THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


 

10. 天 澤 履 THIÊN TRẠCH LÝ   

 

Lý Tự Quái

履 序 卦

Vật Súc nhiên hậu hữu Lễ

物 畜 然 后 有 禮

Cố thụ chi dĩ Lý

故 受 之 以 履

 

Lý Tự Quái

Chế kiềm, rồi mới có ngày lễ nghi.

Cho nên, Lý hiện đoan nghê,

Lý là lễ phép, (dễ bề thái khang).

 

Lý theo Từ nguyên là đôi giầy, theo nghĩa thông thường là bước, là đi. Quẻ Lý trên có Kiền là Trời, là quang minh, cương kiện, bao la, thuần túy, chí thiện; dưới có Đoài là vực, vui,  hòa duyệt, Âm nhu. Quẻ Lý có phảng phất âm hưởng như chữ Lễ, nên Lý cũng là Lễ.

Quẻ Lý đứng đầu trong 9 quẻ bàn về cách tu nhàn, tích đức trong Hệ Từ.

I. Thoán.

Thoán Từ.

履:履 虎 尾 . 不 咥 人 . 亨 .

Lý: Lý hổ vĩ. Bất khiết nhân. Hanh.

Dịch.

Lý dẵm đuôi hùm, hùm chẳng cắn.

Hùm chẳng cắn người, mới hanh thông.

Các nhà bình giảng thường chú trọng đến mấy chữ: Lý hổ vĩ bất khiết nhân = Lý dẵm đuôi hùm, hùm chẳng cắn.

Người thời cho rằng; Kiền là hùm, Đoài theo sau là đuôi, người thời cắt nghĩa theo lối bàng thông, mà cho rằng Khôn là hùm (Kiền bàng thông Khôn). Người thời cho rằng Hào Cửu Ngũ nơi quẻ Kiền mới đúng là hùm. Còn như: dẵm đuôi hùm, mà hùm chẳng cắn, thì giải rằng: nếu mình hiền lành, tử tế mà gặp người hung hãn, thì họ cũng chẳng làm hại được mình. Ngạn nhữ có câu: Hung quyền bấ đả tiếu diện (Tay hung chẳng đánh mặt cười).

Nhưng theo tôi (tác giả), Dịch đã tóm quẻ Lý bằng một chữ Lễ. Như vậy, quẻ Lý tóm tắt lại cả Lễ và bộ Lễ Ký.

Trong Kinh Thư, thiên Quân Nha, Mục Vương than thở với Thừa Tướng Quân Nha rằng: Trị muôn dân thiệt là khó, làm cho ta lo lắng như dẵm trên duôi hổ, như bước trên băng xuân.

 

Thoán Truyện. Thoán viết:

履 . 柔 履 剛 也 . 說 而 應 乎 乾 . 是 以 履 虎 尾 . 不 咥 人 . 亨 . 剛 中 正 . 履 帝 位 而 不 疚 . 光 明 也 .

Lý. Nhu lý cương dã. Duyệt nhi ứng hồ Kiền. Thị dĩ lý hổ vĩ.

Bất khiết nhân hanh. Cương trung chính. Lý đế vị nhi bất cứu.

Quang minh dã.

Dịch. Thoán rằng:

Lý là mềm dẵm cứng,

Vui thuận theo dễ ứng với trời.

Thế là tuy dẵm trúng đuôi,

Mà hùm chẳng có cắn ngưòi, mới may.

Cương cường, trung chính, thẳng ngay,

Bước lên đế vị, lòng này tuyết băng.

Quang minh, băng tuyết, một lòng.

 

Quẻ Lý dạy ta phải tìm ra những định tắc thiên nhiên chi phối công cuộc thần thánh hóa bản thân. Ta sinh ra ở đời , có mục tiêu chính yếu và tối hậu là bước lên con Đường Trời đó. Muốn như vậy, phải vui thuận theo ý Trời.

Trời muốn ta trở thành Thần minh, mà Thần minh thời trí tuệ sáng suốt, thông minh. Muốn trở nên thông tuệ, ta quyế tâm học hỏi, triền miên suy tư, biết tập trung tinh thần, hồi quang phản chiếu. Người bước vào con đường Hiền thánh, phải nhân từ, khoan quảng, phải rộng lượng, bao dung. Tóm lại, Lý là thần thánh hóa bản thân, vui theo những định luật thiên nhiên của tam tài (Trời, Đất, Người), để thực hiện định mệnh cao sang của con người  là Phản bản, Hoàn Nguyên, là phối Thiên, phối Mệnh. Thế tức là:

Nghĩa nhân làm hán, làm hài,

Uy nghi, trang trọng, đường trời bước lên.

Lễ là những quy tắc, đường lối, phương pháp, giúp ta cải thiện tâm thần, để trở thành thần thánh.

Tào Thăng bình giải quẻ Lý như sau: Luật chi phối nơi tâm gọi là Lễ, thực thi áp dụng vào đời sống thường  nhật của mình gọi là Lý. Muốn tổ chức quốc gia, muốn quy định hành vi nhân sự, không gì hay hơn Lễ...

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết:

象 曰 . 上 天 下 澤 . . 君 子 以 辨 上 下 . 安 民 志 .

Thượng thiên hạ trạch. Lý. Quân tử dĩ biện thượng hạ. Định nhân chí.

Dịch.

Tượng rằng:

Lý là hồ ở dưới trời,

Hiền nhân, trên, dưới, rạch ròi biện phân.

Thấp, cao, quý, tiện, định phần.

Để cho dân chúng xa, gần, tin theo.

 

Nơi quẻ Lý, lẽ tôn, ti (Kiền = tôn, Đoài = ti), đã trình hiện. Người quân tử phải nhận định được rằng trong trời đất, cũng như trong nhân gian, cần phải minh định lẽ tôn ti, trật tự. Cho nên, khi trị dân, trị nước, phải tùy tài, tùy sức, tùy lực của mỗi người mà định tôn ti, cao hạ, để trên ra trên, dưới ra dưới, có như vậy dân chí sẽ đưọc ổn định.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

Các Hào dạy như Mạnh Tử rằng: lúc đắc chí (làm quan, tướng, vua), thời cùng chung súc với dân, mà thi hành những đức (Nhân, Lễ, Nghĩa). Khi chẳng đắc, ẩn dật mà tu thân, hành đạo.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 .     素 履 . 往 無 咎 .

象 曰 .     素 履 之 往 . 獨 行 愿 也 .

Sơ Cửu. Tố lý vãng. Vô cữu.

Tượng viết:

Tố lý chi vãng. Độc hành nguyện dã.

Dịch.

Tố Lý đơn sơ, sống ở đời,

Chẳng ai phiền lụy, chẳng ai cưòi,

Tượng rằng: vui sống đơn sơ,

Âm thầm thực hiện ước mơ của mình.

 

Hào Sơ dạy phải Tố Lý, đó là phải theo đúng lương tâm mà hành sự, giữ lòng lúc nào cũng tuyết băng. Chữ Tố ở đâu có thể hiểu 2 cách:

a) Tố là nguyên tố hay nguyên tính, tức là Bản Nhiên Chi Tính = Thiên Tính.

b) Tố là Tố kỳ vi nhị hành, bất nguyện hồ kỳ ngoại, như Thuấn, khi còn ăn rau nơi Lịch Sơn, như Nhan Hồi, bầu nước, giỏ cơm trong ngõ hẹp, mà vẫn vui cùng đạo lý.

Dịch để 2 chữ Tố Lý trong Hào Sơ, có ý muốn nói rằng: Lễ trọng ở chỗ tinh thần cao khiết, không phải ở những hành ngơi bên ngoài.

Luận Ngữ cũng viết: Tử Hạ hỏi Đức Khổng: Xin ngài giải nghĩa cho rõ những câu trong Kinh Thi:

Nụ cười hoa nở trên môi,

Long lanh đôi mắt, đẹp tươi yêu kiều.

Trên khung vải trắng mỹ miều,

Vẽ nên cảnh sắc khinh phiêu tuyệt vời.

 

Đức Khổng đáp: Trước khi vẽ phải có một khung vải trắng đã. Tủ Hạ xin tiếp lời: thế là làm người, trước phải trung tín, rồi sau mới giữ Lễ phải không? Đức Khổng đáp: trò Thương (tên Tử Hạ) này phát khởi được ý ta.

Nói thế nghĩa là Lễ là đường lối để tu thân, để cải thiện, đẻ thần thánh hóa con người. Lễ là đồ trang sức của tâm hồn, chứ không phải là lụa là, vàng ngọc bên ngoài.

 

2. Hào Cửu nhị.

九 二 .     履 道 坦 坦 . 幽 人 貞 吉 .

象 曰 .     幽 人 貞 吉 . 中 不 自 亂 也 .

Cửu nhị. Lý đạo thản thản. U nhân trinh cát.

Tượng viết:

U nhân trinh cát. Trung bất tự loạn dã.

Dịch.

Cửu nhị. Thênh thang trên đường đạo,

Âm thầm vui sống thế mà hay,

Tượng rằng: Thầm lặng mà hay,

Là vì phiền loạn, lòng này chẳng vương.

Hào Cửu nhị tiếp ý Hào Sơ, dạy con người đi trên con đường phẳng phiu, thảng đãng của Đạo trời.

3. Hào Lục tam.

六 三 .    眇 能 視 . 跛 能 履 . 履 虎 尾 . 咥 人 . 凶 . 武人為于大君 .

象 曰 .    眇 能 視 . 不 足 以 有 明 也 . 跛 能 履 . 不 足 以 與 行 也 .

              跌 人 之 凶 .

Lục tam. Diểu năng thị. Bí năng lý. Lý hổ vĩ. Khiết nhân hung.

Vũ nhân vi vu đại quân.

Tượng viết:

Diểu năng thị. Bất túc dĩ hữu minh dã. Bí năng lý. Bất túc dữ hành dã.

Khiết nhân chi hung. Vị bất đáng dã. Vũ nhân vi vu đại quân. Chí cương dã.

Dịch.

Lục tam: chột thấy, què đi,

Vận sui, hổ cắn, chỉ vì dẵm đuôi.

Võ biền mà muốn trị đời.

Tượng rằng: Chột thấy, thấy ra chi,

Què đi thất thểu, phải đâu đi.

Ngất ngưỡng ngồi cao, không tài đức,

Như hổ cắn người, thế mới nguy.

Võ biền mà muốn trị vì,

Tính tình hung hãn, còn gì nguy hơn.

 

Trị đân là sửa dân, làm cho dân theo được chính đạo, chính nghĩa. Đó là công việc của những hiền nhân,quân tử, của những con người có khối óc tinh tế, hiểu biết sâu xa về tâm lý con người, chứ không phải là phạm vi của những kẻ vũ phu bạo hổ bằng hà. Những kẻ vũ phu làm chính trị. có khác nào chột thấy què đi đâu, chỉ tổ hại dân, hại nước.

 

4.  Hào Cửu Tứ.

九 四 .     履 虎 尾 . 愬 愬 . 終 吉 .  

象 曰 .     愬 愬 終 吉 . 志 行 也 .

Cửu Tứ. Lý hổ vĩ. Tố tố chung cát.

Tượng viết:

Tố tố chung cát. Chí hành dã.

Dịch. Cửu tứ.

 Đuôi hùm đà chót dẵm,

Cố sức lo lường, rút cuộc hay.

Tượng rằng: Lo lắng, sau hay,

Hay vì thực hiện được ngay chí mình.

 

Hào Cửu tứ  đề cập đến nỗi lo âu của một hiền tài như Y Doãn, Phó Duyệt khi phải trị dân, giáo hóa dân. Người xưa cho rằng muốn trị người, trước tiên mình phải ngay chính. Cho nên trị dân là dạy dân đường nhân, nẻo đức, rồi lại phải lấy chính lề lối sống của mình mà làm gương cho dân. Vì thế, nên trị dân tuy khó, tuy nguy, nhưng đem lại cho mình niềm vui, vì chính là cơ hội để thực thi lý tưởng bình sinh chi chí của mình.

 

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 .     夬 履 . 貞 厲 .

象 曰 .     夬 履 貞 厲 . 位 正 當 也 .

Cửu ngũ. Quyết lý. trinh lệ.

Tượng viết:

Quyết lý trinh lệ. vi, chính đáng dã.

Dịch.

Cửu ngũ phải sao cho cương quyết,

Vừa bền gan, vùa biết nguy cơ,

Tượng rằng: cương quyết, bền gan,

Nguy cơ, vả biết lo toan đề phòng,

Xứng ngôi, xứng vị, thung dung.

 

Quý Khương Tử đại phu nước Lỗ, hỏi đức Khổng Tử về chính sự (tức là về cách cai trị). Đức Khổn tử đáp: Chữ Chính là do chính trực mà ra. Cai trị tức là săn sóc cho dân trở nên ngay chính. Nay Đại Phu là bậc cầm đầu trong dân chúng, mà tự mình chính đính, thì cò ai dám ăn ở bất chính. Nếu quan Đại Phu là bậc thừa hành, mà đã phải băn khoăn lo lắng như vậy, thì vị quân vương ở trên cầm trịch, phải quyết đoán các hành động, các các cư xử, phản ứng của muôn dân, thời lại càng phải lo lắng biết chừng nào. Vì vậy Mục Vương mới nói: Lòngười trẫm ưu tư như dẵm trên đuôi hổ, như bước trên băng xuân.

 

6. Hào Thượng Cửu. 

上 九 .     視 履 考 祥 . 其 旋 元 吉 .  

象 曰 .     元 吉 在 上,大 有 慶 也 .

Thượng Cửu. Thị lý khảo tường. Kỳ tuyền nguyên cát.

Tượng viết:

Nguyên cát tại thượng. Đại hữu khánh dã.

Dịch.

Hào Thượng Cửu, hành vi xét lại,

Xem thế nào là phải, là hay ,

Hay là toàn vẹn trong, ngoài,

Hay là vạn sự ở đời thành công.

Tượng rằng: Hay đến kỳ cùng,

Mới là trọn vẹn đáng mừng, đáng vui.

 

Hào Thượng Cửu cho rằng phải luôn luôn kiểm điểm lại đường lối, hành vi, sao cho mọi sự toàn vẹn từ đầu đến đuôi, như vậy mới là thực hay, thực tốt. Bước trên đường nhân nẻo đức, mà không bước đến cùng, đến cực, không đi đến đầu, đến đuôi, thì làm sao mà thành đại công đại nghiệp, làm sao mà phúc khánh, cửu trường.

ÁP DỤNG QUẺ LÝ VÀO THỜI ĐẠI

Lễ khác với pháp luật. Lễ là định luật thiên nhiên, là luật của Trời, là ý Trời. Pháp luật là luật Nhân tạo, mà các đạo giáo, chính thể, các quốc gia lập ra để bắt người dưới quyền mình tuân giữ. Lễ quy định những gì hay, người gì phải cho con người, làm cho con người trở nên có nhân cách, nhân vị, trở nên hoàn hảo. Căn bản chính là do nơi thân và tâm mình. Nếu mình không hoàn hảo trước, mà lại đòi hỏi người dưới phải hoàn hảo, thiệt là khó vậy. Vi người trên đối với người dưới như cây đối với bóng, như là nguồn đối với các nhánh sông. Cây cong mà lại đòi bóng thẳng, nguồn đục mà lại đòi nhánh trong, thì không thể có được vậy.

Nếu bậc phụ huynh có nhân cách đủ để cảm hóa người, thì con em mình sẽ dễ dạy hơn, dễ trở nên ngay chính hơn. Lễ đem lại cho mình một đời sống chính đáng, mang lại cho quốc gia, xã hội một quang cảnh hạnh phúc, đầm ấm, hòa hợp. Đem áp dụng định tắc thiên nhiên này vào đời sống xã hội, Khổng Giáo đã quy định bổn phận cho mọi hạng người, trong mọi tầng cấp xã hội như sau:

1. Vua phải nhân từ (Quân nhân): người cầm đầu nước phải thương dân như con, phải lo cho dân được cơm no, áo ấm, phải lo dạy dỗ dân.

2. Tôi phải trung (thần trung): Các quan hay các viên chức trong chính quyền phải hết sức cộng tác với vị quốc quân để lo việc cho nước nhà.

3. Cha phải khoan từ (phụ từ): Cha dạy cho con nên từ tốn khuyên bảo, chớ lấy quyền mà đè nén con.

4. Con phải hiếu thảo (tử hiếu). Con phải vâng lời cha mẹ, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già.

5. Anh phải hẳn hoi (huynh lương). Anh phải ngay thẳng, thật thà, để các em noi gương.

6. Em phải kính thuận (đệ đễ). Em phải nhường nhịn anh, không được ăn nói hỗn hào với anh.

7. Chồng phải đường hoàng (phu nghĩa); Chồng không nên rượu chè, cò bạc, trai gái, nghiện hút.

8. Vợ phải nhu thuận (phụ thính): vợ phải ăn nói dịu dàng, và nghe theo chồng.

9. Người lớn phải thi ân (trưởng huệ). Người trên phải tỏ ra rộng rãi, sẵn lòng giúp đờ người dưới.

10. Kẻ nhỏ phải vâng phục (Ấu thuận). Người dưới phải vâng theo lời người trên.

Đó là Thập Nghĩa.

- Lễ chi phối mọi hành vi, cử chỉ, những cách giao tiếp của con người. Lễ không cho phép ta đi quá trớn, quá giới hạn, mực thước đã quy định; không cho phép xâm phạm quyền lợi người khác; vũ nhục, khinh, khi, sàm sỡ với người khác.

- Lễ là những định luật tự nhiên, giúp con người sống xứng đáng với danh nghĩa con người, sống hòa hợp, đoàn kết với mọi người.

- Lễ quy định những gì hay, những gì phải lo cho con người. Có Lễ, thì gia đình, xã hội, thế giới chúng ta sẽ cải thiện, và sự thanh bình, hoan lạc tự nhiên sẽ đến với chúng ta.

 


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30