HẠ KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64


 

52. 艮 為 山  CẤN VI SƠN 

          Bát ThuẦn CẤn

 

Cấn Tự Quái

艮 序 卦

Vật bất khả dĩ chung động.

物 不 可 以 終 動 .

Chỉ chi.

止 之  .

Cố thụ chi dĩ Cấn.

故 受 之 以 艮 .

Cấn giả chỉ dã.

艮 者 止 也 .

 

Cấn Tự Quái

Vật nào chuyển động mãi đây.

Động rồi cũng sẽ có ngày dừng chân.

Cho nên lấy Cấn mà ngăn.

Cấn là ngưng nghỉ, là dừng chẳng đi.

 

Cấn là núi, là ngưng nghỉ, là dừng lại. Sau quẻ Chấn tiếp theo quẻ Cấn, vì sự đời động mãi, cũng có lúc phải ngưng, biến dịch mãi cũng có lúc phải kết thúc.

Quẻ Cấn này nếu hiểu theo nghĩa đen, thì ngớ ngẩn hết sức, nhưng nếu chúng ta dùng cái nhìn toàn bích để nhìn vào quẻ, nếu chúng ta hiểu Huyền nghĩa của quẻ, thì quẻ Cấn trở thành một quẻ rất cao siêu.

Trước hết, nếu ta có cái nhìn toàn bích, ta sẽ nhận  ra rằng:  Dịch Trung Hoa có 2 vòng Dịch Tiên Thiên (Phục Hi), và Dịch Hậu thiên (Văn Vương). Khoa chiêm tinh học Âu Châu cũng có 2 cách nhận định về vòng Hoàng Đạo. Đem đối chiếu, ta sẽ thấy tương quan như sau:

1. Vòng Dịch Tiên Thiên  gồm 8 quẻ của Phục Hi, là Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, sau biến thành 64 quẻ, và vòng Hoàng Đạo 1 (Tiên Thiên) của Tây phương. Ở  2  bản  đồ  phía dưới,  ta thấy chu kỳ biến dịch chia làm 2 chặng:

a. Chặng 1 từ Cấu đến Khôn (hay Tốn đến Khôn), hoặc từ Cự giải đến Nhân mã. Đó là giai đoạn tán của vũ trụ và thoái hóa của con người. Thiệu tử cho rằng Cấu là đầu chặng đường, để con người ra đi, thăm thú Động nguyệt (ngoại cảnh vật chất). Macrobe thì cho rằng Cự giảicửa người (La porte des hommes).

b. Chặng 2 từ Phục đến Kiền, hay từ cung Ma Yết đến cung Song tử. Đó là giai đoạn tụ của vũ trụ, giai đoạn tiến hóa của con người (évolution).

Thiệu tử cho rằng Phục là khi con người thấy được Thiên địa chi tâm, tức là khởi đầu chặng đường qui căn, phản bản. Macrobe cho rằng Ma Yết  là cửa Thần minh (La porte des Dieux)

 

Vòng Dịch Hậu Thiên của Văn Vương, gồm 8 quẻ:  Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Vòng Hoàng Đạo 2 của Tây Phương.  

 

Văn Vương cho rằng con người phải biến thiên theo hướng đi của mặt trời. Cuộc biến thiên bắt đầu từ quẻ Chấn, tức là bắt đầu từ lúc sơ sinh, và kết thúc bằng quẻ Cấntức là ngưng nghỉ nơi chí thiện. Vì thế Thuyết Quái Truyện nói:  Vạn vật xuất hồ Chấn... Cấn. Vạn vật chi sở thành chung nhi sở thành thủy dã. Như vậy, con người có khác nào 1 vì vương tử, cùng với mặt trời đi tuần thú muôn phương, rồi lại trở về cung điện cũ.

Theo vòng Hoàng Đạo, thì sự tiến hóa sẽ đi từ cung Bạch Dương, và kết thúc bằng cung Song ngư. Ông Sénard viết:  Song ngư là cung thứ 12, và là cung sau chót của vòng Hoàng đạo. Đó là Thiên đỉnh, tức là giao điểm của cuộc sống phù sinh và đời sống hằng cửu (M. Sénard, Le Zodiaque. p. 446).

Đó là giai đoạn chót của đời sống huyền đồng. Delacroix viết:  Tiểu ngã bị hủy diệt... và được thay thế bằng 1 nhân cách mới, với một lối  cảm nghĩ và hành động mới... Tâm thần con người bị thay đổi, ngã chấp khởi thủy bị tiêu diệt; thay vào đó thấy thể hiện một tâm thức mới, quảng đại hơn; phàm cách được tan biến trong thiên thể. Thiên thể thay thế cho phàm thể cũ. 

II. Thoán.  

Thoán từ:

. 艮 其 背 . 不 獲 其 身 . 行 其 庭 . 不 見 其 . 無 咎 .

Cấn. Cấn kỳ bối. Bất hoạch kỳ thân. Hành kỳ đình.

Bất kiến kỳ nhân. Vô cữu.

Dịch.

Cấn là dừng lại sau lưng,

Dừng nơi chí thiện, quên thân, quên người.

Bản thân mà đã quên rồi,

Trong sân đi lại, quên người lỗi chi.

Trong con người, mọi bộ phận đều động, duy cái lưng thường bất động. Động thường hay làm ác. Tĩnh thì mới chí thiện; cho nên nói: Cấn kỳ bối, là muốn nói: Chỉ ư chí thiện. Do lòng tư dục, con người mới  phân nhân,  ngã. Dẹp được lòng tư dục rồi, thời chỉ thấy thiên lý, thấy đạo lý, không còn phân nhân, ngã nữa. Thế chính là Bất hoạch kỳ thân. Hành kỳ đình. Bất kiến kỳ nhân vậy.

 

Thoán Truyện: 

彖 曰 . . 止 也 . 時 止 則 止 . 時 行 則 行 . 動 靜 不 失 其 時 . 其 道 光 明 .   . 止 其 所 也 . 上 下 敵 應 . 不 相 與 也 . 是 以 不 獲 其 身 . 行 其 庭  見 其 人 . 無 咎 也 .

Cấn. Chỉ dã. Thì chỉ tắc chỉ. Thì hành tắc hành. Động tĩnh bất thất kỳ thì. Kỳ đạo quang minh. Cấn kỳ chỉ. Chỉ kỳ sở dã. Thượng  hạ  địch ứng. Bất tương dữ dã. Thị dĩ bất hoạch kỳ thân. Hành kỳ đình. Bất kiến kỳ nhân. Vô cữu dã.

 Dịch. Thoán rằng:

Cấn là ngừng nghỉ, thôi đi,

Nghỉ khi nên nghỉ, làm khi nên làm.

Tùy thời động tĩnh, mới ngoan,

Thế thời đạo mới huy quang, rạng ngời.

Cấn là dừng lại nghỉ ngơi.

Dừng chân đứng lại, đúng nơi mới tình.

Dưới, trên, ứng đối phân minh,

Nhưng mà không có tương tranh, tương thừa.

Thế nên, thân cũng như sơ,

Mình, người, ta vẫn hững hờ như không.

Thân mình coi nhẹ lông hồng.

Ngoài sân đi lại, chẳng trông thấy người.

Mình, người, quên lãng cả đôi,

Thế nên mới được êm xuôi, vẹn toàn.

 

Thoán giải thích: Cấn là ngưng lại. Biết ngưng, khi đáng ngưng, biết hành động khi đáng hành động. Động, Tĩnh không lỗi thời, như vậy mới là sáng suốt. Khi chưa tới mức chí thiện, thời phải cố gắng tiến tới, và chỉ ngưng nghỉ khi đã tới mức chí thành, chí thiện. Cấn là ngưng. Ngưng đúng nơi, đúng chỗ, là lý tưởng nhất.

Như Văn Vương, khi làm vua thời nhân; lúc làm bầy tôi thì kính, lúc làm cha thời từ, lúc làm con thời hiếu, khi giao tiếp với người thì giữ tín nghĩa (Xem Đại học, chương III ). Như vậy, quẻ Cấn dạy ta phải cố sống một cuộc đời lý tưởng, xử sự sao cho lý tưởng, và chỉ ngưng nghỉ khi đạt tới lý tưởng. Mà lý tưởng con người là phối Thiên, là đạt Thiên đức, Thiên vị. Quẻ Cấn, quẻ trong, quẻ ngoài đều giống nhau, các Hào đều không có ứng dữ, như vậy đã đạt thế trung hòa. Thế là nhị thể giống in nhất thể, trong ngoài là một, không còn phân biệt mình và người, không còn tương đối, tương đãi. Áp dụng vào nơi con người, thời đó là tình trạng thuần nhất đại đồng, phổ quát, nhĩ ngã bất phân.

Vì thế Thoán viết: Thượng hạ địch ứng. Bất tương dữ dã. Thị dĩ bất hoạch kỳ thân. Hành kỳ đình. Bất kiến kỳ nhân. Vô cữu dã. 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . 兼 山 . . 君 子 以 思 不 出 其 位 .

Tượng viết.

Kiêm sơn. Cấn. Quân tử dĩ tư bất xuất kỳ vị.

Dịch.

Cấn là núi mọc chập chùng,

Quântử cư vị, chứ không ra ngoài.

Tượng Truyện dạy người quân tử không nên mua việc, chuốc lấy tần phiền vào người. Ngược lại, phải lo sao cho đức xứng kỳ vị, và bao giờ cũng cư xử đúng với nghĩa lý, với lý tưởng, và hợp với hoàn cảnh mình đang sống. Như vậy lòng mới bình thản, và  mới có thì giờ, mới có khả năng suy tư và tu đạo.

Con người phải luôn hành xử theo đúng nhân cách, phải dừng lại nơi thiên chân, nơi lương năng, lương tri, nơi bản thể tuyệt đối. Lo gì, nghĩ gì, cũng không nên ra ngoài vấn đề ấy. Con người phải luôn bảo toàn Đạo tâm, Thiên tâm, Thiên tính. Đừng có rời khỏi địa vị cao quí ấy, thế là biết  nơi  Chí  thiện  để dừng chân lại (Phỏng theo Lưu nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân). 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六 .      艮 其 趾 . 無 咎 . 利 永 貞 .

象 曰 .      艮 其 趾 . 未 失 正 也 .

Sơ Lục.

Cấn kỳ chỉ. Vô cữu. Lợi vĩnh trinh.

Tượng viết:

Cấn kỳ chỉ. Vị thất chính dã.

Dịch.

Ngón chân vừa đụng, đã ngừng,

Một lòng minh chính, chưa từng đơn sai, 

Ai người bắt bẻ, chê bai,

Luôn luôn minh chính, vậy thời lỗi chi.

Tượng rằng:

Ngón chân vừa đụng, đã ngừng,

Một lòng minh chính, chưa từng đơn sai.

 

Hào Sơ Lục. Vừa động ngón chân đã biết ngưng (Cấn kỳ chỉ), tức như nói dục tình vừa máy động, đã biết dừng lại, như vậy thời chẳng lỗi. Đây tức là trạng thái một tâm hồn không xa lìa Thiên chân. Nhưng trạng thái này cần được kéo dài, mới hay, mới lợi (Lợi vĩnh trinh). Tượng giải rằng: Dừng nơi ngón chân là chưa mất sự chính đính vậy (Cấn kỳ chỉ. Vị thất chính dã).

 

2. Hào Lục nhị.

六 二 .      艮 其 腓 . 不 拯 其 隨 . 其 心 不 快 .

象 曰 .      不 拯 其 隨 . 未 退 聽 也 .

Lục nhị.

Cấn kỳ phỉ. Bất chủng kỳ tùy. Kỳ tâm bất duyệt.

Tượng viết:

Bất chửng kỳ tùy. Vị thoái thính dã..

Dịch.

Ngừng mà ngừng mỗi bắp chân,

Ngăn trên không được, nên tâm còn phiền.

Tượng rằng:

 Ngăn trên không được, buồn sao,

Vì trên, đâu có dễ nào chịu nghe.

 

Hào Lục nhị. Cấn kỳ phỉ là ngưng nơi bắp chân, nghĩa là mình chỉ kiềm chế được mình. Bất chửng nghĩa là mình chưa kiềm chế được người trên. Kỳ tùy nghĩa là mình còn là kẻ tùy tòng, chưa phải là cấp lãnh đạo, chỉ huy, vì thế nên Kỳ tâm bất duyệt, tức là lòng chẳng sung sướng. Tượng Truyện bình rằng: Mình không kiềm chế được người trên vì người trên đâu chịu nhượng bộ để nghe lời mình  (Bất chửng kỳ tùy. Vị thoái thính dã). Đức Khổng lúc làm quan, tuy là đức độ, nhưng cũng không ngăn  nổi Lỗ  Định  Công và  Quí  Hoàn  Tử mê đắm nữ sắc.

Mạnh Tử khi thuyết lý với Tề Tuyên Vương, cũng phải tùy hứng của Tề tuyên Vương. Tề tuyên Vương nói: Ta có tật ưa của cải, Mạnh Tử cũng nhân đó mà nói: Xưa ông Công Lưu cũng ưa của cải vv... Tề tuyên Vương nói: Ta có tật ưa sắc đẹp, Mạnh tử cũng phải nhân đó mà nói: Xưa ông Thái Công cũng hiếu sắc, ông yêu vợ mình vv...(Mạnh Tử Lương huệ Vương Hạ, 5 ). Rút cục, Mạnh Tử cũng không cảm hóa được Tề Tuyên Vương, và phải bỏ nước Tề mà đi.

Khổng Tử cũng gặp trường hợp tương tự . Ngài bỏ Lỗ sang Vệ, tưởng sẽ cảm hóa được Vệ Linh Công. Nhưng thay vì  hỏi ngài về đạo lý, Vệ Linh Công lại hỏi ngài về trận mạc (LN. 15, 1). Rồi khi đức Khổng nói về đạo lý, thì Vệ Linh Công lại lơ đãng, ngó lên trời xem nhạn bay. (Xem Khổng tử thế gia, năm đức Khổng 59 tuổi).

 

3. Hào Cửu tam.

九 三 .      艮 其 限 . 列 其 夤 . 厲 薰 心 .

象 曰 .      艮 其 限 . 危 薰 心 也 .

Cửu tam.

Cấn kỳ hạn. Liệt kỳ dần. Lệ huân tâm.

Tượng viết :

Cấn kỳ hạn. Nguy huân tâm dã.

Dịch.

Ngừng mà ngừng chỗ ngang hông,

Ngang hông như đứt, nóng lòng, nóng gan.

 

Sự tĩnh lãng tâm hồn phải đến một cách tự nhiên, chứ không phải một cách gượng gạo, gò ép. Không phải ngồi thộn người ra (Cấn kỳ hạn.),   tâm hồn trở nên tĩnh lãng. Trái lại, những phương pháp tập luyện quá đáng, chỉ làm hỏng xương sống, làm cháy tâm can. Thật là nguy hiểm (Liệt kỳ dần. Lệ huân tâm). Hạn là ngang lưng, Liệt là làm đứt, Dần là xương sống, Huân là thiêu đốt, Tâm là tâm can. Tượng cũng bình rằng: Bức bách cơ thể để cho tâm hồn được tĩnh lãng, là việc nguy hiểm, nó sẽ thiêu đốt tâm can   (Cấn kỳ hạn. Nguy huân tâm dã).

Hào này làm ta liên tưởng đến những người luyện võ công không đúng phương pháp, nên đã bị Tẩu hỏa nhập ma, hay những người cố gắng dồn ép dục tình, nên đã sinh bệnh tật.

 

4. Hào Lục tứ .

六 四 .     艮 其 身 . 無 咎 .

象 曰 .     艮 其 身 . 止 諸 躬 也 .

Lục tứ.

Cấn kỳ thân. Vô cữu.

Tượng viết:

Cấn kỳ thân. Chỉ chư cung dã.

Dịch:   

Ngừng mà ngừng được cái mình,

Thế thời lầm lỗi, còn sinh đường nào.

Tượng rằng:

Ngừng được cái mình,

Tức là giữ được tâm tình hẳn hoi.

Nơi trên đầu quẻ, Thoán từ nói: Cấn kỳ bối. Bất hoạch kỳ thân. Đó là giai đoạn vong thân, vong ngã. Hào lục tứ đây chưa đạt tới tình trạng siêu việt ấy, vì hãy còn biết có Thân, Mình.  Tuy nhiên, Lục tứ đã kiềm chế được mình, kiềm chế được dục tình. Như vậy, cũng đã hay rồi (Cấn kỳ thân. vô cữu).

Tượng viết: Cấn kỳ thân. Chỉ chư cung dã. Tượng cho rằng: Lục tứ đã kiềm chế được mình, đã điều khiển được mình. 

 

5. Hào Lục ngũ.

六 五 .     艮 其 輔 . 言 有 序 . 悔 亡 .

象 曰 .     艮 其 輔 . 以 中 正 也 .

Lục ngũ.

Cấn kỳ phụ. Ngôn hữu tự. Hối vong.

Tượng viết:

Cấn kỳ phụ. Dĩ trung chính dã.

Dịch.

Ngừng mà ngừng được cái hàm,

Nói năng chừng mực, phàn nàn, khỏi lo.

Tượng rằng: Ngừng được cái hàm,

Con đường trung chính vẹn toàn, mới hay.

Lục ngũ khuyên nên giữ mồm miệng (Cấn kỳ phụ). Khuyên nên ăn nói cho đường hoàng, nghĩa lý (Ngôn hữu tự). Như vậy, mới tránh được lỗi lầm (Hối vong).

Người xưa, rất cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói. Khi đức Khổng vào thăm miếu của tổ tiên nhà Châu là Hậu Tắc, Ngài thấy ở trước thềm bên phải, có một người vàng, trên mình có khắc mấy lời đại khái như sau:

Đây là tượng một người xưa.

Lời ăn, tiếng nói, đắn đo, giữ gìn.

Gương xưa, ta cũng nên xem,

Nói năng cẩn trọng, hãy nên lo lường.

Rườm lời, sẽ lắm nhiễu nhương.

Ôm đồm nhiều việc, lòng thường xuyến xao.

Tượng viết: Cấn kỳ phụ. Dĩ trung chính dã. Giữ được mồm miệng, thế là đã theo được đường trung chính vậy.

 

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 . 敦 艮 . .

象 曰 . 敦 艮 之 吉 . 以 厚 終 也

Thượng Cửu.

Đôn Cấn. Cát.

Tượng viết:  

Đôn Cấn chi cát. Dĩ trung chính dã.

Dịch.

Ngừng mà ngừng nghỉ đàng hoàng,

Thời hay, thời tốt muôn vàn còn chi.

Tượng rằng: Ngừng nghỉ đàng hoàng,

Cuối cùng, đầy đặn, chững chàng mới hay.

Ngưng nghỉ, mà ở chỗ đầy đặn, hẳn hoi mới tốt. Cấn là sự thành tựu của vạn vật, dĩ nhiên là phải hay, phải tốt. Cho nên Hào Thượng Cửu của quẻ Cấn cũng phải hay, phải đẹp. 

Theo sự nhận xét của Hồ văn Phong, Hào thượng Lục của quẻ Cấn, đem lại cho chúng ta một nguồn hy vọng lớn lao:  Là tới lúc chung cuộc lịch sử, con người sẽ đạt tới hoàn mỹ, và sự biến thiên của vũ trụ cũng kết thúc trong sự hoàn mỹ. Lúc ấy mọi người sẽ được thỏa thuê, mãn nguyện (Bí, Tổn). Đạo trời sẽ phổ quát khắp nơi (Đại Súc).  Mọi người sẽ được phúc khánh (Di). Thật đúng như lời Tượng Truyện:  Lúc nào cũng đầy đặn, chững chàng (Đôn Cấn chi cát. Dĩ hậu chung dã).

ÁP DỤNG QUẺ CẤN VÀO THỜI ĐẠI

Quẻ Cấn dạy ta phải biết dừng chân cho đúng lúc, tức là có ý muốn nói: Con người sinh ra ở đời phải biết tiến hóa về mọi mặt. Chẳng những Tiến hóa cho bản thân mình, mà còn tiến hóa để làm lợi ích cho nhân quần xã hội nữa. Nhưng tới  đúng lúc nào đó, thì phải ngưng.

A-Trước tiên, vì ta là người, nên ta bị vật chất chi phối, nên ta phải tranh đấu để có lợi danh. Từ nhỏ, còn ở học đường, ta  đã  phải  chăm chỉ  học hành, để khỏi thua sút chúng bạn, để cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng. Cha mẹ ta luôn ở cạnh ta, để giáo dục ta về mọi mặt, mong sao cho ta nên người tốt và hữu dụng mai sau. Lớn lên, vì nhu cầu vật chất gia tăng, rồi theo thiên nhiên, ta phải tạo dựng gia đình của riêng ta, nên ta cần phải có tiền để chi dụng, do đó ta phải cố gắng tranh đua để sao cho có danh và lợi. Nhưng điều quan trọng là:  Cách tạo ra danh, lợi đó phải cho minh chính, dù ở địạ vị, hoàn cảnh nào cũng vậy. Một người thợ ngay thẳng, đáng kính trọng hơn một ông quan tòa tham nhũng. Một người làm thương mại ngay thẳng, thì dù nhỏ bé đến đâu, cũng có giá trị hơn một người đầu cơ, tích trữ hoặc gian thương, làm hại dân, hại nước.

Trên đường Lợi Danh, ta phải biết dừng chân đúng lúc. Ví dụ: khi thấy muốn thành công trong một công việc nào đó, mà phải làm người khác thiệt hại, thì ta phải dừng ngay. Nếu ta là người biết suy tư, thì ta sẽ nhận thấy: Cuộc đời là sân khấu, mà ta là diễn viên. Lên sân khấu, mà không đóng nổi vai trò của mình, thì quả thật là diễn viên dở vậy. Mỗi vai trò mình đóng, đó là 1 kiếp luân hồi, nay nếu mình làm sai, hoặc quá đáng, chắc chắn sẽ bị quả báo, không sớm thì muộn vậy. Ví dụ: Một người làm con bất hiếu, làm sao mong sinh được con cái hiếu đễ. Một người chuyên đi lừa đảo người khác, làm sao giữ được của ấy làm giầu, làm sao tránh khỏi bị thiên hạ chê cười.

Tóm lại, những công việc ta làm, những lợi danh ta có, không những hữu ích cho cá nhân,  gia đình ta, mà phải lợi ích cho nhân quần, xã hội nữa. 

B- Sau này, khi tóc đã hoa râm, tức đã quá nửa cuộc đời, thì ta phải biết tiếnhóa chính bản thân ta. Ta phải tiến về bản thể thần minh của ta. Bản thể thần minh này, ai cũng có. Nếu ở nơi người quá tham vật dục, thì nó bị sẽ lu mờ. Nhưng, nếu biết tỉnh ngộ, mà dừng chân lại kịp thời, rồi tu trì, ăn năn, làm việc thiện, để bù đắp lại, may ra còn kịp. Để tâm suy tư, ta sẽ nhận thấy đời sống hiện đại của ta đang tiến về phía thần minh. Ví dụ:

Nhờ sự tiếnhóa của khoa học,  ta có thể dùng điện thoại mà nói với ngưởi khác, dù xa cách trùng dương, một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn là ta muốn giao tiếp với thần minh. Một cuốn băng VIDEO nhỏ bé. cũng thâu được hết sự việc của một triều đại, chiếu lên hình ảnh to nhỏ được như ý muốn. Máy bay giúp con người vượt qua muôn dặm, v.v... Nhưng đồng thời, khoa học  đã chế  tạo ra khí cụ chiến tranh ghê gớm như bom nguyên tử, khinh khí, hơi ngạt, vi trùng, v.v... như vậy còn tai hại hơn Trời giáng bệnh dịch xuống cho nhân loại. Tiếc rằng, Khoa Học tiến quá nhanh, mà Đạo đức lại thụt lùi, tạo ra biết bao gia đình khổ não, dở khóc, dở cười.

Chúng ta, là những người đọc Dịch, nếu để tâm suy tư thì sẽ hiểu Dịch dễ dàng, và nếu tất cả mọi người, trong hành động nhiều ít đều có Dịch, thì Đạo đức sẽ theo kịp Khoa Học vậy. Và theo tôi, (tác giả viết bài này), NGÀY TẬN THẾ  KHÔNG PHẢI LÀ NGÀY NHÂN LOẠI BỊ TIÊU DIỆT, MÀ  LÀ NHÂN LOẠI  ĐÃ TIẾN HÓA VỀ  MỌI  MẶT ĐỂ  LÊN BẰNG THẦN MINH.

Sự tận thế đó, theo tôi chỉ là ám chỉ con người của vật dục,  xấu xa, tội lỗi, ngu dốt,  không còn duy trì, bành trướng được nữa, vì con người của khôn ngoan, tài giỏi, đạo đức, đã dần dần lấn át, thay thế nó. Khoa học tiến nhanh, là để đáp ứng nhu cầu  cho con  người,  vì  con  người  sinh sản quá nhanh, nhưng đến một lúc nào đó con người sẽ sinh sản có chừng mực, hoặc sinh sản tùy theo ý mình muốn, và tuổi thọ sẽ tăng lên (vì khôn ngoan hơn, nên biết giữ gìn hơn). Lúc ấy hạt giống Đạo Đức trong con người sẽ nẩy mầm và phát triển nhanh chóng để theo kịp với Khoa Học.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64