyện, ta thấy viết: «Xưa đức Khổng có nói: Chí nguyện của ta gửi gấm ở Xuân Thu. Hành động của ta y cứ theo Hiếu Kinh.»

Ở Xuân Thu, thấy thiện thì khen, thấy ác thì chê, đó là chí nguyện của Ngài muốn thưởng thiện phạt ác. Còn như việc thưởng thiện phạt ác là của Thiên tử.

Công việc của Ngài là tôn kính tổ tiên, yêu thương người thân thuộc, khuyên con thờ cha, khuyên tôi thờ vua…. Vì thế nói hành động Ngài y cứ theo Hiếu Kinh… (Xem Công Dương Truyện, tựa)

b- Đại lược

Kinh Xuân Thu chép lại việc thường xuyên của vua chúa thời Xuân Thu (721-481) như tức vị, triều, sính, xâm, phạt, chinh chiến, hội, minh, những chuyện thi sát, bôn đào, những vụ băng (thiên tử chết), hoăng (chư hầu chết), tốt (đại phu chết), v.v… cũng như các thiên tai địa họa, nhật thực, nguyệt thực, cuồng phong, vẫn thạch, v.v… đã xảy ra trong vòng 242 năm, từ Lỗ Ẩn Công nguyên niên (721) đến Ai Công 14 (481), trải 12 đời vua Lỗ (Theo Chu triều, thì từ Chu Bình Vương năm thứ 49 đến Chu Kinh Vương năm thứ 39). Mười hai vua Lỗ đó là:

Ẩn Công (721-710)          11 năm

Hoàn Công (710-693)     18 năm

Trang Công (693-660)    32 năm

Mẫn Công (660-658)         2 năm

Hi Công (658-626)           33 năm

Văn Công (626-607)       18 năm

Tuyên Công (607-589)   18 năm

Thành Công (588-571)   18 năm

Tương Công (571-540)   31 năm

Chiêu Công (540-508)    32 năm

Định Công (508-494)      15 năm

Ai Công (494-481)           14 năm

                                       -----------------

                                         242 năm

(Từ mùa Hạ, năm 481, tức năm 14 đời Ai Công trở về sau cho đến hết đời vua, tức là năm Ai Công XXXII (466), và thêm vào đó, năm Điệu Công thứ IV (463) là phần phụ thêm, do Tả Khâu Minh chép.)

Thời đó là thời Chu triều suy bại; ngũ bá (Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công, Sở Trang Vương) nổi lên lần lượt chiếm quyền của thiên tử; các nước chư hầu tranh chiếm lẫn nhau; đạo lý suy vi, nhân tình ly tán. Người sau gọi thời đại ấy là Xuân Thu.

Kinh Xuân Thu sau này được chú giải bởi ba bộ truyện của ba tác giả trứ danh:

- Tả Khâu Minh, người Lỗ, đồng thời với đức Khổng (LN, V, 24)? Người Sở? Người Tấn?). Tả Khâu Minh là tác giả bộ Tả Truyện.

- Công Dương Cao, người thời Chiến Quốc, tác giả sơ khởi bộ Công Dương Truyện. Bộ truyện này sau đến thời Hán, được cháu 6 đời ông là Công Dương Thọ cùng với Hồ Vô Sinh lục soạn.

- Cốc Lương Xích, người thời Chiến Quốc, tác giả bộ Cốc Lương Truyện.

Tả Truyện thiên về sử, Công Dương, Cốc Lương thiên về truyện, tức là về bình giải Kinh Xuân Thu nhiều hơn.

c- Trình tự và kỹ thuật

Đức Khổng trình bày, tự sự theo một phương pháp, một kỹ thuật riêng biệt.

Không phải vie5c nào cũng ghi rõ ngày tháng:

+ Những việc nhỏ nhặt như triều sính, xâm phạt, chấp sát (giết) thường chỉ ghi tháng, ghi mùa, không ghi ngày.

+ Những chuyện lớn hơn, như minh (hội họp), chiến, bại, băng (vua chết), hoăng (chư hầu chết), tang (an táng) mới ghi rõ ngày tháng.

+ Xuân Thu ghi ngày, không ghi tháng 14 lần.

+ Ghi tháng, không ghi mùa, 2 lần (Hoàn Công, tháng 5, không ghi mùa Hạ - Chiêu Công X, tháng 12, không ghi mùa Đông).

Từ Văn Công trở về trước, có 249 trường hợp ghi ngày.

Từ Tuyên Công trở về sau, có 432 trường hợp ghi ngày.

Có trường hợp lại ghi hai ngày cho một người chết (Xuân Thu ghi Trần Hầu chết ngày Giáp Tuất, Kỷ Sửu, cách nhau 15 ngày. - xem Hoàn Công ngũ niên). Làm sao mà chết được hai lần vào hai ngày khác nhau? Có lẽ là chết trong khoảng hai ngày đó.

- Đặc biệt nhất là có khi không có chuyện gì, cũng đề tháng, đề mùa, cho đủ vòng năm.

Đầu sách đề: Xuân vương chính nguyệt, không ghi việc. Năm Hoàn Công XV và XVIII ghi Đông thập nguyệt, không ghi việc. Hoàn Công XXIII, ghi Hạ ngũ nguyệt, không ghi việc.

- Xuân Thu là bộ sử chỉ ký sự, không ký ngôn, khác với Kinh Thư và Tả Truyện, vừa ký sự vừa ký ngôn.

- Lời khen chê trong Xuân Thu ẩn ước, chứ không lộ liễu. Đức Khổng không hề dài dòng bình luận. Dài dòng bình luận là công việc của Tả Truyện, Cốc Lương Truyện, và Công Dương Truyện.

- Xuân Thu có một kỹ thuật hành văn rất đặc biệt:

+ Văn trong Xuân Thu gọn gàng, chính xác, dồi dào, thanh thoát, ẩn ước, tế nhị.

+ Xuân Thu chọn từ ngữ hết sức là chính xác để mô tả vạn sự, vạn vật cho chân thực. (Chính danh tự, biệt dị đồng).

+ Xuân Thu dùng từ ngữ tương xứng để minh định tôn ti, trật tự, và danh phận. (Biện thượng hạ, định danh phận).

* Vua các nước Sở, Ngô, tuy đã tự ý xưng vương, nhưng Xuân Thu vẫn chép là Sở Tử, Ngô Tử.

* Tống, Lỗ tuy yếu, nhưng Xuân Thu vẫn xưng là Công.

* Tấn, Tề tuy mạnh, nhưng vẫn gọi là Bá, v.v…

* Cùng là một chuyện chết, nhưng thiên tử thời chép Băng; chư hầu thì chép là Hoăng; những vua soán đoạt mà chết thì chép là Tồ; quan ngay chính mà chết thì chép là Tốt; quan gian nịnh mà chết thì chép là Tử; người thường mà chết thì chép là Bất Lộc. (Xem Nho giáo, Trần Trọng Kim, I, 197. - Xuân Thu Tam truyện, 74.)

* Cùng là một chuyện đi họp, mà tùy chỗ dùng là Hội, là Cập, là Dữ, là Kị. Chẳng hạn Cập là đi họp mà vui lòng, Kị là đi họp vì bất đắc dĩ. (Cf. Xuân Thu Tam Truyện, 45)

Xuân Thu dùng từ ngữ, hoặc tường, hoặc lược, để ngụ ý khen chê, để minh định phải trái. (Ngụ bao biếm, minh thị phi.)

* Châu Hu soán nghịch, lên làm vua nước Vệ, đến lúc bị giết, Xuân Thu chép: «Người Vệ giết Câu Hu ở Bộc» mà không ghi chức tước.

* Thế tử nước Sờ là Thương Thần giết vua mình và cũng là cha mình là Khôn. Xuân Thu chép: «Thế tử nước Sở giết vua mình là Khôn.» Thế là vừa đủ nghĩa là con giết cha, tôi giết vua.

d- Vi ý Xuân Thu

Dưới nhãn quan một sử gia bây giờ thì Kinh Xuân Thu không được thập phần chính xác, vì ngày tháng có khi còn lộn xộn, mơ hồ. Nhưng nhìn Xuân Thu dưới nhãn quan của một triết gia, một học giả, ta thấy nó hết sức tinh tế. Xuân Thu hàm ngụ rất nhiều ý tứ.

- Xuân Thu tôn quân quyền; trọng nghi lễ, định tắc của Chu Công, cho nên bao giờ cũng dùng những lời lẽ hết sức lễ độ, từ tốn đối với vua Chu hay vua Lỗ. (Xem Hi Công nguyên niên. - Hi Công XVII tháng 9. Hi Công XXVIII mùa Đông. - Trang Công năm 8. v.v…)

- Xuân Thu hết sức đả kích loạn thần, tặc tử; hoặc những đại phu, những trọng thần thiếu bổn phận đến nỗi để vua mình oan thác.

Vì thế mà đức Khổng trực tố Triệu Thuẫn, đại phu nước Tấn; Quí Sinh, đại phu nước Trịnh; Tỉ Trần Ngật, đại phu nước Sở; Thái tử Chi, đại phu nước Hứa, về tội giết vua, tuy họ không phải là chính danh thủ phạm. (Xem Cốc Lương, tựa).

- Xuân Thu chỉ trích vua cũng như chúa, mỗi khi phạm lễ, nhưng một cách hết sức nhẹ nhàng và khéo léo. (Trang Công năm 23 và 24. - Hoàn Công XV).

- Xuân Thu đề cao hiền tài như Quí Trát (xem Tương Công XXVIII), như Sĩ Hộc (Xem Văn Công 2).

- Xuân Thu khinh khi, miệt thị những bọn loạn thần, gin thần như:

               + Hoa Đốc (xem Hoàn Công 2)

               + Tề báo (xem Chiêu Công 20)

               + Chu Thứ Kỳ (xem Tương Công 21)

               + Cừ Mưu Di (xem Chiêu Công 5)

               + Chu Hắc Quang (xem Chiêu Công 31), v.v…

d- Đại chỉ

Mục đích chính yếu của Xuân Thu là muốn đổi loạn thành trị.

Muốn được vậy, phải:

               + Triệt để tôn trọng lễ chế của Chu Công.

               + Chính danh, định phận cho xác đáng.

               + Bao biếm, tức là dùng dư luận để kiềm chế cường quyền.

               + Gây dựng lại đạo nghĩa, cương thường; khuyến thiện, trừng ác.

               + Cổ súy một nền chính trị lý tưởng, có kỷ cương, có pháp độ, có nhân nghĩa như xưa các bậc thánh vương đã thực thi, áp dụng.

Cả Kinh Thư lẫn Xuân Thu cũng đều chủ trương lẽ «Thiên nhân hợp nhất» và tin rằng Trời luôn luôn ám trợ vua, hướng dẫn chúng dân. Nếu vua chúa mà thực lòng kính Trời, yêu người, thì dân con được nhờ cậy biết đến mấy mươi.

Viết lịch sử một cách khéo léo, trung thực không bao giờ nói lên ý kiến riêng tư của mình, mà tâm tư, ý hướng, nguyện ước của mình vẫn ẩn ước, vẫn man mác trên mọi trang sử; vẫn tàng ẩn, hàm ngụ trong mọi từ ngữ; không thưởng mà người vui, không phạt mà người sợ, không giận mà vẫn oai, không nói mà vẫn tỏ bày được tâm tư, ý chí; cái khéo ấy thực là độc đáo của đức Khổng vậy.


CHÚ THÍCH

[1] Tài liệu tham khảo:

1- The Shoo King, James Legge.

2- Chou King - Séraphin Couvreur.

3- Tch’ouen Ts’iou et Tso Tchouan - Séraphin Couvreur.

4- Tống bản Thập tam kinh:

- Tả Truyện.

- Công Dương Truyện.

- Cốc Lương Truyện.

5- Kinh Học Soạn Yếu - Tưởng Bá Tiềm.

6- Xuân Thu Tam Truyện - Hoàng Khôi dịch.

7- Kinh Thư - Nhượng Tống dịch.

8- Việt Hán Văn Khảo - Phan Kế Bính.

9- Nho giáo - Trần Trọng Kim.


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo