» mục lục                                                       PHẦN II - BÌNH DỊCH

CHƯƠNG 1 - THƯỢNG THANH

CHƯƠNG 2 - THƯỢNG HỮU

CHƯƠNG 3 - KHẨU VI

CHƯƠNG 4 - HUỲNH ĐÌNH

CHƯƠNG 5 - TRUNG TRÌ

CHƯƠNG 6 - THIÊN TRUNG

CHƯƠNG 7 - CHÍ ĐẠO

CHƯƠNG 8 - TÂM THẦN

CHƯƠNG 9 - PHẾ BỘ

CHƯƠNG 10 - TÂM BỘ

CHƯƠNG 11 - CAN BỘ

CHƯƠNG 12 - THẬN BỘ

CHƯƠNG 13 - TỲ BỘ

CHƯƠNG 14 - ĐẢM BỘ

CHƯƠNG 15 - TỲ TRƯỜNG

CHƯƠNG 16 - THƯỢNG ĐỔ

CHƯƠNG 17 - LINH ĐÀI

CHƯƠNG 18 - TAM QUAN

CHƯƠNG 19 - NHƯỢC ĐẮC

CHƯƠNG 20 - HÔ HẤP

CHƯƠNG 21 - QUỲNH THẤT

CHƯƠNG 22 - THƯỜNG NIỆM

CHƯƠNG 23 - TRỊ SINH

CHƯƠNG 24 - ẨN ẢNH

CHƯƠNG 25 - NGŨ HÀNH

CHƯƠNG 26 - CAO BÔN

CHƯƠNG 27 - HUYỀN NGUYÊN

CHƯƠNG 28 - TIÊN NHÂN

CHƯƠNG 29 - TỬ THANH

CHƯƠNG 30 - BÁCH CỐC

CHƯƠNG 31 - TÂM ĐIỂN

CHƯƠNG 32 - KINH LỊCH

CHƯƠNG 33 - CAN KHÍ

CHƯƠNG 34 - PHẾ CHI

CHƯƠNG 35 - ẨN TÀNG

CHƯƠNG 36 - MỘC DỤC

CHƯƠNG 24

ẨN ẢNH

隱 影

 

A. KINH VĂN

1. Ẩn ảnh diệt hình dữ thế thù,

隱 影 滅 形 與 世 殊

2. Hàm khí dưỡng tinh khẩu như chu,

含 氣 養 精 口 如 朱

3. Đới chấp tính mệnh thủ hư vô,

帶 執 性 命 守 虛 無

4. Danh nhập Thượng Thanh tử lục trừ,

名 入 上 清 死 錄 除

5. Tam thần chi lạc do ẩn cư,

三 神 之 樂 由 隱 居

6. Thúc hốt du ngao vô di ưu,

倏 欻 遊 遨 無 遺 憂

7. Vũ phục nhất chỉnh bát phong khu,

羽 服 一 整 八 風 驅

8. Khống giá tam tố thừa thần hà,

控 駕 三 素 乘 晨 霞

9. Kim liễn chính lập tòng ngọc dư,

金 輦 正 立 從 玉 輿

10. Hà bất đăng sơn tụng ngã thư,

何 不 登 山 誦 我 書

11. Uất uất yểu điệu Chân nhân khư,

鬱 鬱 窈 窕 真 人 墟

12. Nhập sơn hà nan, cố trù trừ,

入 山 何 難 故 躊 躇

13. Nhân gian phân phân xú như như …

人 間 紛 紛 臭 帤 如

B. LƯỢC DỊCH

Thao quang ẩn tích, khác với người,

Dưỡng khí, hàm tinh, mặt sáng ngời.

Thành toàn tính mệnh, giữ Hư vô,

Tâm ghi tiên tịch, tử sinh lìa.

Tâm thần linh sảng, nhờ ẩn cư,

Ngao du trời đất lòng phơi phới,

Như mọc cánh tiên, thượng giới du,

Cưỡi gió, nương mây, tùy sở thích,

Kim xa, ngọc liễn sẵn sàng chờ,

Sao không lên núi, tụng Ngọc thư,

Quang cảnh u nhàn, chân nhân cư,

Nhập sơn không khó, sao chần chừ,

Thế tục xông hôi, mùi vải thô …

C. CHÚ THÍCH

Câu 1. Ẩn ảnh diệt hình dữ thế thù.

隱 影 滅 形 與 世 殊

Bản Tử Hà: Ẩn cảnh tàng hình dữ thế thù.

隱 景 藏 形 與 世 殊

Ẩn ảnh diệt hình 隱 影 滅 形: thao quang ẩn tích 韜 光 隱 跡.[1]

Thù : khác. Dữ thế thù 與 世 殊: khác với đời.

Câu 2. Hàm khí dưỡng tinh khẩu như chu.

含 氣 養 精 口 如 朱

Khẩu như chu 口 如 朱: Môi đỏ như son.

Câu 3. Đới chấp tính mệnh, thủ Hư vô.

帶 執 性 命 守 虛 無

Đới chấp tính mệnh 帶 執 性 命: Đới: Gần. Chấp: Cầm. Đới chấp: Chắt chiu, tu luyện.

Tính : Thần. Mệnh : Hình.

Thủ Hư vô 守 虛 無: Hư tĩnh 虛 靜, điềm đạm 恬 淡, tịch mịch vô vi 寂 寞 無 為 (Vụ Thành tử chú).

Câu 4. Danh nhập Thượng Thanh, tử lục trừ.

名 入 上 清 死 錄 除

Danh nhập Thượng Thanh 名 入 上 清: Danh được ghi vào tiên tịch. Tử lục trừ 死 錄 除: Xóa tên khỏi sổ tử.

Câu 5. Tam Thần chi lạc do ẩn cư.

三 神 之 樂 由 隱 居

Tam Thần 三 神: Thần của ba đan điền. Lạc : Vui.[2]

Câu 6. Thốc hốt du ngao, vô di ưu.

倏 欻 遊 遨 無 遺 憂

Thốc hốt 倏 欻: Mau lẹ (tật phát 疾 發). Có người giải thốc hốt là tên một loại rồng.

Du ngao 遊 遨: Rong chơi.

Vô di ưu 無 遺 憂: Không để sót lại sự ưu sầu.

Câu 7. Vũ phục nhất chỉnh bát phong khu.

羽 服 一 整 八 風 驅

Vũ phục 羽 服: Phẩm phục của tiên.[3]

Nhất chỉnh 一 整: Một khi đã tề chỉnh. Bản Tử Hà: Nhất chẩn.

Bát phong khu 八 風 驅: Gió của tám phương sẽ quét dọn đường cho ta đi (bát phương chi phong, tiên khu, tảo lộ dã 八 方 之 風, 仙 驅, 掃 路 也).

Câu 8. Khống giá tam tố, thừa thần hà.

控 駕 三 素 乘 晨 霞

Khống giá tam tố 控 駕 三 素: Cưỡi làn khí nhẹ.

Thừa thần hà 乘 晨 霞: Cưỡi áng mây buổi sáng.

Câu 9. Kim liễn, chính lập tòng ngọc dư.

金 輦 正 立 從 玉 輿

Thần tiên cưỡi xe vàng kiệu ngọc đi chơi.

Câu 10. Hà bất đăng sơn tụng ngã thư.

何 不 登 山 誦 我 書

Tại sao không lên núi tụng Huỳnh đình.

Câu 11. Uất uất yểu điệu chân nhân khư.

鬱 鬱 窈 窕 真 人 墟

Bản Tử Hà: Uất uất, yểu yểu chân nhân khư.

鬱 鬱 窈 窈 真 人 墟

Uất uất yểu điệu 鬱 鬱 窈 窕: U tịch; đẹp đẽ.

Khư : Đồi núi, vực.

Câu 13. Nhập sơn hà nan cố trù trừ.

入 山 何 難 故 躊 躇

Vào núi có khó chi sao còn ngần ngừ.

Câu 14. Nhân gian phân phân xú như như.

人 間 紛 紛 臭 帤 如

Bản Tử Hà: Nhân gian phân phân xú như noa.

Nhân gian phân phân 人 間 紛 紛: Thế gian rắc rối, không thể ở được (nhân gian thế bất khả cư 人 間 世 不 可 居).

Xú như như 臭 帤 如: Hôi như mùi vải lụa thô. Như : vải lụa thô (tệ ố chi bạch 弊 惡 之 帛).

D. BÌNH GIẢNG

Chương này mục đích đề cao sự lánh trần để tu đạo.

Huỳnh Đình kinh dứt khoát khuyên nên vào núi ẩn cư để dễ bề tu luyện. (Các câu 1, 5, 10, 11, 12, 13).

Có thể nói đó là một cổ tục ở Trung Hoa cũng như ở Ấn độ. Tư tưởng này phát sinh vì nhiều lý do:

1. Đạo sĩ phải lánh trần duyên mới dễ bề tu luyện.[4]

2. Đạo sĩ phải thao quang ẩn tích. (Đạo Đức Kinh, ch. 54).

3. Đạo Lão chủ trương muốn tu trì cần 4 điều kiện: Pháp : Khẩu quyết, Tài : Tiền nong, Lữ : Bè bạn, Địa : Nơi tu trì.

4. Chính vì vậy mà những đạo sĩ khi đã biết được khẩu quyết tu trì do chân sư truyền dạy, đã vào rừng vào núi tu luyện.

5. Tuy nhiên không phải bạ rừng núi nào cũng đến ở, mà chọn những chốn gọi là Động thiên, phúc địa, những nơi “địa linh”. Người xưa đã kinh nghiệm rằng lên núi Không Động, Chung Nam, Vũ Đương, Ngũ Đài, Nam Nhạc chẳng hạn mà tham thiền, sẽ thấy tâm thần thêm hào sảng rất mau.[5]

Thế nào là Động thiên, Phúc địa? Động thiên Phúc địa là những nơi có: Đất màu đỏ; Núi vây, nước uốn; Khí ấm; Thảo mộc bốn bề chầu quanh.[6]

Dựa vào những yếu tố ấy tôi nghĩ rằng Động thiên Phúc địa là những nơi có một từ trường mạnh.

Đất đỏ là đất chứa sắt. Sắt hút giữ được từ trường của đất. Non núi, thảo mộc chầu quanh tỏ ra là có một điểm có tính chất hấp dẫn những sự vật chung quanh. Ở những nơi có từ trường mạnh, uống những nước có chứa nhiều chất sắt sẽ làm cho cơ thể thêm từ lực, khí lực…

Sách Phỏng đạo ngữ lục nơi phần phụ lục (tr. 441-540) có ghi tên các Động thiên, Phúc địa bên Trung Hoa lục địa, phân thành: (1) Thập đại Động thiên 十 大 洞 天; (2) Tam thập lục tiểu động thiên 三 十 六 小 洞 天; (3) Thất thập nhị phúc địa 七 十 二 福 地.

Huỳnh Đình ngoại cảnh tuy cũng chủ trương: Ngoại bất tham cầu, nội vô phiến loạn, nhưng không chủ trương vào núi tu trì một cách cực đoan ráo riết như Huỳnh Đình nội cảnh, Ngoại Cảnh (chương 12) chỉ viết:

Tác đạo du ưu, thâm độc cư,

作 道 游 憂 深 獨 居

Phù dưỡng tính mệnh, thủ hư vô,

扶 養 性 命 守 虛 無

Điềm đạm vô vi, hà sở lự,

恬 淡 無 為 何 所 慮

Vũ dực dĩ thành (Mậu kỷ) chính phù sơ,

羽 翼 已 成 正 扶 疏

Trường sinh cửu thị, nãi phi khứ.

長 生 久 視 乃 飛 去

Đạo Đức kinh thì chỉ chủ trương: «Hòa quang đồng trần»和 光 同 塵 (hòa mình với quần chúng) [chương 54], «Bị hạt hoài ngọc» 被 褐 懷 玉 (mặc áo rách bên ngoài, mà trong người có ngọc) [chương 70]. Thế nghĩa là làm sao để người khỏi ghen, khỏi hại và để khinh khoát dễ bề tu luyện, bởi vì tình đời là: Rùa chết vì vỏ, chim chết vì lông (Qui vong dĩ xác, thúy tử dĩ mao 龜 亡 以 殼 翠 死 以 毛). Lão Trang nguyên thủy như vậy không chủ trương bỏ vợ lìa con, vào núi vào non tu luyện.

 Sau này ta mới thấy có nhiều đạo sĩ chủ trương dứt khoát vào núi tu luyện. Trương Tam Phong 張 三 丰 chẳng hạn tu ở núi Vũ Đương 武 當.[7] Châm Thạch Tử 針 石 子 tu luyện ở vùng núi Cơ Long 基 隆.[8] Trương Tam Phong viết:

Tiềm thân nhai hác, duy úy nhân tri,

潛 身 崖 壑 惟 畏 人 知

Nhân sở tham giả ngã bất tham,

人 所 貪 者 我 不 貪

Ngã sở đắc giả nhân bất đắc.

我 所 得 者 人 不 得

Tiềm thân non núi, sợ người hay,

Cái người ham muốn, tớ chẳng say,

Tớ có cái mà người chẳng có…[9]

Tuy nhiên, cũng có nhiều đạo sĩ không chấp nhận chủ trương vào núi ẩn tu. Vì thế mà xưa mới có câu: Tiểu ẩn ẩn ư sơn lâm, đại ẩn ẩn ư thị triền 小 隱 隱 於 山 林, 大 隱 隱 於 市 廛 (Kẻ ẩn dật xoàng thì ẩn nơi núi non, người đại ẩn dật thì ẩn nơi thị thành).

Huỳnh Nguyên Cát viết: «Không cần vào núi sâu, ngồi tịnh như cây khô, chỉ cần tĩnh tâm, là có thể giác ngộ… nguyên tắc chung là vậy. Nếu con người có thể tự tĩnh, tự giác, tự thường, sẽ chứng quả bồ đề…» [10]

Ngày nay, chủ trương vào núi ẩn tu đã trở thành lạc hậu. Dù sao chúng ta cũng nên ghi nhận rằng có những vùng núi thanh kỳ có thể bồi dưỡng khí lực cho con người.[11]

Vào núi ẩn cư, đối với người xưa, cốt là để tu luyện. Các thiền sư xưa nhiều vị cũng vào núi non suốt đời:

– Long sơn Hòa thượng 龍 山 和 尚 ẩn cư thâm sơn, không xuống núi.

– Tuệ Trung 彗 中 sau khi đã được Lục tổ truyền tâm ấn, ẩn cư ở Nam Dương 南 陽, Bạch Nhai sơn 白 崖 山, Đảng Tử cốc 黨 子 谷, hơn 40 năm không xuống núi.

– Lợi Tung 利 蹤 ở núi Tử Hồ 子 湖 45 năm không xuống núi.[12]

Huỳnh Đình kinh chủ trương vào núi cốt là để: Tiếp tục công phu tu dưỡng tính mệnh (câu 2, 3); trì tụng Huỳnh Đình (câu 10); ngoại thì vô mưu cầu, nội thì vô phiền loạn (câu 5, 6); bè bạn cùng gió mây (câu 7, 8); ngao du non núi mặc tình (câu 5, 6); hàm tinh dưỡng khí (câu 2); điềm đạm thử hử vô (câu 3). Thế là:

Thoát trần một cõi thiên nhiên (câu 11)

Tấm thân ngoại vật là tiên trên đời (câu 4).

Ta trở lại Huỳnh Đình Ngoại cảnh, sẽ thấy Ngoại cảnh toát lược chương này một cách hết sức thần kỳ:

Tác đạo ưu du, thân độc cư, 

作 道 優 游 身 獨 居

Phù dưỡng tính mệnh, thủ Hư vô,

扶 養 性 命 守 虛 無

Điềm đạm vô vi, hà sở lự,

恬 淡 無 為 何 所 慮

Vũ dực dĩ thành chính phù sớ,

羽 翼 已 成 正 扶 疏

Trường sinh cửu thị, nãi phi khứ.[13]

長 生 久 視 乃 飛 去

Lược dịch:

Tác đạo nhàn du, thân độc cư,

Bồi dưỡng tính mệnh, thủ hư vô,

Điềm đạm vô vi, vô tư lự,

Chắt chiu tâm thần, không sơ hở,

Trường sinh cửu thị vào thiên lộ.

 

Lý Thiết Quải - Tranh Tề Bạch Thạch


[1] Che bớt ánh sáng và giấu tông tích; ý chỉ của Đạo Đức kinh, chương 7, theo chú của Hà Thượng Công. Vụ Thành tử chú: Học tiên chi sĩ, hàm quang tàng huy, diệt tích nặc đoan (Kẻ học đạo Tiên phải che giấu ánh sáng của mình, xoá bỏ tông tích và giấu manh mối) 學 仙 之 士, 含 光 藏 輝, 滅 跡 匿 端.

[2] Vụ Thành tử chú: Lý thân vô vi tắc thần lạc, lý quốc vô sự tắc nhân an. Tam thần, tam đan điền chi thần dã (Sửa mình vô vi thì thần vui; sửa nước vô sự thì dân an. Tam thần là thần ở ba đan điền) 理 身 無 為 則 神 樂, 理 國 無 事 則 人 安. 三 神, 三丹 田 之 神 也.

[3] Y phục của tiên làm bằng lông vũ chim hạc. Tiên cũng gọi là vũ sĩ 羽 士. Vụ Thành tử chú: Án Thượng Thanh Bảo Văn Tiên Nhân, hữu ngũ sắc vũ y. Hựu Phi Hành Vũ Kinh vân: Thái nhất chân nhân y cửu sắc, phi vân vũ chương, giai thần tiên chi phục dã (Theo Thượng Thanh Bảo Văn Tiên Nhân, có loại vũ y năm màu. Kinh Phi Hành Vũ nói vũ y của Thái nhất chân nhân có chín màu, khi cưỡi mây, lông vũ lấp lánh; nói chung đều là y phục thần tiên) 按 上 清寶 文 仙 人, 有 五 色 羽 衣. 又 飛 行 羽 經 云 : 太 一 真 人 衣 九 色, 飛 雲 羽 章, 皆 神 仙 之 服 也.

[4] Tiên học diệu tuyển, tr. 359: Học đạo hưu thê, biệt tử, khí tài, tửu sắc quyên trừ, phan viên ái niệm vĩnh giáo vô, tuyệt tận ưu sầu tư lự, bất đắc vô minh tạm khởi, tiêu dao vật ngoại nhàn cư, thường thanh thường tĩnh, thị công phu, thứ xưng toàn chân môn hộ. 學 道 休妻, 別 子, 氣 財酒 色 捐 除, 攀 援 愛 念 永 教 無, 絕 盡 憂 愁思 慮, 不 得 無 明 暫 起, 逍 遙 物 外 閒 居, 常 清 常 靜, 是 功 夫, 庶 稱 全 真 門 戶.

[5] Phỏng đạo ngữ lục, tr. 380: Cẩu đắc địa linh tu đạo dị thành. Tương truyền tĩnh tọa ư Không động, Chung Nam, Ngũ Đài, Vũ đương, Nam Nhạc đẳng đại danh sơn, tự nhiên tâm thanh niệm thiểu…苟 得 地靈 修 道 易 成. 相 傳 靜 坐 於 崆 峒, 終 南, 五 台, 武 當, 南 嶽 等 大 名 山, 自 然 心 清 念 少...

[6] Phỏng đạo ngữ lục, tr. 348: Động thiên, Phúc địa giả: Thổ tất xích sắc, sơn hoàn thúy bão, noãn khí dung dung, tứ chu thảo mộc giai hân nhiên triều củng. 洞 天 福 地 者: 土 必 赤 色, 山 環 水 抱, 暖 氣融 融, 四 周 草 木 皆 忺 然 朝 拱.

[7] Tiên học diệu tuyển, tr. 338.

[8] Phỏng đạo ngữ lục, tr. 375.

[9] Huỳnh Đình kinh Ngoại cảnh, Tử Hà chú, tr. 43b.

[10] Bất tất thâm sơn, khô ngột tĩnh tọa, chỉ yêu ngã tâm nhất tĩnh, tự nhiên liễu giác, thường thường như thị, Nhân năng tự tĩnh, tự giác, tự thường, tức khả chứng Vô thượng bồ đề. 不 必 深 山, 枯 兀 靜 坐, 只 要 我 心 一 靜, 自 然 了 覺, 常 常 如 是. 人 能 自 靜, 自 覺, 自 常, 即 可 證 無 上 菩 提. Xem Tiên học diệu tuyển, tr. 314.

[11] Phỏng đạo ngữ lục, tr.370: Phàm niên đăng mạo, điệt, hoặc dương đảo bất cử chi tu sĩ, nghi nhập sơn tĩnh tu, nhiếp thủ sơn lâm trung thanh linh chi khí, thủy khả trục tiệm hồi dương dã. Phàm khí suy, dương nuy giả, nghi ngưng thần Nê Hoàn, dĩ khôi phục kỳ tính chi cơ năng dã. 凡 年 登 耄, 耋, 或 陽 倒 不 舉 之 修 士, 宜 入 山 靜 修, 攝 取 山 林 中 清 靈 之 氣, 始 可 逐 漸 回 陽 也. 凡 氣 衰, 陽 萎 者, 宜 凝 神 泥丸, 以 恢 復 其 性 之 機 能 也. Xem thêm Tiên học diệu tuyển, tr. 180, 299, 342.

[12] Xem Tiên học diệu tuyển, tr. 439.

[13] Huỳnh Đình kinh, Tung Ẩn tử 嵩 隱 子 Thạch Hoà Dương 石 和 陽 thuật.