HẠ KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64


 

46.      ĐỊA Phong Thăng 

 

Thăng Tự Quái

升 序 卦

Tụy giả tụ dã.

萃 者 聚 也

Tụ nhi thượng giả vị chi thăng.

聚 而 上 者 謂 之 升

Cố thụ chi dĩ thăng.

故 受 之 以 升

 

Thăng Tự  Quái

Tụy là tụ tập tương liên kim bằng,

Tụ mà thượng tiến là Thăng,

Cho nên Thăng mới theo chân tiếp vào.

 

Sau quẻ Tụy là quẻ Thăng. Sao gọi là Thăng? Tự quái cho rằng: Cái gì mà chồng chất sẽ hóa nên cao dần. Vì thế sau quẻ Tụy là quẻ Thăng. Xét theo thế quẻ, thì quẻ Thăng, trên có quẻ Khôn là Đất, dưới có quẻ Tốn là cây. Cây mọc từ đất vươn dần lên cao, vì thế nên gọi là Thăng. Toàn quẻ Thăng bàn về sự tiến bước của một hiền thần, leo dần các cấp bậc công danh, để mà tiến mãi lên ngôi cao.  Thăng hàm ngụ ý nghĩa cố gắng vươn lên. 

I. Thoán.

Thoán từ.

. 元 亨 . 用 見 大 人 . 勿 恤 . 南 征 吉 . 

Thoán từ: 

Thăng. Nguyên hanh. Dụng kiến đại nhân. Vật tuất. Nam chinh cát.

Dịch.

Thăng là tiến mãi, tiến lên.

Tiến trình thanh thản, chu tuyền hanh thông.

Được người tài đức giúp công,

Thời thôi khỏi phải nhọc lòng âu lo.

Tiến lên, đừng có chần chờ,

Rồi ra mọi sự êm ru, tốt lành.

Thoán từ:  Thăng là thăng tiến, mà đã thăng tiến tất nhiên sẽ hanh thông (Thăng. Nguyên hanh). Muốn tiến lên cần có người trên phù trợ. Được như vậy, sẽ không còn phải lo lắng (Dụng kiến đại nhân. Vật tuất). Cố gắng tiến về phía quang minh, tiến tới một tiền trình cao đại, thời hay, thời tốt biết mấy mươi.

Nam là phía của ánh sáng, của văn minh, nên người Trung Hoa vốn trọng phía Nam. Vua chúa xưa thường quay về phía nam mà trị dân, ý muốn nói trị dân để đưa dân tới quang minh, thịnh trị  (Nam chinh cát). 

 

Thoán Truyện. Thoán viết:

彖 曰 . 柔 以 時 升 . 巽 而 順 . 剛 中 而 應 . 以 大 亨 . 用 見 大 人 . 勿 恤 . 有 慶  . 南 征 吉 . 志 行 也 .

Nhu dĩ thời thăng. Tốn nhi thuận. Cương trung nhi ứng. Thị dĩ đại hanh. Dụng kiến đại nhân. Vật tuất. Hữu khánh dã. Nam chinh cát. Chí hành dã.

Dịch.

Thoán rằng: Nhu tiến theo thời,

Khiêm cung, thuận thảo, thêm tài, thêm hay.

Dưới hay, trên lại liên tài,

Cho nên mọi sự êm xuôi, vẹn toàn.

Dùng người tài đức, mới ngoan,

Rồi ra phúc khánh, muôn vàn khỏi lo.

Tiến lên, đừng có chần chờ,

Đổi điều nguyện ước cho ra thành toàn.

 

Thoán Truyện:  Người dưới muốn tiến lên, cần phải có thời cơ thuận tiện (Nhu dĩ thời thăng). Ví như có gặp loạn lạc, giặc giã, thì anh hùng, Hào kiệt mới có cơ tiến thân. Có gặp khoa thi, thì các anh tài, dân giả mới có cơ nhìn thấy bệ rồng. Muốn tiến lên, cần phải khiêm tốn, quyền biến (Tốn nhi thuận), phải có chân tài, chân đức, lại phải có người trên cố cập (Cương trung nhi ứng), có được như vậy thì đường công danh mới thanh thản, dễ dàng (thị dĩ đại hanh). Trên con đường tiến thân, mà được cấp trên hỗ trợ, thì khỏi còn lo khó khăn, trở ngại và sẽ được phúc khánh (Dụng kiến đại nhân. Vật tuất hữu khánh dã).

Như vậy sẽ thỏa chí tang bồng, vì đường mây đã rộng mở, công danh kia như đã đón chờ ai (Nam chinh cát. Chí hành dã). Mới hay ở đời hữu chí cánh thành, miếng đỉnh chung trời chẳng  riêng ai.

Đọc lịch sử, ta thấy biết bao hàn sĩ trở thành danh nhân, biết bao anh hùng đã xuất thân từ hang cùng, ngõ hẻm. 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . 地 中 生 木 . . 君 子 以 順 德 . 積 小 以 高 大

Tượng viết:

Địa trung sinh mộc. Thăng. Quân tử dĩ thuận đức. Tích tiểu dĩ cao đại.

Dịch. Tượng rằng:

Cây từ lòng đất vươn lên,

Hiền nhân, quântử hãy nên theo đòi.

Theo đường nhân đức hôm mai,

Điều lành tuy nhỏ, tích hoài hóa to.

Chắt chiu kẽ tóc, chân tơ,

Vinh quang cao đại, đón chờ tương lai.

Cây mọc từ đất vươn mãi lên cao, chứng tỏ muôn vật đều  hàm tàng khả năng tiến triển. Người quân tử cũng phải tuân theo định luật ấy của trời đất (Quân tử dĩ thuận đức), sẽ cố đi từ chỗ nhỏ, đến lớn, súc tích điều nhỏ nhặt để dần dần đi đến chỗ cao đại (Tích tiểu dĩ cao đại). Đó là một định luật nhân sinh phổ quát, mà  Nho, Phật, Lão luôn luôn đề cao. 

 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六 .       允 升 . 大 吉 .

象 曰 .       允 升 大 吉 . 上 合 志 也 . 

Sơ Lục.

Doãn thăng. Đại cát.

Tượng viết:

Doãn thăng đại cát. Thượng hợp chí dã.

Dịch.

Tiến lên mà được người tin,

Thế thời tốt đẹp, chu tuyền biết bao.

Tượng rằng: Tiến lên mà được người tin,

Thế thời tốt đẹp, chu tuyền biết bao.

Tiến mà được vậy, hay sao.

Thế là ý hiệp, tâm đầu dưới trên.

 

Hào Sơ Lục. Trình tử giải chữ Doãn là tin theo

Ngự Án (Vua Khang Hi) giải chữ Doãn là được người trên tin mình. Tin theo người trên mà tiến lên, chưa hẳn là đại cát.

Lưu Cẩn và Đại Dụng, muốn tâng công với vua Chánh Đức, để được vua tin dùng, bèn đi thuê một người nhà quê là Trình Bảo đem vào huê viên của vua, để giả làm thích khách. Lưu Cẩn và Đại Dụng nói đó là một màn kịch, nếu Trình Bảo đóng xong sẽ trọng thưởng. Trình Bảo tin thật. Sáng sớm giả làm thích khách, cầm gươm xông vào giết vua. Cốc Đại Dụng và Lưu Cẩn xông vào cứu giá. Trình Bảo trá bại, Lưu Cẩn dượt theo. Trình Bảo hỏi: Trốn đâu?  Lưu Cẩn bảo: Xuống giếng. Trình Bảo trốn xuống giếng, bị Lưu Cẩn chém bay đầu... Như vậy tin người trên, chưa hẳn là Đại  cát. Cho nên,  nơi  đây tôi (tác giả) giải  theo  Ngự Án, là trên con đường tiến thủ, mà được người trên tin yêu mình, sẽ được đại cát. Khảo lịch sử các triều đại, ta thấy có nhiều người vì được cấp trên tin dùng mà đã chóng được cất nhắc. Tượng Truyện giải:  Doãn thăng là dưới trên ý hợp tâm đầu.

 

2. Hào Cửu nhị.

九 二 .       孚 乃 利 用   . 無 咎 .

象 曰 .       九 二 之 孚 . 有 喜 也 .

Cửu nhị

 Phu nãi lợi dụng thược. Vô cữu.

Tượng viết:

Cửu nhị chi phu. Hữu hĩ dã.

Dịch.

Một  lòng thành khẩn, chí trung,

Dầu cho lễ bạc, cũng không quản gì.

Lòng thành, lễ bạc, lỗi chi.

Tượng rằng: Cửu nhị chí trung,

Đó là một sự đáng mừng, đáng vui.

Hào Cửu nhị: đây tượng trưng cho một  vị công thần. Công thần cốt có lòng trung thành với quân vương (Phu)   còn những hình thức bên ngoài có đơn sơ, cũng không lỗi gì (Lợi dụng thược. Vô cữu).

Tống Thái Tổ xưa, phàm trào chính có việc chi quan hệ, lúc đương triều chưa quyết định được, thì ban đêm bất luận khuya sớm, thường mặc đồ tiểu phục , đến dinh các vị công thần mà đàm luận. Một ngày kia, nhằm ngày mồng một tháng giêng năm Cần Đức nguyên niên, Vua đội sương tuyết đến nhà Triệu Phổ, lúc canh ba. Triệu Phổ rước vào, sai gia nhân luộc thịt, rồi đem rượu bạch cúc ra hâm, dọn ra rất đơn sơ, rồi lại xin phép cho vợ ra rót rượu. Vua nói cùng Triệu Phổ rằng: Chỗ này chẳng nên kể việc quân thần, phải đãi nhau như tình huynh đệ mà thôi (Phi Long, trang 639). Đó là Phu nãi lợi dụng thược. Vô cữu.

Tiểu Tượng bình rằng: Công thần mà trung nghĩa là điều đáng mừng vậy. Tượng viết: Cửu nhị chi phu. Hữu hỉ dã. Khâu Kiến An bình rằng: Tuy Hào Cửu nhị không nói đến chuyện Thăng , nhưng khi mà trên dưới đã tin lòng nhau, thì chẳng những là không lỗi gì, mà ắt còn có cái mừng vinh thăng nữa.

 

3. Hào Cửu tam.

九 三 .      升 虛 邑 .

象 曰 .      升 虛 邑 . 無 所 疑 也 .

Cửu tam.

Thăng hư ấp.

Tượng viết: 

Thăng hư ấp. Vô sở nghi dã.

Dịch.

Tiến lên thanh thả, dễ dàng,

Y như vào ấp, vào làng bỏ không.

Hào Cửu tam:  Đối với một người tài trí thông minh thao lược (Cửu tam là Dương Hào), chính đính (Dương Hào cư Dương vị), từ tốn (Cửu tam thuộc quẻ Tốn), vừa lòng cấp trên (ba Hào trên thuộc Khôn là thuận), được cấp trên nâng đỡ (ứng với Thượng Lục)., thời sự thăng tiến cũng dễ dàng như đi vào làng trống vậy (thăng hư ấp). Sở dĩ như vậy, là vì người trên không nghi kỵ mình. Tượng viết:  Thăng hư ấp. Vô sở nghi dã.

 

4. Hào Lục tứ.

六 四 .       王 用 亨 于 岐 山 .   . 無 咎 .

象 曰 .       王 用 亨 于 岐 山 . 順 事 也 .

 Lục tứ.

Vương dụng hanh vu Kỳ Sơn.  Cát. Vô cữu.

Tượng viết: 

Vương dụng hanh vu kỳ Sơn. Thuận sự dã.

Dịch.

Khéo khuôn, khéo xử ở đời,

Văn vương hưng vượng ở nơi núi Kỳ.

Đã hay, còn khỏi tiếng chê.

Tượng rằng: Khéo khuôn, khéo xử ở đời,

Văn vương hưng vượng ở nơi núi Kỳ,

Thế là thuận sự, thuận thì.

 

Hào Lục tứ:  Các nhà bình giải cắt nghĩa Hào này mỗi người một lối, duyên do là tại chữ hanh

- Trình tử đọc hanh là hanh, và giải là  hanh thông.

- Chu Hi đọc hanh hưởng, và giải là tế tự thần minh, phải dùng tâm thành, phải tập trung tinh thần mới cảm thông với thần minh được.

Trình tử giải Hào này đại khái như sau: Lục tứ là một trọng thần kế cận quân vương, chỉ nên giúp cho Vua, một ngày một trở nên tài đức, giúp cho hiền sĩ ở dưới được thăng tiến, còn mình đừng có mong tiến chức nữa. Bởi mong tiến nữa, sẽ bị nghi là bức tiếm quyền của quân vương. Văn Vương đã theo đường lối này khi ở Kỳ Sơn, và nhờ đường lối này mà đã làm mọi sự trở nên thông suốt, đẹp đẽ, tốt lành (Vương dụng hanh vu Kỳ Sơn. Cát. Vô cữu).

Trình tử giải Dụng hanhDụng thử nhi hanh. Như vậy trọng thần giúp cho vua tiến lên, cho người hiền sĩ ở dưới tiến lên về chức vị, còn mình tuy không tiến thêm về chức, nhưng tiến thêm về đạo đức. Trình tử sở dĩ giải Hào này như vậy, chắc là vì thấy trong lịch sử có nhiều trọng thần đã lăng bức quyền vua.

Đọc Tam Quốc, ta thấy Tư Mã Sư mỗi khi vào triều đều đeo gươm lên điện, và vua Ngụy là Tào Phương mỗi khi thấy Tư Mã Sư vào triều thì run bần bật như người bị kim châm sau lưng, có khi còn bước xuống khỏi ngai rồng đón tiếp. Khi các quan tâu trình mọi việc, Tư Mã Sư tự ý quyết đoán không hỏi qua ý vua một câu. Xong rồi Sư ra về, ngang nhiên bước xuống thềm điện, lên xe ra khỏi nội cung, tiền hô hậu ủng có tới vài ngàn người ngựa... (Tam Quốc Chí   Tử Vi Lang dịch trang 1921).

-Wilhelm giải đại khái rằng: vua Văn Vương đã giới thiệu những công thần của vua với thần núi Kỳ Sơn, và đã cho họ được dự khói hương nơi Thái Miếu, bên cạnh vua. Như vậy là công thần thăng tiến, đến mức độ cao nhất rồi, tiếng tăm lẫy lừng trước mặt cả thần minh, lẫn người, và đã lưu danh hậu thế. Giải như Wilhelm cũng có cái hay, vì thực ra các vua chúa xưa cũng thường hay vẽ hình các công thần để lưu lại hậu thế.

-Quang Võ nhà Hán, cho vẽ hình 28 tướng tá đã giúp vua hưng nghiệp, ở cung Vân Đài.

-Càn Đức nhà Đường, cho vẽ hình các công thần treo ở Lăng Yên Các.

-Triết Tông nhà Tống, vẽ hình 39 tướng tài có công dẹp Anh Hùng Lương Sơn Bạc, và treo ở Lầu Huy An.v.v...

. Tượng viết:  Vương dụng hanh vu Kỳ Sơn. Thuận sự dã. Trình tử giải rằng: Đường lối mà vua Văn Vương đã áp dụng khi ở Kỳ Sơn đó là thuận thời, thuận đức mà cư xử vậy.

 

5. Hào Lục ngũ.

六 五 . 貞 吉 . 升 階 .

象 曰 . 貞 吉 升 階 . 大 得 志 也 .

Lục ngũ.

Trinh cát. Thăng giai.

Tượng viết:

Trinh cát thăng giai. Đại đắc chí dã.

Dịch.

Bền lòng, vững chí, mới hay,

Thềm đời nhẹ bước, một ngày một lên.

Tượng rằng:

Bền lòng, vững chí mới hay,

Thềm đời nhẹ bước, niềm tây phỉ nguyền.

Hào Lục ngũ:  Trình tử giải rằng: Quân vương mà biết bền lòng tín dụng hiền tài, thời sẽ tốt đẹp, sẽ có cơ tiến phát mãi, như người có bậc, có thềm đá bước lên.

Tượng viết: Trinh cát thăng giai. Đại đắc chí dã. Trình tử giải rằng:  Nếu biết bền lòng, vững chí ủy nhiệm hiền tài, để tuần tự tiến lên, thì có thể đi đến chỗ thiên hạ đại trị. Thế là đại đắc chí vậy.

 

6. Hào Thượng Lục.

上 六 . 冥 升 . 利 于 不 息 之 貞 .

象 曰 . 冥 升 在 上 . 消 不 富 也 .

Thượng Lục.

Minh thăng. Lợi vu bất tức chi trinh.

Tượng viết:

Minh thăng tại thượng. Tiêu bất phú dã.

Dịch: 

Cực cao, nhắm mắt tiến bừa,

 Ám hôn, chẳng có tri cơ chút nào.

  Tượng rằng:

Tiến nhân, tiến đức, chẳng sao,

 Chính, minh, thượng tiến, thì nào hại chi.

Hào Thượng Lục:  Đã tiến đến cùng, mà còn muốn tiến nữa, tức là tiến mù quáng (Minh thăng). Vậy nên đổi cái lòng vụ lợi, tham cầu không ngơi ấy ra lòng ưa chuộng tiến đức, tiến đạo thì mới hay (Lợi vu bất tức chi trinh).

Tiểu Tượng cho rằng: Thượng Lục sở dĩ tiến một cách mù quáng, vì không biết lẽ tiêu tức của trời đất. Tiến cực dĩ nhiên sẽ tiêu, mà đã tiêu thì làm sao mà giầu có được. Tượng viết: Minh thăng tại thượng. Tiêu bất phú dã. 

ÁP DỤNG QUẺ THĂNG VÀO THỜI ĐẠI

Sống trên đời, luôn phải cố gắng vươn lên. Khi còn trẻ, phải vươn lên về phía công danh, lợi lộc. Lúc ấy, nên có người trên phù trợ. Nhưng tất cả phải chính đáng, ngay thẳng. Khi tóc đã hoa râm, thì phải dùng nửa đời sau, để tiến về tinh hoa, đạo đức. Làm sao để được như 2 câu thơ sau: 

Khi sinh bạn khóc, người cười,

Sống sao khi chết bạn vui, người sầu.

-Về công danh, ta phải kiên trì. Người thông minh học 5 năm, ta kém thông minh ta học 10 năm, miễn sao ta có chí ta sẽ bằng người, và ta luôn luôn tự hào về ý chí của ta.

-Về lợi lộc, ý nói về thương mại, ta phải chịu khó, thật  thà, ngay thẳng và thành tín, và luôn phải học hỏi kinh nghiệm của người đã làm cùng nghề như mình lâu năm. Chớ tự phụ , kiêu ngạo, tự cho mình là giỏi, là không cần ai chỉ dẫn,  thì mới  thành công được.

-Về đạo đức, điều này nếu có thể được, cha mẹ nên trau giồi cho con từ khi còn nhỏ, làm lành, nghĩ lành, và xa lánh làm xấu, nghĩ xấu, dù việc đó là điều nhỏ nhặt, như nói dối, tham lam của người.v.v...Vì quen làm điều lành, nghĩ lành, sau đọc sách Thánh hiền, thì sẽ trở thành người đạo đức.

Còn quen làm ác, và gian tham ngay từ nhỏ, mà cha mẹ lại quá nuông chiều con, lại hay viện cớ con còn nhỏ dại nên chưa cần răn dạy ngay, đợi lúc trẻ khôn lớn thì đã quá muộn, chúng không còn nghe lời người trên nữa. Do đó, chúng dễ dàng bị xa ngã, nếu lại giao du với bạn bè xấu thì hậu quả chúng là những tai hoạ cho xã hội, nếu chúng may mắn mà có công danh chăng nữa, thì chúng cũng chỉ là những viên chức tham ô, hại dân, hại nước mà thôi. Cổ nhân đã có câu:

Dạy con từ thuở còn thơ,

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.

Ngày nay, vì quá bận rộn vì công ăn, việc làm, vì sinh kế, nên không còn thời giờ để săn sóc, dạy dỗ con cái cẩn thận, nên biết bao bậc cha mẹ đã quá đau lòng vì con  mình hư hỏng đến không thể ngờ,  lúc đó đành đổ tại số phận, đành  sống trong tủi nhục cho qua ngày.  


» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64