HẠ KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64


 

41. 山 澤   SƠN TRẠCH TỔN 

 

Tổn Tự Quái

損 序 卦

Giải giả hoãn dã.

解 者 緩 也

Hoãn tất hữu sở thất.

緩 必 有 所 失

Cố thụ chi dĩ Tổn.

故 受 之 以 損

 

Tổn Tự Quái

Giải là cởi mở, ngõ hầu chơi ngơi;

Chơi ngơi mất mát hẳn rồi.

Cho nên Tổn mới có bài theo sau.

 

Tổn là hao tổn. Chữ Tổn theo Từ nguyên, một bên có chữ thủ là tay, một bên có chữ viên là tròn; cái gì đã viên mãn mà động tới, mà tiêu dùng, ắt sẽ hao tổn. Nhưng quẻ Tổn đây không có nghiã là hao tổn không, mà còn có nghĩa quan hệ khác nữa, đó là Tổn hạ, ích thượng; làm hao tổn dưới, mà có ích cho trên. Trong xã hội, ai là dưới? đó là dân. Ai là trên? đó là những người cầm quyền. Dân là gốc, là nền móng quốc gia; bới gốc, xới nền, để bù đắp cho ngọn, là một công việc tối ư nguy hiểm, nếu không biết cách mà hành động cho hay, cho khéo, thời  quốc gia, xã hội sẽ lung lay, suy sụp. Quẻ Tổn cốt ý dạy ta phương cách tổn dân, mà không làm hại cho dân, mà không làm hại cho nền an ninh của quốc gia, xã hội.

Tại sao gọi là Tổn. Có bốn lý do:

1- Theo Tự Quái, gặp thời giải đãi, bình an, người ta nghỉ xả hơi quá nhiều, nên mới sinh ra tổn thất, vì thế sau Quẻ Giải mới đến Quẻ Tổn.

2- Tổn dưới là Đoài, là hồ, trên là Cấn, là Sơn; hồ sâu để cho núi cao;  hồ bốc hơi lên để  nhuận  trạch  cho  cỏ cây trên núi; thế là tổn hạ, ích thượng.

3- Quẻ dưới là Đoài cũng là vui, vả lại ba Hào dưới đều ứng với ba Hào trên. Người dưới vui mà hưởng ứng, phục vụ người trên, đó là tổn hạ, ích thượng.

4- Quẻ Tổn do Quẻ Thái mà thành. Hào Cửu tam của Quẻ Thái vốn cương, lên đổi chỗ cho  Hào Thượng Lục là ích thượng, nhu hạ cương hoán vị cho Thượng nhu, thế là tổn hạ.  Đã phải tổn hạ, ích thượng thì sự thái thịnh cũng suy giảm đi phần nào. Cổ nhân cảnh cáo một cách thật tế nhị vậy. 

I. Thoán.

Thoán từ:

損. 有 孚. 元 吉. 無 咎. 可 貞. 利 有 攸 往. 曷 之 用. 二 簋 可 用 享.

Tổn. Hữu phu. Nguyên cát. Vô cữu. Khả trinh. Lợi hữu du vãng.

Hạt chi dụng. Nhị quĩ khả dụng hưởng.

Dịch. Thoán từ.

Tổn là tỉnh giảm bớt đi,

Tổn mà thành khẩn, thôi thì rất hay.

Tổn mà hợp lẽ chính ngay,

Tổn sao cho khéo, khỏi sai, khỏi lầm.

Cứ đường lối ấy bền tâm,

Làm gì cũng được thập phần mắn may.

Tổn sao cho khéo léo đây?

Cơm xôi hai giỏ, lòng ngay dâng thần.

 

Tổn dân thực ra là một lẽ dĩ nhiên. Mạnh Tử nói: Có người làm việc bằng tâm trí, có kẻ làm việc bằng tay chân. Người làm việc bằng tâm trí thì cai trị dân chúng; kẻ làm việc bằng tay chân thì chịu quyền điều khiển. Kẻ chịu quyền điều khiển có phận sự cung cấp cho bề trên. Người cai trị dân chúng, cần được dân chúng phụng dưỡng. Đó là lẽ thông thường trong thiên hạ vậy. (Mạnh Tử, Đằng Văn Công Thượng, 4).

Nhưng Tổn dân, bắt dân đóng góp tài nguyên, nhân lực, vật lực, xương máu khi cần thiết, người xưa vốn coi là một chuyện bất đắc dĩ. Mình phải hết sức thành khẩn, để cho dân tin tưởng được rằng mình không có ý sách nhiễu, hay đối xử tàn nhẫn với họ; phải giải thích cho dân biết sự đóng góp của họ là cần thiết cho sự tồn tại của quốc gia, như vậy sẽ hay, sẽ lợi, mà mọi sự sẽ tốt đẹp.

Thoán: Tổn. Hữu phu. Nguyên cát. Vô cữu. Khả trinh. Lợi hữu du vãng.

Hữu phu là có lòng thành khẩn. Đã thành khẩn rồi, mọi sự sẽ tốt đẹp (Nguyên cát), sẽ không ai trách móc được mình (Vô cữu); như vậy mới có thể thi hành lâu dài được (Khả trinh), và công cuộc mới có cơ tiến triển được (Lợi hữu du vãng).

Làm thế nào mà chứng minh được lòng thành khẩn đó? Thưa, hãy tỉnh giảm mọi thứ sa hoa, phù phiếm bên ngoài, không được tiêu sài phí phạm. Ngay đến những khi hành lễ cũng phải tỉnh giảm chi phí đến mức tối đa. Vài giỏ cơm lúc ấy cũng đủ dâng thần. Đó là cách tùy thời xử thế. Khi nước nghèo, dân túng, nỡ nào bắt dân đóng góp nhiều để mà chi dùng phí phạm sao?

Hạt chi dụng. Nhị quĩ  khả dụng hưởng?   Hạt chi dụng là một câu hỏi như Làm thế nào?. Nhị quĩ là hai giỏ xôi. Hưởng là dâng cúng thần minh. Tóm lại lòng thành khẩn tối cần trong trường hợp này. Tử Hạ nói: Người quân tử (làm quan), trước phải được lòng dân tin phục, sau mới sai khiến họ làm lụng. Nếu họ chưa tin mình, mà mình vội khiến họ làm lụng, ắt họ ngỡ rằng mình khắc bạc đối với họ. (Luận Ngữ, Tử Trương XIX,10)

 

Thoán Truyện.

彖 曰. . 損 下 益 上. 其 道 上 行. 損 而 有 . 元 吉. 無 咎. 可 貞. 利 有 攸 往. 曷 之 用 . 二 簋 可 用 享   . 二 簋 應 有 . 損 剛 益 柔 有 時. 損 益 盈  . 與 時 偕 行.

Thoán viết:

Tổn. Tổn hạ ích thượng. Kỳ đạo thượng hành. Tổn nhi hữu phu. Nguyên cát. Vô cữu. Khả trinh. Lợi hữu du vãng. Hạt chi dụng. Nhị quĩ khả dụng hưởng. Nhị quĩ ưng hữu thời. Tổn cương ích nhu hữu thời. Tổn ích doanh hư. Dữ thời giai hành.

Dịch.

Thoán rằng: Tổn dưới, ích trên,

Đó là chiều hướng đi lên ở đời.

Tổn mà hợp lẽ với trời,

Tổn mà thành khẩn, thôi thời rất may.

Tổn mà hợp lẽ chính ngay,

Tổn sao cho khéo, khỏi sai khỏi lầm.

Cứ đường lối ấy bền tâm,

Làm gì cũng được thập phần mắn may.

Tổn sao cho khéo léo đây?

Cơm xôi hai giỏ, lòng ngay dâng thần.

Cơm xôi hai giỏ hiến dâng,

Tùy thời tỉnh giảm, chước châm rạch ròi.

Bù mềm, bớt cứng tùy thời,

Tùy thời thêm bớt, đầy vơi nhịp nhàng.

 

Thoán Truyện định nghĩa Tổn là Tổn dưới, ích trên. Chu Hi giải là Bác dân, phụng quân, tức lấy của dân mà cung phụng quân vương. Đó là bổn phận người dưới đối với người trên (Kỳ đạo thượng hành).

Thoán Truyện tiếp đó chỉ nhắc lại những lời trong Thoán từ  Tổn  nhi hữu phu... nhị quĩ khả dụng hưởng. Tuy nhiên, Đức Khổng sợ người sau hiểu lầm rằng lễ nghi văn sức bên ngoài luôn luôn phải giảm thiểu cho đến mức tối đa, nên phải thêm Nhị quĩ ưng hữu thời. Tỉnh giảm lễ vật, cũng phải có thời. Sang thì dâng nhiều, túng thì dâng lễ ít; cái đó tùy sự giầu nghèo của gia đình, của đất nước mà thôi. Ngay đến chuyện bắt dân đóng góp, cũng phải có thời.

Tổn cương ích nhu hữu thời. Mạnh Tử viết: Nếu chính phủ chẳng đoạt mất thì giờ cấy gặt của những gia đình làm ruộng trăm mẫu, thì những nhân khẩu trong nhà ấy chẳng đến nỗi đói khổ. (Bá mẫu chi điền. Vật đoạt kỳ thì. Sổ khẩu chi gia khả dĩ vô cơ hỹ.) (Mạnh Tử, Lương Huệ Vương chương cú thượng, 3). Tóm lại, cái gì cũng phải tùy thời, phải biết đắp đổi. Khi đáng tổn dân thì tổn dân, khi đáng ích dân, thì ích dân. Khi doanh mới nên tổn, khi hư thời nên ích. Tổn ích doanh hư. Dữ thời giai hành. 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰.      山 下 有 澤. . 君 子 以 懲 忿 窒 欲.

Tượng viết:

Sơn hạ hữu trạch. Tổn. Quân tử dĩ trừng phẫn trất dục.

Dịch. Tượng rằng:

Tổn là dưới núi có hồ,

Giận lo đè nén, dục lo ngăn ngừa.

Hiền nhân, quân tử hãy lo...

Quẻ Tổn dạy người quân tử 1 bài học làm tổn. Trong người có thiên lý và nhân dục. Thiên lý không thể tổn, chỉ có nhân dục mới nên tổn. Núi thì cương, gợi nên sự cứng cỏi, nóng giận nơi con người; hồ thì vui gợi nên dục tình nơi con người. Vậy người quân tử phải luôn luôn nén giận, diệt dục. Dục tình dẹp đi, tâm sẽ thanh; phẫn nộ diệt đi, trí sẽ tĩnh. Tâm thanh, trí tĩnh, thì thần sẽ phát lộ, và thiên lương sẽ triển dương. 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Hào từ và Tiểu Tượng Truyện dạy người dưới cũng như người trên phải tổn kỷ ích nhân, tổn kỷ tòng nhân thế nào cho hay, cho lợi.

*Người dưới đã đành nên giúp đỡ người trên, nhưng chỉ giúp khi mình đã xong công việc, giúp mà không tổn hại cho mình (Hào Sơ).

*Giúp mà không mất phẩm giá của mình (Hào nhị).

*Tổn là Tổn hữu dư, giảm bất túc để đi đến chỗ đồng tâm nhất trí (Hào tam).

 *Người trên phải giảm tổn nết hư, tật xấu của mình (Hào tứ).

*Phải giảm tổn sự cao ngạo của mình, để biết khuất kỷ hạ hiền, nghe theo đường hay, lối phải (Hào ngũ).

*Vả người trên nếu có phương sách hay đem dạy dân, đem áp dụng cho dân nhờ, thì đó là không làm tổn hại cho mình, mà vẫn làm ích cho người vậy (Hào Thượng Cửu).

 

1. Hào Sơ Cửu.

初 九.      已 事 遄 往. 無 咎. 酌 損 之.

象 曰.      已 事 遄 往. 尚 合 志 也. 

Sơ Cửu.

Dĩ sự chuyên vãng. Vô cữu. Chước tổn chi.

Tượng viết:

Dĩ sự chuyên vãng. Thượng hợp chí dã.

Dịch. Tượng rằng:

Việc mình xuôi xắn cả rồi,

Nên đi mau mắn giúp người bên trên.

Muốn cho trong ấm, ngoài êm,

Thì nên tỉnh giảm tần phiền, tốn hao.

Tượng rằng: Việc đã xong rồi,

Ra đi mau mắn giúp người có sao.   

Có chi lầm lỗi đâu nào,

Rồi ra trên dưới thấp, cao một lòng.

 

Người dưới khi đã làm xong công việc mình (Dĩ sự), thời nên đi giúp người trên một cách mau lẹ (thuyên vãng), như vậy không có lỗi gì (Vô cữu). Và người trên cũng nên châm chước, liệu lý sao cho khỏi tổn hại thái quá (Chước tổn chi). Chữ  Chước  tổn  chi  Wilhelm  bình rằng: Người trên phải châm chước, đừng để thiệt hại cho người dưới. Mình giúp đỡ người trên, người trên sẽ biết ơn mình; thế là dưới trên thông cảm, dưới trên một lòng. Vì thế Tượng viết: Dĩ sự thuyên vãng. Thượng hợp chí dã.

Trong Kinh Thi (nơi Thiên Đại Nhã) có chép rằng: khi vua Văn Vương muốn cất lên toà Linh Đài, ngài phái người đến đo địa cuộc, và sắp đặt. Dân chúng đều đến giúp công, chẳng mấy ngày mà cất xong vậy. Lúc mới khởi sự cất, Văn Vương phán với dân chúng rằng: các ngươi chẳng cần làm gấp. Thế mà bá tánh kéo đến làm giúp, dường như bầy con phụng sự cha mẹ...Vua Văn Vương đã dùng sức dân mà cất đài, đào hồ, thế mà dân lấy làm vui sướng. Cho nên họ gọi đài của vua là Linh Đài, hồ của vua là Linh Chiểu. Họ lại vui vì trong vườn vua có cá, có rùa. Những vị vua đời xưa, hằng chia sớt sự vui của mình với dân, cho nên hưởng sự khoái lạc một cách đích đáng vậy.

 

2. Hào Cửu nhị.

九 二. 利 貞. 征 凶. 弗 損 益 之.

象 曰. 九 二 利 貞. 中 以 為 志 也

Cửu nhị.

Lợi trinh. Chinh hung. Phất tổn ích chi.

Tượng viết: 

Cửu nhị lợi trinh. Trung dĩ vi chí dã.

Dịch.

Một lòng ngay chính, mới hay,

Ra gì bợ đỡ, tối ngày xoăn xoe.

Mình không hao hớt, ê chề,

Mà người vẫn lợi, mọi bề mới hay.

Tượng rằng: Cửu nhị chính hay,

Là vì ghi tạc dạ này chữ trung.

 

Tượng viết: Người dưới là người cộng tác với người trên, chứ không phải làm tôi tớ người trên. Vậy phải giữ phẩm giá mình trong khi giúp đỡ người trên, như vậy mới hay, mới lợi (Lợi trinh). Bằng mình luồn cúi họ, để cho họ sai chi, làm nấy, không kể chi đến lương tâm, phẩm giá mình thì thực là một điều hung hoạ (Chinh hung). Mình làm ích cho người, mà không tổn hại đến phẩm giá mình mới phải (Phất tổn ích chi). Cho nên người dưới cố sao xử cho hay, cho phải, như vậy mới lợi, mới hay. Lợi, hay vì mình giữ được toàn phẩm cách, mà người trên vẫn được ích lợi.

Tượng viết: Cửu nhị lợi trinh. Trung dĩ vi chí dã. Nhờ có Vương Đức tiến cử, Lịch Sanh vào ra mắt Bái Công. Lúc ấy Bái Công ngồi trên giường, ngay hai chân ra, rồi khiến hai thị nữ rửa chân cho mình. Lịch Sanh bước vào xá chớ không lạy, và hỏi Bái Công rằng: Túc hạ muốn giúp Tần mà đánh chư hầu, hay là giúp chư hầu mà đánh Tần?. Bái Công thấy Lịch Sanh đã già cả rồi mà lời ăn nói còn cứng cỏi, thì mắng rằng: Đồ học trò khốn, thiên hạ bị Tần hà khắc đã lâu, nên ta vâng mệnh Hoài Vương đi phía Tây lộ đánh Tần, đặng giết đứa vô đạo ấy, ta há trở lại giúp Tần sao?. Lịch Sanh nói: Túc hạ đã muốn đánh Tần, để diệt đứa vô đạo, ấy là muốn dấy nghĩa binh đặng phục thiên hạ đó, sao lại kiêu ngạo, lên mặt trưởng giả, vô lễ lắm vậy; nếu như vậy ắt người hiền sĩ đi hết, có ai lo chung với, thì có đủ chi mà thu phục thiên hạ đặng?  Bái Công nghe nói bèn thôi rửa chân, vội vã gài giải áo, mời Lịch Sanh lên ngồi trên, rồi tạ rằng:  Tôi chẳng dè tiên sinh đến thình lình, nên lỗi việc nghinh tiếp, xin tiên sanh chớ chấp. Sau Lịch Sanh giúp Bái Công dụ hàng Trần Đồng, để Trần Đồng dâng cho Bái Công quận Trần Lưu, và lương thảo, binh mã, lại tiến cử Trương Lương với Bái Công. Thế là Lịch Sanh giúp người trên mà vẫn giữ được phẩm giá mình vậy.

 

3. Hào Lục tam.

六 三.     三 人 行. 則 損 一 人. 一 人 行. 則 得 其 友

象 曰.      一 人 行. 三 則 疑 也. 

Lục tam.

Tam nhân hành. Tắc tổn nhất nhân. Nhất nhân hành. Tắc đắc kỳ hữu.

Tượng viết:

Nhất nhân hành. Tam tắc nghi dã.

Dịch.

Ba người đi, bớt một người,

Một người đi, ắt có đôi bạn bè.

Tượng rằng: Một đi sẽ có bạn bè,

Ba đi sẽ có hiềm nghi xen vào.

 

Quẻ Tổn nguyên do quẻ Thái mà sinh. Quẻ Thái trên có tam Âm, dưới có tam Dương. Cửu tam quẻ Thái hoán vị với Thượng Lục quẻ Thái để thành quẻ Tổn, như vậy dưới chỉ còn hai Dương, trên chỉ còn hai Âm, thay vì ba Âm, ba Dương khi trước. Thế là Tam nhân hành. Tắc tổn nhất nhân.  Hào tam, Hào Lục hoán vị với nhau, nhưng Âm, Dương tương ứng, cho nên y như một người đi thì lại gặp được bạn. Thế là Nhất nhân hành. tắc đắc kỳ hữu. Đó là lời giải thích của Trình Tử. James Legge cho rằng:  Hào  này  quả  là  tối  nghĩa quá chừng. Những lời giải đáp của Trình Tử cũng chẳng thỏa đáng là bao. Ta không nên đi sâu vào những khúc mắc của Hào này, ta chỉ đặt câu hỏi: Hào này dạy ta bài học thực tế gì?  Ta thấy ngay rằng Hào này dạy ta nên tổn hữu dư, bổ bất túc. Hào Ba vốn tượng trưng cho nhà quyền quí, giầu có; những phú hào, trưởng giả trong dân, trong nước. Khi cần đòi hỏi dân đóng góp tiền tài, thóc gạo, phải nghĩ khai thác lớp người này, nhiều hơn là khai thác lớp người cùng đinh, lê thứ.

Tượng viết: Nhất nhân hành. Tam tắc nghi dã. (Một người đi được bè bạn, ba người đi sinh nghi ngờ). Trình Tử giải là nên Tổn kỳ dư (Bớt chỗ thừa). Hệ Từ đưa ra ý tưởng phải làm sao đi đến chỗ hợp nhất, nhất trí. (Xem Hệ từ hạ, chương V).

Hội các ý lại, ta luận rằng: Chỉ nên giảm tổn cái hữu dư, chỉ nên đòi hỏi sự đóng góp của những người dư thừa, và cốt sao giữ cho trong nước được đồng tâm, nhất trí, khỏi nghi kỵ lẫn nhau.

 

4. Hào Lục tứ.

六 四 .     損 其 疾 . 使 遄 有 喜 . 無 咎 .

象 曰 .     損 其 疾 . 亦 可 喜 也 . 

Lục tứ.

Tổn kỳ tật. Sử thuyên hữu hỷ.  Vô cữu.

Tượng viết: 

Tổn kỳ tật. Diệc khả hỉ dã.

Dịch.

Giảm điều khiếm khuyết, lỗi lầm,

Càng nhanh, càng khiến đáng mầng, đáng vui.

Vậy thời chẳng lỗi, chẳng sai.

Tượng rằng: Giảm bớt lỗi lầm,

Khiến cho người dưới cũng mừng, cũng vui.

 

Lục tứ chính là địa vị của một vị quan lớn. Làm quan, ở ngôi trên mà biết lo, giảm bớt tật xấu mình (Tổn kỳ tật), sẽ khiến mọi người thích đến với mình (Sử thuyên), vui lòng cộng tác với mình (hữu hỷ), như vậy thời có lỗi chi đâu. (Vô cữu). Người trên mà biết hối quá, biết giảm thiểu tật hư, nết xấu của mình, thật là một điều đáng mừng vậy. Tượng viết: Tổn kỳ tật. diệc khả hỷ dã.

5. Hào Lục ngũ.  

六 五 . 或 益 之 . 十 朋 之 龜 弗 克 違 . 元 吉 .

象 曰 . 六 五 元 吉 . 自 上 佑 也 . 

Lục ngũ.

Hoặc ích chi. Thập bằng chi qui phất khắc vi. Nguyên cát.

Tượng viết:

Lục ngũ nguyên cát. Tự thượng hựu dã.

Dịch.

Khi cần tăng ích cho mình.

Bạn bè kéo đến, tận tình giúp cho.

Rùa thiêng bói chẳng ngược ta,

Trời người không ngược, hóa ra tốt lành.

Tượng rằng: Lục ngũ tốt lành,

Là vì đã được cao xanh hộ trì.

 

Hào Lục ngũ này các lời bình không giống nhau. Trình Tử cho rằng: Ở vào thời Tổn, Lục ngũ ở ngôi tôn, mà vẫn biết trung thuận, biết quên mình mà nghe những lời chỉ bảo của hiền nhân (Cửu nhị). Được như vậy, thì thiên hạ ai chẳng đem hết tâm lực (tổn kỷ) mà làm ích cho mình. Nếu mình muốn tăng ích về chuyện gì (Hoặc ích chi), thì chúng bạn sẽ kéo đến giúp (Thập bằng chi qui phất khắc vi). Khi mọi người đã giúp mình, khi công luận đã tán trợ mình, thời rùa bói cũng không đi ngược lại mình được (Chúng nhân chi công luận tất hợp hồ chính lý, tuy qui sách bất năng vi). Chữ Bằng theo Từ nguyên tự điển là đơn vị tiền tệ khi xưa:  5 vỏ sò là một Bằng,  Bối là vỏ sò (Ngũ Bối vi Bằng). Kinh Thi nói: Tích ngã bách bằng (Tạ ơn trăm bằng) (xem Kinh Thi, Tiểu Nhã, Thanh thanh giả nga, câu 3). Có người hiểu Bằng là đơn vị đo lường, và hiểu Thập bằng chi qui  là con rùa nặng 10 bằng.

 

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 .     弗 損 益 之 . 無 咎 . 貞 吉 . 利 有 攸 往 . 得 臣 無 家 .

象 曰 .     弗 損 益 之 . 大 得 志 也 .  

Thượng Cửu.

Phất tổn ích chi. Vô cữu. Trinh cát. Lợi hữu du vãng. Đắc thần vô gia.

Tượng viết:

Phất tổn ích chi. Đại đắc chí dã.

Dịch.

Đã không giảm bớt, lại thêm.

Ích nhân âu sẽ ấm êm mọi vành.

Chính ngay, vả lại tốt lành,

Làm gì cũng được lợi hanh đủ điều.

Rồi ra dân phục, dân yêu,

Rộng dung khắp nước, nên kêu không nhà.

Tượng rằng: Không bớt, lại thêm,

Thế là đã được phỉ nguyền, thỏa thuê.

 

Hào Thượng Cửu: Chữ Phất tổn ích chi đây có thể hiểu 2 cách:

1. Không làm hao tổn cho dân, mà làm ích cho dân.

2. Không làm hao tổn cho mình, mà vẫn làm ích được cho dân. Giải cả 2 cách đều xuôi.

Người trên mà được như vậy, thời chẳng có lỗi chi, mà lại được ngay lành (Vô cữu. Trinh cát). Rồi ra làm gì cũng hay, cũng lợi; chúng dân sẽ qui phục mình (đắc thần), nhà ai cũng là nhà mình (Vô gia).

Tượng viết: Phất tổn ích chi. Đại đắc chí dã. Không làm dân hao tổn mà chỉ lo làm ích cho dân; làm ích cho dân mà riêng mình không thiệt hại gì, thì đó là sự thỏa thích lớn của người quân tử vậy.

Hào Thượng Cửu này có những chữ Vô cữu. Trinh cát. Lợi hữu du vãng giống như Thoán từ. Lại có chữ Phất tổn ích chi tức là muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng: Tổn dân là một câu chuyện bắt đắc dĩ, cho nên người trên phải lo làm lợi cho dân, chứ đừng nghĩ làm tổn hại cho dân; được như vậy mới là cách cai trị lý tưởng.

ÁP DỤNG QUẺ TỔN VÀO THỜI ĐẠI

Cai trị không phải lúc nào cũng mang lại được phúc lợi cho dân, mà có khi cũng phải làm thiệt hại cho dân, bắt dân đóng góp. Nhưng cái gì cũng phải thời thôi.

Ở Mỹ, vấn đề thuế má thật là chu đáo. Dân đóng thuế theo tỷ lệ của lương bổng, được minh định rõ ràng. Còn chuyện bắt dân làm tạp dịch, hầu như không xảy ra, trừ khi mình đã làm điều gì phạm pháp, khiến đến nỗi như vậy.

Mỗi khi xem TV, tôi thấy dân chúng xưa bị quân sĩ ùa vào nhà bắt dân đi làm tạp dịch như: xây cung điện, đắp đê điều, và dân bị đánh đập thật thảm thương. Thật sự khi xưa, có lúc  họ đã coi dân như cỏ rác. Mạnh Tử nói với Tề Tuyên vương:  Vua mà coi dân như tay, chân; thì dân sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi dân như chó ngựa, thì dân sẽ coi vua như kẻ qua đường. Vua mà coi dân như bùn rác, dân sẽ coi vua như người thù (Mạnh tử. Ly Lâu chương cú hạ, 3).

Cứ nhìn cách người trên đối xử với người dưới, sẽ biết mình trị dân hay, hay dở. Người dân không nên tìm cách trốn thuế, nhà nước nếu không trông vào thuế má của dân, thì lấy gì mà sống, mà lo an ninh cho dân vv...

Tất cả là sự công bằng và sự hòa hài. 


» mục lục | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64