THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30


 

6. 天 水 訟  Thiên ThỦy TỤng    

 

Tụng Tự Quái

Nhu giả ẩm thực chi đạo dã.

需 者 飲 食 之 道 也。

Ẩm thực tất hữu tụng.

飲 食 必 有 訟,

Cố thụ chi dĩ tụng

故 受 之 以 訟。

 

Tụng Tự Quái

Nhu là ẩm thực ấm no,

Uống ăn tất sẽ đôi co, tụng đình.

Cho nên quẻ Tụng tiếp sinh. . .

 

Quẻ Tụng tiếp theo quẻ Mông, và quẻ Nhu. Ý nói con người vì dốt nát (Mông), thường vì tranh nhau miếng ăn (Nhu), nên mới sinh kiện tụng. Thánh Nhân xưa nay, cốt dạy người hòa thuận cùng nhau, nên nói về Tụng, cốt để ngăn ngừa kiện tụng, nghiên cứu nguyên nhân của kiện tụng chia rẽ, cốt là để mọi người trừ diệt những nguyên nhân ấy, để vui sống cùng nhau trên cõi trần hoàn; phân tách tâm lý đủ mọi hạng người muốn kiện thưa rắc rối, để mọi người thấy rằng dẫu sang, hay hèn, dẫu mạnh, hay yếu, dẫu được, hay thua;  kiện tụng cũng không ích lợi gì.

Chữ Tụng theo tự dạng gồm 2 chữ: Ngôn = ngôn từ, Công = Công chính. Vậy kiện thưa cốt là để biện minh cho sự công chính còn đang bị khuất lấp, chứ không phải để dở dói mưu mô xảo quyệt, thủ đoạn đê hèn, hãm hại, vu khống. Nói về Tượng quẻ, ta thấy quẻ Tụng, trên thời có Kiền = Trời, dưới thì có Khảm = Nước. Trời thì cao, nước thì thấp. Trời như là thanh khí, bay lên chín tầng không; Nước như là vũ trạch, đổ xuống muôn sông biển. Đó là biểu hiệu sự gàng quải, chia phôi, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. . . Vì thế mới tạo nên sự đôi co, kiện tụng.

Xét về Đức quẻ, thì Kiền biểu dương cho sự cường dũng, nóng nẩy, táo bạo. Khảm biểu dương cho sự hiểm độc, mưu mô. 

I. Thoán.

Thoán Từ.

訟:有 孚,窒。惕 中 吉。終 凶。利 見 大 人,不 利 涉 大 川。 

Tụng. Hữu phu trất. Dịch trung cát. Chung hung. Lợi kiến đại nhân. Bất lợi thiệp đại xuyên.

Dịch.

Sự thế có khi cũng kiện thưa,

Ngay tình, oan ức, mới âu lo.

Lo lường, cẩn trọng, rồi ra tốt,

Theo mãi kiện thưa, sẽ xác sơ.

Tìm người minh chính, xử cho.

Minh quan xét xử, cơ hồ mới hay.

Kiện mà dai dẳng, dắt dây,

Như qua sông lớn, nào hay nỗi gì. 

Thoán Truyện: Thoán viết:

訟,上 剛 下 險,險 而  健 訟。訟 有 孚 窒,惕 中 吉,剛 來 而 得 中 也。終 凶﹔訟 不 可 成 也。利 見 大 人﹔尚 中 正 也。不 利 涉 大 川﹔入 于 淵 也。

 Tụng. Thượng cương hạ hiểm. Hiểm nhi kiện. Tụng. Tụng. Hữu phu trất. Dịch trung cát. Cương lai nhi đắc trung dã. Chung hung. Tụng bất khả thành dã. Lợi kiến đại nhân. Thượng trung chính dã. Bất lợi thiệp đại xuyên. Nhập vu uyên dã.

Dịch.

Tụng trên cứng, dưới thời nham hiểm.

Hiểm lại cương, nên kiện tụng sinh.

Mình ngay, oan ức sao đành,

Trong lo, vẫn có mối manh cát tường.

Đắc trung, vả lại Dương cương,

Đã ngay, lại mạnh, tai ương, nhẽ nào!

Kiện thưa, đeo đẳng hại sao.

Kiện thưa, chớ mãi đâm lao vào tròng.

Gặp người quân tử chí công,

Gặp người công chính, mới mong được lời.

Kiện liều, kiện lĩnh thời thôi,

Như giông sóng cả, như vùi vực sâu.

 

Kiện tụng là sự vạn bất đắc dĩ. Cho nên chỉ kiện khi mình có lý chính, có tình ngay (Hữu phu), mà bị oan ức, đè nén, khuất lấp (Trất). Đã lâm vào vòng kiện tụng, nên biết lo, cùng sợ (Dịch).  Nếu có thể hoà giải được, thì nên hoà giải mới hay (Trung cát). Cần phải tìm được minh quan xét xử (Lợi kiến đại nhân). Nếu mà kiện thưa liều lĩnh, để cho bọn tham quan, ô lại, thầy cò, thầy kiện có cơ bóc lột, thì thật là hiểm nguy, có khác nào vượt sông cả sóng, sa xuống vực sâu đâu? (Bất lợi thiệp đại xuyên).

Không nên theo đuổi kiện tụng đến kỳ cùng, đến nỗi đôi bên đều thân tàn, ma dại (Chung hung).

Được kiện, mười bốn quan năm,

Thua kiện, mười lăm quan chẵn.

Đó là đại ý Thoán Từ, Thoán Truyện.

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết:

 天 與 水 違 行,訟﹔君 子 以 作 事 謀 始。

Thiên dữ thủy vi hành. Tụng. Quân tử dĩ tác sự mưu thủy.

Dịch. Tượng rằng:

Trời với nước, đôi đường, đôi ngả.

Có quải gàng, nên có kiện thưa.

Đường đường, quân tử phải lo,

Việc gì , cũng phải đắn đo từ đầu.

 

Tượng Truyện dạy người quân tử phải tránh những mầm mống chia rẽ, những căn do sinh kiện tụng cho dân. Muốn tránh kiện tụng, tránh chia rẽ, ta cần phải có độ lượng bao dung, thông cảm lẫn nhau; ôn hoà trong khi giao tiếp, thận trọng trong lời ăn tiếng nói, trong khi soạn thảo khế ước, văn tự.

Tống Mẫn Công thời Chiến quốc, chỉ vì những lời nhạo báng, nói đùa, mà bị Nam Cung Trường Vạn giết.

Sở dĩ có kiện tụng, là vì có sự tranh chấp, quải gàng, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, vì mọi người không chịu thi hành bổn phận cho đứng đắn, hẳn hoi. Vì vậy, muốn tránh dân chúng kiện thưa nhau, người quân tử trước hết phải lo giáo hóa cho dân. Cha từ, con hiếu, em kính, anh nhường, bạn bè tín nghĩa, trên xử ra trên, dưới xử ra dưới; đôi đàng kính nhượng lẫn nhau; được như vậy thiên hạ mới mong an bình. Ngoài ra, phải khiến dân tuân phục mệnh vua, phép nước, và trật tự chung. Khi lập văn tự, khế ước phải làm sao cho hết sức minh bạch.  

III. Hào  Từ & Tiểu Tượng Truyện

Các Hào lại càng nêu rõ ý nghĩa không nên thưa kiện.  

1. Hào  Sơ Lục.

初 六.      不 永 所 事,小 有 言,終 吉。

象 曰:    不 永 所 事,訟 不 可 長 也。雖 有 小 言,其 辯 明 也。

Sơ Lục. Bất vĩnh sở sự. Tiểu hữu ngôn. Chung cát.

Tượng viết: 

Bất vĩnh sở sự. Tụng bất khả trường dã. Tuy tiểu hữu ngôn.

Kỳ biện minh dã.

Dịch.

Kiện thưa cũng chẳng đến đâu,

Đôi co chút đỉnh, rồi sau cũng lành.

Tượng rằng:

Kiện thưa cũng chẳng đến đâu,

Sức mình mấy nả, mà cầu kiện dai?

Chẳng thà cãi vã đôi nhời,

Cốt là minh biện phải, sai rõ rành.

Hào  Sơ Lục, Âm nhu, tức là những người tài thô, trí thiển, lại ở địa vị hèn kém, nếu có bị người trên đè nén (Hào tứ), thì bất quá nên phản đối, nên tranh biện cho vỡ lẽ trái phải, cho hả lòng, hả dạ, còn hơn là bầy ra kiện tụng lôi thôi. 

2. Hào  Cửu nhị.

九 二.      不 克 訟,歸 而 逋,其 邑 人 三 百 戶,無 眚。

象 曰:    不 克 訟,歸 而 逋 也。自 下 訟 上,患 至 掇 也。 

Cửu nhị. Bất khắc tụng. Qui nhi bô. Kỳ ấp nhân tam bách bộ. Vô sảnh.

Tượng viết: 

Bất  khắc  tụng qui  bô thoán dã. Tự hạ tụng thượng. Hoạn chí truyết dã.

Dịch.

Cửu nhị kiện, liệu bề chẳng thắng,

Thời nên về qui ẩn là hơn.

Ấp ba trăm nóc lui chân,

Tránh điều hoạ hại, sớm hôm an lành.

Tượng rằng:

Kiện không nổi, lui về ẩn lánh,

Dưới dễ đâu ngang ngạnh với trên.

Nhỏ mà kiện lớn, thua liền,

Nạn tai rõ thật tự nhiên chiêu vời.

Hào Cửu nhị, là người có tài đức, có địa vị, nhưng lại phải đối đầu với những đối thủ uy tín, quyền thế hơn mình nhiều. Như vậy chỉ còn có cách tránh xa thù địch của mình. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Y thức như Thừa Tướng Thương Dung, đã qui ẩn để tránh vua Trụ, hoặc Bái Công đã nhẫn nhục, chịu đầy ải mình vào Hán Trung để tránh hoạ Sở Vương. 

 

3. Hào  Lục tam.

六 三.      食 舊 德,貞 厲,終 吉,或 從 王 事,無 成。

象 曰:    食 舊 德,從 上 吉 也。 

Lục tam. Thực cựu đức. Trinh. Lệ chung cát.

Hoặc tòng vương sự. Vô thành.

Tượng viết: 

Thực cựu đức. Tòng thượng cát dã.

Dịch.  

Lục tam:  phải sống nhờ phúc ấm,

Phải e dè, cẩn thận, trước sau.

Thủ thường, mới khỏi cơ cầu,

Việc vua gánh vác, chớ cầu công lênh.

Tượng rằng:

Phúc nhà dựa dẫm qua ngày,

Người trên đừng cưỡng, mới hay, mới toàn.

 

Hào Lục tam, là những người kém tài, và địa vị cũng chẳng ra chi, ngó lên, ngó xuống đều chỉ thấy những người có bản tính như Cửu nhị, Cửu tứ, Thượng Cửu. Như vậy, tốt hơn hết là phải biết lượng sức mình, lại cũng phải hết sức gia ý đề phòng, an phận thủ thường, đừng có dở dói chi cho thêm mệt. Hãy tỏ ra biết phục tòng, biết hòa hoãn với người trên, như vậy mới hay. Nếu có cùng người thi hành công vụ gì, thì cũng đừng nên tranh công với người, kẻo mang họa. Đó là đường lối của Bái Công đã theo để khỏi bị Hạng Vương hãm hại. Tuy Bái Công đã chiếm được Hàm Dương, đã cầm tù được vua nhà Tần là Tần Tam Thế, Tử Anh, lại cũng lấy được cả ngọc tỉ. Hơn thế nữa, theo đúng như lời giao ước lúc xuất quân, thì hễ ai vào đất Quang Trung trước, thì làm vua;  thế mà lúc Hạng Võ kéo đại binh tới, Bái Công tự xét thấy mình chưa đủ sức cầm cự, nên đã mở cửa dâng thành, nộp Tần Vương, nộp ngọc tỉ cho Hạng Võ, coi mình như bầy tôi dưới trướng Hạng Võ, rồi bằng lòng để cho Hạng võ đầy ải vào Hán Trung.  Nhìn vào quẻ Tụng, thì Bái Công chính là Hào Lục tam, mà Hạng Võ tức là Hào Thượng Cửu. Thế mới hay, khôn cũng chết, dại cũng chết, mà chỉ có biết là sống. Biết là biết khi đáng tiến, thời tiến; khi đáng thoái, thời thoái;  khi đáng cương, thời cương; khi đáng nhu, thời nhu,  Biết thời Tồn, không biết thời Vong, là như vậy. 

 

4. Hào Cửu tứ.

九 四.      不 克 訟,復 自 命,渝 安 貞,吉。

象 曰:    復 即 命,渝 安 貞﹔不 失 也。  

Cửu tứ. Bất khắc tụng. Phục tức mệnh. Du an trinh. Cát.

Tượng viết: 

Phục tức mệnh. Du an trinh. Bất thất dã.

Dịch.

Cửu tứ: rồi ra kiện chẳng xong,

Quay về nghĩa lý đổi thay lòng,

Thay lòng, quyết sống theo đường chính,

Đường chính giữ bền, có tốt không?

Tượng rằng:

Đã đổi được lòng theo chính lý,

Rồi ra nào có mất chi đâu?

 

Hào Cửu tứ tuy là người cương táo, giỏi giang, nhưng lại bất trung, bất chính, nên chính là hạng người ưa sinh sự. Nhưng muốn sinh sự, mà không sinh sự được với ai. Ngũ ở trên, thời là người quá quyền thế. Lục tam ở cạnh, thì lại là người khéo cư xử. Sơ Lục ở dưới, ứng với mình, cũng như là những người bề dưới mình, và cũng không dám tranh tụng với mình. Nếu Tứ mà kiện Sơ, sinh sự với Sơ, thời tức là mạnh hiếp yếu, người trên cậy quyền hà hiếp kẻ dưới, có gì là hay đâu?  Vì vậy Tứ bỏ ý định kiện tụng, mà vui lòng ăn ở theo đúng nghĩa lý. Như vậy mới hay. 

 

5.  Hào Cửu ngũ.

九 五.    訟 元 吉。

象 曰:  訟 元 吉,以 中 正 也。 

 Cửu ngũ. Tụng nguyên cát.

Tượng viết:  

Tụng nguyên cát. Dĩ trung chính dã.

Dịch.

Cửu ngũ: kiện thưa xuôi xắn tốt.

Tượng rằng: Thưa kiện êm xuôi.

Vì người phân xử là người chính trung.

 

Cửu ngũ là chủ Hào, là vị phán quan công minh, xét xử cho đời, chẳng khác gì như Bao Công, hay Thi Công thuở trước. Tụng đình thì có muôn ngàn chuyện. Nhưng nguyên tắc chi phối công việc xét xử của một vị minh quan, thì chỉ nằm vẻn vẹn trong hai chữ Trung, Chính. Trung để không thiên vị ai. Chính  để lấy công lý mà phân xử  để  mọi  người  khỏi oan ức, khỏi bị hà hiếp, bóc lột, vu xử để mọi người khỏi oan ức, khỏi bị hà hiếp, bóc lột, vu khống. Được như vậy, còn gì là hay hơn. 

 

6. Hào Thượng Cửu.

上 九.      或 錫 之 鞶 帶,終 朝 三 褫 之。

象曰:     以 訟 受 服,亦 不 足 敬 也。  

 

Thượng Cửu. Hoặc tích chi bàn đới. Chung triêu tam trị chi.

Tượng viết: 

Dĩ tụng thụ phục. Diệc bất túc kính dã

Dịch.

Thượng Cửu: Dẫu rằng được thưởng đai,

Thưởng rồi một sáng, lột ba hồi.

Tượng rằng: Nhờ kiện được đai,

Thì đâu có đủ cho người kính tôn.

 

Thượng Cửu, Dương cương nhưng lại bất trung, bất chính, tức là một người ngông nghênh, cậy quyền, cậy thế, thích kiện tụng. Nhưng giả sử họ có được kiện đi chăng nữa, có được lợi lộc vì những vụ kiện thưa đi chăng nữa, rút cuộc họ có giữ được cái hư danh, cái hoạnh tài ấy được mãi không? Hay được hôm nay, thì mất ngày mai. Danh lợi đến như mây, thì lại bay đi như khói.

Tóm lại, đọc quẻ Tụng, mới thấy rõ vi ý của cổ nhân là không muốn cho tham quan, ô lại, lợi dụng, đục khoét dân, là muốn cho mọi người thương yêu nhau, không  đè nén nhau, lập kế hãm hại  nhau, rồi đưa nhau đến cửa quan, để cho tham quan, ô lại lợi dụng, bóc lột..

Người xưa nói:

Tiền vào cửa quan, như than vào lò.

Hay:

Tới huyện nha, là nhà anh cháy.

Thật là chí lý vậy.

 

ÁP DỤNG QUẺ TỤNG VÀO THỜI ĐẠI

Trong xã hội loài người, phát sinh ra kiện tụng, là do nhiều nguyên nhân:

1. Người trên nóng nẩy, cậy quyền, cậy thế, hiếp đáp người dưới. Hoặc người dưới tìm mưu mô quỉ quyệt, lừa bịp, hãm hại người trên, thì sẽ đem lại bất hòa, và có ngày sẽ kiện tụng nhau.

2. Hai người ngang nhau, nhưng một người nóng nẩy, táo tợn;  một người hống hách, hiểm độc, gian ngoan, hay vu khống bừa bãi, gặp nhau, ắt sẽ sinh kiện tụng.

3. Còn ở nơi những người lòng thì không hiền, tính thời nóng nẩy, táo bạo, thích gây gổ, sinh sự, sẽ hay đưa đến tụng đình.

4. Kiện tụng nẩy sinh là vì một trong hai bên tham tâm chiếm đoạt, lừa đảo bên kia, là vì lúc cộng tác nể nang, tin nhau, không làm khế ước chặt chẽ, minh bạch. 

Ở thời đại ngày nay, hôn nhân không bền vững, vì vợ chồng không còn nhường nhịn, chịu đựng nhau như ngày xưa, nên họ rất dễ dàng ly dị nhau, và đưa nhau ra tụng đình về vấn đề chia nhau gia sản. Vì người đàn bà ngày nay, phần lớn là đi làm, kiếm tiền ngang với chồng, khi ly dị lại lãnh phần nuôi con, nên họ đòi chia gia sản đồng đều còn đúng, nhưng còn có những người đàn bà, chỉ sống ỷ lại vào người chồng, không chịu đi làm, họ lợi dụng được luật pháp bảo vệ, đòi phân chia tài sản đồng đều, hoặc xin toà bắt người chồng phải nuôi họ suốt đời. Những sự vô lý đó, người chồng đâu có chịu, do đó vụ kiện cứ kéo dài, và hai vợ chồng cứ è cổ ra mà trả tiền Luật sư, rốt cuộc cả 2 đều thân tàn, ma dại. Có nhiều người chồng không chịu nổi sự tham lam của vợ mình, đã xin thôi sở làm và trốn sang tiểu bang khác, vì không chịu nổi cảnh đã bị vợ bỏ, mà còn bị vợ và Luật sư bóc lột tận xương tủy. Nhưng cũng có cặp  khôn ngoan hơn, vì được người vợ hiểu biết hơn, họ điều đình trong sự thuận thảo, do đó mọi sự êm đẹp hơn, khỏi hao tốn tiền bạc, và cả hai được thoải mái hơn.

Nói cho cùng, thì dẫu có được kiện. cũng chẳng có ra gì. Được kiện thì mất nhân tâm, mất nhân nghĩa, chuốc lấy oán thù, tự trói buộc mình vào trăm ngàn dây oan nghiệt.

Tóm lại, dù ở thời đại nào, cũng không nên kiện tụng. Muốn được vậy, mọi người phải bao dung, hòa mục, nhường nhịn nhau, tôn trọng quyền lợi. của nhau, tôn trọng trật tự chung. Đừng nên khinh xuất khi ăn nói, thận trọng khi thảo văn từ, để tránh cảnh Bút sa gà chết.

Ca dao, tục ngữ có những câu khuyên dân không nên bước vào vòng kiện tụng. Ví dụ:

Được kiện, mười bốn quan năm,

Thua kiện mười lăm quan chẵn.

hoặc

Nghe lời ông đề, ruộng bề bề bán hết v v . . .

Cụ Nguyễn Du cũng có câu:

Lạ gì những thói sai nha,

Làm cho khốc hại, chẳng qua vì tiền. 


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14 

15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30