THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


18. 山 風 蠱    Sơn Phong CỔ   

 

Cổ Tự Quái

Dĩ hỷ tùy nhân giả tất hữu sự.

Cố thụ chi dĩ Cổ.

Cổ giả sự dã.

 

Cổ Tự Quái

...Vui theo người, ắt có nhiều sự sinh,

Cho nên quẻ Cổ tiếp thành,

Cổ là công chuyện thi hành trước sau. 

 

Cổ là thối nát. Chữ Cổ gồm chữ Mãnh là đĩa, trên có 3 chữ Trùng là sâu, gợi lên ý nghĩa, thức ăn để lâu đã bị hư hại, dòi bọ.

-Cổ có nghĩa là lầm lạc, quẻ Cổ trên có quẻ Cấn là con trai nhỏ, dưới có quẻ Tốn là con gái lớn: con gái lớn dùng nữ sắc làm mê hoặc người con trai nhỏ.

-Cổ là đình đốn, hoại loạn. Quẻ Cổ, trên là Cấn là đình chỉ, đình đốn, dưới là Tốn= Nhu thuận. Trên ù lì, đình đốn, dưới nhắm mắt thuận theo, sẽ sinh ra hoại loạn

Hơn nữa, ở nơi quẻ Cổ, Âm Dương bất tương giao, tôn ti bất tương tiếp. Quẻ Cấn là Dương ở trên quẻ Đoài là Âm, nên Âm Dương bất giao; ở nơi quẻ Cấn và quẻ Đoài, hào Dương ở trên, hào Âm ở dưới, thế lại là Âm Dương bất giao, nên sinh cổ hoại.

Tự Quái nói vui theo người sẽ có chuyện. Mới hay, mỗi khi ta để cho người lôi kéo ta, mê hoặc ta mà không chịu suy nghĩ, không chịu tự lo, tự liệu cho mình, âu sẽ có lắm chuyện lôi thôi

I. Thoán.

Thoán Từ.

蠱:元 亨,利 涉 大 川。 先 甲 三 日,后 甲 三 日。

Cổ. Nguyên hanh. Lợi thiệp đại xuyên.

Tiên Giáp tam nhật. Hậu Giáp tam nhật.

Dịch.

Cổ đổ nát, nay ta dựng lại,

Thế mới hay, mới lợi làm sao,

Qua sông, nào quản chi nào?

Ba ngày trước Giáp, lại sau ba ngày.  

 

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰.  蠱,剛 上 而 柔 下,巽 而 止,蠱。 蠱,元 亨,而 天 下 治 也。利 涉 大 川,往 有 事 也。 先 甲 三 日,后 甲 三 日,終 則 有 始,天 行 也。

Cổ. Cương thượng nhi Nhu hạ. Tốn nhi chỉ. Cổ. Cổ nguyên hanh. Nhi thiên hạ trị dã. Lợi thiệp đại xuyên. Vãng hữu sự dã. Tiên Giáp tam nhật. Hậu Giáp tam nhật. Chung tắc hữu thủy. Thiên hành dã.

Dịch. Thoán rằng:

Cổ, cứng trên mà mềm ở dưới,

Dưới vâng theo, trên lại ù lì.

Cơ đồ đổ nát, còn chi.

Nay gây dựng lại, còn gì hay hơn.

Rồi lại thấy giang sơn bình trị,

Dẫu vượt sông, quyết chí ra tay,

Ra công sau trước ba ngày,

Trước lo, sau liệu cho hay, mới hào.

Đầu với cuối, việc nào chẳng có,

Rõ luật trời, đâu khó thành công.

 

Cổ cũng có nghĩa là gây dựng lại đổ nát, người xưa gọi thế là Trì cổ. Cho nên, khi gặp hoại loạn phải ra tay chấn chỉnh cơ đồ, phải sửa sang lại mọi chếch mác, dở dang, chấn hưng lại mọi câu chuyện đình đốn, như vậy sẽ đi đến hanh thông. Muốn ra tay sang sửa mối giường, phải biết lướt thắng gian truân, xông pha nguy hiểm. Hơn nữa, phải nghiên cứu hiện tình cho kỹ lưỡng, để tìm cho ra duyên do đổ nát. Đó là ý nghĩa câu Tiên Giáp tam nhật = phải biết nhìn về quá vãng (Ba ngày trước ngày Giáp, là ngày Tân, ý nói muốn canh tân, phải thấu triệt duyên do sự hủ bạị). Đàng khác phải tìm, phải hoạch định cho rõ ràng kế hoạch chấn hưng; lại phải đinh ninh, gắn bó, lo lường để tránh mọi sơ hở. Đó là ý nghĩa câu Hậu Giáp tam nhật = phải biết nhìn về tương lai để xếp đặt kế hoạch. (Ba ngày sau Giáp tức là ngày Đinh, ý nói phải đinh ninh, cẩn trọng). Hoàn cảnh đổ nát, nhưng nếu gặp người tài đức ra tay gây dựng lại cơ đồ, thì chẳng có gì mà phải lo, thế nào cũng đi tới hanh thông.

 II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết.

象 曰. 山 下 有 風,蠱﹔ 君 子 以 振 民 育 德。

Sơn hạ hữu phong. Cổ. Quân tử dĩ chấn dân dục đức.

Dịch.

Cổ là gió thổi ven non,

Hiền nhân cổ xúy, dân con hào hùng.

Gió  thổi  gặp  núi,  nên quẩn lại làm hại cây cối. Ở đời tính quẩn sẽ sinh đổ nát. Muốn chấn hưng cơ đồ, trước hết phải cổ súy nhân tâm, chấn hưng đạo đức. Nếu toàn dân đã thức tỉnh, đã trở nên hăng say, tha thiết, đã thực tâm muốn quật khởi xây dựng, thì làm việc gì mà chẳng nên công. 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Sáu Hào mượn gia sự, mà nói đến sự gây dựng lại cơ đồ đã đổ nát. Khưu Kiến An cho rằng : sáu Hào đều nói đến gia sự. Hào thượng là cha, Hào ngũ là mẹ, bốn Hào dưới đều là con. Còn như lấy quốc sự mà nói, thì hào ngũ là quân vương, hào thượng là bất sự chi thần, bốn Hào dưới là dụng sự chi thần. 

1. Hào Sơ lục.

初 六.       幹 父 之 蠱,有 子,考 無 咎,厲 終 吉。

象 曰:     幹 父 之 蠱,意 承 考 也。

Sơ Lục.

Cán phụ chi cổ. Hữu tử khảo. Vô cữu. Lệ. Chung cát.

Tượng viết.

Cán phụ chi cổ. Ý thừa khảo dã.

Dịch.

Ra tay dựng lại cơ đồ, 

Cha làm đổ nát, con lo gây dừng.

Nhờ con, cha khỏi lỗi lầm,

Biết lo, biết liệu, cuối cùng sẽ hay.

Tượng rằng:

Cha phá hỏng, con xây dựng lại,

Thế chính là con nối chí cha.

Hào Sơ đại khái nói rằng: nếu cha làm lỗi, làm hỏng, mà con gây dựng lại cơ đồ, thế là người cha chẳng có lỗi, vì đã có con nối được chí cha. 

 

2. Hào Cửu nhị.

九 二.        幹 母 之 蠱,不 可 貞。

象 曰:      幹 母 之 蠱,得 中 道 也。

 

Cửu nhị. Cán mẫu chi cổ. Bất khả trinh.

Tượng viết.

Cán mẫu chi cổ. Đắc trung đạo dã.

Dịch. Cửu nhị, 

Mẹ làm nát, con gây dựng lại,

Đừng phũ phàng, vừa phải mới hay.

 

Hào Hai đề cập đến một quan điểm cho rằng sửa sai, nhưng cũng có khi phải mềm dẻo, khéo léo, tùy thời, tùy cơ, tùy nhân, tùy sự, mà xử trí mới hoàn toàn tốt đẹp. Ví dụ: mẹ đã làm hư cơ đồ, con cũng đừng cứng rắn quá, làm đau lòng mẹ. Chữ Bất khả trinh nơi đây, phải hiểu là đừng nên cố chấp quá, hoặc cứng rắn quá. 

 

3. Hào Cửu tam.

九 三.      幹 父 之 蠱,小 有 晦,無 大 咎。

象 曰:    幹 父 之 蠱,終 無 咎 也。

 Cửu tam. Cán phụ chi cổ. Tiểu hữu hối. Vô đại cữu.

Tượng viết.

Cán phụ chi cổ. Chung vô cữu dã.

Dịch.

Hào Cửu tam, vì cha sửa tệ,

Tránh sao điều nhỏ bé lầm sai,

Ăn năn vặt vãnh thế thôi,

Nhưng mà lỗi lớn, có đời nào đâu.

Tượng rằng: Sửa tệ cho cha,

Cuối cùng chẳng đến nỗi ra lỗi lầm.

 

Hào Cửu tam đề cập đến một người con gây dựng lại cơ đồ, mà người cha đã làm hư hại, hay một người muốn gây dựng lại cơ đồ, mà người đi trước đã làm hư hại. Hào Cửu tam ở đây, vì quá Cương, nên đã tỏ ra quá cứng rắn, nên đã gây ra những bất hòa, những phiền toái nhỏ. Nhưng dầu đã có một vài sự đáng tiếc nhỏ xẩy ra, đương sự cũng không bị những điều chê trách lớn. Vì thế nói: Tiểu hữu hối. Vô đại cữu. 

 

4.  Hào Lục tứ.

六 四.      裕 父 之 蠱,往 見 吝。

象 曰:    裕 父 之 蠱,往 未 得 也

Lục tứ. Dụ phụ chi cổ. Vãng kiến lận.

Tượng viết:

Dụ phụ chi cổ. Vãng vị đắc dã.

Dịch.

Sửa tệ cha, nếu mà do dự,

Thời làm gì, cũng cứ bị chê.

Tượng rằng:

Sửa tệ cha, nếu mà do dự,

Dẫu làm gì, cũng cứ dở dang.

Hào Lục tứ ám chỉ một người Nhu nhược, do dự không dám sửa những lỗi lầm của người xưa để lại; nếu cứ chần chừ, để mặc cho dòng đời trôi chẩy như vậy, sẽ chuốc lấy sự xấu (Dụ= chần chờ, do dự).

 

5. Hào Lục ngũ.

六 五.      幹 父 之 蠱,用 譽。

象 曰:    幹 父 之 蠱 ﹔承 以 德 也。

Lục ngũ. Cán phụ chi cổ. Dụng dự.

Tượng viết.

Cán phụ dụng dự. Thừa dĩ đức dã.

Dịch.

Lục ngũ: Nếu vì cha sửa tệ,

Biết dùng người, âu sẽ nổi danh.

Tượng rằng: Sửa tệ cho cha,

Dùng người khéo léo, gần xa khen mình,

Dùng người phụ bật cho minh,

Ta hay, người sẽ tâm thành giúp ta.

Hào  Lục  ngũ  tuy là  Âm  Nhu  chi  tài,  một  mình không đủ sức sửa sai, sửa tệ của người xưa lưu lại, nhưng vì biết dùng hiền tài phụ bật (Hào Cửu nhị ), nên cũng chấn chỉnh được cơ đồ, như vậy cũng đáng khen, đáng trọng. 

 

6. Hào Thượng Cửu.

上 九.      不 事 王 侯,高 尚 其 事。

象 曰:    不 事 王 侯,志 可 則 也。

 Thượng Cửu. Bất sự vương hầu. Cao thượng kỳ sự.

Tượng viết.

Bất sự vương hầu. Chí khả tắc dã.

Dịch.

Hết còn thù phụng quân vương,

Việc làm cao thượng, dễ thường mấy ai.

Tượng rằng: Chẳng giúp quân vương,

Chí cao cả ấy, treo gương cho đời.

Ở trên đời, có những người không dấn thân vào vòng Cương toả, lợi danh, sống cao khiết bên lề trần tục, một lòng tu đạo lập thân, mong đạt tới tinh hoa nhân loại. Những bậc ẩn giả này, tuy không vương tục lụy, trần cấu đương thời, nhưng thật đã làm gương cho vạn thế.

 

ÁP DỤNG QUẺ CỔ VÀO THỜI ĐẠI

 Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, đó là điều mà quẻ Cổ này muốn nói. Chúng ta, những người Việt ly hương, tuy nay đời sống đã ổn định vững vàng, nhưng hỏi có mấy ai là có thể quên Quê hương, Tổ quốc ?   Tôi nghĩ chẳng có ai có thể quên được, dù là những người, vừa mới lọt lòng mẹ đã ở nơi đất khách quê người này rồi, tuy lúc còn nhỏ, họ chưa có ý niệm gì về quốc gia dân tộc, nhưng khi đã trưởng thành, thì tự nhiên trong đầu óc họ sẽ có ý niệm về gốc gác của mình, và lòng yêu quê hương sẽ nẩy nở trong lòng họ, vì quê hương là đất mẹ, là cha mẹ họ. Nếu có kẻ nào quên được quê hương, thì kẻ đó thuộc về loại vong bản, ta không cần nói đến họ làm chi.

Bà mẹ đang sống cảnh khó khăn, lo lắng, bệnh hoạn, thì đứa con yêu mẹ, tuy sống xa mẹ nó, nhưng nó có yên tâm được không?  Chắc chắn là không rồi.

Vậy chúng ta, những người dân của một nước, mà nước đó hiện nay đang vùng vẫy để ra khỏi những gì gọi là hủ hóa, tệ đoan của xã hội, để vươn lên cho kịp đà tiến hoá của nhân loaị. Chúng ta hãy gạt bỏ những gì gọi là thành kiến, là thù oán cá nhân, hãy thành khẩn bắt tay với chính quyền trong nước, hãy mang những ý kiến xây dựng của mình, những tài năng của mình- nếu có- để chung lo vá lại mảnh dư đồ đã rách.

Đọc tới đây, chắc nhiều vị đã nghĩ rằng tôi đã nói chuyện viển vông, nói chung lo, nhưng chung lo bằng cách nào?  Chưa ngồi gần đã vạch lỗi nhau, để bôi nhọ nhau, để chửi bới nhau, như vậy hỏi sao mà hợp tác được với nhau?

Nhưng theo tôi, mọi sự trên đời không có gì là khó đến nỗi không giải quyết nổi, những khó khăn như những nút thắt, nếu ta từ từ gỡ, thì chặt cách mấy cũng gỡ được.

Chúng ta đừng quá bi quan, cũng đừng quá tự phụ, hãy xét mình trước, rồi hãy bắt lỗi người sau. Nếu chúng ta có lòng thành khẩn muốn góp ý kiến, góp tài năng, góp tâm tư một cách vô vị lợi, một cách xây dựng, chúng ta cứ thành khẩn trình bầy ý kiến của chúng ta, sau khi đã suy nghĩ kỹ càng đó là những ý kiến đứng đắn, vô tư, những ý kiến xây dựng, nó có thể mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc,  mà người góp ý kiến này, chỉ vì lòng yêu nước chứ không cầu mong công danh, lợi lộc gì hết. Nhưng muốn đi tới giai đoạn trên, trước hết chúng ta phải có khối óc vô tư, không tư vị bên nào, để lối nhìn của mình không bị lệch lạc,  tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thành công. Và đây là bài thơ, lấy ý của Hào Thượng Cửu quẻ Cổ này, nói lên kết quả đời sống của người có lòng yêu quê hương một cách thành khẩn, vô vị lợi trên.

Chẳng cần thù phụng đấng quân vương,

Vượt trổi chúng nhân, sống phi thường,

Đời sống thanh cao, tâm linh sảng,

Lưu lại muôn đời, một tấm gương.

Còn chính quyền nơi đất mẹ, muốn chấn chỉnh lại cơ đồ, trước hết phải cổ súy nhân tâm, chấn hưng đạo đức, thu nạp nhân tài, nghiên cứu và ứng dụng những ý kiến hay, hai bên kết hợp thật lòng với nhau, làm sao không đi tới đích được. Ta mượn bài thơ sau để vẽ lên sự thành công đó:

Ra tay gây dựng lại cơ đồ.

Khéo dụng nhân tài mới khỏi hư.

Nếu biết dụng người, sang sửa tệ,

Rồi ra tăm tiếng sẽ lan xa.  


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30