THƯỢNG KINH
Nhân Tử
Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
»
Dịch Kinh Đại Toàn |
Lời Nói Đầu |
Dịch Kinh Giản
Lược |
Quẻ 1
2 3
4
5 6
7 8
9 10
11 12
13
14
15
16 17
18
19 20
21 22
23 24
25 26
27 28
29 30
LỜI NÓI ĐẦU
Trước khi vào các
quẻ Dịch, tôi có mấy lời trình bầy cùng quí vị độc giả. Tôi đã dùng
nhiều năm để nghiên cứu về Dịch, và thấy nó mang lại cho tôi một đời
sống tâm linh phong phú .
Tôi nghĩ rằng: Dịch là biến thiên,
linh động, tùy thời xử thế. Dịch là đi theo đúng đường
lối, đúng chiều hướng của Trời đất, nên tôi đã cố tìm hiểu mạch lạc
các quẻ Dịch, đã cố dịch các quẻ chính kinh chữ Hán ra chữ Việt
bằng văn vần (thơ), và bình giảng các quẻ bằng văn xuôi.
Tôi đã nghiên cứu Dịch, viết Dịch, giảng dạy Kinh Dịch nhiều năm ở
Đại Học Minh Đức, và đã mở nhiều khóa dạy Dịch cho nhiều lứa tuổi, ở
trong nước, cũng như ở ngoại quốc (Hoa Kỳ). Tôi năm nay đã 76 tuổi,
chẳng may bị tê bại từ tháng 9 năm 1989, nhưng nhờ Trời óc chất hãy
còn sáng suốt, tinh thần hãy còn minh mẫn.
Tôi nhận thấy Kinh Dịch rất hữu ích
cho nhân loại: Nó có thể mở mang khối óc ta về nhiều vấn đề:
Khoa học, Đạo Đức, Chính trị, Âm nhạc, Thiên văn, Y học, Bói
toán v v ... và nhiều vấn đề liên quan đến đời sống hiện tại
của ta, mà xưa nay các nhà bình giải Dịch kinh từ Á sang Âu không hề
nói tới.
Nhà tôi, sau khi đọc các quẻ, đã khám
phá ra chỗ diệu dụng của nó. Nên nhất định khai thác nó, theo khả
năng của nhà tôi, và nhất định xem xét, nghiên cứu, và tự
mình đánh lại nó bằng computer. Tuy sức khoẻ không khả quan (vì bị
bệnh mục xương sống), và đã 63 tuổi, nhưng nhà tôi nhất định làm, vì
nghĩ rằng nếu biết Áp dụng Kinh
Dịch vào Thời đại,
thì sẽ có nhiều ích lợi cho thế hệ
sau, và hy vọng nhiều người sau này, sẽ tiếp tục nghiên cứu nó. Và
một ngày nào đó biết đâu, nó chẳng mang lại nhiều lợi ích
cho quốc gia, dân tộc nói riêng, và nhân loại nói chung, vì theo
đà tiến hóa, những người nghiên cứu nó sau này, sẽ thông minh hơn
chúng ta gấp bội, nhà tôi nói. Nên dù gặp khó khăn về sức
khỏe, khó khăn về vật chất, để hoàn thành nó, nhà tôi cũng
phải cố gắng cho nó ra đời. Nếu có ích cho thế hệ sau, thì sự hy sinh
nhỏ nhoi của nhà tôi, nào có đáng gì?
Cho nên, bộ Kinh Dịch này ra đời hoàn
toàn theo ý nhà tôi, (tôi chỉ góp ý phụ). Nhà tôi bỏ bớt những gì
không cần thiết, và giản dị hóa lời giảng (mà theo ý nhà tôi nó quá
cao, sợ nhiều người không hiểu). Nhà tôi muốn phổ biến cho quần
chúng, và nghĩ rằng chỉ cần trên 18 tuổi, đọc và hiểu tiếng Việt,
là hiểu được phần Bình giảng, và phần Áp dụng vào Thời đại. Nhà tôi đã cho vài em nhỏ khoảng 18, 20 tuổi và ít sinh viên Đại học
đọc, họ đọc xong mục Áp dụng vào Thời đại, họ rất hiểu,
và rất thích thú, và họ ước ao nhà tôi đủ sức khoẻ, để cùng tôi hoàn
tất xong bộ Dịch này. Các bạn hữu của chúng tôi cũng khuyến khích nhà
tôi rất nhiều.
Sau nhiều ngày suy
nghĩ, chúng tôi nhất định trình bầy Bộ Dịch như sau:
I. Quyển I bàn về các vấn đề liên
quan đến Dịch Lý, đến Vô
Cực, Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Âm Dương, Tứ Tượng, Ngũ Hành.
Phần này rất cao siêu, nên tôi đã
giảng giải bằng nhiều chú thích của những nhà bình giải danh tiếng,
lại viện dẫn nhiều sách tham khảo, để tiện cho quí vị tìm ra
những điều vi diệu của Dịch .
II. Quyển II
nói về Thượng kinh (có phần
Dịch Kinh Giản Lược ở trên, xin quí vị đọc kỹ phần
này, để có những ý niệm, và hiểu từ ngữ để đi vào Hào, Quải cho
dễ).
Thượng Kinh:
Dưới phần Hán Văn là phần dịch đoạn Hán văn đó bằng văn vần,
tiếp đến là Bình giảng đoạn đó bằng văn xuôi. Cuối
mỗi quẻ là phần áp dụng quẻ đó vào Thời đại.
III.
Quyển III là Hạ kinh. Hạ kinh trình
bầy như Thượng kinh. Trong phần Bình giảng, thường hay dùng điển
tích chứng minh để độc giả dễ hiểu, và sẽ ngạc nhiên thấy khi đọc
Dịch mà thích thú, dễ hiểu như khi đọc truyện Tầu, và cuối mỗi
quẻ, đều có phần Áp dụng vào Thời đại của quẻ đó. Tôi và nhà
tôi cố gắng soạn bộ Dịch này một cách công phu, dễ hiểu, để đi sâu
vào quần chúng. Theo chúng tôi nó rất có ích cho nhân loại,.
Và sau khi đã
hiểu Dịch, biết áp dụng Dịch, ta thấy ta trở nên thông thái, khôn
ngoan hơn trước nhiều.
Phần
Hệ Từ.
Phần này có Hệ Từ Thượng,
Hạ, Thuyết Quái, Tự Quái, Tạp Quái cùng Phụ Lục I, II, III gồm khoảng
200 trang, với những lời bình giảng, chú thích rành rẽ. Chúng tôi cố
gắng làm cho đầy đủ, để quí vị tiện tra cứu mai sau. Bộ sách
tưởng dày (khoảng 1500 trang), nhưng quyển I có 9 Chương, mỗi Chương
dạy một đề tài khác nhau: dạy ta Hướng đi của Thánh Hiền, dạy Đông Y,
Bói toán vv..., và quyển II, III là 64 quẻ, với 64 hoàn cảnh khác nhau,
dạy về cách giải quyết những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, không
liên lạc với nhau, do đó muốn xem trước, sau, đoạn nào cũng được, nên
dễ như đọc tờ báo hàng ngày mà thôi.
Ước mong sao, bộ Dịch này đến tay
không những quí vị thích đọc sách, mà còn làm cho quí vị nào xưa
nay không thích đọc sách, cũng cảm thấy thích thú khi đọc nó.
Mong nó
sẽ mang lại nhiều điều lợi ích cho quí vị.
Nhân tử Nguyễn văn Thọ & phu nhân H. L.Yến Lê cẩn chí.
VÀI LỜI TÂM THÀNH
CỦA BÀ HUYỀN LINH YẾN
LÊ
Trước khi vào mục
Áp dụng Kinh Dịch vào Thời đại, tôi có mấy lời tâm thành ngỏ cùng
quí vị độc giả. Xin quí vị hãy coi tôi như người bạn thân của quí vị,
và mấy lời tôi nói sau, là những lời thành khẩn, bộc lộ tất cả những
suy tư, hiểu biết nhỏ nhoi của tôi, gửi đến quí vị - những người
bạn thân ở khắp bốn phương trời.
Tôi, Huyền Linh,
sinh năm 1934, quê quán Hà nội (Bắc Việt), là một phụ nữ Việt Nam bình
thường, xuất thân trong một gia đình công chức trung lưu, (nhờ có bà
mẹ đảm đang, đức hạnh, nên cuộc sống của anh em chúng tôi lúc nào cũng
có người giúp việc săn sóc chu đáo), có một nền học lực trung bình
(học Đại học, mà chưa có một mảnh bằng nào của Đại học, vì nếu hỏng
thi, là tôi ngưng ngay), biết làm thương mại qua loa (chủ cơ sở thầu
thực phẩm & chủ tiệm bán về thực phẩm), biết nấu ăn, may vá, thêu thùa
qua loa (Hiệu trưởng & giảng dạy & Chủ nhân trường Nữ công gia chánh
Việt Tiến). Nghề tay trái, là buôn đá quí (hạt soàn). Năm 17 tuổi
kết hôn với người mình yêu, đó là chồng tôi hiện tại (Bác sĩ Nguyễn
văn Thọ).
Sau khi lập gia
đình, và sinh đủ số con như ý muốn, tôi lại tiếp tục học thêm. Sở
dĩ tôi viết qua về tiểu sử của tôi, là cốt để cho quí vị rõ, là tôi
cũng như phần đông quí vị, không được hưởng một ân sủng nào hơn cả, mà
trái lại phải phấn đấu rất nhiều (vì làm thương mại, là phải lo về
quản trị sao cho tốt). Tôi, thuở nhỏ thích xem truyện Tàu, nhất là
những chuyện viết về Lịch sử. Về già, thì lại ham mê nghiên cứu về
các đạo (tôi theo đạo thờ ông bà).
Sau khi hiểu ít nhiều về các đạo (chỗ
nào không hiểu thì tôi đàm luận với chồng tôi), tôi nhận thấy cuộc
đời này chỉ là một sân khấu, trò đời là màn kịch, mà tôi cũng như mọi
người chỉ là những diễn viên, nên khi đã đóng xong vai trò của mình,
thì hãy trở về với con người thực của mình, chứ còn cứ mơ tưởng đến
vai trò của mình trên sân khấu đời, rồi kiêu ngạo, hống hách, hoặc
buồn khổ, thì sai lầm lắm vậy.
Hôm nay, tôi mạo
muội viết ít lời ở nơi đây về Kinh Dịch, và tôi đọc, học, và hiểu Kinh
Dịch như thế nào, để quí vị thưởng lãm.
I.
Trước tiên, khi đọc 1 quẻ Dịch, thì ta
hãy tìm hiểu đại ý của nó ở phần Thoán, và chớ suy tư quá nhiều
về một vài câu khó hiểu trong quẻ, mình không hiểu mà cho là
Thánh nhân nói sai, hoặc tìm được một vài ý kiến hay của
người ở thời đại ngày nay, thì cho rằng Dịch ngày
xưa không bằng.
Ta hãy trông trái bắp
(ngô), nó có rất nhiều hạt, mỗi hạt là một công dụng của nó, râu có
thể nấu nước uống lợi tiểu, lõi có thể thay củi đốt lửa, hạt có thể
luộc, xay thành bột để làm biết bao thứ bánh, tùy theo người biết xử
dụng nó, nhưng cuối cùng mục đích của nó, là góp phần vào việc nuôi
nhân loại mà thôi. Xưa, Thánh nhân tổn biết bao tâm cơ, suy tư biết
bao năm tháng, mới viết ra bộ Kinh Dịch, (Dịch là biến dịch, bất biến,
giản dị), để lại cho chúng ta. Nhưng các vị đó luôn luôn nói những
câu khó hiểu, cốt ý là chỉ để cho những người nào có Tuệ căn
mới lĩnh hội được mà thôi. Vì tâm trí ta còn kém cỏi, vật dục làm ta
u mê., nên làm sao ta hiểu được những vi ý của cổ nhân. Khi đã hiểu
nó, ta có thể khai triển nó theo muôn mặt, cũng như chồng
tôi khai triển nó về phương diện đạo đức, tu thân, hoặc đạo lý, tâm
linh, tôi thì khai triển nó về phương diện xã hội
theo hiện đại, còn như 2 nhà Khoa học Trung
Hoa (1957) Dương Chấn Ninh & Lý Chính Đạo đã dựa vào tỷ
lệ Âm Dương (Tam thiên, Lưỡng địa) của Dịch mà làm một
cuộc thí nghiệm tại Trung tâm thí nghiệm
nguyên tử (National Bureau of Standards) ở Columbia, Hoa Kỳ, và đã
được Ủy Ban Quốc Tế tặng giải Nobel năm 1957, và bây giờ Khoa Học,
trong các công cuộc truyền tín hiệu, truyền hình ảnh từ vệ
tinh xuống mặt đất, có thể nói là đã gián tiếp dùng 64 quẻ Dịch.
Tôi hy vọng sau này sẽ còn
nhiều người nữa sẽ theo sau mà nghiên cứu những chỗ
vi diệu của Dịch, mục đích là đóng góp phần nào trong muôn
một, vào công cuộc tiến hóa của nhân loại về mọi mặt, đừng thấy người
này áp dụng Dịch, không giống mình mà cho là sai, người kia giống mình
thì cho là đúng, và nhất là đừng bao giờ coi mình hơn cổ nhân, vì như
vậy, nếu giỏi hơn thì là kiêu ngạo, mà nếu là người chưa làm được gì
cho xã hội, nhân loại, thì chỉ là hạng ếch ngồi đáy giếng, coi trời
bằng vung mà thôi.
II -Ngoài
ra, Dịch kinh còn muốn đề cập đến các định luật biến dịch của vũ trụ,
cũng như của quần sinh. Dịch sở dĩ có, là cốt để mở mang trí
tuệ cho con người, tác thành muôn việc cho con người, bao trùm tất cả
đạo lý trong thiên hạ (Hệ Từ Thượng, Chương XI, tiết I).
III - Dịch dạy chúng ta xu
cát, tị hung (theo hay, tránh dở),
bằng sự hiểu biết, sự khéo léo, sự cố
gắng của mình. Dịch Kinh nhận định rằng ta lệ thuộc rất
nhiều vào hoàn cảnh, cho nên biết hoàn cảnh là biết một phần lớn số
phận cá nhân.
Nhận định được chân giá trị của
Dịch, lại biết áp dụng thực
thi được Dịch lý vào công cuộc tu luyện bản thân, nên Đức Khổng tha
thiết khảo cứu Kinh Dịch. Ngài nói: Nếu Trời cho ta sống thêm
ít tuổi nữa, để học Dịch, ta có thể không phạm lỗi lầm
lớn nữa (LN VII, 16).
Còn tôi, sự nghiên cứu, học
hỏi về Dịch này là một công việc thích thú nhất trong đời tôi,
nên tôi muốn san sẻ những thích
thú đó với quí vị - những người bạn thân của tôi ở khắp bốn
phương trời- cùng thưởng lãm. Mong rằng sự hiểu biết nhỏ bé của
tôi, mang lại lợi ích cho quý vị. Mong thay.
Trước khi dứt lời, tôi xin nhắc nhở
quí vị 1 lần nữa:
*
Đọc Dịch: Xin đọc phần Áp dụng vào
thời đại trước.
*
Muốn hiểu Dịch & Các từ ngữ của Dịch: Xin đọc phần Dịch Kinh
Giản Lược ngay đầu tập II.
* Muốn hiểu quẻ muốn nói gì:
Xin đọc kỹ Thoán.
Trân trọng kính chào quí vị
Huyền Linh Yến Lê cẩn chí
»
Dịch Kinh Đại Toàn |
Lời Nói Đầu |
Dịch Kinh Giản
Lược |
Quẻ 1
2 3
4
5 6
7 8
9 10
11 12
13
14
15
16 17
18
19 20
21 22
23 24
25 26
27 28
29 30
|