TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 23

PHƯƠNG PHÁP TU THÂN ĐỂ TIẾN TỚI THÁNH HIỀN

第 二 十 三 章

其 次 致 曲. 曲 能 友 誠. 誠 則 形. 形 則 著. 著則 明. 明 則 動. 動 則 變. 變 則 化. 唯 天 下 至 誠 為 能 化.

PHIÊN ÂM

Kỳ thứ trí khúc. Khúc năng hữu thành. Thành tắc hình; hình tắc trứ; trứ tắc minh; minh tắc động; động tắc biến; biến tắc hóa. Duy thiên hạ chí thành vi năng hóa.[1]

CHÚ THÍCH

- Khúc : (1) Nhỏ, vụn vặt,[2] (2) Cong queo, vạy vò.[3] - Trí khúc 致 曲: (1) Chất chứa những cái lẻ loi để làm cho đầy đủ (Ph. Khoang), (2) Cố làm cho tâm tính còn khiếm khuyết trở nên hoàn hảo (Couvreur), (3) Phát triển thiện đoan (Legge).

DỊCH CHƯƠNG 23

Phương pháp tu thân để tiến tới thánh hiền

Hai là bao chếch mác liệu san cho bằng phẳng,

Bao cong queo cố uốn nắn lại cho ngay.

Rồi cũng nên trọn hảo kém chi ai,

Sự trọn hảo sẽ hiện ra ngoài hình sắc.

Sẽ sáng lên như trăng sao vằng vặc,

Sẽ huy hoàng và sẽ tác động ngay.

Tác động rồi sẽ cảm hóa liền tay.

Đã cảm hóa sẽ đổi thay thiên hạ,

Duy bậc chí thành mới có tài cảm hóa.[4]

BÌNH LUẬN

Chương trên đã nói về thiên đạo, thánh đạo, chương này nói về nhân đạo.

a. Kỳ thứ trí khúc

Dương Qui Sơn bình: «Tận tính là hoàn thiện, trí khúc là trở nên hoàn thiện. Học vấn, suy tư, biện luận, thực hành là trí khúc vậy.» [5]

Chữ trí khúc thật là khó cắt nghĩa. Các nhà bình luận mỗi người một cách.

Couvreur dịch trí khúc là ‘perfectionner une nature défectueuse’ (tu sửa tính tình còn khiếm khuyết cho nên hoàn thiện).

Legge dịch kỳ thứ trí khúc’ là ‘next to the above is he who cultivates to the utmost the shoots of goodness in him’ (tiếp đến là kẻ phát huy đến cùng cực những thiện đoan trong người họ).[6]

Cụ Phan Bội Châu viết: «Khúc là một việc lẻ loi mà chưa được hoàn thành... Nhưng vì công phu trí khúc mà cũng hay đầy đủ được phân lượng của thành.» [7]

Tiên nho như Trình Tử, Dương Qui Sơn, v.v. cho rằng trí khúc là phát huy đến cùng cực những đức tính mình được bẩm thụ nhiều hơn, xong rồi dần dà phát huy các thiện đoan khác để cuối cùng tiến tới hoàn thiện.[8]

Các ngài cho rằng: Thiện đoan nơi con người phát sinh không đồng đều nhau. Tùy theo sự bẩm thụ dày mỏng mà thiên về nhân, về nghĩa, về hiếu, về đễ, v.v. không đồng đều nhau. Nếu nhân khí nhiều, nhân sẽ phát triển nhiều hơn, mà nghĩa sẽ kém hơn. Nếu nghĩa khí nhiều, nghĩa sẽ phát triển nhiều hơn, mà nhân sẽ kém hơn. Cứ tùy theo sự phát triển thiên thắng về phía nào mà cố gắng phát huy phía ấy cho đến cùng cực.

Ví dụ: Nhân thiên thắng thì phát huy đức nhân đến cùng cực, rồi lại quay sang nghĩa, sang trí, mà phát huy đến cùng cực, cứ thế... Như vậy, thì mỏng sẽ thành dày, khác biệt sẽ thành giống nhau. Nhân sẽ dày mà nghĩa cũng không mỏng. Như vậy sẽ quán thông được toàn thể.[9]

Ta cũng có thể nương theo nghĩa chữ khúc‘cong queo’ mà dịch chữ trí khúc ‘uốn nắn lại những gì cong queo, sửa sang lại những gì chếch mác, để trở nên hoàn thiện.’

Cắt nghĩa cách này có cái lợi là sẽ tìm ra được những âm hưởng tương tự trong Đạo Đức Kinh của Lão giáo và Thánh kinh Công giáo.

Chương 22 của Đạo Đức Kinh viết: «Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, trật tắc doanh, tệ tắc tân.» 曲 則 全, 枉 則 直, 窪 則 盈, 敝 則 新 .

Tạm dịch:

Bao dang dở, làm cho tươm tất,

Bao cong queo, hãy bắt cho ngay.

Hãy san chỗ trũng cho đầy,

Cũ càng đổi mới, mới ngay tức thì.

Isaie (40, 3-4) viết:

«Vì Yahvé, hãy mở đường trong sa mạc,

Hãy chỉnh trang đạo lộ chốn hoang vu.

Lấp thung lũng, bạt đồi núi hoang vu,

Biến vực thẳm cho trở thành đồng nội.»

b. Thành tắc hình, hình tắc trứ, trứ tắc minh

Đã hoàn thiện bên trong, tự nhiên sẽ nhuận sắc đến thân thể, phóng phát quang huy ra bên ngoài, hiển hiện ra ngôn từ cử chỉ, phát lộ thành văn chương sự nghiệp, v.v.

Đó là định luật ‘Thành ư trung, hình ư ngoại’ đã được đề cập trong sách Đại Học (ch.6). Tứ Thư Ngũ Kinh thường đề cập định luật này.

Dịch Kinh viết nơi quẻ Khôn: «Quân tử hoàng trung thông lý, chính vị cư thể. Mỹ tại kỳ trung, nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp.»

Người Nhân thông lý Trung hoàng,

Vào nơi chính vị mà an thân mình.

Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,

Tứ chi sảng khoái, công trình hiển dương.

Chương 6 của Đại Học viết: «Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng, thể bàn.»

Giàu thời nhà cửa khang trang,

Đức thời thân thể an khang rạng ngời.

Lòng mà khinh khoát thảnh thơi,

Rồi ra sẽ thấy hình hài tốt tươi.

Mạnh Tử viết: «Cái bản tính của người quân tử có đủ những đức nhân, nghĩa, lễ, trí. Những đức căn cứ nơi tâm, nhưng khi phát sinh ra thì hiện một cách rõ ràng nơi mặt, chiếu nơi lưng, phơi bày nơi tay chân. Chẳng đợi dùng lời nói mà giải bày, chân tay người quân tử có đủ khí tượng về nhân, nghĩa, lễ, trí vậy.» [10]

Ông còn nói: «Người quân tử lập chí ở đạo, nếu chưa thấy phát huy được đạo ra bên ngoài thì chưa đạt đạo.» [11]

Trình Tử bình rằng: «Quân tử giữ đạo mà chưa nhuận trạch được thân thể, chưa phóng phát được quang huy ra bên ngoài, là chưa đạt đạo. Dịch viết: Đẹp bên trong, thân thể sẽ sảng khoái, thế là thành chương vậy.» [12]

Nghiên cứu các bức chân dung thánh hiền ta thấy:

- Dung nhan quang nhuận, cốt cách thanh tao, dáng điệu ung dung thư thái.

- Các xương đầu đôi khi nở nang khác thường, nhất là các vị đã luyện khí công, nội công.[13]

Đó cũng là những chứng nghiệm để xác thực định luật nói trên.[14]

c. Minh tắc động, động tắc biến, biến tắc hóa

Khi sự hoàn thiện đã phát lộ ra bên ngoài[15] sẽ ảnh hưởng đến dân chúng. Đó là định luật cảm ứng của trời đất.[16] Hệ Từ viết:

Hạc kêu khuất nẻo đâu đây,

Mẹ kêu con đáp cả bầy hòa minh.

Ta đây có rượu thần linh,

Ta đem ta sẻ, ta dành cho ai.

Dạy rằng quân tử trên đời,

Ngồi nhà nói phải muôn người vâng theo.

Dặm nghìn còn phải hướng chiều,

Thời gần gang tấc đâu điều lần khân.[17]

Khi đã ảnh hưởng đến dân chúng, các bậc thánh nhân sẽ cảm hóa được mọi người.

Quảng Bình Du Thị nói: «Hoàn thiện đến mức phát lộ ra bên ngoài thì trong ngoài sẽ thông suốt, cơ thể sẽ đượm màu thanh cao, trong sáng. Vì thế, phát lộ sẽ trong sáng; trong sáng rồi sẽ động chúng; cho nên sáng sẽ động. Động rồi sẽ thay đổi được phong tục, cho nên động sẽ biến. Biến rồi sẽ thay đổi được ô trọc thành thanh cao, bạo tàn thành hiền lương. Nhưng biến là đổi mà hãy còn dấu vết, còn hóa thì đổi mà không còn dấu vết cũ nữa. Cho nên chỉ có thần thánh mới có thể làm được như vậy.» [18]


CHÚ THÍCH

[1] Couvreur dịch: Après ces hommes (qui sont naturellement parfaits), viennent ceux qui perfectionnent une nature défectueuse. Une nature défectueuse peut devenir parfaite. Aussitôt sa perfection paraît; elle devient manifeste, elle exerce de l’influence (sur les hommes et les choses), elle les change, elle les transforme. Seul sous le ciel celui qui est vraiment parfaît, a le pouvoir d’opérer des transformations.

[2] Xem các bản dịch của cụ Phan Bội Châu, Phan Khoang, bản chú của Trung Dung kim thích)

[3] Bản dịch Đoàn Trung Còn, Couvreur.

Danh ngôn đối chiếu:

[4] Ainsi ont été redressées les voies de ceux qui sont sur la terre, et les hommes ont appris ce qui t’est agréable, et ils ont été sauvés par la sagesse. (Livre de la Sagesse, 9, 18)

- Une voix crie:

Frayez dans le désert le chemin de Yahweh,

aplanissez dans le steppe une route pour notre Dieu.

Que toute vallée soit comblée,

toute montagne et colline abaissées;

que le sol montueux se fasse plaine,

et les escarpements, vallons !            (Isaïe 40-3, 4)

- Đạo Đức Kinh, ch.22:

Bao dang dở làm cho tươm tất,

Bao cong queo hãy bắt cho ngay.

Hãy san chỗ trũng cho đầy,

Cũ càng đổi mới, mới ngay tức thì.

Nghèo nàn sẽ thỏa thuê đầu đủ,

Của cải nhiều trí lự ám hôn.

Thánh nhân một dạ sắt son,

Hòa mình với đạo, treo gương cho đời.

Ít phô nhưng rạng ngời sáng quắc,

Chẳng khoe nhưng vằng vặc trăng sao.

Chẳng cầu cạnh vẫn cao công nghiệp,

Rẻ rúng thân, ngồi tít tầng cao.

Không tranh ai nỡ tranh nào,

Lời người xưa nói, lẽ nào sai ngoa.

"Bao dang dở làm cho tươm tất",

Tươm tất rồi là chắc về "Ngài".

[5] Qui Sơn Dương Thị viết: Năng tận kỳ tính giả thành dã.

   Kỳ thứ trí khúc giả, thành chi dã. Học vấn, tư biện, nhi đốc hành chi, trí khúc dã. 龜 山 楊 氏 曰: 能 盡 其 性 者 誠 也 其 次 致 曲 者 誠 之 也 學 問, 思 辨, 而 篤 行 之 致 曲 也 (Trung Dung hoặc vấn, tr.117a,b)

[6] J. Legge trans., The Doctrine of the Mean, p.417.

[7] Phan Bội Châu, Khổng học đăng I, tr.375.

[8] Trí khúc công phu thị tự nhất thiên chi thiện suy chi, dĩ quán thông hồ toàn thể. 致 曲 功 夫 是 自 一 偏 之 善 推 之, 以 貫 通 乎 全 體 (Trung Dung hoặc vấn, tr.117b)

[9] Thiện đoan sở phát tùy kỳ sở bẩm chi hậu bạc, hoặc Nhân, hoặc Nghĩa, hoặc Hiếu, hoặc Đễ nhi bất năng đồng. Như bẩm đắc nhân khí hậu, tắc phát xuất lai đa thị nhân, nhi nghĩa ý tứ toàn thiểu. Như bẩm đắc nghĩa khí hậu tắc phát hiện lai đa thị nghĩa nhi nhân ý tứ toàn thiểu. Các nhân kỳ phát hiện chi thiên nhất nhất suy dĩ chí hồ kỳ cực. Như nhân nhân chi phát hiện suy chi dĩ chí nhân chi cực. Hựu nhân nhân phát hiện chi thiên xứ nhi suy chi dĩ cập ư nghĩa, sử nghĩa diệc chí kỳ cực, nhược lễ nhược trí mạc bất giai nhiên. Thử sở vị các nhân kỳ phát hiện chi thiên nhất nhất suy chi dĩ chí kỳ cực dã. Sử kỳ bạc giả hậu nhi dị giả đồng. Tự phù suy nhân chi khúc dĩ cực ư nghĩa tắc nhân cố hậu nhi nghĩa diệc bất vi bạc. Suy nghĩa chi khúc dĩ cực ư nhân tắc nghĩa cố hậu nhi nhân diệc bất vi bạc. Thủy hữu hậu bạc bất miễn hữu dị, kim vô hậu bạc tắc dị giả đồng hĩ. Cố viết bạc giả hậu nhi nhị giả đồng. Bạc giả hậu nhi dị giả đồng tắc quán thông hồ toàn thể hĩ. 善 端 所 發 隨 其 所 稟 之 厚 薄, 惑 仁 惑 義 惑 孝 惑 悌 而 不 能 同. 如 稟 得 仁 氣 厚, 則 發 出 來 多 是 仁, 而 義 意 思 全 少, 如 稟 得 義 氣 厚 則 發 現 來 多 是 義 而 仁 意 思 全 少. 各 因 其 發 現 之 偏 一 一 推 之 以 至 乎 其 極. 如 因 仁 之 發 現 推 之 以 至 仁 之 極. 又 因 仁 發 現 之 偏 處 而 推 之 以 及 於 義. 使 義 亦 至 其 極 若 禮 若 智 莫 不 皆 然. 此 所 謂 各 因 其 發 現 之偏 一 一 推 之 以 至 其 極 也. 使 薄 者 厚 而 異 者 同. 自 夫 推 仁 之 曲 以 極 於 義 則 仁 固 厚 而 義 亦 不 為 薄 推 義 之 曲 以 極 於 仁, 則 義 固 厚 而 仁 亦 不 為 薄. 始 有 厚 薄 不 免 有 異 今 無 厚 薄 則 異 者 同 矣. 故 曰: 薄 者 厚 而 異 者 同. 薄 者 厚 而 異 者 同 則 貫 通 乎 全 體 矣 (Trung Dung hoặc vấn, tr.117b-118a)

[10] Mạnh Tử, Tận tâm [thượng-21] (Đoàn Trung Còn dịch)

[11] Quân tử chi chí ư đạo dã, bất thành chương bất đạt. 君 子 之 志 於 道 也 不 成 章 不 達 (Mạnh Tử, Tận tâm [thượng-24])

Các bản dịch của Couvreur, Legge, Đoàn Trung Còn đều dịch đại khái là: «Người quân tử lập chí ở đạo, nhưng phải thành thục văn chương, rồi mới thấu đạt ý nghĩa của thánh nhân vậy.» Dịch như thế thiết tưởng chưa ổn lắm.

[12] Quân tử bất thành chương bất đạt. Dịch viết: Mỹ tại kỳ trung, nhi sướng ư tứ chi, thành chương chi vị dã. 子 不 成 章 不 達. 易 曰: 美 在 其 中 而 暢 於 四 肢, 成 章 之 謂 也.(Nhị Trình toàn thư. Di thư 18, tr.48a)

[13] Comme chez tous les Immortels (sien-jen), le crâne présente une énorme bosse frontale signifiant que les sages ont fortifié leur cerveau en tant que réservoir d’énergie vitale. (Jean Rivolier)

[14] Thánh kinh Công giáo cũng viết: «Đầy trong lòng, phát ra miệng.» (Matthieu 12, 34)

[15] Dương Thị ký dĩ quang huy phát ngoại vi minh hĩ. 楊 氏 既 以 光 輝 發 外 為 明 矣 (Trung Dung hoặc vấn, tr.117a)

[16] Thiên địa chi gian chỉ hữu nhất cá cảm dữ ứng nhi dĩ. 天 地 之 間 只 有 一 箇 感 與 應 而 已 (Nhị Trình toàn thư. Di thư 18, tr.7b)

[17] Hệ Từ Thượng, 8.

[18] Quảng Bình Du Thị viết: Thành chí ư trứ tắc nội ngoại oa triệt, thanh minh tại cung. Cố trứ tắc minh. Minh tắc hữu động chúng. Cố minh tắc động, động tắc hữu dịch tục. Cố động tắc biến. Biến tắc cách ô dĩ vi thanh, cách bạo dĩ vi lương, nhiên do hữu tích dã. Hóa tắc kỳ tích mẫn hĩ. 廣 平 游 氏 曰: 誠 至 於 著 則 內 外 渦 徹 清 明 在 躬. 故 著 則 明 明 則 有 動 眾. 故 明 則 動 動 則 易 俗. 故 動 則 變. 變 則 革 汙 為 清, 革 暴 以 為 良, 然 猶 有 跡 也. 化 則 其 跡 泯 矣 (Trung Dung hoặc vấn, tr.117a)

- Hoặc vấn biến dữ hóa hà biệt. Vương thị vị nhân hình di dịch vị chi biến. Ly hình đốn cách vị chi hóa. Nghi kỳ thuyết chi thiện dã. Tử viết phi dã. Biến vị ly kỳ thể dã. Hóa tắc cựu tích tận vong. Tự nhiên nhi dĩ hĩ. Cố viết động tắc biến, biến tắc hóa; duy thiên hạ chí thành vi năng hóa. 或 問 變 與 化 何 別. 王 氏 謂 因 形 移 易 謂 之 變. 離 形 頓 革 謂 之 化. 疑 其 說 之 善 也. 子 曰: 非 也. 變 未 離 其 體 也. 化 則 舊 跡 盡 亡. 自 然 而 已 矣 故 曰: 動 則 變, 變 則 化; 惟 天 下 至 誠 為 能 化 (Nhị Trình toàn thư. Túy ngôn, I, tr.8b)


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33