THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


25. 天 雷 無 妄  THIÊN LÔI VÔ VỌNG  

 

Vô Vọng Tự Quái

無 妄

Phục tắc bất vọng hỹ.

復 則 不 妄矣

Cố thụ chi dĩ Vô Vọng

故 受 之 以 無 妄

 

Vô Vọng Tự Quái

Phục rồi sẽ  hết lỗi lầm đơn sai.

Rồi ra Vô Vọng tiếp ngôi.

 

Quẻ Vô Vọng, về phương diện Đạo Học, là một quẻ rất quan trọng trong Kinh Dịch. Thực vậy, quẻ Vô Vọng dạy về đời sống của các bậc Thánh Nhân, sống kết hợp với Trời, theo con đường chí công, chí chính của Tạo Hóa, chứ không theo con đường tà ngụy của tâm tư.

Trình tử giải Vô Vọng là: Hành động theo Thiên lý,Chí Thành, Thiên đạo. Trình tử còn nói thêm: Thánh nhân hoạt động theo Trời, Hiền nhân hoạt động theo người.

Lý Long Sơ nói:  Con người do tinh hoa Trời Đất mà sinh, nên có Thần Trời, sự quang minh của Trời, vốn là Chân Thiện Vô Vọng. Nhưng sau khi sinh ra đời, bị dẫn dụ bởi những điều ngụy tạo của người khác, nên vọng niệm mới sinh ra. Vì vậy cho nên quẻ Vô Vọng tiếp theo sau quẻ Phục:  Phục là trở về với đạo lý, nhìn thấy Thiên tâm, Thiên tính trong lòng mình. Vô Vọng là sống hồn nhiên theo đúng Thiên tính, Thiên lý, Thiên đạo. Quẻ Vô Vọng đề cập đến một trạng thái tâm thần cao siêu nhất của con người, nên những lời lẽ cũng trở nên khó hiểu.

Đọc Hào 2, 3, 5, y như thấy bàn đến:

-  Phúc bất kỳ   (Hào 2).

-   Họa bất kỳ    (Hào 3).

-   Bệnh bất kỳ   (Hào 5).

Nên nhiều nhà Bình Giải cho rằng: ngoài nghĩa chính yếu trên, Vô Vọng còn có nghĩa thứ hai là: Không cầu mà được, không ước mà nên, không muốn mà bị.

 I. Thoán.

Thoán Từ.

 無 妄:元,亨,利,貞。 其 匪 正 有 眚,不 利 有 攸 往。

 Vô vọng. Nguyên, Hanh. Lợi, Trinh. Kỳ phỉ chính hữu sảnh.

Bất lợi hữu du vãng.

 Dịch.

Vô Vọng là nguyên tuyền, đẹp đẽ,

Tốt lành thay, hợp lẽ chính trung.

Chính rồi, mới được hanh thông.

Nếu không chính đáng, lâm vòng tội khiên.

Tội tình vọng động triền miên,

Làm gì cũng sẽ chẳng nên việc gì.

Thoán Từ đại khái nói rằng:  Con người mà đã đạt tới tình trạng Toàn chân, Toàn thiện, chí thành, chí mỹ rồi thì thực là một điều đại hạnh vậy. (Vô vọng nguyên hanh). Con đường đưa tới chí thành, chí thiện, tức là con đường công chính, nếu theo được mới hay, mới lợi (Lợi trinh). Hễ đã đi sai con đường công chính, tức đã đi vào con đường tà ngụy, như vậy tránh sao khỏi lỗi lầm (Kỳ phỉ chính hữu sảnh), như vậy thời làm sao mà hay, mà lợi được (Bất lợi hữu du vãng).  

 

Thoán Truyện.

 彖 曰 :  無 妄,剛 自 外 來,而 為 主 於 內。動 而 健,剛 中 而 應,大 亨 以 正, 天 之 命 也。其 匪 正 有 眚,不 利 有 攸 往。無 妄 之 往,何 之 矣?天 命 不 佑,行 矣 哉?

Thoán viết:

 Vô Vọng. Cương tự ngoại lai nhi vi chủ ư nội. Động nhi kiện.

Cương trung nhi ứng. Đại hanh dĩ chính. Thiên chi mệnh dã.

Kỳ phỉ chính hữu sảnh. Bất lợi hữu du vãng. Vô Vọng chi vãng.

Hà chi hĩ. Thiên mệnh bất hựu. Hành hĩ tai.

Dịch.

Vô Vọng là Cương từ ngoài đến,

Tinh hoa Trời đã hiện bên trong,

Hiện ra, làm chủ cõi lòng,

Hành vi ám hợp Hóa Công từ rày,

Lòng ta, với lòng Trời ứng hợp,

Chính đáng thay, mà đẹp đẽ thay.

Thế  là Thiện Mỹ từ nay.

Thế là ý muốn của Trời bấy lâu,

Chẳng chính đáng, thời âu tội lỗi.

Vọng động rồi, khỏi nói nên công.

Trời kia đã ngự cõi lòng.

Ích gì tìm kiếm lung tung tơi bời.

Làm như vậy e Trời chẳng giúp,

Không ơn Trời đi được đến đâu.

Bây giờ cái Tinh Hoa của Trời Đất đã hiện bên trong, đã làm chủ chốt cho mọi hoạt động (Cương = Dương = Tinh hoa), (Cương tự ngoại lai nhi chủ ư nội). Mình làm  gì  cũng thuận  theo  ý  Trời, (Động nhi kiện). Luôn luôn  đem một tấm lòng tinh thành mà đối đãi với người (Cương trung nhi ứng). Luôn luôn theo đàng công chính, đó là đã thực hiện được một công chuyện tốt đẹp nhất, đó là đã theo đúng Thiên Mệnh (Đại hanh dĩ chính. Thiên chi mệnh dã).

Nếu không công chính thời có lỗi, sao hay, sao lợi được (Kỳ phỉ chính hữu sảnh. bất lợi hữu du vãng). Đã được Chân Thiện Mỹ, là đã được Trời rồi, mà còn ước muốn nữa, còn muốn đi nữa, thì đi đâu? (Vô vọng chi vãng. Hà chi hĩ). Như vậy sao mong được Trời giúp đỡ, phù trì. Mà Trời đã không giúp, thời đi được đến đâu? (Thiên mệnh bất hựu. Hành hĩ tai). 

II. Đại Tượng Truyện.

象曰 :  天 下 雷 行,物 與 無 妄 ; 先 王 以 茂 對 時,育 萬 物。

Tượng viết.

Thiên hạ lôi hành. Vật dữ Vô Vọng. Tiên vương dĩ mậu đối thời dục vạn vật.

Dịch.

Tượng rằng: Sấm động dưới Trời,

Bao nhiêu ngang trái, lôi thôi, tiêu trừ.

Muôn loài vui sống, nhởn nhơ,

Hồn nhiên, vạn hảo, đúng như ý Trời,

Thánh nhân cũng biết tùy thời,

Giúp cho muôn vật, sống đời đẹp tươi.

Đại Tượng bình: Trời dùng Sấm động dưới Trời để tiêu trừ ngang trái, cho muôn vật được sống thảnh thơi. Cho nên, Tiên vương xưa cũng cố tùy thời, làm cho muôn vật được nuôi dưỡng, được sống an vui. Trời dùng biến hóa để dần dà thực hiện toàn mỹ cho vạn vật; để dần dà phát huy tiềm  năng, tiềm  lực  của  muôn vật. Thánh nhân cũng bắt chước Trời, mà tùy thời dưỡng dục vạn vật.  

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện 

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 :       無 妄,往 吉。

象 曰:      無 妄 之 往,得 志 也。

Sơ Cửu. Vô vọng vãng cát.

Tượng viết:

Vô vọng chi vãng. Đắc chí dã.

Dịch.

Hồn nhiên, Thiên đạo mới hay,

Sống đời hoàn thiện, thời may đã đành.

Tượng rằng:

Hành vi theo đúng luật Trời,

Lúc nào cũng sẽ thảnh thơi, phỉ nguyền.

Hào Sơ khuyến cáo con người luôn đi vào con đường thánh thiện, như thế sẽ luôn được thảnh thơi, phỉ chí. 

 

2.  Hào Lục nhị.

六 二 :      不 耕 獲,不 菑 畬,則 利 有 攸 往。

象 曰:     不 耕 獲,未 富 也。

Lục nhị. Bất canh hoạch. Bất chi dư. Tắc lợi hữu du vãng.

Tượng viết: 

Bất canh hoạch. Vị phú dã.

Dịch.

Chẳng cày, vẫn gặt, mới hay.

Chẳng cần ngả ruộng, mà nay ngấu thành.

Việc gì cũng sẽ lợi danh.

Tượng rằng:

Chẳng cày, vẫn có mùa màng.

Là Tâm chẳng có vấn vương tiền tài.

Hào Lục nhị có ý nói:  Mình hãy cứ làm các công việc tốt,  nhưng không có lòng mong cầu lợi lãi. Những Thánh nhân các đạo giáo cũng nói như trên. Phúc âm Mathieu viết: Hãy xem các loài chim trời, chẳng có gieo gặt, cũng chẳng thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi nuôi nó. Các ngươi há chẳng trọng hơn loài chim sao?... Vậy các ngươi chớ lo lắng mà rằng: Chúng ta sẽ ăn gì?  Uống gì?  Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại thường tìm và cha các ngươi ở trên Trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Chúa và sự công chính của Ngài; thời Ngài sẽ trả cho các ngươi những điều ấy sau. (Matt. 6,  26  -33).

Đạo Đức Kinh viết: 

Vô vi huyền diệu khôn bì,

Không làm, mà chẳng việc chi không làm.

Vô vi mà được thế gian,

Càng xoay sở lắm, đời càng rối beng. (XLVIII) 

 

3. Hào Lục tam.

六 三 :      無 妄 之 災,或 系 之 牛,行 人 之 得,邑 人 之 災。

象 曰:    行 人 得 牛,邑 人 災 也。

Lục tam. Vô vọng chi tai. Hoặc hệ chi ngưu.

Hành nhân chi đắc. Ấp nhân chi tai.

Tượng viết: 

Hành nhân đắc ngưu. Ấp nhân tai dã.

Dịch.

Chuyện đâu tai họa bất ngờ,

Trâu kia ai buộc vẩn vơ bên đường,

Bộ hành trông thấy dắt càn,

Người làng, bỗng bị họa mang vào người.

Tượng rằng:

Người đi đường bắt được trâu,

Người trong làng ấp, họa đâu mang vào.

Đa số các nhà bình giải, giải Hào Ba này như sau: Ở đời lắm tai vạ bất ngờ. Người đi đường dắt trâu mang đi, người trong ấp lại bị bắt bớ tra hỏi. (Chu Hi)

Duy Trình tử đại khái giải rằng:  Đi ra Vọng, là đi theo mê lạc, đi theo Nhân dục, là điều tai hại dưới nhãn quan của các nhà Huyền học. Tam là Âm Nhu, tượng trưng cho bất trung, bất chính, nên là Vọng. Tam là ứng với Thượng Cửu, đó là tượng trưng cho dục tình, vì ứng là để tâm, để trí tới. Đã Vọng động như vậy, mà đắc âu là sẽ mất lại. Ta sẽ giải lời này rõ hơn bằng lời Thánh Kinh:  Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất là nơi mối, mọt nhấm nát được, nơi trộm cắp đào, khoét lấy mất được. Nhưng phải chứa của cải trên Trời, là nơi mối, mọt không nhấm nát, nơi trộm cắp không đào, khoét lấy mất được; vì của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó. (Matt, 6 ,  19 - 21). 

 

4. Hào Cửu tứ.

九 四 :     可 貞,無 咎。

象 曰:    可 貞 無 咎,固 有 之 也。

Cửu tứ. Khả trinh. Vô cữu.

Tượng viết: 

Khả trinh vô cữu. Cố hữu chi dã.

Dịch.

Nếu mà theo được đường ngay,

Theo đường đạo lý, thế này lỗi chi !

Tượng rằng:

Hay là theo được đường ngay,

Bền tâm, vững chí, chẳng thay đổi lòng.

Hào bốn khuyên 2 điều:

1) Hãy theo con đường công chính.

2) Hãy bền lòng, vững chí đến cùng.

 

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 :  無 妄 之 疾,勿 藥 有 喜。

象 曰: 無 妄 之 藥,不 可 試 也。

Cửu ngũ. Vô vọng chi tật. Vật dược hữu hỷ.

Tượng viết:

Vô vọng chi dược. Bất khả thí dã.

Dịch.

Xá chi bệnh tật bất kỳ,

Chẳng cần thang thuốc; vui đi, lành rồi !

Tượng rằng: 

Chưa thang thuốc, bệnh đã lui,

Chớ nên thử thách, lôi thôi làm gì.

Hào năm tiếp tục chủ trương, đã đi đúng đường Trời, đừng có sợ những bệnh tật, những biến cố ngoại lai. Cũng vì vậy, khi đức Khổng bị vây ở đất Khuông, đã nói:  Nếu Trời chẳng muốn mất vẻ sáng, thì người đất Khuông làm gì nổi ta. Như vậy, nếu ta vững niềm tin, tật bệnh, tai ách bất kỳ đều qua khỏi hết, không việc gì phải sợ hãi, cầu cạnh. 

 

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 :      無 妄,行 有 眚,無 攸 利。

象 曰:     無 妄 之 行,窮 之 災 也。

Thượng Cửu. Vô vọng hành hữu sảnh. Vô du lợi.

Tượng viết: 

Vô vọng chi hành. Cùng chi tai dã.

Dịch.

Tinh thành còn muốn đi nao?

Vấn vương tội lỗi, tốn hao công trình.

Hào sáu kết luận rất khéo léo: đã được Trời còn muốn gì nữa. Đã được Tinh thành, còn muốn gì nữa?

ÁP DỤNG QUẺ VÔ VỌNG VÀO THỜI ĐẠI

Ngày xưa, các cụ thường răn con cháu: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Ý muốn nói, chúng ta ở trên đời phải làm việc thì mới có ăn, nếu lười biếng thì đói. Ngược lại quẻ Vô Vọng lại nói, xem chừng như là nghịch lý.

Không cầy, vẫn gặt mới hay.

Chẳng cần ngả ruộng, mà nay ngấu thành.

Theo tôi, thì chẳng có gì nghịch lý, mà ý quẻ chỉ muốn nói: chớ quá tham lam, đèo bòng. Ở đời có làm thì mới có ăn, nhưng không phải làm quá đáng, hoặc vơ vét quá nhiều, tích tụ của cải cho lắm, mà không còn nghĩ gì đến Đạo lý Thánh Hiền. Ta hãy nhìn xem các Chủng Viện Công Giáo, các Chùa Phật giáo, các nhà tu hành, nơi nơi, nhà nhà, họ chỉ miệt mài Đạo lý, nào đâu thấy ai suốt ngày lo làm việc để kiếm tiền. Nhưng ta có thấy ai trong đám người tu hành mà nghèo khổ? Trái lại,  họ còn thừa thãi của cải, đi đến đâu cũng được mọi người sùng kính hơn người thế gian. Sự thật, các Thánh nhân chỉ muốn khuyên ta chớ đắm chìm trong việc kiếm tiền, vì nó chỉ làm cho ta khổ sở, lao đao, càng kiếm lắm, càng mất nhiều, càng khổ sở. Thiên hạ chỉ vì danh, lợi, tiền tài mà sa vào vực thẳm, không lối thoát, chi bằng cứ vừa đủ ăn, mặc, nhưng lòng thênh thang lo đạo lý tốt hơn.

Đạo Đức Kinh chương LXIV viết:

Càng làm, càng lắm tan tành.

Càng ôm, càng mất, càng dành, càng vương,

Mới hay, đường lối Thánh nhân,

Chẳng làm, nên chẳng lo lường bại vong.

Thênh thang, dạ chẳng đèo bòng,

Khỏi điều mất mát, đỡ công tần phiền

Ngày nay, con người sống chạy theo đà văn minh vật chất, nên có nhiều nhu cầu đòi hỏi;  do đó chúng ta phải vất vả, bon chen với cuộc sống hàng ngày. Vì công việc làm, vì sinh kế, vì lo lắng giải quyết những công chuyện đã hoặc sắp xẩy ra, nên đầu óc chúng ta luôn mệt mỏi, có nhiều người trọn ngày không có lấy 1 giờ là của riêng mình, để mà sống cho yên tĩnh. Chúng ta sẽ như những chiếc lá  vàng bị cơn lốc đời lôi cuốn, không biết sẽ đi đến đâu, nếu chúng ta không chịu bình tâm suy nghĩ để thay đổi cách sống, cách suy tư.

Giàu nghèo Trời đã định, hoạn nạn có số phần. Thánh nhân cũng không tránh được những biến cố bất kỳ.

Ví dụ: Văn Vương bị nạn ở Dũ Lý, Khổng tử bị Thúc Tôn, Võ Thúc chê bai (LN,  XIX, 24).

Cho nên, tốt hơn hết chúng ta nên sống cho thoải mái, đừng quá tham mà làm khổ xác thân, đừng quá say mê chạy theo vật chất, mà quên mất sự bồi bổ tinh thần.

Nếu, khi đã tới tuổi 60, mà ta vẫn ham danh, lợi, tiền tài, vật dục, là ta đã đi nhầm đường rồi, phải kíp thời dừng bước, mà ngả theo Chính đạo, nếu không sẽ quá muộn, lúc trăm tuổi không biết sẽ về đâu, và rất lo sợ khi Tử thần tới rước.

Theo tôi, thể xác con người chỉ là 1 thứ người máy, hoạt động, suy tư được là nhờ có Thần nhập. Vậy tại sao ta không bồi bổ cho Thần của ta bằng cách suy tư, thánh thiện, mà lại chạy theo đường vật dục, để bồi bổ cho người máy của ta vậy?


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30