» mục lục                                                       PHẦN II - BÌNH DỊCH

CHƯƠNG 1 - THƯỢNG THANH

CHƯƠNG 2 - THƯỢNG HỮU

CHƯƠNG 3 - KHẨU VI

CHƯƠNG 4 - HUỲNH ĐÌNH

CHƯƠNG 5 - TRUNG TRÌ

CHƯƠNG 6 - THIÊN TRUNG

CHƯƠNG 7 - CHÍ ĐẠO

CHƯƠNG 8 - TÂM THẦN

CHƯƠNG 9 - PHẾ BỘ

CHƯƠNG 10 - TÂM BỘ

CHƯƠNG 11 - CAN BỘ

CHƯƠNG 12 - THẬN BỘ

CHƯƠNG 13 - TỲ BỘ

CHƯƠNG 14 - ĐẢM BỘ

CHƯƠNG 15 - TỲ TRƯỜNG

CHƯƠNG 16 - THƯỢNG ĐỔ

CHƯƠNG 17 - LINH ĐÀI

CHƯƠNG 18 - TAM QUAN

CHƯƠNG 19 - NHƯỢC ĐẮC

CHƯƠNG 20 - HÔ HẤP

CHƯƠNG 21 - QUỲNH THẤT

CHƯƠNG 22 - THƯỜNG NIỆM

CHƯƠNG 23 - TRỊ SINH

CHƯƠNG 24 - ẨN ẢNH

CHƯƠNG 25 - NGŨ HÀNH

CHƯƠNG 26 - CAO BÔN

CHƯƠNG 27 - HUYỀN NGUYÊN

CHƯƠNG 28 - TIÊN NHÂN

CHƯƠNG 29 - TỬ THANH

CHƯƠNG 30 - BÁCH CỐC

CHƯƠNG 31 - TÂM ĐIỂN

CHƯƠNG 32 - KINH LỊCH

CHƯƠNG 33 - CAN KHÍ

CHƯƠNG 34 - PHẾ CHI

CHƯƠNG 35 - ẨN TÀNG

CHƯƠNG 36 - MỘC DỤC

CHƯƠNG 25

NGŨ HÀNH

五 行

 

A. KINH VĂN

1. Ngũ hành tương thôi phản qui Nhất,

五 行 相 推 反 歸 一

2. Tam ngũ hợp khí, cửu cửu tiết.

三 五 合 氣 九 九 節

3. Khả dụng ẩn địa hồi bát thuật,

可 用 隱 地 回 八 術

4. Phục ngưu u khuyết la phẩm liệt.

伏 牛 幽 闕 羅 品 列

5. Tam minh xuất hoa sinh tử tế,

三 明 出 華 生 死 際

6. Động phòng linh tượng đẩu nhật nguyệt,

洞 房 靈 象 斗 日 月

7. Phụ viết: Nê Hoàn, mẫu: Thư Nhất,

父 曰 泥 丸 母 雌 一

8. Nhị quang hoán chiếu nhập tử thất,

二 光 煥 照 入 子 室

9. Năng tồn Huyền chân, vạn sự tất.

能 存 玄 真 萬 事 畢

10. Nhất thân tinh thần, bất khả thất.

一 身 精 神 不 可 失 

B. LƯỢC DỊCH

Ngũ hành biến chuyển trở về Một,

Tam ngũ hợp khí, tinh hoa hợp.

Thu hồi Nguyên khí, nhập Thượng Thanh,

Tồn tư đổng kiến, tâm xoang hiện.

Tai mắt mồm miệng phát quang minh,

Não xoang bừng sáng ánh nhật nguyệt.

Não Thần Nê Hoàn hiển uy linh.

Hai vầng Nhật, Nguyệt soi Tâm Thất,

Giữ được Huyền Chân, vạn sự tất,

Tinh thần nơi thân đừng để mắt.

C. CHÚ THÍCH

Câu 1. Ngũ hành tương thôi phản qui Nhất.

五 行 相 摧 反 歸 一

Tương thôi 相 摧: (1) Tương sinh và tương khắc (Vụ Thành Tử giải); (2) Tương khắc (Tử Hà giải). Dù sinh, dù khắc vẫn có một biến chuyển vòng tròn:

Khởi từ 1: Ta có: Thủy (1) sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy (1). Thế là từ Một lại trở về Một (chu nhi phục thủy 周 而 復 始).

Thủy (1) khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy (1). Thế là từ Một lại trở về Một. Vì thế tôi giải Tương thôi là biến chuyển.[1]

Phản qui Nhất 反 歸 一: Theo Vụ Thành tử, đó là trở về con số của nước (thủy số 水 數); nó là số đứng đầu ngũ hành, là tổ tông của vạn vật. Đạo Kinh nói: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Hơn nữa, Dịch có Thái Cực sinh lưỡng nghi. Thái Cực chính là một vậy. Lưỡng nghi là thiên địa. Thiên địa sinh vạn vật. Đến chỗ cùng tận thì trở về một. Một là gọi Vô, là chỗ thành và chung cuộc của vạn vật. Thế mới nói là qui nhất (trở về một).[2]

Câu 2. Tam ngũ hợp khí, cửu cửu tiết.

三 五 合 氣 九 九 節

Tam : Tam Tài. Ngũ : Ngũ hành. Hợp khí 合 氣: Hòa hợp lại.[3]

Tam Ngũ: Đông 3 + Nam 2 = 5 (một ngũ); Bắc 1 + Tây 4= 5 (hai ngũ); Mậu Kỷ, Trung Cung: 5 (ba ngũ). Tam ngũ hợp nhất: vạn tượng hoàn nguyên.

Cửu cửu tiết 九 九 節: Có thể giải là số Thuần dương 純 陽 (9 x 9 = 81), số túc (hay là phối hợp Cửu cung khí tiết).

Câu 3. Khả dụng ẩn địa hồi bát thuật.

可 用 隱 地 回 八 術

Dịch có Thái Cực ở Trung điểm, Bát quái ở chung quanh. Bát quái là Bát cung, hay Bát tổ. Thái cực sinh Bát quái, Bát quái hoàn qui Thái cực. Người xưa gọi thế là Tạo hóa qui trung chi diệu. Cho nên câu này cũng chỉ cốt dạy lẽ Qui nguyên, Phản bản. Tử Hà giải rằng: đó là Thuật Hoàn đan.

Câu 4. Phục ngưu u khuyết la phẩm liệt.

伏 牛 幽 闕 羅 品 列

Phục ngưu u khuyết 伏 牛 幽 闕: Tàng ý ư sinh thân xứ 藏 意 於 生 身 處 (Tử Hà giải). Giống như Dịch kinh nói: Thoái tàng ư mật 退 藏 於 密. Sinh thân xứ (U khuyết) như vậy là ở Nê Hoàn.[4]

La phẩm liệt 羅 品 列: Mọi sự phơi bày ra.

Hồi quang quán chiếu sẽ thấy vạn tượng tại tâm. Phải thu nhiếp tất cả lại cho hội tụ về Nhất.

Tử Hà giải: Thu la chúng phẩm, trần liệt đan lô 收 羅 眾 品 陳 列 丹 爐 (Gom vạn tượng đa dạng vào trong một lò luyện đan).

Câu 5. Tam minh xuất hoa, sinh tử tế.

三 明 出 華 生 死 際

Bản Tử Hà: Tam nhật xuất hoa, sinh tử tế.

三 日 出 華 生 死 際

Xuất hoa 出 華: Sinh xuất quang hoa 生 出 光 華.

Tam minh 三 明: ở trời là nhật nguyệt tinh ; ở người là tai , mắt , miệng ; ở đất là văn , chương , hoa .[5]

Sinh tử tế 生 死 際: Vùng tiếp giáp giữa sinh và tử. Tử chỉ cái gì biến thiên. Sinh chỉ cái gì vĩnh cửu. Tử thuộc phần Tâm; Sinh thuộc phần Thần. Có biết đổi chết lấy sống, mới biết chết cái phàm tâm, cho Thần sinh hoạt (Tâm tử thần hoạt 心 死 神 活).

Câu 6. Động phòng linh tượng đẩu, nhật, nguyệt.

洞 房 靈 象 斗 日 月

Trong động phòng (một cung trên Nê Hoàn), có đủ nhật nguyệt, thất tinh Bắc đẩu.[6]

Câu 7. Phụ viết: Nê Hoàn, mẫu Thư Nhất.

父 曰 泥 丸 母 雌 一

Trong Nê Hoàn cung có thần Thái Nhất. Gọi là Thư vì là Tĩnh, vì là Vô cực. Gọi là Nhất vì là Tuyệt đối, là Vô vi.[7]

Câu 8. Nhị quang hoán chiếu nhập tử thất.

二 光 煥 照 入 子 室

Bản Tử Hà: Tam quang hoán chiếu nhập tử thất.

三 光 煥 照 入 子 室

Nhị quang 二 光: Nhật, nguyệt. (Tam quang 三 光: Nhật, Nguyệt, Tinh)

Tử thất 子 室: Nê Hoàn. Hoán chiếu 煥 照: Sáng soi.

Câu 9. Năng tồn Huyền chân vạn sự tất.

能 存 玄 真 萬 事 畢

Bản Tử Hà: Năng tồn Huyền Minh vạn sự tất 能 存 玄 冥 萬 事 畢. Ngoại Cảnh bản Tử Hà viết: Tử năng thủ Nhất vạn sự tất 子 能 守 一 萬 事 畢. Như vậy Huyền Chân hay Huyền Minh đều là Nhất.[8]

Câu 10. Nhất thân tinh thần bất khả thất.

一 身 精 神 不 可 失

Nhất là Tinh Hoa trong con người, đừng để mất.[9]

D. BÌNH GIẢNG

Chương này chủ trương: Qui Nguyên Phản Bản 歸 元 返 本. Sách Đại Đỗng Chân Kinh 大 洞 真 經 toàn bàn về chủ trương này.

Huỳnh Đình Ngoại Cảnh, khi toát lược chương này, đã loại bỏ những ý tưởng phức tạp, khó hiểu của chương này như các câu: 1, 2, 3 v.v… và đã làm nổi bật lên chủ trương:

– Thiên địa vạn vật đồng nhất thể, mặc dầu những hình tướng đa tạp bên ngoài.

– Thu liễm Chân Thần về Nê Hoàn cung chính là công trình phản bản hoàn nguyên.

– Hoàn nguyên sẽ Đắc Nhất. Nhất đó là chí bảo, đã có sẵn trong mình đừng để mất…

Ngoại Cảnh viết:

Ngũ hành sâm si đồng căn tiết,

五 行 參 差 同 根 節

Tam ngũ hợp khế, yếu bản Nhất.

三 五 合 契 要 本 一

Thùy năng cộng chi đẩu nhật nguyệt.

垂 能 共 之 斗 日 月

Bão châu, hoài ngọc, hòa tử thất.

抱 珠 懷 玉 和 子 室

Tử năng thủ Nhất, vạn sự tất.

子 能 守 一 萬 事 畢

Tử tự hữu chi, trì vật thất.

子 自 有 之 持 勿 失

Tử dục bất tử, tàng kim thất. (Bản Tử Hà)

子 欲 不 死 藏 金 室

Chúng ta đã biết Đạo giáo và Triết học Đông phương dựa trên một Nguyên lý căn bản. Đó là:

Vũ trụ này do một Nguyên lý, một Bản thể duy nhất phân hóa. Nguyên lý ấy được gọi bằng nhiều danh hiệu: Vô cực, Hư Vô, Thái cực, Thượng đế, Đạo, Trời, Tiên Thiên nhất khí v.v... Bản thể thì ở Tâm Điểm.

Vạn hữu, vạn tượng thời ở vòng biến thiên bên ngoài. Chiều từ Bản thể ra hiện tượng là chiều Thuận, là chiều phân hóa, là chiều giáng bản, lưu mạt, càng ngày càng trở nên chi ly, phiền tạp, phiến diện, biến thiên. Đó là chiều sinh nhân, sinh vật. Chiều từ Vạn tượng trở về Bản thể là chiều Nghịch, là chiều hội tụ, hòa hài, là chiều Qui căn, phản bản, hay Phản bản, hoàn nguyên, càng ngày càng trở nên thuần nhất, sinh Phật, sinh Thánh sinh Thần. Trong con người cũng một Thái Cực, một Bản thể ấy phân hóa thành:

HAI: Âm - Dương (Thần - Hồn; Thần - Khí; Thiên tâm - Nhân tâm).

BA: Thần - Khí - Tinh (tam tài).

NĂM: Ngũ khí (ngũ tạng; ngũ hành).

Muốn phản bản hoàn nguyên phải qui tụ tất cả lại cho trở về một:

Năm trở về một 五 歸 一: Hợp nhất ngũ khí 五 氣 lại cho thành Tiên thiên nhất khí 先 天 一 氣.

Đại Đỗng chân kinh gọi thế là Ngũ khí dung hòa đại đạo toàn 五 氣 融 和 大 道 全.[10]

Người xưa gọi thế là Ngũ khí triều nguyên 五 氣 朝 元.

Tính Mệnh Khuê Chỉ gọi thế là: Tứ tượng Ngũ hành toản thốc nhất đỉnh 四 象 五 氣攢 簇 一 鼎 hay Lý ngũ khí ư Nê Hoàn 理 五 氣 於 泥 丸.[11]

Ba trở về một 三 歸 一: Hợp nhất tam hoa 三 華 lại cho thành Nhất khí 一 氣.

Người xưa gọi thế là Tam hoa qui đỉnh 三 華 歸 鼎.

Đại Đỗng chân kinh gọi thế là: Cổ luân Tam hoa thành 鼓 輪 三 華 成,[12] Tam hợp vĩnh bất vấn 三 合 永 不 紊,[13] Tam hợp thừa Thiên long 三 合 乘 天 龍.[14]

Hai trở về một 二 歸 一: Hợp nhất thần khí 神 氣 cho thành Thái cực kim đan 太 極 金 丹.

Đại Đỗng chân kinh gọi thế là Âm Dương hợp bão nhi thành thái cực 陰 陽 合 抱 而 成 太 極.[15]

Trong con người, Nguyên thủy tổ khí 原 始 祖 氣hay Tiên thiên nguyên khí 先 天 元 氣 sinh xuất ra muôn vàn hiện tượng được dung chứa trong các xoang não, trong Nê hoàn cung 泥 丸 宮. Vì thế Nê hoàn cung được gọi là Tổ khiếu 祖 竅. Nguyên khí đó được gọi là Sinh thân thụ khí sơ 生 身 受 氣 初.

Cho nên muốn qui tụ ngũ khí, tam hoa, tâm thần, cần phải lấy Nê hoàn làm cứ điểm, làm Trung điểm, Trung cung, chính vì vậy mà Nê hoàn là Đỉnh, là Huỳnh Đình.

Thu thần, tụ khí được về cả Nê hoàn, sẽ đi đến Đại định, mà người xưa gọi là Thai tức, hay nhập Niết bàn. Thế là đắc Trung, đắc Nhất, thế là đan thành, thế là đắc Đạo, thế là phối thiên.

Trở lại chương 25 ta thấy đại ý đó hiển lộ đại khái rằng:

Ngũ hành biến hóa, vạn tượng biến thiên chung qui đều trở về Nhất (Câu 1).

Như vậy cần phải đem Tam hoa, Ngũ khí trở về hiệp nhất lại nơi Động phòng (Các câu 2, 3, 4, 5).

Đem Tâm Thần ngưng tụ về Nê hoàn. (Các câu 7, 8)

Thế là đắc Nhất, đắc Huyền châu theo Trang Tử.

Mà thực ra Nhất, hay thần Trời Đất đã tiềm ẩn sẵn trong ta, ta phải tìm cho ra đừng để mất. Mà bí quyết để tìm cho ra thần Trời Đất, chính là:

– Thủ chi tắc tồn, xả chi tắc vong 守 之 則 存 舍 之 則 亡.

– Phóng chi tắc di lục hạp, quyển chi tắc thoái tàng ư mật 放 之 則 彌 六 合 卷之 則 退 藏 於 密.[16]

– Cầu tắc đắc chi, xả tắc thất chi 求 則 得 之 舍 則 失 之.[17]

– Tán thì tản, Tụ thì ngưng.

Ý tôi muốn nói hai chữ đắc , thất đã được tiềm tàng trong hai chữ Tụ Tán .

Tôi càng đọc Huỳnh Đình càng thấy rõ chủ đích của kinh này là:

Ta phải đem được Thần chân nhất, thần Trời Đất vào ngự trị trong Huỳnh Đình cung, tức là trong Nê hoàn cung, trong đầu não, tâm khảm mình.

Ta có thể quên đi những chi tiết vụn vặt khác của Huỳnh đình chỉ cần nhớ ý chính trên đây là đã quá đủ. Thực đúng là: Năng tồn huyền chân vạn sự tất 能 存 玄 真 萬 事 畢 (Câu 9).


[1] Vụ Thành tử giải: Ngũ hành vị thủy, hỏa, kim, mộc, thổ. Tương thôi giả, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy hựu sinh mộc, chu nhi phục thủy. Hựu tương khắc pháp: thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy hựu khắc hỏa, chu nhi phục thủy, tương thôi chi đạo dã (Ngũ hành là thủy, hỏa, kim, mộc, thổ. Tương thôi nghĩa là thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy hựu sinh mộc, giáp vòng thì trở lại ban đầu. Lại [có nghĩa là] tương khắc: thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy lại khắc hỏa, giáp vòng thì trở lại ban đầu. Đó là lẽ tương thôi vậy) 五 行 謂 水, 火, 金, 木, 土, 相 推 者, 水 生 木, 木生 火, 火 生 土, 土 生 金, 金 生 水, 水 又 生 木, 周 而 復始. 又 相 克 法: 水 克 火, 火 克 金, 金 克 木, 木 克 土, 土 克 水, 水 又 克 火, 周 而 復 始, 相 推 之 道 也.

[2] Phản qui nhất giả, thủy số dã. Ngũ hành chi thủ, vạn vật chi tông. Đạo Kinh vân: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Hựu Dịch hữu Thái Cực, thị sinh lưỡng nghi. Thái Cực giả, nhất dã. Lưỡng nghi, thiên địa. Thiên địa sinh vạn vật. Hựu chung nhi qui nhất. Nhất giả, vô chi xưng. Vạn vật chi sở thành chung. Cố vân qui nhất. 反 歸 一 者, 水 數 也. 五 行 之 首, 萬 物 之 宗. 道 經 云: 道 生 一, 一 生 二, 二 生 三, 三 生 萬 物. 又 易 有 太 極, 是 生 兩 儀. 太極 者, 一 也. 兩 儀, 天 地. 天 地 生 萬 物. 又 終 而歸 一. 一 者, 無 之 稱. 萬 物 之 所 成 終. 故 云 歸 一.

[3] Vụ Thành tử giải: Huyền Diệu kinh vân: Tam giả, tại thiên vi nhật nguyệt tinh, danh viết tam quang. Tại địa vi châu ngọc kim, danh viết tam bảo. Tại nhân vi nhĩ tỵ khẩu, danh viết tam sinh. Thiên địa nhân phàm tam nhi các hoài ngũ hành, cố viết tam ngũ. Kỳ thường tinh dã. Hợp tam giả vi cửu cung. Phù tam ngũ sở hoài, thuận chúng loại dã. Điều hòa vạn vật, lý hóa âm dương, phúc tải thiên địa, quang minh tứ hải, phong vũ lôi điện, xuân thu đông hạ, hàn thử ôn lương, thanh trọc chi khí, chư sinh chi vật, bất đắc tam ngũ bất lập dã. Cố viết thiên đạo bất viễn, tam ngũ phục phản. Tam ngũ giả, thiên địa chi xu đế, lục hợp chi yếu hội dã. Cửu cung chi khí tiết, cửu cửu bát thập nhất vi nhất chương vân vân. (Kinh Huyền Diệu nói: Số ba, ở trên trời tức là mặt trời, mặt trăng, và ngôi sao, tên là Tam quang. Ở đất đó là hạt châu, ngọc, và vàng, tên là Tam bảo. Ở người đó là tai, mũi, miệng, tên là Tam sinh. Thiên địa nhân, mỗi mỗi đều có ngũ hành ở trong, cho nên mới gọi là Tam ngũ. Chúng luôn tinh ròng. Hợp cả ba lại thành cửu cung. Nói chung, sự bao hàm tam ngũ thuận theo thứ loại. Điều hoà vạn vật, xử lý và chuyển hoá âm dương, chở che trời đất, soi sáng bốn biển, gió mưa sấm chớp, xuân thu đông hạ, lạnh nóng ấm mát, khí nhẹ và nặng, tất cả sinh vật nếu không có tam ngũ thì không đứng vững. Thế mới nói đạo trời không xa, chỉ là sự trở lại tam ngũ. Tam ngũ là then chốt và cội rễ của trời đất, là chỗ hội tụ tất yếu của lục hợp. Khí tiết của cửu cung, 9 lần 9 là 81, gọi là một Chương) 玄 妙 經 云: 三 者, 在 天 為 日 月 星, 名 曰三 光. 在 地 為 珠 玉 金, 名 曰 三 寶. 在 人 為 耳 鼻 口, 名 曰 三 生. 天 地 人 凡 三 而 各 懷 五 行, 故 曰 三 五. 其 常 精 也. 合 三 者 為 九 宮. 夫 三 五 所 懷, 順 眾 類 也. 調和 萬 物, 理 化 陰 陽, 覆 載 天 地, 光 明 四 海, 風 雨 雷 電, 春 秋 冬 夏, 寒 暑 溫 涼, 清 濁之 氣, 諸 生 之 物, 不 得 三 五 不 立 也. 故 曰 天 道 不 遠, 三 五 復 返. 三 五 者, 天 地 之 樞 蔕, 六 合之 要 會 也. 九 宮 之 氣 節, 九 九 八 十 一 為一 章 云 云.

[4] Vụ Thành tử giải: Phục ngưu thận chi tượng. Thận vi U khuyết. Trung Hoàng kinh vân: tả thận vi Huyền Diệu quân, hữu thận vi Huyền Nguyên quân. La phẩm liệt, tồn tư kiến chi (Phục ngưu là tượng trưng cho thận. Thận là U khuyết. Kinh Trung Hoàng nói: Thận trái là Huyền Diệu quân, thận phải là Huyền Nguyên quân. La phẩm liệt nghĩa là tồn tư để nhìn thấy hai vị thần này) 伏 牛 腎 之 象. 腎 為 幽 闕 中 黃 經 云 : 左 腎 為 玄 妙 君, 右 腎 為 玄 元 君. 羅 品 列, 存思 見 之.

[5] Vụ Thành tử chú: Thiên tam minh nhật nguyệt tinh, nhân tam minh nhĩ mục khẩu, địa tam minh văn chương hoa; thị sinh tử chi tế (Trời có tam minh là mặt trời, mặt trăng và sao; người có tam minh là tai, mắt và miệng; đất có tam minh là văn, chương và hoa; đó là ranh giới giữa sống và chết) 天 三 明 日 月 星, 人 三 明 耳 目 口, 地 三 明 文 章 華. 是 生 死 之 際.

[6] Vụ Thành tử chú: Tồn tam quang ư động phòng. Động phòng minh đường (Tồn nhật nguyệt tinh nơi động phòng, tức là nơi minh đường) 存 三 光 於 洞 房. 洞 房 明 堂.

[7] Vụ Thành tử chú: Nhất, minh đường trung hữu quân thần. Động phòng trung hữu phu phụ. Đan điền trung hữu phụ mẫu. Nê hoàn, não thần danh. Đạo kinh vân: Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư. Thư, vô vi, nhất dã (Nhất: trong minh đường có vua tôi, trong động phòng có vợ chồng, trong đan điền có cha mẹ. Nê hoàn là tên của thần Não bộ. Đạo kinh nói: Biết trống, giữ mái. Mái tức là vô vi, là Nhất vậy) 一, 明 堂中 有 君 臣. 洞 房 中 有 夫 婦. 丹 田 中 有 父 母. 泥 丸, 腦 神名. 道 經 云: 知 其 雄, 守 其 雌. 雌, 無 為, 一 也.

[8] Vụ Thành tử chú: Trang Tử viết: thông ư nhất, vạn sự tất dã (Trang Tử nói: Thông hiểu lẽ Một thì mọi việc đều xong) 莊 子 曰 : 通 於 一, 萬 事 畢 也.

[9] Vụ Thành tử chú: Thường tồn niệm chi, bất xả tu du (Thường tồn niệm ở lẽ Một, chớ có xa lìa một giây phút nào) 常 存 念 之 不 捨 須 臾.

[10] Đại Đỗng chân kinh, quyển 1, tr. 3.

[11] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Lợi tr. 10a.

[12] Đại Đỗng chân kinh, q.1, tr. 2b.

[13] Đại Đỗng chân kinh, q.1, tr. 3a

[14] Đại Đỗng chân kinh, q.1, tr. 11a

[15] Đại Đỗng chân kinh, q.1, tr. 4b. Chú thích.

[16] Trung Dung, Tựa.

[17] Mạnh tử, Tận tâm chương cú thượng, câu 3.