TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

 

CHƯƠNG XXIV

HAI CHỮ TÍNH MỆNH THEO

KHỔNG GIÁO.

 

Tâm pháp chi nguyên ư Tính Mệnh gia,

Tiên hậu đồng quĩ.

Bách thế chi thánh quân,

Hiền phụ vị năng dịch dã.

心 法 之 原 於 性 命 者

先 後 同 揆

世 之 聖 君

賢 輔 未 能 易 也。

Kinh Thư Đại Toàn, quyển I (tựa)

 

Hai chữ Tính Mệnh có thể nói là 2 chữ hết sức hàm súc, huyền diệu và cao siêu trong Khổng giáo.

Tử Cống nói:

“Văn chương, bình luận, phán phê,

Văn chương Phu Tử ta nghe thường rồi.

Còn như Tính, với Đạo Trời,

Mấy đời Thày giảng, mấy đời ta nghe.” [1]

 

Đức Khổng nói: “Ta bàn chữ Tính không nổi.”[2]

Lời nói khiêm tốn đó làm ta liên tưởng đến một câu của Lão Tử:

“ Đạo Trời ôm ấp một mình,

Còn hơn vất vả thuyết minh suốt đời.” [3]

Theo Luận Ngữ, khi 50 tuổi, Đức Khổng mới biết Mệnh Trời. [4]

Tăng Tử kết thúc quyển Luận Ngữ, bằng lời giáo hoá của Đức Khổng:

Chẳng hiểu Mệnh Trời, không đáng gọi là người quân tử.” [5]

Ta sẽ bàn riêng từng chữ.

A. Chữ Tính.

I. Tính là Bản thể con người.

Thời Khổng Tử, chữ Tính đã thông dụng, nhưng ít được bàn giải minh bạch. Mạnh tử là người đầu tiên bàn giải cặn kẽ về chữ Tính, và đề xướng thuyết Tính thiện.

Đến đời Tống, các danh Nho đã bàn giải thêm nhiều về chữ Tính.

Theo Mạnh tử và Chu Hi, Tính hàm súc vạn lý, nhưng phần cương lĩnh lớn lao gồm 4 điều mệnh danh là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. [6]

Minh Đạo tiên sinh thường nói: Tính cùng Đạo trời, nếu không tự đắc, thì không biết dược.”[7]

Trình Y Xuyên cho Tính là Chân Nguyên, là Lý, là “Vật năng sinh”. [8]

Trương Hoành Cừ cho rằng Tính là lẽ chí thiện, chí mỹ của Trời đất.[9]

Ngu Phong nói: Tính là lẽ mà trời đất thành lập, nên tính là điều kín nhiệm của quỉ thần. [10]

Lại nói: Tính bản nhiên ấy Chí Thiện. Đã bảo rằng Chí Thiện tức Tuyệt Đối. [11]

Vậy Tính hay Thiên Tính, Thiên Lý là nguồn mạch sự sống, là Chân, Thiện, Mỹ. Vì thế Trung Dung định nghĩa: “Tính là Hoàn Thiện, quang minh.” [12]

Tóm lại, Tính là cái gì chí quí, chí bảo mà trời đất đã phú thác cho ta.

Đó là cái gì toàn thiện, toàn mỹ. Chính vì thế mà Thiền Tông nói: Minh tâm, kiến tính. Tu là làm sáng cáiTâm, thấy được cái Tính của con người. Đó là Minh Đức nói trong Đại Học. Ngày nay ta gọi thế là Bản Thể con người. Đó cũng chính là Lương Tâm con người.

II. Tính và Tâm.

Sự khảo sát này đưa đến 1 sự kiện hết sức quan trọng là sự phân biệt giữa Tính và Tâm. Theo quan niệm của các đại hiền triết Nho Giáo, thì Tính và Tâm khác nhau muôn trùng.

Tính là Thiên Tính, Thiên Lý; Tâm là Nhân tình, Nhân dục.

Tuy nhiên, đôi đằng vẫn có liên lạc mật thiết với nhau. Theo Chu Hi, Tính là Thái Cực; Tâm là Âm Dương. Tuy khác nhau trời vực, nhưng vẫn lồng vào nhau, như bóng với hình, tuy một mà hai, tuy hai mà một. [13]

Theo Trương Hoành Cừ, người ta ai ai cũng có hai tính: Một Tính bản nhiên của Trời đất phú cho, thì ai cũng lành, vì đó là lẽ Chí Thiện, Chí Mỹ của Trời Đất. Một Tính bẩm thụ của khí chất, mà khí chất có dày, có mỏng, trong đục khác nhau, thành thử tính ấy tuỳ sự bất đồng của khí chất, mà trở nên lành hay dữ. Kẻ bẩm thụ được khí chất tốt đẹp, trong trẻo thì tính thiện. Kẻ bẩm thụ phải khí chất mỏng manh, vẩn đục thì tính ác. Tuy nhiên, một người dù hung ác đến mực nào, nếu biết đổi tính ác kia đi, sẽ giữ được nguyên cái tính lành, là tính vốn có của mình.[14]

Theo Mạnh Tử và Chu Hi, thì Tính hàm súc vạn lý, gồm đủ: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. [15]

Con Nhân Tâm chỉ có Tứ Đoan, tức là bốn mầm mộng của 4 đức nói trên. Nghĩa là Tâm chỉ có lòng: Tu Ố, Từ Nhượng, Trắc Ẩn, Thị Phi. [16] Ta có thể hình dung bằng hình vẽ sau:


Hình vẽ Nhân Tân, Đạo Tâm hay Tâm và Tính.

 

Các tầng lớp trong con người đối chiếu với các Đạo Giáo và các Triết thuyết.

III. Quan niệm đối chiếu.

Quan niệm về Tính, sự phân biệt giữa Tính và Tâm của Khổng giáo, đem đối chiếu với các chủ trương của các hiền triết Đông Tây, sẽ không thấy chi sai biệt.

Các đại hiền triết Đông Tây, cũng như các danh nho lịch đại, đều cố tiến vào đáy thẳm tâm hồn, để tìm cho ra Căn Cơ Tâm Hồn mà các Ngài cho là Tuyệt đối Thể bất biến trường tồn, vừa tế vi huyền diệu, vừa mênh mông bao quát vũ trụ.

Ý Thức (Conscience Psychologique) hay nói cách khác những hiện tượng Tâm Lý (Phénomènes psychiques) góp lại dưới danh từ Tâm Hồn, mới chỉ là những hiện tượng phù phiếm, chứ chưa phải là Bản Thể Tâm Hồn.

Dưới lớp ý thức phù phiếm, biến thiên đó còn có Tiềm Thức mênh mông làm Căn Bản Tâm Hồn.

Mỗi học thuyết triết học lại dùng những danh từ riêng để diễn tả Căn Bản Tâm Hồn ấy. Đó là:

-Atman (Đại Ngã) trong triết học Bà La Môn.

-Chân Như, Phật tánh, Bản Lai Diện Mục v.v... trong Phật Giáo.

-Đạo (Logos) của Philon, của Plotin và của thánh Jean.

-Toàn-Nhất ( L’Un-Tout) của Hartmann.

-Tuyệt Đối Thể (Absolu) của Shelling.

-Vô Thức Đại Đồng (Inconscient Collectif) của Carl Jung.

-Tự Thể (Noumène) của Kant.

-Thực Thể (L’Être)

-Tâm Đại Đồng (Conscience Universelle)

-Thiên Địa chi Tâm (Conscience Cosmique) trong Siêu Hình Học Âu Châu.

-Đạo của Lão tử. v.v...

Các thánh hiền trong Khổng giáo chủ trương trong Tâm có Tính, dưới lớp “Nhân Tâm nghiêng ngửa” còn có nền tảng “Đạo Tâm siêu vi ẩn áo”, thì các hiền thánh Đông Tây cũng chủ trương tâm hồn ta có 2 phần: 1 phần thẳm sâu, ẩn áo, huyền vi, cao siêu, linh diệu, hoàn thiện, tuyệt đối, hằng cửu, bất biến, đó là Bản Thể, Bản Tính nhân loại; một phần là Ta, biến thiên, nhỏ nhoi, hèn mọn, cần được uốn nắn, đẽo gọt, rũa mài.

Hai phần đó là:

-Đại Ngã, Tiểu Ngã trong Bà La Môn,

-Chân Tâm, Vọng Tâm trong Đạo Phật,

-Đạo và Tâm trong Đạo Lão.

-Đạo Tâm và Nhân Tâm trong đạo Nho.

-Thần và Hồn hay Ruah và Nephesh (Do Thái)

-Thần (Pneuma) hay Hồn (Psuche) Hi lạp.

-Tân Ước và Cựu Ưởc cũng dùng các chữ Thần Hồn như Do Thái và Hi Lạp.[17]

-Thần (The Nus, La Divine Raison), Hồn (Psuche) trong các môn phái Triết Học Âu Châu.

B. Chữ Mệnh.

Chữ Mệnh vừa là Mệnh Trời vừa là Định Mệnh con người.

Vậy Mệnh Trời muốn gì và định mệnh con người sẽ ra sao?

Đạo Nho cho rằng: Trời muốn con người tận thiện mình, hiển dương tính Trời, để kết hợp với Trời, thông phần vinh hiển của Trời.

Kinh Thi viết:

“ Mệnh Trời ấy há đâu có dễ,

Muốn cho ta đùng kể tư thân,

Biểu dương, phóng phát Thiện Chân...”[18]

Tất cả pho Kinh Dịch cốt dạy ta thấu hiểu căn bản con người dể hoàn tất sứ mạng con người. [19]

Thiệu Khang Tiết chủ trương sự biến hoá củavạn vật rồi ra cũng sẽ kết thúc bằng sự hoàn thiện. Ông viết: Nhất biến thành vạn, rồi ra Vạn lại trở về Nhất, mà Nhất chính là “Thiên Địa chi tâm”, là “Tạo Hoá chi Nguyên” [20]

Ta nên nhớ: Định Mệnh con người thì trước sau ai cũng như ai, cũng đều phải tiến tới hoàn thiện, hoà đồng,hợp nhất với Trời, vì vậy cần có một thời gian vô cùng tận. Còn số mệnh, hay số kiếp, số phận con người thì có giàu nghèo, sướng khổ khác nhau.

Cho nên muốn hiểu Mệnh Trời không phải là dễ.

Dịch viết: “Phải thông suốt lý lẽ, am tường bản tính, mới có thể thấu đáo được Thiên Mệnh.”[21]

Vì hiểu được Mệnh Trời, Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn đã nên như những vì sao sáng, chiếu diệu tinh quang cho tới những thế hệ nay. Vì hiểu được Mệnh Trời, nên Nghiêu, Thuấn đã:

“Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.”[22]

Vì hiểu Mệnh Trời, Thành Thang đã cố đạt tới hoàn thiện, tới tinh hoa nhân loại, Hạ Võ đã cố đạt tới Trung Dung. Sự hoàn thiện ấy gọi là Đức, là Nhân, là Kính, là Thành; lời tuy khác, nhưng ý là một, nghĩa là không ngoài sự làm sáng tỏ nguồn mạch kỳ diệu của tâm hồn. [23]

Vậy Mệnh Trời là muốn cho ta tìm cho ra Bẩn Thể mình, theo tiếng lương tâm, phục tòng Thiên Lý, tận thiện mình để kết hợp với Trời.

Đó cũng la chủ trương “Qui Nguyên Phục Mệnh” của Đạo Lão.

“Muôn loài sinh hoá đa đoan,

Rồi ta cũng phải lai hoàn Bản Nguyên,

Hoàn Bản Nguyên, an nhiên Phuc Mệnh,

Phục Mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.” [24]

 

Nhà bác học Lecomte du Nouy, gần đây cũng viết trong quyển Định Mệnh con người: “Mọi người hãy ghi nhớ rằng định lệnh con người rất cao quí. Con người xin đừng bao giờ quên Tàn Lửa Trời trong thâm tâm mình. con người có toàn quyền khinh miệt hay làm tiêu ma ngọn lửa thiêng đó, nhưng cũng có toàn quyền tiến tới Thượng đế bằng cách ra công, ra sức hoạt động với Ngài và vì Ngài. “[25]

Như vậy, theo Tiên Hiền, Tính với Mệnh thật là hoàn toàn, thật là cao sang.

Tính, Mệnh là điểm Trời, Người gặp gỡ.

Trương Tử viết: “ Tinh hoa Trời ban cho người gọi là Mệnh, Tinh Hoa người thụ hưởng nơi Trời gọi là Tính.” [26]

Ngô Thảo Lư viết: Tính hay Mệnh đều là Thái Cực. [27]

Dở lại những trang sách cũ, ta mới thấy đối với các vị Thánh Hiền ngày xưa, Tính Mệnh là ngọc châu vô giá. Tính là Thiên Tính, Thiên Lý, Thiên Ý, cho nên theo “Tính Tự Nhiên” (suất Tính) là lý tưởng của các Ngài.

Thực hiện được Thiên Tính, Thiên Lý, Thiên Mệnh là đạt được định mệnh cao sang của con người, là thuận Mệnh Trời.

Có thể nói được rằng: hai chữ Tính Mệnh là khởi điểm và là cùng điểm của lịch sử nhân loại. Vì thông phần Tính Trời, nhân loại sẽ thực hiện được Mệnh Trời lúc lịch sử nhân loại cáo chung, nghĩa là nhân loại sẽ đạt tới Toàn Thiện.


 

CHÚ THÍCH

[1] Luận Ngữ, Công Dã Tràng, V, 12.

[2] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, chương cú thượng, tiết 2.

[3] Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung.

窮, 中。

Lão tử, Đạo đức kinh, chương V.

[4] Luận Ngữ, Vi Chính II.

[5] Luận Ngữ, quyển 10, Nghiêu viết, Đệ nhị thập.

[6] Tống Nho, Bửu Cầm, tr. 140-141. Mạnh Tử, Công Tôn Sửu Thượng, 6.

[7] 道, 之, 知。

Tính dữ Thiên Đạo, phi tự đắc chi, tắc bất tri.

Tống Nho, Bửu Cầm, tr. 78.

[8] Tống Nho, Bửu Cẩm, tr. 89.

[9] Tống Nho, Bửu Cầm, tr. 62.

[10] 者, 也。

      Tính dã giả, thiên địa chi sở lập dã.

Tống Nho, Bửu Cầm, tr. 114.

[11] Tống Nho, Bửu Cầm, tr. 114, 115, và 119.

[12] 性。

Tự thành minh vị chi Tính.

Trung Dung, chương XXI.

[13] 也; 也; 中;

    也;    極, 陽。

    .     二, 也。

Tính do Thái Cực dã; Tâm do Âm Dương dã: Thái Cực chỉ tại Âm Dương chi trung, phi năng ly Âm Dương dã. Nhiên nhi luận chi, Thái cực tự thị Thái Cực, Âm Dương tự thị Âm Dương. Duy Tính dữ Tâm diệc nhiên. Sở vị Nhất nhi Nhị, Nhị nhi Nhất dã.

Le philosophe Tchou Hi, sa doctrine, son influence, Stanislas le Gall, S.J. p. 112.

[14] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu Chương Cú Thượng, 6.

Tống Nho, Bửu Cầm, tr. 140-141.

[15] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu Chương Cú Thượng, 6.

Tống Nho, Bửu Cầm, tr. 140-141.

[16] Như chú 15.

[17] xin xem: II, Thessaloniciens 4, 23; I Cor. 2, 14; Romains 5, 5; và 2, 29; 7,6;

II Cor. 3, 6; Galates 3, 3; Mat. 10, 39; Marc 7, 34, 35; Luc 17, 23; Jean 12, 25, Jude 19;

Ezechiel 36,27; 18, 4; Psaume 116, 8; Psaume 78, 50; Isaie 53, 12; Bible de Jesrusalem trang 1497, chú thích B; tr. 1491, chú thích g; I Pierre 18.

Rất tiếc Giáo Hội Công Giáo lại không chấp nhận con người có Thần. Công đồng Latran IV (1215) và Vatican I ( 1869-1870) đã xác nhận con người chỉ có 2 phần Hồn Xác, và không chấp nhận quan niệm Tam Tài: Xác, Hồn, Thần của phái Gnostiques, Manichéens, và Apollinaristes v.v... Như vậy là đi ngược lại với Thánh Hiền Thiên Cổ Tây Đông, nhất nhất đều chấp nhận quan niệm Tam Tài : Xác, Hồn, Thần.

[18] Mệnh chi bất dị, vô át nhĩ cung, tuyên chiêu nghĩa văn,

易, 無遏 躬, 文。

Kinh Thi, Đại Nhã, Văn vương chi thập tam chi nhất.

[19] Kỳ vi thư dã, quảng đại tất bị, dĩ thuận Tính Mệnh chi lý, thông u minh chi cố, tận sự vật chi tình, nhi thị khai vật, thành vụ chi Đạo.

其 為 書 備, 理, 之故,

, 道。

Dịch Kinh Đại toàn, Chu Dịch Trình Tử.

[20] Thiên Địa vạv vật mạc bất dĩ Nhất vi bản nguyên; ư nhất nhi diễn chi dĩ vi Vạn, cùng thiên hạ chi số nhí phục quy ư Nhất, NhẤt giả, hà dã? “Thiên địa chi tâm” dã, “Tạo Hoá chi nguyên” dã.

為本 原, 萬,

一。 也。

也, 也。

Tống Nguyên Học Án, q. 10, tr. 50.

[21] Cùng Lý tận Tính dĩ chí ư Mệnh.

理, 命。

Dịch, Thuyết quái.

[22] Duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết Trung.

一, 中。

Kinh Thư.

[23] “Tinh Nhất chấp Trung” Nghiêu Thuấn tương thụ chi tâm pháp dã, Kiến Trung, kiến Cực , Thương, Thang, Chu, Vũ tương truyền chi tâm pháp dã. Viết Đức, viết Nhân, viết Kính, viết Thành, ngôn tuy thù, nhi Lý tắc nhất: Vô phi sở dĩ minh thử Tâm chi diệu dã.

中, 也。

中, 武相 也。

德, 仁, 誠, 殊,

無非 , 此心 也。

Kinh Thư Đại Toàn, quyển I, chú.

[24] Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, Phục Mệnh viết Thường,

芸, 根, 靜, 常。

Đạo Đức Kinh, chương 16.

[25] Let every man remember that the destinyof mankind is incomparable... And let him above all, never forget that the Divine Spark is in him, in him alone, and that he is frê to disregard it, to kill it, or to come closer to God by showing his eagerness to work with Him and for Him.”

Human Destiny. Preface.

[26] Trương Tử viết: Thiên thụ ư nhân tắc vi Mệnh, nhân thụ ư Thiên tắc vi Tính.

命, 於天 性。

Wieger, Textes Philosophiques tome II, p. 191-192.

[27] Đạo dã, Lý dã, Thành dã, Thiên dã, Đế dã, Thần dã, Mệnh dã, Tính dã, Đức dã, Nhân dã, Thái Cực dã, danh tuy bất đồng, kỳ thực nhất dã.

也, 也, 也, 也, 也, 也, 也,

也,性 也, 也, 也, 也, 同, 也。

Tống Nguyên Học Án, q. 12, tr. 8.


»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32