HẠ KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64


 

31. 澤 山   TRẠCH SƠN HÀM  

 

Hàm Tự Quái

咸 序 卦

Hữu thiên địa, nhiên hậu hữu vạn vật. 有 天 地, 然 後 有 萬 物
Hữu vạn vật, nhiên hậu hữu nam nữ. 有 萬 物, 然 後 有 男 女
Hữu nam nữ, nhiên hậu hữu phu phụ. 有 男 女, 然 後 有 夫 婦
Hữu phu phụ, nhiên hậu hữu phụ tử. 有 夫 婦, 然 後 有 父 子
Hữu phụ tử, nhiên hậu hữu quân thần. 有 父 子, 然 後 有 君 臣 
Hữu quân thần, nhiên hậu hữu thượng hạ. 有 君 臣, 然 後 有 上 下
Hữu thượng hạ, nhiên hậu lễ nghĩa hữu sở thố. 有 上 下, .然 後 禮 儀 有 所 錯

 

Hàm Tự Quái

Thoạt tiên có Đất có Trời

Rồi ra vạn vật vạn loài mới sinh.

Loài sinh, nam nữ phân trình,

Có nam, có nữ, sẽ sinh vợ chồng.

Vợ chồng nối kết giải đồng,

Vợ chồng, nên mới có giòng cha con.

Quân thần, do đó, tiếp luôn,

Rồi ra trên dưới, kém hơn, phân trình.

Dưới, trên, lễ nghĩa sẽ sinh,

Tôn ti, đẳng cấp mới thành lễ nghi.

 

Dịch Kinh rất trọng Âm Dương. Đầu Thượng Kinh để hai quẻ Kiền Khôn. Đầu Hạ Kinh để hai quẻ Hàm Hằng.

- Kiền Khôn ở Thượng Kinh còn tách rời nhau để định vị (Kiền Khôn định vị).

Nhưng ở Hạ Kinh, Sơn (Dương), Trạch (Âm) hòa hợp nhau (Sơn trạch thông khí) để thành quẻ Hàm; Phong (Âm) Lôi (Dương) tăng cường lẫn nhau (Phong lôi tương thác) để thành quẻ Hằng.

- Ở Thượng Kinh, Kiền Khôn là khí hóa chi thủy (khí trời đất bắt đầu biến hóa) thời Thoán Truyện quẻ Kiền lại có 4 chữ Phẩm vật lưu hình.

- Ở Hạ Kinh, Hàm là hình hóa chi thủy (hình hài bắt đầu biến hóa) thời lại có 4 chữ nhị khí cảm ứng.  Ý muốn nói Hình và Khí không hề lìa nhau:

Thoán Truyện quẻ Kiền đề cập đến chữ Tính; Thoán Truyện quẻ Hàm nói đến chữ Tình; Thoán Truyện quẻ Phục nói đến Thiên địa chi tâm; Thoán Truyện quẻ Hàm nói đến Nhân tâm. Thế là tính tình không hề xa nhau, Trời người chẳng hề xa nhau, hình khí chẳng hề xa nhau, Âm Dương chẳng hề xa nhau.

Ngoài trời đất, Âm Dương có hòa hài, thì vạn vật mới sinh. Trong nhân quần, Âm Dương có hòa hài thì nhân luân mới có cơ bền vững, xã hội mới có cơ thanh bình.

Ngoài vũ trụ, Âm Dương là đất trời, trong nhân quần, Âm Dương là nam nữ. Vũ trụ là một từ trường bao la, nhân quần là một từ trường rộng lớn. Vạn vật hấp dẫn, cảm ứng nhau không ngừng, nên mới có được ngày nay.

Hàm có hai nghĩa: 1. Là cảm ứng. 2. Là phổ quát.

Cảm ứng phải bằng tâm tình, vì thế chữ Hàm 咸 thêm chữ Tâm 心 là chữ Cảm 感. Cảm ứng bằng tư tình thì không phổ quát, muốn phổ quát phải hư tâm, phải rũ bỏ tư tình, nên chữ Cảm 感 bỏ chữ Tâm 心 đi thành chữ Hàm 咸.

Quẻ Hàm trên là quẻ Đoài , dưới là quẻ Cấn . Đoài là vui thích; Cấn là vững vàng, là thành thực, là thành khẩn.

Đem lòng thành khẩn, thành thực mà cảm người, người sẽ vui lòng đáp ứng. Ta và người cảm ứng lẫn nhau, hòa thuận với nhau thì việc gì cũng thông suốt.

I. Thoán.

Thoán Từ.

咸 . 亨,利 貞,取 女 吉。

Hàm. Hanh. Lợi trinh. Thủ nữ cát.

Dịch.

Lẽ trời cảm ứng mới hay,

Cảm mà chính đáng, lợi nay mới nhiều.

Ví như thiếu nữ mình yêu,

Mình mà lấy được là điều mắn may.

Muốn cảm ứng với nhau cho hay, cho lợi, phải dựa trên nền tảng đạo lý, công chính. Vì thế Thoán Từ nói Hàm hanh. Lợi trinh. Trai gái yêu nhau, thương nhau mà lấy nhau, rồi ra cuộc sống sẽ đẹp đẽ; Thoán Từ tiếp: Thủ nữ cát.

Thoán truyện. Thoán viết:

彖 曰:咸,感 也 . 柔 上 而 剛 下,二 氣 感 應 以 相 與,止 而 說,男 下 女,是 以 亨 利 貞,取 女 吉 也 . 天 地 感 而 萬 物 化 生,聖 人 感 人 心 而 天 下 和 平 . 觀 其 所 感,而 天 地 萬 物 之 情 可 見 矣 .

Hàm. Cảm dã. Nhu thượng nhi cương hạ. Nhị khí cảm ứng dĩ tương dự. Chỉ nhi duyệt. Nam há nữ. Thị dĩ hanh lợi trinh. Thủ nữ cát dã. Thiên địa cảm nhi vạn vật hoá sinh. Thánh nhân cảm nhân tâm nhi thiên hạ hoà bình. Quan kỳ sở cảm. Nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ.

Dịch. Thoán viết:

Hàm là cảm ứng lẽ thường,

Mềm trên, cứng dưới, đôi đường cảm nhau.

Âm Dương nhị khí tương cầu,

Chân thành vui thỏa, trước sau mới là.

Trai tơ nhượng bộ gái tơ,

Nam cầu, nữ ứng, bây giờ mới hay.

Cảm cầu hợp lẽ chính ngay,

Cảm mà chính đáng, lợi nay mới nhiều.

Ví như thiếu nữ mình yêu,

Mình mà lấy được là điều mắn may.

Đất trời rung cảm hoà hài,

Cho nên vạn vật muôn loài hoá sinh.

Thánh nhân cảm hóa sinh linh,

Làm cho thiên hạ hòa bình âu ca.

Xem chiều cảm ứng hiệp hòa,

Đất trời, muôn vật, tìm ra ý tình.

Thoán Truyện định nghĩa chữ Hàm là cảm ứng. Muốn cảm ứng, Âm nhu phải ở trên, Dương cương phải ở dưới: Dương cảm Âm ứng, Dương xướng Âm hòa, nhị khí tương giao, thời Âm Dương mới hòa hợp. Vì thế Thoán Truyện mới nói: Nhu thượng (Đoài là Âm nhu) nhi cương hạ (Cấn là Dương cương); nhị khí tương ứng dĩ tương dự.

Áp dụng vào nhân quần, ta thấy định luật cảm ứng của đất trời cũng hoạt động mạnh mẽ. Trai gái tự nhiên hấp dẫn nhau, mà sự hấp dẫn mạnh nhất, sự cảm ứng mạnh nhất là ở nơi thiếu nam và thiếu nữ. Có cảm ứng, có thương yêu mới tính chuyện vợ chồng sau này. Nếu người con trai mà thành khẩn thương yêu, người con gái sẽ cảm động, sẽ vui vẻ mà đáp ứng. Vả trâu đi tìm cọc, chứ cọc không đi tìm trâu, nên trong bước đầu cuộc tình ái, người con trai phải đi bước trước, phải ngỏ lời trước, phải tỏ tình trước, như vậy mới đẹp đẽ.

Thoán Truyện viết: Chỉ nhi duyệt. Nam há nữ. Thị dĩ hanh. Tuy nhiên tình duyên, hay cảm ứng cũng đặt trên nền tảng đạo lý, sự minh chính, mới tốt, mới lợi. Xưa nay những tuồng trên bộc trong dâu khó đem lại một kết cuộc đẹp đẽ. Lấy nhau phải vì thương yêu nhau, phải có chính nghĩa, chính đạo, muốn gây dựng cho nhau một đời sống đẹp đẽ, hạnh phúc, thì cuộc hôn nhân mới tốt đẹp. Vì thế Thoán Truyện nói tiếp: Lợi trinh. Thủ nữ cát.

Sau đó Thoán Truyện bàn đến tầm quan trọng của sự cảm ứng, của sự hòa hài trong vũ trụ, cũng như trong nhân quần. Vạn vật cũng như con người không thể sống riêng rẽ.

Vì thế người xưa mới nói: Cô Âm tắc bất sinh, cô Dương tắc bất trưởng, cố thiên địa phối dĩ Âm Dương. Nam dĩ nữ vi thất, nữ dĩ nam vi gia; cố nhân sinh ngẫu dĩ phu phụ. Âm Dương hòa nhi hậu vũ trạch giáng; phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành. Tạm dịch:

Cô Âm không thể sản sinh,

Cô Dương không thể hoa vinh, xương phồn.

Cho nên trời đất đôi đàng,

Hòa hài chẳng có quải gàng khi nao

Trai thì tìm gái tất giao,

Gái mong chắp mối tơ đào cùng trai.

Cho nên từ có loài người,

Gái trai phối ngẫu nên đôi vợ chồng.

Âm Dương trời đất hòa đồng,

Rồi ra vũ trạch non sông ơn nhờ.

Vợ chồng chắp nối duyên tơ,

Rồi ra, gia đạo có cơ vững vàng.

Dịch Kinh cho rằng nhờ có khí trời, khí đất hòa hài, nên vạn vật mới có thể hóa sinh, trưởng dưỡng; nhờ ảnh hưởng Thánh nhân cảm hóa tâm hồn con người, nên nhân loại mới được hòa bình thái thịnh. (Thiên địa cảm nhi vạn vật hoá sinh. Thánh nhân cảm nhân tâm nhi thiên hạ hoà bình). Nói cách khác, đất trời không hòa hài, xã hội sẽ tan vỡ.

Thoán còn cho rằng: Cứ xem vạn vật cảm ưng ra sao, sẽ thấy tâm địa, ý tình của chúng (Quan kỳ sở cảm. Nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ.) Lẽ trời là: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Người ưa vật chất sẽ rung cảm dễ dàng vì những vấn đề tinh thần. Cho nên nhìn xem muôn loài ưa thích những gì, rung cảm trước những loại giá trị gì, sẽ xác định được căn cơ của chúng, và thấy được bộ mặt thực của chúng.

Tóm lại Hàm là hòa hài, cảm ứng, để đi đến chỗ phổ quát đại đồng. Hàm là hòa hài cảm ứng; mà cảm ứng là một định luật phổ quát của vũ trụ. Trời đất cảm ứng, Âm Dương cảm ứng, Trai gái cảm ứng, dưới trên cảm ứng. Do đó thánh nhân có thể cảm hóa nhân tâm để đem an ninh lại cho thiên hạ.

Hàm là cảm ứng; nên Hào sơ ứng với Hào tứ; Hào nhị ứng với Hào ngũ; Hào tam ứng với Hào lục, nhất nhất đều là Dương cảm, Âm ứng. Cảm ứng hòa điệu sẽ đem hạnh phúc, ấm êm, thanh bình cho trần thế.

II. Đại Tượng Truyện

象 曰:山 上 有 澤 . 咸 . 君 子 以 虛 受 人 .

Tượng viết:

Sơn thượng hữu trạch. Hàm. Quân tử dĩ hư thụ nhân.

Dịch. Tượng rằng

Hồ trên đỉnh núi là Hàm,

Hiền nhân mở rộng tâm xoang đón người.

Hư tâm đối xử với đời.

(Hư tâm nên mới thảnh thơi hòa đồng.)

Đỉnh núi có rỗng, có trũng thì mới chứa được nước, mới có được hồ nước ở trên. Người quân tử phải trống lòng, mới cảm thông được với mọi người.

Trình Tử cho rằng Hư ở đây là Vô tư, Vô ngã. Có Vô tư, Vô ngã mới hàm chứa được vô biên; bằng như lòng đã có thiên kiến, tư tình, sẽ trở nên hẹp lượng.

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Các Hào đều bàn về lẽ cảm ứng, bàn về các cung cách ảnh hưởng tới tha nhân, có nông, có sâu, có mạnh, có yếu; có lúc hợp thời, có lúc không hợp thời; có khi bao quát, có khi bị giới hạn; mình có thể ảnh hưởng đến người khác bằng tâm thần, hoặc bằng môi miệng.

1. Hào Sơ Lục.

初 六:咸 其 拇 .

象 曰:咸 其 拇,志 在 外 也 .

Sơ Lục. Hàm kỳ mẫu.

Tượng viết:

Hàm kỳ mẫu. Chí tại ngoại dã.

Dịch.

Sơ Lục. Cảm ngón cái chân,

Tượng rằng: Cảm ngón cái chân,

Nghĩa là đã có để tâm tới ngoài.

 

Hào Sơ: Muốn ảnh hưởng đến người, cần phải có nội công, nội lực dồi dào; cần phải làm chi cũ thể để gây ảnh hưởng đối với người. Vì vậy Hào Sơ cho rằng: mới có ý muốn gây ảnh hưởng đối với người mà chưa làm được việc gì cụ thể bên ngoài, thì chưa gây được ảnh hưởng bao lăm. Như ngón chân cái mấp máy, thời làm sao di chuyển được cái chân.

Tóm lại, Hào Sơ cho rằng: Ảnh hưởng lúc này còn quá yếu, chưa có tác dụng nào đáng kể.

 

2. Hào Lục nhị.

六 二:    咸 其 腓,凶,居 吉 .

象 曰:    雖 凶,居 吉,順 不 害 也 .

Lục nhị. Hàm kỳ phì. Hung. cư cát.

Tượng viết:

Tuy hung. Cư cát. Thuận bất hại dã.

Dịch.

Bắp chân cảm động xấu thay,

Ở yên, rồi mới được hay, được lành.

Tượng rằng: Tuy vội chẳng hay,

Ở yên sẽ thuận luật trời, hại chi.

Hào Hai cho rằng: Muốn gây ảnh hưởng nhất là đối với người trên, phải có thời cơ. Khi người trên chưa vời mình, mà mình cầu cạnh để gây ảnh hưởng, để tác động họ, là làm một công chuyện chẳng hay. Cần phải biết ở yên, chờ khi người trên có lời cầu mình đã; lúc ấy lời lẽ, hành động mình mới có thể có ảnh hưởng lớn đối với họ.

 

3. Hào Cửu tam.

九 三:     咸 其 股,執 其 隨,往 吝.

象 曰:     咸 其 股,亦 不 處 也 .  志 在 隨 人,所 執 下 也 .

Cửu tam. Hàm kỳ cổ. Chấp kỳ tuỳ. Vãng lận.

Tượng viết.

Hàm kỳ cổ. Diệc bất xử dã. Chí tại tuỳ nhân. Sở chấp hạ dã.

Dịch.

Cửu tam cảm vế, cảm đùi,

Theo người hành sự, tiếc thôi có ngày.

Tượng rằng: Cảm ở vế đùi,

Cũng chưa giữ được vẻ người thanh cao.

Theo người hành sự lao nhao,

Đi theo hạ cấp, tránh sao tiếng hèn.

Hào Ba bàn tiếp thêm rằng: Muốn gây ảnh hưởng, muốn cảm hóa người khác, trước tiên mình phải là người có nhân cách, biết tự trọng.

Nhược bằng mình chạy theo thị hiếu, thị dục của tha nhân, để thỏa mãn họ, hoặc mình để cho ngoại cảnh, ngoại nhân, dục vọng sai sử, như vậy chẳng hóa ra hèn hạ lắm sao.

 

4. Hào Cửu tứ.

九 四:    貞 吉 悔 亡,憧 憧 往 來,朋 從 爾 思 .

象 曰:    貞 吉 悔 亡,未 感 害 也 . 憧 憧 往 來,未 光 大 也 .

Cửu tứ. Trinh cát hối vong. Đồng đồng vãng lai. Bằng tòng nhĩ tư.

Tượng viết.

Trinh cát hối vong. Vị cảm hại dã. Đồng đồng vãng lai. Vị quang đại dã.

Dịch.

Cảm người một cách tự nhiên,

Mới hay, mới tốt, hết niềm ăn năn.

Còn như cuống quít, lăng xăng,

Bạn bè cảm ứng, công năng chưa đầy.

Tượng rằng:

Quang minh, khinh khoát một lòng, 

Mới hay, mới tốt, mới không phàn nàn.

Đó là cảm ứng đàng hoàng,

Tình riêng chưa có quải gàng lẽ công.

Còn như cuống quít long tong

Bạn bè cảm ứng, đừng hòng quang minh.

Hào cửu tứ là chủ Hào. Ba hào dưới đều mượn những phần thân thể ở nơi chân.

- Hào Sơ nói cảm ở ngón chân cái.

- Hào Nhị nói cảm ở bắp chân.

- Hào Tam nói cảm ở vế đùi.

Duy Hào Tứ này nói cảm bằng tâm hồn. Thực ra Hào Tứ không dùng chữ Tâm một cách rõ rệt, nhưng trong Hào tứ có chữ , trong Tiểu Tượng có chữ Cảm, cả hai đều có bộ Tâm. Hào Tứ cho rằng: Muốn gây ảnh hưởng cho sâu rộng, muốn cảm hóa được mọi người cho sâu rộng, phải theo chính lý, chính đạo, phải gạt bỏ tư tâm. Vì thế Hào Tứ nói: Trinh cát hối vong.

Trình Tử giải chữ Trinh đây là: Trinh chính; Trung Khê Trương thị giải là: Theo lẽ thiên nhiên, trinh nhất chưa phôi pha tư cảm, tư dục, thời mới hay mới tốt. Còn khi mà đã Đồng đồng vãng lai, tư lự, suy tính, cầu cạnh; lo lấy lòng người này, lo o bế người kia thì cái sức cảm ứng của mình nó giảm đi nhiều. Chỉ có một số bạn bè của mình sẽ hưởng ứng mà thôi. Vì thế mới nói: Bằng tòng nhĩ tư. Phàm chưng, làm việc gì mà cứ để cho lòng khinh khoát hồn nhiên không cầu cạnh, thì ảnh hưởng mới mạnh. Càng mở rộng lòng, ảnh hưởng càng mạnh; trời đất đã theo đường lối ấy, vì trời đất chính là vô tâm, không hề tây vị riêng tư ai. (Xem Hệ Từ hạ - chương 5.)

 

5. Hào Cửu ngũ.

九 五:     咸 其 脢,無 悔 .

象 曰:     咸 其 脢,志 末 也 .

Cửu ngũ. Hàm kỳ mỗi. Vô hối.

Tượng viết.

Hàm kỳ mỗi. Chí mạt dã.

Dịch.

Cảm mà ở gáy ở vai,

Tuy không thấm thía, thoát bài ăn năn.

Tượng rằng: Cảm ở gáy vai,

Nghĩa là cảm vật, hợt hời chẳng sâu.

Hào năm, Trình Tử giải rằng: Mỗi là thịt lưng, ở sau tâm, mà chẳng thấy tâm. Nghĩa là nếu quên được tư tâm, không cứ rằng nhìn thấy mới thích, thì sẽ đi đúng được lối chính đáng của bậc nhân quân, vì vậy không có gì đáng trách. Tống bản Thập Tam Kinh đại khái giải rằng: Mỗi ở trên tim và dưới miệng. Cảm ứng bằng tâm thần dĩ nhiên là sâu xa nhất, cảm ứng bằng gáy vai, dĩ nhiên là nông cạn hơn, cảm ứng bằng môi miệng lại càng hời hợt hơn nữa. Như vậy cảm ứng bằng gáy vai, ám chỉ một sự cảm ứng nông cạn, hẹp hòi, tuy không đáng trách, nhưng tỏ ra đương sự không phải là người có khí phách bao lăm. (Chí mạt dã)

 

6. Hào Thượng lục.

上 六:     咸 其 輔,頰 舌 .

象 曰:     咸 其 輔,頰 舌,滕 口 說 也 .

Thượng lục. Hàm kỳ phụ. Giáp thiệt.

Tượng viết.

Hàm kỳ phụ. Giáp thiệt. Đằng khẩu thuyết dã.

Dịch.

Cảm bằng miệng lưỡi mép môi

Tượng rằng: Cảm bằng miệng lưỡi mép môi

Ấy là khua múa, chuốt lời cho hay.

Thượng lục đề cập đến cách cảm hóa con người bằng miệng lưỡi; đó là đường lối tầm thường của tiểu nhân, nữ tử, của Tô tần, Trương Nghi (Xem Dịch Kinh Lai Chú). Thaánh nhân không mấy chuộng đường lối này.

ÁP DỤNG QUẺ HÀM VÀO THỜI ĐẠI

Ngày nay có một số thanh niên ít nghĩ tới hôn nhân, vì tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, hoặc vì không tin tìm được một tình yêu chân thành. Nhưng họ đã nhầm, vì ở đời không có gì quí hơn có một mái ấm gia đình, có người bạn đời, để chia vui sẻ ngọt với mình. Có vài đứa con để quấn quít, vui đùa lúc trẻ và để khỏi cô quạnh lúc tuổi già.

Muốn có tình yêu chân thành của người yêu, và của con cái, thì mình phải tự xét mình, xem mình có thành khẩn mà dành cho họ một tình yêu chân thành của mình không?

Để ca tụng hạnh phúc lứa đôi, Anatole France, một văn sĩ người Pháp, nói rằng: Người vợ là một tình nhân của chồng khi chàng còn trẻ, là người bạn đời khi tuổi chàng đã cao, là người điều dưỡng cho chàng trong tuổi già. Vậy ở tuổi nào người đàn ông cũng có lý do để lấy vợ. (Thế Kỷ 21, trang 52, số 83, tháng 3, năm 1996.)

Tóm lại, hạnh phúc không là của riêng ai, nhưng người nào biết hưởng, mới được hưởng. và hạnh phúc ở trong tầm tay mình đấy thôi.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64