47.
澤
水
困
TRẠCH THỦY KHỐN
Khốn Tự Quái |
困
序 卦 |
Thăng nhi bất
dĩ tất Khốn. |
升 而 不 以 必 困 |
Cố thụ chi dĩ
Khốn. |
故 受 之 以 困. |
Khốn Tự Quái
Lên cao cao mãi, đành rằng tai ương,
Cho nên Khốn tả nhiễu nhương...
Tiếp sau quẻ Thăng,
là quẻ Khốn. Tại sao gọi bằng Khốn? Theo Tự Quái thì Thăng quá
sẽ bị khốn. Chữ Khốn có chữ Mộc nằm trong bộ Vi. Đó là 1 cây bị tù
túng không vươn lên được.
Quẻ Khốn trên có
Đoài, dưới có Khảm. Nơi quẻ Đoài, thì 1 Hào Âm khuất lấp 2 Hào Dương,
nơi quẻ Khảm thì hai Hào Âm chèn ép một Hào Dương ở giữa. Vì thế
nên gọi bằng Khốn. Khốn tức là Quân tử bị tiểu nhân đè nén, khuất lấp.
I. Thoán.
Thoán từ.
困
. 亨 . 貞 .
大 人 吉 . 無 咎 .
有 言 不 信 .
Khốn. Hanh. Trinh. Đại nhân
cát. Vô cữu. Hữu ngôn bất tín.
Dịch.
Khốn cùng, nhưng vẫn hanh thông,
Trung trinh, quân
tử khốn cùng vẫn hay.
Khốn cùng, mà vẫn
thẳng ngay,
Tuyệt nhiên không
có đơn sai, lỗi lầm.
Gặp thời điên đảo
phong trần.
Hãy nên kín
miệng, nói năng ích gì.
Thoán từ:
Khốn là khốn
đốn. Khốn đốn trước mắt phàm phu, thời là cùng cực lao lung, nhưng
trước mắt Thánh hiền, thì khốn vẫn mang lại sự hanh thông. Thật vậy,
thân tuy khốn, nhưng phẩm giá vẫn vẹn toàn. Đạo vẫn cao, đức vẫn
trọng, vẫn để được tiếng thơm muôn thuở, đó là trường hợp Nguyễn Tri
Phương, Võ Tánh vv...
Khốn mà vẫn Hanh,
vì sự khốn khổ là một phương tiện để đào luyện tâm thần một cách hữu
hiệu. Mạnh Tử viết: Hễ trời định phó thác trách nhiệm lớn lao cho
người nào, trước hết làm cho người ấy phải khổ não tâm trí, lao nhọc gân
cốt, đói khát, cầu bơ cầu bất, nghèo nàn, thiếu hụt trước sau, và làm
cho rối loạn điên đảo các cuộc hành vi của người ấy. Như vậy đặng phát
động lương tâm của người, kiên nhẫn tính tình của người,
và gia tăng tài đức còn khiếm khuyết của người.
Thế
thường, người ta trước có lầm lỗi, rồi sau mới có thể sửa đổi. Trước có
khốn đốn, nơi tâm tư hoạnh nghịch mới mưu lự, rồi sau mới hưng thịnh...(Mạnh
Tử Cáo Tử Chương cú hạ, 15). Tuy nhiên, chỉ có người quân tử khi
gặp lúc cùng khốn, mới giữ được tròn khí tiết, mới xử sự đường hoàng,
không ai chê trách được, còn tiểu nhân ắt là không như vậy. Thoán Từ
nói: Trinh. Đại nhân cát. Cũng y như Luận ngữ nói:
Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỹ (Luận Ngữ XV, 1). Lúc
cùng khốn, lúc thất thế, mình có nói gì cũng chẳng ai tin mình (Hữu
ngôn bất tín). Như vậy, thà kín tiếng, xẻn lời thì hơn.
Thoán Truyện.
Thoán viết:
彖 曰
. 困 . 剛 掩 也 .
險 以 說 . 困 而 不 失 其 所 . 亨
. 其 唯 君 子 乎 ? 貞 大 人 吉
. 以
剛 中 也 . 有 言 不 信 .
尚 口 乃 窮 也 .
Khốn. Cương yểm
dã. Hiểm nhi duyệt. Khốn nhi bất thất kỳ sở hanh.
Kỳ duy quân tử
hồ. Trinh đại nhân cát. Dĩ cương trung dã.
Hữu ngôn bất tín.
Thượng khẩu nãi cùng dã.
Dịch.
Khốn là cứng bị mềm che,
Tuy trong gian
hiểm, thỏa thuê khác nào.
Khốn cùng, mà vẫn
thanh tao,
Trừ phi quân tử,
nhẽ nào hanh thông.
Khốn cùng, mà vẫn
trinh trung,
Phải là quân tử,
mới mong tốt lành.
Gặp thời cùng
khốn, điêu linh,
Sắt son, trung
chính, thế tình mấy ai?
Chẳng
nên cả tiếng, lắm lời,
Bạ mồm, có thể
họa tai khôn cùng.
Thoán Truyện
trước hết giải thích chữ Khốn, và cho rằng khốn là Dương cương bị
khuất lấp. Dương cương là ánh sáng, là người quân tử, cũng y như nói
ánh sáng bị che khuất, quân tử bị tiểu nhân đàn áp, bưng bít. (Khốn
cương yểm dã). Gặp hiểm nguy, mà vẫn yên vui, vẫn giữ lòng an bình,
thanh thản, thì chỉ có người quân tử mới làm được như vậy (Hiểm nhi
duyệt. Khốn nhi bất thất kỳ sở hanh. Kỳ duy quân tử hồ). Đó là
trường hợp đức Khổng bị vây 5,7 ngày ở Trần, Thái mà vẫn đàn ca, (Sử ký
Tư Mã Thiên, Khổng tử thế gia), hoặc Nhan Hồi sống trong ngõ hẹp với 1
giỏ cơm, 1 bầu nước mà vẫn lấy làm ung dung, sung sướng (Luận Ngữ, VI,
9).
Người quân tử,
gặp cảnh khốn cùng, vẫn giữ được lòng minh chính,
vẫn giữ được lòng sắt son, như vậy mới hay (Trinh. Đại nhân cát). Họ tuy gặp cảnh khốn cùng, vẫn là đại nhân. Diogène, sống trong ống
cống, với chiếc bát để ăn uống;
được vua Alexandre đến thăm, ông xin vua một ân huệ là đứng lui ra, đừng
lấp ánh mặt trời của ông.
Gặp nguy hiểm,
khốn cùng, có nói cũng chẳng ai tin, nên dẫu có khua múa cũng chỉ chuốc
lấy hoạ hại. Tiết Nhân Quí bị Lý Đạo Tông, là em vua Đường Thái
Tôn bày mưu hại. Lý Đạo Tông giả chiếu chỉ triệu Tiết Nhân Quí về
trào, mời về dinh dự tiệc, chuốc rượu mê cho say, và vu cho
rằng định hãm hiếp và cố sát Quận Chúa. Đường Thái Tông nổi giận
đòi chém, mà có đợi cho Tiết Nhân Quí biện bạch được lời nào đâu.
II. Đại Tượng
Truyện
象 曰
. 澤 無 水 . 困 .
君 子 以 致 命 遂 志 .
Tượng viết:
Trạch vô
thủy. Khốn. Quân tử dĩ trí mệnh toại chí.
Dịch. Tượng
viết:
Khốn là nước rút
khỏi chầm,
Khốn cùng, quân
tử xả thân vẹn nghì.
Hồ mà không có
nước, thì cá lấy đâu mà sống, người lấy nước đâu mà dùng nên ắt khốn. Người quân tử suy ra rằng, lúc cùng khốn phải biết coi thường sinh mạng,
để bảo tồn đạo nghĩa (Quân tử dĩ trí mệnh toại chí). Trình
tử cho rằng: Gặp nguy mà biết đó là Mệnh Trời, thời sẽ bình
tĩnh tự thủ, không đến nỗi xao xuyến tâm thần, còn không thời sẽ
mất tinh thần, và sẽ mắc kẹt trong tai ách. Giải như vậy cũng
hay.
III. Hào từ &
Tiểu Tượng Truyện
1.
Hào Sơ Lục.
初 六
.
臀 困 于 株木
. 入 于幽 谷 . 三 歲 不
.
象 曰
.
入 于 幽 谷
. 幽 不 明 也 .
Sơ Lục.
Đồn khốn vu chu mộc. Nhập vu u cốc. Tam
tuế bất địch.
Tượng viết:
Nhập vu u
cốc. U bất minh dã.
Dịch.
Mông trần, gốc trụi ngồi nhằm,
Vào trong hang
tối ba năm thấy gì?
Tượng rằng:
Hang tối đi vào,
Thế là dốt nát,
chứ nào thông minh.
Hào Sơ Lục
tượng trưng một người mắc khốn, mới đầu không hiểu vì đâu mà có tai bay,
vạ gió như vậy, thực là như ngồi phải chông, phải cọc (Đồn khốn vu
chu mộc), như lạc vào hang sâu (Nhập vu u cốc), đến 3 năm, mà
cũng chẳng thấy được nẻo ra, chẳng thấy được người cứu (Tam tuế bất
địch). Đó là trường hợp Tiết Nhân Quí bị Lý đạo Tông hãm hại như đã
nói trên, và phải giam cầm nơi thiên lao 3 năm tròn. (Nhập vu u cốc). Nhiều khi mình mắc hoạ hoạn, chính là vì mình không sáng suốt (U bất
minh dã).
2.
Hào Cửu nhị.
九 二 .
困 于 酒 食
. 朱 紱 方 來 . 利 用 亨 祀
. 征
凶 .
無 咎 .
象 曰 .
困 于 酒 食
. 中 有 慶 也
Cửu nhị:
Khốn vu tửu thực. Chu phất phương lai. Lợi dụng hưởng tự. Chinh
hung. Vô cữu.
Tượng viết:
Khốn vu tửu
thực. Trung hữu khánh dã.
Dịch.
Ngoài tuy ăn uống, rượu chè,
Nhưng mà lòng vẫn
ủ ê, buồn phiền.
Rồi ra vua sẽ lưu
liên,
Rồi ra tất đỏ có
phen gặp mình,
Lòng thành cảm
động thần minh,
Nhưng đừng vội vã
tiến hành việc chi.
Vội làm hung họa
có khi,
Mình làm, mình
chịu, kêu gì được ai.
Tượng rằng:
Rượu chè, mà vẫn khốn nàn,
Một lòng trung
liệt, chứa chan phước lành.
Hào Cửu nhị
tượng trưng là 1 bậc công thần, tuy bên ngoài vẫn sống trong nhung lụa,
vẫn ăn sung, mặc sướng, nhưng không vì thế mà vui được, trái lại nhiều
khi vẫn buồn khổ (Khốn vu tửu thực). Buồn khổ, có khi vì vận
nước điêu linh, nhân dân đồ thán, có khi vì thù nhà chưa báo. Những
người như vậy, rồi ra sẽ được quân vương cố cập (Chu phất phương
lai). (Chu phất là mảnh vải điều bao đầu gối của vua chúa). Trong
khi chờ đợi, hãy tâm thành van vái thần minh (Lợi dụng hưởng tự).
Nếu vội vàng hành động, sẽ mang họa và không đổ lỗi cho ai được
(Chinh hung vô cữu). Ví như Ngũ Tử Tư dẫu là mưu thần của Hạp Lư,
nhưng bao lâu chưa đem quân về phá Sở được, để báo thù cho cha là Ngũ
Xa, thì lòng vẫn rầu rĩ, khôn khuây. Thế là Khốn vu tửu thực.
Sau này, Hạp Lư cũng phải chiều ý, mà cất quân đánh Sở, giúp cho Ngũ Tử
Tư báo thù. Thế là Chu phất phương lai. Tuy nhiên, từ lúc lập
chí báo thù, cho đến khi thực hiện được chí hướng ấy, cần 1 thời gian
dài, nếu làm vội vã sẽ thất bại. Thế là Vãng hung vô cữu.
Tượng Truyện bình
rằng:
Cơm rượu ê hề, mà vẫn thấy lòng đau đớn, những người có lòng thành như
vậy sẽ cảm động được đất trời, nên rồi ra cũng sẽ được phúc khánh
(Khốn vu tửu thực. Trung hữu khánh dã).
3.
Hào Lục tam.
六 三 .
困 于 石
. 據 于 蒺 藜 . 入 于 其 宮
. 不 見
其 妻 .
凶 .
象 曰 .
據 于 蒺 藜
. 乘 剛 也 . 入 于 其 宮
. 不 見
其 妻 .
不 祥 也 .
Lục tam.
Khốn vu thạch. Cứ vu tật lê. Nhập vu kỳ
cung. Bất kiến kỳ thê. Hung.
Tượng viết:
Cứ vu tật lê. Thừa cương dã. Nhập vu kỳ cung. Bất kiến kỳ thê.
Bất tường dã.
Dịch.
Những là vấp đá, chạm gai,
Khốn sao khốn
khổ, tơi bời tấm thân.
Về nhà thời vợ
biệt tăm,
Tứ bề quạnh quẽ,
thập phần hung tai.
Tượng rằng:
Dựa phải bụi gai,
Mình nhu, mà dám
cưỡi chòi trên cương,
Về nhà vợ biệt hà
phương,
Thế là gặp chuyện
bất tường còn chi.
Hào Lục tam
tượng trưng một người Âm nhu chi tài, lại bất trung, bất chính. Gặp lúc
cùng khốn, đã không có tài, mà lại làm liều, thì làm sao thoát nạn. Muốn tiến lên, thì Cửu tứ, Cửu ngũ như đá ngăn trước mặt
(Khốn vu thạch). Muốn lùi, mà sau có Cửu nhị, như gai đâm sau lưng (Cứ vu
tật lê), lại trên không ứng với Thượng Lục, có khác nào người gặp
nguy khốn đã tiến thoái, lưỡng nan; mà tìm về nhà thì vợ đã biệt tăm
tích (Nhập vu kỳ cung. Bất kiến kỳ thê), như vậy thì dĩ nhiên là
hung hoạ rồi. Tượng Truyện bình rằng: Phàm Nhu mà cưỡi lên Cương, phàm
những người bất tài, bất tướng mà chèo đèo, đòi ăn trên, ngồi chốc người
anh tài, thế là dựa vào gai, đạp vào gai vậy (Cứ vu tật lê. Thừa
cương dã). Thân đã bất an, mà còn đạp gai, đạp góc, thế là bất
tường vậy, y như về nhà mà không thấy vợ (Nhập vu kỳ cung. bất kiến
kỳ thê. Bất tường dã).
4.
Hào Cửu tứ.
九 四 .
來 徐 徐
. 困 于 金 車 . 吝 .
有 終 .
象 曰 .
來 徐 徐
. 志 在 下 也 . 雖 不 當 位
. 有
與 也 .
Cửu
tứ.
Lai từ từ. Khốn vu kim xa. Lận. Hữu chung.
Tượng viết:
Lai từ từ. Chí tại hạ dã. Tuy bất đáng vị. Hữu dữ dã.
Dịch.
Tới nhưng chậm chạp, dùng dằng.
Muốn đi, khốn nổi
xe ngăn mất đường.
Tuy là đáng phải
phàn nàn,
Cuối cùng âu cũng
sẽ làm nên công.
Tượng rằng:
Tới nhưng chậm chạp, dùng dằng,
Xót tình kẻ dưới, dạ hằng vấn vương.
Tuy là ngôi vị dở
dang,
Nhưng mà vẫn kẻ
lo toan cùng mình.
Hào Cửu tứ:
Nhiều khi thấy
những người chân tay mình mắc nàn, mà muốn giúp cũng khó lòng, phải tuần
tự nhi tiến (Lai từ từ), phải tránh né cho khỏi vấp váp sự chống
đối của đối phương (Khốn vu kim xa), tuy làm vậy cũng đáng hổ
ngươi, nhưng không đáng trách (Lận. Hữu chung). Cửu tứ muốn cứu
Sơ Lục, mà phải đi chầm chậm (Lai từ từ). Khốn vu kim xa là bị
Cửu nhị như chiếc xe sắt cản trở.
Y như bè bạn Tiết
Nhân Quý, có Trình Giảo Kim, Uất Trì Cung, Từ Mậu Công từng làm quan lớn
trong triều, mà muốn cứu Tiết Nhân Quí khỏi tội, khỏi bị hại cũng mất mấy năm trời.
Tượng Truyện bình
rằng:
Tuy là hoạt động
chậm chạp, nhưng mà ý chí vẫn gởi gấm nơi người dưới (Lai từ từ. Chí
tại hạ dã). Tuy rằng ngôi vị không được chính đáng, nhưng sau cùng
cũng vẫn tới được mà cứu vớt được Sơ (Tuy bất đáng vị. Hữu dữ dã).
5.
Hào Cửu ngũ.
九 五 .
劓 刖 .
困 于 赤 紱 . 乃 徐 有 說
. 利 用
祭 祀 .
象 曰 .
劓 刖 .
志 未 得 也 . 乃 徐 有 說
. 以 中
直 也 .
利 用 祭 祀 . 受 福 也
.
Cửu ngũ.
Tị nguyệt. Khốn vu xích phất. Nãi từ hữu
duyệt. Lợi dụng tế tự.
Tượng viết:
Tị nguyệt. Chí vị đắc dã. Nãi từ hữu duyệt. Dĩ trung trực dã.
Lợi dụng tế tự. Thụ phúc dã.
Dịch.
Ra uy cắt mũi, chặt chân.
Quân thần xui
khiến, ra thân khốn nàn.
Từ từ, lòng sẽ
rảnh rang,
Hãy nên tế lễ,
vái van ơn trời.
Tượng rằng:
Ra uy cắt mũi, chặt chân.
Ý nguyền chưa
được thập phần thỏa thuê.
Từ từ âu sẽ đẹp
bề,
Một niềm trung
trực, lo gì chẳng hay.
Tế thần sẽ được
phúc dầy,
Chân thành cầu
đảo, tràn đầy ơn trên.
Hào Cửu ngũ:
có nhiều cách bình giải:
Trình
tử giải đại khái rằng: Bậc quân vương mà bị khốn, là vì trên, dưới đều
bỏ mình (Tị nguyệt: Tị là bị thương ở mũi, ở trên: Nguyệt là bị
thương ở chân, ở dưới; trên dưới đều bị thương. Bậc quân vương mà bị
khốn là vì thiên hạ bỏ mình (Khốn vu xích phất). Tuy nhiên Cửu
ngũ đồng đức với cửu nhị, rồi ra sẽ được Cửu nhị cứu khốn phò nguy. Phàm Quân vương bị khốn, phải lo cầu hiền tài, với tất cả lòng thành
như là tế tự thần minh vậy, âu sẽ gặp may lành (Nãi từ hữu duyệt. Lợi dụng tế tự)
Lai Trí Đức giải
đại khái như sau:
Tị nguyệt
là vua bị khốn.
Khốn vu xích phất
là tôi bị khốn.
Nãi từ hữu
duyệt là rồi ra cũng sẽ thoát nạn.
Lợi dụng tế tự
là
thành khẩn cầu xin sẽ được phúc.
Dưới đây xin dẫn
sự tích lịch sử, để giúp ta hiểu rõ Hào này: Vua Tống Thái
Tổ đi chinh phạt Nam Đường, bị yêu đạo Dư Hồng vây khốn tại thành Thọ
Châu, bị bắt mất 12 tướng, lại gần hết lương thực. Vua rưng rưng
nước mắt mà than rằng: Binh tướng bị vây, vua rầu, tôi nhục, uổng công
xây dựng 18 năm trời, lại nỗi mẹ già buồn bực đêm ngày, 80 tuổi trông
con dựa cửa. Nói tới đó, cầm lòng không đậu, lụy ngọc chan hòa. Miêu Quang Vũ và bá quan xúm nhau lại khuyên giải. Miêu Quang Vũ
khuyên vua nên đặt hương án, cầu trời, khấn phật, họa may trời phật sai
thần tiên xuống trừ nó mới xong. Đêm ấy vua tôi ăn chay, tắm gội,
mặc đồ mới, đồng quì trước hương án mà cầu trời...Hứa nếu thoát nạn, khi
về nước rồi, sẽ giảm thuế, tha tù, làm phúc mà chuộc tội. Rạng
sáng, trời sai Phi thử đem tha vào kho cho vua ba mươi vạn hộc
lúa, và mấy ngày sau Hoàng Thạch Công sai Trịnh Ân xuống phá vòng vây để
đi cầu viện cho vua.
6.
Hào Thượng Lục.
上 六
.
困 于
葛
. 于 .
曰 動 悔 . 有 悔 . 征
吉 .
象 曰.
困 于
葛. 未 當 也 . 動 悔 . 有 悔 .
吉
行 也 .
Thượng
Lục.
Khốn vu cát lũy. Vu nghiệt ngột. Viết động hối. Hữu hối
. Chinh cát.
Tượng viết:
Khốn
vu cát lũy. Vị đáng dã. Động hối hữu hối. Cát hành dã.
Dịch.
Sắn bìm quấn quít, nhiễu nhương,
Khó bề dở dói,
nên vương khốn nàn.
Khốn nàn mà biết
lo toan,
Lỗi lầm mà biết
phàn nàn thời hay.
Tượng rằng:
Sắn bìm quấn quít, vấn vương,
Hãy còn khốn đốn,
chưa đường thoát ra.
Tránh điều ân hận, phiền hà.
Liệu cơ thoát
khốn, mới là mắn may.
Hào Thượng Lục:
Lúc
này, là thời khốn đã tới cùng, cùng tất biến. Tuy nhiên Thượng Lục còn
bị khốn khó như dây dợ sắn bìm, vướng mắc chưa thoát được (Khốn vu
cát lũy), hoạt động còn có mòi nguy hiểm lắm (Vu nghiệt ngột).
Nhưng nếu biết tự nhủ rằng: Hoạt động sẽ gặp điều đáng phàn nàn
(Viết động hối). Nếu làm sai, mà biết phàn nàn, sang sửa (Hữu
hối), được như vậy mà tiến hành công chuyện, sẽ thoát khốn (Chinh
cát).
Tượng viết:
Khốn
vu cát lũy. Vị đáng dã. Động hối. Hữu hối. Cát hành dã.
Bị khốn khó
buộc ràng, chưa biến đổi hoàn cảnh, thế là chưa biết xử sự cho hay, hành
động cho khéo (Khốn vu cát lũy. Vị đáng dã). Biết lo trước
những trắc trở khi hoạt động, làm sai biết hối quá, như vậy có thể thoát
khốn, thế là tiến hành sẽ gặp may (Động hối. Hữu hối. Cát hành
dã).
ÁP DỤNG QUẺ KHỐN VÀO THỜI
ĐẠI
Nhìn vào đời sống
xã hội, nhân quần, ta thấy xưa nay không biết là bao người đã bị giông
tố xã hội, gia đình, thời gian, hoàn cảnh cuốn lôi, đã lâm vào những
cảnh cùng khốn hết sức.
Cách đây 50 năm,
ở Đức, Hitler đã ra lệnh thiêu sống 6 triệu người Do Thái, mà Thế giới
chịu không can thiệp nổi.
Lại gần đây, ở
Việt Nam, biết bao người đi vượt biên đã bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp,
giết chóc khiến gia đình ly tán, người còn, người chết, tình cảnh thật
thê lương.
Xưa kia, biết bao
công thần đã bị nhà vua cố tình giết chết, hoặc bị đồng liêu giá họa và
đã đi đến chỗ tử vong. Họ tỏ ra ung dung, thư thái trước cái chết, như
Nhạc Phi,vv...
Dịch kinh, khuyên ta nếu gặp hoàn cảnh trên, phải bình tĩnh mà tìm
cách thoát khỏi cảnh nguy khốn đó.
Theo tôi (tác giả
viết bài này), nếu dân Do Thái lúc ấy cùng đoàn kết nổi lên chống lại,
thì làm sao Đức quốc xã thiêu sống nổi 6 triệu người. Nếu trước
khi vượt biên, mà ta hoạch định sẵn chương trình, tất cả đều mang gậy
gộc, hoặc dấu vài khẩu súng theo. Khi trông thấy thuyền cướp Thái
Lan từ xa tiến lại, ta nhất tề đứng lên, với tư thế sẵn sàng ứng chiến,
thì tôi nghĩ với vài tên cướp biển chắc chắn không dám xâm phạm ta. Nhà tôi có người bạn, cũng ở trong trường hợp này, ông ta cùng với những
người nam trong thuyền, mang theo gậy gộc và khi trông thấy bọn cướp có
vài ba đứa tiến đến, là nhất tề cầm gậy ứng chiến. Bọn cướp thấy
khó ăn, nên đã không dám làm gì.
Còn trường hợp
Nhạc Phi, hồi nhỏ lúc đọc Truyện, tôi đã không tán
thành hành động của Người, vì theo tôi đó là Ngu trung,
thật vậy Người đã không đặt Quốc Gia, Dân tộc trên hết, mà đã vì chữ
trung, sẳn sàng chịu chết bởi tay gian thần Tần Cối, và một
vị vua hôn ám. Thật là một cái chết không đáng vậy. Tóm lại,
Học Dịch cốt để phòng những tai họa, khó khăn có thể xẩy ra, ta sẽ giải
quyết được nó dễ dàng hơn, và xa hơn nữa ta sẽ bớt đi được nhiều
lỗi lầm trong đời ta.