TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

 

CHƯƠNG XII

ĐƠN ĐẠO MẠN ĐÀM.


BÀN VỀ LUYỆN ĐƠN.

 

Đơn đạo là một vấn đề hết sức phửc tạp, khó hiểu. Lý do là vì:

-         Chính vấn đề đã khó.

-           Người viết thì giữ bí mật, không chịu công truyền. [1]

-         Người không biết, thì luận xằng, nghĩ bậy, rồi cũng viết sách để đời, thành thử vàng thau lẫn lộn, mắt cá lộn sòng với chân trâu,

Trong chương này, chúng ta sẽ cố gắng:

-         Nhìn bao quát về Đơn Đạo.

-         Tìm hiểu đơn đạo cho có mạch lạc.

-         Kiểm điểm và nhận định về đơn đạo.

 

Ít dòng lịch sử.

Trước khi đi vào chi tiết, tưởng cũng nên sơ phác ít dòng lịch sử về đơn đạo.

Đơn Đạo manh nha từ thời Chiến Quốc, [2] hình hiện vào thơì nhà Hán, [3] thời Tấn nhờ:

-Ngụy Bá Dương, thời Đông Hán, người Cối Kê, tác gỉa bộ Tham Đồng Khế.

-Cát Hồng, Bão Phác Tử, chết năm 61 tuổi đời vua Tấn Thành Đế, trong niên hiệu Hàm Hòa (284-344). Tác giả Bão Phác Tử nội ngoại thiên.

Đơn Đạo hoành dương vào thời Đường, thời Tống nhờ:

-Chung Ly Quyền thời Đường mạt Ngũ Đại, sư phụ của Lữ Đồng Tân, Trịnh Văn Thúc, Vương Lão Chí. Tác giả: Hoàn Đơn Ca, Phá Mê Chính Đạo Ca v.v...

-Lữ Đồng Tân [4] sinh đời Đường Đức Tông, Nguyên Trinh niên gian (798-?). Truyền thuyết cho rằng năm 862, khi ấy Ông đã 64 tuổi, mới gặp được Chung Ly Quyền.

-Trương Bá Đoan (987-1082) và đồ đệ (Nam Tông Phái chủ). (Tống)

-Vương Trùng Dương (1112-1170) và đồ đệ (Bắc Tông Phái Chủ. ( Cuối thời Tống).

Thời Tần, Hán các đạo sĩ chuyên luyện ngoại dược, nghiã là dùng những chất liệu bên ngoài.

Từ Chung Ly Quyền và Lữ Đồng Tân, đơn đạo mới chuyển ngược hướng, và cho rằng trong con người đã sẵn có các chất liệu để luyện thuốc trường sinh. [5]

Đến thời Minh, thời Thanh, ta thấy có thêm ít nhiều môn phái mới xuất hiện. Tuy nhiên, môn phái nào cũng cho mình là đệ tử chân truyền của Chung, Lữ nhị tổ. Các môn phái mới đó là:

-Lục Trường Canh tự Tiềm Hư (Đông Tông phái chủ) (Minh).

-Lý Tây Nguyệt tự Hàm Hư (Tây Tông phái chủ) (Thanh).

-Lý Đạo Thuần (Trung Phái chủ)

I. Cái nhìn bao quát vỀ Đơn ĐẠo.

Lý Đạo Thuần (Trung phái chủ) đã cho ta một cái nhìn khái quát về Đơn Đạo, Nó toát lược cho ta khuynh hướng chính yếu của các môn phái, và đồng thời cũng giúp ta đánh giá các khuynh hướng đó.

Tài liệu này đã đăng tải trong phần Phụ Lục của quyển Đại Thành Tiệp Kính, nơi các tr. 135-142 của Dương Thanh Lê. Tôi toát lược như sau:

Đơn Đạo có thể chia làm 3 loại chính:

-         Bàng Môn Cửu Phẩm.

-         Tiệm Pháp Tam Thừa.

-         Tối thượng nhất thừa.

Chúng ta sẽ đi sâu thêm vào tính chất, phương pháp, quan niệm của mỗi loại tu trì, với các phân phái của nó.

1. Bàng Môn tả đạo cửu phẩm,

Gồm chín loại: Tà đạo (thượng, trung, hạ), Ngoại đạo (thượng, trung, hạ), Bàng Môn ( thượng, trung, hạ).

a. Tà Đạo (Thượng, Trung, Hạ).

Chủ trương: Phòng trung thái chiến. Lấy vấn đề giao hoan, luyến ái làm bí thuật trường sinh..

b. Ngoại Đạo ( Thượng, Trung, Hạ).

Chủ trương:

- Hưu lương, tịch cốc.

Hoặc:

-Sái bối (phơi nắng lưng)

-Ngọa băng (nằm trên băng)

 

Hoặc muốn nuôi thân bằng cách:

-Thôn hà (nuốt mây Trời)

-Phục Khí (nuốt khí Trời)

-Nuốt ánh sáng các vì sao, nuốt Khí ngũ phương, hấp thụ tinh hoa của hai vầng nhật, nguyệt v.v...

c. Bàng Môn (thượng, trung, hạ)

Chú trọng:

1 Các phương pháp vận động để luyện tập thân thể như:

-Bát đoạn cẩm.

-Thổ nạp.

-Lục tự chú [6].

-Ma sát (massage)

-Chuyển vận con người.

-Chuyển vận xương sống.

Hoặc Tồn Thần, Chú Ý vào:

-Đơn Điền (thủ đơn điền)

-Rốn (thủ tễ luân)

-Ấn đường (lưỡng mi gian) (Thủ ấn đường)

-Mặc triều Thượng đế (Yên lặng triều kính Thượng Đế).

 

Bị Chú. Ta thấy các môn phái trên giống nhau ở chỗ:

-Lệ thuộc vào ngoại cảnh, ngoại vật rất nhiều.

-Dùng những phương tiện phi lý như nuốt mây trời, nuốt ánh sáng các vì sao v.v...

Vả lại, tôn chỉ của Đạo Lão là cố sống cho thật tự nhiên, theo đúng các định luật tự nhiên, cho nên những gì tần phiền, phức tạp, là Đạo Lão hết sức tránh.

Cho nên xếp những hạng người trên vào Tà Đạo hay Ngoại Đạo thật không oan.

2. Tiệm Pháp Tam Thừa. (ba hạng tiệm tu):

-An lạc pháp môn.

-Dưỡng mệnh pháp môn.

-Diên sinh pháp môn.

 

Hạ Thừa Đơn Pháp hay An Lạc Pháp Môn.

Chú trọng:

-Luyện Tinh

-Điều hòa ngũ tạng.

-Tu luyện xác thân.

 

Trung thừa Đơn Pháp hay Dưỡng Mệnh Pháp Môn.

Chú trọng:

-Luyện khí.

-Điều hòa Tinh, Thần, Hồn, Phách.

 

Thượng thừa Đơn Pháp hay Diên Sinh Pháp Môn (tăng Thọ)

Chú trọng:

-Luyện Tâm.

-Trừng phẫn (nén giận), trật dục (trừ dục).

-Diệt trừ vọng niệm.

 

Bị Chú.

Ta thấy khuynh hướng 3 môn phái này là đi dần dần vào Tâm.

3. Tối thượng thừa (hay Vô Thượng Chí Chân Đại Đạo).

Chủ trương:

-Tẩy Tâm, địch lự.

-Định, Tuệ.

-Thanh Tĩnh, Vô Vi.

-Khế hợp với Thái Hư, Thái Cực.

 

Bị Chú: Đó chính là Thiên Tiên Chi Đạo.

II. Tìm hiỂu Đơn ĐẠo cho có mẠch lẠc.

Muốn hiểu Đơn Đạo cho có mạch lạc, trước hết chúng ta phải nhìn nó dưới 2 khía cạnh:

-Triết Học.

-Đạo Giáo.

a. Nhìn Đơn Đạo dưới khía cạnh Triết Học.

Dưới khía cạnh triết học, Đơn Đạo chung qui vẫn là tất cả công trình suy tư về Bản Thể Chân Thực của con người, cũng như tất cả các phương pháp, các giai trình để thực hiện Bản Thể Chân Thực ấy.

Đơn Đạo chẳng qua là những áp dụng của Kinh Dịch vào phương pháp tu trì.

Theo Dịch, thì Bản Thể vũ trụ là Thái Cực, duy nhất, duy tinh.

Thái cực này đã sinh xuất ra vũ trụ và ra con người bằng cách phóng phát, tán phân, và luôn tiềm ẩn trong lòng con người.

-Suy tư, tìm kiếm cốt là để tìm ra căn bản ấy.

-Tu luyện cốt là để trở về với căn bản ấy.

-Trường sinh, bất tử chính là khế hợp với căn bản ấy.

Nếu Thái Cực đã phóng phát ra con người, và ra quần sinh, vũ trụ, thì con đường về với Thái Cực con đường nội tâm, phương pháp tu luyện để trở về với Thái Cực là phương pháp Thu Nhiếp, Ngưng Tụ và Hoà Hài (Thu Thần, nhập định, ngưng Thần, tụ Khí, hoà hài Âm Dương. Con đường Nội Tâm chính là Chiều Nghịch của vòng Dịch. Nếu Thái Cực đã tiềm ẩn đáy lòng, thì Trường Sinh Dược, mục đích của khoa Luyện Đơn cũng đã sẵn có nơi Thân, Tâm con người.

b. Nhìn Đơn Đạo dưới khía cạnh Đạo Giáo.

Nói theo từ ngữ Đạo giáo, từ ngữ Huyền học (mysticism), thì Đơn Đạo chính là công trình tìm Thượng Đế nơi đáy lòng. Đông, Tây đều ước muốn tìm ra con đường này. Ngày nay, người ta gọi đó là Con Đường huyền nhiệm, hay đạo huyền đồng (mysticism).

Mục đích tối hậu của đơn đạo chính là đI đến chỗ Khế Hợp với Thiên Tâm, với Thượng Đế. Đạo Đức Kinh, chương 68, gọi thế là Phối Thiên. Lão Giáo gọi thế là Thiên Nhân hợp Nhất. Phối Thiên là Trường Cửu. Nó chính là Niết Bàn của Phật Giáo.

Tất cả các phương pháp tu luyện chung qui là sửa sang cho Tâm thần trở nên xứng đáng làm tòa ngôi của Thượng Đế Chí Tôn.

Những nhận định trên đây của tôi hết sức là trung thực, không thiên về một Đạo Giáo nào, vì đó là kho tàng chung của nhân loại.

c. Áp dụng những quan niệm trên để tìm hiểu Đơn Đạo.

Với những quan niệm trên làm kim chỉ nam, ta sẽ đi vào Đơn Đạo một cách hết sức thoải mái.

1. Trước hết, ta tìm hiểu về chữ Đơn.

Chữ Đơn, đầu tượng Nhật, chân tượng Nguyệt.

Chấm ở giữa là Thử Châu (Thái Cực)

Nét ngang là “ Được”.

Trước thời Hán, thì gọi là Đạo, sau thời Hán thì gọi là Đơn. [7]

Thế nghĩa là: Đơn chính là Thái Cực, bao quát Âm Dương, đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, và thu gọn lại ở thế cực tiểu, như hạt vừng (Thử) theo từ ngữ Trương Tam Phong. Tu Đơn Đạo cốt là để Đắc Thái Cực, Đắc Đạo, vì Đơn chính là Đạo, là Thái Cực vậy.

-Đơn chính là Độc Nhất. Chỉ có Đạo là Độc Nhất Vô Nhị, cho nên gọi là Đơn. Trời được Một thời trong xanh, đất được Một thời đầy đặn, người được Một thời Trường Sinh. [8]

Định nghĩa này cho thấy: Muốn trường sinh phải Đắc Đơn, Đắc Đạo, Đắc Nhất.

-Kết Đơn chi Đạo chỉ là Nhất mà thôi. Mà Nhất chẳng qua chỉ là Hư mà thôi. [9]

Định nghĩa này đưa ta trở về với Hư với Vô Cực.

Định nghĩa này còn cho thấy Đơn là Thái Cực tiềm ẩn trong thân.

-Tâm là Đơn, Đơn là Tâm. [10]

-Đơn là Đạo, Đạo là Đơn. [11]

-Đơn là Bản Thể, là gốc gác của Trời đất, vạn vật.

 

Cái gì là Gốc của Trời đất, vạn vật? Đó là Đơn, là Đạo. Nó Hư Vô không thể đặt tên, nên tạm gọi là Đạo. Hư sinh Một, Một sinh Vạn, Vạn qui Nhất, Nhất qui Hư. [12]

Định nghĩa này lại càng cho thấy: Đơn là Thái Cực và sách Đại Đỗng chân kinh cũng cho rằng:

Muốn tìm gốc gác phải tìm nơi Thái Cực.[13].

Xướng Đạo Chân Ngôn còn cho rằng: khi con người bừng tỉnh, nhận ra được Thái Cực nơi Tâm, tức là nhìn thấy Bản Lai Diện Mục của mình, thấu triệt được Căn Nguyên của mình. [14]

Những danh từ như:

-Cùng thủ sinh thân, thụ khí sơ. [15]

-Thử mễ bảo Châu. [16]

-Nhất lạp Kim Đơn. [17]

-Nhất lạp túc [18],

đều là những danh từ để chỉ Thái Cực tiềm ẩn nơi Tâm.

-Kim Đơn.

Kim là Pháp Thân bất hoại

Đơn là Thực Tướng Viên Mãn. [19]

Định nghĩa này cho thấy: Đơn của Lão Giáo tức là Pháp Thân của Phật Giáo.

-Đơn Đạo dạy con người con đường Hoàn Phản, Phản Bản, Hòan Nguyên. Chính vì thế mà người xưa định nghĩa:

Thất phản là Phản Bản.

Cửu Hoàn là Hoàn Nguyên.[20]

2. Muốn phản bản hoàn nguyên phải đi theo chiều nghịch. chiều hướng nội.

Muốn phản bản, hoàn nguyên phải đi theo chiều nghịch, chiều qui tâm, hướng nội.

“Thuận sinh nhân, nghịch sinh Đơn.” (Trương Tam Phong).

“Thuận vi phàm, nghịch vi tiên.” [21].

“ Phải hồi tâm, mới có thể hướng Đạo.: [22]

Tôn Bất Nhị viết:

Thuận kỳ cơ, để hành nhân đạo. [23]

Nghịch kỳ cơ, để hành Tiên Đạo.[24]4

Sinh cơ ngoại phát, gọi là Thuận. [25]

Sinh cơ nội liễm, gọi là Nghịch. [26]

 

Tiên Học Diệu Tuyển viết:

“Kim đơn Đại Đạo từ Hữu Vi nhập Vô Vi, tức là Liễu Mệnh (lo cho thân thể khang cường NVT), kiêm Liễu Tính (tu tâm, luyện Thần NVT), có như vậy Thần Hình mới song toàn, viên mãn.” [27]

Xướng Đạo Chân Ngôn viết:

“ Tâm nội quan tâm, mịch bản tâm,

Tâm tâm câu tuyệt, kiến Thiên Tâm.

Chân Tâm minh triệt, thông tam giới,

Ngoại đạo, thiên ma bất cảm sâm.” [28]

Dịch:

Rong ruổi trong tâm, kiếm bản tâm,

Phàm tâm diệt tích, kiến Chân Tâm.

Chân Tâm minh triệt, thông tam giới,

Ngoại đạo, thiên ma chẳng dám sâm.

“Xưa nay, thánh hiền cầu Đạo, đều không hướng ngoại tìm cầu. Chỉ tĩnh định mà cầu ở nơi nhất tâm...trong đó có đủ mọi sự.” [29]

Tôn Bất Nhị còn gọi công trình đi từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên là Cửu Chuyển hoàn đơn, hay Phản Hoàn, Nghịch Chuyển. [30]

Kim Đơn Đại Đạo trọng tại Nghịch Chuyển Tạo Hoá, cho nên nếu Tạo Hoá phát tán đi từ Nhất ra Vạn, để sinh hóa ra vạn hữu, thì Tu Đơn phải đi từ Vạn trở về Nhất, phải thu nhiếp, hòa hài, tập hợp để trở về vơí Thái Cực Tiên Thiên. [31]

Trương Bá Đoan cũng lý luận tương tự như vậy. Ông viết:

“ Nhận rằng Đạo từ Hư Vô sinh xuất vạn vật, theo chiều Thuận, còn Tu Nội Đơn thời đi ngược lại: Phải trở về Hư Vô, phải hợp nhất với Đạo.

Luyện Đơn diệu dụng, theo Kiền Khôn,

Kiền Khôn vận chuyển, sinh Ngũ Hành.

Ngũ Hành thuận chuyển sinh sống chết,

Ngũ Hành nghịch chuyển hoá Kim Đơn.” [32]

3. Phải thu nhiếp tất cả về Một.

-Thu nhiếp ngũ khí, ngũ hành (Tinh, Thần, Hồn, Phách, Ý) trở về Thái Cực.

Người xưa gọi thế là Toàn Thốc Ngũ Hành hay Ngũ Khí Triều Nguyên.

-Thu nhiếp tứ tượng (tinh thần, hồn, phách) về vơí Thái Cực. Người xưa gọi thế là: Tứ Tổ qui gia.

-Thu Nhiếp Tam Tài về cùng Thái Cực (Tinh, khí Thần).

-Tam Hoa qui đỉnh.

-Thu Nhiếp Lưỡng Nghi về cùng Thái Cực (Lưỡng Nghi đây là Thần Khí). Và tới đây, thì các danh từ trở nên vô cùng hùng hậu, bởi vì thay vì dùng 2 chữ Thần Khí, thì người ta nói Long Hổ: Anh Nhi, Xá Nữ; Kim Ô, Ngọc Thố; Diên, Hống; Hắc Qui, Xích Xà; Khảm Ly; Thủy Hỏa; Âm Dương; Kim tinh, Mộc dịch; Mã Ngưu; Thần Thủy, Hoa Trì v.v...

4. Thu Nhiếp tất cả về Thái Cực, Trung Cung.

-Muốn thu nhiếp, phải thu nhiếp về một nơi nào. Nguyên tắc là thu nhiếp về Trung Cung, Thái Cực. Lúc ấy, Trung Cung Thái Cực được gọi là Huỳnh Bà Xá, Trung Cung, Trung Hoàng, Mậu Kỷ Môn, Phục Mệnh quan v.v...

Nhưng trên thực tế là thu nhiếp về 1 Đơn Điền nào đó trong con người (hoặc Thượng, Trung, Hạ). Nhưng chung qui, thường là thu nhiếp về Thượng Đơn Điền hay Nê Hoàn Cung.

Tính Mệnh Khuê Chỉ tóm tắt bằng câu sau:

“Tứ Tượng, Ngũ Hành toàn thốc ư nhất đỉnh. Hồn hữu linh ư Thiên Cốc, Lý Ngũ Khí ư Nê Hoàn.” [33]

Nếu ta dùng quan niệm Đạo Giáo mà tìm hiểu khoa Luyện Đơn, ta sẽ thấy 1 chiều hướng thứ 2, với những nét chính yếu sau đây:

Trong tâm ta có Đạo, có Trời, mà ta chẳng biết, chẳng hay. Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 11a có thơ:

Tá vấn Chân Nhân hà xứ lai?

Tòng tiền nguyên chỉ tại Linh Đài.

Tích niên, vân vụ, thâm già tế,

Kim nhật tương phùng, đạo nhỡn khai.

Dịch:

Chân Nhân ướm hỏi tới từ đâu?

Tâm khảm tiềm tàng sẵn đáy sâu.

Thủa trước Linh Đài vân vụ phủ,

Ngày nay gặp gỡ hết xa nhau.

Như vậy, con người phải tu tâm, luyện kỷ, định tĩnh, thanh hư, để mong thấy Đạo, thấy Trời hiện ra trong tâm khảm mình.

Tam Mao Chân Quân có thơ:

Linh Đài trạm trạm tự băng hồ,

Chỉ hưá Nguyên Thần lý diện cư.

Nhược hướng thử trung lưu nhất vật,

Khởi năng chứng Đạo, hợp Hư Vô.

Dịch:

Tâm linh vằng vặc tự băng hồ,

Chỉ khứng Nguyên Thần lý diện cư.

Nếu để vật chi vương vấn đó,

Làm sao chứng Đạo, hợp Hư Vô.

 

5. Tu Luyện phải Kiến Thiên Tâm, mới là Giác Ngộ. Đó là vào được quẻ Phục trong con người.

Tu luyện mà tự nhiên kiến Thiên Tâm, thời là lúc giác ngộ. Người xưa gọi là Hoạt Tí Thời. Thời kỳ này sẽ cho ta chứng kiến được những thay đổi, những chuyển biến hết sức quan trọng, lớn lao trong tâm hồn. Gọi là Hoạt Tí, vì nó thay đổi tùy người không nhất định. Chúng ta khi đi tới 1/2 cuộc đời, vào khoảng 36 tuổi, là lúc có thể Kiến Thiên Địa chi Tâm, là lúc có thể giác ngộ. Đức Phật và Huệ Năng chẳng hạn giác ngộ năm 36. Có nhiều người chậm hơn. Đức Khổng giác ngộ năm 50, Lữ Đồng Tân cũng vậy.[34]

Dịch Kinh viết: Phục kỳ kiến Thiên Địa chi Tâm hồ? (Xem quẻ Phục).

Tiên Học từ điển nơi tr. 78 có ghi:Thiên Tâm kiến, Hoạt Tí hiện. (Châm Thạch Tử).

Người xưa ghi lại những biến chuyển quan trọng của Tâm Hồn mình, khi Kiến Thiên Tâm bằng những vần thơ sau:

Bách tự Bi của Lữ Đồng Tân có câu:

Âm dương sinh phản phúc,

Phổ hoá nhất thanh lôi.

(Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 16)

Thiệu khang Tiết có thơ:

Hốt nhiên, dạ bán, nhất thanh lôi.

Vạn hộ thiên môn thứ đệ khai. (Như trên. tr. 16)

Chung Ly Quyền có thơ:

Đạt nhân thái đắc Tiên Thiên Khí,

Nhất dạ lôi thanh bất tạm đình.

 

(Những chữ Nhất dạ lôi thanh, bán dạ nhất thanh lôi đều mượn ý nơi quẻ Phục, vì Phục là Địa Lôi Phục: Sấm rung lòng đất là Phục. Ở Trời Đất, tình trạng quẻ Phục xảy ra vào ngày Đông Chí, lúc nưả đêm. Ở nơi con người nó xảy ra khi lòng con người Hư Tĩnh, chính vì vậy mà quẻ Phục ứng với chòm sao Hư trong Thiên Văn.

6. Sống kết hợp với Đạo, với Trời, mới thành Thiên Tiên.

Nhân Tâm nhược dữ Thiên Tâm hợp,

Điên đảo Âm Dương chỉ phiến thời. (Cổ Thi)

Dịch:

Nhân Tâm cùng với Thiên Tâm hợp,

Điên đảo Âm Dương ấy chính thời.

(Điên đảo Âm Dương là thời khí từ Khôn, thuần Âm, sang quẻ Phục, là quẻ “nhất Dương”.)

Sách Tiên Học Từ Điển định nghĩa Thiên Tiên như sau:

Thiên Tiên về Bản Thể cũng đồng một thể Thái Hư như Trời.

Về Đức, cũng như Trời, che chở muôn vật.

Về Ý, cũng Vô Cực như Thiên Tâm.

Siêu việt lên trên 33 tầng Trời.

Chung Ly Quyền viết:

Kham ta vô hạn học tiên giả,

Tổng dữ Thiên Tiên đạo dị môn.

Dịch:

Buồn thay vô số kẻ học Tiên,

Cùng với Thiên Tiên khác nỗi niềm.[35]

Chính vì vậy, mà những ngươì vô đức không bao giờ học được đạo Thiên Tiên. Lý do là vì những người vô đức thời lòng họ xa cách Trời muôn trùng. Cho nên chỉ những kẻ hữu đức mới mong khế hợp với Trời, mới mong hiểu biết được Thiên Cơ, được bí quyết luyện đơn.

Chung Ly Quyền viết:

Nhược phi phù khế Thiên duyên sự,

Thuỳ bả Thiên cơ quyết dữ công.”

Dịch:

Lòng không phù khế Thiên duyên sự,

Thiên cơ hồ dễ được truyền tâm. [36]

7. Các giai đoạn của Phương Pháp Luyện Đơn.

Như vậy, luyện đơn gồm nhiều giai đoạn, từ thấp đến cao, từ hữu vi đến vô vi, từ xác thân, đến tâm tư, đến Nguyên Thần.

Nếu ta chấp nhận con người có 3 phần:

a. Phần Thiên: Thần, Nguyên Thần, Thái Cực, Thái Hư, Thiên Tâm, Đạo.

b. Phần Nhân: Nhân Tâm, Phàm Tâm, gồm thất tình, lục dục, vọng niệm, thức thần.

c. Phần Địa: Xác thân.

Và nếu ta đảo ngược ba phần trên lại, để đi từ thấp đén cao, từ hữu vi đến vô vi, từ hữu hình đến vô tướng, từ ngoài thân xác, hình hài vào đến Trung Điểm Tâm Thần, ta sẽ thấy khoa luyện đơn gồm:

1. Các phương pháp luyện thân xác cho khang kiện:

Dưới đề mục này, ta có thể xếp các phương pháp:

-Dinh dưỡng, ẩm thực.

-Cư trú.

-Dược vật.

-Thể thao (động công: Bát Đoạn Cẩm, Thập Nhị Đoạn Cẩm).

-Ma sát, Án Ma.

-Yết Tân.

-Thổ nạp.

-Vận Khí điều tức:

-Hô hấp thông thường (Ngoại hô hấp)

-Hô hấp qua 2 mạch Nhâm, Đốc. (Nội hô hấp)

Chung qui, vận khí điều tức là vấn đề then chốt của khoa luyện đơn.

Những người căn cơ thấp thường chỉ luẩn quẩn trong những loại công phu này.

 

2. Các phương pháp tu luyện tâm hồn.

-Trừng phẫn trật dục.

-Thu nhiếp phóng tâm.

-Tiêu trừ vọng niệm.

-Tĩnh định.

-Hư tâm.

 

3. Giai đoạn luyện Thần, đắc Nhất, đắc Đạo, đắc Thiên.

Giai đoạn này là giai đoạn chứng ngộ Bản Thể. Đây mới chính là giai đoạn Đơn Thành.

Mới hay:

“Khuyến quân cùng thủ Sinh Thân Xứ,

Phản Bản Hoàn Nguyên, thị dược vương.” [37]

 

Dịch:

“Khuyên anh trở lại Nguồn Gốc cũ,

Phản bản, hoàn Nguyên ấy Tiên Đơn.”

III. KiỂm điỂm và nHẬn đỊnh vỀ Đơn ĐẠo.

Trước hết ta nhận định rằng:

1. Ngoại dược không thể đem lại Trường Sinh, vì nêú có như vậy, thì các vua chúa, các người giàu có trên thế gian này, không ai chết cả.

2. Trường sinh là Trường sinh về phương diện Thần, Nguyên Thần chứ không phải Trường Sinh bằng hình hài. Nếu mà Nguỵ Bá Dương đã Trường Sinh bằng xác thân, thì Ông đã siêu việt trên cả Phật Thích Ca, hơn cả Lão Tử, Trang Tử, hơn cả Chúa Giêsu.

3. Khoa Luyện Đơn thực ra phải diễn biến theo đúng qui luật tiến hóa tự nhiên của Trời Đất.

Trần Nê Hoàn viết:

Thần Tiên pháp độ chân tự nhiên. (Tiên học diệu tuyển)

4. Trong thân ta, vì có Thái Cực, nên đã có đủ dược liệu để luyện thuốc trường sinh.

Chỉ Huyền Thiên viết:

Chân chính đại dược tại Thân trung cầu chi, bất tại ngoại thủ.” [38].

Sau đây là những nhận định về 3 giai đoạn luyện đơn:

a. Nhận định về Tu luyện xác thân.

Phương pháp tu luyện xác thân như ta đã kể trên, rất là đa đoan, phức tạp. Nhưng phương pháp trọng yếu nhất của Khoa Luyện Đơn là Hô Hấp.

-Không phải luyện Hô Hấp thường bằng phổi (respiration pulmonaire), mà người xưa gọi là Hậu Thiên Hô Hấp hay Ngoại Hô Hấp.

-Mà còn hô hấp qua tuỷ xương sống (respiration médullaire) tức là: vận chuyển Chân Khí có sẵn trong tủy xương sống, từ Vĩ Lư lên Nê Hoàn (qua mạch Đốc), rồi lại từ Nê Hoàn qua Mạch Nhâm, xuống cho tới Sinh Tử Quan (Hội Âm, Âm Kiều, Hải Để). [39]

-Chẳng những dạy chuyển vận Chân Khí mà còn dạy cách ngưng Thần ở Nê Hòan. Người xưa gọi thế là Thai Tức ( tôi dịch là: respiration embryonnaire).

-Bế khí, ngưng Thần ở Nê Hoàn, nghĩa là hoàn toàn đình tức (arrêt respiratoire), đồng thời nhập Đại Định (ngưng Thần= Samadhi).

Tôi đã đề cập đến vấn đề quan trọng này trong quyển Huỳnh Đình Kinh bình giải cuả tôi, một cách cặn kẽ hơn, nơi chương 20 và 30.

Nó quan trọng đến nỗi người xưa gọi các Đơn Gia là Khí Sĩ. [40]

Nó quan trọng đến nỗi nếu hiểu được 2 chữ Thần, Khí là hiểu được Dược Vật, Hỏa Hầu, hiểu được đại bộ phận của Khoa Luyện Đơn.[41]

Bạch Ngọc Thiềm viết:

“Thần là Hoả, Khí là Dược.” [42]

“ Dùng thần ngự khí thời sẽ thành Đạo”.[43]

Bạch Ngọc Thiềm viết thêm:

“Cái vi diệu của khoa Luyện Đơn là do biết Ngưng Thần. Thần Ngưng thì Khí tụ. Khí tụ tức Đơn thành. “ [44]

Huỳnh Nguyên Cát viết:

“Đơn Đạo chẳng ngoài Thần Khí. Mới đầu thời Thần Khí xa cách nhau. Ta đem Thần điều Khí, dùng Khí ngưng Thần, cuối cùng Thần Khí dung hoá trong Hư Không, hợp thành một đoàn, to như Thử Mễ Chi Châu, treo ở nơi Tứ Đại Ngũ Hành không vương vấn được.” [45]

Sách Trúc Cơ Tu Chứng viết: “Đình tức ư Nê Hoàn” (Ngưng thở ở Nê Hoàn). [46]

Tiên Học Diệu Tuyển nơi tr. 162 có ghi lời Cao Cái Sơn Nhân, Ngô Ngộ như sau:

“Nội đơn chính là Tồn Thần, bế tức. Nếu lại còn Hư Tâm, Tuyệt Lự thì hoàn toàn giống Thiền Định.” [47]

Mới hay Luyện Mệnh, Luyện Hình, Luyện Thần không gì bằng Hô Hấp Tiên Thiên. Không gì bằng: Vận Khí, điều Tức.

Muốn diên niên, không gì bằng đem được Thần Khí về Nê Hoàn.

Ngũ Tổ nói:

“Hiểu rành Hô Hấp sẽ thành Tiên.” [48]

b. Nhận định về giai đoạn Tu Tâm.

Giai đoạn này có thể tóm tắt bằng 2 chữ: Định, Tĩnh.

Tiên Học Diệu Tuyển tr. 162 có viết:

“12 bộ Tam Tạng (Phật giáo) chỉ nói về chữ Định; vạn quyển Đơn kinh (Lão Giáo) chỉ nói về chữ Tĩnh mà thôi.” [49]

Mã Đơn Dương nói:

“Tâm thanh, ý tĩnh tam đơn kết”

Thạch Hạnh Lâm viết:

“Tâm có định, đơn mới thành. Tâm không định Đơn không kết.” [50]

Bạch Ngọc Thiềm nhận định:

“ Người học Đạo lấy Dưỡng Tâm làm chủ. Tâm mà động, thời Thần mệt. Tâm mà định, thời Thần nhàn. Thần mệt thì Đạo ẩn, thần nhàn thì Đạo sinh.” [51]

Kinh Vân: “Nhân năng thường thanh tĩnh, Thiên Địa tất giai qui. “ [52]

Kiến Tính Tụng viết:

“Tâm thanh, ý tĩnh, Khí hoà, Thần định, Chân tức miên miên, Linh quang oánh oánh.” [53]

Phương Đại Tâm viết:” Nếu con người có thể sống thanh hư, đạm bạc, tự nhiên sẽ thấy Bản Lai chi Tính Thiên.” [54]

Tự Nhiên Cư Sĩ có thơ:

Tâm như minh kính liên thiên tịnh,

Tính tự hàn đàm, chỉ thủy đồng.

Thập nhị thời trung, thường giác chiếu,

Hưu giao muội liễu chủ nhân Ông.[55]

Dịch:

Tâm như gương sáng mây trời vắng,

Tính tưạ hồ thu nước lắng trong.

Suốt ngày tuệ giác thường chói lói,

Đừng làm mờ mất Chủ Nhân Ông.

Tóm lại:

Dược vật chỉ từ Hư Vô hái,

Đại đơn toàn tại Định trung thiêu.[56]

 

c. Nhận định về giai đoạn luyện Thần hoàn hư, phục qui Vô Cực.

Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn tìm ra được Chân Tướng của con người, tìm ra đựơc đoan đích, tìm ra được đầu giây, mối rợ của khoa Luyện Đơn.

Đó là giai đoạn tìm ra được Thái Cực, được Trời, được Đạo tiềm ẩn trong Tâm.

Đến đây, ta mới hiểu tại sao Đơn lại là Trường Sinh Dược. Đơn chính là Đạo, chính là Thái Cực. Mà Thái Cực hay Đạo thời trường sinh, vĩnh cửu, nên Đắc Đạo, Đắc Nhất, Đắc Đơn, Đắc Thiên sẽ được Trường Sinh.

Đứng từ trên đỉnh thẳm này, nhìn bao quát lại công trình của khoa luyện đơn, ta sẽ thấy rằng:

Thái Cực, Đạo, Trời là căn cơ, là then chốt, là mục tiêu tối hậu của khoa Luyện Đơn.

Không biết có Thái Cực trong thân, không thể Luyện Đơn.

Trương Tam Phong có thơ:

Tầm chân phỏng Đạo, hữu hà nan,

Chỉ yếu nhân tâm thức đảo điên.

Hưu hướng ngoại thân tầm chí dược,

Tất tu thân nội, mịch chân diên. [57]

Dịch:

Tầm Chân, phỏng Đạo khó chi đâu,

Chỉ cốt nhân tâm hướng nội cầu.

Thôi đừng thân ngoại, tìm chí dược,

Hãy lo thân nội đoạt Thử Châu (Thái Cực)

Mới hay:

Nhất Linh Chân Tính là Đơn,

Mượn lò Tứ Đại, luyện đoàn thử coi.

Chân Như ấy chính Dược Tài,

Ảo thân lò ấy, giúp người luyện Đơn,

Công phu liên tục, lan man,

Từ trong Định Tĩnh, chu toàn Thánh Thai. [58]

 

KẾt LuẬn.

Nói về khoa Luyện Đơn không biết bao giờ cho cùng. Cho nên, trong bài này, tôi đã cố tránh các thuật ngữ, cố bàn về đại cương mà không đi vào chi tiết, cố tìm cho ra con đường giản dị mà đi, chứ không đâm sầm vào các đường quanh phiền tạp.

Tới đây, tôi liên tưởng đến 2 câu thơ của 1 vị Tống Triết danh tiếng là Lục Tượng Sơn:

Giản dị công phu chung cửu đại,

Chi li sự nghiệp cánh phù trầm.[59]

Dịch:

Giản dĩ công phu mà cửu đại,

Chi ly sự nghiệp lại phù trầm.

 

Tôi cũng không muốn nói nhiều hơn về đơn đạo vì:

Đã thông, một tiếng đủ rồi,

Đã mờ, nói mãi rối bời, ích chi? [60]

 

Tôi kết luận chương này bằng mấy yếu quyết:

-Ngưng Thần, điều tức, điều tức, ngưng Thần. (Giai đoạn I) [61].

-Thần thanh, khí sảng, thân tâm hòa sướng. (Giai đọn I, & II) [62]

-Tức điều, Tâm tĩnh, khả dĩ nhập Đạo. (Giai đoạn I & II, chuẩn bị cho giai đoạn III.) [63]

-Thần hình câu diệu, dữ Đạo hợp chân (Đúc kết cả 3 giai đoạn) [64]


 

CHÚ THÍCH

[1] Khẩu quyết yên năng chỉ thượng minh.

口 訣 焉 能 紙 上 明?

Tiên học từ Điển tr. 40.

[2] Nam Hoa kinh; chương Khắc Ý, đoạn A và B.

[3] Hán dĩ tiền vị chi Đạo, Hán dĩ hậu vị chi đơn.

Tiên Học từ Điển, tr. 62.

[4] Đường đại sư tổ Chung Ly Quyền, Lữ Đồng Tân xuất.

Đạo gia trường sinh bí quyết, tr. 63.

[5] Như trên. tr. 63.

[6] Huỳnh Đình Kinh giải, chương 6

[7] Đơn tự, đầu tượng Nhật, cước tượng Nguyệt. Trung nhất điểm vi Thử Châu. Nhất hoạch vi đắc. Hán dĩ tiền vị chi Đạo, Hán dĩ hậu, vị chi Đơn.

Tiên Học Từ Điển, tr. 62.

[8] Đơn giả, đơn dã. Duy Đạo vô đối, cố viết Đơn. Thiên đắc Nhất dĩ thanh, địa đắc Nhất dĩ doanh, nhân đắc Nhất dĩ trường sinh.

[9] Kết Đơn chi đạo, Nhất nhi dĩ hĩ...Nhất vô tha...Hư nhi dĩ hĩ.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 2, tr. 11.

[10] Tâm tức Đơn, Đơn tức Tâm.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 231.

[11] Đơn tức Đạo dã, Đạo tức Đơn dã.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 263.

[12] Đơn giả, Thiên Địa vạn vật chi bản dã, hà vị dĩ vi Thiên Địa vạn vật chi bản, viết: Đơn giả, Đạo dã. Đạo giả, Hư Vô chi thể dã. Hư Vô bất khả lập danh, cố thánh nhân cưỡng dĩ Đạo danh chi. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn, Vạn qui Nhất, Nhất qui Hư.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 3, tr. 19a.

[13] Căn bản do tòng Thái Cực tầm.

Đại Đỗng chân kinh, tr. 4b.

[14] Đỗng kiến Bản Lai Diện Mục, chứng triệt Nguyên Căn.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 1, tr. 2b.

[15] Kim đơn yếu quyết, tr. 1b.

[16] Trương Tam Phong, Đạo thuật hối tông, q. 3, tr. 101

[17] Xướng Đạo Chân Ngôn, q.2 , tr. 8.

[18] Nhất lạp túc trung tàng thế giới.

Tiên học, tr. 30.

[19] Kim giả, bất hoại chi Pháp Thân, Đơn giả, viên thành chi thực tướng.

Tiên Học, tr. 9.

[20] Thất phản giả, phản bản. Cửu hoàn giả, hoàn nguyên.

Hoàn Nguyên Thiên, tr. 4a. Hậu tự.

[21] Trương Tam Phong Đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 59.

[22] Trương Tam Phong Đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 56.

[23] Thuận kỳ cơ nhi hành nhân đạo.

Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 20

[24] Nghịch kỳ cơ, nhi hành Tiên Đạo.

Như trên. tr. 20.

[25] Sinh cơ ngoại phát vi Thuận.

Như trên. tr. 20.

[26] Sinh cơ nội liễm vi Nghịch.

Như trên. tr. 20.

[27] Kim đơn Đại Đạo tòng hữu vi nhi nhập vô vi, tức Liễu Mệnh nhi kiêm Liễu Tính, phương thị Thần Hình câu diệu.

Tiên học diệu tuyển, tr. 99.

[28] Tiên Học diệu tuyển, tr. 383.

[29] Cố tòng thượng thánh hiền cầu Đạo, đô bất hướng ngoại trì cầu, tĩnh nhi cầu chi ư nhất tâm, vô bất cụ túc.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 4, tr. 35.

[30] Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 13-14.

[31] Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 14.

[32] “ Nhận vi Đạo tự Hư Vô sinh vạn vật, thị thuận sinh quá trình, nội đơn tu luyện tắc phản thử. Đương phục qui Hư Vô, dữ Đạo hợp nhất.

Đại Đơn diệu dụng pháp Kiền Khôn,

Kiền Khôn vận hề, ngũ hành phân.

Ngũ Hành thuận hề, thường Đạo hữu sinh hữu tử,

Ngũ hành nghịch hề, đơn thể thường linh, thường tồn.”

認 為 道 自 虛 無 生 萬 物, 是 順 生 過 程。 丹 修 鍊 則 反 此,

當復 歸 虛 無, 與 道 合 一。

大 丹 妙 用 法 乾 坤

乾 坤 運 兮, 五 行 分

五 行 順 兮, 常 道 有 生 有 死,

五 行 逆 兮, 丹 體 常 靈 常 存。

Trung Quốc Đạo Giáo, Khanh Hi Thái chủ biên, tr. 305.

[33] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 10a.

[34] Ngũ thập tri thiên mệnh (Luận Ngữ, II, 4)

      Ngô đắc Đaọ niên ngũ thập.

Trung Quốc Đạo Giáo, tr. 296, khi nói về Lữ Đồng Tân.

[35] Thể đồng Thiên thanh chi hư, Đức đồng Thiên chi phú trù, Ý đồng Tiên Tâm chi vô cực, siêu việt hồ tam thập tam thiên chi ngoại giả... Chung tổ viết: “Kham ta vô hạn học Tiên giả, Tổng dữ Thiên Tiên Đạo dị môn.”

Tiên Học Từ Điển, tr. 46.

[36] Cái vô đức giả, dử Thiên tương cách quá viễn. Hữu đức giả tất hợp ư Thiên. Tắc Thiên Nhân dĩ hợp nhất, kỳ cơ tự nhiên thấu. Chung tổ viết:” Nhược phi phù khế Thiên duyên sự, Thùy bả Thiên cơ quyết dữ công.

Tiên học từ điển, tr. 47. Nơi chữ Thiên Cơ.

[37] Trương Tử Dương, Ngộ Chân Thiên. Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 101.

[38] Tiên Học từ Điển, tr. 93.

[39] Huỳnh Đình Kinh Giải, Nguyễn Văn Thọ, chương 20)

[40] Tu luyện giả danh vi Khí Sĩ.

Tiên Học Tập Cẩm, tr. 311.

[41] Nếu ta thay 2 chữ Thần,Khí bằng các danh từ tương đương như Âm Dương, Long Hổ; Diên Hống; Anh Nhi, Xá Nữ; Ô Thố; Hắc Qui, Xích Xà; Kim Tinh, Mộc Dịch; Thần Thủy, Hoa Trì; Hỏa, Dược, ta sẽ đọc các sách luyện Đơn dễ dàng.

Nhân tiện giải 2 chữ Hoả Hầu. Hầu có nghĩa là Lúc. Hỏa Hầu là vận chuyển Chân Khí cho đúng lúc, đúng phép (hợp phù), đáng mạnh thì mạnh (Vũ Hỏa), đáng nhẹ thì nhẹ (Văn Hỏa), đáng ngừng, thì ngừng (Chỉ Hỏa). Thế tức là Vừa Vặn, hẳn hoi (Kháp Đáo Hảo Xứ).

[42] Thần tức hỏa dã, Khí tức Dược dã.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 261.

[43] Dĩ Thần ngự Khí nhi thành Đạo. Dĩ hoả luyện dược nhi thành Đơn.

以 神 御 氣 而 成 道, 以 火 鍊 藥 而 成 丹。

Tiên Học Từ Điển, tr. 53-54.

[44] Luyện hình diệu tại hồ ngưng Thần,Thần ngưng tức Khí tụ. Khí tụ tức Đơn thành.

鍊 形 妙 在 乎 凝 神。 神 凝 即 氣 聚。 氣聚 即 丹 成。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 261.

[45] Đơn đạo bất ngoại Thần Khí. Thủy nhi Thần dữ Khí ly, Ngã tức dĩ Thần điều Khí dĩ Khí ngưng Thần. Chubg tắc Thần Khí dung hoá ư Hư Không, kết thành nhất đoàn, đại như Thử Mễ chi Châu, huyền ư Tứ Đại Ngã Hành bất trước chi xứ.”

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 261.

[46] Trúc Cơ tu chứng, tr. 85.

[47] Nội đơn chi thuyết, bất quá tồn Thần, bế tức, như năng vong cơ, tuyệt lự, vãng vãng dữ Thiền Định tương đồng.

丹 之 不 過 存 神 閉 息。 如 能 忘 機 慮, 往 往 與 禪 定 相 同

Tiên học Diệu Tuyển, tr. 162.

[48] Hô Hấp phân minh liễu khước Tiên.

呼 吸 分 明 了 卻 仙。

Tiên học , tr. 26.

[49] Tam tạng thập nhị bộ, đãn ngôn nhất Định tự, Đơn kinh vạn quyển đãn ngôn nhất Tĩnh tự nhi dĩ.

三 藏 十 二 部 但 言 一定 字。 丹 經 萬 卷 但 言 一 靜 字而 已。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 162.

[50] Hạnh Lâm Tổ Sư viết: Định lý kiến đơn thành, bất Định đơn bất kết.

Tiên Học từ Điển, tr. 63.

[51] Học Đạo chi nhân dĩ dưỡng tâm vi chủ. Tâm động, Thần bì, Tâm định Thần nhàn. Bì tắc Đạo ẩn, nhàn tắc Đạo sinh.

Tiên học diệu tuyển, tr. 257.

[52] Tiên học Diệu Tuyển, tr. 272.

[53] 靜, 定。 綿 綿, 瑩瑩

Tiên Học, tr. 55.

[54] Nhân năng thanh hư đạm bạc, tự nhiên kiến kỳ Bản Lai chi Tính Thiên.

人 能 清 虛 淡 泊, 自 然 見 其 本 來 之 性 天。

Tiên Học, tr. 104.

[55] 心 如 明 鏡 連 天 淨

     性 似 寒 潭 止 水 同。

     十 二 時 中 常 覺 照

      休 教 昧 了 主 人 翁。

Tiên học diệu tuyển, tr. 380.

[56]  藥 物 只於 無 裡 採, 大 丹 全 在 定 中 燒

Dược vật chỉ ư Vô lý thái, Đại đơn toàn tại Định trung thiêu.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 279.

[57]  

      只 要 人 心 識 倒 顛

      休 向 外 身 尋 至 藥

       必 修 身 覓 真 鉛

Tiên Học Từ Điển, phần Phụ Lục tr. 3

[58] Nhất linh chân tính vị chi Đơn, Tứ Đại giả hợp vị chi Táo. Ảo thân vi Đơn Táo, Chân Như thị Dược Tài. Công phu thường bất gián, Định lý kết Linh Thai.

一 靈 真 性 謂 之 丹, 四 大 假 合 謂 之 灶。 幻 身 為 丹 灶,

真 如 是 藥 材。 工 夫 常 不 間, 定 裡 結 靈 胎。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 283.

[59] 大, 離事

Kim Công Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, tr. 151.

[60] 終, 窮。

Nội Kinh.

[61] Tiên học diệu tuyển, tr. 240.

[62] Tiên học diệu tuyển, tr. 268

[63] Tiên học diệu tuyển, tr. 198.

[64] Tiên học diệu tuyền, tr. 268.

 


»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32