TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

 

CHƯƠNG XXII.

NHÂN SINH QUAN

(THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ)

 

Vì không hiểu được tầm quan trọng và cao siêu của Trung Dung, nên người đời thường cho rằng Trung Dung đưa ra một nếp sống trung bình, không thái quá, không bất cập; một nếp sống cầu an, không gây mâu thuẫn, để sống một cuộc đời thoải mái, an toàn. [1]

Chủ trương này, gần đây đã được chính học giả Lâm Ngữ Đường, mượn lời thơ Bán Bán Ca của Lý Mật Am, giới thiệu cùng độc giả Mỹ, và đây là lập trường “Trung Dung”, hiểu theo nghĩa lừng chừng, nước đôi đó. [2]

Ta sống quá nửa đời phù phiếm,

Mới nhận ra huyền nhiệm Trung Dung.

Trung Dung hương vị khôn cùng,

Làm ta lòng dạ tưng bừng niềm vui.

Lúc mà cái con ngưới sướng nhất,

Chính là khi tới cấp trung niên.

Quang hoa dùng dắng triền miên,

Như chờ, như đợi gót tiên tạm ngừng.

Cõi trần lọt giữa chừng Trời đất,

Giữa tỉnh quê, ta cất nhà ta,

Thảnh thôi ta mở trại hoa,

Giữa chừng sông núi, la đà nước non.

Biết vừa đủ, tiền nong vừa đủ,

Vòng lợi danh, vương nửa tấm son.

Không sang, nhưng cũng dễ nom,

Không giàu, nhưng cũng còn dòn hơn ai.

Nhà ta xây, nửa đài, nửa các,

Đồ đạc ta lác đác đủ chơi.

Áo ta cũ mới chơi vơi,

Uống ăn na ná như người bậc trung.

Vài tôi tớ không thông, không dở,

Vợ con ta đỡ đỡ, ta ưng.

Nửa tiên, nửa tục lừng chừng,

Nửa cùng thần thánh, nửa cùng thê nhi.

Nửa bụng dạ, lo vì con cái,

Nửa tâm hồn gửi lại Hoàng Thiên.

Để khi thoát xác ta yên,

Dễ bề thưa gưỉ, biết niềm tới lui.

Ngà say là lúc ly bôi,

Đóa hoa hàm tiếu là thời mê ly.

Buồm nửa cánh, thuyền đi thong thả,

Cương vừa dong, vó ngựa mới hay.

Quá giầu phiền lụy sẽ đầy,

Quá nghèo cuộc sống sẽ dầy truân chuyên.

Trần ai sướng với phiền khó tách.

Trong ngọt ngào pha phách đắng cay.

Hưởng đời đừng quá mê say,

Lừng chừng, đại khái, tháng ngày tiêu dao...

 

Nhưng nếu Đức Khổng và các danh Nho chỉ đưa ra cho nhân loại một mục phiêu, một lý tưởng tầm thường như vậy, thì có gì đáng cho hậu thế kính tôn?

Nếu Trung Dung và Kinh Dịch đã được các danh Nho, các tiên Hiền Đông Á cho là tuyệt phẩm, thì nó phải có gì cao siêu gấp bội. Hơn nữa, đã là tinh hoa nhân loại, chắc chắn phải tế vi, ẩn áo. Đã là Duy Nhất, Duy Tinh, thì phải tuyệt đỉnh công phu. Bác tạp dễ tìm, tinh hoa khó kiếm; kỳ hoa, dị thảo đâu phải của mỗi sớm bán mua ngoài cửa chợ?...

Cho nên có tốn công nghiên cứu, truy tầm, mới mong tìm ra được vi ý của cổ nhân, tìm ra được đường lối của Thánh Hiền...

Tiêu chuẩn để đi tìm đường lối cổ nhân.

Nhưng lấy đâu ra tiêu chuẩn để đi tìm đường lối cổ nhân?

Theo Trung Dung, đường lối Thánh Hiền phải hợp với Nhân Tâm, Thế Đạo, hợp với định luật của Trời đất.

Trung Dung viết:

Đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm,

Đem trưng bày, phổ cập tới thứ nhân,

Khảo chứng tiên vương, không có chi lầm lỗi,

Sánh với luật đất Trời không phản bội,

Thánh Nhân ngàn đời sau chẳng hề có chê bai.

So quỉ thần đường lối đúng không sai,

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh Nhân ngàn đời sau chẳng chê bai,

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ. [3]

 

Dịch kinh viết: “Thực là mênh mông, rộng rãi, sánh đất Trời; biến hóa tựa bốn mùa; theo đúng chiều âm dương sánh với hai vừng nhật nguyệt; tốt lành, giản dị, hợp với đức tối cao. [4]

Hơn nữa, con đường lý tưởng ấy đã được vẽ thành những đồ bản trong Dịch Kinh.

Vậy, ta chỉ cần nghiên cứu tìm hiểu các đồ bản, để tìm ra con đường đạo lý. Sau đó, ta sẽ khảo sát xem con đường đạo lý đó có phù hợp với nhân tình, thế thái, với định luật đất Trời, với chu kỳ nhật nguyệt, tinh thần hay không.

Với những tiêu chuẩn như trên, ta sẽ tha hồ lưng túi gió trăng, buồm mây, chèo quế, lãng du trong rừng Nho, biển Thánh mà không lo lạc bước, lầm đường.

 

Đường đời theo Dịch và Trung Dung.

Nghiên cứu các đồ bản Dịch, các họa bản Bát Quái, ta đều thấy ngôi Thái Cực được đặt vào Trung Tâm Điểm. Ý cở nhân muốn nói Dịch, hay Vô Cực, hay Thái Cực, hay nói nôm na là Trời, là Tạo Hóa đã ở ngay Trung Tâm huyền diệu của vũ trụ. Con người là tiểu vũ trụ, tức thị Trời cũng ở ngay trong tâm hồn để làm Trung Tâm (Trung) bất biến (Dung), làm chân tâm nuôi sống con người, làm giường cột (axe) cho con người dựa nương.

Ta thường thấy dân Á Đông treo Bát Quái trước nhà mong trừ tà ma; phải chăng đó là tục lệ xa xưa, để tỏ lòng tôn kính Thái Cực, tượng trưng cho Trời, ở Trung Tâm Bát Quái?

Cắt nghĩa như vậy, thì Trung Dung là Thái Cực; Trung Dung lại là hồng tâm cho mọi người ngắm vào, là mục đích thâm viễn của cuộc đời. Còn Dịch sẽ bao quát mọi biến hóa của vũ trụ và của con người, mà mục đích tối hậu là thực hiện Trung điểm hoàn thiện đó. [5]

Nếu hiểu rằng Trời ở ngay trong Trung Tâm huyền diệu của vũ trụ, ở ngay trong tâm khảm con người, thì ta sẽ hiểu bài toán cao siêu mà Trời ra cho nhân loại: “Đứng trong khỏang Càn Khôn biến hóa vô lường này, làm sao tìm ra được Trung Tâm Điểm bất biến?” [6]

Biên khu luân lạc từ bao,

Tìm sao cho thấy đường vào Trung Dung.

Đường Trung Dung linh lung, ẩn khuất,

Nẻo Bồng Lai, gai dấp, lau che...

Phục Hi đã giải bài toán trước tiên bằng một họa bản không lời. Nghiêu, Thuấn, Văn Vương, Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Chu Tử đều lĩnh hội được vi ý của Phục Hi, đã cố giảng giải cho ta, nhưng bức màn bí mật vẫn còn như khép kín, vì đồ bản không lời làm ta lạc lõng.

Thiệu Khang Tiết là người đầu tiên giải thích rõ ràng hơn, chỉ vẽ cho ta biết đâu là đường lối Trời, đâu là đường lối người, bằng cách đánh số tám quẻ  và bằng bái thơ sau đây:

 

Nhĩ mục thông minh nam tử thân,

Hồng quân phú dữ bất vi bần.

Tu tham Nguyệt động phương tri vật

Vị nhiếp Thiên Căn khởi thức nhân

Càn ngộ Tốn thời quan Nguyệt quật

Địa phùng Lôi xứ kiến Thiên căn

Thiên căn, nguyệt quật thường lai vãng

Tam thập lục cung đô thị xuân

 

Dịch:

Tai mắt nam nhi đứng cõi đời,

Lòng mang Tạo hóa há đâu chơi.

Quyết thăm động Nguyệt cho hay vật,

Cố hiểu Thiên Căn, để biết người.

Trời nổi gió giông thông động Nguyệt,

Đất vang sấm chớp lộ căn Trời.

Căn Trời, nguyệt động thường lai vãng,

Ba sáu cung xuân trọn vẹn đời.

 

Hội ý Thiệu khang Tiết, ta thấy rằng công cuộc tạo thành vũ trụ, luôn đi từ chỗ phác giản đến tần phiền, theo hình vẽ sau: 1-> 2, 3, 4, 5, 6, 7, -> 8.


 

Còn công phu tu luyện con người phải chia làm 2 giai đoạn:

1. Nửa đời đầu: đi từ phác giản đến tần phiền. Tinh thần phải mạo hiểm vào trần hoàn và vật chất, để tìm hiểu vũ trụ. Đó là Giai Đoạn hướng ngoại, giai đoạn Nghịch mà Tinh Thần sẽ bị nô lệ hoàn cảnh rất nhiều (Khuất = ), đó là giai đoạn ra đi (Khứ). 5->6, 7 ->8.

2. Nưả đời sau: đi từ Tần Phiền đến Phác Giản, từ Thô đến Tinh, dùng Vật Chất để tài bồi cho Tinh Thần ngày thêm cao đẹp, cho đến chỗ thuần túy, chí thiện, nên như ảnh tượng Trời (Càn), khả dĩ có thể kết hợp với Trời, vào yên nghỉ tại Trung Tâm Huyền Diệu của vũ trụ (Thái Cực, Trung Dung). Đó là Giai Đoạn Thuận, Giai Đoạn trở về (Lai). Trong giai đoạn này, Tinh Thần sẽ dần dần chế ngự được hoàn cảnh, sẽ thảnh thơi, thoải mái (thân = )

Hai giai đoạn trên được xác định bằng đồ bản sau đây:

Nếu nhìn kỹ 32 quẻ Tiên Thiên Bát Quái phía phải, ta thấy các hào sơ. (Hào nằm trong cùng) đều là hào Âm; còn nhìn sang 32 quẻ phiá trái, ta thấy các hào sơ (hào nằm phía trong cùng) đều là hào Dương.Vì thế Hệ Từ đã nói: Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo. (Hệ Từ Thượng, tiết 1)

Thánh hiền thiên cổ đã đem quẻ Cấu “Phong trần” để tượng trưng bước đầu đường luân lạc của con người, và đem quẻ Phục “Hồi phục”, để đánh dấu giai đoạn sau, giai đoạn giác ngộ của những người đã thấy được Thiên Địa chi tâm. [7]

Đường lối này theo đúng nhẽ Âm Dương tiêu trưởng của Trời đất.

Giai đoạn đầu là Dương tiêu Âm trưởng, sa đọa lạc lõng dần vào cảnh phù du, hư ảo bên ngoài, đem tấm thân bán rẻ lấy bát cơm, manh áo, đem thân làm tôi tớ cho hoàn cảnh xã hội, mà vẫn lấy thế làm vinh dự. Trong giai đoạn này, vật chất dần dần đóng vai trò tối thượng. Nhưng có giai đoạn này, thì giang sơn mới được tô điểm, hoàn cảnh vật chất của quần chúng mới đượccải thiện. Tinh thần trong giai đoạn này dần dần thu gọn lại như một ánh sao trên bầu trời vân vũ.

Hệ Từ viết: “Con sâu đo nó co để rồi nó duỗi. Con rồng con rắn nó ẩn để bảo tồn tấm thân. Có hiểu kỹ càng, mới thấy lợi ích lớn lao. Cầu an thân trước, rồi mới có ngày sùng đức cả.” (Hệ Từ  chương V, tiết 1) [8]

Đó tức là:

Anh hùng khi cuộn khúc lươn,

Khi cuộn thời vắn, khi vươn thời dài. (Ca dao)

 

Giai đoạn sau là Âm Tiêu Dương trưởng. Tinh thần đã biết hướng thượng, tìm về nguồn mạch cao cả của mình, và sẽ dùng vật chất làm thang mây, mà tiến lần về Trời.

Trong giai đoạn này, tinh thần dần dàn đóng vai trò tối thượng. Nó thích hợp với những con người đã đứng tuổi, đã già, những con người đã biết quẳng gánh lo, thoát vòng danh lợi, để quay về tu luyện bản thân, nêu gương sáng soi cho đời, mong kết hợp với Trời để được trường sinh bất tử.

 

Ngược lại, vật chất xuống giá dần, để cuối cùng biến thành chiếc xe mây cho khách du rong ruổi trên đường thiên lý sáng trong như ngọc thạch . Con đường thiên lý này gồm cả 2 bề vật chất, tinh thần, uyển chuyển diễn tiến theo đà tuổi tác như một bài thơ, một bản nhạc, mà tiết tấu hòa nhịp với trăng sao.

Đời sống con người lý tưởng với chu kỳ nhật nguyệt tinh thần.

Con người lý tưởng mong mỏi khi giã từ thế tục, tâm hồn sáng quắc như mặt trăng ngày rằm, như mặt trời chính ngọ, hay mặt trời ngày Hạ Chí. Mà kỳ diệu thay, nếu ta theo vòng Dịch trên mà đi tuần tự như vậy, thì ta sẽ thấy lúc ta thoát tục, cũng là lúc trăng tròn, hay lúc mặt trời chính Ngọ.

Con người lý tưởng lúc sơ sinh cũng như vầng trăng vừa quá rằm đẹp đẽ. Nhưng dần dà lớn lên, lạc lõng vào cuộc đờI, tìm sinh kế, cũng như vầng trăng khuyết dần, mờ dần. Đến lúc công danh ở đời rực rỡ, lợi lộc ở đời rồi rào, thì lại là lúc Tinh Thần nghèo nàn nhất.

Nhưng con người lý tưởng không thể bị vật dục che mờ mãi; nhờ sự suy tư về sự chất chưởng bên ngoài, con người đó có ngày sẽ tìm lại được nguồn sống bên trong, sẽ dần dần tài bồi cho tâm hồn mình thêm hoàn bị, và lúc thoát ly cuộc đời, sẽ rực rỡ như trăng đêm rằm.

Con đường lý tưởng nói trên cũng vạch lại sự thăng trầm của vừng dương.

Sau ngày Hạ Chí (21 tháng 6), mặt Trời đi vào cung Cự Giải (Cancer). Ánh sáng và sức nóng một ngày một giảm cho tới cực độ ở ngày Đông Chí (22 tháng 12).

Nhưng từ ngày Đông Chí trở đi, thì mặt trời lại nóng lên, sáng lên dần mãi, đem ánh dương quang đượm nhuần cho hoa lá trổ sinh, tưng bừng rộn rã với ngày Xuân, và dần dần trở lại ngôi vị tối thượng vào ngày Hạ Chí.

 


 

Nếu xét vòng Chu Thiên trong một ngày đêm, thì cuộc đời lý tưởng của người quân tử lúc sơ sinh cũng đẹp y như mặt trời vừa quá Ngọ. Lúc lớn lên, bị vật dục che mờ, người quân tử cũng như mặt trời, trải qua những cảnh hoàng hôn, và cảnh đêm dài tịch liêu u tối; nhưng rồi ra, con người lý tưởng ấy dần dà sẽ gỡ được mọi tần phiền, để cùng mặt trời trang trọng hiện ra trên nhãn giới, lúc bình minh muôn thủa: cùng bình minh hưá hẹn một trời trong sáng mới, và khi lìa thế sự, sẽ là “Nhật Lệ Trung Thiên” sáng quắc cả bầu trời...” [9]

Hơn nữa, con đường Hoàng Đạo, mà con người lý tưởng đi cũng là con đường mà Nhị Thập Bát Tú ruổi rong.


Đường đời lý tưỡng và lẽ biến thông của bốn mùa.

Đem sánh với bốn mùa, ta thấy con đường lý tưởng này hợp nhẽ biến thông của bốn mùa.

Lúc sơ sinh là lúc nhựa sống tràn đầy như muôn hoa khoe sắc trên cành sau ngày Hạ Chí. Lúc lớn lên, bước dần vào cuộc đời, thấy làn tâm sự cũng dần ngả sang thu, và đến lúc hoa niên, khi đã tiêu pha hết tinh thần, khi đã:

Mùi tục lụy, lưỡi tê tân khổ,

Đường thế đồ, gót rỗ kỳ khu.

Tâm hồn lắm lúc cảm thấy lậnh lùng như băng giá.

Nhưng có sương tuyết lạnh lùng, mới có lại ngày xuân ấm áp.

Trong những giờ phút con người chán ngán nhân tình thế thái, lại là lúc con người thấy mở tung ra trong tâm hồn mình một nhãn giới vô biên. Thế là khi mái tóc hoa râm, thì tinh thần lại đượm màu xuân sắc. Một nguồn thơ mộng mới dâng lên giữa những cảnh ngộ éo le của cuộc đời. Mùa xuân dày hi vọng trở về với một nguồn sống mới.

Và cũng như cây đâm chồi nảy lộc, vươn mãi lên trên khung trời, trong ngày xuân ấm áp, tâm hồn cũng vươn mãi lên cho tới tinh hoa cao đại. Cuối cùng, lúc từ giã cuộc đời, tâm hồn vẩn còn chứa chan sự sống như trời mùa Hạ. Bao công lao sự nghiệp của cuộc đời bấy giờ nở tung ra như muôn hoa tươi thắm để không bao giờ tàn phai.

Con đường lý tưởng với nhân tâm, thế đạo.

Con đường lý tưởng đó cũng rất phù hợp với nhân tâm, thế đạo.

Con người, từ bao ngàn năm nay, vì không hiểu định luật thiên nhiên, nên đã không đi đúng nhịp thời gian, tuổi tác, gò bó mình vào những khuôn khổ chật hẹp, máy móc hóa cuộc đời đáng lý là thơ mộng, hay lại quá phóng túng mình đến tan tác cả cuộc đời.

Mặc dầu vậy, họ vẫn phác họa lại trong cuộc đời mình bóng dáng cuộc đời lý tưởng ấy.

Bé thì thơ ngây, hồn nhiên, vô tội vạ, rồi dần dà trở nên phóng ngoại, trở nên tò mò, rồi cũng tranh đấu, xông xáo, cũng dấn thân vào phong trần, vật chất như ai. Lúc mái tóc hoa râm, lắm lúc cũng thấy giật mình, muốn đoạn tuyệt với cuộc đời phóng đãng của mình, muốn hồi tâm, tu tỉnh. Khi trở về già thời không ai bảo ai, bất kỳ thuộc tôn giáo nào, con người cũng muốn quay về Trời, Phật, Thần, Thánh, cũng kinh kệ, tụng niệm như ai...

Càng dấn thân (engagement) vào đời phong vũ bao nhiêu lại càng mong muốn thoát thân (dégagement) bấy nhiêu. Nếu như thấy được “Thiên Địa chi Tâm”, tìm ra được Trời trong đáy lòng mình, là sẽ bước được vào con đường giải thoát.

Nói rộng ra, thì nhân loại cũng đang đi trên vòng Càn Khôn đó, nhưng chậm chạp...

Giai đoạn đầu là giai đoạn đạo hạnh phù phiếm, xốc nổi bên ngoài, để rồi dần dần lạc lõng vào dị đoan, mê tín.

Càng phóng ngoại bao nhiêu, càng chạy theo cái học “trục vật” bao nhiêu, thì lại càng đi đến chỗ sa đọa tinh thần bấy nhiêu, càng “nghịch Thiên”, “bối Thiên” bấy nhiêu. Nhưng chính nhờ giai đoạn sùng thượng vật chất này mà nhân loại đã giải quyết được những vấn đề mưu sinh, thích ứng với hoàn cảnh, đã xây dựng được hạ tầng cơ sở cho vững chắc.

Nhưng khi đã trưởng thành, khi đã quá đâm chém nhau, quá dè bỉu, ghen ghét nhau, quá bóc lột, áp bức nhau, nhân loại sẽ dần dần trở lại sùng thượng các giá trị tinh thần vĩnh cửu.

Hiểu cuộc đời theo lẽ Dịch nói trên sẽ mở một con đường tiến hóa bao la cho cá nhân cũng như cho nhân quần, xã hội.

Cá nhân sẽ tùy tuổi tác mình, tùy theo “thời”, tùy theo khuynh hướng của từng tuổi, mà làm những công tác mình phải làm, để cây đàn bản thân lúc nào cũng hòa âm, theo đúng cung điệu, tiết tấu gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế, nhân loại và đất Trời. Đó là biết “ứng biến theo thời” [10]

Nhân loại và cá nhân sẽ không ăn rễ sâu xa vào vật chất, mà chỉ coi vật chất là phụ thuộc, văn minh vật chất là một chặng đường tiến hóa của mình, một lớp lang nhỏ bé trong tấn tuồng vĩ đại của trời đất.

Âu Á gặp nhau trên đường Hoàng Đạo.

Các nước cổ Ba Tư, Ai Cập, Chaldée không biết vòng Dịch tiên thiên của Phục Hi, nhưng lại nghĩ ra vòng Hòang Đạo với những ẩn ý tương tự như vòng Dịch.

Vòng Hoàng Đạo cũng có 12 cung, ứng với 12 cung Tí, Ngọ của vòng Dịch. Cung Mùi là cung Cự Giải (Cancer), cung Tí là cung Nhân Mã (Sagittaire), cung Sửu là cung Ma Yết (Capricorne), cung Ngọ là cung Song Tử (Gémeaux).

Thiệu Khang Tiết phân biệt 2 chặng đường Cấu và Phục, thì Macrobe cũng cho rằng Cung Cự Giải là Cửa Người, và Cung Ma Yết (Capricorne) là Cửa Thần Minh; đôi bên các nhau bằng một giải Ngân Hà. Giải Ngân Hà ấy phải chăng đã được tượng trưng bằng con đường lượn qua giữa vòng Bát Quái của Chu Dịch? [12]

Các sách cổ Á Đông dùng con rồng để tượng trưng các đấng thánh nhân, nên cũng cho con rồng biến hóa theo vòng Dịch trên. “Rồng có thể tối hay sáng, ngắn hay dài. Xuân phân bay bổng lên Trời, thu phân lặn sâu đáy vực” [13]

Các sách cổ Ai Cập thì lại có câu chuyện thần thoại về Thần Osiris (Thái Dương Thần) thay vào đó. Thần Osiris mới đầu cũng bị gian truân, đọa đầy, hãm hại, nhưng sau ngày Đông Chí thì phục sinh, sau Xuân phân thì lại trở về ngôi Cửu Ngũ. [14]

Tóm lại, các đồ Dịch, cũng như vòng Hoàng Đạo, tuy không lời, nhưng chứa chan ý nghĩa.

Thiệu Khang Tiết nói: “Đồ Dịch tuy không văn tự, nhưng ta nói suốt ngày cũng không ra khỏi được vấn đề, vì tất cả nghĩa lý muôn vật đều nằm trong đó.”[15]

Vi ý cổ nhân.

Thánh hiền Đông Á mượn đồ Dịch để biện minh thuyết “Nhất sinh Vạn”, và chỉ lối đường cho ta có thể từ “Vạn qui Nhất”. [16]

Dịch gọi đó là phương pháp “khai vật, thành vụ”.17 Cho xem trước đầu đuôi chuyện đời, rồi mới dạy cho biết cách hoàn thành lý tưởng. [17]

Đường đời, theo Dịch Kinh, đều từ 1 tâm điểm tung ra muôn vạn ngả. Ta có lao đao suốt đời, cũng chẳng sao đi hết muôn vạn ngả đường. Càng phiêu lưu, càng lạc lõng, càng đi sâu vào một con đường, càng thông tỏ chi tiết về một vấn đề, thì lại càng thấy mình bất lực kém cỏi, lại càng thấy mình mù mờ về toàn thể vô biên. Đi ra vạn, phiêu lãng trên muôn vạn ngả đường, dù có thành công đến đâu, trong thâm tâm vẫn thấy thiếu thốn, vẫn bị ám ảnh bởi cảnh phù du, tạm bợ, vẫn thấy mình như thân phận cánh bèo, bình bồng mặt nước, chân mây, mà chẳng biết sẽ trôi gịat về đâu, bởi vì Vạn chỉ là một bóng hình hư ảo của Nhất;

Đồ tri tụ xứ, ninh tri tán,

Đãn thức phù thời, ná thức trầm. (Thơ bèo)

Dịch:

Tụ rồi, đã chắc không khi tán,

Nổi đó, nào hay có lúc trầm. (Nam Phong dịch)

Trở lại được với Nhất, là con người lý tưởng. Người xưa gọi thế là Chí Nhân, [18] là Chân Nhân.

Đào Hư Tử gọi thế là: “Tâm hồn trở về trước Tiên Thiên, siêu xuất trên hình số, siêu xuất sinh tử, không còn bị hình số câu chấp nữa..” [19]

Lối đường do “ Vạn qui Nhất” đã được xác định bằng các đồ Dịch cổ nhân, theo đúng chiều Ngũ hành tương sinh.

 

Chu Hi cũng vẽ con đường đó, bằng cách tán phân 4 chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh lên vòng Càn Khôn.

 

Hai ngả đường đời.

Con đường từ “Vạn qui Nhất” trên vòng Dịch, mới trông tưởng là tròn trĩnh không kẽ hở. Nhưng thực ra con đường đó vốn phân làm đôi ngả Âm Dương,

Nưả đời đầu, vì con người một ngày một chìm đắm vào bóng tối vật chất, nên Kinh Dịch gọi là Âm Đạo, Địa Đạo, hay Khôn Đạo.

Nửa đời sau, vì con người ngày một vươn lên trong ánh sáng tinh thần, nên Kinh Dịch gọi là Dương Đạo, Thiên Đạo hay Kiền Đạo. [20]

Hệ Từ viết:

Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo; Kế chi giả thiện dã, thành chi giả, Tính dã.

Dịch:

Âm Dương đắp đổi Đạo Trời,

Theo thời tốt đẹp, suốt thời Toàn Chân. [21].

 

Đường đời có 2 chiều: 1 chiều Âm, một chiều Dương, bước vào đường đời đã là hay, đi cho đến cuối đường sẽ phục hồi được Tính Trời.

Đi chiều Âm, đi vào con đường vật chất, sẽ tiến tới chỗ Bất Nhân, chỗ không hoàn thiện.

Đi chiều Dương đi vào con đường tinh thần, sẽ tiến tới chỗ Nhân, chỗ Hoàn Thiện.

Đức Khổng nói:

Đường đời có 2 ngả: Nhân và Bất nhân”, chính là vì thế. [22]

Đào Hư Tử viết:

“ Năm mươi năm đầu cuộc đời, là Tiến Số, là học để giúp đời, càng ngày càng phải rạng mặt với đời.

Năm mươi năm sau, là Thoái Số, là học để treo gương cho đời, càng ngày càng phải tu nhân, tích đức.” [23]


Luận Ngữ viết:

Đến chừng bốn, năm mươi mà ta chưa nghe danh tiếng họ, chừng ấy ta chẳng còn sợ họ nữa.” [24]

Nhưng con người không phải quay cuồng mãi trong vũ trụ, mà cũng có lúc được vào Trung Cung huyền diệu, để làm chủ chốt vũ trụ.

Bí quyết này đã được diễn tả bằng những hành động tượng trưng của Thiên Tử xưa trong tòa Minh Đường.

Khi xưa, mỗi năm, sau ngày Hạ Chí, nhà Vua sẽ vào Trung Cung Minh Đường, mặc áo hoàng bào, và ở đó ít ngày, cốt tượng trưng quyền Thiên Tử, làm khu nữu cho không gian và thời gian. [25]

KẾT LUẬN.

Nghiên cứu các Đồ Dịch, ta thấy cổ nhân đã phơi bày nhẽ “Càn Khôn Hiệp Tịch” (Càn Khôn mở đóng), đã tháo gỡ máy Âm Dương, đem cài lên những bức hoạ không lời, để vẽ đường chỉ lối cho ta. Càng suy cứu vi ý cổ nhân ta càng thấy lý thú. Đồ Dịch tiên thiên còn phân ngôi Chủ, Khách, đem lẽ cát hung, thiện ác làm thành hai bức câu đối vĩ đại treo giữa trời đất cho tao nhân, mặc khách muôn đời thưởng thức.

Đôi câu đối này không đối chữ theo luật trắc bằng, nhưng đối quẻ, đối hào, đối ý, đối lý.

Đọc đôi câu đối trên, ta sẽ nghiệm ra phương pháp “Xu cát, tị hung”. “ức Âm, tiến Dương”, “trưởng Thiện, tiêu Ác” của người xưa, biết tới, biết lui, biết tìm sự sống qua sự chết, biết tìm cái hay qua cái dở, tóm lại biết “định luật tương đối” chi phối con người ra sao.

Mới hay Không, Có chuyển vần,

Dễ sinh ra Khó, Ngắn nhân thành Dài.

Thấp, Cao tuỳ ngó Ngược, Xuôi,

Tiếng ca Trầm, Bổng, dòng đời Trước, Sau.

(Lão tử, Đạo Đức Kinh, chương II, Đoạn II) [26]

Thế mới hay:

Gẫm đạo lý, có sau có trước,

Lẽ Âm Dương có ngược, có xuôi.

Xuôi là Gió cuốn bụi đời,[27]

Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm.

Có thử thách mới phân vàng đá,

Có lầm than mới rõ chuyện đời.

Ngược là Sấm Chớp tơi bời,[28]

Tầng sâu bày dãi Căn Trời nội tâm.[29]

Trông tỏ đích chí nhân, chí chính,

Biết mục phiêu mới định, mới an.

Rồi ra suy xét nguồn cơn,

Con đường Phối Mệnh chu toàn tóc tơ...

 

Hiểu thế, ta sẽ tìm ra được vi ý cổ nhân, tìm ra được then chốt kho tàng sử sách Á Đông, tìm ra được phương pháp khai thác những kho tàng ấy.

Thực vậy, các thánh hiền Đông Á từ Phục Hi, Hoàng Đế đến Nghiêu Thuấn, Khổng Tử, Lão Tử khi soạn thảo sách vở chỉ cốt xiển minh nhẽ “Thiên Nhân tương dữ” (Trời, Người giao hảo), chỉ cốt tìm ra phương pháp thể hiện lý tưởng “Thiên Nhân hợp nhất” (Trời Người hợp nhất) mà thôi. [30]

Cho nên Dịch cũng như Trung Dung chỉ cốt dạy con người biết “kính sợ Trời tiềm ẩn trong tâm hồn mình [31], dạy con người đừng để cho tâm hồn tan tác, tả tơi trước gió giông hoàn cảnh, trước sự thử thách, cám dỗ bên ngoài; cải thiện bản thân đến chỗ hoàn thiện, khả dĩ có thể sống kết hợp với Trời (Phối Thiên), cùng đất trời trường sinh bất tử.

Nhưng Dịch và Trung Dung lại dạy ta đừng vội vàng, phải học di trên đất trước rồi mới học bay lên trời, phải biết tìm miếng cơm trước khi tìm nghĩa lý; phải biết thực tiễn trước, lý tưởng sau. Thế mới là biết thời cơ, biết nhẽ tiến thoái, biết uyển chuyển ứng phó với hoàn cảnh, biết biến thiên theo nhịp thời gian tuổi tác, để lúc nào đời cũng đẹp như bài thơ, lúc nào cũng nhịp nhàng tiết tấu như một khúc nhạc. [32]

Khúc nhạc đó thật là tuyệt vời, có vui, có buồn, có nhanh, có chậm; lúc lâm li, lúc hùng tráng; lúc rạt rào như thác đổ đầu ghềnh; lúc khinh khoát, êm đềm như gió thu lướt qua hàng tơ liễu; lúc lặng lẽ như ánh tường vân lãng đãng xuôi Nam trên đường trời muôn dặm...

Thực là:

Trời xanh dẫn dắt chúng nhân,

Như là tấu khúc nhạc Huân, nhạc Trì.

Trời, Người đôi ngọc Chương, Khuê.

Bên cho, bên lấy đề huề biết bao.

Tay cầm, tay dắt khéo sao,

Trời xanh dẫn dắt dân nào khó chi. [33]


 

CHÚ THÍCH

[1] Trong nhân sinh quan này tác giả không bàn tới nguồn gốc con người, các yếu tố cấu tạo nên con người vì những vấn đề này được đề cập tới trong nhiều chương khác của bộ sách này. (Xem các chương chữ Tính, chữ Mệnh; Vũ Trụ quan v.v...)

Trong Chương này, chỉ đề cập tới một đời sống lý tưởng, phù hợp với Bản Tính và có thể thực hiện được định mệnh cao sang con người.

[2] Bản dịch Việt Văn này khuôn theo bản dịch Pháp Văn, trong quyển L’Importance de Vivre của Lin YuTang, tr. 123-124.

J’ai déjà vu la plus grande moitié de cette vie flottane,

Ah! qu’il y a un mot magique,

Ce mot moitié d’une portée si riche,

Il nous fait gouter plus de joie,

Que nous n’en pouvons posséder.

Le meilleur état de l’homme

Est à mi-chemin de la vie,

Quand un pas ralenti lui permet le repos;

Le monde se trouve à mi-chemin “entre la terre et le Ciel”

Vivre à mi-chemin entre la ville et la campagne;

Avoir des fermes à mi-chemin entre les rivières et les montagnes.

Être à demi-savant, à demi-châtelain, à demi homme d’affaires;

Vivre à moitié comme un noble,

Et à moitié comme le commun des gens;

Avoir une maison moitié belle, moitié laide,

Moitié élégamment meublée et moitié nue;

Des vêtement moitié vieux, moitié neufs

Et une nourriture mi-recherchée et mi-simple;

Avoir des serviteurs ni trop intelligents ni trop bêtes;

Une femme aui soit ni trop simple ni trop habile,

Au fond, je me sens la moitié d’un Bouddha,

Et presque la moitié d’un Bienheureux Taoiste.

La moitié de moi-même est tournée vers le Ciel,

L’autre moitié vers mes enfants,

Pensant à moitié comment assurer l’avenir de ma postérité,

Et à moitié comment me présenter devant Dieu,

Quand le corps sera laissé en repos.

Il est le plus sagement ivre, celui qui est à moitié ivre;

Et les fleurs à moitié en boutons sont les plus belles;

Les bateaux à demi-voilés naviguent le mieux;

Et les chevaux avec les rênes à moitié tendue trottent le mieux.

Qui possède moitié trop est inquiet,

Qui possède moitié trop peu désire posséder plus.

Puisque la vie est à la fois amère et douce,

Celui qui n’en goute que la moitié est plus sage et plus intelligent.

L’importance de Vivre de Lin Yutang, p.p.123-124.

[3] Trung Dung, chương XXIX.

[4] 地, 時, 月, 德。

Hệ Từ thượng, chương VI, tiết 3

[5] Trong Thiên Khảo Luận này, tác giả chỉ dùng chữ Trung để chỉ Bất Biến, chữ Dịch để chỉ biến Thiên, mà không dùng những nghĩa khác của chữ Dịch.

[6] ...Le Principe Suprême, source de toutes les puissances, soit de celles qui vivifient les pensées dans l’homme, soit de celles qui engendrent les oeuvres visibles de la nature matérielle; cet être nécessaire á tous les êtres, germe de toutes les actions, de qui émanent (mot fatal, plume qui trahit) continuellement toutes les existences, ce terme fatal, vers lequel elles tendent, comme par un effort irrésistible, parce que toutes recherchent la vie; cet être, dis-je, est celui que les hommes appellent généralement Dieu.

Claude de Saint Martin, cité par Ilan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p. 200.

[7]   乎。

       Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ!

Dịch kinh, Phục quái, thoán từ.

... 來,

性,

,

龍 棒 聖 崑 崙 頂

 

騁。

Dương khí sinh lai trần mộng tỉnh,

Nhiếp tình hiệp tính, qui kim đỉnh.

Vận phù tam bách túc chu thiên

Phục khí tứ thời qui tĩnh định,

Thất nhật Thiên Tâm Dương vị phục.

Ngũ long bổng thánh Côn Lôn đỉnh

Huỳnh Đình thập nguyệt sản linh đồng,

Giá hạc lăng tiêu, nhiệm du sính

Tiên Thiên luận ngữ, tr. 5.

[8]                   

蟄,

也。

Xích hoạch chi khuất, dĩ cầu thân dã,

Long xà chi trập dĩ tồn thân dã.

Tinh nghĩa nhập thần, dĩ chí dụng dã,

Lợi dụng an thân, dĩ sùng đức dã.

Dịch:

Sâu đo có lúc co mình,

Co mình cốt để duỗi mình dài hơn,

Long xà đông tới chập chờn,

Ngủ vùi tháng lạnh, bảo toàn tấm thân.

Học sao tinh nghĩa, nhập thần,

Rồi ra áp dụng muôn phần hay ho.

Đã rành, đã tỏ Hoá cơ,

Rồi ra lợi dụng hay ho thân mình.

Thân mình sung túc, an ninh,

Rồi ra nhân đức thi hành, sùng tôn.

Hệ  Từ  H, chương V, tiết 1.

[9] Cours apparent du Soleil.

[10] 變。

Tri xu thời ứng biến.

Tính Lý, I, 42.

[12] The Galaxy, Macrobius says, crosses the Zodiac in two opposite points, Cancer and Capricorn, the tropical points in the sun’s course, ordinariky called the Gates of the Sun. These two tropics, before his time , corresponded with those constellations, but in his day with Gemini and Sagittarius, in consequence of the precession of the equinoxes; but the Signs of the Zodiac remained unchanged; and the Milky Way crossed at the signs Cancer and Capticorn, though not at these constellations.

Through these gates souls were supposed to descend to earth and re-ascend to Heaven. One, Macrobius says, in his dream of Scipio, was style the Gate of Men; and the other, the Gate of Gods. Cancer was the former, because souls descended by into the earth; and Capricorn was the latter, because by it, they re-ascend to their seat of immortality, and became Gods

Albert Pike, Moral and Dogma, p. 437-438.

...Les Orphiques croyaient dans le Cancer le portail par où les âmes entraient en incarnation sortant en multitude de la Voie Lactée...

L’Occultisme du Zodiaque, p. 89.

... Il est intéressant de voir que la naissance de l’Univers se place tout au commencement du signe (Capricorne) était symbolisée par la naissance du Dieu solaire ou de l’enfant divin au solstice d hiver, tandis que la dissolution de l’univers matériel, suivant les Écritures de L’Inde, se produit à la fin du signe...

Như trên, p. 121.

[13] 明, 巨, 長, 天, 淵。

Năng u năng minh, năng tế năng cự, năng đoản năng trường. Xuân phân nhi thăng Thiên, Thu phân nhi tiềm uyên. (Le Dragon)

Léon Wieger, Textes Philosophiques, I, 15.

[14] We know that the Egyptians worshipped the Sun, under the name of Osiris. The misfortune and the tragical death of this God were an allegory relating to the Sun. Typhon, like Arhiman, represented Darkness. The suffering and death of Osiris in the Mysteries of the Night were a mystic image of the phenomena of Nature, and the conflict of the two great Priciples which share the empire of Nature, and most influenced our souls...

Albert Pike, Morals and Dogmas, p. 406.

[15] 文, 言, 是, 矣。

Đồ tuy vô văn, ngô chung nhật ngôn, nhi vị thường ly hồ thị, cái Thiên Địa vạn vật chi lý, tận tại kỳ trung hĩ.

Tính Lý1 (Kinh Thế) 58-59.

 

[16] 而不 事,

  盡, 重, 塵, 念,

  妙, 也。

Trình Phu Tử viết: tri vạn lý qui ư nhất lý, nhi bất tri nhất lý tán ư vạn sự, trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng. Tự tha bất gián ư vi trần, chung thủy bất ly ư đương niệm. Cùng huyền cực diệu, phi nhị thừa phàm phu chi sở năng tri dã.

Đạo dư lục, tr. 19.

[17] 矣。 物,後 務。

Thánh nhân chi ưu thiên hạ lai thế, kỳ chí hĩ. Tiên thiên hạ nhi khai kỳ vật, hậu thiên hạ nhi thành kỳ vụ.

Dịch Kinh Đại Toàn, Dịch tự.

[18] 一。

Chí Nhân chi tâm định vu Nhất.

Chẩm thượng ngữ, tr. 1.

[19] 先, 外, 死, 拘。

Tâm phản vu tiên Thiên chi tiên, tắc siêu vu hình số chi ngoại, xuất nhập sinh tử, bất vi hình số sở câu.

Chẩm thượng ngữ, tr. 1.

[20] Ấn Độ giáo cũng nhận con người phải qua 2 con đường: Đường về với tổ tiên (Pitriyana), và đường về với Trời (Devayana). Nhưng 2 con đường đó lại mở ra sau khi con người đã chết. Con đường thứ 1 là Con đường Luân Hồi, con đường thứ 2, là con đường Niết bàn, siêu thoát Luân Hồi, sinh tử:

... Mais par la mort, s’ouvrent deux sentiers, le Pitriyâna, ou sentiers des Pitris, et le devayana ou sentier des Dieux. Ils sont très soigneusement décrits dans quelques passages que je vais vous résumer, et que l’on trouve dans les Brihadaranyaka, Chandogya et Prasna Upanishads (Brihad. Up. VI, II, 2-16. Chand. Up. V, III, Prasna I, 9-10. Chand. V, 10, Chand. IV, 15-5. Bhagavad Gita VIII, 24-260.)

Les mots indiquant obscurité tels que fumée, nuages, quinzaine sombre etc... impliquent emprisonnement dans la matière, et correspondent au retour sur la terre, par une nouvelle naissance; les mots signifiant lumière s’appliquent au triomphe du soi, et correspondent au sentier des Dieux, par lequel on ne retourne pas.

Annie Besant, La Sagesse des Upanishads, p. 92.

[21] . 道, 也, 也。

Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi giả Tính dã.

Hệ Từ Thượng, Chương V, tiết I.

[22] 矣。

Mạnh Tử, Ly Lâu chương cú Thượng, câu 2.

[23] 數, 學, 日。

  退 數, 學, 日。

Nhân sinh ngũ thập chi tiền vi tiến số. Dụng thế chi học, đương nhất nhật chương nhất nhật. Ngũ thập chi hậu, thùy thế chi học, đương nhất nhật tích nhất nhật.

Kỷ thượng ngữ, tr. 10.

[24] 焉, 已。

Tứ thập, ngũ thập nhi vô văn yên, tư diệc bất túc uý dã dĩ.

Luận Ngữ, Tử Hãn đệ cửu, câu 22.

[25] Mais le Chef ne peut poursuivre indéfinitivement sa circulation périphérique sous peine de ne jamais porter les insignes qui correspondent au Centre qui sont l’apanage du Suzerain. Aussi quand est fini le troisième mois de l’été, interrumpt-il le travail qui lui permet de singulariser les diverses durées. Il se vêt alors de jaune et -cessant d’imiter la marche du Soleil, va se poster au Centre du Minh t’ang. S’il veut animer l’espace, il faut bien qu’il occupe cette place royale, et dès qu’il s’y arrête, c’est d’elle qu’il semble animer le temps: Il a donné un centre à l’année.

Marcel Granet, La Pensée Chinoise, p. 103.

[26]  生, 之相

  之相 成, 之相

  之相 形, 之相 隨。

Đạo đức kinh, Chương II.

[27] Thiên Phong Cu.

[28] Địa lôi phục.

[29] 復 其 乎? Phục kỳ kiến Thiên Địc chi tâm hồ?

[30] Dịch chi vi thư quảng đại tất bị, vô sở bất bao nhi ngữ kỳ yếu qui, tắc vi minh “Thiên Nhân hợp nhất “ chi đạo.

包, 道。

Sách Dịch thật mênh mông bát ngát, nhưng đại khái là cốt xiển minh nhẽ Thiên Nhân Hợp Nhất.

Chu Dịch, Trương Kỳ Quân, Trung Quốc Ngũ Thiên Niên Sử, đệ Nhị sách, đệ Thập Nhị chương. Trung quốc nhất chu số 588.

-Thánh Nhân dĩ Dịch tẩy tâm, tự dữ Thiên Lý đồng lưu. Quân tử dĩ tâm thề Dịch, đương tri Thiên Lý đồng bản.

心, 流。 易, 知天 本。

Đào Hư Tử, Chẩm Thượng Ngữ, trang 8.

...Trung quốc tự Đường Ngu dĩ lai, tức hữu Thiên Nhân Hợp Nhất chi tư tưởng.

Kính Thiên tức sở dĩ ái nhân, ái dân tức sở dĩ tôn Thiên. Lịch đại thánh triết mạc bất kế tục hoàng dương thử Thiên Nhân Hợp Nhất chi đạo. Lão tử tức kỳ nhất dã.

來, 想。

人, 天。

  道。 也。

Trương Kỳ Quân, Trung Quốc Nhất Chu, kỳ 623, tr. 21.

...Từ Thượng cổ, người Tàu đã có cái tư tưởng rằng người ta sinh ra ai cũng bẩm thụ cái tính của Trời. Cái tính ấy là một phần Thiên Lý. Vậy Trời với người quan hệ với nhau rất mật thiết lắm. Bởi thế, mới lấy phép tắc tự nhiên của Trời làm cái mô phạm của người và cho Thiên luân, Thiên đạo là nhân đạo...

Trần Trọng Kim, Nho giáo, tr. 397.

[31] Dịch đại khái dục nhân khủng cụ, tu tỉnh.

Dịch kinh đại toàn, Cương lĩnh, tr. 11.

Trung Dung chương I.

[32] Xin xem thêm Ecclésiastique 3, 1-15, Bible de Crampon tr. 745:

Pour tout, il y a un moment, un temps pour chaque chose sous le ciel: temps d’enfanter, et temps de mourir;

temps de planter et temps d’arracher les plants;

temps de tuer, et temps de guérir;

temps de démolir et temps de bâtir;

temps de pleurer et temps de rire;

temps de se lamenter et temps de danser;

temps de jeter des pierres et temps de ramasser des pierres;

temps d’embrasser et temps d’écarter les embrassements;

temps de chercher et temps de perdre;

temps de garder et temps de rejeter;

temps de déchirer et temps de coudre;

temps de se taire et temps de parler;

temps d’aimer et temps de hair;

temps de guerre et temps de paix.

Quel profit pour le travailleur, et de peine qu’il se donne?

J’ai considéré les occupations auxquelles Dieu a donné aux enfants des hommes de s’occuper.

Toute chose, Il l’a faite bonne pour tout temps; c’est aussi l’infinité du temps qu’il a mis dans leur coeur, sans que l’homme puisse découvrir l’oeuvre que Dieu fait, de bout en bout...

Dưới trời, các gì cũng có lúc, cũng có thời.

Có lúc sinh, có lúc chết;

Có khi trồng, có khi nhổ;

Có khi giết, có khi chữa;

Có lúc phá, có khi xây;

Có khi khóc, có khi cười;

Có khi than khóc, có khi vui nhảy;

Có khi ném đá, có lúc thôi.

Có khi ôm ấp, có lúc giận buông;

Có khi tìm, có khi mất;

Có khi giữ, có khi bỏ;

Có khi xé, lại có khi may;

Có khi yên, có khi nói;

Có khi ghét, có khi yêu.

Có thời chiến¡, có thời bình;

Vậy con người lao tác được lợi ích gì, và đã tốn phí biết bao là công lao?

Tôi đã xem Chúa dạy con người làm biết bao công trình. Việc gì Trời làm đúng lúc cũng hay; lại cho con người thời gian vô tận, còn người thì không sao hiểu việc Trời làm từ đầu đếùn đuôi.

Đọc đoạn này, tôi mới thấy con người thật là mâu thuẫn, suốt đời phá phá, xây xây. Thật là uổng phí công trình. Nếu mình có thời gian vô tận, sao không đặt cho đời mình một mục tiêu? Chúng ta sinh ra đời để tiến hoá cho đến Chân, Thiện, Mỹ, chứ không phải sống gặp chăng hay chớ. Trời cho ta làm trăm công nghìn việc, mục đích là cho ta tìm lại được Bản Thể ta, sức sáng tạo vô biên của ta. Vậy ta phải sống 1 cuộc đời xứng đáng. Sinh ra từ Trời, chết đi trờ về với Trời. Như vậy, mới là:

Tri xu thời ứng biến. 變。

(Chính mông Tính Lý I, tr. 42.)

[33]  

  

  

  

  

   易。

Thiên chi dũ dân,

Như Huân như Trì,

Như Chương, như Khuê,

Như thủ như huề.

Huề vô viết ích,

Dũ dân khổng dịch.

Heaven enlightens the people, as the bamboo flute responds to the porcelain whistle; as the two half maces form a whole one; as you take a thing and bring it away in your hand, bringing it away without any more ado. The enlightement of the people is very easy.

The She King. James Legge, p. 502.

 


»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32