THAM ĐỒNG KHẾ TRỰC CHỈ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ khảo luận & bình dịch

Tham Đồng Khế Kinh Văn Trực Chỉ của Ngụy Bá Dương

» Mục Lục | Thượng 1  2  3  4  5  6  7  8 | Trung 1  2  3  4  5 | Hạ 1  2  3  4  5  6


Tham Đồng Khế Kinh Văn Trực Chỉ

Thượng thiên

上 篇

Chương 8

Ngự Chính

Phải thuận theo đường lối Trời

17. Ngự chính chi Đạo, 

Đỉnh tân cách cố,  

Quản quát vi mật,  

Khai thư bố bảo, 

Yếu đạo khôi bính,  

Thống hoá cương nữu, 

Hào tượng nội động, 

Cát hung ngoại khởi, 

Ngũ vĩ thác thuận, 

Ưng thời cảm động, 

Tứ thất quai lệ,  

Xỉ ly phủ ngưỡng, 

18. Văn xương thống lục, 

Cật trách thai phụ. 

Bách quan hữu ty, 

Các điển sở bộ. 

Nguyên thuỷ yếu chung,

Tồn vong chi tự,  

Hoặc quân kiêu dật,

Kháng mãn vi đạo. 

Hoặc thần tà nịnh, 

Hành bất thuận quĩ, 

Huyền vọng doanh súc, 

Quai biến hung cữu,  

Chấp Pháp thích ky, 

Cật quá di chủ, 

Thìn cực thủ chính,

Du ưu nhiệm hạ, 

Minh đường bố chính,  

Quốc vô hại đạo. 

御 正 之 道

鼎 新 革 故

管 括 微 密

開 舒 布 寶

要 道 魁 柄

統 化 綱 紐

爻 象 內 動

吉 凶 外 起

五 緯 錯 順

應 時 感 動

四 七 乖 戾

誃 離 俯 仰

文 昌 統 錄

詰 責 台 輔

百 官 有 司

各 典 所 部

原 始 要 終

存 亡 之 緒

或 君 驕 佚

亢 滿 違 道

或 臣 邪 佞

行 不 順 軌

弦 望 盈 縮

乖 變 凶 咎

執 法 刺 譏

詰 過 貽 主

辰 極 守 正

游 優 任 下

明 堂 布 政

國 無 害 道

Tạm dịch:

Thuận theo lẽ Trời,

Tu Chân chi đạo,

Là Đạo Ngự Chính.

Đỉnh Tân Cách cố.

Thay cũ, đổi mới.

Giữ tâm cẩn mật,

Phát động thần cơ.

Theo đúng Khôi Bính,

Thống Hoá kỷ cương.

Hào tượng nội động,

Cát Hung ứng ngoài.

Ngũ vĩ thuận tòng,

Ứng thời hoạt động

Bắc Đẩu sai lạc,

Trên dưới thất thường,

Văn Xương trách cứ,

Thai Phụ các ban.

Trách nhiệm bá quan,

Đều theo sổ bộ.

Từ trước đến sau,

Tồn vong mấu cớ,

Hoặc vua ngạo mạn,

Lạc lối sai đường,

Hoặc thần tà nịnh,

Làm sai quĩ đạo,

Huyền vọng đầy vơi,

Chuốc lấy hung cữu,

Chấp pháp không nghiêm,

Chủ nhân bị hoạ.

Bắc Thần thủ chính,

Trên dưới mừng vui,

Vua ngồi Minh Đường,

Cai trị Thiên Hạ.

Đâu đấy an vui.

 

Trên đây, mượn Dịch Lý, hoặc nói Thiên Đạo, hoặc nói Vương Đạo, phân ra mà nói. Tiết này tổng kết lại bằng 2 chữ Ngự Chính, để cho rõ nghĩa hai chữ Phản Hoàn. Phản Hoàn là từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên, là công dụng của Hữu Vi. Cho nên nói Ngự Chính đứng đầu là Đỉnh Tân Cách Cố. Đạo Phản Hoàn cốt ở sự Đổi Mới. Mà muốn đổi mới, thì không gì bằng Bỏ Đi Cái Cũ. Cái cũ là gì? Là cái gì dơ bẩn ta đã vương phải trước. Vứt bỏ cái gì  dơ bẩn  trước đây, thì Nhân Tâm sẽ được yên tĩnh. Đỉnh là đồ dùng để nấu thuốc, nấu đồ ăn. Nó có thể đổi mới mọi sự. Cho đồ vào Đỉnh để luyện ra cái gì mới, thì Đạo Tâm sẽ sinh. Quản quát duy mật là E dè cái mắt không nhìn, Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng,[1] là hạ công phu ở chỗ Chí Vi Chí Ẩn, cốt là làm cho Nhân Tâm được Nhu Thuận. Khai thư bố bảo là làm cho biến  và giữ lấy cái Biến, làm cho Thông và giữ cái Thông. Nhất cử nhất động phải vận Thần Cơ làm phát động cái Đạo Tâm cương kiện.

Nhân Tâm nhu thuận, Đạo Tâm Cương Kiện, thế là Cách Cố Đỉnh Tân. Cách Cố Đỉnh Tân là sống hồn nhiên như Thiên Tâm, chí thiện và vô ác. Yếu Đạo của Cách Cố Đỉnh Tân, cốt nhất là Đạo Tâm. Đạo Tâm cũng là yếu đạo là Khôi Bính. Khôi Bính là ngôi sao thứ bảy của Bắc đẩu. Còn gọi là Tiêu Tinh, là Phá Quân Tinh là Thiên Cương tinh. Thiên Cương tinh nắm quyền Tạo Hoá. Là ngôi sao Chấp Pháp của Bắc Đẩu. Nó vận tinh tú của cả bầu trời. Nó là giường mối của muôn sao, là Yếu Đạo của Tạo Hoá. Thiên Cương động mà đắc chính, thì muôn tinh tú sẽ ở đúng ngôi vị. Nhị thập Bát Tú sẽ ứng thời mà di chuyển, không sai thời tiết, sẽ được hay. Nếu mà vận động sai thác, thì các sao sẽ bị thất thường. Nhị thập bát tú  sẽ mất thứ tự, sẽ gặp dở. Tất cả đều do nhân sự hay dở mà cảm ứng ra. Văn Xương Tinh, cộng có sáu sao. Một là Thượng Tướng, hai là Thứ Tướng, ba là Quí Tướng, bốn là Tư Lục, năm là Tư Mệnh, sáu là Tư Khấu. Đó là Lục Phủ của Trời. Ghi chú  Thiên Đạo. Biên rõ Dữ Lành (Hưu Cữu), tra xét mọi hay dở của nhân gian. Trăm quan đều có chức vụ.  Ghi chép mọi chuyện Thiện Ác trong ti bộ của mình. Thiện thì cho thấy điềm Thiện. Ác thì cho thấy điềm Ác. Đầu hết là cho thấy điềm cát hung, sau là cho thấy việc Hoạ Phúc của con người. Như vậy là biết được đầu mối của sự tồn vong. Cho nên hoặc là nhà vua ngạo dật, hay kháng mãn, đi ngược với Trị Đạo, hay là bày tôi thì tà nịnh, đi sai lối đường, đi sai Chính Sự, đến nỗi làm cho thiên tượng về Sóc Vọng, Doanh Súc sai trệch với lẽ thường, và hiện ra các điềm Hung Cữu. Đó là trách nhiệm của của quan chấp pháp thi hành không nghiêm nhặt. Khiến người chê trách, làm cho chủ nhân bị hoạ. Tai hại thiệt là lớn.

Vả chuôi sao Khôi tinh tuỳ thời vận động, sao Bắc Thần sẽ Thủ Chính. Các sao đều theo đúng phép, ở đúng vị ngôi, hay dở trên dưới chia nhau, và các sao đều chầu về. Chuyển cung xê dịch, vận động tứ thời, vạn vật sinh thành chấp pháp theo đó. Cẩn thận không sai đường.Như vâïy đấng quân vương sẽ vui vẻ quay về Nam Diện, ngồi toà Minh Đường mà cai trị thiên hạ. Đế Đạo sẽ xương thịnh gần xa.

Người tu đạo, sẽ dùng chân tình của Đạo Tâm, có đủ cương khí, như chuôi sao Khuê trên trời, như những nhà chấp pháp trong quốc gia vậy, sẽ dùng Chân Tình của Đạo Tâm để mà Giác Chiếu, như sao Văn Xương trên Trời giữ về ký lục vậy. Đạo Tâm làm chủ như sao Bắc Thần trên trời, như vì vua nơi nhân gian vậy.

Chân tình không hôn ám, ngũ nguyên, ngũ đức[2] sẽ tương sinh, sẽ hồn nhiên nhất khí. Như Khôi Tinh chỉ chỗ nào, bất kể là Ngũ Vĩ  sai hay đúng, đều ứng thời cảm động.

Giả tình một khi phát động, thì ngũ tặc sẽ tương khắc. Khuê tinh sẽ chỉ sai, nhị thập bát tú sẽ ngang trái, sẽ ly biệt phủ ngưỡng vậy.

Chân tri mà giác chiếu, sẽ giám sát được lục căn, thất tình lục dục.

Sự vọng động của Ngũ tặc, Ngũ Vật [3] như Văn Xương ghi chép, bao điều thiện ác trong ti bộ của mình. Tâm là quân chủ trung chính, như Bắc thần trên trời Thủ Chính, như Minh Đường trong quốc gia bố chính vậy.

Nếu người tu đạo mà làm cho Đạo Tâm được hưng phấn, chế ngự được Nhân Tâm, thì Chân Tình sẽ không bị lu mờ, Chân tri sẽ thường tồn, Âm khí giảm bớt, Dương Khí thuần dần. Thế là Đỉnh Tân Cách Cố (thay cũ, đổi mới), Tính Định, Mệnh Ngưng. Từ Hữu Vi nhập Vô Vi, toàn thân theo đúng lý, muôn lo đều ngừng. Làm gì còn có chuyện Ngạo Kháng sai Đạo, hay tà nịnh lạc nẻo, hay làm sai làm dở đến bị tai hung?

Ôi, Tu Chân Đạo, cũng là Đạo Ngự Chính, nếu Đạo Ngự Chính mà biết thế nào là Cát Hung, thì cũng biết thế nào là cát hung trong Đạo Tu Chân. Tiên Ông trong thiên trên  đem đạo Ngự Chính sánh với Đạo Tu Chân. Thật là vi diệu vậy.


[1] Trung Dung chương I.

[2] Ngũ nguyên là Nguyên Tính, Nguyên Thần, Nguyên Tình, Nguyên Khí;

     Ngũ đức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

[3] Ngũ tặc là Du Hồn, Thức Thần, Quỉ Phách, Trọc Tinh,Vọng Ý. Ngũ Vật là Hỉ Lạc, Nộ, Ai, Dục.


» Mục Lục | Thượng 1  2  3  4  5  6  7  8 | Trung 1  2  3  4  5 | Hạ 1  2  3  4  5  6