TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 5

ÍT NGƯỜI THEO ĐƯỢC ĐẠO TRUNG DUNG

第 五 章

子 曰: 道 其 不 行 矣 夫.

PHIÊN ÂM

Tử viết: «Đạo kỳ bất hành hĩ phù.»

CHÚ THÍCH

A. Mượn lời Chu Hi

Chu Tử viết: «Tự thánh học bất truyền, vi sĩ giả bất tri học chi hữu bản nhi sở dĩ cầu ư thư bất việt hồ ký tụng huấn hỗ văn từ chi gian. Thị dĩ thiên hạ chi thư dũ đa nhi lý dũ muội, học giả chi sự dũ cần nhi tâm dũ phóng, từ chương dũ lệ, nghị luận dũ cao nhi kỳ đức nghiệp, sự công chi thực dũ vô.» (Tứ thư tiết yếu, tr.7. Tựa)

朱 子 曰: 自 聖 學 不 傳, 為 士 者 不 知 學 之 有 本而 所 以 求 於 書 不 越 乎 記 誦 訓 詁 文 詞 之 間. 是 以 天 下 之 書 愈 多 而 理 愈 , 學 者 之 事 愈 勤 而 心 愈 放 ,詞 章 愈 麗, 議 論 愈 高 而 其 德 業, 事 功 之 實 愈 無.

(Chu Tử nói: Từ khi phép học để nên thánh hiền không truyền tụng, các học giả không biết lý do của sự học mà học chỉ học từ chương, học chú thích, học thuộc lòng. Do đó sách vở ngày một nhiều mà nghĩa lý ngày một mờ tối, học hành ngày một vất vả mà tâm hồn ngày một phóng túng, văn chương ngày một hay, nghị luận ngày một cao, mà thực hành trau dồi đức độ thì ngày một hết.)

B. Mượn lời Trương thị

Tục nho dụng công quá cần nhi muội ư đạo, dị đoan ngụ ý cao viễn nhi ly hồ trung. 俗 儒 用 功 過 勤 而 昧 於 道, 異 端 寓 意 高 遠 而 離 乎 中(Tục nho thực là vất vả mà chẳng hiểu đạo lý; tin dị đoan, ý nghĩa viễn vông mà quên mất đường ngay chính.) (ibidem)

DỊCH CHƯƠNG 5

Đức Khổng nói:        Đạo khó theo, đạo theo là khó,

                                   Ở trên đời ít có ai theo.[1]

BÌNH LUẬN

Bình luận các chương 3, 4, 5:

Ba chương này ý nói đạo Trung Dung:

(1) Cao siêu; (2) Khó biết; (3) Khó hiểu.

1. Cao siêu

Đạo Trung Dung cao siêu toàn mỹ vì nó chỉ vẽ cho con người con đường hoàn thiện, con đường hiền thánh, con đường phối thiên.

Chu Hi cho rằng Trung Dung là đạo thống tương truyền của thần thánh thay Trời lập cực từ thượng cổ.[2]

Trương Hoành Cừ nói: «Người theo đạo Nho sẽ từ chỗ minh triết tiến tới toàn thiện, rồi lại từ chỗ toàn thiện tiến tới chỗ minh triết hoàn toàn. Cho nên Thiên nhân hợp nhất là tuyệt đỉnh của sự học vấn và như vậy con người có thể thành thánh...» [3]

Trung Dung dạy con người đạt thiên đức,[4] lấy Trời làm tiêu chuẩn cho con người, lấy thiên tính, thiên đạo làm mức tới cho con người. Chủ trương này tương tự như chủ trương của Âm Phù Kinh.[5]

2. Khó biết

Khó biết vì đạo ở trong mà cứ tìm kiếm bên ngoài; đạo ở gần mà cứ kiếm ở xa.[6] Dân gian ai cũng nói Trung Dung mà chẳng ai hiểu Trung Dung là gì. Đã không biết sao có thể hành đạo được? Trung Dung và Mạnh Tử đều nói: Bất minh hồ thiện, bất thành kỳ thân hĩ. 不 明 乎 , 不 誠 其 身 矣.[7]

Chu Tử viết: «Từ khi phép học để nên thánh hiền không truyền tụng, các học giả không biết lý do của sự học mà học chỉ học từ chương, học chú thích, học thuộc lòng. Do đó sách vở ngày một nhiều mà nghĩa lý ngày một mờ tối, học hành ngày một vất vả mà tâm hồn ngày một phóng túng, văn chương ngày một hay, nghị luận ngày một cao, mà thực hành trau dồi đức độ thì ngày một hết.» [8]

3. Khó theo

Khó theo vì:

- Trung Dung đòi hỏi một niềm tin sâu xa về Thượng Đế.

- Trung Dung đòi hỏi một đời sống nội tâm dồi dào, cao siêu, toàn hảo.

- Trung Dung đòi hỏi một trí tuệ khác thường, và một sự suy tư thấu triệt.

- Chỉ có thánh nhân mới thung dung Trung đạo.[9]

- Có cực cao minh mới lên tới Trung Dung.[10]

- Trời chỉ ban đạo ấy cho người có đại đức.[11]

- Chính đức Khổng cũng không tìm được người Trung mà truyền đạo, nên phải chọn ra những người ở hạng dưới, tức là hạng cuồng (kẻ sĩ có chí tiến thủ), và hạng quyến (kẻ sĩ giữ bền khí tiết).[12]

Lời đối thoại giữa Côn Tôn Sửu và Mạnh Tử cho ta thấy điều ấy.

Công Tôn Sửu nói: «Đạo ngài thời cao thật, đẹp thật, nhưng y như lên Trời, tưởng chừng không sao đạt tới được. Sao ngài chẳng hạ thấp xuống cho vừa sức người, để họ hằng ngày ra công học tập.»

Mạnh Tử đáp: «Người thợ khéo không vì người thợ vụng mà bỏ thằng, mặc. Chàng Nghệ không vì kẻ bắn dở mà thay đổi phép dương cung. Người quân tử dạy dương cung, nhưng không bắn hộ... Lập ra Trung đạo, ai có sức thì theo...» [13]


CHÚ THÍCH

Danh ngôn đối chiếu:

[1] Sauve Yahvé ! Il n’est plus de saints.

La vérité a disparu parmi les hommes.

Psaume 12 (11), 2. La Bible de Jérusalem, p.662.

[2] Chu Tử nhận Trung Dung vi thượng cổ thần thánh kế Thiên lập cực sở truyền chi đạo thống. 朱 子 認 中 庸 為 上 古 神 聖 繼 天 立 極 所 傳 之 道 統.

(Hồ Hoài Thâm, Trung Quốc Tiên Hiền học thuyết, p.66)

[3] Nho gia tắc nhân minh trí thành, nhân thành trí minh. Cố Thiên nhân hợp nhất trí học nhi khả dĩ thành thánh. 儒 家 則 因 明 致 誠 因 誠 致 明 故 天 人 合 一 致 學 而 可 以 成 聖 (Tống Nguyên học án, q.17, tr.55)

[4] Cẩu bất chí đức, đạo bất ngưng yên. 苟 不 至 德 道 不 凝 焉 (Trung Dung, ch.27)

[5] Âm Phù Kinh viết: «Thiên tính nhân dã, nhân tâm cơ dã; lập thiên chi đạo dĩ định nhân dã.» 天 性 人 也 人 心 機 也 立 天 之 道 以 定 人 也 (q.thượng, tr.1a)

[6] Đạo tại nhĩ nhi cầu chư viễn, sự tại dị nhi cầu chư nan. 道 在 爾 而 求 諸 遠, 事 在 易 而 求 諸 難. Mạnh Tử, Ly Lâu, thượng-2.

[7] Mạnh Tử, Ly Lâu, thượng-12. - Trung Dung, ch.20.

[8] Chu Tử viết: «Tự thánh học bất truyền, vi sĩ giả bất tri học chi hữu bản nhi sở dĩ cầu ư thư bất việt hồ ký tụng huấn hỗ văn từ chi gian. Thị dĩ thiên hạ chi thư dũ đa nhi lý dũ muội, học giả chi sự dũ cần nhi tâm dũ phóng, từ chương dũ lệ, nghị luận dũ cao nhi kỳ đức nghiệp, sự công chi thực dũ vô.» 朱 子 曰: 自 聖 學 不 傳, 為 士 者 不 知 學 之 有 本 而 所 以 求 於 書 不 越 乎 記 誦 訓 詁 文 詞 之 間. 是 以 天 下 之 書 愈 多 而 理 愈 昧, 學 者 之 事 愈 勤 而 心 愈 放. 詞 章 愈 麗, 議 論 愈 高 而 其 德 業, 事 功 之 實 愈 無 (Tứ thư tiết yếu, tr.7. Tựa)

[9] Thung dung trung đạo thánh nhân dã. 從 容 中 道 聖 人 也 (Trung Dung, ch.20)

[10] Cố cực cao minh nhi đạo Trung Dung. 故 極 高 明 而 道 中 庸 (Trung Dung, ch.27)

[11] Cẩu bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên. 苟 不 至 德 至 道 不 凝 焉 (Trung Dung, ch.27)

[12] Mạnh Tử, Tận tâm, hạ-37. - Luận Ngữ, Tử Lộ (ch.13), #21.

[13] Công tôn Sửu viết: «Đạo tắc cao hĩ, mỹ hĩ, nghi nhược đăng thiên nhiên, tự bất khả cập dã. Hà bất sử bỉ vi khả cơ cập, nhi nhật tư tư dã.» Mạnh tử viết: «Đai tượng bất vị chuyết công cải phế thằng mặc. Nghệ bất vị chuyết xạ biến kỳ cấu luật. Quân tử dẫn, nhi bất phát... Trung đạo nhi lập; năng giả tùng chi.» 公 孫 丑 曰: 道 則 高 矣, 美 矣, 宜 若 登 天 然, 似 不 可 及 也. 何 不 使 彼 為 可 幾 及, 而 日 孳 孳 也.孟 子 曰: 大 匠 不 為 拙 工 改 廢 繩 墨 羿 不 為 拙 射 變 其 彀 率. 君 子 引, 而 不 發... 中 道 而 立; 能 者 從 之. (Mạnh Tử, Tận tâm, thượng-41)


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33