THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


26. 山 天 大 畜  SƠN THIÊN ĐẠI SÚC   

 

Đại Súc Tự Quái

大 畜 序 卦

Hữu Vô Vọng

有 無 妄

Nhiên hậu khả Súc.

後 可 畜

Cố thụ chi dĩ Đại Súc.

故 受 之 以 大 畜

 

 Đại Súc Tự quái

Hết lầm, nhân đức theo thời chứa chan,

Cho nên Đại Súc tiếp hàng. 

 

Quẻ Đại Súc đề cập đến 4 vấn đề:

1) Phải lo sao để trở nên một người uẩn súc về mọi phương diện: đạo đức, tài trí (Thoán & Tượng) (Uẩn súc).

2) Phải trọng hiền tài. Nuôi dưỡng hiền tài. (Súc= Súc dưỡng) (Thoán)

3) Người quân tử khi bị ngăn chặn, đừng vội tiến. (Súc = Súc chỉ) (Hào 1, 2, 3).

4) Phương pháp ngăn chặn tội ác (Hào 4, 5)(Súc chỉ).

Đại Súc gồm 3 nghĩa:

1) Súc tích, Uẩn súc. 2) Súc dưỡng. 3) Súc chỉ.

Thoán, Tượng bàn về Súc tích, Hào bàn về Súc chỉ. 

I. Thoán.

 Thoán Từ.

. 利 貞 . 不 家 食 . . 利 涉 大 川 .

 Đại súc. Lợi trinh. Bất gia thực. Cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch. Thoán Từ.

Đại Súc: Hàm súc rồi rào,

Lại còn chính đáng, thanh cao mới là.

Nếu đem thân giúp quốc gia,

Dẫu qua sông lớn, vẫn là điều hay.

Thoán Từ đại khái nói: Người quân tử muốn ra giúp đời, phải hàm tàng, uẩn súc đạo đức, học thức, tài trí, cho nhiều, cho hay mới là Đại Súc. Nói là uẩn súc, nhưng phải uẩn súc chính lý, chính đạo mới hay (Lợi trinh), chứ không phải uẩn súc dị đoan, tà thuyết.

Nhưng người đã súc tích, hàm tàng kinh luân, sử sách, có tài, có đức cao siêu, thời nên được dùng vào đại công, đại sự, giúp ích cho nước, cho dân, hưởng lộc thiên hạ mới hay. Vì thế mới nói: Bất gia thực cát. Những người đó sẽ là những người cứu nguy, cứu nạn cho thiên hạ mỗi khi cần đến (Lợi thiệp đại xuyên). 

Thoán Truyện.  

彖曰: 大 畜 . 剛 健 . 篤 實 輝 光 .日 新 其 德. 剛上 而 尚 賢 . 能 止 健 . 大 正 也. 不家 食 吉 . 養 賢 也. 涉 大 川 . 應 乎 天 也.

 Thoán viết:

Đại Súc. Cương kiện. Đốc thực huy quang. Nhật tân kỳ đức. Cương thượng nhi thượng hiền. Năng chỉ kiện. Đại chính dã. Bất gia thực cát. Dưỡng hiền dã. Lợi thiệp đại xuyên. Ứng hồ Thiên dã.

Dịch. Thoán Truyện.

Thoán rằng: Dũng mãnh, cương kiên,

Trong thời hàm súc, ngoài thêm huy hoàng.

Đức hành, ngày một sửa sang,

Hiền lương một dạ nể nang, tôn vì.

Dừng nơi hoàn thiện, siêu vi,

Sắt son ngay chính, muôn bề thanh cao.

Tài đem giúp nước, mới hào,

Ơn vua, lộc nước, rồi rào lo chi.

Thành công, cứu nạn, phò nguy,

Như băng sông lớn, đúng y Mệnh Trời.

Thoán Truyện bình thêm rằng: những người hàm súc tài đức tới mức cao độ, như vậy ắt có một tâm thần cương kiên, thiết thạch, ắt có thực tài, thực đức, dến nỗi quang huy phát lộ cả ra ngoài (Cương kiện. Đốc thực huy quang), mỗi ngày lại thấy hiển lộ thêm đường nhân, nẻo đức (Nhật tân kỳ đức). Thoán còn dạy, phải tôn hiền, thượng hiền, cấp dưỡng cho những bậc hiền tài, vì họ là những bậc chính nhân, quân tử, đại minh, đại chính, hành động ứng hợp với Trời, sẽ ngăn chặn được những kẻ cường mãnh, sẽ giải nguy, cứu khốn được cho đất nước sau này (Cương thượng nhi thượng hiền. Năng chỉ kiện. Đại chính dã. Lợi thiệp đại xuyên. Ứng hồ Thiên dã). 

II. Đại TượngTruyện.

象 曰 : 天 在 山 中 . 大 畜 . 君 子 以 多 識 前 言 往 行 . 以 畜 其 德 .

Tượng viết: Thiên tại sơn trung. Đại Súc. Quân tử dĩ đa chí tiền ngôn vãng hạnh.

Dĩ súc kỳ đức.

Dịch. Tượng rằng:

Đại Súc, núi có Trời trong,

Lời xưa, tích cũ, ghi lòng mới hay.

Việc xưa chất chứa dạ này,

Hiền nhân cố gắng chứa đầy đức nhân.

Đại Tượng khuyên người quân tử phải bắt chước núi, có ngọc ẩn, châu tàng, mà lo uẩn súc ngôn hạnh của Thánh Hiền, để mình trở nên một bậc đại trí, đại giác, đại đức, đại tài, làm vẻ vang cho đất nước. 

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

Ba Hào dưới thuộc Kiền (Cương kiện). bàn về thái độ của quân tử khi gặp ngăn trở, ngăn chặn.

Ba Hào trên thuộc Cấn (Chỉ). Ba Hào trên bàn ngược lại về cách ngăn chặn tội khiên.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九:    有 厲 利 已 .

象 曰 .     有 厲 利 已 . 不 犯 災 也 . 

Sơ Cửu. Hữu lệ. Lợi dĩ.

Tượng viết:

Hữu lệ lợi dĩ. Bất phạm tai dã.

Dịch.

Hào Sơ: Phía trước hiểm nguy,

Dừng chân đứng lại, có bề lợi hơn.

Tượng rằng:

Thấy nguy, dừng lại lợi hơn,

Ấy là chẳng chuốc nguy nan cho mình.

Người quân tử ở Hào Sơ là Dương cương đắc chính, thể Kiền nên muốn tiến lên, nhưng bị Lục tứ ngăn chặn. Nếu Sơ cố tiến lên sẽ gặp nguy (Hữu lệ), nên dừng lại mới hay (Lợi dĩ). Khi cần dừng lại để khỏi mang tai, mắc họa, thời nên dừng lại (Tượng viết: Hữu lệ lợi dĩ. Bất phạm tai dã). 

 

2. Hào Cửu nhị.

九 二 :    輿 說 輻 .

象 曰 :    輿 說輻 . 中 無 尤 也 . 

Cửu nhị. Dư thoát phúc.

Tượng viết:

Dư thoát phúc. Trung vô cữu dã.

Dịch.

Cửu nhị: Xe trút nhíp xe.

Tượng rằng: Xe trút nhíp xe.

Mình dừng đúng lúc, ai chê được nào.

Cửu nhị Dương cương đắc trung, tuy có thể tiến được, nhưng bị Cửu ngũ ngăn chặn. Cửu nhị biết thời cơ chưa thể tiến, nên tự ý rút nhíp bánh xe, dừng lại không đi lên vội, tri thời thức thế (Cửu nhị. Dư thoát phúc.) (Tượng viết: Dư thoát phúc. Trung vô cữu dã.) 

 

3. Hào Cửu tam.

九 三 .     良 馬 逐 . 利 艱 貞 .曰 閑 輿 衛 . 利 有 攸 往 .

象 曰 .     利 有 攸 往 . 上 合 志 也 . 

Cửu tam. Lương mã trục. Lợi gian trinh. Nhật nhàn dư vệ. Lợi hữu du vãng.

Tượng viết:

Lợi hữu du vãng. Thượng hợp chí dã.

Dịch.

Cửu tam: Thỏa chí tang bồng,

Như đôi lương mã, vó tung dậm trường.

Nên phòng nguy hiểm, nhiễu nhương,

Rong xe cho khéo, đề phòng cho hay.

Ruổi rong như vậy, lợi thay.

Tượng rằng:

Ruổi rong mà lợi, mà hay,

Là vì trên muốn in tày như ta.

Hào Ba là Hào trên hết Nội quái, lại ứng với trên là Thượng Cửu, cũng là Dương Cương, đồng tâm, đồng đức với mình. Hào Ba ngụ ý rằng: Người quân tử tài đức song toàn, mà lại không bị ngăn chặn, lại gặp người trên đồng tâm, đồng chí, thời sẽ như tuấn mã ruổi rong dậm trường (Cửu tam. Lương mã trục). Tuy nhiên, đường đời gian nan, cần phải xử sự cho minh chính mới hay (Lợi gian trinh), lại phải gia ý đề phòng, chuẩn bị đối phó luôn với mọi hoàn cảnh, y như người rong xe đường trường, dự bị đủ đồ đi đường, khí giới phòng thân (Nhật nhàn du vệ. Lợi hữu du vãng). Sở dĩ mình hành động mà hay, mà lợi, chính là vì đã gặp người đồng tâm, đồng chí với mình. (Tượng viết: Lợi hữu du vãng. Thượng hợp chí dã). 

 

4. Hào Lục tứ.

六 四 .       童 豕 之 牿 . 元 吉 .

象 曰 .       六 四 元 吉 . 有 喜 也 . 

Lục tứ. Đồng ngưu chi cốc. Nguyên cát.

Tượng viết:

Lục tứ nguyên cát. Hữu hĩ dã.

Dịch.

Trâu non đã đóng gông sừng.

Đóng gông sừng sớm, đè chừng mới hay.

Tượng rằng:

Lục ngũ mà hay,

Thực là hạnh phúc, mắn may cho đời.

Hào Bốn bàn về phương pháp ngăn chặn tà ngụy, ngăn chặn ác nhân. Lục tứ tượng trưng cho một đại thần, trên thì phải ngăn tà tâm của vua, dưới phải ngăn ác nhân trong thiên hạ. Phàm muốn ngăn ác, phải ngăn ngay khi chúng chưa phát, cũng như muốn cho trâu khỏi húc, phải đóng gông sừng từ khi chúng còn non (Đồng ngưu chi cốc). Thế là phép trừng ác hiệu quả nhất (Nguyên cát). Như vậy người trên không hao tốn sức lực, người dưới không bị tổn thương. cả hai bên cùng vui vẻ cả (Tượng viết: Lục tứ nguyên cát. Hữu hỉ dã).

 

5.  Hào Lục ngũ.

六 五 :      豶 豕 之 牙 . .

象 曰 :      六 五 之 吉 . 有 慶 也 .

Lục ngũ. Phần thỉ chi nha. Cát.

Tượng viết:

Lục ngũ chi cát. Hữu khánh dã.

Dịch.

Răng nanh lợn hoạn vẫn hay,

Hoạn rồi, lợn hết hăng say, cắn người.

Tượng rằng: Lục ngũ mà hay,

Thực là hạnh phúc, mắn may cho đời.

Chẳng những cấm ác, phải cấm từ khi chúng chưa phát, mà lại phải trừ đến nguyên nhân. Ví như con lợn có nanh, húc càn, cắn bậy. Ta làm hàng rào vây nó, hoặc trói nó, bẻ răng nó, thì tính hung hăng nó vẫn còn; nhưng nếu cứ để răng cho nó, nhưng đem hoạn nó đi, nó sẽ trở nên hiền lành. Vì thế nói: Phần thỉ chi nha. Cát.

Đối với con người cũng vậy, ngăn ngừa ác độc của họ, không phải bằng hình phạt, ngục tù, mà phải bằng giáo hóa. Phải cải cái tâm của họ, thay vì gông cùm, trăng trói họ. Tâm con người đã hoán cải, họ sẽ hết làm bậy. Mới hay trị ác có phương pháp, ác mới hết được, và như vậy dân mới được cải hóa, mới được phúc khánh. (Tượng viết: Lục ngũ chi cát. Hữu khánh dã).

 

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 :     何 天 之 衢 . .

象 曰 :     何 天 之 衢 . 道 大 行 也 . 

Thượng Cửu. Hà Thiên chi cù. Hanh.

Tượng viết:

Hà Thiên chi cù. Đạo đại hành dã.

Dịch.

Đường Trời rộng rãi là đây,

Đường Trời thảng đãng, mắn may quá chừng.

Tượng rằng:

Đường Trời rộng mở từ đây.

Là vì Thiên Đạo, tới ngày phổ thông.

Khi mọi người đã cải hóa rồi, khi đại đạo đã được thi hành rồi, thì cần chi phải ngăn chặn, chèn ép ai làm chi nữa. Hãy để cho mọi người mặc tình rong ruổi đường Trời (Hà Thiên chi cù. Hanh. Tượng viết: Hà Thiên chi cù hanh dã)

ÁP DỤNG QUẺ ĐẠI SÚC VÀO THỜI ĐẠI

Xưa, con đường duy nhất để góp mặt với đời là ta phải lầu thông kinh sử, đạo lý Thánh hiền. Mười năm đèn sách, nếu đường công danh mà hanh thông, thì sau khi đậu sẽ được bổ nhiệm làm quan, cai trị dân. Trong dân gian có 4 giai cấp: Sĩ, Nông, Công, Thương.

- Sĩ: là giai cấp cao nhất, là những người đức hạnh, học vấn, tài trí hơn người, khi đỗ ra nhà vua sẽ tùy theo sức học, thi đậu cao thấp, mà bổ nhiệm làm quan, cai trị dân.

- Nông: Thứ nhì là giai cấp làm ruộng. Giai cấp này là nòng cốt kinh tế cho quốc gia.

- Công: Kế đến là giai cấp thợ thuyền. Họ chỉ có những sáng kiến thô sơ, mục đích là tạo ra những sản phẩm, đáp ứng với nhu cầu của quần chúng.

-Thương: Giai cấp thương mại là giai cấp thấp nhất, họ chỉ buôn bán, trao đổi với nhau trong nước, ít người làm ăn có tính cách rộng lớn ra đến nước lân cận. Dù họ giầu có chăng nữa, họ cũng không được dân trọng như giai cấp sĩ phu. Do đó, những bậc cha mẹ luôn luôn lo đào tạo con mình, không những về học vấn, tài trí, mà còn về đạo đức nữa, để mai sau xứng đáng là bậc Cha mẹ dân.

Nay, con đường học vấn tung ra muôn ngả, giai cấp Sĩ phu không còn được quí trọng như xưa, Nông nghiệp không còn là nền kinh tế độc quyền. Giai cấp Thương Mại, vì có khi buôn bán với người ngoại quốc, nên cũng cần phải có đôi chút học thức, do đó giai cấp này được nâng cao hơn. Thêm vào, giai cấp Công nghệ, theo đà văn minh, khoa học ngày một tiến, các sinh viên phải đi du học, để thu thập tài năng, kinh nghiệm nơi nước người, những người này phải có học lực tương đương với ngành sĩ phu, thì mới mong thâu thái được nền học vấn xứ người. Ngày nay, hầu như không còn phân chia giai cấp như trước nữa, và các bậc cha mẹ đã bớt khắt khe với vấn đề dạy dỗ con cái, do đó đạo đức thụt lùi, đồng thời văn minh vật chất tiến lên vùn vụt. Các cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ của tất cả các ngành ra đời, nhưng những mảnh bằng đó chỉ có giá trị nghề nghiệp, lương bổng, mà không có giá trị về tinh thần đạo đức như xưa, do đó họ không được dân kính trọng như các bậc sĩ phu khi xưa.

Cũng có nhiều người trong số Khoa bảng ngày nay, họ cũng nhận thấy sự thiếu sót của mình, nên cũng cố gắng để thì giờ nghiên cứu, học hỏi thêm những cái hay, cái đẹp của người xưa, nhưng rất ít người theo kịp được đạo đức của người xưa, vì đà cám dỗ của văn minh vật chất quá mạnh.

Với sự phân tích trên, cho ta thấy nếu ngành giáo dục không mau mau cải tiến từ lớp mẫu giáo cho đến đại học, thì mai sau lớp trẻ sẽ khó răn dạy đến đâu, và sự thiếu căn bản đạo đức sẽ đưa nhân loại đến hậu quả như thế nào, khó ai đoán biết, đó là lý do về phương diện gia đình, nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay không muốn sinh con.

Về phương diện Xã Hội, nếu nhà cầm quyền chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà bớt phạm pháp, nhưng chẳng biết xấu hổ. Vậy muốn dẫn dắt dân, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh, lễ nghĩa, thì dân vừa biết xấu hổ, vừa được cảm hóa. Tóm lại, dân theo lễ nghĩa, thời nước sẽ thanh bình.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30