CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo


Chương 8

Đức Khổng, con người có niềm tin

vững mạnh về thân thế và sứ mạng mình

 

 

Các đấng thánh nhân, các vị giáo chủ thường biết rõ thân thế mình và sứ mạng mình.

Phật xưng mình là Phật đã thành.

Chúa Giêsu nhiều lần xưng mình là con Thiên Chúa (Jean, 5, 25, 18; Marc 14, 61, 62; Jean 9, 35, 37; 10, 36).

Thánh Phaolô xưng mình có Thần Chúa trong mình. (I, Cor. VII, 40).

Vậy khảo về đức Khổng ta cũng cần phải xét thêm Ngài có niềm tin về thân thế và sứ mạng của Ngài ra sao.

Sự khảo sát này rất cần thiết, vì nó làm cho chúng ta hiểu rõ chân tướng đức Khổng. Khi đã biết chân dung, chân tướng Ngài, ta có thể suy ra khẩu khí, ước nguyện, hành vi, thái độ và nếp sống thường nhật của Ngài.

Sự khảo sát này cũng có mục đích thứ hai, không kém phần quan trọng, là cho chúng ta thấy sự cần thiết tạo cho chúng ta một lý tưởng, một vai trò, một niềm tin, một sứ mạng; có vậy thì cuộc đời chúng ta mới trở nên thực sự linh động và có ý nghĩa.

Cho nên trước khi tìm xem đức Khổng tin tưởng thế nào về thân thế mình và sứ mạng mình, ta cũng nên đề cập đến ích lợi của sự tạo dựng cho chúng ta một niềm tin, một sứ mạng và tìm xem chân tướng chúng ta là gì.

Descartes cho rằng kẻ nào không có niềm tin, không có sự hứng khởi, sẽ chỉ là người tầm thường.[1]

Pasteur cho rằng sự hứng khởi (enthousiasme) theo từ nguyên Hi Lạp, chính là có «Thần», có «Chúa» trong tâm, và người không có hứng khởi thì không tìm ra được chân lý vật chất, cũng như người không có niềm tin sẽ không tìm ra được chân lý siêu nhiên. [2]

Pasteur thường khuyên các sinh viên như sau:

«Bạn hãy làm việc, hãy cố gắng, hãy bền gan, trì thủ. Chỉ có sự làm việc mới làm cho con người vui sướng thực sự và mới làm ích cho mình, cho đồng loại, và cho tổ quốc.»

«Bất kỳ nghề chọn nào, bạn hãy đặt cho mình một mục đích cao cả. Bạn hãy sùng thượng những danh nhân, danh sĩ, những đại sự, đại nghiệp.»

«Hạnh phúc thay cho kẻ nào mang trong tâm hồn một Thượng Đế, một lý tưởng đẹp đẽ, và sống theo lý tưởng ấy, bất lỳ là lý tưởng nghệ thuật, khoa học, quốc gia, hay lý tưởng đạo giáo, Phúc âm. Đó là những nguồn mạch sống động phát sinh ra những tư tưởng cao đại, những hành vi cao đại. Tư tưởng và hành vi ấy sẽ bừng sáng lên trong những ánh quang huy của vô cùng.» [3]

Đời chúng ta nay sở dĩ còn buồn tẻ chính là vì chúng ta chưa tìm thấy lý tưởng cho cuộc đời chúng ta.

Thực vậy, chính vì chúng ta không biết được chúng ta là ai, chúng ta sinh ra đời với sứ mạng gì, nên đời chúng ta trở nên tan tác như những mảnh gương vụn, vãi vương trên mặt đất, hay như một nắm lá khô mà mỗi trào lưu, khuynh hướng, mỗi hoàn cảnh lại như một trận gió lốc khác chiều, cuốn lôi cho thành rã rời, tơi tả, tản mạn ra khắp muôn phương.

Chúng ta trở nên yếu đuối, vì lòng chúng ta muốn nhiều sự trong một lúc, vì chúng ta bị co kéo, giày vò bởi nhiều động lực khác chiều.

Chúng ta trở nên tối tăm, vì không mấy khi chịu tập trung ánh sáng tâm hồn trí tuệ chúng ta vào một đề tài, hay một mục phiêu nào lâu lai cho đủ.

Chúng ta trở nên cằn cỗi, vì chúng ta gieo trồng vào lòng chúng ta những hạt giống không thích hợp.

Chúng ta trở nên cằn cỗi, vì chúng ta ôm đồm lấy những công việc mà thực ra đối với chúng, lòng ta dửng dưng hay làm miễn cưỡng.

Chúng ta trở nên kiểu điệu, ngớ ngẩn, vụng về, vì chúng ta lệ thuộc vào hoàn cảnh, vào ngoại cảnh, cho rằng mình dở hay hay là tùy ngoại cảnh hay hay dở; mà không biết rằng mình hay hay dở chính là tùy cốt cách, tùy tâm tư mình, và tùy cách mình đối phó với hoàn cảnh hay hay là dở. [4]

Chúng ta là những kẻ khát khao mà đã không được thỏa mãn, chúng ta là những kẻ muốn triển dương mà đã bị hãm kìm, chúng ta mất mát nhiều mà chẳng được đền bù cho xứng đáng. Chúng ta là những kẻ lạc hướng trong cuộc đời, thất thểu cất bước đi, mà chẳng biết rồi ra mình sẽ đi đến những nơi đâu.

Sự hồn nhiên, niềm hứng khởi của chúng ta đôi khi còn bị bóp nghẹt vì những sự gò bó, thằng thúc, tù túng, ngăn chặn vô ý thức, vì vậy cho nên nhiều khi chúng ta:

«Hình thì còn, bụng chết đòi nau!...»

Chúng ta phải biết chúng ta là ai, là gì, thì nhiên hậu mới sống theo khuôn khổ lý tưởng ấy được. Một triết gia hiện đại nói: «Trong bản tính con người có khuynh hướng sâu xa này là hễ mình tưởng mình là ai, thì sẽ trở nên giống như vậy.» [5]

Chúng ta chỉ có thể sống một cuộc đời hoàn toàn ý nghĩa khi chúng ta hoài bão một lý tưởng gì, khi chúng ta có một ước mơ gì, và muốn cho ước mơ ấy trở thành thực tại. [6]

Đời chúng ta phải có sự hứng khởi, sự hăng nồng, vì hứng khởi, hăng nồng chính là thần lực có thể làm chúng ta trở nên linh động tuyệt vời, theo như lời Pasteur đã trích dẫn bên trên …

Dưới làn khăn áo, dưới lớp tóc da, chúng ta như kịch sĩ thủ rất nhiều vai trò, nào là vai trò gia đình, nào là vai trò xã hội, nào là vai trò cá nhân, nào là vai trò trên sân khấu đời, nào là vai trò trên sân khấu lòng.

Chúng ta cố thủ thật nhiều vai trò vụn vặt, cho đời đỡ buồn nản. Nhiều khi chúng ta sợ không muốn chỉ đóng mãi có một vai trò, và nếu phải đóng mãi một vai trò ta muốn nói lên như Logan Pearsall Smith’s:

«Chán chường thay, chán chường thay,

Sáng nào cũng thứ người này mãi sao!...» [7]

Nhưng thực ra chúng ta sinh ở đời, sau khi đã đóng nhiều vai trò, sau khi đã có nhiều kinh nghiệm, phải chọn cho mình một vai trò ăn ý nhất; sau khi đã trải qua lớp sống của nhiều thứ hạng người: học sinh, sinh viên, thưởng dân, binh sĩ, v.v… phải cố đóng lấy vai trò con người; phải ! vai trò Con Người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó: một thứ con người tinh hoa, một thứ con người muôn thuở, «quán tam tài» và «dữ thiên địa tham».

Chính vì muốn trở nên một Con Người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó, mà chúng ta đã tự nguyện đi vào con đường nghiên cứu triết học, khảo sát lại cuộc đời của các vị thánh hiền, một công việc mà hiện nay chúng ta đang làm…

***

Trở lại vấn đề chân dung, chân tướng của đức Khổng, chính đức Khổng đã vạch cho ta phương pháp để tìm cho ra chân tướng của một người. Ngài nói:

«Mình hãy nhìn kỹ cách làm việc của người ta, mình hãy xem xét coi vì cớ chi mà người ta làm vậy, rồi quan sát coi họ làm việc ấy có được yên vui không. Nếu mình xét được ba điều đó, thì họ làm sao mà giấu được chân tướng của họ với mình? Họ không thể giấu giếm tình cảnh của họ đối với mình vậy.» (LN, II, 10).

Như vậy nếu ta quan sát đời sống Ngài, nghiên cứu lời ăn, tiếng nói của Ngài, nhất là nghiên cứu những trường hợp Ngài gặp hoạn nạn, ta sẽ thấy chân tướng của Ngài.

- Đức Khổng phải chăng là người ham công danh? Không ! vì Ngài đã từ bỏ được chức Nhiếp tướng sự để dấn thân vào con đường bôn ba, phong vũ. (LN, XVII, 4)

- Phải chăng Ngài đã súc tích tiền tài? Không ! vì Ngài tỏ ra không có tiền bạc, đến nỗi khi Nhan Hồi chết, Nhan Lộ định xin Ngài cho phá cỗ xe Ngài đang đi để làm quách chôn. (LN, XI, 7)

- Phải chăng Ngài ra đời cốt để dạy hai chữ Hiếu Trung? Không phải ! vì nếu Ngài chỉ làm công việc ấy thì đâu có hơn gì Cơ Tử, Tỉ Can xưa, là những người chí trung; hơn nữa Mẫn Tử Khiên, Tử Lộ cũng là những người chí hiếu.

Ngài phải có gì hơn người mới làm được cho những người như Nhan Hồi, Tử Lộ, Hữu Nhược, Tăng Tử, Mạnh Tử thâm phục được.

Ngài nói: «Sớm nghe biết Đạo, chiều chết cũng cam!» (LN, IV, 7).

Nếu ta chịu tốn công tìm tòi, sẽ thấy Đạo ấy hiện ra…

Đức Khổng bình nhật rất khiêm cung, Ngài chỉ nhận Ngài là một học giả, chứ không nhận mình là thánh hiền.

Ngài nói: «Như làm bực thánh và bực nhân thì ta há dám? Nhưng làm mà không chán, dạy người mà không mỏi, ta chỉ có thể gọi được như vậy mà thôi!» (LN, VII, 33).

Nhưng khi bị vây ở đất Khuông, Ngài mới cho ta thấy rõ chân tướng của Ngài. Ngài mới xác định một cách long trọng niềm tin của Ngài về thân thế mình. Ngài nói: «Văn Vương thác rồi, vẻ sáng ấy chẳng ở lại nơi ta hay sao? Nếu Trời muốn để mất vẻ sáng ấy, thì khi Văn Vương đã thác, chẳng có ban nó cho ta. Bằng Trời chưa muốn mất vẻ sáng ấy, thì người đất Khuông làm gì được ta?» (LN, IX, 5).

Khi bị nạn ở đất Tống, Ngài lại nói: «Trời đã sinh đức người nơi ta, Hoàn Khôi làm gì được ta?» (LN. VII, 22).

Ngài xưng mình có đức Trời, có vẻ sáng Trời; Ngài nhắc đến sự tích Văn Vương, và sánh mình như Văn Vương là có ý nghĩa gì?

Khảo Kinh Thi ta thấy Văn Vương là một vị thánh nhân đã đạt tới mức độ nhân đức cao siêu, có một đời sống phối kết với Thượng Đế, mường tượng như Thượng Đế sống kề cận bên mình, như nhìn thấy Thượng Đế. Ngài nói:

«Chẳng thấy nhãn tiền nhưng vẫn giáng lâm; chẳng phải long đong nhưng vẫn giữ được.» [8]

Kinh Thi viết:

«Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,

Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,

Cho muôn dân thấy mà tin.» [9]

Kinh Thi viết thêm:

«Văn Vương trọn một lòng kính nể,

Làm chói chang Thượng Đế ra ngoài,

Muôn nghìn phúc lộc chiêu lai,

Một niềm nhân đức chẳng phai lòng vàng.»

(Kinh Thi, Văn Vương, thất chương, bát cú.)

Có lúc Thượng Đế đã đối thoại với Văn Vương. Kinh Thi, thiên Hoàng Hĩ viết:

«Thượng đế gọi vua Văn phán bảo,

“Ngươi chớ nên trở tráo đảo điên.

Đừng cho dục vọng tần phiền,

Đừng vì ngoại cảnh rối ren tơ lòng.”

Vua Văn tiến tới cùng nẻo đức,

Đức vua văn rất mực cao siêu…»[10]

Thượng đế gọi vua Văn phán bảo,

«Ta ưa ngươi hoài bão đức nhân,

Chẳng cần khoe tiếng khoe tăm,

Chẳng cần thanh sắc lố lăng bên ngoài,

Không hay, không biết, thảnh thơi,

Thung dung theo đúng luật trời ở ăn.» [11]

Khi Văn Vương băng hà, Châu Công thuật lại công nghiệp của Văn Vương, nói:

«Văn Vương ở trên trời cao thẳm,

Trên trời cao rạng ánh quang minh,

Nước Châu tuế nguyệt dư nghìn,

Nhưng mà thiên mệnh mới truyền từ đây.

Phải chăng vì Châu đầy vinh hiển?

Phải chăng vì đế mệnh gặp thời?

Văn Vương lên xuống thảnh thơi,

Hai bên Thượng Đế tới lui thanh nhàn.» [12]

Như vậy Văn Vương chính là vẻ sáng của Thượng Đế. Nói theo từ ngữ đạo giáo, thì Văn Vương chính là hiện thân của Thượng Đế …

Đức Khổng sánh mình với Văn Vương, tức là xác nhận gián tiếp rằng Ngài chính là vẻ sáng của Thượng Đế, là hiện thân của Thượng Đế, xác nhận rằng Ngài có một đời sống thánh thiện phối kết với Thượng Đế.

Ngài công nhận Ngài là vẻ sáng của Thượng Đế, cũng y như thánh Paul nhiều lần đã công nhận Ngài có thần Chúa ở trong tâm. (I Cor. VII, 40 và II, 16).

Đó là lý do tại sao đức Khổng trở nên thông sáng quá chừng. Xưa nay, các thánh nhân khi đã đắc Đạo đều trở nên thông sáng.

Lão Tử  viết trong Đạo Đức Kinh:

«Ở nhà chẳng bước đi đâu,

Thế mà thiên hạ gót đầu vẫn hay.

Tuy rằng cửa đóng then cài,

Thế mà vẫn hiểu Đạo trời tinh vi.

Con đường phiêu lãng càng đi,

Càng xa càng lạc biết gì nữa đâu.

Cho nên hiền thánh trước sau,

Không đi mà biết, không cầu mà nên.

Cần chi vất vả bon chen,

Không làm mà vẫn ấm êm vuông tròn.»

(Đạo Đức Kinh, chương 47)

Nguyễn Đình Chiểu cũng viết trong Ngư Tiều vấn đáp y thuật (trang 372):

«Có Trời thầm dụ trong lòng,

Tuy ngồi một chỗ suốt thông trăm đời.»

Một khi đã có một đức độ siêu việt như vậy rồi, một đời sống nội tâm dồi dào và sâu xa như vậy rồi, dẫu có sống trong nghịch cảnh cũng không sao. Văn Thiên Tường sau này cũng viết trong bài Chính Khí Ca đại loại như sau:

«Anh hoa chính khí đất trời

Khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng.

Tràn mặt đất tuôn sông kết núi,

Vút trời mây chói lói trăng sao

Trần ai lẩn bóng anh hào,

Muôn ngàn khí phách rạt rào tầng xanh.

Thuở non nước thanh bình khắp chốn,

Nét đan thanh chóng lộn bệ rồng.

Sơn hà gặp buổi lao lung,

Càng cao tiết ngọc, càng bừng vẻ son.»

(Xem bản dịch Chính Khí Ca của tác giả, đăng trong Văn Đàn, số 37- 38, ngày 12- 25 tháng 7- 1962.)

Đức Khổng đã muốn chứng minh điều đó trong trường hợp đặc biệt sau: Phật bật mời đức Khổng. Ngài muốn đến. Tử Lộ can: «Trước đây Do này có nghe Thầy dạy rằng: Ngài quân tử chẳng vào đảng của kẻ gây ra việc bất thiện. Người Phật Bật chiếm đất Trung Mâu làm phản, nay Thầy muốn đến với va, lẽ sao nên.» Đức Khổng nói rằng: «Phải, trước kia ta có nói lời ấy. Nhưng ta cũng có nói câu này:”Vật chi thật bền chắc, dẫu mài cách mấy nó cũng chẳng mòn.” Ta cũng lại nói câu này:”Vật chi mà trắng trẻo, dẫu nhuộm nó cách mấy, nó cũng chẳng đen.” Ta há phải trái bàu để treo lòng thòng làm cảnh mà chẳng để ăn hay sao?» (LN, XVII, 7).

Câu ấy có nghĩa rằng đức Khổng đã lên tới bậc thánh nhân rồi, thì bản tính trở nên tinh khiết như bông sen thơm phức, tuy ở gần bùn cũng vẫn chẳng có hôi tanh mùi bùn.

Cho nên cuộc đời Ngài toàn hướng về sự hoàn thiện, cốt là để thực hiện sự hoàn thiện (LN, VII, 14: Cầu điều nhân được điều nhân thì còn oán trách gì nữa?) và dạy cho mọi người con đường hoàn thiện (Đại Học chương I, Trung Dung chương XX và XXI).

Cũng vì thế, phú quý mà bất nghĩa, Ngài coi như mây nổi (LN, VII, 15), công danh mà suông tình, Ngài cũng chẳng vấn vương (LN, XII, 4). Ngài biết mình có thể làm ích cho nhân loại bất kỳ ở đâu; dẫu có phải sống giữa mọi rợ Ngài cũng vẫn cải hóa được họ (LN, IX, 13); dẫu một vị lãnh đạo tầm thường mà thực tâm cầu Ngài chỉ giáo, thu65c tâm thi hành những điều Ngài chỉ bảo, Ngài cũng có thể giúp cho họ trở nên những vị vương giả chân chính (LN, XVII, 5).

Tóm lại, đức Khổng đã nhận thức được mình là một vị thánh nhân có một đời sống hoàn thiện, phối kết với Thượng Đế, ngay từ khi còn ở trần gian này.

Sứ mạng của Ngài sẽ là một sứ mạng hết sức cao cả: Đó là sứ mạng chỉ vẻ cho con người biết đường phát huy vật đạo, nhân đạo, và thiên đạo.

Thế nào là vật đạo? Vật đạo là lo cho mọi người có đủ cơm ăn áo mặc, sống trong những hoàn cảnh vật chất thuận tiện, sinh sôi nảy nở cho nhiều, cho đông. Đức Khổng tới nước Vệ. Ông Nhiễm Hữu đánh xe hầu Ngài, đức Khổng khen rằng: «Dân Vệ đông thay!» Ông Nhiễm Hữu hỏi: «Dân đã đông, nhà cầm quyền phải làm gì cho họ nhờ?» Đáp: «Phải giúp cho họ trở nên giàu có.» (LN, XIII, 9).

Trung Dung cũng viết:

«Hoàn thành mình là người nhân đức,

Tác thành vật là bực thông minh.

Thiên nhiên tự tính uy linh,

Trong ngoài hai mặt một mình quán thâu.

Nên quân tử biết câu sau trước,

Xếp thời giờ tổ chức cho hay.»

(Trung Dung chương 26)

Thế nào là nhân đạo? Nhân đạo là dạy cho con người biết sống cho xứng đáng với danh nghĩa con người; biết hiếu trung, tiết liệt, nhân hậu, từ nhượng, liêm sỉ, tín thành, trở nên những mẫu người quân tử, có một trí óc sáng suốt, một tâm hồn thanh cao, trang nhã như Kinh Thi mô tả:

«Kìa xem bên khuỷu sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai,

Người sao văn vẻ hỡi người,

Dường như cắt đánh rũa mài bấy nay,

Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.»

(Kinh Thi, Tản Đà, tr. 168)

Thế nào là Thiên đạo? Thiên đạo là dạy cho con người biết rõ rằng mình có nguồn mạch chí thành, chí thiện trong tâm khảm mình, nói cách khác, căn nguyên gốc gác con người, tuyệt đối thể, Thượng Đế, chẳng ở đâu xa, mà đã hiện diện ngay trong lòng con người. Vì thế con người cần phải kính cẩn, nghiêm chỉnh lòng lại, theo gương mẫu, khuôn phép hoàn thiện sẵn có trong lòng mình, mà tự tu tự luyện, để ngày một trở nên siêu phàm thoát tục, trở nên khinh khoát, trở nên hoàn thiện, và con người cố gắng triển dương mầm mống hoàn thiện sẵn có nơi mình cho tới tầm mức chí cao, chí đại, chí thành, chí thiện, mới được ngưng nghỉ. Đạt đạo tức là thực hiện được bản tính của mình, thực hiện được định mệnh sang cả của mình, phối kết với Thượng Đế. Trung Dung gọi thế là Trung Đạo hay đạo Phối Thiên (TD chương 30) mà Lão Tử cũng coi là tuyệt điểm tinh hoa của cổ nhân (ĐĐK, ch 47: Thị vị phối thiên, cổ chi cực). Đó cũng là tinh hoa mà bộ kinh Vệ Đà đã cố gắng phát huy. [13]

Thế tức là đức Khổng đã muốn giúp đất trời trong công cuộc hóa sinh. Trung Dung viết:

«Chỉ những bậc chí thánh trong thiên hạ,

Mới phát huy vẹn cả tính nhân loài.

Tận thiện mình rồi cải thiện mọi người,

Cải thiện người, rồi tác thành muôn vật.

Tác thành cho quần sinh trong trời đất,

Là giúp đất trời dinh dưỡng sinh linh.

Giúp đất trời trong công cuộc dưỡng sinh,

Nghiễm nhiên sẽ được cùng đất trời tham tán.»

(Trung Dung chương 22)

Muốn được vậy cần phải dạy cho con người biết rằng vạn sự, vạn vật trong vũ trụ cũng như trong con người đều hàm tàng những năng lực vô biên, đều có thể phát triển vô tận, cho nên cần phải học hỏi để biết tính chất, biết đường lối sử dụng và triển dương, phóng phát các tiềm năng, tiềm lực nơi vạn hữu và nơi con người. Trung Dung viết:

«Đạo trời đất một câu tóm hết,

Làm muôn loài chẳng biết hai khuôn.

Nhưng mà sinh hóa khôn lường,

Đất trời đường lối mênh mang rộng dày.

Cao minh trong sáng xưa nay,

Xa gần vĩnh cửu đó đây khôn lường.

*

Kìa như trời vài nguồn sang sáng,

Nhưng một khi tản mạn vô cùng.

Lửng lơ nhật nguyệt hai vừng,

Muôn vàn tinh tú tưng bừng treo trên.

Trời còn che chở mọi miền...

*

Kìa như đất vài thưng bụi cát,

Nhưng một khi bát ngát rộng dày.

Hoa sơn nó chở như bay,

Muôn vàn sông biển hút ngay vào lòng.

Đất còn chở hết non sông.

*

Kìa núi non, đá chồng mấy tảng,

Nhưng một khi khoáng đãng vươn cao.

Cỏ cây muôn khóm chen nhau,

Muôn chim cầm thú nương vào ở ăn.

Núi còn biết mấy kho tàng.

*

Kìa sông nước, mấy ang, mấy gáo,

Nhưng một khi biến ảo mênh mông.

Sấu, rùa, cá, giải, giao long,

Sinh sinh, hóa hóa vẫy vùng triền miên.

Nước còn biết mấy nguồn tiền,

Biết bao hóa phẩm còn chìm biển sâu.

*

Việc trời ngẫm xiết bao huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn áo, không cùng.

Thực là đáng mặt hóa công…

Đức vua Văn tinh thuần chói lọi.

Thế cho nên đáng gọi vua Văn,

Tinh ròng vĩnh cửu vô chung.»

(Trung Dung chương 26)

Văn Ngôn hào cửu nhị quẻ Kiền sánh vị thánh nhân ra đời như con rồng hiện ra giữa cánh đồng đem văn minh lại cho thiên hạ:

Văn Ngôn viết:

«Hào hai rồng hiện trong đồng,

Thế gian nhờ đó tưng bừng văn minh.»

Đức Khổng chính là con rồng thiêng đã có công lớn trong cuộc đem văn minh lại cho trần thế, nếu ta hiểu như Lecomte de Noüy: «Văn minh là nỗ lực để giải phóng con người khỏi đói khát, rét mướt, bệnh tật, đau khổ; giải thoát con người khỏi sự ngăn cách, khỏi những dục vọng, những khát khao; tổng quát lại, giải phóng con người về phương diện thể chất, giải thoát con người về phương diện tinh thần.» [14]

Đức Khổng hằng ôm ấp nguyện vọng cao siêu là làm bừng sáng ngọn đuốc lương tâm nhân loại, để đem an bình lại cho thiên hạ muôn đời.

Đại Học viết:

«Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc lương tâm cương quyết phát huy,

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng,

Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,

 Lòng định rồi, nhẹ gánh lo toan,

Hết lo, lòng sẽ bình an,

Bình an, tâm trí rộng đàng xét suy,

Suy xét rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời, ngành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Thế là gần Đạo, gần Trời còn chi,

Muốn Đức, sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa, lo cải hoá dân mình,

Trị dân, trước trị gia đình,

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên,

Dày công học vấn sẽ hay KHUÔN TRỜI.

Hay Khuôn Trời, ắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay ta sẽ hoá hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên,

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,

Nước trị bình, bốn bể bình an,

Từ vua cho tới dân gian,

Tu thân, một mực lấy làm căn cơ.»

(Đại Học, chương I).

Để kết thúc chương này, ta toát lược lai như sau:

- Đức Khổng hết sức tin vào thân thế và sứ mạng của Ngài. Ngài tin mình là vẻ sáng của Thượng Đế.

- Ngài dạy Vật Đạo, Nhân Đạo cho đa số, Thiên Đạo cho một thiểu số.

- Ngài muốn cảnh tỉnh nhân quần, cải thiện con người, dạy cho mọi người biết tự lực cánh sinh, biết cố gắng góp phần vào công trình xây dựng một xã hội công bình, trật tự, hoan lạc; cố gắng trau giồi nhân cách, cải thiện mình, để tiến mãi trên đường tinh hoa, hoàn thiện.

Vì vậy mà đức Khổng có lần vì mình như một người đánh xe (LN, IX, 2), đánh xe đạo lý để đưa muôn triệu người tới tinh hoa, tới hoàn thiện. Vì vậy mà quan tể đất Nhi đã ví Ngài như chiếc mõ gỗ (LN, III, 24): mõ gỗ để rao truyền chân lý cho vang dậy khắp muôn phương...


CHÚ THÍCH

[1] C’est un signe de médiocrité que d’être dépourvu d’enthousiasme. - Pierre Lecomte du Noüy, Entre Savoir et Croire, p. 117.

[2] Et Pasteur exaltent le mot lui-même, légué par les Grecs: entheos, un Dieu intérieur, écrivait que l’enthousiasme est à la recherche de la vérité matérielle, ce que la foi est à la vérité spirituelle: on ne peut atteindre l’une ou l’autre qu’à la condition d’être enthousiaste ou croyant. (Ib, p. 117)

[3] «Travaille et persévère. Le travail amuse vraiment et seul, il profite à l’homme, au citoyen, à la patrie.

«Quelle que soi la carrière que vous embrassiez, proposez- vous un but élevé. Ayez le culte des grands hommes et des grandes choses…

«Heureux celui qui porte en soi un Dieu, un idéal de beauté et qui lui obéit, idéal de la science, idéal de la patrie, idéal des vertus de l’évangile ! Ce sont là les sources vives des grandes pensées et des grandes actions. Toutes s’éclairent des reflets de l’infini.» -De l’Agnosticisme à la Foi, p. 82.

[4] Epictetus said: «The condition and characteristic of a vulgar person is that he never expects either benefit or hurt from himself, but from externals. The condition and characteristic of a philosopher is that he expects all hurt and benefit from himself…» - (Harry Emerson Fosdick, On Being A Real Person. Introduction XII.)

[5] There is a deep tendency in human nature to become like that which we imagine ourselves to be. (Ibid, p. 20).

[6] Il nous faut manger, boire, dormir, paresser, aimer, toucher aux choses les plus douces de cette vie et pourtant ne pas succomber, il faut qu’en faisant tout cela, les pensées antinaturelles auxquelles on s’est voué restent dominantes et continuent leur cours impassible dans notre pauvre tête; il faut faire de la vie un rêve et faire d’un rêve, la vie. - Pierre Curie. (Cf. Lecomte de Noüy, Entre Savoir et Croire, p. 197).

[7] What a bore it is, waking up in the morning always the same person! - Logan Pearsall Smith’s. Cf. Harry Emerson Fosdick, On Being a Real Person, p. 38.

[8] Bất hiển diệc lâm, vô dịch diệc bảo. - Kinh Thi, Đại Nhã, Tư Trai, Tứ chương, chương lục cú.

[9] Thượng thiên chi tải vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương, vạn bang tác phu. - Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất.

[10] Kinh Thi, Đại nhã, Văn Vương, Hoàng Hĩ Thượng đế 5.

[11] Kinh Thi, Đại nhã, Văn Vương, Hoàng Hĩ Thượng đế 6.

[12] Kinh Thi, Văn Vương: Văn Vương tại thượng, ô chiêu vu thiên…

[13] An essential part of the teaching regarding Brahman is the belief that a man can by personal effort, and use of inner knowledge, attain the union with the Divine One while still on earth. - nancy Wilson Ross, Three Ways of Asian Wisdom, p. 19.

[14] On peut dire que la civilisation représente un effort en vue d’une libération de plus en plus grande: libération de la faim, du froid, de la peur, de la maladie, de la douleur qui depuis des millénaires, ont menacé l’homme; libération de tous les esclavages, l’esclavage de la distance, du temps, vaincu par l’avion et la radio. Enfin l’esclavage des appétits, des passions, de tous les souvenirs charnels hérités de la bête… La combination de ces deux efforts, l’effort matériel d’une part, vers l’affranchissement du corps et l’effort moral, vers l’affranchissement de l’esprit, qui lui succède, représente donc la contribution de l’homme à la civilisation. - Entre Savoir et Croire, p. 199.


Mục lục | Phi lộ | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo