HẠ KINH
Nhân Tử
Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
»
Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ
31 32
33 34
35 36
37 38
39
40 41
42 43
44
45
46
47
48 49
50 51
52
53 54
55 56
57
58 59
60 61
62
63
64
64.
火
水 未 濟
HỎA THỦY VỊ TẾ
Vị Tế Tự
Quái |
未 濟 序 卦 |
Vật bất khả
cùng dã. |
物 不 可 窮 也 |
Cố thụ chi
dĩ Vị Tế |
故 受 之 以 未 濟 |
Chung
yên. |
終 焉 |
Vị Tế Tự Quái
Sự đời hồ dễ có
biên, có cùng.
Nên đem Vị
Tế làm chung,
Tuy
chung, mà vẫn vô cùng, mới hay.
Quẻ Vị Tế ở sau
quẻ Ký Tế, và cuối cùng 64 quẻ Dịch, có một ý nghĩa sâu sa. Thánh
Hiền không để quẻ Ký Tế kết thúc bộ Kinh Dịch, mà lại để quẻ Vị Tế, là
cốt cho ta thấy sự đời vô cùng, vô tận, trí con người khó mà lường
được, mà giới hạn được. Sự đời biến dịch chẳng cùng: Trị mà sơ hở,
sẽ sinh loạn. Cho nên, cuối quẻ Dịch, Thánh nhân để quẻ Vị
Tế, muốn khuyên ta đừng bao giờ ngừng cố gắng, đừng bao giờ quên
lo liệu, đề phòng.
Ngự Án bình
rằng: Vị Tế là công việc còn dang dở chưa thành tựu. Sự dang
dở sở dĩ có là vì các Hào chẳng đúng vị ngôi. Hào Âm ở vị Dương, Hào
Dương ở vị Âm, cũng y như trong xã hội, sự dang dở sẽ sinh ra là vì
người hay ở địa vị dưới, người dưới ở địa vị trên, thành thử mọi người
đâm ra ngỡ ngàng khó xử.
I. Thoán.
Thoán từ.
未 濟 . 亨.
小 狐 汔 濟. 濡 其 尾 .
無 攸 利 .
Vị Tế. Hanh. Tiểu hồ ngật tế. Nhu kỳ vĩ. Vô du lợi.
Dịch.
Vị Tế là
việc chưa thành,
Chưa thành, vẫn
thấy tiến trình hanh thông.
Cáo con hùng hổ
vượt sông,
Để cho đuôi
ướt, thời không lợi gì.
Vị Tế mà hanh,
là vì ngày nay mọi sự còn bế tắc, dang dở, nhưng rồi đây, nhờ sự cố
gắng, mọi sự lại trở nên thông suốt, xuôi xắn, hẳn hoi (Vị Tế.
Hanh). Nhưng muốn ra tay gây dựng cơ đồ, không thể hăm hăm, hở
hở, mà phải có mưu lược, phải biết ước lượng những gian nguy, những
khó khăn, mình sẽ gặp, và phải trù liệu trước những phương cách, để
lướt thắng những khó khăn đó.
Hăm hở, liều
lĩnh, chỉ chuốc lấy thất bại, y thức như con hồ con, thiếu kinh
nghiệm, thấy sông đã đóng băng, liền hăm hở vượt qua; nó có biết đâu
nhiều chỗ sông hãy còn là nước, vì thế mà hụt chân, đến nỗi ướt cả
đuôi, như vậy làm sao mà hay được (Tiểu hồ ngật tế. Nhu kỳ vĩ. Vô
du lợi).
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰 .
未 濟 . 亨 .
柔 得 中 也 . 小 狐 汔 濟
. 未 出 中 也 . 濡 其 尾
. 無 攸 利 .不 續 終 也
. 雖 不 當 位 .剛 柔 應 也
.
Vị Tế. Hanh. Nhu đắc trung dã. Tiểu hồ ngật tế. Vị xuất trung dã. Nhu kỳ vĩ. Vô
du lợi. Bất tục chung dã. Tuy bất đáng vị. Cương nhu ứng dã.
Dịch. Thoán
rằng:
Vị Tế mà được hanh thông,
Là vì Nhu được
ngôi trung đàng hoàng.
Cáo con sông
vội vượt sang,
Cái vòng gian
hiểm, nguy nàn chưa qua.
Ướt đuôi, mọi
chuyện bê tha,
Dở dang, dang
dở, khó mà nên công.
Tuy rằng ngôi
vị long đong,
Cứng mềm ứng
hợp, vả không quải gàng.
Thoán.
Vị Tế mà
hanh là vì Hào Lục ngũ là nhu đắc trung (Vị Tế hanh. Nhu đắc trung
dã).
Ví
dụ: Như thời Vương Mãng chiếm ngôi nhà Hán, có Lưu Tú muốn phục hưng
cơ đồ. Lưu Tú là con người hết sức khéo léo, mềm mỏng, lại là dòng
dõi tôn thất nhà Hán, vì thế nên Lưu Tú qui tụ được nhiều anh tài, và
sau khôi phục được cơ đồ nhà Hán. Nhưng lúc mới bắt đầu thời kỳ Vị
Tế, không nên hăm hở làm liều, y như con hồ con qua sông, mà vẫn chưa
thoát được vòng nguy hiểm (Tiểu hồ nhật tế. Vị xuất trung dã).
Nếu mới đầu mà sơ xuất như hồ ướt đuôi, thì khó mà tiếp tục công
việc đến kỳ cùng vậy (Nhu kỳ vĩ. Vô du lợi. Bất
tục chung dã).
Vị Tế tuy dang dở, vì chẳng có Hào nào xứng ngôi, xứng vị, nhưng
sẽ hanh thông, vì các Hào đều ứng hợp nhau. Trở lại trường hợp Lưu
Tú, hay các vua chúa lập quốc, ta thấy buổi đầu mọi sự còn dở dang,
chếch mác, nhưng nhờ có hiền tài, lương tướng phụ bật, nên cuối cùng
cũng thành công, thành sự.
II. Đại Tượng
Truyện.
Tượng viết.
象
曰 .
火 在 水 上 . 未 濟 .
君 子 以 慎 辨 物
居 方 .
Hỏa tại thủy
thượng. Vị Tế. Quân tử dĩ thận biện vật cư phương.
Dịch. Tượng
rằng:
Vị Tế nước dưới,
lửa trên,
Quân tử biện vật, phải nên rạch ròi.
Biện phân cẩn
thận, hẳn hoi.
Xếp cho đâu
đấy, cơ ngơi rõ ràng.
Hỏa trên, nước
dưới, là Vị Tế. Quân tử nhân đó cẩn thận biện phân sự vật cho đâu ra
đấy. Thủy Hỏa không liên lạc, mỗi bên hoạt động một chiều, nên không
thành công. Muốn làm nên sự việc, ta phải xem xét, học
hỏi tính chất mỗi vật, để dùng cho đúng lúc, đúng nơi. Muốn đảo
lộn thời cuộc cho Vị Tế trở thành Ký Tế, chính là chỗ biết dùng người,
chỗ biết đặt người cho đúng ngôi, đúng vị.
Khi vua Câu Tiễn
đi hàng Ngô Phù Sai, đình thần nghị luận cho Phạm Lãi theo hầu, còn
Văn Chủng ở nhà làm Tướng quốc trị dân; Khổ Thành chịu trách nhiệm về
tư pháp; Duệ Dũng giữ việc ngoại giao; Học Tấn đảm trách việc đàn
hạch; Chư Trình thống lĩnh ba quân; Cao Như lo phủ ủy dân tình, tích
trữ lúa gạo vv...Vì ai đáng vào ngôi đó, cho nên nước Việt không bị
diệt vong, và dần dần lại phục hồi được.
Cho nên dùng
người đúng nơi, đúng chỗ, dùng vật cho phải chốn, phải thời, chính là
yếu tố sẽ mang lại thành công.
III. Hào từ &
Tiểu Tượng Truyện
1.
Hào Sơ Lục.
初 六
.
濡 其 尾
. 吝 .
象 曰
.
濡 其 尾
. 亦 不 知 極 也 .
Sơ Lục.
Nhu kỳ vĩ. Lận.
Tượng viết:
Nhu kỳ vĩ. Diệc bất tri cực dã.
Dịch.
Cái đuôi
đã ướt mất rồi,
Sự tình như thế, vậy thời hổ thay.
Tượng rằng: Đuôi đã ướt rồi,
Cũng vì chẳng
biết đến nơi, đến cùng.
Sơ Lục.
Hồ qua sông,
mà để ướt đuôi là đáng trách, người bắt tay vào việc mà để hỏng
chuyện, cũng là đáng trách (Nhu kỳ vĩ. Lận).
Lưu Tú, tức Quang Võ, muốn phục hưng nhà Hán, ông xuống kinh đô
để dự thi võ nghệ, lập kế. Nhưng khi vào trường thi, thấy Vương Mãng,
đã nổi xung lên, dương cung định bắn. Ông liền bị Vương Mãng bắt, may
có Đậu Dung xin tha cho, không thì làm gì còn đời Quang Võ, và làm gì
có nhà Đông Hán.
Nhu kỳ vĩ. Diệc
bất tri cực dã,
là mới
đầu vụng xử, đến nỗi hỏng việc, như hồ qua sông để ướt đuôi thì dốt
vậy.
2.
Hào Cửu nhị.
九 二
.
曳 其 輪
. 貞 吉 .
象 曰
.
九 二 貞 吉
. 中 以 行 正 也 .
Cửu nhị.
Duệ kỳ luân. Trinh cát.
Tượng viết:
Cửu nhị trinh cát. Trung dĩ hành chính dã.
Dịch.
Hãm cho
bánh chạy bớt đà,
Mới là minh
chính, mới là phải hay.
Tượng rằng:
Cửu nhị phải
hay,
Đã hùng, lại xử
cho ngay, cho lành.
Cửu nhị.
Mặc dầu là
thời cơ đã thuận tiện, nhưng lượng sức mình chưa đủ, phải biết kiềm
chế mình, như vậy mới hay. (Duệ kỳ luân. Trinh cát).
Khi nước Ngô, đã
bắt đầu suy yếu, Việt Vương Câu Tiễn muốn khởi binh đi đánh Ngô. Phạm
Lãi can rằng: Thời cũng gần tới rồi, nhưng xin Chúa công dạy tập quân
lính thêm, vì đánh hay phải có quân giỏi, mà muốn cho quân giỏi, phải
tập đủ nghề, nào là kiếm kích, nào là cung võ. Nếu không có thầy hay
dạy tập, thì không rành nghề được. Việt Chúa nghe lời, bèn cho đi
rước thầy về rèn binh sĩ, và hoãn đánh nước Ngô (Đông Châu liệt quốc,
Võ minh Trí dịch trang 962). Tượng Truyện cho rằng: Cửu nhị
sở dĩ hay, là vì đã biết xử phải (Cửu nhị trinh cát. Trung
dĩ hành chính dã).
3.
Hào Lục tam.
六 三
.
未 濟
. 征 凶 . 利 涉 大 川
.
象 曰
.
未 濟 征 凶
. 位 不 當 也 .
Lục tam.
Vị tế. Chinh hung. Lợi thiệp đại xuyên.
Tượng viết:
Vị
Tế chinh hung. Vị bất đáng dã.
Dịch.
Trong khi mọi chuyện dở dang,
Mà còn vồ vập, lam làm thời hung.
Còn như vượt
sóng, qua sông,
Tính bề thoát
hiểm, thời không hại gì.
Tượng rằng:
Trong khi mọi chuyện dở dang,
Mà còn vồ vập,
lam làm thời hung.
Vị ngôi lóng
ngóng, lung tung.
Vị ngôi chẳng
xứng, nên không ra gì.
Lục tam
là Hào nhu mà cư Dương vị, nên không đúng ngôi, đúng vị; lại còn ở nội
quái là Khảm,là nguy hiểm, tức là còn trong vòng nguy hiểm. Đã kém
tài đức, ở trong vòng nguy nan, mà đã vội vẫy vùng, thời chẳng hay
(Vị tế chinh hung). Trên nói là Chinh hung, mà tiếp theo
lại nói là Lợi thiệp đại xuyên, thì ý nghĩa tương phản nhau. Có lẽ phải nói rằng Bất lợi thiệp đại xuyên mới phải.
Các nhà bình
giải chia làm hai phái. Một phái như Trình tử, thì để nguyên câu
Vị Tế chinh hung. Lợi thiệp đại xuyên mà giải, và cho
rằng Chinh hung (dở dói chẳng hay), là vì tài chẳng đủ, còn
Lợi thiệp đại xuyên (qua sông vẫn lợi), là vì lúc này là
lúc có thể hoạt động được.
Một phái như
Chu Hi, Bồ Dương Lưu, Hồ vân Phong thì hiểu câu này như là Vị Tế
chinh hung. Bất lợi thiệp đại xuyên. Bồ dương Lưu bênh vực quan
điểm này như sau: Lục tam ở vào cực điểm của hiểm nạn, nên chưa có
thể thoát hiểm, lại Âm nhu thất vị, không đủ tài để đối phó với hoàn
cảnh, thế mà lại cầu tiến, như vậy ắt là hung, thì làm sao mà còn có
thể vượt qua gian nguy được. Đã nói rằng: không thể hoạt động; hoạt
động là hung, mà lại nói có thể vượt sông lớn (Vượt gian hiểm
được),như vậy là phản nghĩa nhau. Chu Hi cho rằng trước chữ
Lợi phải có chữ Bất, thế mới đúng.
Đại khái ba Hào
dưới quẻ Vị Tế đều chưa thể thoát hiểm, Hào tam cũng như Hào Sơ đều là
Âm nhu chi tài không đủ sức thoát hiểm, chỉ có Cửu nhị là có tài,
nhưng lại chưa được thời, nên biết kiềm chế mới hay. Suy ra thì chắc
chắn là Lục tam không thể nào vượt gian nguy được (Phi lợi thiệp đại
xuyên khả tri dĩ).
Vị Tế chinh
hung. Vị bất đáng dã,
là chưa
đúng ngôi vị, thì sao hoạt động cho hay được.
4.
Hào Cửu tứ.
九 四
.
貞 吉
. 悔 亡 . 震 用 伐 鬼 方
. 三 年 有 賞
于 大 國
.
象 曰
.
貞 吉 悔 亡
. 志 行 也 .
Cửu tứ.
Trinh cát hối vong. Chấn dụng phạt Quỉ phương.
Tam niên hữu thưởng vu đại quốc.
Tượng viết:
Trinh cát hối vong. Chí hành dã.
Dịch.
Bền lòng,
vững chí mới hay,
Chính trinh, mới khỏi đơn sai, lỗi lầm.
Quỉ phương
chinh phục ba năm,
Rồi ra đại quốc
thưởng công, thưởng tài.
Tượng rằng:
Bền lòng, vững chí mới hay,
Chính trinh,
mới khỏi đơn sai, lỗi lầm.
Thế là công
việc xứng tâm.
Thế là chí
nguyện đang tầm thực thi.
Cửu tứ là một trọng thần, trên được vua tin dùng, lại gặp thời cơ
thuận tiện hơn, vì bước gian nan lúc đầu đã vượt qua đươc rồi (đã ra
khỏi quẻ Khảm, đã tiến đến quẻ Ly), nên dĩ nhiên là có thể dẹp loạn,
cứu đời. Tuy nhiên vẫn phải minh chính, mới hay, mới tốt (Trinh cát
hối vong). Lúc ấy phải hết sức gắng công, mà dẹp loạn tứ phương,
dầu phải đến nước xa xôi, hiểm trở như Hung Nô cũng chẳng từ (Chấn
dụng phạt quỷ phương). như vậy rồi ra sẽ được triều đình tưởng
thưởng (Tam niên hữu thưởng vu đại quốc). Đó là trường hợp
Quang Võ. Khi đã đủ binh hùng, tướng mạnh, liền giết Vương Mãng, rồi
đánh Vương Lãng ở Hàn Đan, dẹp Xích My ở Trường An vv... Lưu Tú vất vả
lắm, rồi sau mới được phong làm Tiểu vương, và cuối cùng mới lên ngôi
Hoàng Đế. Trinh cát hối vong. Chí hành dã là Cửu tứ hay,
chính vì toại được chí nguyện. Như ta đã thấy Vua Quang Võ chinh
đông, dẹp bắc , thu gồm giang sơn về một mối. Đó là thực hiện được
chí nguyện vậy.
5.
Hào Lục ngũ.
六 五
.
貞 吉
無 悔 . 君 子 之 光
. 有 孚 . 吉 .
象 曰
.
君 子 之 光
. 其 暉 吉 也 .
Lục ngũ.
Trinh cát vô hối. Quân tử chi quang. Hữu phu. Cát.
Tượng viết:
Quân tử chi quang. Kỳ huy cát dã.
Dịch.
Theo
đường tốt đẹp, thẳng ngay,
Rồi ra sẽ hết
đơn sai, lỗi lầm,
Quang huy, quân
tử rỡ ràng,
Thực tài, thực
đức, hiên ngang tốt lành.
Tượng rằng:
Quân tử quang hoa,
Quang hoa chiếu
rõ, thật là lành thay.
Lục ngũ
mà minh chính, ngay lành, là vì người quân tử đã phát quang huy, lại
có thực tài, thực đức (Trinh cát vô hối). Khi Quang Võ đã dẹp
xong Vương Mãng, chư tướng đều muốn cho ông lên ngôi. Trong một bữa
tiệc, Cảnh Nhĩ dâng lên một biểu chương, có những lời sau đây: Nay
Chúa công sớm nối giang sơn cho chư tướng được phỉ dạ đợi trông, cứu
sinh dân nơi đồ thán, giải lê thứ lúc đảo điên. Rõ ràng Quang Võ đã
gây được tín nhiệm và uy thế đối với chư tướng. (Quân tử chi quang
. Hữu phu. Cát).
Quân tử chi
quang. Kỳ huy cát dã
là tài đức mà đã
như hào quang chói lọi ra ngoài, thì làm gì mà chẳng tốt.
6.
Hào Thượng Cửu.
上 九
.
有 孚 于 飲 酒
. 無 咎 . 濡 其 首
. 有 孚
失 是
.
象 曰
.
飲 酒 濡 首
. 亦 不 知 節 也 .
Thượng Cửu.
Hữu phu vu ẩm tửu. Vô cữu. Nhu kỳ thủ. Hữu phu
thất thị.
Tượng viết:
Ẩm
tửu nhu thủ. Diệc bất tri tiết dã.
Dịch.
Hãy tin
tài đức của mình,
Uống ăn, tiêu
sái, mặc tình lỗi chi.
Vùi đầu, chìm
đắm, đam mê,
Thế là tự tín.
có bề quá đa.
Tượng rằng:
chè chén, vùi đầu,
Thế là tiết độ,
còn đâu nữa là.
Thượng Cửu.
Khi
đã làm cho thời Vị Tế, trở thành Ký Tế rồi, thời công trình hầu như đã
hoàn thành, thì cũng có thể sống vui vẻ. Còn như phóng túng say sưa,
thì là tự tín quá mức, và không còn hợp lẽ phải nữa.
Dịch kinh luôn
luôn dạy con người cảnh giới, đề phòng, dầu thịnh mấy cũng không được
buông lung, theo dục vọng Đại Tướng Ngô Hán lâm bệnh nặng gần
chết. Vua Quang Võ đến thăm và hỏi: Tướng quân có lời chi mà nói với
trẫm chăng? Ngô Hán đáp: Tôi ngu muội không có trí thức bao nhiêu,
duy muốn cho bệ hạ phải dè dặt mà thôi. Nói xong liền qua đời. (Xem
Đông Hán Diễn nghĩa. Thanh Phong dịch, trang 255). Thế là Ngô Hán
muốn khuyên vua dẫu đã bình trị được thiên hạ, cũng vẫn phải luôn cẩn
trọng.
Lại một hôm,
Quang Võ cùng quần thần tổ chức đi vào núi săn hổ, đến đêm mới về. Khi về đến thành, quan giữ cửa lớn là Chất Huân, nhất định không cho
vào, vua đành phải đi một cửa nhỏ khác mà vào thành. Hôm sau, Chất
Huân vào triều tâu rằng: Xưa vua Văn, vua Võ chẳng dám đi săn bắn,
chơi bời, là vì lấy muôn dân làm trọng. Nay Bệ hạ lại săn bắn xa xôi,
nơi chốn rừng núi luông tuồng, lấy đêm mà làm ngày, vậy thì lấy chi
cho vững bền xã tắc. Vua khen Chất Huân là hiền sĩ, và thưởng cho một
trăm cây gấm vóc, và giáng chức vị quan đã mở cửa cho vua vào thành.
.(Xem Đông Hán diễn nghĩa, Thanh Phong dịch trang 250)
Ẩm tửu nhu
thủ. Diệc bất tri tiết dã, là vùi đầu vào rượu chè, thế là
không biết tiết độ vậy. Xưa Nghi Địch làm rượu ngon, một hôm dâng lên
vua Đại Võ. Vua nếm xong, liền đuổi Nghi Địch ra khỏi triều ca, và
nói rằng sau này sẽ có vua chúa mất nước vì rượu.
Cả quẻ Vị Tế
này, Thánh nhân không ngớt khuyên ta thận trọng và
cố gắng. Cuối cùng lại khuyên ta đừng làm gì trái nghì, trái tiết,
trái lý vậy.
ÁP DỤNG QUẺ VỊ TẾ VÀO THỜI
ĐẠI
Vị Tế là 1 quẻ có
những ý nghĩa sâu sa, trí con người khó mà đo lường được. Thánh nhân
làm quẻ Vị Tế chỉ muốn khuyên ta: Đừng bao giờ ngừng cố gắng, đừng
bao giờ quên lo liệu đề phòng.
Tôi
(tác giả mục Áp dụng vào thời đại), đã suy tư nhiều, nay mang tất
cả những kinh nghiệm gởi lại cho quí vị (những người bạn thân,
cùng chí hướng là nghiên cứu Dịch, ở thời đại này, hoặc mai sau cùng
thưởng lãm).
Thật vậy,
nhiều khi ta thấy mọi sự trên đời, mới đầu diễn tiến rất đẹp, vì người
chủ chốt đã suy tư nhiều trước khi tạo dựng ra nó, thế mà bỗng nhiên
thấy sụp đổ, và đi đến tan vỡ, không còn cứu vãn được nữa. Tại
sao?
Chỉ tại ta khi
đắc chí, thì tự mãn, không còn cố gắng, hoặc đề phòng mọi sự việc sẽ
có thể xẩy ra sau đó mà thôi, và tại ta không theo đà tiến hóa của
nhân loại.
I. Về phương
diện 1 Quốc gia.
Một nước mà quá
lạc hậu vì người cầm đầu kém tài, hoặc óc còn bảo thủ, cầu an, thì
trước sau gì cũng đưa dân, nước vào sự suy sụp, nghèo nàn, lạc hậu,
trước sau gì cũng bị nước láng giềng mạnh hơn xâm chiếm, hoặc bị các
Liệt Cường xâu xé, bắt nạt (Ví dụ: Trung Hoa về cuối đời Mãn Thanh).
II. Về phương
diện thương mại.
Một cơ sở thương
mại rất lớn, đã đứng vững cả nửa thế kỷ, thế mà tại sao đùng
một cái lại tuyên bố bị phá sản. Tại sao?
Theo
thiển ý của tôi, vì thiếu những lý do sau đây:
Vì những người cầm đầu, cứ theo nếp cũ làm, không chịu cải
tiến cho hợp với nhu cầu, vừa với túi tiền của dân chúng ( điều này
rất quan trọng).
a/.
Nên hàng tháng, hoặc ít nhất 6 tháng 1 lần, phải lấy ý
kiến của nhân viên trong hãng và cho giải thưởng tượng trưng, để
khuyến khích những ai có ý kiến hay, và để biết trong đám nhân viên ai
là người có tài năng thật sự, ai là người có thể cộng tác lâu dài với
mình, để mình biết sử dụng người đúng cách. Lâu lâu, độ
3, 4 năm lại xin ý kiến cải cách của dân chúng, để xem
trào lưu lúc đó dân chúng muốn gì, thích loại hàng gì, để mình cải
tiến cho hợp thời, và để cho mình đừng mua vào những hàng có thể ứ
đọng không bán được sau đó không xa.
b/.
Phải tìm người giỏi để cộng tác . Những người này có thể thay
mình mà điều khiển hãng, nên phải là người mưu trí, nhưng lương
thiện. Nên lấy người từ cấp dưới trở lên, vì họ có nhiều kinh
nghiệm. Đừng nên thu nạp nhân viên vào cấp cao, vì cảm tình, hoặc vì
liên hệ anh em, họ hàng.
c/. Xử dụng nhân viên phải có tình, đừng vắt chanh bỏ vỏ,
khiến người ta lúc nào cũng lo sợ bị sa thải, thì làm sao họ có thể
tận tụy với mình được.
III.
Về phương diện gia đình.
Trong gia đình,
khi khá giả, cũng đừng nên tiêu xài hoang phí, phải luôn đề phòng lúc
thất thế, hoặc hoạn nạn có thể xẩy ra. Phải luôn học hỏi thêm, để
theo kịp đà tiến hóa của nhân loại, và để bảo đảm cho đời sống trong
gia đình được vững bền.
Tóm lại, sự
thành bại trong đời ta là do ta, chứ không phải do Trời; nên nếu ta
biết đề phòng, và luôn cố gắng thì coi như ta đã theo đúng lời dậy của
quẻ Vị Tế vậy.
»
Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ
31 32
33 34
35 36
37 38
39
40 41
42 43
44
45
46
47
48 49
50 51
52
53 54
55 56
57
58 59
60 61
62
63
64
|