THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


 

21. 火雷噬嗑  HỎA LÔI PHỆ HẠP   

 

Phệ Hạp Tự Quái

Khả quan nhi hậu hữu sở hợp.

Cố thụ chi dĩ Phệ Hạp.

Hạp giả hợp dã.

 

Phệ Hạp Tự Quái

Ngắm trông sẽ hợp, sẽ thân,

Cho nên Phệ Hạp theo chân hình thành.

Phệ Hạp là hợp đã đành

 

Phệ Hạp là nghiền nát để hợp. Nghiền nát đây là trừng trị những kẻ bất lương, những người ngang ngược, làm mất trật tự xã hội, làm cho dân tình ly tán, không hợp nhất được với nhau.

Phệ Hạp xét về tượng hình, y như cái mồm mắc vật cứng ở giữa, làm cho 2 hàm trên dưới không thể hợp nhau. Phải nghiền nát vật cứng nhiên hậu mới hợp nhau được.

Trong xã hội cũng vậy, cần phải diệt trừ nguyên do chia rẽ, nhân tình mới hòa hợp được. Vì thế cần phải dùng hình phạt. Hình phạt mà áp dụng cho trúng, đó là thương dân, vì nhờ vậy dân mới được yên ổn. (Ái bách tính, cố hình phạt trúng. Hình phạt trúng, cố thứ dân an.)

Trời dùng Sấm = Chấn = Lôi; Chớp = Ly = Hỏa, để đánh tan sự oi ả. Thánh nhân dùng hình phạt để dẹp tan mầm mống chia rẽ. Thế chính là Pháp Thiên, bắt chước Trời mà hành sự.

Phệ Hạp trên có Ly = Hỏa chỉ sự sáng suốt, dưới có Chấn = Sấm chỉ sự uy nghiêm. Sáng suốt nên không ai dấu được sự tình; uy nghiêm nên mọi người đều kiêng sợ. Đó chính là những đức tính của vị phán quan.

Quẻ Phệ Hạp tóm tắt lại cơ chế hình pháp đời xưa. Đời xưa, Lễ, Nhạc, Hình, Chính (chính trị), là 4 cách trị dân. Hình pháp cốt để giữ gìn trật tự, trừng trị những kẻ gây rối.  

I. Thoán.

Thoán Từ.

噬 嗑:亨。 利 用 獄。 

Phệ Hạp. Hanh. Lợi dụng ngục.

Dịch.   

Cản trước, rồi ra mới hợp sau,

Ngục hình dùng đúng, lợi biết bao.

Thoán Từ trước hết giải hai chữ Phệ Hạp, là nghiền nát để hợp. Ý muốn nói nghiền nát hay trừng trị  kẻ ngoan ngạnh trong xã hội, để xã hội được hoà hợp. Vì thế, Thoán Từ nói Phệ Hạp hanh. 

Thoán Truyện.

彖 曰:  頤 中 有 物,曰 噬 嗑,噬 嗑 而 亨。剛 柔 分,動 而 明,雷 電 合 而 章。柔 得 中 而 上 行,雖 不 當 位,利 用 獄 也。

Thoán viết:

Di trung hữu vật. Viết Phệ Hạp. Phệ Hạp nhi hanh. Cương Nhu phân.

Động nhi minh. Lôi điện hợp nhi chương. Nhu  đắc  trung  nhi thượng hành.

Tuy bất đáng vị. Lợi dụng ngục dã.

Dịch.

Vật cứng ngáng mồm là Phệ Hạp,

Cắn nghiền ra, rồi hợp mới hay.

Cứng, mềm, minh biện, phơi bầy,

Uy nghi, sáng suốt, ai tày phong quang.

Như sấm chớp rỡ ràng, lẫm liệt.

Tuy khoan Nhu, siêu việt ngôi trên.

Vị ngôi tuy chẳng ấm êm,

Nhưng khi gia phạt, cũng nên Nhu hòa.

 

Thoán Truyện nói: Phệ Hạp nhi hanh. Có trừng trị kẻ gây rối rồi, thì xã hội mới được hanh thông, an lạc.

Phệ Hạp có Ly = Nhu ở trên, Chấn = Cương ở dưới. Cương, Nhu lưỡng dụng đều đặn, phân minh. Ý nói khi áp dụng hình phạt, cũng như khi xử tội, phải áp dụng cả Cương lẫn Nhu (Cương Nhu phân).

Phệ Hạp có Chấn là Động, Ly là Minh, ý nói khi xử đoán tội tình cũng như thi hành hình phạt vừa minh, vừa uy (Động nhi minh). Minh, Uy phối hợp với nhau, sẽ như sấm chớp dẹp tan mọi chếch mác, đem hòa hợp và trị bình lại cho đất nước, vì thế nói: Lôi điện hợp nhi chương.   Thoán Truyện viết tiếp: Âm Nhu đắc trung nhi thượng hành. Âm mà ở ngũ, thời đâu có đáng ngôi vị, nhưng mà đối với các công cuộc hình án, thời nó là Nhu mà cư Cương. Lòng vốn tốt, nhưng nghiêm, Cương để bảo trì luật pháp cũng là hay rồi. Thoán Truyện, vì thế viết tiếp: Tuy bất đáng vị. Lợi dụng ngục dã. 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰: 雷 電 噬 嗑 ﹔先 王 以 明 罰 敕 法。

Tượng viết: 

Lôi điện Phệ Hạp. Tiên vương dĩ minh phạt sắc pháp.

Dịch. Tượng rằng:

Phệ Hạp chớp lóe, sấm vang,

Tiên vương,  hình phạt quyết mang răn đời,

Có răn, có phạt, hẳn hoi,

Dân gian sẽ sống theo đòi phép khuôn.

Tượng Truyện lại nhắc lại: Lôi điện là Phệ Hạp. Đó tức là uy minh lưỡng dụng. Các bậc Thánh Vương xưa thấy vậy, xác định lại hình phạt, chỉnh đốn lại luật pháp, để cho dân biết tôn trọng luật pháp. 

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

Các Hào nói về cách áp dụng về hình phạt. Hào 1 và 6 vì vô vị nên tượng trưng cho người thụ hình, và cho tội nhân. Các Hào 2, 3, 4, 5 là những người có chức vị, có bổn phận phải thi hành hình phạt. 

1.  Hào Sơ Cửu.

初 九 :      履 校 滅 趾,無 咎。

象 曰:     履 校 滅 趾,不 行 也。

Sơ Cửu. Lý giáo diệt chỉ. Vô cữu.

Tượng viết: 

Lý giáo diệt chỉ. Bất hành dã.

Dịch.

Tra cùm, làm mất ngón chân,

Gia hình thế ấy, có lầm lỗi chi.

Tượng rằng:

Tra cùm, làm mất ngón chân,

Hết đi, hết dám sa vòng tội khiên.

Hào Sơ tượng trưng cho người mắc khinh tội, bị phạt nhẹ, bị cùm chân, bị mất ngón chân. Thế là phạt nhẹ, để ngăn tiểu nhân đi vào con đường gian ác.

 

2. Hào Lục nhị.

六 二:       噬 膚 滅 鼻,無 咎。

象 曰:     噬 膚 滅 鼻,乘 剛 也。

Lục nhị. Phệ phu diệt tị. Vô cữu.

Tượng viết:

Phệ phu diệt tị. Thừa Cương dã.

Dịch.

Nghiến da, nghiến mất mũi đi,

Gia hình thế ấy, chẳng chi lỗi lầm.

Tượng rằng:

Nghiến da, nghiến mũi, mất trơn,

Gặp người quá bướng, nghiêm hơn đã đành.

Hào hai tượng trưng cho một quan chức ngôi vị xứng kỳ đức, thi hành hình phạt theo đúng lẽ phải, cho nên dễ làm cho người phục; y như cắn vào da mềm vậy. Tuy nhiên, đôi khi cũng gặp phải những kẻ ương ngạnh, ngang ngược (Thừa Cương), nên phải dùng hình phạt nặng hơn (diệt tị =cắt mũi), mới trị được họ. 

 

3. Hào Lục tam.

六 三 :     噬 臘 肉,遇 毒 ﹔小 吝,無 咎。

象 曰:    遇 毒,位 不 當 也。

Lục tam. Phệ tích nhục ngộ độc. Tiểu lận. Vô cữu.

Tượng viết:

Ngộ độc. Vị bất đáng dã.

Dịch.

Phường gian ngoan khi cần sửa phạt,

Khó như là day nát thịt khô.

Thịt khô dai ngoách, cứng đơ.

Phạt người chẳng nổi, hóa ra hại mình.

Trường hợp ấy,  âu đành rắc rối,

Nhưng riêng mình, nào lỗi chi đâu.

Tượng rằng:

Phạt người mà hóa hại mình,

Là vì ngôi vị, quyền hành dở dang.

 

Hào Lục tam đề cập đến một vị phán quan chưa đủ uy tín, mà đã xử tội một kẻ gian ngoan, có quyền thế. Gặp trường hợp này có khác nào nhai phải miếng thịt khô, lại còn cả xương; nên nhai đã chẳng được, nhiều khi còn nhiễm độc, nhiễm hại. 

 

4. Hào Cửu tứ.

九 四 :     噬 乾 胏,得 金 矢,利 艱 貞,吉。

象 曰:    利 艱 貞 吉,未 光 也。

Cửu tứ. Phệ can chĩ. Đắc kim thỉ. Lợi gian trinh. Cát.

Tượng viết:

Lợi gian trinh cát. Vị quang dã.

Dịch.

Thịt khô cắn nát như thường,

Thịt khô còn dính cả xương cũng nghiền.

Bắt người nộp cả vàng, tên.

Khó khăn mấy, cũng chu tuyền công phu.

Tượng rằng:

Gian nan, vất vả mới xong,

Uy danh chiếu rạng chưa cùng khắp nơi.

Cửu tứ trái lại là một vị phán quan Cương nghị. Tội nhân ngang ngạch bất trị như miếng thịt khô dính xương, cũng nghiền nát được. Chẳng những vậy, còn bắt phải nộp đủ lệ bộ án phí. Xưa nộp án phí bằng vòng vàng (kim câu), và tên bắn (Thúc thỉ= 1 bó 50 cái). 

 

5. Hào Lục ngũ.

六 五:      噬 乾 肉,得 黃 金,貞 厲,無 咎。

象 曰:   貞 厲 無 咎,得 當 也。

Lục ngũ. Phệ can nhục.  Đắc hoàng kim. Trinh lệ. Vô cữu.

Tượng viết:

Trinh lệ vô cữu. Đắc đáng dã.

Dịch.

Thịt khô nào khó cắn nghiền,

Lại còn được cả hoàng kim của người.

Tuy nhiên, chớ có dể ngươi,

Đề cao cảnh giác, vậy thời mới hay.

Tượng rằng: Chẳng có dể ngươi,

Vì ta chính vị, chính ngôi đã đành.

Hào Lục ngũ vì đắc trung nên có đủ quyền uy để xét xử, trừng phạt những vụ hình án lớn. Nói là hình án lớn, vì đây tội nhân phải xuất kim (nộp vàng, nộp kim câu làm án phí ). 

 

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 :     何 校 滅 耳,凶。

象 曰:    何 校 滅 耳,聰 不 明 也。

Thượng Cửu. Hà giáo diệt nhĩ. Hung.

Tượng viết:

Hà giáo diệt nhĩ. Thông bất minh dã.

Dịch.  

Mang gông mà mất cả tai,

Sự tình như thế, hung tai còn gì.

Tượng rằng:

Mang gông, đến mất cả tai,

Khôn thời đã vậy, ngoan thời chẳng ngoan.

Hào Thượng Cửu ám chỉ một tội nhân, vì đã đi quá trớn, đã làm điều xằng bậy quá lớn, nên bị trọng hình, mang gông mà mất cả tai.

ÁP DỤNG QUẺ PHỆ HẠP VÀO THỜI ĐẠI

Như trên ta đã biết, quẻ Phệ Hạp nói về luật pháp đời xưa. Vậy trước khi so sánh luật pháp xưa và nay, ta hãy tìm hiểu chúng. Trước tiên ta phải hiểu rõ, là bất kỳ ở Thời đại nào cũng vậy, hình pháp đặt ra cốt để giữ gìn trật tự, trừng trị những kẻ gây rối. Lễ Ký viết: Những người dũng cảm, sức lực, thay vì dùng sức lực mình để thi hành lễ nghĩa, hoặc chiến thắng ngoại thù, mà lại dùng nó vào việc tranh dành ẩu tả, thời gọi là những kẻ gây rối. Khi hình phạt được thi hành trong nước, những kẻ gây rối sẽ bị trừng trị trước tiên. Như vậy dân mới phục lệnh, mới sống hẳn hoi, và nước nhà mới yên.  

Đối với hình án, người xưa rất nghiêm minh và thận trọng. Ví dụ: Vua Đại Võ và Cao Dao đã đặt mấy nguyên tắc cho nền hình pháp như sau:

1)  Phán quan phải khoan hậu.

2)  Không được phạt tới con cháu.

3)  Tha các tội phạm vì vô tình.

4)  Nhân nhượng đối với nghi tội.

4)  Lỗi án lệ, còn hơn giết oan người.

5)  Phán quan phải tỏ cho dân biết đức hiếu sinh của nhà vua ( Kinh thư,  Đại Vũ Mô  tiếp 12 ).

Người xưa coi 5 hình phạt sau đây là nặng nhất gọi là ngũ hình:

1)  Mặc = Thích chữ vào trán hay vào mặt.

2)  Tị = Sẻo mũi.

3)  Ngoạt = Cắt chân.

4)  Cung = Hoạn đối với con trai dâm loạn, cấm cố đối với con gái dâm loạn.

5) Đại tịch = Chém đầu.

Theo Lễ ký, mỗi khi phải áp dụng ngũ hình, vị phán quan hết sức cẩn trọng:

- Phải để ý tình cha con, nghĩa vua tôi.

- Phải cân nhắc tội trạng cho hẳn hoi.

- Xét tâm tư tội nhân cho tinh tế.

- Phải dùng hết tài trí thông minh, và lòng trung ái của mình khi xét xử.

- Phải lưu ý dến mọi trường hợp.

- Khi nghi ngờ, phải hỏi ý dân. Dân mà nghi không chắc, mình sẽ tha.

- Phải khảo lại các án lệ trước. (Lễ ký,  Vương chế ,   IV, tiết 13 ).

Mỗi khi gặp hình án quan trọng, Lục sự phải trình hồ sơ lên phủ đường. Phủ đường xét hồ sơ rồi đệ lên Đại Tư Khấu (Tổng Trưởng Tư Pháp). Đại Tư Khấu xét hồ sơ xong,  đệ lên nhà vua. Nhà vua giao cho Tam Công xét lại. Tam công xét xong, đệ lên lại cho nhà vua, bấy giờ mới quyết định hình phạt. 

Ngày nay, ở các nước văn minh, những người bị tội nhẹ như ẩu đả, trôm cắp v v ... thì bị xét xử nơi Tòa Tiểu hình, tội nhân sẽ bị phạt tiền, hoặc bị giam giữ ngắn hạn. Còn những tội như cướp của, giết người, gây rối trị an, lường gạt, bội tín sẽ bị coi là những trọng tội, và sẽ bị xét xử nơi Tòa Đại Hình, tùy theo tội nặng nhẹ mà bị giam giữ lâu, hay chóng, còn như giết người, tối đa sẽ có thể bị tử hình, chứ không có những hình phạt dã man như ngày xưa.

Tóm lại, ở Thời đại nào, chính quyền đặt ra luật pháp cũng chỉ cốt là bảo vệ dân. Vậy làm dân, chúng ta tốt nhất là phải tôn trọng luật pháp, và bảo vệ luật pháp.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30