TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 1

THIÊN ĐẠO TẠI NHÂN TÂM

第 一 章

天 命 之 謂 性. 率 性 之 謂 道, 修 道 之 謂 教. 道 也 者 不 可 須 臾 離 也. 是 故 君 子 戒 慎 乎 其 所 不 睹, 恐 懼 乎 其 所 不 聞. 莫 見 乎 隱, 莫 顯 乎 微. 故 君 子 慎 其 獨 也. 喜 怒 哀 樂 之 未 發 謂 之 中, 發 而 皆 中 節 謂 之 和. 中 也 者 ,天 下 之 大 本 也. 和 也 者, 天 下 之 達 道 也. 致 中 和, 天 地 位 焉, 萬 物 育 焉.

PHIÊN ÂM

Thiên mệnh chi vi tính. Suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Đạo dã giả bất khả tu du ly dã. Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn. Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi. Cố quân tử thận kỳ độc dã. Hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.

CHÚ THÍCH

- Tính = (1) Thiên tính 天 性 , (2) Thiên lý 天 理 , (3) Thiên mệnh 天 命 , (4) Thiên đạo 天 道 .

- Nhân chi tính, tức thiên tính, diệc tức tự nhiên chi lý; như vi phản tự nhiên chi lý, vi hồ nhân đạo, phản hồ nhân tính, kỳ nhân tất bại, kỳ quốc tất vong. 人 之 性, 即 天 性, 亦 即 自 然 之 理; 如 違 反 自 然 之 理, 違 乎 人 道, 反 乎 人 性, 其 人 必 敗, 其 國 必 亡 . (Trung Dung kim thích, tr.5)

- Thiên tính, thiên mệnh dữ thiên đạo, bản nhất quán đích. 天 性, 天 命, 與 天 道, 本 一 貫 的. (Trung Dung kim thích, tr.5)

- Tính = (1) Trung (Kinh Thư, Thang cáo), (2) Di (Kinh Thi, chưng dân), (3) Minh đức 明 德 (Đại học), (4) Thành = Hoàn thiện.

- Suất = Thuận ứng 順 應 = theo.

- Suất tính 率 性 = thuận ứng thiên lý 順 應 天 理 = thuận theo lẽ trời. (Trung Dung kim thích, tr.4)

- Tu du 須 臾 = giây phút

1. Chu Tử viết: Hỉ nộ ai lạc, tình dã. Kỳ vị phát tắc tính dã. Vô sở thiên ỷ, cố vị chi trung. Phát giai trung tiết, tình chi chính dã, vô sở quai lệ, cố vị chi hòa. Đại bản giả: Thiên mệnh chi vị tính. Thiên hạ chi lý, giai do thử xuất, đạo chi thể dã. Đạt đạo giả tuần tính chi vị. Thiên hạ cổ kim chi sở cộng do. Đạo chi dụng dã.[1] 朱 子 曰: 喜 怒 哀 樂, 情 也. 其 未 發 則 性 也. 無 所 偏 倚 故 謂 之 中. 發 皆 中 節, 情 之 正 也, 無 所 乖 戾, 故 謂 之 和. 大 本 者: 天 命 之 謂 性. 天 下 之 理, 皆 由 此 出, 道 之 體 也.達 道 者 循 性 之 謂. 天 下 古 今 之 所 共 由. 道 之 用 也. (Chu Hi nói: mừng, vui, buồn, giận là tình. Khi chưa phát động là tính; tính không nghiêng lệch, chếch mác, nên gọi là Trung. Phát ra trúng tiết, tức là tình cảm chân chính: tình cảm không có chi ngang trái, nên gọi là Hòa. Căn bản chung tức là thiên mệnh là Tính. Nó phát sinh công lý thiên hạ và là cốt đạo. Đạt đạo là theo đúng tính Trời. Cổ kim đều theo đường ấy.)

2. Tử Tư đem vũ trụ quan làm khuôn mẫu cho nhân sinh quan. Trời đất vận hành ‘trúng, tiết’, điều hòa, con người cũng phải theo đường đạo lý, để mọi hành vi hợp với công lý, lý tưởng.[2]

3. Khang Hi ngự án viết: «Chu Tử gọi Vô cực là Thái cực nghĩa là lấy cái bản thể của Âm Dương mà nói. Trung Dung gọi là Thiên mệnh, là Tính. Thiệu Tử gọi là Vô cực, lấy khu nũu của sự động tĩnh mà nói. Trung Dung gọi là ‘cái ở trong tâm chưa phát ra’.[3]

Tóm lại Trung là Thái cực là nguyên lý, Hòa là Thái cực, là cùng đích. Thái cực, từ trung tâm phát huy ra, tiết tấu theo đúng chiều âm dương, rồi lại trở vào thế Trung hòa nguyên thủy. Sách Kim Bích cổ văn gọi Trung điểm là ‘Trung cung thổ đức nãi mậu kỷ chí hòa chi khí’. (Lời bàn của dịch giả)

- Phát = hiển dương; Vị phát 未 發 = Chưa hiển dương; Phát = (dĩ phát 已 發 ) = đã hiển dương.

a. Theo Tống Nho: Vị phát 未 發 = nguyên lý chưa hiển dương (l’état du principe avant qu’il agisse); Phát (dĩ phát 已 發 ) = Nguyên lý hoạt động (l’état du principe dans ses actions)

b. Theo Vương Dương Minh: Vị phát 未 發 = Nguyên lý (lương tri) (le Principe considéré en lui-même); Phát (dĩ phát 已 發 ) = Nguyên lý hoạt động (le principe en tant qu’agissant) cf. Wang Tch’ang Tche, La philosophie morale de Wang Yang Ming, p.211. 

DỊCH CHƯƠNG 1

Nhận được chân bản tính mình, kính sợ Trời tiềm ẩn đáy lòng mình là theo thiên đạo, Là tiến tới thế Trung hòa muôn thủa.

Bản tính cũng chính là thiên mệnh,[4]

Đạo là noi theo tính bản nhiên.[5]

Giáo là cách giữ đạo nên,

Đạo trời giây phút vẫn liền với ta.[6]

Rời ta được đâu là đạo nữa.

Thế cho nên quân tử giữ gìn,[7]

E dè cái mắt không nhìn.

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều.[8]

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng.[9]

Khi chưa phát vui thương mừng giận,

Gọi là Trung vì chẳng ngả nghiêng.

Phát ra đúng tiết, hợp duyên,

Ấy là hòa tấu ấm êm nhạc trời.[10]

Trung ấy chính là muôn đời căn bản,

Hòa kia là đạo quán thiên thu.

Ước gì đạt thế trung hòa.

Ấm êm trời đất, nhởn nhơ muôn loài.

BÌNH LUẬN

Chương này là chương quan trọng nhất và toát lược đại ý toàn sách. ta cần bàn giải cho kỹ càng.

A. Thiên mệnh chi vị tính

I. Chữ Mệnh

Chữ Thiên mệnh có nhiều cách bình giải:

a. Thiên mệnh là thiên tính

Nhiều triết gia chủ trương thiên mệnh là thiên tính.

Bắc Khê Trần Thị nói: «Tính và mệnh không phải là hai, ở nơi Trời thì gọi là mệnh, ở nơi người thì gọi là tính.» Lại nói: «Tính mệnh chỉ là một đạo lý mà thôi.» [11]

Trung Dung Hoặc Vấn viết: «Ở nơi người, nơi Trời tuy có phân thành tính mệnh, nhưng mà vẫn là một nguyên lý.» [12]

Trương Tử nói: «Cái mà trời cho người thì gọi là mệnh; cái mà người nhận được nơi Trời thì gọi là tính.» [13]

Ngô Thảo Lư viết: «Tính hay mệnh hay Thái Cực cũng là một.» [14]

Quan niệm này là nền tảng cho những học thuyết chủ trương con người thông phần bản tính Trời.[15] Quan niệm này giúp ta hiểu được những đại học thuyết ở Á Châu về tương quan giữa Trời người như:

- Thiên nhân tương dữ

- Thiên nhân nhất quán

- Thiên nhân hợp phát

- Thánh nhân phối thiên, v.v.

b. Thiên mệnh là mệnh lệnh của Trời

Chu Hi giải thích Thiên mệnh là mệnh lệnh của Trời.[16] Theo quan điểm này, câu ‘Thiên mệnh chi vị tính’ phải hiểu là: ‘Cái mà Trời truyền ta phải thực hiện là tính.’ Nhưng Tính ở đây dĩ nhiên không phải là tính tình thông thường, mà là Thiên Tính hàm cụ vạn lý, hoàn thiện tuyệt hảo.

Thế tức là Trời truyền ta phải phải thực hiện được tính Trời, thể hiện tuyệt đối. Quan niệm này này tương đương như quan niệm của các nhà huyền học Ấn Độ, vì các ngài cũng chủ trương Tat tvam Asi (Con là cái đó = Con là tuyệt đối thể).

c. Thiên mệnh là định mệnh con người

Theo quan điểm này, Trời đã giành cho con người một định mệnh cao sang là thực hiện Thiện tính, tiến tới tuyệt đối.

Quan điểm này làm ta liên tưởng đến Kant, vì Kant cũng chủ trương: Định mệnh con người là khao khát vươn lên cho tới tuyệt đối.[17]

Kant còn cho rằng trong con người có một nguyên lý thúc đẩy con người vươn lên cho tới một trạng thái cao siêu hơn, khác hẳn hiện trạng về phẩm, và nhờ vậy, con người mới thực hiện được định mệnh thực sự của mình.[18]

Kant gọi nguyên lý ấy bằng nhiều danh hiệu, như là: siêu hình, hoàn thiện, toàn thể, toàn bích, tự thể, chân ý, thánh mệnh (thiên mệnh), v.v.[19]

II. Chữ Tính

Chữ Tính trong Trung Dung phải hiểu là Thiên Tính, hàm cụ vạn lý,[20] hoàn thiện,[21] theo như quan niệm của Mạnh Tử.[22]

Trong Từ Nguyên có chữ Tính Thiên, và giải: «Tính Thiên hay Thiên Tính chính là tính bản nhiên hoàn thiện mà con người đã được Trời phú cho. Tống Nho hằng dùng chữ này.» [23]

Âm Phù Kinh viết: «Thiên Tính nhân dã, nhân tâm cơ dã. Lập thiên chi đạo dĩ định nhân dã.» 天 性 人 也, 人 心 機 也. 立 天 之 道 以 定 人 也 (Thiên tính là người. Nhân tâm là máy. Lập ra thiên đạo, để định thế nào là con người.)

Xét chung lại, câu ‘Thiên mệnh chi vị Tính’ ta thấy rằng thực sự Trung Dung đã chủ trương con người thông phần bản tính Trời. Công phu tu luyện, học hỏi mà Trung Dung đã chỉ vẽ ra, chỉ cốt là để thực hiện Thiên Tính ấy.

B. Suất Tính chi vị đạo

Vì trong con người có Thiên Tính nên con người có bổn phận phải thuận theo Tính ấy, tuân theo Tính ấy, lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc, làm khuôn mẫu để nương theo mà cải thiện tâm tính cho tới chỗ hoàn thiện. Đó là đạo mà Trời muốn ta theo.

Suất Tính là theo Tính. Đã có theo, thì phải có dẫn; nếu đã có một cái theo chân, thì phải có một cái hướng đạo.

Tính là hướng đạo; đó là Thiên Tính.

Tâm theo chân; đó là nhân tâm hay phàm tâm.

Đại Học dạy ta phải chính tâm, tức là phải sửa tâm hồn cho ngay chính. Trung Dung dạy suất Tính, tức là muốn sửa tâm hồn cho ngay chính thì phải thuận theo Thiên Tính, thiên lý.

Phân tích Tâm và Tính như vậy chẳng những giúp ta hiểu Trung Dung mà còn giúp ta hiểu rõ thánh thư các tôn giáo khác.

Đối chiếu với các từ ngữ Phúc Âm chẳng hạn thì:

- Tính là Thiên nhân (homme spirituel, l’image du céleste), hay Thiên thể (corps spirituel).

- Tâm là phàm nhân, phàm thể (l’homme psychique, l’image du terrestre, hay corps psychique)[24].

Đối chiếu với các từ ngữ Phật giáo thì:

- Tính là Phật, là Phật Tính.

- Tâm là chúng sinh, là vọng tâm, v.v.

Đối với từ ngữ của quần chúng thì:

- Tính là lương tâm.

- Tâm là tâm hồn, là lòng dạ, v.v.

C. Tu đạo chi vị giáo

Các lời giáo hóa của thánh hiền xưa nay là làm cho mọi người hiểu biết thế nào là đạo Trời, thế nào là Tâm là Tính; dạy cho con người biết đường lối giữ trọn đạo Trời, tìm ra những phương châm bất hủ như:

- Chính tâm, suất Tính.

- Khử nhân dục, tồn thiên lý.

- Tư vô tà.

- Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, v.v.

Tóm lại những câu ‘Thiên mệnh chi vị Tính, suất Tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo’ có thể hiểu một cách nôm na mộc mạc như sau:

Trời đã phú bẩn cho con người bản tính hoàn thiện. bản tính này vừa là bản tính con người, vừa là căn cơ, gốc gác sin đạo đức nhân luân. Trời truyền ta phải theo tính ấy, thực hiện tính ấy, để tiến tới hoàn thiện. Đó là bổn phận con người. Thánh hiền chỉ muốn dạy con người tìm ra được bản tính hoàn thiện ấy, và biết phương pháp thực hiện bản tính ấy.

D. Đạo dã giả bất khả tu du ly dã

Câu này có thể hiểu hai cách: (1) Luật Trời chẳng lìa xa người; (2) Trời chẳng xa người.

1. Luật Trời chẳng hề lìa xa con người, vì nó đã được ghi tạc trong thâm tâm con người.

Đó là nguyên lý đã được cổ nhân khám phá từ lâu. Trung Dung chỉ nhắc lại.

Kinh Thi viết: «Phạt kha, phạt kha, kỳ tắc bất viễn.» 伐 柯 伐 柯 其 則 不 遠 (Đẽo rìu, đẽo rìu, mẫu mực chẳng xa.)[25]

Kinh Thi lại viết: «Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc. Dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức.» [26] 天 生 蒸 民 有 物 有 則 民 之 秉 彝 好 是 懿 德 .

«Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép nấy, định phân rành rành.

Lòng dân chứa sẵn căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành đẹp tươi.»

Khổng Tử khi đọc tới câu Kinh Thi này đã phải khen tác giả bài thơ là người hiểu đạo.[27]

Thánh kinh Công giáo đã nhiều lần long trọng xác nhận rằng luật Trời đã ghi tạc trong thâm tâm con người. Trong Deutéronome, khi truyền mười giới răn cho dân Do Thái, Thiên Chúa phán: «Thực vậy, lề luật mà ta truyền dạy ngươi hôm nay, không có ở ngoài tầm kích ngươi. Nó không có ở trên trời để ngươi phải nói: ‘Ai lên trời cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và thi hành.’ Nó cũng chẳng ở cách trùng dương để ngươi phải nói: ‘Ai sẽ vượt biển cả cho chúng tôi để tìm luật đó, để chúng tôi được nghe biết và thi hành.’ Đạo kế bên ngươi, Đạo ở trong miệng, trong lòng ngươi để ngươi có thể đem thực hiện.» [28]

Jérémie viết lại lời Thiên Chúa: «Ta để luật ta trong tầng sâu bản thể chúng, và sẽ viết luật ta trong đáy lòng chúng.» [29]

Về phía các triết gia, ta thấy Emmanuel Kant (1724-1804) viết: «Bầu trời đầy sao trên đầu ta, và định luật luân lý trong lòng ta, đó là hai điều càng ngày càng làm cho tâm hồn ta phải thêm kính phục.» [30]

Johann Gottfried von Herder (1744-1803), một văn gia Đức, cũng chủ trương đại khái rằng khuôn mẫu hoàn thiện chẳng lìa xa con người, đã ghi tạc trong thâm tâm con người. Mẫu người hoàn thiện đã có sẵn trong thâm tâm con người.[31]

2. Trời chẳng xa người

Hơn thế nữa, Trời cũng chẳng lìa xa con người, và đã lồng ngay trong tâm khảm con người. Trung Dung đã dùng cả chương 16 để chứng minh điều ấy. Ta sẽ trở lại vấn đề khi bình chương 16. Đó là niềm tin tưởng của thánh hiền Trung Hoa từ xưa và đã được ghi trong Kinh Thi:

«Chái Tây Bắc góc nhà thanh vắng,

Đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Đừng rằng tăm tối chơi vơi,

Đừng rằng tăm tối ai người thấy ta.

Thần giáng lâm ai mà hay biết,

Nên dám đâu khinh miệt dễ ngươi.» [32]

Kinh Thi cũng viết trong Đại nhã: «Không hiển hiện mà vẫn giáng lâm.»[33]

Có thế mới hiểu vì sao Trung Dung viết: «Cho nên người quân tử e dè đối với cái mình không trông thấy, sợ hãi với cái mình không nghe thấy.»

Các nhà bình giải Trung Dung cũng đã có người hiểu được điều ẩn áo ấy. Trong Trung Dung Hoặc Vấn ta thấy viết: «Người quân tử xưa lúc đứng thấy như Ngài ở trước mặt, lúc đi xe, thấy như Ngài tựa trên thành xe.» [34]

Thiệu Tử viết: «Thần có một và ở khắp nơi, thì cái thần của mình tức là cái thần của trời đất. Vậy nên người quân tử phải thận độc, nghĩa là phải kính cẩn lúc một mình, không lừa dối mình bao giờ [35]

Đức Khổng cảm thấy Trời ở trong lòng mình, nên lúc nguy khốn ở đất Khuông, mới xưng mình là vẻ sáng của Thượng Đế, như Văn Vương xưa.[36]

Các bậc đại nho ý hẳn cũng đã lĩnh hội được điều cao nhiệm ấy. Bằng chứng là ngay ở Việt Nam, cụ Nguyễn Đình Chiểu, một vị thạc nho, đã viết trong Ngư Tiều vấn đáp y thuật:

«Có Trời thầm dụ trong lòng,

Tuy ngồi một chỗ, suốt thông trăm đời.» (tr.372)

«Vậy thà theo lẽ an phần,

Trăm năm chờ mạng trong thân có Trời.» (tr.208)

«Lấy lòng tạo hóa làm lòng,

Vậy cho người thế khó trông thấy hình.» (tr.330)

Kinh Thư viết: «Duy thiên thông minh.» [37] Sách Nhật giảng quảng luận câu ấy như sau: «Trời trên tầng cao thăm thẳm, thật chí hư, chí công, chí thần, chí linh. Không cần nghe mà thông biết mọi sự, không cần nhìn mà thấy mọi điều. Chẳng những công cuộc hưng vong của các chính thể, vận hội thịnh suy của các dân tộc không thoát được sự chứng giám của Ngài, mà ngay muốn điều xảy ra trong những căn phòng tối tăm hẻo lánh, mắt thế nhân không dòm hành tới được, thì Trời vẫn thông suốt không sót một mảy may. Ấy Trời thông minh là vậy.» [38]

Suy ra thì nhận thức được rằng trong tâm có Trời là điều kiện tiên quyết để trở nên thánh hiền. Bất kỳ một đại thánh, đại tiên nào cũng đều quả quyết như vậy.

Hán Chung Ly và Lữ Động Tân hỏi Tào Quốc Cữu: «Ông tu luyện ra sao?» Tào Quốc Cữu nói: «Lòng mộ đạo thì lánh trần chứ không có phép chi hết.» Hai tiên hỏi: «Đạo ở đâu mà mộ?» Tào Quốc Cữu chỉ trời. Hai tiên hỏi: «Trời ở đâu?» Tào Quốc Cữu chỉ cái tim,. Hán Chung Ly cười rằng: «Lòng là Trời, Trời là Đạo, đã biết cội rễ, tu chắc thành tiên [39]

Ramakrishna viết: «Bao lâu bạn cảm thấy Thượng Đế xa bạn thì bấy lâu bạn còn u tối. Nhưng nếu bạn nhận chân rằng Thượng Đế ở trong bạn, thì bạn đã đạt được sự khôn ngoan thật.» [40]

Sách Gương Phúc viết: «Bao giờ cũng có Thiên Chúa hiện diện trong mình, và không còn ước mơ gì bên ngoài, đó là trạng thái của con người nội tâm.» [41]

Thánh Thérèse d’Avila viết: «Thật là một ân sủng lớn khi Thiên Chúa giúp ta tìm ra Ngài trong lòng ta.» [42]

E. Thị cố quân tử giới thận hồ ... thận kỳ độc dã

Trời đã hiện diện trong tâm, thì còn gì mà có thể che khuất mắt Ngài. Cổ nhân đã nói:

«Nhân gian tư ngữ Thiên văn như lôi,

Ám thất khuy tâm, Thần mục như điện

Nếu vậy thì người quân tử sợ hãi, e dè là phải. Sợ hãi, e dè vì tuy tai mắt mình không nghe, không nhìn thấy, nhưng mà Trời vẫn hiển hiện trong tâm, vì các điều bí ẩn trong lòng mình đều phơi bày trước mắt Ngài, như núi Thái Sơn trước ánh dương quang. Cho nên người quân tử phải thận trọng khi ở một mình, luôn phải ăn ở cho hợp thiên lý. Con người đạo hạnh phải luôn soát xét tâm hồn mình, đừng để cho tà dục làm hoen ố, và chỉ không buồn, không sợ, nếu xét thấy lòng mình không có lỗi lầm gì.

Ramakrishna viết: «Con người đạo hạnh thực sự là người không phạm tội khi ở một mình, vì biết rằng Trời thấy mình, mặc dầu không ai thấy mình. Người có thể chống trả lại được sự cám dỗ của một thiếu nữ trẻ đẹp trong khu vườn hoang vắng, khi không ai trông thấy mà chỉ sợ rằng Trời thấy, nên không dám để mắt thèm muốn thiếu nữ ấy, đó là người đạo hạnh thực sự. Người thấy một túi đầy vàng trong một ngôi nhà hẻo lánh, mà chống trả được sự cám dỗ, không chiếm đoạt túi vàng, ấy là người đạo hạnh.» [43]

F. Hỉ nộ ai lạc chi vị phát ... vạn vật dục yên

Trên kia Trung Dung đã luận về Tính, bản thể con người và là cơ cấu nhân luân, nay lại bàn về hai phương diện động tĩnh của Tính ấy.

Bản tính con người khi chưa vận dụng phát huy, thì hoàn toàn thiện mỹ, đến khi biến thiên phát xuất thì gọi là tình. Nếu phát xuất biến thiên theo đúng tiết tấu, thì gọi là hòa.

Nếu ta lấy Trời làm căn bản tâm hồn mình, quyết theo những định luật Trời đã ghi tạc trong thâm tâm mình, nhất tâm tu luyện cho đến mức hoàn thiện, rồi ra sống một cuộc đời khinh khoát luôn hợp tình hợp lý, hợp thời, hợp cảnh để cuối cùng đạt tới mức hoàn thiện, thế là tìm ra được gốc lớn của thiên hạ, và thực hiện đạo cao siêu nhất trong thiên hạ. Nếu mọi người đều thực hiện được đời sống lý tưởng như vậy, âu hẳn nhân loại sẽ sống một thời đại hoàng kim, vạn vật và vũ trụ cũng sẽ có một thời đại hoàng kim...

Trung Dung muốn dạy cho con người có một đời sống đạo hạnh thực sự, lý tưởng thực sự, để giúp đất trời trong công cuộc hóa sinh, đem lại cho vũ trụ sự thái hòa mong mỏi. Chủ trương này cũng giống như chủ trương của Herbert Spencer gần đây. Spencer chủ trương: Vạn vật tiến hóa. Sư tiến hóa của vạn hữu là do sự chuyển động không ngừng của bản thể vũ trụ. Sự chuyển động này làm cho bản thể ấy đi dần dà từ những trạng thái không hoàn bị, đến những trạng thái hoàn bị, để cuối cùng đạt tới thế trung hòa, nhờ sự hoàn thiện và hạnh phúc của toàn thể.[44] Cho nên điều hay là điều mang lại cho ta và cho người thêm sống động, hạnh phúc và bổn phận mọi người là phải trở nên những người cộng tác minh tri và hữu hiệu vào cuộc tiến hóa tâm thần.[45]

CHÚ THÍCH CỦA CHU HI

右 第 一 章 .子 思 述 所 傳 之 意, 以 立 言. 首 明 道 之 本 原 出 於 天, 而 不 可 易, 其 實 體 備 於 己, 而 不 可 離, 次 言 存 養 省 察 之 要. 終 言 聖 神 功 化 之 極. 蓋 欲 學 者 於 此, 反 求 諸 身 而 自 得 之. 以 去 夫 外 誘 之 私 ,而 充 其 本 然 之 善. 楊 氏 所 謂 一 章 之 體 要 是 也. 其 下 十 章, 蓋 子 思 引 夫 子 之 言, 以 終 此 章 之 義 .

PHIÊN ÂM

Hữu đệ nhất chương. Tử tư thuật sở truyền chi ý, dĩ lập ngôn. Thủ minh đạo chi bản nguyên xuất ư thiên, nhi bất khả dịch, kỳ thực thể bị ư kỷ, nhi bất khả ly, thứ ngôn ‘tồn, dưỡng, tỉnh, sát’ chi yếu. Chung ngôn ‘thánh thần công hóa’ chi cực. Cái dục học giả ư thử, phản cầu chư thân nhi tự đắc chi, dĩ khử phù ngoại dụ chi tư, nhi sung kỳ bản nhiên chi thiện. Dương Thị[46] sở vị nhất thiên chi thể yếu thị dã. Kỳ hạ thập chương, cái Tử Tư dẫn Phu Tử chi ngôn, dĩ chung thử chương chi nghĩa.

Chú thích của Chu Hi

Tử Tư nương ý chân truyền,

Trung Dung hạ bút nói liền nguyên do:

Nguồn đạo ấy phát từ Thượng Đế,

Chẳng đổi thay, chẳng thể biến rời.

Hoàn toàn đầy đủ nơi người,

Một giây một phút chẳng rời khỏi ta.

Rồi bàn tiếp chi là cần thiết,

Lẽ ‘Dưỡng, Tồn, Tỉnh, Sát’ vân vân...

Cuối cùng tác giả luận bàn,

Sức thiêng ‘Biến hóa thánh thần’ uy linh.

Những học giả muốn tìm đạo ấy,

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có, đồng thời khuếch sung.

Theo ý kiến họ Dương bàn định,

Chương đầu này là chính chốt then.

Mười chương sau Tử Tư biên,

Dẫn lời Đức Khổng bàn thêm cho tường.

BÌNH LUẬN

Chu Hi tóm chương đầu như sau:

1. Đạo Trung Dung phát xuất từ Trời, và đã ghi tạc trong thâm tâm con người nên không thể biến dịch. (Từ «Thiên mệnh chi...» đến «Khả ly phi đạo dã»)

2. Muốn theo đạo Trời phải biết tồn tâm dưỡng tánh, nội quan, nội tỉnh. (Từ «Thị cố quân tử...» đến «Thận kỳ độc dã»)

3. Lúc đạt đạo sẽ lên tới mức cao siêu, biến hóa muôn ngàn, hóa dục vạn vật. (Từ «Hỉ nộ ai lạc...» đến «Vạn vật dục yên»)

Chu Hi cho rằng muốn tìm đạo ấy phải tìm nơi đáy lòng mình, rũ bỏ mọi điều cám dỗ bên ngoài, để phát huy nguồn mạch thánh thiện nơi lòng mình.

Xem thế vì Trung Dung chủ trương một nền nhân văn thiên bản (Humanisme théocratique, ou théocentrique), một nền đạo hạnh thuần túy, nội tại giữa mình với Trời, một nền đạo hạnh sáng suốt cao siêu, vì đòi hỏi một sự suy tư, và minh triết rất sâu sắc.

Tóm lại, Trung Dung muốn dẫn dắt con người lên bậc thánh hiền thật sự.


CHÚ THÍCH

[1] Cận Tư Lục, I, tr.2.

[2] Trung Dung, văn ngôn đối chiếu, tr.3.

[3] Nguyễn Mạnh Bảo, Dịch kinh tân khảo, q.I, tr.119.

Danh ngôn đối chiếu:

[4] Car Dieu a créé l’homme pour une vie éternelle et l’a fait à l’image de sa propre nature. (Livre de la Sagesse, 2,23)

[5] Heureux l’homme qui prend son plaisir dans la loi de Yahweh et médite sa joie nuit et jour. (Psaume, 1.2)

[6] Car ton esprit incorruptible est dans tous (les êtres). (Livre de la Sagesse, 12,1)

[7] Le principe de la sagesse est de craindre le Seigneur; elle et les fidèles sont ensemble créés dans le sein (maternel). (L’Ecclésiastque, 1.14)

[8] Car Dieu est le témoin de ses reins, le véritable scrutateur de son cœur, et il entend ses paroles. (Livre de la Sagesse, 1,6)

[9] Et ton Père qui voit dans le secret, te le revaudra. (Jean, 6,4,6,18)

Danh ngôn đối chiếu:

[10] L’homme en naissant apporte deux tendances avec lui dans ce monde: l’une (vidya = sagesse) qui le pousse à chercher le chemin de sa libération, l’autre (avidya = ignorance) qui l’entraýne vers la vie terrestre et vers l’esclavage. A la naissance, ces deux tendances sont en équilibre comme les deux plateaux d’une balance. Bientôt le monde pose d’un côté ses plaisirs et ses jouissances. Sur l’autre plateau, l’esprit pose alors l’attirance de ses promesses. La balance s’incline du côté d’avidya si l’homme choisit le monde et il se trouve entraýné vers la terre; mais s’il fait l’élection de l’esprit, le plateau de vidya l’élèvera jusqu’à Dieu... (L’Enseignement de Ramakrishna, p.5,6)

[11] Bắc Khê Trần Thị viết: «Tính dữ mệnh phi nhị vật. Tại Thiên vị chi mệnh, tại nhân vị chi Tính. Hựu viết: Tính mệnh chỉ thị nhất cá đạo lý.» 北 溪 陳 氏 曰: 性 與 命 非 二 物 在 天 謂 之 命 在 人 謂 之 性 又 曰: 性 命 只 是 一 箇 道 理 (Trung Dung hoặc vấn, tr.6a)

[12] Cái tại Thiên, tại nhân, tuy hữu tính mệnh chi phân, nhi kỳ lý tắc vị thường bất nhất. 蓋 在 天 在 人 雖 有 性 命 之 分 而 其 理 則 未 嘗 不 一 (Trung Dung hoặc vấn, tr.6a)

[13] Trương Tử viết: «Thiên thụ ư nhân tắc vi mệnh; nhân thụ ư thiên tắc vi tính.» 張 子 曰: 天 授 於 人 則 為 命;人 受 於 天 則 為 性 (Wieger, Textes philosophiques, II, p.191-192)

[14] Ngô Thảo Lư viết: «Đạo dã, lý dã, thành dã, Thiên dã, Đế dã, Thần dã, Mệnh dã, Tính dã, Đức dã, Thái Cực dã, danh tuy bất đồng, kỳ thực nhất dã. 道 也. 理 也. 誠 也. 天 也. 帝 也. 神 也. 命 也. 性 也. 德 也. 太 極 也. 名 雖 不 同 其 實 一 也. (Tống Nguyên Học Án, q.12, tr.8)

- Đọc thêm «Vấn đề thiên mạng» trong: Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Tiết Học Trung Quốc, q. Hạ, tr. 37.

[15] Pierre 1,4: «... mà trở nên người dự phần bản tính Đức Chúa Trời.»

[16] He (Chu Hsi) defines by , to command, to order. (J. Legge, The Doctrine of the Mean, p. 385, notes)

[17] C’est la destinée de l’homme d’aspirer à l’absolu. (Lucien Goldmann, La communauté humaine et l’univers chez Kant, p.136)

[18] Il existe dans l’homme un principe qui le pousse à aspirer sans cesse vers un état plus élevé, qualitativement différent de son état actuel et c’est par cela seulement qu’il peut accomplir sa vraie destinée. (Ibid., p.134)

[19] Nous trouvons chez Kant un très grand nombre d’expression pour désigner l’inconditionné: le supra-sensible, le souverain bien, la totalité, l’Universitas, le noumène, la chose en soi, l’intellect archétype, la volonté sainte, l’entendement intuitif ou créateur. (Ibid., p.137)

[20] Cái sở vị Tính giả vô nhất lý chi bất cụ. 蓋 所 謂 性 者 無 一 理 之 不 具 (Trung Dung Hoặc Vấn, tr. 7a)

[21] Thử ngô chi Tính sở dĩ thuần túy chí thiện. 此 吾 之 性 所 以 純 粹 至 善 (Ibid., tr.6a)

[22] Nhân tính chi thiện dã. 人 性 之 善 也 (Mạnh Tử, Cáo Tử [thượng-2])

[23] Cf. Từ Nguyên, nơi chữ Tính Thiên.

[24] L’homme psychique n’accueille pas ce qui est de l’Esprit de Dieu... L’homme spirituel juge de tout et ne relève lui-même du jugement de personne. (I Cor. 2,14-15; Bible de Jérusalem)

... S’il y a un corps psychique, il y a aussi un corps spirituel. Le premier homme issu du sol est terrestre, le second homme lui vient du ciel... Et de même que nous avons revêtu l’image du terrestre, il nous faut revêtir aussi l’image du céleste. (I Romains, 15, 44-49; Bible de Jérusalem)

... Ce sont eux qui créent des divisions, ces êtres ‘psychiques’ qui n’ont pas d’esprit. (Épitre de St. Jude, 19; Bible de Jérusalem)

[25] Kinh Thi, Bân phong, phạt kha thiên.

[26] Kinh Thi, Chưng dân.

[27] Khổng Tử viết: «Vi thử thi giả, kỳ tri đạo hồ.» 孔 子 曰: 為 此 詩 者 其 知 道 乎 (Mạnh Tử, Cáo Tử [thượng-7])

[28] Car cette loi que je te prescris aujourd’hui n’est pas au-delà de tes moyens ni hors de ton atteinte. Elle n’est pas dans les cieux, qu’il te faille dire: ‘Qui montera pour nous aux cieux nous la chercher, que nous l’entendions pour la mettre en pratique?’ Elle n’est pas au-delà des mers, qu’il te faille dire: ‘Qui ira pour nous au-delà des mers nous la chercher, que nous l’entendions pour la mettre en pratique?’ Car la Parole est tout près de toi, elle est dans ta bouche et dans ton cœur pour que tu la mettes en pratique. (Deutéronome, 30,11-14)

[29] Je mettrai ma Loi au fond de leur être et je l’écrirai sur leur cœur. (Jérémie, 31; 33-34)

[30] Le ciel étoilé au-dessus de nos têtes, dit Kant, et la loi morale au-dedans de nos cœurs, deux choses qui remplissent l’âme d’une admiration toujours croissante. (P. Ch. Lahr, S.J., Morale, p.486)

[31] Le but d’une chose qui n’est pas simplement un moyen sans vie doit nécessairement se trouver en elle-même. Si nous étions créés pour, de même que la boussole se dirige vers le nord, tendre vers un effort éternellement vain en un point de perfection en dehors de nous que nous ne pourrions jamais atteindre, nous serions fondés, à titre de machines aveugles, à plaindre non seulement nous, mais l’être même qui nous aurait condamné à un destin de Tantale, en créant notre espèce uniquement pour le plaisir de ses yeux, plains de malignité et indigne d’un dieu.

Mais par bonheur, la nature des choses ne nous enseigne pas cette hypothèse fausse; si nous considérons l’humanité telle que nous la connaissons d’après les lois qu’elle porte en elle, nous ne connaissons rien de plus haut que l’humanité idéale en l’homme: car même quand nous imagnons des anges ou des dieu nous les représentons seulement comme des hommes idéaux supérieurs. (Herder, Idées pour la philosophie de l’histoire de l’humanité, p.269-271)

[32] Tướng tại nhĩ thất, thượng bất quí vu ốc lậu. Vô viết bất hiển mạc dư vân cẩu. Thần chi cách tư bất khả đạc tư. Thần khả dịch tư. (Mao Thi. Đại nhã ức thiên)

[33] Bất hiển diệc lâm, vô xạ diệc bảo. 不 顯 亦 臨 無 射 亦 保 (Đại Nhã, tư trai tứ chương, chương lục cú)

[34] Cổ chi quân tử lập tắc kiến kỳ tham ư tiền, tại dư tắc kiến kỳ ỷ ư hành. 古 之 君 子 立 則 見 其 參 於 前 在 輿 則 見 其 倚 於 衡 (Sđd., tr.22a)

[35] Trần Trọng Kim, Nho giáo, q.2, p.113)

[36] Luận Ngữ, Tử Hãn, 9-5.

[37] Kinh Thư, Duyệt mệnh, hạ.

[38] Notitiӕ sinicӕ, tr.168: Duy thiên cao cao tại thượng, chí hư, chí công, chí thần, chí linh, bất dụng thính nhi thông vô bất văn, bất nhu thị nhi minh vô bất kiến, bất duy chính lệnh chi đắc thất, dân sinh chi hưu thích, cử bất năng đào Thiên chi giám, tức ám thất ốc lậu chi trung, bất đổ bất văn chi địa, diệc giai chiêu nhiên sát vô di yên. Thiên chi thông minh như thử. 惟 天 高 高 在 上, 至 虛, 至 公, 至 神, 至 靈, 不 用 聽 而 聰 無 不 聞, 不 需 視 而 明 無 不 見, 不 惟 正 令 之 得 失, 民 生 之 休 戚, 舉 不 能 逃 天 之 鑒, 即 暗 室 屋 漏 之 中, 不 睹 不 聞 之 地, 亦 皆 昭 然 察 無 遺 焉. 天 之 聰 明 如 此.

[39] Đông Du Bát Tiên, q. 4, tr.52.

[40] Tant que vous sentez Dieu loin de vous et extérieurement, vous avez l’ignorance, mais quand vous réalisez Dieu intérieurement, vous arrivez à la vraie sagesse. (L’Enseignement de Ramakrishna, p.403)

[41] L’imitation de Jésus Christ, ch. 6, p.4.

[42]... C’est une grande grâce que Dieu nous fait, quand il nous aide à le chercher dans notre intérieur. (Ste. Thérèse d’Avila, cité par Illan de Casca Fuerte, Le Religion essentielle, p.167)

[43] Ibid., p.143-144.

[44] L’évolutionisme explique la formation et le progrès des êtres par un mouvement continu de la substance cosmique qui la fait passer graduellement du moins parfait au plus parfait, pour aboutir à cet équibre final résultant de la perfection et du bonheur de l’ensemble (Ch. Lahr, S.J., Morale, p.534)

[45] L’acte bon, dit Herbert Spencer, est l’acte utile à l’évolution c’est-à-dire à l’accroissement de la vie et du bonheur en nous et dans les autres, et le devoir peut se formuler: sois un agent conscient et volontaire de l’évolution morale. (Ibid., p.534)

[46] Dương thị phải chăng là Dương Tử Vân 楊 子 雲 một danh nho đời Hán?


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33