HẠ KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64


 

51. 震 為 雷  CHẤN VI LÔI   

               BÁT THUẦN CHẤN

 

Chấn Tự Quái

震 序 卦

Chủ khí giả mạc nhược trưởng tử.

主 器 者 莫 若 長 子

Cố thụ chi dĩ Chấn.

故 受 之 以 震

Chấn giả động dã.

震 者 動 也.

 

Chấn Tự Quái

Giữ gìn chủ khí, duy người trưởng nam.

Cho nên Chấn tiếp mối giường,

Chấn là chấn động, cương cường vần xoay. 

 

Chấn có nhiều nghĩa: Chấn là sấm, oai trời, trưởng nam, Đông cung Thái tử, là chấn động, phấn động, kinh sợ. Tất cả nghĩa này, đều được dùng trong quẻ Chấn.

Quẻ Chấn tiếp theo quẻ Đỉnh do một sự liên tưởng. Đỉnh là một dụng cu khi tế tự. Chấn là trưởng nam, có thể thay mặt cha tế tự. Vì thế sau quẻ Đỉnh là quẻ Chấn. 

I. Thoán.

Thoán từ.

. . 來 . 笑 言 啞 啞 . 震 驚 百 里 . 不 喪 匕 鬯 .

Chấn. Hanh. Chấn lai khích khích. Tiếu ngôn hách hách.

Chấn kinh bách lý. Bất táng chủy sưởng.

Dịch.

Chấn là chấn động lôi đình,

Làm cho vạn vật phỉ tình hanh xương.

Sấm vang sợ hãi, lo lường,

Rồi ra khúc khích, rộn ràng cười vui.

Sấm vang, trăm dặm sợ oai,

Vẫn thường bình tĩnh, chẳng rơi chén thìa.

 

Sấm trời cốt là để kích thích vạn vật, cho nên theo Trung Hoa, thì ngày xuân phân thường có sấm, để đánh thức côn trùng tỉnh giấc đông miên, để giáo đầu cho ngày Xuân mới tưng bừng trong hoa lá. Vì thế nói: Chấn hanh. Đối với con người, thì những sự kinh mang, chấn động trên đời đều có mục đích thức tỉnh con người biết đề phòng, úy cụ, biết trở lại đường ngay, nẻo chính. Biết sợ oai trời, biết hồi tâm, thuận phục những định luật của đất trời, sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Vì thế Thoán nói:  Chấn lai khích khích. Tiếu ngôn hách hách. Đại khái rằng có biết úy cụ, đề phòng, thời sau mới được hanh thông hoan lạc. Thánh Kinh Công giáo cũng viết: Kính sợ Trời là khởi điểm của sự khôn ngoan (Ps. 110, 10.)

Nhưng sợ để biết đề phòng, để biết tu tỉnh, chứ không phải sợ để tiêu hồn, lạc phách. Cho nên Thoán lại dạy tiếp:  Cần phải bình tĩnh. Những người bình tĩnh khi gặp biến cố, mới đáng mặt trị dân. Ví dụ như: Khi tiếng sấm lớn, vang động, kinh chuyển đến 100 dặm, mà mình vẫn trấn tĩnh được tinh thần, vẫn tiếp tục hành lễ, không bị kinh tâm, đến nỗi đánh rơi mất đồ tế khí (Chấn kinh bách lý. Bất táng chủy sưởng).

 

Thoán Truyện.

彖 曰 . . . 震 來 虩 虩 . 恐 致 福 也 .笑 言 啞 啞 . 後 有 則 也 . 震 驚 百  .  驚 遠 而 懼 邇 也 . 出 可 以 守 宗 廟 社  . 以 為 祭 主 也 .

Chấn hanh. Chấn lai khích khích. Khủng trí phúc dã. Tiếu ngôn hách hách. Hậu hữu tắc dã. Chấn kinh bách lý. Kinh viễn nhi cụ nhĩ dã. Bất táng chủy sưởng. Xuất khả dĩ thủ tông miếu xã tắc dĩ vi  tế chủ dã.

Dịch. Thoán rằng:

Chấn là chấn động lôi đình,  

Khai thông tắc uất, phỉ tình hanh xương.

Sấm vang, sợ hãi, lo lường,

Biết lo, phúc mới có đường sinh sôi.

Rộn ràng, khúc khích, nói cười,

Rồi ra phép tắc, cơ ngơi đàng hoàng.

Lôi đình, trăm dặm kinh mang,

Xa kinh, gần sợ, bàng hoàng đôi nơi.

Ung dung, thìa chén chẳng rơi.

Miếu tông, xã tắc âu tài đảm đang.

Đáng tài gìn giữ miếu đường,

Đáng ngôi chủ tể, chững chàng, uy nghi.

 

Thoán Truyện bình rằng: Trời làm sấm động ra oai, là cốt để cho con người biết khủng cụ, tu tỉnh, sau mới được hạnh phúc (Chấn hanh khủng trí phúc dã).  Con người sau sẽ cười vui, vì hành động đúng theo qui tắc, định luật của trời đất (Tiếu ngôn hách hách. Hậu hữu tắc dã). Câu này thoạt xem ngỡ tầm thường, nhưng thực ra hàm chứa một ý nghĩa hết sức sâu xa, có hiệu quả vô cùng trọng đại. Thật vậy, vũ trụ này được chi phối bằng những định luật nhất định. Có tìm ra được những định luật thiên nhiên, có theo đúng được những định luật thiên nhiên, nhiên hậu mới giải quyết được mọi căn do làm phiền sầu, khổ não con người, mới đem lại được cho con người một đời sống thực sự. Tiếp đến Thoán Truyện bình rằng: Gặp lúc kinh mang, mọi người đều hoảng hốt, riêng Đông cung Thái tử hành lễ thay vua, nếu vẫn giữ được bình tĩnh, thời đáng mặt giữ gìn tôn miếu, xã tắc (Chấn kinh bách lý. Kinh viễn nhi cụ nhĩ dã. Bất táng chủy sưởng. Xuất khả dĩ thủ tông miếu xã tắc dĩ vi tế chủ dã). Người lãnh đạo cần phải bình tĩnh, mới giải quyết công việc quốc gia được.

Một hôm,  vua Đại Võ qua sông Giang,  bị  con  rồng vàng đội thuyền lên, cả thuyền đều sợ. Nhà vua không thay đổi thần sắc, nói: Ta chịu mệnh Trời, một niềm tận tụy vì dân, sống chết của ta là do ý Trời, rồng này làm gì được ta. Thoát thôi, rồng cúi đầu, cúp đuôi lặn đi mất. (Wieger, Textes Historiques, tome 1,  pp.38- 40) 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . .     . 君 子 以 恐 懼 修 .

Tượng viết:

Tấn Lôi. Chấn. Quân tử dĩ khủng cụ tu tỉnh.

Dịch. Tượng rằng:

Chấn là sấm động liên hồi, 

Lo lường quân tử chau dồi tấm thân.

Người quân tử phải biết sợ oai trời, mỗi khi thấy sấm động, sét vang, phải biết sợ hãi và tu tỉnh. Tứ thư, Ngũ kinh chuyên dạy người:

1. Kính sợ trời.

2. Tu tỉnh.

Đức Khổng cũng đã làm gương sự úy cụ oai trời. Khi có sấm dậy, gió to thì mặt ngài biến sắc (Tấn lôi. Phong liệt. Tất biến  (Hương đảng X, câu 16). Kính sợ là cốt để tu sửa tâm hồn, tâm hồn được tu sửa sẽ trở nên quang minh chính đại. 

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

Sáu Hào bàn về ý nghĩa của sự kinh cụ, và thái độ nên có, khi gặp trường hợp kinh mang. Đại khái:

1. Sự kinh cụ có mục đích chuyển hóa con người (Hào Sơ).

2. Lúc gặp kinh mang, phải biết thủ thân vi đại (Hào nhị).

3. Lúc gặp kinh mang, nên lo cải  tà qui chánh (Hào tam)

4 . Lúc gặp kinh mang, phải chấn tĩnh tinh thần, chứ đừng để tiêu ma hào khí (Hào 4).

5. Gặp lúc kinh mang, phải hành xử cho phải, cho khéo (Hào 5).

6. Lâm nguy, phải biết đề phòng, phải biết cải thiện đường lối (Hào 6)

 

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 .      震 來 虩 虩. 後 笑 言 啞 啞 . .

象 曰 .      震 來 虩 虩. 恐 致 福 也 . 笑 言 啞 啞 . 後 有 則 也 .

Sơ Cửu.

Chấn lai khích khích. Hậu tiếu ngôn hách hách. Cát.

Tượng viết:

Chấn lai khích khích. Khủng trí phúc dã.

Tiếu ngôn hách hách. Hậu hữu tắc dã.

Dịch. Sơ Cửu.

Sấm vang, sợ hãi, lo lường,

Rồi ra khúc khích, rộn ràng cười vui.

Khúc kha, khúc khích, nói cười,

Rồi ra, mọi sự xong xuôi, tốt lành.

Tượng rằng:

Sấm vang, sợ hãi, lo lường,

Biết lo, phúc mới có đường sinh sôi.

Rộn ràng, khúc khích, nói cười.

Rồi ra, phép tắc, cơ ngơi đàng hoàng.

Hào Sơ này hoàn toàn nhắc lại lời của Thoán từ. Để nhấn mạnh lại một lần nữa ý nghiã của sự sợ hãi:

1. Có biết sợ hãi, mới biết đề phòng, mới biết ăn ở cho phải đạo

2. Ăn ở phải đạo, xử sự hợp lý sẽ được hạnh phúc.

3. Như vậy, sự sợ hãi, sự kinh mang trên đời là cái hay, chứ không phải cái dở. Con người, nếu cứ sống mãi trong hoan lạc, sẽ trở nên ù lì, ủy mị, cho nên thỉnh thoảng cũng phải cho họ kinh mang, như vậy họ mới biết lo lắng đề phòng, mới biết phấn tâm cầu tiến.

 

2. Hào Lục nhị.

六 二 . 震 來 厲 . 億 喪 貝 . 躋 于 九 陵 . 勿 逐 . 七 日 得 .

象 曰 . 震 來 厲 . 乘 剛 也 .

Lục nhị.

Chấn lai lệ. Ức táng bối. Tê vu cửu lăng. Vật trục. Thất nhật đắc.

Tượng viết:

Chấn lai lệ. Thừa cương dã.

Dịch.

Sấm vang nguy hiểm mấy mươi,

Bao đồ tế nhuyễn, đi đời nhà ma.

Gò cao trốn chạy cho xa,

Chẳng tìm của mất, rồi ra cũng về.

Bảy ngày, của lại được y.

Tượng rằng:

Sấm vang, nguy hiểm mấy mươi.

Nguy vì đã cưỡi lên người Dương cương.

Hào Lục nhị đặt câu hỏi: Gặp lúc kinh mang, nên giữ của hay nên giữ mạng sống?  Trả lời:  tất nhiên sẽ phải bỏ của cải (Ức táng bối), để mà cao chạy xa bay (Tê vu cửu lăng),  thủ thân vi đại. Người mà còn,  thì của cũng sẽ còn, vì người làm ra của, chứ của chẳng làm ra người.(Vật trục. Thất nhật đắc).

Tượng viết: Chấn lai lệ. Thừa cương dã. Theo Tượng Truyện, thì sự kinh mang xẩy ra thường là vì mình vô tài, mà lại ăn trên, ngồi chốc người có tài. Theo Dịch, thì Thừa cương chẳng có bao giờ hay. Xin xem các quẻ, các Hào sau đây để so sánh:  Truân Lục nhị, Dự Lục ngũ, Phệ hạp Lục nhị, Khốn Lục tam.

 

 3. Hào Lục tam.

六 三 .       震 蘇 蘇 . 震 行 無 眚 .

象 曰 .       震 蘇 蘇 . 位 不 當 也 .

Lục tam.

Chấn tô tô. Chấn hành vô sảnh.

Tượng viết:

Chấn tô tô. Vị bất đáng dã.

Dịch.

Sấm vang, ngơ ngác, ngác ngơ,

Sợ run, bỏ ác quay ra làm lành.

Làm lành, tai hại hết sinh.

Tượng rằng:

Sấm vang, ngơ ngác, ngác ngơ,

Bởi vì ngôi vị đang là dở dang.

Hào Lục tam mô tả hạng người gặp nguy cơ, thời thất thần, hốt hoa hốt hoảng (Chấn tô tô). Thất thần, hốt hoảng dĩ nhiên là không hay. Nhưng nếu biết nhân dịp này mà cải tà qui chính, thì chẳng có gì đáng trách (Chấn hành vô sảnh). Tượng viết: Chấn tô tô vị bất đáng dã. Không có tài đức xứng ngôi vị, gặp lúc kinh mang, sẽ hốt hoảng không biết lui tới ra sao.

 

4. Hào Cửu tứ.

九 四 .      震 遂 泥 .

象 曰 .      震 遂 泥 . 未 光 也 .

Cửu tứ.

Chấn toại nê.

Tượng viết:

Chấn toại nê. Vị quang dã.

Dịch.

Chấn không động, lại đắm chìm,

Tượng rằng:

Chấn không động, lại đắm chìm,

Chưa thông sáng đủ, cho nên sa lầy.

 

Hào Cửu tứ. Có những người gặp lúc kinh mang, muốn phấn động để làm chủ tình thế, nhưng vì tinh thần chưa đủ mạnh, nên không sao thoát khỏi thế kẹt, y như người chìm đắm giữa gian nguy, chưa có kế thoát thân. Tượng Truyện bình rằng: Bê bết, mắc kẹt, là vì chưa đủ sáng suốt (Chấn toại nê. Vị quang dã).

 

5. Hào Lục ngũ: 

六 五 . 震 往 來 厲 . 億 無 喪 . 有 事 .

象 曰 . 震 往 來 厲 . 危 行 也 . 其 事 在 中 . 無 喪 也 .

Lục ngũ.

Chấn vãng lai lệ. Ức vô táng hữu sự.

Tượng viết:

Chấn vãng lai lệ. Nguy hành dã. Kỳ hung vô cữu. Úy lân giới dã.

Dịch.   

Sấm vang, đi lại hiểm nghèo,

Nhưng không mất mát, vẫn điều nên công.

Tượng rằng:

Sấm vang, đi lại hiểm nghèo,

Nghĩa là đi đứng cheo leo, nguy nàn.

Chữ trung, ghi tạc tâm xoang,

Sẽ không mất mát, chu toàn trước sau.

 

Hào Lục ngũ. Gặp lúc kinh mang, tiến lui đều nguy hiểm, nếu biết xử sự cho hay, cho khéo, thời cũng chẳng mất mát gì, mà còn có thể nên công. Tượng viết: Chấn vãng lai lệ. Nguy hành dã. Kỳ sự tại trung. Đại vô táng dã. Lục ngũ tuy gặp nguy, nhưng vì đắc trung, tức là biết xử cho hay, cho phải, cho nên chẳng mất mát, thiệt hại gì.

 

6. Hào Thượng Lục.

上 六 .      震 索 索 . 視 矍 矍 . 征 凶 . 震 不 于 其 躬 .

               于 其 鄰 . 無 咎 . 婚 媾  有 言 .

象 曰 .      震 索 索 . 未 得 中 也 . 雖 凶 無 咎 . 畏 鄰  戒 也 .

Thượng Lục.

Chấn tác tác. Thị quắc quắc. Chinh hung. Chấn bất vu kỳ cung. Vu kỳ lân. Vô cữu. Hôn cấu hữu ngôn.

Tượng viết:

Chấn tác tác. Trung vị đắc dã. Tuy hung vô cữu. Úy lân giới dã.

Dịch.

Sấm vang từng trận ầm ầm,

Nhớn nha nhớn nhác, thất thần nhìn quanh.

Ra đi, âu sẽ chẳng lành,

Mình đâu bị sấm, sấm hành lân bang.

Phòng xa, âu sẽ chu toàn,

Mặc lời đàm tiếu, họ hàng nhỏ to.

Tượng rằng: Sấm động ầm ầm,

Sợ vì xử sự chưa nhằm, chưa hay,

Tuy rằng: Chẳng được mắn may,

Nhưng mà cũng chẳng đơn sai, lỗi lầm.

Gương người, nên lấy làm răn.

 

Hào Thượng Lục. Gặp lúc kinh mang đến cực độ, tinh thần có thể bị thất tán, dung mạo có thể bị phờ phạc, lúc ấy làm gì cũng dở (Chấn tác tác. Thị quắc quắc. Chinh hung). Hay hơn hết là phải biết liệu lý, khi họa chưa cập thân, thấy người mắc nạn, phải lấy đó làm bài học, sửa sang lề lối cho kịp thời, tránh họa hoạn cho đúng lúc, mới là biết xử, còn chuyện người ta phê bình chỉ trích, chẳng nên quan tâm (Chấn bất vu  kỳ cung. Vu kỳ lân. Vô cữu. Hôn cấu hữu ngôn).

Tượng viết: Chấn tác tác. Trung vị đắc dã. Tuy hung vô cữu. Úy lân giới dã. Lúc gặp  kinh  mang, mà mất tinh thần, thời dĩ nhiên là chưa có một thái độ lý tưởng. Nhưng nếu biết trông gương người mà tự răn, tự nhủ, thì cũng chẳng có gì là đáng trách.  

ÁP DỤNG QUẺ CHẤN VÀO THỜI ĐẠI

Phải biết kính sợ trời. Mỗi lần nghe thấy sấm sét, thì là Trời muốn thức tỉnh vạn vật nói chung, và loài người nói riêng, để họ phải tự xét mình mà sửa đổi những lỗi lầm đang mắc.

Nói gần hơn, là dạy ta phải biết kính trọng cha mẹ, và phải biết nghe lời cha mẹ. Trên đời này, chỉ có tình của cha mẹ đối với con cái là chân thật hơn cả. Vợ, chồng, anh, em, con, cháu, bè bạn, kẻ ăn người ở trong nhà, đều có thể phản ta, lừa gạt ta; chỉ có cha mẹ ta là không bao giờ lừa gạt ta, hại ta. Khi ta lầm lỗi, cha mẹ trách mắng ta, đó là chỉ muốn cho ta hay, và khi đó cha mẹ rất đau lòng vì những lỗi lầm của ta. Cha mẹ phải vất vả, bôn ba trong cuộc sống, phần lớn là lo cho con có một đời sống đầy đủ và vững chắc hơn. Nhưng phận làm con đã lo được gì cho cha mẹ?  Chẳng những thế có nhiều người con đã chẳng kể gì những lời khuyên răn của cha mẹ, mà còn coi những lời dạy bảo đó là lỗi thời, lạc hậu, mà chỉ nghe những lời của bè bạn xấu xúi bẩy, để rồi đưa cuộc đời mình vào chỗ không lối thoát.

Tóm lại,  như  khi Trời  nổi  sấm là có ý cảnh tỉnh ta. Vậy khi cha mẹ dạy bảo ta, là cảnh tỉnh ta, do đó có la mắng ta, thì ta đừng cãi lại, làm cho cha mẹ đau lòng. Có đôi lúc lời răn dạy đó cũng nóng nẩy, vội vã, nhưng dù sao cũng phát ra tự lòng thương con, sợ con bị nguy hại, nên phải cản ngăn con đó thôi. Vậy bổn phận làm con, mỗi khi bị cha mẹ rầy la, phải bình tâm xem lời răn dạy đó có đúng không?  Bậc cha mẹ là những người từng trải hơn ta, lẽ dĩ nhiên có kinh nghiệm trong cuộc sống hơn ta, nên những lời dạy dỗ đó không nhiều thì ít cũng có lợi ích cho ta. Vì vậy, ta phải kịp thời sửa đổi những lỗi lầm của ta nếu có, để cho cha mẹ vui lòng, và để ta khỏi hối hận, phàn nàn về sau.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31  32  33  34  35  36  37  38  39  40  41  42  43  44  45 

  46  47  48  49  50  51  52  53  54  55  56  57  58  59  60  61  62  63  64