THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


14.  火 天 大 有  HỎA THIÊN ĐẠI HỮU  

 

 

Đại Hữu Tự Quái

大 有 序 卦

Dữ nhân đồng giả.

與人 同 者

Vật tất quy yên.

物 必 歸 焉

Cố thụ chi dĩ Đại Hữu.

故 受 之 以 大 有

 

Đại Hữu Tự Quái

Được người, vật cũng theo chân về mình.

Cho nên Đại Hữu mới sinh.

 

Đại Hữu là giàu to, có lớn. Khi đã đồng tâm, hiệp ý với người rồi, tự nhiên của cải sẽ theo về. Vì thế, được lòng người sẽ giàu to, có lớn. Do đó quẻ Đại Hữu tiếp sau quẻ Đồng Nhân. Đại Hữu quan niệm rằng cầm đầu dân nước mà được lòng lê thứ, được lòng các bậc hiền minh, anh kiệt trong nước sẽ trở nên giàu có vô ngần. Đó cũng là chủ trương của Đại Học. Quẻ Đại Hữu còn dạy cách đem lại phú cường cho đất nước.

Đại Hữu trên có Ly là tâm, dưới có Kiền là Trời. Cái giầu có lớn lao nhất mà con người có thể có được nơi trần gian này là làm sao trong tâm khảm có Trời.

Chúng ta sẽ dùng quẻ Đại Hữu làm chiếc chìa khóa thần, chẳng những là để mở khóa then các đạo giáo, để tìm cho ra kho tàng châu báu, đã bị chìm ngập dưới nhiều tầng lơp bóng hình, ngôn ngữ, mà cũng còn là để mở cừa kho tàng tâm hồn ta, để tìm cho thấy tinh hoa của trời đất, ngọc châu vũ trụ, khuất lấp sau những bức tường nhân dục, và những khóa then của u mê.

A. Tân Ước cho rằng: Nước Trời ở trong ta (Luc 17, 20).

B. Đạo Phật cho rằng: Ngọc châu viên giác nằm tại liên hoa tâm. Mà liên hoa tâm đây không phai là những bông hoa sen nghìn cánh nở trong ao, trong hồ trần thế, mà chính là não, là tâm con người.

Vì thế, trong khi mà Thiền tông cho rằng phải Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, thì kinh Diệu Pháp Liên Hoa Kinh lại nói bóng bảy đến một người cùng tử, bó kho tàng châu báu muôn dật của nhà cha, mà đi làm tôi tớ ở phương xa. Người cha phải tốn công lắm mới tìm về được, du, dỗ lắm cuối cùng mới trao lại được cho hắn gia tài châu báu đó. Khi đã nhận được kho tàng rồi, người cùng tử đó mớ reo lên: ta vốn không lòng mong cầu, nay kho tàng châu báu này tự nhiên mà có.

Chúng ta chẳng hẹn mà gặp nhau nơi này, trên muôn vạn nẻo đường đời, truyền cho nhau những bí quyết của tiên nhân, rồi lại chia tay nhau, bước đi trên những con đường muôn vạn ngã, há chẳng phải vốn không có lòng cầu, mà nay kho tàng châu báu này tự nhiên mà đến hay sao.

C. Dở Áo Nghĩa Thư, Ấn Độ giáo mà suy, mà đọc, ta lại thấy bí quyết: Tâm nội hữu thiên = Hỏa Thiên Đại Hư hiện ra sáng quắc như vừng nhật giữa trong thanh.

Áo Nghĩa thư viết:

Dung quang Ngài khó mà cầu,

Mắt trần sau trước thấy sao được Ngài.

Biết Ngài trong dạ, ấy ai,

Tâm thần biết thế, muôn đời trường sinh.

Maitri Upanishad viết:

Tâm thường có 2 chiều, 2 vẻ,

Vẻ phàm phu và vẻ thanh cao.

Phàm phu, dục vọng rạt rào,

Lòng cố giữ thập phần tĩnh lãng,

Đứng ù lì, phá tán lòng ai.

Hòa đồng, hiệp nhất với Trời,

Ấy là tuyệt diệu, trên đời mấy ai.

Lòng chớ để pha phôi lạc lõng,

Tội tình chi, lóng ngóng Đông Tây,

Đáy lòng, giải thoát là đây,

Giác minh vô tận, cũng ngay đáy lòng.

Hãy cố gắng tập trung thần trí,

Thời oan khiên, phiền lụy tiêu tan,

Hòa đồng, phối hợp Atman,

Ấy là hạnh phúc muôn ngàn tả sao?

Diễm tuyệt ấy, lời nào tả xiết,

Chỉ tâm thần mới biết, mới hay.

Nước kia, nước nọ hòa hài,

Lửa phừng trong lừa, ai tài biện phân.

Khí pha khí, ai lần manh mối,

Đã hiệp rồi, khó nỗi hia ly,

Tâm thần mà nhập huyền vi,

Thời thôi trần cấu, còn chi bận lòng.

Lẽ giải kết ở trong hoàn võ,

Đều do tâm, dây nhợ mối manh,

Lụy là, bám víu sự tình,

Tâm không lụy vật, âu đành thần tiên.

Và còn nhiều sách như; Đạo Đức Kinh, Đại Thừa Chân Giáo (Cao Đài), đều có chủ trương Tâm nội hữu thiên = Thiên nhân hợp nhất.

Sau khi đã nói qua về những bậc thánh hiền đắc Thiên, đắc đạo, ta trở về quẻ Đại Hữu, với những lời bàn giải thực dụng, thực tế là làm thế nào trở nên giàu có, hùng mạnh.

I. Thoán.

Thoán Từ.

大 有 . 元 亨 .

Đại Hữu. Nguyên Hanh.

Dịch:

Quẻ Đại Hữu vì hay nên tốt.

Thoán Từ cho rằng vị quốc quân phải hoàn thiện, rồi ra công việc mới trôi chảy được (Nguyên hanh).

Thoán Truyện.

彖 曰 . 大 有 . 柔 得 尊 位 . 大 中 而 上 下 應 之 . 曰 大 有 . 其 德 剛 健 而 文 明 . 應 乎 天 而 時 行 . 是 以 元 亨 .

Thoán viết: Đại Hữu. Nhu đắc tôn vị đại trung. Nhi thượng hạ ứng chi. Viết Đại Hữu. Kỳ đức cương kiện nhi văn minh. Ứng hồ thiên nhi thời hành. Thị dĩ nguyên hanh.

Dịch. Thoán rằng:

Quẻ Đại Hữu: nhu cư tôn vị,

Ngôi đại trung muôn vẻ gồm thâu.

Dưới, trên, ứng hợp hồi đầu,

Trong lòng mạnh mẽ, ngoài mầu văn minh.

Thuận Trời, lại thi hành đúng lúc,

Thế cho nên hạnh phúc, hay ho.

Thoán Từ cho rằng vị quốc quân muốn trở nên hùng cường, phú hữu thực sự, cần phải được dân thương, dân tin và trọng, nghĩa là cần phải có uy tín đối vơi dân, từ như Hào Âm ở ngôi tôn cho chúng Dương, tức là chúng dân chầu về (Nhu cư tôn vị đại trung. Nhi thượng hạ ứng chi. Viết Đại Hữu). Ngự Án đề cao quan niệm cần phải đắc hiền tài, mới đi đến Đại Hữu. Như vậy cần phải có một vị nhân quân hư tâm há hiền, như vậy là lợi dụng được cái thông minh, kiến thức của thiên hạ, đó là đường đi tới Đại Hữu.

Chính quyền phải cương quyết và sáng suốt, phải viết thuận lòng dân, lòng Trời, phải biết cải biến theo Trời, luôn luôn theo được đà tiến hóa của thời gian và Lịch sử, để lèo lái con thuyền quốc gia cho hẳn hoi, cho vạn hảo, như vậy mới đi đến phú cường, mới được hanh thông mọi mặt (Kỳ đức cương kiện nhi văn minh. Ứng hồ thiên nhi thời hành).

Muốn cho nước phú cường, quân dân phải thực hiện được chữ Đại Hòa, Đại thuận; vua quan thì như tim óc, dân gian thời như tay chân, tuyệt đối tin cậy lẫn nhau, mới có thể thực hiện Đại Hữu, thực hiện phong doanh, cường thịnh.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . 火 在 天 上 . 大 有 . 君 子 以 竭 惡 揚 善 . 順 天 休 命 .

Tượng viết. Hỏa tại Thiên thượng. Đại Hữu. Quân tử dĩ át ác dương thiện. Thuận thiên hưu mệnh.

Dịch. Tượng rằng:

Đại Hữu là lừ trên Trời,

Hiền nhân xấu dấu, lành thời tán dương.

(Cho đời thêm đẹp, thêm hương).

Đúng theo đường lối, chủ trương của Trời.

Đại Học viết: Đức bản, tài mạt. Cái đức hạnh mới là cái chí quý trong một nước, cho nên bậc Nhân quân phải biết cổ xúy thiện, đức nơi con người, và phải biết kiềm chế, ức chế tính xấu trong dân. Dân có tinh thần mạnh mẽ, nước mới phú cường, dân có tinh thần bệnh hoạn, nước sẽ suy bĩ.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 .       無 交 害 . 匪 咎 . 艱 則 無 咎 . 

象 曰 .       大 有 初 九 . 無 交 害 也 .

Sơ Cửu. Vô giao hại. Phỉ cữu. Gian tắc vô cữu.

Tượng viết:

Đại hữu sơ cửu. Vô giao hại dã.

Dịch. Sơ Cửu:

Không sa đọa vào vòng tệ hại,

Thế là hay, là phải, lỗi chi.

Sống mà chẳng quản gian nguy,

Rồi ra sẽ khỏi điều chê, tiếng cười.

Tượng rằng;

Thuở Đại Hữu còn thời Sơ Cửu,

Không lâm vòng tệ hại  nhiễu nhương.

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, nên nước chỉ phú cường khi mỗi người dân biết nhất quyết không bao giờ làm điều gì di hại cho kẻ khác, và không ngại gian khổ.

 

2. Hào Cửu Nhị.

九 二 .      大 車 以 載 . 有 攸 往 . 無 咎 .

象 曰 .      大 車 以 載 . 積 中 不 敗 也 .

Cửu nhị. Đại xa dĩ tải. Hữu du vãng. Vô cữu.

Tượng viết:

Đại xa dĩ tải. Tích trung bất bại dã.

Dịch.

Xe lớn sinh ra là để chở,

Phải làm gì, khỏi hổ với ai.

Tượng rằng: Xe lớn chở chuyên,

Chở đầy đức hạnh, há gì rủi ro.

Nước chỉ phú cường, nếu mỗi người có tài, có đức, đều sẵn sàng phục vụ quốc gia, cố lo nho mình trở nên người có thực tài, thực đức, gánh vác nổi được những nhiệm vụ giao phó, chứ không đến nỗi đức bất xứng kỳ vị, mà nếm mùi thất bại chua cay.

Thân hệ bang gia chung hữu dụng,

Thiên sinh hào kiệt mạc ưng hư.

                                 (Nguyễn Công Trứ)

3.  Hào Cửu tam.

九 三 .       公 用 亨 于 天 子 . 小 人 弗 克 .

象 曰 .       公 用 亨 于 天 子 . 小 人 害 也 .

Cửu tam. Công dụng hưởng vu Thiên tử. Tiểu nhân phất khắc.

Tượng viết: 

Công dụng hưởng vu Thiên tử. Tiểu nhân hại dã.

Dịch.

Hào Cửu tam; Công hầu chức trọng

Vì quân vương triều cống, chẳng sai,

(Một lòng trung nghĩ, chẳng ngơi)

Tiểu nhân noi nổi gương người được sao.

Tượng rằng: Công tước tuy cao,

Vẫn vì Thiên tử, há nào riêng tây.

Tiểu nhân ở dịa vị này,

Âu đành họa hại, tự tay chuốc vời.

Nước chỉ phú cường, khi chư hầu, hay những người có một phương, một cõi, không có đầu óc sứ quân, mà chỉ dốc lòng tận trung, báo quốc, luôn luôn tâm nệm rằng mọi sự mình dùng, mình hưởng, đều là ơn vua, lộc nước.

4. Hào Cửu tứ.

九 四 .      匪 其 彭 . 無 咎 .

象 曰 .      匪 其 彭 . 無 咎 . 明 辨 晰 也 .

 Cửu tứ. Phỉ kỳ bành. Vô cữu.

Tượng viết:

Phỉ kỳ bành vô cữu. Minh biện triết dã.

Dịch.

Hào Cửu tứ: giầu có mà không ỷ,

Không ỷ mình, ai kẻ kêu ca,

Tượng rằng: giầu chẳng ỷ mình,

Mới là thông suốt, liễu minh chuyện đời.

Nước chỉ hùng mạnh khi mà các bậc đại thần không có ỷ sang, ỷ thế; ở ngôi cao không lấy làm vinh, mà chỉ lo phục vụ dân, lo sao thực hiện được phú cường, thái thịnh cho đất nước. Thế mới là sáng suốt.

 

5. Hào Lục ngũ.

六 五 .      厥 孚 交 如 . 威 如 ﹔吉 .

象 曰 .      厥 孚 交 如 . 信 以 發 志 也 . 威 如 之 吉 . 易 而 無 備 也 .

 Lục ngũ. Quyết phu giao như. Uy như cát.

Tượng viết:

Quyết phu giao như. Tín dĩ phát chí dã. Uy như chi cát. Dị nhi vô bị dã.

Dịch.

Hào Lục ngữ: thành tâm đối xử.

Lại uy nghi, muôn sự sẽ hay.

Tượng rằng: Đối xử thành tâm,

Phát huy được chí chúng nhân xa gần,

Uy nghi hay, mới vẹn phần

Khiến người chẳng dám lần khân, khinh thường.

Nước chỉ phú cường khi mà con người trên có đủ tài năng, đức độ, có đủ lòng thành tín, gây được sự tin tưởng cho dân, và có đủ uy nghi để dân kính phục. Có uy tín, bậc lãnh đạo dân mới thực thi thái thịnh cho dân, cho nước được.

 

6.  Hào Thượng cửu.

上 九 .       自 天 佑 之 . 吉 無 不 利 .

象 曰 .        大 有 上 吉 . 自 天 佑 也 .

Thượng Cửu. Tự nhiên hựu chi. Cát. Vô bất lợi.

Tượng viết:

Đại Hữu thượng cát. tự nhiên hựu dã.

Dịch.

Hào Thượng Củu: Trời cao phù hộ

Nên lợi, hanh, vẹn cả mọi bề.

Tượng rằng: Đại Hữu trên hay,

Là vì được sự tiếp tay của Trời.

Khi mà trong nước có đạo nghĩa hẳn hoi, dân chúng đua nhau theo điều hay, lẽ phải. Trên dưới một lòng cải tiến nhân sinh, cải tiến quốc gia, xã hội, để cho đời sống cộng đồng ngày thêm hoàn hảo, thêm thái thịnh, thì dĩ nhiên là thêm hoàn hảo, thêm thái thịnh, thì dĩ nhiên là theo đúng ý Trời. Đã thuận lòng Trời, dĩ nhiên là được Trời thương, Trời giúp, như vậy mà không hay sao được.

 

ÁP DỤNG QUẺ ĐẠI HỮU VÀO THỜI ĐẠI

Ngày nay, muốn tiến tới Đại Hữu, tức là tới phú cường, là phong thịnh, tới sự đồng tâm nhất trí của mọi người, là muốn chi đất nước giầu có, ta cần phải có một lành tụ anh minh, làm được cho mọi người nô nức, phấn khởi.

Lại nữa, mọi người cần phải có một khối óc sáng suốt, một tấm thân mạnh mẽ, biết tổ chức, biết chịu đựng, biết các định luật của Trời đất, của vạn vật, ngõ hầu có thể chế ngự, khai thác được ngoại cảnh, phải đồng tâm, hiệp lực, tùy thời, tùy thế mà hành động, dưới sự dìu dắt khôn ngoan của vị Nguyên thủ. Khi mà mọi tổ chức đã tinh tế, đã hoàn hảo, thì còn lo gì mà mọi sự chẳng xuôi. vả lại, một nước giầu có không phải nguyên vì tài vật bên ngoài phong doanh, phú thịnh, mà chính vì dân trong nước có một tâm hồn khang kiện, theo đúng được định luật Trời đất, đi theo được đường ngay, nẽo chính.

Cho nên muốn đánh giá mức giàu có của một dân nước, chẳng những phải bắc cân gia; trị các tài nguyên, các kỹ nghệ, các vấn đề kinh tế bên ngoài, mà cần phải dựa vào tiêu chuẩn tinh thần, đức độ nữa.

Hơn nữa, mọi người dân cũng đều phải giỏi giang, tháo vát, phải cố gắng lao tác, thì nước nhà mới đi tới phúc cường được. Ta hãy nhìn xem nước Hoa Kỳ, nước Nhật bản hiện nay, mọi người dân làm việc hết sức chịu khó, siêng năng. Họ hợp tác chặt chẽ với Chính Phủ, và tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ, đồng thời Chính phủ cũng giúp đỡ, khuyến khích con dân phát triển tài năng đến mức tối đa: Cấp học bổng, cho vay dài hạn tiền cho những sinh viên ưu tú để ăn học cho tới lúc thành tài, để có thể mang tài năng của mình mà đóngười góp cho quốc gia, xã hội. giúp đỡ các nhà bác học để họ có đủ phương tiện mà theo đuổi nghiên cứu, phát minh ra những sáng kiến, ngõ hầu có thể giúp ích cho nhân loại mai sau.

Tổ chức được một xã hội văn minh, tinh tiến, đoàn kết, phú cường như vậy, thực là một điều quý báu nơi trần gian, vì thế gọi là Đại Hữu.

 

 


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30