HẠ KINH
Nhân Tử
Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
»
Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ
31 32
33 34
35 36
37 38
39
40 41
42 43
44
45
46
47
48
49
50 51
52
53 54
55 56
57
58 59
60 61
62
63 64
49.
澤 火 革
TRẠCH HỎA CÁCH
Cách Tự Quái |
革 序 卦 |
Tỉnh đạo bất
khả bất cách |
井 道 不 可 不 革 |
Cố thụ chi dĩ
Cách. |
故 受 之 以 革 |
Cách Tự Quái
Giếng thời
chẳng thể gót đầu chẳng thay.
Cho nên Cách tiếp theo ngay.
Giếng đã để lâu ngày, bùn đất sẽ ứ đọng, nên
cần phải vét, phải khơi cho sạch.
Chính quyền lâu ngày cũng có lắm điều hủ hoại, cần đổi thay. Vì
thế sau quẻ Tỉnh là quẻ Cách.
Cách là cách
mạng, là đổi thay những gì cũ kỹ, hủ bại. Chữ Cách theo nguyên
nghĩa là da, là thay da, lột xác. Loài vật còn có lúc thay da, lột
xác, thì chính quyền, thì xã hội loài người cũng có lúc phải thay da,
lột xác, phải đổi mới hoàn toàn. Đổi mới để cho hết ù lì, để trở
nên sống động, đổi mới để tiến tới một đời sống hoàn hảo hơn.
Quẻ Cách, trên là
Đoài, là hồ, là nước; dưới là Ly là lửa. Nước đổ xuống, lửa bốc lên,
thời sự xung đột, khủng hoảng đã đến tột độ, thế là đôi bên đã ở vào thế
một mất, một còn. Đã khủng hoảng tột độ, ắt phải có sự đổi thay.
Quẻ Cách, trên là
Đoài, là thiếu nữ, dưới là Ly là trung nữ. Hai chị em gái ở chung nhau
một nhà, đã lắm chuyện xích mích rồi, nay em nhỏ chơi chèo lấn át chị,
thời làm sao tránh khỏi sự xung đột. Vì thế nên sẽ có cuộc cách mạng.
I. Thoán.
Thoán từ.
革
. 己 日 乃 孚 . 元 亨 利 貞
. 悔 亡 .
Cách. Dĩ nhật nãi
phu. Nguyên hanh lợi trinh. Hối vong.
Dịch.
Cách là đổi lốt, đổi đời,
Đổi thay xong xả, rồi đời mới tin.
Đổi thay tốt đẹp
mới nên,
Hợp thời, hợp lý,
chu tuyền hanh thông.
Hợp tình, hợp lý
nên công,
Mới không hối
hận, mới không phàn nàn.
Thoán từ:
Cách là đả phá
những gì lạc hậu, lỗi thời, hủ hoá, để thay đổi những gì thích hợp hơn,
hữu ích hơn. Tuy nhiên, làm cách mạng bất kỳ ở trong lãnh vực nào, cũng
không được dân tin ngay, vì con người thường ù lì, không muốn thay đổi
lề lối sống đã quen, lại không muốn phiêu lưu. Cho nên, cuộc cách mạng
nào cũng đòi hỏi một thời gian, mới được dân chúng tin (Cách dĩ nhật
nãi phu). Dĩ nhật là trải nhiều ngày; nãi phu là mới được
tin cậy. Cuộc Cách mạng nào cũng đưa đến binh cách, đến đổ máu không ít, thì nhiều. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Ví dụ: Cuộc Cách
mạng Pháp năm 1879 lật đổ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ dân chủ. Cuộc Cách mạng Nga năm 1917, lật đổ Nga Hoàng, thiết lập chế độ Cộng
sản. Ở nước ta, thì những cuộc Cách mạng 1945 (Việt Minh cướp chính
quyền), 1955 Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại, 1963 Dương Văn Minh lật đổ
Ngô Đình Diệm.v.v... Cho nên làm cách mạng, muốn cho khỏi hối hận, phàn
nàn về sau, thời phải thực hiện được những tôn chỉ sau:
Cách mạng phải đưa
đến một chế độ đẹp đẽ hơn (Nguyên). Cách mạng phải làm cho đời
sống dân chúng sung sướng hơn (Hanh). Cách mạng phải mang lại
lợi ích thực sự (Lợi). Cách mạng phải có chính nghĩa (Trinh).
Vì thế Thoán từ
nói: Nguyên hanh lợi trinh. Hối vong.
Thoán Truyện.
Thoán viết:
彖 曰 .
革 .
水 火 相 息 . 二 女 同 居
. 其 志 不
相 得 .
曰 革 . 己 日 乃 孚 .
革 而 信 之 .
文 明 以 說
. 大 亨 以 正 . 革 而 當
.
其 悔 乃 亡
. 天 地 革 而 四 時 成 .
湯 武
革 命
. 順 乎 天 而 應 乎 人 . 革
之 時
大 矣 哉 .
Cách. Thủy hoả
tương tức. Nhị nữ đồng cư. Kỳ chí bất tương đắc. Viết cách. Dĩ nhật nãi phu. Cách nhi tín chi. Văn
minh dĩ duyệt. Đại hanh dĩ chính. Cách nhi đáng. Kỳ hối
nãi vong. Thiên địa cách nhi tứ thời thành. Thang Võ cách mạng. Thuận
hồ thiên nhi ứng hồ nhân. Cách chi thời đại hỹ tai.
Dịch.
Cách là nước lửa đương đầu,
Là hai cô gái
chung nhau một nhà.
Đôi bên chí hướng
khác xa,
Nên là chống đối,
nên là đổi thay.
Đổi thay ròng rã
nhiều ngày,
Rồi ra mới được
đó đây tin lòng.
Trong thời sáng
láng, tinh thông,
Ngoài thời vui
vẻ, bao dong mọi người.
Y theo trung
chính, đạo trời,
Thế nên mọi sự
xong xuôi thành toàn,
Cách mà chính
đáng, mới ngoan,
Cách mà chính
đáng, phàn nàn nỗi chi.
Đất trời thay đổi suy di,
Bốn mùa nhờ thế
đúng kỳ luân lưu.
Vua Thang, vua Vũ
thay triều,
Thuận trời, vả
cũng ứng theo lòng người,
Đổi thay, mà lại
hợp thời,
Thật là vĩ đạị,
trên đời chi hơn.
Thoán Truyện:
Cách sở
dĩ sinh ra là vì có một sự xung khắc, mâu thuẫn, một cuộc khủng hoảng
giữa hai phe đối lập, mâu thuẫn nhau như nước với lửa, như hai chị em
gái ở chung một nhà, và bất đồng chí hướng với nhau (Cách. Thủy hỏa
tương tức. Nhị nữ đồng cư. Kỳ chí bất tương đắc).
Tiếp theo Thoán
Truyện giải những câu của Thoán từ. Thoán từ nói: Dĩ nhật nãi
phu, nghĩa là làm sao? Thưa đó là làm cách mạng, rồi sẽ được người
ta tin theo.
Dĩ nhật nãi phu. Cách nhi tín chi. Tại làm sao làm cách mạng mà không phải phàn nàn? Thưa vì người làm
cách mạng, có một khối óc sáng suốt, nhìn xa, trông rộng, thấu hiểu được
sự thể, quán triệt được tình hình, khéo lấy lòng người, lại hoạch định
được một chương trình có thể khai thông được mọi bế tắc, hứa hẹn một
ngày mai tươi sáng. Tóm lại, làm cách mạng một cách xứng đáng, sẽ không
phải phàn nàn hối hận về sau (Văn minh dĩ duyệt. Đại hạnh dĩ
chính. Cách nhi đáng. Kỳ hối nãi vong).
Vả lại sự canh cải
trong trời đất, cũng như cuộc cách mạng trong lịch sử không thể không
có. Trời đất nhờ canh cải, nên có bốn mùa. Vua Thành Thang, vua Vũ đã
làm được những cuộc cách mạng, trên thuận lẽ trời, dưới hợp ý dân. Canh
cải mà hợp thời, cách mạng mà đúng lúc, thực là cao cả vậy (Thiên địa
cách nhi tứ thời thành. Thang Vũ cách mạng. Thuận hồ thiên nhi ứng hồ
nhân. Cách chi thời đại hỹ tai).
Ta có thể trích
một đoạn trong sách Mạnh Tử, mà giải Thoán từ, Thoán Truyện quẻ Cách như
sau: Trong Kinh Thư có chép rằng: Vua Thành Thang (chết năm 1753 trước
Dương Lịch), khi khởi cuộc chinh phục, trước hết đánh lấy nước Cát. Thiên hạ đều tin tưởng ngài. Ngài đương chinh phục miền Đông, thì những
đoàn rợ Di miền Tây phiền trách, tới chừng ngài chinh phục miền Nam, thì
những đoàn rợ Địch miền Bắc phiền trách. Họ trách rằng: Sao ngài
chẳng sớm đến nước ta? Dân chúng khắp thiên hạ mong chờ ngài
đến, như lúc trời hạn hán, người ta trông thấy mây và mống trời. Đến
chừng ngài kéo binh vào xứ họ, họ vẫn tự nhiên chẳng sợ sệt gì cả. Người đi chợ vẫn đi, người đương cầy vẫn cầy. Ngài giết những vì vua
hung bạo mà giải cứu cho nhân dân. Bá tánh đều mừng rỡ, dường như được
mưa tuôn phải lúc. Kinh Thư chép: Chúng ta trông vua, ngài
đến, chúng ta như sống lại. (Kinh Thư, Trọng Hủy chi cáo, tiết
6).
II. Đại Tượng
Truyện.
象 曰
. 澤 中 有 火 . 革 .
君 子 以 治 歷 明 時 .
Tượng viết:
Trạch trung hữu hỏa. Cách. Quân tử dĩ trị lịch minh thời.
Dịch. Tượng
rằng:
Cách là lửa ở
trong hồ,
Hiền nhân làm
lịch để cho biết thời.
Trong
hồ có lửa là Cách, quân tử nhân đó làm lịch để biết rõ thời
tiết. Lửa ở dưới, hồ ở trên, kình địch lẫn nhau, nên sinh biến hóa. Trong một năm, khí Âm, khí Dương kình địch lẫn nhau, nên sinh biến
hóa. Con người có thể hiểu được
sự biến hóa của trời đất ấy, vì thấy nó có tiết tấu, thứ tự, nên đã làm
ra được lịch. Làm được lịch, tức là trông rõ được sự biến hoá của trời
đất, tiên đoán được nó, để chuẩn bị trước được, mà sống theo đúng nhu
cầu của mỗi thời tiết.
III. Hào Từ &
Tiểu Tượng Truyện
1.
Hào Sơ Cửu.
初 九 .
鞏 用 黃 牛 之 革
.
象 曰 .
鞏 用 黃 牛
. 不 可 以 有 為 也 .
Sơ Cửu.
Củng dụng hoàng ngưu chi cách.
Tượng viết:
Củng dụng
hoàng ngưu. Bất khả dĩ hữu vi dã.
Dịch.
Bò vàng mà lột lấy da,
Mà thắt, mà bó
chắc là mấy mươi.
Tượng rằng:
Bò vàng da lấy thắt bao,
Nghĩa là đừng vội
tầm phào ra tay.
Hào Sơ Cửu:
Muốn làm cách
mạng, không phải ai cũng làm được. Phải có tài, có vị, có thời, có thế,
mới làm cách mạng được. Sơ Cửu đây tuy là người có tài, nhưng chưa có
địa vị, lại ở buổi sơ khai của thời Cách, nên thời cơ chưa được thuận
tiện, trên lại không có người giúp đỡ, như vậy dĩ nhiên Sơ không nên
vọng động. Lúc ấy chỉ nên kiềm chế mình bằng đường lối trung thuận. Trung thuận tức là cư xử cho hợp lý, cho mềm dẻo.
Củng là ràng
buộc. Hoàng là vàng, là Trung; Ngưu là trâu là Thuận. Tượng Truyện
bình rằng: Lúc này là lúc chưa nên hành động, dở dói gì hết
(Củng dụng hoàng ngưu. Bất khả dĩ hữu vi dã).
2.
Hào Lục nhị.
六 二 .
己 日 乃 革 之
. 征 吉 . 無 咎 .
象 曰 .
己 日 革 之
. 行 有 嘉 也 .
Lục nhị.
Dĩ nhật nãi cách chi. Chinh cát. Vô cữu.
Tượng viết:
Dĩ nhật
cách chi. Hành hữu gia dã.
Dịch.
Sửa sang, chuẩn bị nhiều ngày,
Bây giờ là lúc ra
tay đổi đời.
Tiến hành sẽ tốt,
sẽ xuôi,
Hết còn lo chuyện
đơn sai, lỗi lầm.
Tượng rằng:
Sửa sang, chuẩn
bị nhiều ngày,
Rồi ra mới dám ra
tay đổi đời.
Tiến hành chuyện
sẽ êm xuôi,
Thế thời là tốt,
thế thời đáng khen.
Hào Lục nhị
ám chỉ một người hội đủ điều kiện để làm cách mạng.
1. Có địa vị (Lục
nhị là Hào của đại thần).
2. Nhu thuận,
trung chính (Hào Lục nhị).
3. Sáng suốt,
thông minh (Hào giữa quẻ Ly).
4. Trên có minh
quân ủng hộ (Hào Cửu ngũ).
Tuy
nhiên, muốn làm cách mạng, phải sửa soạn nhiều tháng, nhiều ngày, rồi
mới có thể ra tay hành động (Dĩ nhật nãi cách chi).
Khi
đã hội đủ các điều kiện rồi, mà hành động, thời chắc chắn kết quả
sẽ đẹp đẽ, tốt lành. (Chinh cát. Vô cữu).
Tượng Truyện bình
rằng:
Chuẩn bị chày tháng, chày ngày, đợi đúng thời cơ mới ra tay cách mạng,
thì chắc sẽ được như nguyện, chắc là đáng được khen lao vậy
(Dĩ nhật cách chi. Hành hữu gia dã).
3.
Hào Cửu tam.
九 三 .
征 凶 .
貞 厲 . 革 言 三 就 .
有 孚 .
象 曰 .
革 言 三 就
. 又 何 之 矣 .
Cửu tam.
Chinh hung. Trinh lệ. Cách ngôn tam tựu. Hữu
phu.
Tượng viết:
Cách ngôn tam tựu.
Hựu hà chi hỹ.
Dịch.
Tiến lên sẽ chẳng có hay,
Phải theo chính
đạo, phải dày đắn đo.
Bao nhiêu kế
hoạch, mưu cơ,
Phải cân, phải
nhắc, ít là ba phen.
Mưu cơ, kế hoạch
chu tuyền,
Thế thời chắc
chắn sẽ nên công trình.
Tượng rằng:
Ba phen kế hoạch đắn đo,
Thời thôi thêm
thắt vòng vo làm gì ?
Hào Cửu tam là một người cương trực, nên muốn tiến hành gấp công chuyện
cách mạng. Tuy nhiên Dịch cho rằng: Làm gấp, làm vội, sẽ gặp tai ương
(Cửu tam. Chinh hung). Muốn làm cách mạng, phải luôn theo chính
nghĩa, phải biết lo lắng đề phòng.(Trinh lệ). Phàm là cơ
mưu của mình, cũng như dư luận quần chúng, cần được duyệt, được khảo cho
tường tận, kỹ càng (Cách ngôn tam tựu). Tức là phải duyệt xét ba
lần. Có cẩn trọng như vậy, mới chắc chắn nên công (Hữu phu).
Nhưng cẩn trọng, không phải là do dự. Một khi kế hoạch đã được thảo
luận kỹ càng rồi, phải được đem ra thi hành, chứ đừng nên do dự, tìm
đường lối khác mà chi. Vì thế Tượng Truyện mới nói: Cách ngôn
tam tựu. Hựu hà chi hỹ. Hựu hà chi hỹ là: còn đi đâu nữa, còn thêm
gì nữa.
4.
Hào Cửu tứ.
九 四 .
悔 亡 .
有 孚 . 改 命 .
吉 .
象 曰 . 改
命 之 吉 . 信 志 也 .
Cửu
tứ.
Hối vong. Hữu phu. Cải mệnh.
Cát.
Tượng viết:
Cải mệnh chi cát. Tín chí dã.
Dịch.
Hết điều hối hận, phàn nàn,
Mọi người tin
tưởng hoàn toàn từ nay.
Cho nên cứ việc
đổi thay,
Công trình Cách
mệnh hẳn hay, hẳn lành.
Tượng rằng:
Cách mệnh là hay,
Là vì trên dưới,
đó đây tin lòng.
Hào Cửu tứ
ám chỉ một người:
1. Có tài làm
cách mạng (Hào Dương).
2. Gặp thời cơ
thuận tiện (vượt Hạ quái, lên Thượng quái)
3. Có thế (Ở giữa
Thủy và Hỏa, Đoài và Ly).
4. Được tín nhiệm
(Kề Hào Cửu ngũ là Quân vương).
5. Có chí lớn,
không bị ràng buộc (Hào Cửu tứ không ứng với Sơ).
6. Mình lại thành
khẩn, được mọi người tin cậy. (Hữu phu). Như vậy mà ra tay làm
cách mạng, chắc là được mọi sự may mắn, tốt lành (Cải mệnh. Cát).
5.
Hào Cửu ngũ.
九 五 .
大 人 虎 變
. 未 占 有 孚 .
象 曰 .
大 人 虎 變
. 其 文 炳 也 .
Cửu ngũ.
Đại nhân hổ biến. Vị chiếm hữu phu.
Tượng viết:
Đại nhân hổ
biến. Kỳ văn bính dã.
Dịch.
Đại nhân như hổ thay lông,
Không cần bói
toán, muôn lòng đều tin.
Tượng rằng:
Đại nhân như hổ
thay lông,
Là vì sự nghiệp
thành công rỡ ràng.
Hào Cừu ngũ:
Đại
nhân như hổ thay lông, thực thi được những công trình cải cách vĩ đại
nhãn tiền (Đại nhân hổ biến). Vì thế, ảnh hưởng của vị quân
vương, sau khi đã hoàn thành được công cuộc cách mạng, thật là lớn lao.
Để bình giải Hào
này, Nho gia thường trích dẫn lời sách của Mạnh Tử: Người quân tử
đi đến đâu, thì ở đó được cải hoá. Người ở đâu, thì ảnh hưởng như
thần. Ảnh hưởng người phổ cập khắp nơi, từ trên chí dưới, lưu thông
dung hiệp với trời đất... Như vậy sao có thể nói được rằng: Người chỉ
làm lợi ích nhỏ cho xã hội? (Mạnh Tử, Tận Tâm thượng tiết 13). Đại nhân mà cách mạng bản thân thiệt tình, mà gây được một ảnh hưởng
mạnh mẽ đối với dân, thì chẳng cần bói toán, cũng biết rằng người ta vẫn
tin mình (Vị chiếm hữu phu). Tượng Truyện cho rằng: Công
trình và ảnh hưởng của bậc quân vương như hổ thay lông, rỡ ràng, hiển
hiện.(Đại nhân hổ biến. Kỳ văn bính dã).
6.
Hào Thượng Lục.
上 六 .
君 子 豹 變
. 小 人 革 面 . 征 凶
. 居 貞 吉 .
象 曰 .
君 子 豹 變
. 其 文 蔚 也 . 小 人 革
面 .
順 以 從 君 也
.
Thượng Lục.
Quân tử báo biến. Tiểu nhân cách diện. Chinh
hung. Cư chinh cát.
Tượng viết:
Quân tử báo biến. Kỳ văn úy dã. Tiểu nhân cách diện.
Thuận dĩ tòng quân dã.
Dịch.
Quân tử như báo thay da,
Tiểu nhân sắc
diện, nay đà khác xưa.
Đừng nên dở dói
quá đa,
Miễn sao minh
chính, thế là đã hay.
Tượng rằng:
Quân tử như báo thay da,
Phong quang văn
vẻ, mặn mà dễ ưa.
Tiểu nhân sắc
diện khác xưa,
Thuận tình vâng lệnh nhà vua từ rầy.
Hào Thượng Lục:
Khi cuộc Cách mạng
đã thành rồi, thì người quân tử cũng thành khẩn mà thay đổi lề lối sống,
như báo thay lông. Còn tiểu nhân thì chỉ thay đổi phía bên ngoài
(Quân tử báo biến. Tiểu nhân cách diện). Lúc ấy làm gì thêm nữa
cũng chẳng hay, cứ giữ được đường lối cách mạng đã hoạch định là tốt
(Chinh hung. Cư trinh cát). Tào Tham được cử làm Thừa tướng thay
Tiêu Hà, thời cứ tuân theo pháp độ của Tiêu Hà mà trị, không nhiều
chuyện bày vẽ thêm. Vua Huệ Đế hỏi: Khanh làm thừa tướng, là chỗ đại
nhiệm trong thiên hạ, sao cả ngày ngồi không, lẳng lặng chẳng thấy trị
việc chi hết vậy? Tào Tham tâu rằng: Bệ hạ xét mình thánh minh thần võ,
sánh với Cao Đế ai hơn? Vua nói: Trẫm đâu dám sánh với tiên đế. Tào
Tham lại hỏi: Bệ hạ xem tài năng tôi và Tiêu Hà ai hơn? Vua nói: Tài
khanh có khi chẳng bằng Tiêu Hà. Tào Tham nói: Bệ hạ thánh minh đã
chẳng bằng Cao đế, còn tôi cũng chẳng bằng Tiêu Hà. Cao Đế đã định
pháp, thì Bệ hạ phải tuân giữ, còn Tiêu Hà đã lập thiện chánh, thì tôi
phải vâng theo mà làm. Chúa tôi đồng lòng noi theo mà trị, thì bốn biển
thanh bình, muôn dân an nghiệp, thiên hạ thái bình, có phải là bệ hạ
đặng ngồi an, chẳng tốt hơn sao, lựa phải canh cải cho sanh ra nhiều
việc làm chi ! Vua khen phải (Tây Hán diễn nghĩa, 615). Thế đúng là
Chinh hung. Cư trinh cát vậy.
Tượng viết:
Quân tử báo
biến. Kỳ văn úy dã. Tiểu nhân cách diện. Thuận dĩ tòng quân dã.
Người
quân tử, lúc này đã biến đổi lề lối cũ, sống theo đường lối mới như báo
thay da, chững chàng rực rỡ (Quân tử báo biến. Kỳ văn uý dã).
Còn tiểu nhân thì mới có sự thay đổi ngoài mặt, để thuận theo nhà vua. Như vậy cũng không nên đòi hỏi hơn nữa (Tiểu nhân cách diện.
Thuận dĩ tòng quân dã).
ÁP DỤNG
QUẺ CÁCH VÀO THỜI ĐẠI
Ngày nay, thế giới
đã Cách mạng hoá, nên đã thay đổi tất cả, từ quốc gia, xã hội, văn hóa,
gia đình v.v.. Sự thay đổi, dĩ nhiên là mang lại sự tốt đẹp hơn, nhưng
đôi lúc đã đi quá trớn, nên đã mang lại nhiều lỗi lầm tai hại. Ví dụ:
Cách mạng đã mang lại chế độ Cộng Sản, tuy đã lật đổ được nền quân chủ
độc tài, phong kiến, nhưng vì những người cầm đầu đã đi quá trớn, nên
khiến cho dân chúng lầm than, kinh tế kiệt quệ.v.v.
*Ngoài xã hội,
người phụ nữ được bình đẳng, bình quyền, nên từ công sở đến học đường,
người phụ nữ cũng tham gia đông đảo. Trong gia đình, người vợ có nghề
hoặc có công ăn việc làm, thì người chồng cũng bớt được gánh nặng, và
đời sống gia đình sẽ thoải mái, vững vàng hơn. Nhưng cũng có những
trường hợp, vì có nghề và có thể tự túc được, nhiều khi còn có tài năng,
hoặc làm ra nhiều tiền hơn chồng, mà người vợ đâm ra tự kiêu, coi thường
chồng, hoặc không còn chịu nhịn nhục như xưa, nên gia đình trở thành địa
ngục, rồi mạnh ai nấy tìm người thích hợp với mình hơn, và dễ dàng chia
tay nhau, mặc dù lũ con còn nhỏ dại.
Tóm lại, ta thấy
Cách mạng chưa hẳn là hay hoàn toàn, mà là phải tùy ta có biết xử dụng
nó hay không? Muốn được như ý, ta phải có một nền giáo dục, một
nền đạo đức vững chắc làm căn bản. Những người cầm đầu
nước phải biết thương dân, lo lợi ích trường cửu cho dân. Trong
gia đình, vợ chồng phải biết lo lắng, cộng tác với nhau, phải có
trách nhiệm bảo vệ gia đình, và giáo dục con cái. Vả tự ngàn xưa, ai
cũng biết: Gia đình có vững, thì dân mới giầu. Dân có giầu, thì
nước mới mạnh vậy.
»
Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ
31 32
33 34
35 36
37 38
39
40 41
42 43
44
45
46
47
48
49
50 51
52
53 54
55 56
57
58 59
60 61
62
63 64
|