DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8 | phụ lục 1 2 | STK


Phần 4

THÁI CỰC LUẬN

Chương 8. Tổng luận

 

Chúng ta đã bàn giải nhiều về Thái Cực. Bây giờ chỉ cần thâu tóm và nhắc lại ít nhiều điểm chính yếu.

1.  Đối với các Thánh Hiền Trung Quốc, Thái Cực sinh xuất Vạn Hữu. Thái Cực vừa bao quát Vạn Hữu, vừa lồng trong vạn vật, Vạn Hữu. Thái Cực là Bản Thể của vũ trụ, bất biến, bất thiên, bất sinh, bất hoại, nhưng lại vẫn chủ trì mọi cuộc biến thiên của vũ trụ và của con người.

2.  Đứng về phương diện vũ trụ khởi nguyên, Dịch Kinh chủ trương Thái Cực sinh Vạn Hữu.  Đó là Nhất Nguyên Chủ Nghĩa. Thái Cực tuy là Nhất, là Nguyên nhưng lại biến hóa, vô cùng tận.  Vả  Thái Cực cũng lại là Vô Cực, là Thần, là Thượng Đế, siêu xuất trên cơ cấu Âm Dương, cho nên quan niệm Thái Cực có thể nói được là hoàn bị hơn những quan niệm Apeiron của Anaximandre, quan niệm Duy linh của Platon, quan niệm Ngũ Hành của Aristote.

3.  Quan niệm Thái Cực tương tự như quan niệm Atman của Bà La Môn, quan niệm Logos của Âu châu, hay quan niệm đấng Christ vũ trụ của Teilhard de Chardin.

4.  Vì chủ trương rằng Thái Cực chẳng những là Bản Thể của vũ trụ, mà còn là Vô Cực, là Trời, nên quan niệm Thái Cực không phải là một quan niệm Triết lý thông thường, mà còn là một đề tài đạo giáo hết sức quan trọng.

5.  Đối với các Triết gia Trung quốc, Thái Cực tiềm ẩn ngay trong lòng Vạn Hữu, trong lòng con người.  Nhưng chỉ có con người mới nhận được Chân lý ấy, mới cảm thông được với Thái Cực, mới trở về được với Căn nguyên.

6.  Như vậy, quan niệm Thái Cực mở lối cho một phương pháp tu thân, một phương pháp trở về với Thượng Đế, với Căn Nguyên gốc gác của mình.  Đó là con đường Hướng Nội, con đường Nội Tâm mà xưa nay các Thánh Hiền khắp thế giới đều đã nhất luật băng qua.

Cho nên muốn học Dịch, trước tiên phải tìm hiểu cho rành rẽ Vô Cực và Thái Cực.  Hiểu được điều huyền vi, ảo diệu này là đã hiểu được chính ý Dịch Kinh, vì Dịch Kinh không phải là một quyển sách bói toán như người ta thường hiểu, mà chính là một phương pháp chính yếu để tìm Đạo, tìm Trời, trở về với Đạo, với Trời

Không phải nguyên nghe bình luận, mà còn cần phải có tâm thần thanh tịnh mới hiểu được Thái Cực.  Tâm thần có thanh tịnh, sẽ thấy được Thiên Địa Chi Tâm, sẽ thấy được Thái Cực. [1]


[1] Ngô chi thần thanh, tắc Thái Cực chi lý tự minh.  Thảng năng nhất niệm bất khởi cửu cửu trừng thanh, hư cực tĩnh đốc chi thời, tắc hư thất sinh bạch, kim cơ phi điện, phục kiến thiên địa chi tâm nhi tự minh hĩ. 吾 之 神 清 則 太 極 之 理 自 明. 倘 能 一 念 不 起 久 久 澄 清, 虛 極 靜 篤 之 時, 則 虛 室 生 白, 金 機 飛 電 復 見 天 地 之 心 而 自 明. — Tính Mệnh Pháp Quyết, quyển 1, trang 4.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8 | phụ lục 1 2 | STK