THAM ĐỒNG KHẾ TRỰC CHỈ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ khảo luận & bình dịch

Tham Đồng Khế Trực Chỉ Tiên Chú của Từ Cảnh Hưu

» Mục Lục | Thượng 1  2  3  4  5  6  7  8 | Trung 1  2  3  4  5 | Hạ 1  2  3  4  5  6  7


Tham Đồng Khế Trực Chỉ Tiên Chú

 

Thượng thiên

上 篇

Chương 8

Nhược phù

Tứ Thánh viết sách cốt minh truyền Chân Lý.Tham Đồng Khế cũng vậy

35. Nhược phù chí thánh

Bất quá Phục Hi

Thuỷ hoạch bát quái,

Hiệu pháp Thiên Địa

Văn Vương đế chi tông

Kết thể diễn hào từ

Phu tử thứ thánh hùng,

Thập dực dĩ phụ chi.

Tam quân thiên sở đĩnh

Điệt hưng cánh ngự thời

Ưu liệt hữu bộ sậu

Công đức bất tương thù

Chế tác hữu sở chủng

Suy độ thẩm phân thù

Hữu hình dị thỗn lượng

Vô triệu nan lự mưu

Tác sự lệnh khả pháp

Vi thế định thị thư

Tố vô tiền thức tư

Nhân sư giác ngộ chi,

Hạo nhược khiên duy trướng

Sân mục đăng cao đài

36. Hoả kế lục bách thiên,

Sở thú đẳng bất mê,[1]   

Văn tự trịnh trọng thuyết,

Thế nhân bất thục tư,

Tầm độ kỳ nguyên lưu,

U minh bản cộng cư,

Thiết vi hiền giả đàm,

Hạt cảm khinh vi thư

Nhược toại kết thiệt âm,

Tuyệt đạo hoạch tội tru,

Tả tình trứ trúc bạch,

Hựu khủng tiết thiên phù,

Do dự tăng thán tức,

Phủ ngưỡng chuế tư ngu, 

Đào dã hữu pháp độ

Vị khả tất trần phu,

Lược thuật kỳ cương kỷ,

Chi điều[2] kiến phù sơ.

若 夫 至 聖

不 過 伏 羲

始 畫 八 卦

效 法 天 地

文 王 帝 之 宗

結 體 演 爻 辭

夫 子 庶 聖 雄

十 翼 以 輔 之

三 君 天 所 挺

迭 興 更 御 時

優 劣 有 步 驟

功 德 不 相 殊

制 作 有 所 踵

推 度 審 分 銖

有 形 易 忖 量

無 兆 難 慮 謀

作 事 令 可 法

為 世 定 是 書

素 無 前 識 姿

因 師 覺 悟 之

皓 若 褰 帷 帳

瞋 目 登 高 臺

火 計 六 百 篇

所 趣 等 不 迷

文 字 鄭 重

世 人 不 熟 思

尋 度 其 源 流

幽 明 本 共 居

竊 為 賢 者 談

曷 敢 輕 為 書

若 遂 結 舌 瘖

絕 道 獲 罪 誅

寫 情 著 竹 帛

又 恐 泄 天 符

猶 豫 增 嘆 息

俛 仰 綴 斯 愚

陶 冶 有 法 度

未 可 悉 陳 敷

略 述 其 綱 紀

枝 條 見 扶 疏

 Tạm dịch:

Chí thánh trong thiên hạ,

Không ai bằng Phục Hi

Phục Hi hoạch Bát Quái,

Để bắt chước Đất Trời,

Văn Vương kế nghiệp đó,

Kết thể diễn hào từ

Khổng tử viết Thập Dực,

Để mà đóng góp vào.

Ba ngài theo Trời Đất,

Tuỳ nghi ứng theo thời.

Nhanh chậm tuy có khác,

Công đức khác chi nhau.

Chế tác có đường lối,

Suy diễn có cân lường.

Hữu hình dễ suy diễn,

Vô tượng khó tư mưu.

Tác sự, lệnh khá theo,

Vì đời viết sách này.

Sách cho thấy bí ẩn

Xưa nay chưa từng nghe.

Nhờ thày ta chỉ vẽ,

Ta mới được giác ngộ.

Y như trong buồng tối,

Bỏ được hết màn che,

Y như lên đài cao

Nhìn trông thấy tứ phía.

Hoả Ký 600 thiên,

Đường lối thật rõ ràng.

Lời văn rất trịnh trọng,

Thế nhân không chịu suy,

Không suy được nguồn mạch,

Sáng tối còn lẫn lộn

Cho là Hìền Giả đàm,

Coi nhẹ quyển sách này.

Nếu sách không viết ra,

Mang tội cùng Trời Đất

Viết rồi sợ khinh tiết,

Ngập ngừng mãi chẳng thôi,

Còn như cách tu luyện,

Thì tuỳ vào khẩu quyết,

Không thể nói nên lời

Đại khái là như vậy

Không biết nói chi hơn.

 

Thiên địa Thần Hoá chi đạo, không tiếng, không hơi. Không phải thánh nhân, không thể hay biết, cũng không thể thi hành. Từ khi có vũ trụ tới nay, Đạo bao giờ cũng Thuỳ Tượng (cho thấy hình ảnh), nhưng con người không hay biết. Xưa Hà Đồ xuất hiện trên sông Mạnh Tân, và Lạc Thư xuất hiện trên sông Lạc. Thánh nhân trông vào đó mà bắt chước. Phục Hi bắt chước Hà Đồ, Nhìn lên, ngó xuống quan sát đất trời, mới đầu vẽ Bát Quái, sau chồng 8 quẻ lên thành 64 quẻ, tiết lộ Tạo Hoá thiên cơ, truyền cho Văn Vương, Văn Vương biến thành Hậu Thiên Bát Quái, rồi đếm cỏ thi thành 64 quẻ Hậu Thiên. chia làm 384 hào, rồi thêm vào những chữ Cát Hung, Hối Lận, thế là Thiên Thời, Nhân Sự đều hiển lộ ra. Tiếp đến là Đức Khổng làm ra Thập Dực, sách ẩn câu thâm, để giảng thêm Dịch Đạo. Thiên Thời, Nhân Sự, thuận nghịch biến hoá, đều hiện ra rõ ràng đầy đủ. Trời sinh Tam Thánh điệt hưng chế tác, ngự thời độ thế, truyền lưu vạn thế. Tuy là nhanh chậm khác nhau, nhưng công đức ngang nhau không. khác biệt. Đông Hán Nguỵ Bá Dương chân nhân, theo gót Dịch Kinh mà soạn Tham Đồng Khế, theo lý của hào quái, cát hung hối lận, Thám biện Đơn Đạo dược vật, hoả hầu chi phân lạng, lấy hữu hình sánh vô hình, lấy hữu tượng ví dụ cho cái không có hình tượng, giúp mọi người giác ngộ được những điều vi ần, trông vào sách này mà tìm ra dược những cái biết xưa.

 Ôi, Từ Ông (Từ Cảnh Hưu chân Nhân tức Từ Tòng Sự Chân Nhân, đệ tử của Nguỵ Bá Dương) có thiên tư trời phú mà còn chưa dám nói mình đã hiểu trước được Tham Đồng Khế, còn phải nhờ Sư phụ chỉ điểm rồi mới giác ngộ. Tại sao nhiều người đời u mê, lại dám coi mình như thần thánh? Không cầu chân sư, đoán mò, đoán bậy, lấy 1, 2 công án của cổ nhân, rồi luận đức, thuyết đạo, cho mình là bậc đại ngộ. Hỏi đến Tham Đồng, thì 10 phần, không biết một. mà dám cho thế là Ngộ. Thật là sai vô cùng. Không biết rằng sách này, là của liệt thánh dạy về luyện đơn.

Sau này Ngộ Chân Thiên của Tử Dương, Phục Mệnh của Hạnh Lâm, Hoàn Nguyên của Tì Lăng, Địa Nguyên của Tử Thanh, Tây Du của Trường Xuân, đều theo sách này mà viết. Thượng sĩ, Đạt nhân được khẩu quyết của thày, nên đọc kỹ sách này, mà mở mang kiến thức, y như ở trong buồng tối, mà vứt bỏ được màn che, hốt nhiên thấy sáng láng như lên đài cao, mở mắt nhìn xa, không đâu không thấy.

Tuy là Hoả Ký 600 thiên, cũng có thể đọc hết. Hoả Ký 600 thiên tức là Dịch Kinh 64 quẻ. Mỗi quẻ Dịch nhân lên 10, bàn về Hoả Hậu hết sức tường tận. Càng luyện càng thấy tinh vi, nhưng không phải ngoài 64 quẻ còn có 600 thiên Hoả Ký đâu.

Tham Đồng Khế văn rất trịnh trọng. Có khi nhắc đi nhắc lại, vì sợ người ngại khó, không chịu nghiên cứu cho thật kỹ càng. Nhắc đi nhắc lại là để nhắc ta vậy. Thế là Bác chi dĩ văn, ước chi dĩ Lễ, viễn thủ chư vật, cận thủ chư thân. Tìm đến căn nguyên của Đạo, ước lượng dòng nước của Đạo. Nguyên Lưu đều biết, u minh đều thông. Thế là biết Đạo.

Những lời trên, chỉ nói được với những người biết, chứ không nói được với người không biết. Không phải thánh hiền đâu dám khinh tiết. Nhưng cũng không dám không nói chuyện đạo, thành ra cứ do dự than vắn thở dài, nhưng vẫn phải viết mong gặp tri âm vậy. Còn như về cách đoàn luyện, thứ tự Sưu Thiêm, Tiến thoái, thì phải chờ Khẩu quyết, vì văn tự không thể phô bày. Lược thuật cương kỷ, lộ rõ ngọn nghành, cho thấy đại lược của Đạo vậy.

Tiên Ông chú Tham Đồng Khế, nghìn lời, vạn lẽ, chỉ vẽ đa đoan, thật là tinh vi, thật là tường tận, nên lược thuật cương kỷ nhưng vần sợ nói chưa hết lời. Thế mà sao con người mới nghe được ½ chữ, một lời, đã dám tự túc, tự mãn, không chịu nghiên cứu sâu xa. Cho nên nói Đạo vô khả ngôn là thế. Những người đó đắc tội với Tiên Ông vậy. Thật đáng thương thay.


[1] Đẳng bất mê có bản viết: Đẳng bất thù.

[2] Chi điều có bản viết Chi diệp.

» Mục Lục | Thượng 1  2  3  4  5  6  7  8 | Trung 1  2  3  4  5 | Hạ 1  2  3  4  5  6  7