THAM ĐỒNG KHẾ TRỰC CHỈ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ khảo luận & bình dịch

Tham Đồng Khế Trực Chỉ Tiên Chú của Từ Cảnh Hưu

» Mục Lục | Thượng 1  2  3  4  5  6  7  8 | Trung 1  2  3  4  5 | Hạ 1  2  3  4  5  6  7


Tham Đồng Khế Trực Chỉ Tiên Chú

 

Trung thiên

中 篇

Chương 3

Thượng Đức

Bậc Thượng Đức hành Đạo Vô Vi.

Bậc Hạ Đức hành Đạo Hưũ Vi

22. Thượng bế tắc xưng hữu,

Hạ bế tắc xưng vô. 

Vô giả dĩ phụng thượng

Thượng hữu Thần Đức cư 

Thử lưỡng khổng huyệt pháp

Kim khí diệc tương tư.

上 閉 則 稱 有

下 閉 則 稱 無

 無 者 以 奉 上

上 有 神 德 居

此 兩 孔 穴 法

金 氣 亦 相 胥

 Tạm dịch:

Trên bế gọi là Hữu,(Thượng Đức=Đạo tâm)

Dưới bế gọi là Vô (Hạ Đức=Nhân tâm)

Vô cốt để phụng thượng,

Trên có Thần đức cư.

Thử lưỡng khổng huyệt pháp, (Hữu Vi, Vô Vi)

Kim khí sẽ trợ phù.(Tiên thiên Chân Nhất chi khí)

 

Trên đây nói: Minh giả tỉnh quyết chỉ, khoáng nhiên tri sở do. Xem xét ý chỉ gì? Biết phải đi đâu? Tức là phải biết ý chỉ của Kim Đan, hiểu lối đường của Phản hoàn.

Đạo Kim Đan có hai đường lối: Vô Vi và Hữu Vi. Bậc Thượng Đức thì hành đạo Vô Vi, để hoàn thành Tính; Người Hạ Đức thì theo đạo Hữu Vi để Liễu Mệnh.

Người Thượng Đức hành Vô Vi chi đạo, vì ở nơi họ, Thiên Chân chưa bị thương tổn, Âm Dương hoà hợp. Khiếu Nhân Tâm còn đóng, mà Đạo tâm thời còn nguyên vẹn, cho nên gọi là Có.

Người Hạ Đức hành Hữu Vi chi Đạo, vì ở nơi họ, Thiên Chân đã bị khuy tổn, Âm Dương bị tán hoán. Đạo Tâm khiếu bế, mà nhân tâm thời hành sự, cho nên gọi là Vô.

Hữu là Có Đạo Tâm mà không có Nhân Tâm, Vô là Không có Đạo Tâm mà có Nhân Tâm. Vô Đạo Tâm là người Hạ Đức. Hữu Đạo Tâm là người Thượng Đức.

Người hạ đức vì Vô nên phải thù phụng Thượng Đức vì họ có Hữu. Khử Nhân Tâm tăng Đạo Tâm, là Tòng Vô nhi thủ Hữu vậy.

Cái hữu của bậc Thượng Đức, là bao giờ trong mình cũng có Thần Đức ngự trị. Dưỡng Đạo Tâm mà phòng Nhân Tâm, là mượn Hữu để hoá Vô. Nhân tâm mà mất là Chân Vô, Đạo Tâm mà bền là Chân Hữu. Chân Vô là Chân Âm, Chân Hữu là Chân Dương. Chân Vô, Chân Hữu là hai Khổng Huyệt, mà Kim Khí cũng giúp vào đấy cho.

Hai Khổng Huyệt là hai huyệt Chân Vô, Chân Hữu. Pháp là Hai phép Hữu Vi, Vô Vi.

Kim Khí là Tiên Thiên Chân Nhất chi khí. Còn gọi là Thuỷ trung Kim. Khí này hoảng hoảng hốt hốt, yểu yểu minh minh, phi sắc phi không, phi hữu phi vô. Hữu Vô tương hình là sinh ra một vật. Cho nên hai Khổng Huyệt ấy biết dùng pháp mà tu, thì Kim Khí sẽ giúp bên trong và sẽ ngưng kết. Không nói là Kim Khí tương tư, mà nói Kim Khí cũng giúp cho. Trong đó có bí mật lớn. Vì Đạo Tâm có đủ Chân Tri chi tình và thuộc Kim. Khí nó chí Cương chí Đại, Sung tắc Thiên Địa, vạn vật không khuất phục nổi. Cho nên gọi là Kim Khí, khí này còn có nhiều tên khác như Kim Hoa, như Thuỷ Trung Kim, như Chân Diên, còn gọi là Tiên Thiên Khí, là Thần Minh, là Thần Đức, là Nguyên Tinh, là Hoàng Nha. Tới chỗ thực xứ này, đều gọi là Chân Tri, Thần Minh chi Đức. Thần Đức này, người Thượng Đức hành Vô Vi chi pháp và phòng nguy, lự hiểm để bảo dưỡng nó, thế là Hữu qui về Thuần Tuý, có thể phản hoàn, thì Vô sẽ trở lại Hữu. Hữu Vi Vô Vi chi pháp sẽ thành toàn Thần Đức Kim Khí ấy vậy.

Cho nên nói Kim Khí diệc tương tư. Thượng Đức, Hạ Đức tranh nhau ở chỗ Hữu Vi Vô Vi, nhưng khi Kim Khí đã đoàn luyện xong, đã thành Chí Bảo thì Âm khí hậu thiên hoá tận và hình thần đều mỹ mãn, sẽ Dữ Đạo Hợp Chân, như vậy không còn Hữu Vô nữa, và Thiên Địa tất qui Không, cần gì phân biệt Thượng Đức, Hạ Đức nữa.

Đoạn này giải câu: Thượng Đức vô vi, bất dĩ sát cầu, Hạ Đức vi chi, kỳ dụng bất hưu.

Xem thêm: Chu Dịch Tham Đồng Khế, Bành Hiểu chú, chương 22, tr. 16.


» Mục Lục | Thượng 1  2  3  4  5  6  7  8 | Trung 1  2  3  4  5 | Hạ 1  2  3  4  5  6  7