» mục lục                                                       PHẦN II - BÌNH DỊCH

CHƯƠNG 1 - THƯỢNG THANH

CHƯƠNG 2 - THƯỢNG HỮU

CHƯƠNG 3 - KHẨU VI

CHƯƠNG 4 - HUỲNH ĐÌNH

CHƯƠNG 5 - TRUNG TRÌ

CHƯƠNG 6 - THIÊN TRUNG

CHƯƠNG 7 - CHÍ ĐẠO

CHƯƠNG 8 - TÂM THẦN

CHƯƠNG 9 - PHẾ BỘ

CHƯƠNG 10 - TÂM BỘ

CHƯƠNG 11 - CAN BỘ

CHƯƠNG 12 - THẬN BỘ

CHƯƠNG 13 - TỲ BỘ

CHƯƠNG 14 - ĐẢM BỘ

CHƯƠNG 15 - TỲ TRƯỜNG

CHƯƠNG 16 - THƯỢNG ĐỔ

CHƯƠNG 17 - LINH ĐÀI

CHƯƠNG 18 - TAM QUAN

CHƯƠNG 19 - NHƯỢC ĐẮC

CHƯƠNG 20 - HÔ HẤP

CHƯƠNG 21 - QUỲNH THẤT

CHƯƠNG 22 - THƯỜNG NIỆM

CHƯƠNG 23 - TRỊ SINH

CHƯƠNG 24 - ẨN ẢNH

CHƯƠNG 25 - NGŨ HÀNH

CHƯƠNG 26 - CAO BÔN

CHƯƠNG 27 - HUYỀN NGUYÊN

CHƯƠNG 28 - TIÊN NHÂN

CHƯƠNG 29 - TỬ THANH

CHƯƠNG 30 - BÁCH CỐC

CHƯƠNG 31 - TÂM ĐIỂN

CHƯƠNG 32 - KINH LỊCH

CHƯƠNG 33 - CAN KHÍ

CHƯƠNG 34 - PHẾ CHI

CHƯƠNG 35 - ẨN TÀNG

CHƯƠNG 36 - MỘC DỤC

CHƯƠNG 19

NHƯỢC ĐẮC

若 得

 

A. KINH VĂN

1. Nhược đắc tam cung tồn Huyền đan,

若 得 三 宮 存 玄 丹

2. Thái nhất, Lưu châu an Côn lôn.

太 一 流 珠 安 崑 崙

3. Trùng trùng lâu các thập nhị hoàn,

重 重 樓 閣 十 二 環

4. Tự cao, tự hạ giai chân nhân,

自 高 自 下 皆 真 人

5. Ngọc đường giáng vũ, tận huyền cung.

玉 堂 絳 宇 盡 玄 宮

6. Tuyền ki, Ngọc hành sắc lan can.

璇 璣 玉 衡 色 蘭 玕

7. Chiêm vọng đồng tử, tọa bàn hoàn,

瞻 望 童 子 坐 盤 桓

8. Vấn thùy gia tử tại ngã thân,

問 誰 家 子 在 我 身

9. Thử nhân hà khứ, nhập Nê Hoàn.

此 人 何 去 入 泥 丸

10. Thiên thiên, bách bách tự tương liên,

千 千 百 百 自 相 連

11. Nhất nhất, thập thập tự trùng sơn.

一 一 十 十 似 重 山

12. Vân nghi, Ngọc hoa hiệp nhĩ môn,

雲 儀 玉 華 俠 耳 門

13. Xích đế, Hoàng lão dữ kỷ hồn,

赤 帝 黃 老 與 己 魂

14. Tam chân phù tư cộng phòng tân,

三 真 扶 胥 共 房 津

15. Ngũ đẩu hoán minh, thị Thất nguyên.

五 斗 煥 明 是 七 元

16. Nhật nguyệt phi hành lục hợp gian.

日 月 飛 行 六 合 間

17. Đế hương thiên trung địa hộ đoan,

帝 鄉 天 中 地 戶 端

18. Diện bộ hồn thần giai tương tồn.

面 部 魂 神 皆 相 存

B. LƯỢC DỊCH

Nếu được Tam cung tồn Huyền đơn,

Thái ất, Lưu Châu an Côn Lôn,

Lầu các trập trùng, thập nhị hoàn,

Từ cao xuống thấp, toàn chân nhân.

Ngọc đường, giáng vụ, đều huyền cung,

Bắc đẩu bảy vì chiếu linh lung.

Nhìn tỏ Đồng tử ngồi an nhiên,

Thân ta ướm hỏi kìa ai ở,

Người đó làm sao vào Nê Hoàn.

Trăm ngàn thần tiên tự tương liên,

Xếp hàng cao thấp như núi non.

Vân Nghi, Ngọc Hoa phù trì bên,

Xích đế Hoàng lão với ngã Hồn,

Ba ngôi hợp một tại Phòng tân,

Ngũ tinh, bắc đẩu soi linh môn,

Nhật nguyệt muôn phương tỏa hào quang,

Đế hương, Thiên đình tại mi gian,

Toàn bộ thần mặt đầu tương tồn.

C. CHÚ THÍCH

Câu 1. Nhược đắc tam cung tồn Huyền đan.

若 得 三 宮 存 玄 丹

Tam cung 三 宮: (1) Tam đan điền (Vụ Thành Tử); (2) Huyền đan 玄 丹, Lưu châu 流 珠, Thái nhất 太 一 (Ba cung này đều ở trong đầu não con người, tức là 3 trong 9 cung của Nê Hoàn.

Câu 2. Thái nhất, Lưu châu an Côn lôn.

太 一 流 珠 安 崑 崙

Côn lôn 崑 崙: (1) Đầu não con người (Vụ Thành Tử); (2) Nơi cao nhất trong óc (Tử Hà).

Lưu châu ở phía trước Côn lôn, có Thái Dương chiếu, hóa tận quần âm. Thái nhất ở phía sau Côn Lôn, có đức Cứu Khổ Thiên Tôn giải trừ chư ách. Huyền đơn ở phía trên Côn lôn, không thanh, tuyệt trần ai.

Câu 3. Trùng trùng lâu các thập nhị hoàn.

重 重 樓 閣 十 二 環

Vụ Thành Tử cho rằng đây ám chỉ Hầu lung (cuống họng) với 12 tiết đoạn.

Huỳnh Đình Ngoại Cảnh cũng viết: Giáng cung trùng lâu thập nhị hoàn (hay thập nhị cấp) (Xem Ngoại Cảnh chương 7). Tử Hà cho rằng đây chỉ là những Kim lâu, bửu các trên các cung, hay trên Tam cung nói trên.

Câu 4. Tự cao tự hạ giai Chân nhân.

自 高 自 下 皆 真 人

Trên dưới đều là Chân thần.

Câu 5. Ngọc đường, giáng vũ, tận Huyền cung.

玉 堂 絳 宇 盡 玄 宮

Vụ Thành Tử cho rằng đây nói về Giáng cung 絳 宮, Minh đường 明 堂. Tử Hà vẫn cho rằng đó là những ngọc đường, giáng vũ nơi các cung trên đầu.

Câu 6. Tuyền ki, Ngọc hành sắc lan can.

璇 璣 玉 衡 色 蘭 玕

- Vụ Thành Tử giải đó là cuống họng. (Tuyền ki, ngọc hành). Lan can 蘭 玕: Màu sắc của cuống họng.

- Tử Hà giải Tuyền ki là 4 ngôi sao Khôi tinh hợp thành hình chữ nhật nơi chòm sao Bắc đẩu. Ngọc hành là ba sao Tiêu tinh hợp thành chuôi sao Bắc đẩu. Lan can: Xán lạn như Bạch ngọc.

Côn lôn là nơi thần tiên đô hội, ở đỉnh Côn lôn thấy Bắc đẩu sáng soi, có thể lấy tay mà hái được…

Câu 7. Chiêm vọng đồng tử tọa bàn hoàn.

瞻 望 童 子 坐 盤 桓

Đồng tử 童 子 đây là Nhất , là thần Tử đan 子 丹, hay Xích Thành đồng tử 赤 城 童 子 hay Đan Hoàng chân nhân 丹 皇 真 人.

Bàn hoàn 盤 桓: An nhiên tự tại.

Câu 8. Vấn thùy gia tử tại ngã thân.

問 誰 家 子 在 我 身

Nơi đây, tác giả trực giác thấy thần trời đất ngự trong thân mình.

Câu 9. Thử nhân hà khứ nhập Nê Hoàn.

此 人 何 去 入 泥 丸

Tác giả xác minh thêm rằng thần trời đất ngự tại trung tâm đầu não mình.

Câu 10 - 11. Thiên thiên, bách bách tự tương liên, Nhất nhất, thập thập tự trùng sơn.

千 千 百 百 自 相 連, 一 一 十 十 似 重 山

Thần trời đất ở đâu thì chư thần theo chầu đó.

Câu 12. Vân nghi, Ngọc hoa hiệp nhĩ môn.

雲 儀 玉 華 俠 耳 門

Vân nghi Ngọc hoa: Tử Hà cho là hai vị thần.

Vụ Thành Tử giải vân nghi, ngọc hoa là tóc.

Câu 13. Xích đế, Hoàng Lão dữ kỷ hồn.

赤 帝 黃 老 與 己 魂

Tử Hà giải Xích đế, Hoàng Lão là Chân tâm, Chân ý.

Câu 14. Tam chân phù tư cộng phòng tân.

三 真 扶 胥 共 房 津

Tam chân 三 真: Xích đế 赤 帝, Hoàng Lão 黃 老, kỷ hồn 己 魂 (ngã hồn).

Phù tư 扶 胥: Giúp đỡ nhau, cộng tác với nhau.

Cộng phòng tân 共 房 津: Ở chung nơi Tủy hải. Xoang trống giữa óc cũng được gọi là tủy hải.

Câu 15. Ngũ đẩu hoán minh, thị Thất nguyên.

五 斗 煥 明 是 七 元

Ngũ đẩu 五 斗: Ngũ tinh.

Thất nguyên七 元: Bắc đẩu.

Câu 16. Nhật nguyệt phi hành lục hợp gian.

日 月 飛 行 六 合 間

Lục hợp 六 合: Sáu phương (tứ phương và thượng hạ).

Câu 17. Đế hương thiên trung địa hộ đoan.

帝 鄉 天 中 地 戶 端

Đế hương 帝 鄉: Đế hương ở nơi trán.

Thiên đình 天 庭 hay thiên trung 天 中 cũng ở giữa trán.

Địa hộ 地 戶: Mũi là địa hộ ở thương bộ. Cho nên đầu sống mũi là Thiên trung.

Câu 18. Diện bộ hồn thần giai tương tồn.

面 部 魂 神 皆 相 存

Đây là nói về chư thần nơi bộ mặt. Các thần mặt đều tương ứng với nhau.

D. BÌNH GIẢNG

Tồn thần, trú khí, hoàn tinh được về Côn lôn đỉnh tức là đem được Huyền đan về tam cung, đem được Thái nhất, Lưu châu an vào Côn lôn. Lúc ấy sẽ thấy Chân thần hiện ra trong đầu não… (Các câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7). Chân thần hay Nguyên thần hết sức là linh động, hết sức là biến hoá, có lẽ vì thế mà người xưa thường sánh nó với Lưu châu, hay Thủy ngân là cái gì trôi chảy nhất, hay sánh nó với con «tẩu lộc» 走 鹿 (cervus fugitivus) là cái gì khó bắt, khó cầm nhất, thế mà nay làm cho nó ngưng tụ lại được ở nơi tâm điền thực là cả một kỳ công.

Câu «Vấn thùy gia tử tại ngã thân, thử nhân hà xứ nhập Nê Hoàn» 問 誰 家 子 在 我 身, 此 人 何 處 入 泥 丸 cho ta thấy được rằng tác giả Huỳnh Đình đã thấy Thần trời đất hiện ra trong tâm khảm tác giả. (Các câu 8, 9).

Tới giai đoạn đắc đạo, các nhà huyền học đông tây đều chứng nghiệm được vậy:

Bà Evelyn Underhill tác giả quyển Mysticism, đã viết về thánh Thérèse d’Avila như sau: «Trong thẩm cung tâm hồn, trong cái “thái uyên vô để» ấy, nơi mà tiểu ngã trở nên vô nghĩa, nơi mà con người đạt tới đời sống của Toàn thể vô biên, mọi sự phân biệt đều tan biến, và bà thánh Thérèse thấy Thượng đế ở một điểm.» [1] Bà Thérèse d’Avila còn viết: «Thoạt tiên, tôi nhận định được rằng trước đây tôi đã không biết rằng Thượng đế ở trong mọi sự, và khi thấy Chúa có vẻ như ở gần tôi, tôi cho là một điều phi lý, không thể xảy ra. Mà tôi cũng không thể nào không tin rằng Ngài hiện diện nơi tôi, vì tôi cảm thấy ngài rõ ràng quá. Có những người dốt nát đã nói với tôi rằng Chúa chỉ có thể hiện diện bằng ân sủng Ngài mà thôi. Tôi thì không sao mà tin như thế được, cho nên tôi rất khổ sở. Sau có một Cha dòng Đa Minh, thông thái, đã giải tỏa được sự nghi ngờ của tôi, vì Ngài nói với tôi rằng Chúa thực sự hiện diện, và giảng cho biết cung cách Chúa hòa hài với con người. Điều đó làm cho tôi hết sức sung sướng…» [2]

Các câu 12, 13, 14, 15 chương này làm ta liên tưởng đến sự hòa hài, đến sự huyền đồng, hợp nhất với Trời (union mystique avec Dieu) mà các sách huyền học Đông, Tây thường đề cập.

Hai chữ Động Phòng (Chambre nuptiale, thalamus) mà lạ lùng thay, Á Đông nói trong đầu có Động Phòng, thì Âu Châu nói trong đầu có Thalamus, mà Thalamus cũng lại là Động Phòng hai chữ Động phòng của Huỳnh Đình đã chứng minh được rằng từ xưa, nhân loại vốn tin rằng Thiên tâm, Nhân tâm có thể hòa hài, Trời người có thể kết hợp, mà địa điểm kết hợp là nơi Động Phòng, tức là ở ngay trong đầu não con người…

Huỳnh Đình kinh nói: «Vấn thùy gia tử tại ngã thân, thử nhân hà xứ nhập Nê Hoàn.» 問 誰 家 子 在 我 身, 此 人 何 處 入 泥 丸 thì Tào văn Dật 曹 文 逸 cũng đã viết trong bài Đại Đạo Ca 大 道 歌 rằng:

Tá vấn Chân Nhân hà xứ lai,                          借 問 真 人 何 處 來

Tòng tiền nguyên chỉ tại Linh đài.                   從 前 原 只 在 靈 臺

Tích niên vân vụ, thâm già tế.                         昔 年 雲 霧 深 遮 蔽

Kim nhật tương phùng đạo nhãn khai…[3]  今 日 相 逢 道 眼 開

Dịch:

Ướm hỏi Chân nhân hà xứ lai,

Trước sau vốn ngự tại Linh Đài,

Năm xưa vần vụ che lấp kín,

Nay mới tương phùng Đạo nhãn khai…

Nơi đây ta lại thấy đề cập: Nhật nguyệt 日 月, Tuyền ki 璇 璣, Ngọc hành 玉 衡 (Bắc đẩu 北 斗), Ngũ đẩu 五 斗 (Ngũ tinh 五 星), Thất nguyên 七 元 (Bắc đẩu 北 斗).

Mới hay đầu não con người là cả một bầu trời: Trong đầu não con người chẳng những có thiên cung, thiên môn, thiên đình, đế hương, có đủ kim môn, ngọc điện mà còn có đủ chư thần, có đủ nhật nguyệt tinh cầu. Thảo nào mà Ngoại Cảnh (chương 6) nói: «Tử dục bất tử tu Côn Lôn» 子 欲 不 死 修 崑 崙, thảo nào mà Nội Cảnh (chương 7) nói: «Đãn tư nhất bộ thọ vô cùng.» 但 思 一 部 壽 無 窮.

Nhất bộ 一 部 đây là chư thần nơi đầu mặt… (Các câu 13, 14, 15, 16, 17, 18).

Huỳnh Đình cho ta biết đâu là Đế hương 帝 鄉, đâu là Thiên đình 天 庭... Thiên đình, Đế hương chính là Nê hoàn cung 泥 丸 宮 (Câu 17).

Bát tiên quá hải


[1] Evelyn Underhill, Mysticism, tr. 131: «In the deepest recess of her Spirit, in that unplumbed abyss where selfhood ceases to have meaning, and the individual touches the life of the All, distinction vanished and she ‘saw God in a point’.»

[2] Evelyn Underhill, Mysticism, tr. 291-292: «In the beginning it happened to me that I was ignorant of one thing: I did not know that God was in all things; and when He seemed to me to be so near, I thought it impossible. Not to believe that He was present was not in my power, for it seemed to me, as it were, evident that I felt there His very presence. Some unlearned men used to say to me, that He was present only by his grace. I could not believe that, because as I am saying, He seemed to me to the present Himself: so I was distressed. A most learned man, of the Order of the glorious Patriarch St. Dominic, delivered me from this doubt; for he told me that He was present, and how He communed with us: this was a great comfort to me.»

[3] Doãn Chân nhân, Tính Mệnh Khuê Chỉ, quyển Hanh, tr. 11a.