THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


4. 山 水 蒙   Sơn ThỦy Mông  

 

Mông Tự Quái

序 卦

Truân giả vật chi thủy sinh dã.

屯 者 物 之 始 生 也。

Vật sinh tất Mông

物 生 必 蒙,

Cố thụ chi dĩ Mông.

故 受 之 以 蒙

Mông giả mông dã.

蒙 者 蒙 也

Vật chi trĩ dã.

物 之 稚 也。

 

Mông Tự Quái

Truân là vạn vật chào  đời ,

 Hãy còn mông muội, chơi vơi, ngỡ ngàng.

Cho nên tiếp tới quẻ Mông,

Mông là dốt nát, mịt mùng, thơ ngây.  

 

Mông là mông muội, tối tăm, là non nớt, ấu trĩ. Có nhà bình luận cho rằng: chữ Mông gợi ra hình ảnh một căn nhà tối tăm, lụp xụp, mái rủ xuống gần sát đất, tiêu biểu cho thời kỳ man dại xa xưa, khi mà dân chúng còn ở trong những mái nhà thô sơ, còn ngu si, dốt nát . . .

 I. Thoán.

Thoán Từ.

蒙:亨。 匪 我 求 童 蒙,童 蒙 求 我。初 噬 告,再 三 瀆,瀆 則 不 告。 利 貞。 

Mông. Hanh. Phỉ ngã cầu đồng mông. Đồng mông cầu  ngã. Sơ phệ cốc. Tái tam độc. Độc tắc bất cốc. Lợi trinh.

Dịch.

Ngây thơ Mông muội có cơ hay,

Thầy không cầu trẻ, trẻ cầu thầy.

Nhất thứ cầu ta, ta chỉ giáo,

Tái tam sàm sỡ, chẳng phô bày.

Đại phàm dạy dỗ, vẽ bày,

Phải cho trinh chính, mới hay, mới lời.

Quẻ Mông muốn đề cập đến công trình giáo hóa, để khai phóng cho con người khỏi dốt nát, mông muội; hoặc là con người lịch sử khi còn man di, mông muội; hoặc là con người lê thứ còn dốt nát, u mê; hoặc là những trẻ thơ còn khờ khạo, vừa chập chững bước vào đời. Nếu xét về thời gian và tuổi tác, con người có thể ngu muội nhất thời, nhưng nếu xét về bản tính, về tính chất, thì con người vốn thông minh. Dẫu hồng trần, dẫu ngoại cảnh, có thể nhất thời như sa mù che mất cốt cách, mất tâm linh, con người vẫn có thể nhờ giáo hóa mà trở nên sáng láng. Vì vậy Thánh nhân đề cao sự giáo hóa, giáo dục. 

 

Thoán Truyện viết:

彖 曰. 蒙,山 下 有 險,險 而 止,蒙。蒙 亨,以 亨 行 時  中 也。匪 我 求 童 蒙,童 蒙 求 我,志 應 也。初 噬 告,以 剛 中 也。再 三 瀆,瀆 則 不 告,瀆 蒙 也。蒙 以 養 正,聖 功 也。

 Mông. Sơn hạ hữu hiểm. Hiểm nhi chỉ. Mông. Mông hanh. Dĩ hanh hành thời trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông. Đồng mông cầu ngã. Chí ứng dã. Sơ phệ cốc. Dĩ cương trung dã. Tái tam độc. Độc tắc bất cốc. Độc mông dã. Mông dĩ dưỡng chính. Thánh công dã.

Dịch.

Thoán rằng:

Mông là dưới núi có nguy nan,

Nguy hiểm dừng chân, vẻ ngỡ ngàng.

Mông đấy, rồi ra hạnh vận đấy,

Hợp thời, hợp Đạo, sẽ thênh thang.

Ta đâu cầu trẻ, để khai quang,

Trẻ phải cầu ta, chỉ lối đàng.

Chí trẻ, chí ta cần ứng hợp,

Tương ứng rồi ra dễ bảo ban.

Nhất thứ cầu ta, ta chỉ giáo,

Mới là chính đáng, mới khôn ngoan.

Tái tam sàm sỡ, thôi dạy bảo,

Sàm sỡ âu đành tính trẻ con.

Ta đây dạy dỗ mầm non,

Cốt là nuôi dưỡng, bảo toàn tinh hoa.

Khải mông, dưỡng chính bôn ba,

Dưỡng nuôi chính khí, mới là Thánh công.

Giáo hóa, giáo dục, cốt là để phát huy phẩm cách con người, tinh hoa con người, để rốt ráo con người sẽ trở nên Thánh Hiền. Phát Mông có mục đích là Dưỡng chính.

Như vậy, đừng thấy con người còn ngu si, mà đã vội thất vọng. Đó là những viên ngọc quí, đang chờ sự dũa mài để trở nên giá trị. Vì thế, tuy Mông mà vẫn Hanh. Nhưng muốn giáo hóa cho kết quả, không phải thầy đi cầu trò, mà trò phải thành khẩn cầu thầy.

Con người có tha thiết đi tìm chân lý, con người có tha thiết muốn hoán cải mình, thì khi ấy minh sư mới dễ bề khai quang, điểm hóa. Chân lý là cái gì quý báu, cần được truyền thụ trong một bầu không khí kính cẩn, chứ không phải ngọc để ngâu vầy. Đó là đại ý Thoán Từ, Thoán Truyện. 

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết:

象 曰.  山 下 出 泉,蒙﹔ 君 子 以 果 行 育 德。

Sơn hạ xuất tuyền. Mông. Quân tử dĩ quả hạnh dục đức.

Dịch.

Tượng rằng:  Dưới núi suối tuôn,

Lo sao đức hạnh vuông tròn, mới nên.

Nhìn Tượng quẻ Mông, ta liên tưởng tới một dòng suối từ lòng núi tuôn ra, còn ngỡ ngàng, e ấp, chưa biết chẩy về hướng nào, ngả nào. Đại Tượng Truyện nhân đó khuyên ta nên lập chí cho cương kiên, tu đức cho sung mãn, có như vậy ta sẽ như dòng suối vô tận ào ạt tuôn ra tràn ngập bốn biển, năm hồ. 

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

Các Hào  đều bàn về công cuộc giáo hóa.  

1.  Hào  Sơ Lục.

初 六.     發 蒙,利 用 刑 人,用 說 桎 梏,以 往 吝。發 蒙,

              利 用 刑 人,用 說 桎 梏,以 往 吝。

      象 曰.      利 用 刑 人,以 正 法 也。

Sơ Lục. Phát Mông. Lợi dụng hình nhân.

Dụng thoát chất cốc. Dĩ vãng lận.

Tượng viết: 

Lợi dụng hình nhân. Dĩ chính pháp dã.

Dịch.

Dạy trẻ có khi phải vọt roi.

Gông cùm cố gắng gỡ cho người.

Gông cùm mông muội khi đã gỡ,

Đập đánh làm chi nữa, hỡi ai?

Tượng rằng: Cũng lúc vọt roi,

Vọt roi là cốt dạy người phép khuôn.

Hào  Sơ Lục Phát Mông đề cập đến phương pháp giáo hóa, và cho rằng khi con người còn ngu si, dốt nát, khi mà tâm hồn còn đần độn, cứng cỏi, chưa biết rung động trước Chân, Thiện, Mỹ, thì cũng cần dùng hình phạt, thị uy.

Lập ra hình phạt, thị uy để con người biết sợ hãi, biết nép mình vào khuôn phép, để dần dần hấp thụ được lời giáo huấn, và sẽ sửa đổi được tâm tính. Hình phạt chỉ là phương tiện nhất thời; khi con người đã biết phục thiện, thời phải bỏ. Dùng hình phạt mãi đâu có hay.

Lai Tri Đức khi bình Hào này, cho rằng nếu không biết dùng hình phạt, mà chỉ dùng đường lối ngọt ngào để giáo hóa, thì thường sẽ đi đến thất bại. Xét cho cùng, hình phạt cần hay không cần, cũng tùy nơi, tùy thời, tùy người.

Quân tử ư hữ thì đau,

Tiểu nhân vác đá đánh đầu như không.

Tóm lại, trong công trình giáo hóa, phải phối hợp cả nghiêm, lẫn khoan. 

 

2. Hào  Cửu nhị.

九 二.      包 蒙 吉﹔ 納 婦 吉﹔ 子 克 家。

象 曰.      子 克 家,剛 柔 接 也。

Cửu nhị. Bao mông cát. Nạp phụ cát. Tử khắc gia

Tượng viết: 

Tử khắc gia. Cương nhu tiếp dã

Dịch.

Mông Cửu nhị, bao dong mới tốt.

Dung trẻ thơ, thâu nạp nữ nhi.

Rộng dong, đẹp đẽ mọi bề,

Phận con, đã biết lo bề gia cang.

Tượng rằng: Con biết lo lường,

Dưới, trên, mềm, cứng, đôi đường hòa hai.

 

Hào  hai là Dương cương, mà lại đắc trung, sẽ đóng vai chủ chốt trong công cuộc giáo hoá mọi người.

Cửu nhị Bao mông là một minh sư, có bổn phận khải mông cho tất cả đám người mông muội. Vì thế Hào  Cửu nhị là chủ Hào trong quẻ này. Vì Cửu nhị đã cương, lại đắc trung, nên cảm thông, bao dung được mọi hạng người, lại biết linh động giáo hóa, khiến mọi hạng người đều được mang ơn giáo dục, cải hoá. Cửu nhị là Dương Hào, mà lại thống trị mọi Âm Hào, nên nói rằng Nạp phụ, nên nói rằng Bao mông. Cửu nhị ở bậc dưới, mà lại làm công việc trên, có khác nào như bầy tôi lương đống, được quân vương ủy thác công việc, như con cái được cha giao phó cho trách nhiệm lo lắng gia đình. Vì thế nên nói: Tử khắc gia. Cửu nhị mà làm nên công trình, chính là nhờ ở chỗ đồng tâm, nhất trí giữa nhị và ngũ, giữa đôi bên thầy trò. 

 

3. Hào  Lục tam.

六 三 :      勿 用 娶 女﹔ 見 金 夫,不 有 躬,無 攸 利。

象曰:      勿 用 娶 女,行 不 順 也。

Lục tam. Vật dụng thủ nữ. Kiến kim phu. Bất hữu cung. Vô du lợi.

Tượng viết:

Vật dụng thủ nữ. Hành bất thuận dã.

Dịch.

Lục tam chớ dụng gái tham tài,

Tham vàng, cuống quít vội theo trai.

Ngốt của, quên mình, quên thể thống,

Hư thân, thôi thế cũng là thôi.

Tượng rằng: Hạng gái ngược đời,

Dùng chi cho uổng, thôi thôi chớ dùng.

 

Tuy nhiên, trong  xã  hội  vẫn có những hạng người nan giáo. Đó là những hạng người tham vàng bỏ nghĩa, những hạng người ăn xổi, ở thì, không cần đếm xỉa gì đến lương tâm, đến Đạo lý, những hạng người giả dối, bôi bác, sống bừa phứa, gặp chăng hay chớ, chẳng cần gì đến danh dự, đến tình nghĩa. Dịch dùng Hào Lục tam bất trung, bất chính để đề cập đến hạng người ấy một cách bóng bẩy, coi họ như là những đàn bà con gái trắc nết, vong tình; chẳng kể gì đến người tình chính đáng của mình là Thượng Cửu, mà muốn hiến thân cho Cửu nhị gần kề, một người mà đời đang lên hương, vừa có tài, vừa có đức. Vì thế mà Hào  Lục tam nói:  Vật dụng thú nữ.  

 

4. Hào  Lục tứ.

六 四.      困 蒙,吝。

象 曰.      困 蒙 之 吝,獨 遠 實 也。

Lục tứ. Khốn mông. Lận

Tượng viết: 

Khốn mông chi lận. Độc viễn thực dã.

Dịch.

Lục tứ, thẹn thay kẻ tối tăm,

Tối tăm, khốn nạn, khổ cho thân.

Tượng rằng: Khốn đốn, tối tăm,

Lìa xa chân thực, cho thân thẹn thùng.

 

Lại còn một hạng người nan hóa nữa, là hạng người thà chịu dốt nát, chứ chẳng thà tìm thầy, chọn bạn. Họ như bóng tối, mà muốn trốn tránh ánh sáng mặt trời, thì hỏi sao mà chẳng tối tăm, khốn nạn, hổ cho thân mới được chứ. Vì thế Lục tứ nói Khốn mông. 

 

5.  Hào  Lục ngũ.

六 五.       童 蒙,吉。

象 曰.       童 蒙 之 吉,順 以 巽 也。

 Lục ngũ.  Đồng mông. Cát.

Tượng viết:

Đồng mông chi cát. Thuận dĩ tốn dã.

Dịch.

Lục ngũ thơ ngây, cũng vẫn hay,

Tượng rằng:  Thơ dại vẫn hay,

Vừa ngoan, vừa nhũn, thơ ngây tốt lành.

Dịch đề cao những người ở ngôi cao, vị cả, mà vẫn giữ được tấm lòng thành khẩn như trẻ thơ, hạ mình cầu học. Đó là đường lối của các minh chúa xưa kia đã dùng để đi vào lịch sử như Thành Thang học Y Doãn, như Cao Tông học Phó Duyệt. Thế là học bất xỉ hạ vấn.

Lẽ đời, khi ở ngôi cao thì tự cao, tự đại không chịu khuất kỷ cầu nhân. Đây trái lại, Lục ngũ nhu trung cư tôn vị, mà vẫn vui lòng cầu ứng với minh sư là Cửu nhị. Đó là những hạng người, trong thì tri thức chưa tạp loạn, mà ngoài thì kiến văn chưa tập nhiễm, Thiên tính, Thiên chân còn y nguyên, chưa bị hao tán, Xích tử chi tâm còn toàn vẹn chưa pha phách mùi đời, vì thế không ỷ mình, vẫn để trống lòng, để thụ giáo cùng những bậc Thánh Hiền. Nuôi dưỡng mình bằng chính lý, chính Đạo, thế là thành công, thế là có cơ thành tựu. Vậy cho nên tốt, cho nên hay. Vì thế Lục ngũ nói:  Đồng mông. Cát. 

 

6. Hào  Thượng Cửu.

上 九. 擊 蒙,不 利 為 寇,利 御 寇。

象 曰. 利 用 御 寇,上 下 順 也。

Thượng Cửu. Kích mông. Bất lợi vi khấu. Lợi ngự khấu.

Tượng viết: 

Lợi dụng ngự khấu. Thượng hạ thuận dã.

Dịch.

Thượng Cửu những thẳng tay dạy trẻ,

Quá khắt khe, bắt bẻ ích chi.

Hay là, cố tránh vô nghì,

Hay là, ngăn chặn những gì nhố nhăng,

Tượng rằng:  Chặn được nhố nhăng,

Dưới trên hoà thuận, êm dầm, mới hay.

Nơi Hào Thượng Cửu Kích mông, Dịch cho rằng dẫu sao trong công trình giáo hóa, cũng không nên quá nghiêm khắc. Khi mà người còn quá mông muội, mà chính mình lại quá nghiêm khắc, ép buộc người học hỏi, lam làm những điều quá tầm họ, thì rút cuộc làm hại họ; làm cho họ phát khùng, phát tặc, phản lại mình mà thôi. Có nghiêm minh, thì nên nghiêm minh, khi cần ngăn ngừa những chuyện phóng túng dục tình, thế là nghiêm minh để ngăn chặn bọn thảo khấu ẩn trong lòng người. Có nghiêm minh, chăng là nghiêm minh với con sói đội lốt chiên, muốn đầu độc quần chúng, muốn đưa quần chúng vào vòng sa đoạ mà thôi. Thế là Lợi ngự khấu.  

Con người cũng như vũ trụ, có đầy tiềm năng, tiềm lực, và nếu biết hướng dẫn, biết khai thác, sẽ đem lại những lợi ích khôn lường, những kết quả đẹp đẽ vô cùng tận.

Hơn nữa, khi giáo hóa cũng cần phải biết rằng: nơi con người, thiên tư, phú bẩm có khác nhau:

-Người thì thiên về tinh thần (introverti)

-Người thì thiên về vật chất ( extroverti)

-Người thì có cơ phát huệ.

-Người thì tâm có thể lập chí cương kiên.

-Người thì trí có thể phát triển lý sự.

-Người thì có sức lực, tài khéo tay chân.

Manou, một Luật gia Ấn Độ cho rằng:

1). Những hạng người có chân tay khỏe mạnh, tài khéo, sẽ phục vụ xã hội bằng việc lao động tay chân.(Sudras).

2). Những  hạng  người  trí  thức  sẽ phục vụ xã hội bằng các nghề tự do, thương mại (Vaisyas).

3). Những hạng người có ý chí, tâm huyết, sẽ phục vụ xã hội trong phạm vi chính trị, quân sự (Kshatriyas)

4). Những hạng người yêu chuộng suy tư, yêu chuộng đời sống tâm linh, sẽ phục vụ xã hội trong lãnh vực tu trì (Brahmanes).

Như vậy, thầy phải biết hướng dẫn trò, trò phải biết tự lượng tài sức, khả năng, và khuynh hướng, có như vậy mới đưa đến những thành quả tốt đẹp cho cá nhân, và thế quân bình cho xã hội. Dịch kinh vì muốn giáo hóa mọi người nên gồm đủ:  Thiên Đạo, Nhân Đạo, Vật Đạo, để ai đọc Kinh Dịch cũng thâu được cái hay, cái lợi. 

ÁP DỤNG QUẺ MÔNG VÀO THỜI ĐẠI

Thời đại ngày nay, phương pháp dạy trẻ không còn dùng roi vọt như khi xưa nữa. Ở các lớp Mẫu giáo, giáo viên không được ưu đãi một trò nào một cách đặc biệt, và không được phép để một trò nào quyến luyến mình quá độ. Các giáo viên, không những dạy các em đọc, viết, mà phải nghĩ ra những trò chơi, để vui chung với các em trong giờ nghỉ.

Nếu có em nào quá ngỗ nghịch, ưa chọc phá bạn, không nghe lời cô hoặc thầy giáo, thì không được đánh, hoặc dùng roi vọt, mà chỉ trừng phạt bằng cách bắt quỳ một lúc, hoặc quá lắm thì nói lại với phụ huynh để dạy bảo em ở nhà họ.

Nơi Trung Học, thì lại quá lắm. Học trò có người còn nhạo báng lại thầy trong lúc giảng dạy, không còn tôn sư, trọng Đạo như khi xưa. Khi xưa, thầy dạy đóng cả vai cha hay mẹ, có trách nhiệm dạy bảo học trò cũng như dạy bảo chính con cái trong nhà vậy (Quân, Sư, Phụ). Thầy dạy còn trọng hơn cha mẹ. Do đó người trò kính trọng thầy, cô như cha mẹ họ vậy, và các bậc phụ huynh cũng đỡ một phần gánh nặng trong việc dạy dỗ con cái họ.

Ngày nay, cha mẹ thì tối ngày làm việc vì sinh kế, đâu có thời gian để dạy con cái nữa. Phương pháp giáo dục hiện tại lại không cho phép nghiêm phạt học trò, do đó Đạo đức ngày một suy giảm một cách rõ rệt. Sự nền nếp của lớp thanh thiếu niên không còn như xưa, và sự lễ phép, tôn kính  đối với ông bà, cha mẹ, giáo sư, cùng đối với các bậc trưởng thượng suy giảm một cách rõ rệt. Như vậy sự giáo dục đã hỏng từ gốc rồi. Nhân loại ngày nay chỉ để ý về Khoa Học, mà quên đi sự giáo dục về Đạo Đức của con người. Đạo giáo dạy con người cũng nhiều, nhưng chỉ dạy con người đối với Thượng đế, mà không dạy cách trau dồi từ gốc, hỏi sao có thể giác ngộ ngay được, nếu gốc đã bị mối mọt, hư hỏng rồi.

Vậy phương pháp giáo dục nghiêm khắc, hay phương pháp giáo dục thả lỏng như ngày nay, phương pháp nào hơn, tùy ý quý vị phán xét. Theo thiển ý, nghiêm khắc quá thì không nên, nhưng như ngày nay, thì cần phải thay đổi lại, không thì không biết mai sau loài người có còn muốn có con nữa hay không?  Đó là bài toán cần đáp số.

Nhưng bất kỳ dùng phương pháp gì chăng nữa, tôi cũng xin góp với quí vị giáo viên bài thơ sau, để dạy các em thuộc lòng :

Song tiền cần khổ học,

Mã thượng cẩm y hồi.

Bạch nhật mạc nhàn quá,

Thanh xuân bất tái lai.

Dịch

Bên song kinh sử dồi mài,

Ngựa hồng, áo gấm, một mai đi về.

Thiếu thời, nhàn hạ trôi đi,

Ngày xanh, hồ dễ hẹn kỳ trùng lai. 

Cách đây không lâu, các vị học trò cũ của nhà tôi (có vị đã 68, 69 tuổi, là những người đã có những địa vị khả quan trong xã hội), đến thăm chúng tôi. Nhà tôi đã không còn nhớ họ là ai, và tên gì. Và 1 người trong bọn họ, đã đọc thuộc lòng bài thơ trên, mà cách đây 53 năm, nhà tôi đã dạy họ. Thật là cảm động. Thầy trò nhắc lại chuyện xưa, với một cảm tình đằm thắm, và cuối cùng kết luận:  Những điều Thày dạy chúng con thật không sai vậy.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30