DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8 | phụ lục 1 2 | STK


Phần 4

THÁI CỰC LUẬN

Chương 2. Tính danh Thái Cực

 

Trong tiết này ta sẽ cố tìm cho ra những từ ngữ có thể dùng để chỉ danh Thái Cực.

Chúng ta sẽ áp dụng mấy phương pháp sau đây:

1.Nghiên cứu các đồ bản Dịch Kinh

2. Nghiên cứu thư tịch Nho, Thích, Lão.

3. Áp dụng định luật toán học, nếu  A = B

                                                              B = C

                                                         thì A = C

Ví dụ:  Thái Cực = Thiên Địa chi tâm

            Thiên Địa chi tâm = Đạo tâm

            Thái Cực = Đạo tâm

4. Suy ra những danh hiệu chính yếu của Thái Cực, khi đã hiểu rõ quan niệm của người xưa về Thái Cực. Họa bản Huỳnh Đình trong Huỳnh Đình Kinh giải của Lưu nhất Minh đã cho ta biết những danh hiệu sau đây tương đương với Thái Cực:

Huỳnh Đình, Trung Thần, Hư Vô, Chân Không Bất Nhị Pháp Môn, Chúng Diệu Chi Môn, Huyền Tẫn Môn, Đạo Nghĩa Chi Môn [1]

Tượng Ngôn Phá Nghi cho rằng Huyền Tẫn Môn tức là Huyền Quan Khiếu [2]

Theo Huỳnh Đình Kinh giải ta thấy Thái Cực là Huyền Tẫn Môn. Như vậy:

Thái Cực = Huyền Tẫn Môn = Huyền Quan Khiếu (Nguyên Quan Khiếu) [3]

Và cứ theo định luật toán học, nếu  A = B

                                                              B = C

                                                         thì A = C

Ta sẽ biết thêm rằng Thái Cực cũng là:

Sinh Tử Hộ, Sinh Sát Thất, Thiên Nhân Giới, Hình Đức Môn, Hữu Vô Khiếu, Thần Khí Huyệt, Hư Thực Địa, Thập Tự Lộ...vì những danh hiệu trên đều là biệt danh của Huyền Quan Khiếu [4]

Dựa vào tài liệu trong quyển Thông thiên bí thư ta biết Thái Cực hay Huyền Tẫn còn có những tên sau đây:  

·Thái Cực Chi Đế

- Tiên Thiên Chi Bính

- Hư Vô Chi Hệ

- Tạo Hóa Chi Nguyên

- Hỗn Độn Chi Căn

- Thái Hư Chi Cốc

- Qui Căn Khiếu

- Phục Mệnh Quan

- Mậu Kỷ môn

- Canh Tân Thất

- Giáp Ất Hộ

- Tây Nam Hương

- Chân Nhất Xứ 

- Trung Hoàng Cung

- Đan Nguyên Phủ

- Chu Sa Đỉnh

- Long Hổ Huyệt

- Huỳnh Bà Xá

- Dung Lô

- Thổ Phủ

·Thần Thủy

- Hoa Trì

- Đế Ất

- Thần Thất

- Linh Đài

- Giáng Cung [5] v.v...

Thái Cực thường được tượng trưng bằng vòng tròn. Ngoài ra, cổ nhân còn dùng vòng tròn để tượng trưng: Vô Cực,[6] Kim Đơn,[7] Thần,[8] Chu Sa Đỉnh, Pháp Thân,[9] Thử Mễ Châu,[10] Hồng Mông, [11] Thánh Thai [12]

Ta kết luận: Thái Cực cũng là:Vô Cực, Kim Đơn Thần, Pháp Thân, v.v.. Thái Cực chính là nơi Âm Dương tương hợp, Hắc Bạch tương phù, nên cũng chính là: Thiên Địa Chi Tâm, [13]Thiên Địa Chi Tâm là Đạo Tâm, vậy: Thái Cực = Đạo Tâm [14]

Khảo sát các hình: Huyền Tẫn Chi Môn, Nguyên Quan Nhất Khiếu trong Tượng Ngôn Phá Nghi[15] ta thấy rằng Thái Cực còn có thể gọi là:

 Âm Dương Chi Môn, Tứ Đại Bất Trước Chi Xứ, Động Tĩnh Chi Quan, Thần Khí Chi Huyệt, Khảm Ly Chi Tinh, Hữu Vô Tương Nhập Xứ.

Thái Cực chính là: Đạo, [16]Trung, [17]Nhất,[18]Lý, [19]Tâm,[20] Tính,[21] Thiên Đạo, [22]Thiên Lý, [23]Thái Nhất, [24]Thái Hòa theo từ ngữ Trương hoành Cừ, [25] Tổ Khiếu theo từ ngữ của các Đạo gia. [26]

Sau khi đã tìm ra được các tính danh Thái Cực, ta có thể tìm hiểu duyên do của ít nhiều danh hiệu của Thái Cực.

I. Thái Cực sở dĩ gọi là Thái Cực vì Thái Cực là Tuyệt Đỉnh.

II. Thái Cực ở tâm điểm các vòng Dịch nên cũng được gọi là: Trung, Hoàng Trung, Ngũ, Ngũ Thập, Mậu Kỷ Môn.

III. Thái Cực là Nhất, vì Nhất có thể sinh Vạn. Thái Cực đứng giữa trục Âm Dương, nên cũng được gọi là Thập Tự Nhai: +

IV. Thái Cực được gọi là Huyền Quan Nhất Khiếu vì người xưa cho rằng Vạn Hữu xuất phát từ Nhất điểm linh quang ở giữa lòng Vô Cực [27] 

V. Thái Cực được gọi là Huyền Tẫn Chi Môn vì là ở giữa hai cửa Âm Dương [28]

VI. Thái Cực là tâm điểm sinh trời đất, nhân vật nên cũng gọi là Thiên Địa Chi Tâm: 

       [29]

VII. Thái Cực là Bản Thể của vũ trụ, là căn nguyên vũ trụ nên cũng được gọi là Tính, là Lý, là Căn Nguyên.

VIII. Thái Cực vì phối hợp được Âm Dương, nên được gọi là: Huỳnh Bà Xá

IX. Thái Cực tạo dựng quần sinh, và là cùng đích Vạn Hữu nên là: Thủy, Chung.

 X. Thái Cực là môi giới giữa Vô Cực và Vạn Hữu.

Ta tạm hình dung bằng hình vẽ sau:

Ta thấy rằng Thái Cực đồng thời:

Vừa là Vô Cực, vừa là Vạn Hữu

Không phải Vô Cực, cũng không phải Vạn Hữu. 

Bao hàm cả Vô Cực, lẫn Vạn Hữu

Nếu ta gọi Vô Cực là Vô, Vạn Hữu là Hữu, ta có thể nói Thái Cực:

Vừa là Vô, vừa là Hữu

Chẳng phải Hữu chẳng phải Vô

Bao hàm cả Vô lẫn Hữu

Vừa biến thiên, vừa bất biến

XI. Từ Thái Cực, có 2 nẻo đưòng:

Một đường đi ra Vạn Hữu tức là đi ra hữu hình, hữu tướng, đi ra chết chóc, mòn mỏi, biến thiên;

Một đưòng đi vào vô hình, vô tướng, Vô Cực, trường sinh, vì vậy Thái Cực còn đưọc gọi là Sinh Môn, Tử Hộ, Sinh Sát Xá.

XII. Đi ra thời gian truân, đi vào thời sảng khoái vì thế cũng gọi là Hình Thức Môn

XIII. Thái Cực khi chưa có trời đất, thì là Hồng Mông vị phán, Âm Dương tương hợp, Hắc Bạch tương phù, lúc chung cuộc vũ trụ thì lại là nơi Tam Hoa qui đỉnh, Ngũ Khí triều nguyên, Âm Dương hợp hòa đoàn tụ.

XIV. Thái Cực vì trường cửu bất hoại nên được gọi là Kim Đơn, Kim Cương Thân v.v...

XV. Thái Cực sinh xuất muôn Thần, vạn Thánh nên chính là lò cừ Tạo hóa, Chu Sa Đỉnh, Dung Lô v.v...

XVI. Thái Cực ở trung tâm điểm vòng Dịch, vũ trụ và con người nên được gọi là Chân Tâm.

XVII. Thái Cực là biên giới giữa trời người, vào được lòng Thái Cực tức là vào được lòng Trời, ở bên ngoài tâm điểm, ở bên ngoài Thái Cực tức là phàm tục, vì thế Thái Cực được gọi là Thiên Nhân Giới

XVIII. Ở giữa Vạn Hữu và Vô Cực, nên cũng được gọi là: Hư Thực Địa, Hữu Vô Xứ v.v..

Tóm lại ta có thể tìm ra được nguyên do, được ý vị của mỗi danh hiệu Thái Cực.

Thái Cực đã được các vị chân tu đạo Phật sánh với Chánh Pháp Nhãn Tàng, Bản Lai Diện Mục, Chân Như Bản Thể, Pháp Thân vân vân. Từ đó, chúng ta bắt sang đạo Phật, chúng ta thấy Thái Cực còn có rất nhiều danh hiệu tương ứng.[30]

Suy ra, thì Thái Cực có muôn vàn danh hiệu [31] nhưng chung qui vẫn chỉ là Bản Thể của vũ trụ, là Duy nhất, là Tuyệt đối.


CHÚ THÍCH

[1] Cf. Huỳnh Đình Kinh giải trang 3b.

[2] Nguyên Quan tức Nguyên Tẫn chi biệt danh. Nhân kỳ Âm Dương tại thử cố vị Nguyên Tẫn Môn, nhân kỳ nguyên diệu bất trắc cố vị Nguyên Quan Khiếu, kỳ thực giai thử Nhất Khiếu nhĩ. 元 關 即 元 牝 之 別 名. 因 其 陰 陽 在 此 故 謂 元 牝 門. 因 其 元 妙 不 測 故 謂 元 關 竅, 其 實 皆 此 一 竅 耳. — Tượng Ngôn Phá Nghi, Quyển hạ - trang 2a.

[3] Huyền quan giả chí huyền chí diệu chi cơ quan dã, tức nhân thân trung Thái Cực thị dã. 玄 關 者 至 玄 至 妙 之 機 關 也, 即 人 身 中 太 極 是 也.— Tính Mệnh Pháp Quyết, quyển 7 - trang 2.

[4] Nguyên quan giả chí nguyên chí diệu chi quan khẩu. Hựu danh Sinh Tử Hộ, Sinh Sát Thất, Thiên Nhân Giới, Hình Đức Môn, Hữu Vô Khiếu, Thần Khí Huyệt, Hư Thực Địa, Thập Tự Lộ, v.v...  元 關 者 至 元 至 妙 之 關 口. 又 名 生 死 戶, 生 殺 室, 天 人 界, 形 德 門, 有 無 竅, 神 氣 穴, 虛 實 地, 十 字 路. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 2a.

[5] Thông Thiên Bí Thư, quyển IV - trang 9b.

[6] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 5 (hình Thái Không Hư Vô hay Vô Cực).

[7] Ib. Hình Kim Đơn, quyển hạ - trang 1.

[8] Ib. Quyển hạ - trang 1b (hình Chu sa đỉnh).

[9] Ib. trang 6b.

[10] Ib. trang 4a.

[11] Ib. trang 4a.

[12] Ib. trang 5b.

[13] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 1a.

[14] Đạo tâm tức Thiên địa chi tâm 道 心 即 天 地 之 心. — Ib. quyển hạ - trang 1b.

[15] Xem hình Huyền Tẫn Chi Môn. — Nguyên Quan Nhất Khiếu trong Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển hạ - trang 2a.

[16] Hựu viết: Đạo vi Thái Cực. 又 曰 道 為 太 極 . — Tạ Vô Lượng TQTHS, Đệ tam thiên thượng trang 15.

[17] Viết Nhất viết: Trung tức Thái Cực dã. 曰 一 曰 中 即 太 極 也. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 - trang 3.

[18] Viết Nhất viết: Trung tức Thái Cực dã. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 trang 3.

[19] Thái Cực chỉ thị nhất cá Lý tự. 太 極 只 是 一 個 理 字.— Stanislas le Gall - Le Philosophe Tchou - Hi page 97.

[20] Tâm vi Thái Cực 心 為 太 極. — Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 15.

[21] Viết Nhất viết Trung tức Thái Cực. — Tống Nguyên Học Án, quyển 12 - trang 3.

[22] Trung Dung Hoặc Vấn, trang 22 (Xem chú thích trên)

[23] Qui Nguyên Trực Chỉ, quyển Trung trang 380.

[24] Chu Dịch Đại Toàn - trang 34.

[25] Chính Mông khai thủ tức viết Thái Hòa sở vị Đạo. 正 蒙 開 首 即 曰 太 和 所 謂 道. — Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 18.

[26] Chính trung thị tổ khiếu 正 中 是 祖 竅. — TMPQMC - trang 20.

[27] Cf. Xướng Đạo Chân Ngôn, quyển 2 - trang 8a.

[28] Cf. Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 2a.

[29] Cf. Đồ bản Thiên Địa Chi Tâm trong Tượng Ngôn Phá Nghi, quyển thượng - trang 6a.

[30] Cf. Xem đồ bản các danh từ tượng ứng với Chân Như trong tập Tinh Hoa Phật giáo của tác giả.

[31] Et appelez - le comme vous voudrez, car pour ceux qui savent. Il est le possesseur de tous les noms. — Cf. Balla'u'llah, Les sept vallées - page 6.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8 | phụ lục 1 2 | STK