THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


7. 地 水 師  ĐỊA ThỦy SƯ      

 

Sư Tự Quái

Tụng tất hữu chúng khởi,

訟 必 有 眾 起

Cố thụ chi dĩ Sư

故 受 之 以 師

 

Sư Tự Quái

Tranh dành, quần chúng âu đành nổi lên.

Quẻ Sư vì vậy tiếp liền.

 

Cá nhân bất hòa sẽ sinh kiện tụng. Quốc gia bất hòa cùng nhau, sẽ sinh chinh chiến. Cho nên sau quẻ Tụng, bàn đến quẻ Sư. Quẻ Sư, trên là Khôn = Đất = Nhu thuận, dưới là Khảm = Nước = Nguy hiểm, lại có 1 Hào  Dương ở Cửu nhị, thống lãnh 5 Hào Âm. Nó gợi lên những ý nghĩa sau :

1. Chinh chiến là một công chuyện hết sức hiểm nghèo, cần phải được thuận tình, thuận lý, tức là phải có chính nghĩa, có lý do xác đáng, và được quốc dân tán thành mới nên.

2. Đời xưa cho rằng: quân ẩn trong lòng dân, như nước ẩn trong đất, quân và dân không thể rời nhau. Thời bình thì quân là dân, thời chiến thì dân là quân. Vì thế Chu Hi mới bàn rằng:  Người xưa cho rằng quân nhân vốn đã tiềm ẩn ngay trong tầng lớp nông dân, cái chí hiểm đã tàng phục ngay trong cái chí thuận, và cái bất trắc đã tàng ẩn ngay trong cái tĩnh lãng.

Quân và dân liên lạc hết sức mật thiết với nhau, nên tổ chức hành chánh (Quẻ Tỉ), và tổ chức quân sự (Quẻ Sư) là hai tổ chức song hành và tương ứng.

3. Quẻ Sư có một Hào Dương (Hào Cửu nhị), thống lãnh quần Âm, đó là tượng trưng cho một vị tướng soái, thừa ủy nhiệm vua, thống lĩnh ba quân xông pha gian hiểm, để chinh thảo địch quân.

Trước khi khảo sát quẻ Sư, ta nên biết Hiền thánh đời xưa rất ghét binh bị, vì binh bị độc nhân, hại chúng. Hồng phạm Cửu trù, xếp Binh bị vào hàng cuối cùng trong Bát chính (tám phương sách trị dân).

Gần đây, Thánh Gandhi cũng nhất định đề xướng lên cùng thế giới chủ trương Bất hại ( Ahimsa), và chủ trương Bất bạo động. Ông viết: Nếu trong một cuộc chiến tranh vì chính nghĩa, cần phải hại tới sinh mạng con người, thì người ta nên bắt chước chúa Jésus sẵn sàng đổ máu mình, thay vì đổ máu kẻ khác, như vậy máu bớt chẩy trong hoàn vũ ( Autobiographie d'un Yogi  p, 440 ).

Tự Quái đề cập tới duyên cớ chiến tranh, và cho rằng vì người ta chia rẽ, tranh dành nhau nên mới có chiến tranh. 

I. Thoán.  

Thoán Từ.

 師: 貞,丈 人,吉. 無 咎。

 Sư. Trinh. Trượng nhân, cát. Vô cữu.

Dịch.

Xuất sư, chính nghĩa phải theo,

Tướng gồm tài đức, hết điều dở dang.

Thoán Từ chủ trương: Mỗi khi hưng sư, động chúng phải có một duyên cớ xác đáng. Người xưa hưng binh để trừ bạo chúa, như Thành Thang hưng binh diệt Kiệt, Võ Vương hưng binh diệt Trụ. Vì vậy, không có động chạm đến dân chúng.

Thoán Truyện.

師,眾 也,貞 正 也,能 以 眾 正,可 以 王 矣。剛 中 而 應,行 險

而 順,以 此 毒 天 下,而 民 從 之,吉 又 何 咎 矣。

Thoán viết:   Sư. Chúng dã. Trinh. Chính dã. Năng dĩ chúng chính. Khả dĩ vương hĩ. Cương trung nhi ứng. Hành hiểm nhi thuận. Dữ thử độc thiên hạ nhi dân tòng chi. Cát. Hựu hà cữu hĩ.

Dịch.

Thoán rằng:  Sư ấy quân đông.

Trinh là chính nghĩa, phục tòng, mới hay.

Bắt quân theo được đường ngay,

Đáng làm vương tướng, làm thầy thế gian.

Cương cường, thừa lệnh quân vương,

Đi vào nguy hiểm, biết đường xở xoay,

Quân binh độc địa xưa nay,

Biết dùng, thiên hạ vẫn quay theo mình.

Khéo dùng, quân sự cũng lành,

Lỗi lầm, hồ dễ nẩy sinh được nào.

 

Một khi đã có lý do chính đáng để hưng binh, động chúng, nhà vua có nhiệm vụ lựa một tướng có tài đức cầm quân. Quyết định này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự thắng lợi của toàn quân. Lịch sử đã chứng minh điều đó:

 Bái Công thắng trận nhờ Hàn Tín.

 Nước Pháp thắng trận liên miên ở Ý (1796), nhờ Carnot biết bổ dụng Bonaparte v v . . .

Vị nguyên soái ấy phải giữ được chính nghĩa, thuận quân và thuận dân, đem chiến thắng vinh quang về cho đất nước, mới có thể gọi được là xuất quân tuyệt hảo.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰. 地 中 有 水,師﹔ 君 子 以 容 民 畜 眾。

Tượng viết:  

Địa trung hữu thủy. Sư. Quân tử dĩ dung dân súc chúng.

 Dịch.

Nước trong lòng đất, gọi là Sư,

Nuôi dưỡng nhân dân, hãy lắng lo.

Quân tử dung dân, và xuất chúng,

Quân dân đất nước, hãy nên so.

 

Tượng Truyện đề cập đến một vấn đề hết sức quan hệ, và cho rằng quân là dân, dân là quân. Nuôi dân, dạy dân tức là nuôi quân, dạy quân. Vấn đề này từ năm 1789 trở đi đã trở thành một vấn đề quốc tế. Thực vậy, sau cuộc Cách Mạng Pháp, chính phủ Pháp đã thực hiện một cuộc động viên toàn diện, và bắt toàn dân tham chiến. Từ chủ nghĩa Karl Marx ra đời, các lãnh tụ Cộng Sản đều lấy đó làm vấn đề then chốt. Và Cộng Sản đã thực hiện triệt để khẩu hiệu Quân dân cá nước, cho quân lẩn vào dân, sống nhờ dân, phối hợp với dân ( du kích chiến), phối hợp dân với quân ( Vận động chiến, Trận địa chiến), để đi đến thắng lợi cuối cùng.

 III. Hào  Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六.      師 出 以 律,否 臧 凶。

象 曰:    師 出 以 律,失 律 凶 也。

Sơ Lục.  Sư xuất dĩ luật. Phủ tang hung.

Tượng viết: 

Sư xuất dĩ luật. Thất luật hung dã.

Dịch. Sơ Lục:

Xuất quân cần có phép.

Nếu không hung họa sẽ tới nơi.

Tượng rằng:

Ra quân phép tắc đàng hoàng.

Nếu không phép tắc, tan hoang đã đành.

Hào Sơ cho rằng ra quân cần phải có kỷ luật. Điều này cả Đông lẫn Tây đều cho là then chốt. Quân tướng mà không nhất trí, tiến thoái mà không đồng nhất, hiệu lệnh mà không nghiêm chỉnh, thì cũng chỉ là loạn quân, là quân ô hợp, không làm nên chuyện gì. 

 

2. Hào Cửu nhị.

九 二.      在 師 中,吉 無 咎,王 三 錫 命。

象 曰:    在 師 中 吉,承 天 寵 也。 王 三 錫 命,懷 萬 邦 也。

Cửu nhị. Tại sư trung. Cát. Vô cửu. Vương tam tích mệnh.

Tượng viết: 

Tại sư trung cát. Thừa thiên sủng dã. Vương tam tích mệnh.

Hoài vạn bang dã.

Dịch.

Nếu gặp anh tài cầm quân lữ,

Rồi ra mọi sự sẽ hoá hay.

Vua đã ba lần ban tưởng thưởng,

Nghĩ đến dân gian khắp đó đây.

Tượng rằng:

Ở chốn ba quân, vẫn được hay,

Ơn trời mưa móc, hưởng tràn đầy.

Ba lần vua đã ban ân thưởng,

Vì  luyến dân tình khắp đó đây.

 

Hào Cửu nhị cho rằng tướng soái cầm quân cần có tài đức và có đủ uy quyền. Đánh giặc cũng như đánh cờ, giỏi sẽ thắng, dốt sẽ bại. Tôn Võ cầm quân đánh giúp vua Ngô, nên Nam thì phá được Sở, Bắc thì phục được Tề, được Tấn. Hưng Đạo cầm quân đã ba lần cả phá quân Nguyên. Tướng soái ra quân cần có đủ uy quyền, như vậy binh sĩ mới phục. Trong quẻ Sư, Tướng soái là một Hào Dương chói sáng, còn vị quân vương lại là một Hào Âm lu mờ, nghĩa là ở nơi chiến địa, Tướng soái mới là Vua. Xưa kia, Vua tiễn Tướng ra quân, thời nói: Từ cổng thành trở ra, là do Tướng quân quyết đoán. Sở dĩ Vua trao quyền định đoạt cho Tướng soái, là vì nếu Tướng không có quyền, thì không điều khiển được sĩ tốt. Hơn nữa, nhà vua ở xa trận địa, không hiểu rõ được diễn biến của tình thế một cách thấu đáo, nên không thể nào quyết đoán được sự tiến, thoái, công, thủ được 

 

3. Hào Lục tam.

六 三.      師 或 輿 尸,凶。

象 曰:   師 或 輿 尸,大 無 功也。

Lục tam. Sư hoặc dư thi. Hung.

Tượng viết:

Sư hoặc dư thi. Đại vô công dã.

Dịch.

Ra quân, mà đến chở thây,

Thì thôi, hung họa, đắng cay, còn gì?

Tượng rằng:

Ra quân mà đến chở thây,

Công trình mây khói, khói mây còn gì?

Hào Lục tam cho ta thấy tướng dở mà cầm quân là đưa quân vào cõi chết. Năm 1954, ở Việt Nam, tướng Navarre đã cho quân Pháp đóng vào lòng chảo của Diện Biên Phủ, một nơi tử địa, chung quanh là núi non, lại thường có sương mù, nên đã làm mồi cho các ổ trọng pháo của Việt Cộng, và đã phải đầu hàng ngày 7 tháng 5 năm 1954 sau 55 ngày ác chiến. Sau cuộc chiến này, sự đô hộ của người Pháp trên lãnh thổ Việt Nam đã cáo chung.  

 

4. Hào Lục tứ.

六 四.      師 左 次,無 咎。

象 曰:    左 次 無 咎,未 失 常 也。

Lục tứ. Sư tả thứ. Vô cữu.

Tượng viết:   

Tả thứ vô cữu. Vị thất thường dã.

Dịch.

Lục tứ, lui quân lại phía sau,

Lui quân, nào đáng trách chi đâu.

Tượng rằng: 

Lui quân có lỗi chi đâu,

Quân cơ, tiến thoái, trước sau, là thường.

Hào Lục tứ bàn về một vấn đề binh pháp, người làm tướng phải biết tiến, biết lui, như vậy mới có thể bảo toàn được lực lượng. Chỉ biết tiến, mà không biết lui, nguy hiểm vô cùng. Lỗi lầm của Hitler trong trận Stalingrad là bắt  tướng Paulus phải cố thủ, không được rút lui, mặc dầu đã ở trong tình thế tuyệt vọng. Vì thế, nên ngày 31 tháng 1 năm 1942, hết lương thảo và quân nhu, binh sĩ lại đau ốm, Von Paulus phải ra hàng với 22 tướng và 200.000 quân sĩ.

Kutosof đã dùng chiến thuật rút lui, vườn không, nhà trống, nhử đại binh của Napoléon vào trọng địa, để rồi ra nhờ đói khổ, rét mướt, bệnh tật, và du kích, chiến thuật tiêu hao, truy kích, mà làm cho 500 ngàn quân thiện chiến của Napoléon hoàn toàn bị tiêu diệt, chỉ còn được vài chục ngàn người đi không vững. 

 

5. Hào Lục ngũ.

六  四.      師 左 次,無 咎。

象 曰:    左 次 無 咎,未 失 常 也。  

Lục ngũ. Điền hữu cầm. Lợi chấp ngôn. Vô cữu.

Trưởng tử soái sư. Đệ tử dư thi. Trinh hung.

Tượng viết: 

Trưởng tử soái sư. Dĩ trung hành dã. Đệ tử dư thi. Xử bất đáng dã.

Dịch.

Lục ngũ: thú rừng về đồng nội,

Đi lùng, đi bắt, vẫn là hay.

Dùng được tướng tài, thời khỏi lỗi,

Dùng kẻ vô năng, sẽ chở thây

Tướng tài dùng được, mới hay,

Dùng người bất lực, chở thây vong tàn.

Tượng rằng:

Tướng giỏi ra quân, quân mới vẹn,

Người ngu khiển chúng, chúng phơi thây.

Dùng người, có dở, có hay.

Hào Lục ngũ cho rằng chỉ khi nào có quân xâm lăng vi phạm cõi bờ, thì mới nên xuất quân chinh thảo. Vì dầu sao, binh cách cũng là chuyện bất tường. Người xưa có câu: Binh đi tới đâu, chông gai nẩy tới đó.

Khi đã có lý do chính đáng để hưng binh rồi, cần phải biết dùng tướng tài, bỏ tướng dở. Tôn Tử viết: Binh là việc lớn của nước, là vấn đề sống chết, là con đường còn mất, không thể không xét biết.

Tướng chịu trách nhiệm về sự tồn vong của ba quân. Vua chịu trách nhiệm tìm ra tướng tài. 

 

6. Hào Thượng Lục.

上 六 .      大 君 有 命,開 國 承 家,小 人 勿 用。

象 曰:     大 君 有 命,以 正 功 也;小 人 勿 用,必 亂 邦 也。  

Thượng Lục.

Đại quân hữu mệnh. Khai quốc thừa gia. Tiểu nhân vật dụng.

Tượng viết:

Đại quân hữu mệnh. Dĩ chính công dã. Tiểu nhân vật dụng.

Tất loạn bang dã.

Dịch.

Thượng Lục: quân vương truyền mệnh lệnh,

Khai quốc công hầu, cấp đất đai.

Tiểu nhân thôi chớ có xài.

Tượng rằng:

Nhà vua lúc thưởng công lao,

Tiểu nhân thôi chớ có trao chức quyền,

Tiểu nhân, ăn chốc, ngồi trên.

Loạn nhà, loạn nước, đến liền chẳng sai.

 

Thượng Lục thì bàn rằng, khi đã chiến thắng, khi chiến tranh đã kết liễu, thời nên tưởng thưởng chiến sĩ cho trọng hậu, nhưng không được dùng kẻ tiểu nhân để trị nước, vì đó là mầm họa hoạn. Thế mới hay, trị quân khác trị dân, chống ngoại xâm khác với đem hưng thịnh về cho đất nước.

Những ý niệm đại cương trên đây cũng làm ta suy nghĩ rất nhiều. Nếu đã mang danh tướng soái, cầm quân diệt giặc, thì phải là người học rộng, biết nhiều, học các chiến tích danh nhân kim cổ, đọc hết các binh thư, biết dùng thời tiết, biết dùng người, dùng quân, dùng dân, biết khuyến binh, khích tướng, biết dùng địa hình, địa thế, biết khai thác và lợi dụng triệt để các loại vũ khí, các phát minh của khoa học để thủ thắng. Tóm lại, binh là biến, người cầm binh phải biết biến. Nơi trang giấy nhỏ này, ta không thể bàn cãi cho xiết mọi khía cạnh của chiến tranh, của binh thư, binh pháp, của chiến thuật, chiến lược. Và ta cũng bắt chước Kinh Dịch, nói đến Tụng, là ước mong không còn kiện tụng, nói đến Sư là chỉ ước mong không còn chiến tranh trên mặt đất này nữa.

ÁP DỤNG QUẺ SƯ VÀO THỜI ĐẠI

Trước khi nói về quẻ Sư, áp dụng vào thời đại này, ta hãy đọc qua cách bầy binh, bố trận của người đời xưa, và của người đời nay, để tìm ra sự khác biệt của chúng.

Tôn Võ Tử, một binh gia nổi tiếng thời Xuân Thu, tác giả bộ Binh Pháp Tôn Tử ( sách dùng binh sớm nhất của Trung quốc) viết: Binh là việc lớn của nước, là vấn đề sống chết, là con đường còn mất, không thể không xét biết.

*Binh thư Tôn Võ cho rằng: Trong phép dùng binh:

 -Ta gấp 10 địch, ta bao vây.

 -Ta gấp 5 địch, ta tấn công.

 -Ta gấp 2 địch, ta chia quân đánh 2 mặt.

 -Ta ngang với địch, ta phải biết quyết đánh.

 -Ta kém hơn địch về quân số, ta phải hết sức tránh né giao phong.

*Fabius, nhờ chiến thuật tránh né và rút lui, đã cầm chân Annibal được mấy năm trời, không cho tiến tới được La Mã. Nhờ vậy, sau này Scipion mới đánh tan được quân Annibal ở Zania (202 BC ).

*Trương Lương, đã dùng Tâm lý chiến đánh tan quân của Hạng Võ.

*Kutosof đã dùng chiến thuật rút lui, vườn không, nhà trống, đánh quân của Napoléon, như trên đã nói.

* Mao Trạch Đông, dùng chiến thuật du kích, và cho khẩu lệnh là: Địch tiến, ta lui;  địch nghỉ, ta quấy;  địch mệt, ta đánh;  địch lui, ta đuổi.

*Napoléon, Clausewitz, Hồng quân đã dùng chiến thuật  công  kỳ  vô  bị,  xuất  kỳ  bất  ý (của Tôn võ Tử), là đánh khi địch chưa đề phòng, ta thình lình ra quân.

a -Điều động binh mã sao cho âm thầm, ngày nghỉ, đêm đi, nấp trong rừng, nấp trong dân, để địch quân không biết mình ở đâu, muốn gì, có bao nhiêu quân, cơ giới gì.

b -Trước khi đánh, phải chuẩn bị cho kỹ lưỡng, nghiên cứu tình hình địch quân cho cặn kẽ, bằng tình báo, bằng dân, bằng quân. Kế hoạch xuất quân, phải soạn thảo kỹ càng, tản binh để di chuyển, tập binh để xung kích.

c -Lúc đánh, phải có mục tiêu rõ rệt, đường hướng rõ rệt, và  đánh cho thần tốc, dũng mãnh, sấm sét, ào ạt, lấy mười đánh một, đánh vào chỗ sơ hở, đánh vào lúc bất kỳ. Xong xuôi phải khai thác thắng lợi, tiêu diệt địch quân.

*Binh pháp của Thống Tướng Foch là lúc nào cũng phải bảo tồn lực lượng, có tiền phong, tả dực, hữu dực, có trung quân, hậu quân, có chính,kỳ. Chính thường ở giữa để thủ, kỳ thường ở hai cánh để công vào sườn, vào hông, vào lưng địch. 

Hơn nữa, binh pháp, chiến pháp thường thay đổi luôn luôn, cho hợp với tình thế, hợp với đà phát triển của khoa học, của vũ khí. Dần dà, các chiến thuật gia, lấy dân và quân kết thành thế liên hoàn, nên vừa có Du kích chiến, vừa có Chính qui chiến, Trận địa chiến. Xử dụng được cả quân lẫn dân, biết động, tĩnh khôn lường; biết tụ, tán; biết quyền, biến; biết chính, kỳ; biết triển dương, thu xúc, tức là áp dụng được lẽ Dịch trong vũ trụ vào Binh bị.

Khi xưa, trong chiến trận, chỉ 2 tướng đánh nhau, tướng nào thua, là quân hàng, coi như trận đó thắng bại đã rõ rệt,( như vậy đỡ chết quân).

Sau đó, du kích chiến, trận địa chiến v v... nên quân chết nhiều. Chiến tranh dần dà biến thành một thứ chiến tranh toàn diện, có mục đích là tiêu diệt, thành thử có một bộ mặt hết sức là ghê gớm. Người ta chế tạo ra bom nguyên tử, khinh khí, hơi ngạt,  và còn bom vi trùng để tiêu diệt nhau khi có chiến tranh.

Khi xưa, hưng binh để trừ bạo chúa thôi, ngày nay chiến tranh để thực hiện mộng xâm lăng; xâm chiếm đất đai; gây hiềm khích giữa các nước người để tạo chiến tranh, để bán võ khí; hoặc chiến tranh để thực hiện chủ nghĩa của 2 khối Tư Bản & Cộng Sản. Nay khối Cộng Sản đã cáo chung, mong rằng Hòa Bình sẽ tới, và sẽ ngự trị mãi mãi trên trái đất này, đó là điều chúng ta & Kinh Dịch mong mỏi vậy.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30