TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 14

QUÂN TỬ LẠC THIÊN TRI MỆNH

第 十 四 章

 君 子 素 其 位 而 行; 不 愿 乎 其 外. 素 富 貴, 行 乎 富 貴. 素 貧 賤, 行 乎 貧 賤. 素 夷 狄, 行 乎 夷 狄. 素 患 難, 行 乎 患 難. 君 子 無 入 而 不 自 得 焉. 在 上 位, 不 陵 下; 在 下 位, 不 援 上. 正 己, 而 不 求 於 人, 則 無 怨. 上 不 怨 天, 下 不 尤 人. 故 君 子 居 易, 以 俟 命. 小 人 行 險 以 徼 辛. 子 曰: 射 有 似 乎 君 子: 失 諸 正 鵠, 反 求諸 其 身 .

PHIÊN ÂM

Quân tử tố kỳ vị nhi hành; bất nguyện hồ kỳ ngoại. Tố phú quý, hành hồ phú quý. Tố bần tiện, hành hồ bần tiện. Tố di địch, hành hồ di địch. Tố hoạn nạn,hành hồ hoạn nạn. Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên. Tại thượng vị, bất lăng hạ; tại hạ vị, bất viên thượng. Chính kỷ, nhi bất cầu ư nhân, tắc vô oán. Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân. Cố quân tử cư dị, dĩ sĩ mệnh. Tiểu nhân hành hiểm dĩ kiểu hãnh. Tử viết: «Xạ hữu tự hồ quân tử: thất chư chính hộc, phản cầu chư kỳ thân.»

CHÚ THÍCH

- Di = mọi rợ (Đông Di 東 夷 ). - Địch = mọi rợ (Bắc địch 北 狄 ). Có một thuyết xưa nói; Đông Di 東 夷, Tây Nhung 西 戎 , Nam Man 南 蠻 , Bắc Địch 北 狄 (Quốc sử đại cương, tr.36)

Cổ chi nhân đắc chí, trạch gia ư dân; bất đắc chí, tu thân hiện ư thế. Cùng, tắc độc thiện kỳ thân. Đạt, tắc kiêm thiện thiên hạ. (Mạnh Tử, Tận tâm [thượng-9], tr.222) 古 之 人 得 志, 澤 加 於 民; 不 得 志, 修 身 見 於 世. , 則 獨 善 其 身. , 則 兼 善 天 下 (Người xưa khi đắc chí mà làm quan thì ban bố ân trạch khắp nhân dân. Khi ẩn dật thì bền chí tu thân cho danh tiếng rạng tỏ với đời. Nghèo thì một mình tu dưỡng tâm tính, hiển đạt thì cải thiện cả thiên hạ.)

- Lăng = khinh khi, vũ nhục. - Viên = cầu giúp đỡ. - Vưu = qui tội. - Người xưa tập bắn, căng phía trước mặt một miếng vải gọi là hầu , chính giữa miếng vải treo một miếng da gọi là hộc , ở giữa miếng da, vẽ một hình vuông gọi là chính hay ⃝ (=+)= «Chính hộc» vì thế là đích (target).

DỊCH CHƯƠNG 14

An bần lạc đạo - Lạc thiên tri mệnh

Người quân tử sống theo địa vị,

Không ước mơ lo nghĩ viễn vông.

Sang giàu sống lối giàu sang,

Nghèo nàn sống lối nghèo nàn ngại chi.

Tới man di, sống y man mọi,

Gặp gian lao, vui nỗi gian lao.

Bất kỳ sống ở cảnh nào,

Lòng người quân tử ra vào thỏa thuê.[1]

Ở cấp trên không đè nén dưới,

Ở dưới không luồn cúi người trên.

Trời, người, chẳng oán chẳng phiền,

Ung dung thanh thản, chờ xem ý trời.

Kẻ tiểu nhân suốt đời tác quái,[2]

Xông gian lao, rong ruổi cầu may.

Người quân tử như tay xạ thủ,

Chệch hồng tâm, lỗi đó trách mình.[3]

BÌNH LUẬN

Chương này tiếp tục nghị luận về những nguyên tắc, những định luật tư nhiên con người cần phải theo để có một đời sống đạo hạnh lý tưởng.

Mấy nguyên tắc ấy là:

- Ăn ở xứng địa vị.

- Không luồn trên hiếp dưới.

- Luôn giữ tâm hồn bình thản, bất kỳ gặp hoàn cảnh nào.

- Sống giản dị chờ đợi mệnh Trời.

1. Quân tử tố kỳ vị nhi hành 君 子 素 其 位 而 行

Quân tử phải ăn ở xứng với địa vị. Vua Thuấn khi hàn vi, ăn lương khô với rau cỏ, lúc làm vua mặc áo đẹp khảy đàn, một cách hết sức tự nhiên, thế là biết ăn ở theo địa vị.

Văn Vương gặp hoạn nạn ở ngục Dũ Lý, tuy biết mình giỏi giang đức độ, nhưng cũng tỏ ra nhu thuận, phục tòng vua Trụ, nhờ vậy đã thoát hiểm, thế là gặp hoạn nạn, đã biết cư xử theo hoạn nạn.

Ở nước ta thì có cụ Nguyễn Công Trứ là một trong những người đã biết tố kỳ vị nhi hành.

Khi cụ phải phát đi làm lính thú tại Quảng Ngãi (năm 1843, lúc 63 tuổi), cụ vào chào quan Tỉnh. Quan Tỉnh cho phép cụ cởi bỏ đồ lính. Cụ đáp: «Cứ xin để vậy. Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm lính tôi không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với nghĩa vụ ấy. Làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được.» [4]

Trong bài ca Ngất Ngưởng, cụ viết:

«Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong...» [5]

Trong bài Hành Tàng cụ viết:

«Cảnh cùng thông ai có bận chi đâu,

Mùi tiêu sái với trần gian dễ mấy.

Thơ rằng:

Hữu danh nhàn phú quý,

Vô sự tiểu thần tiên.

Đấng anh hùng an phận lạc thiên,

So trời đất cũng nhất ban xuân ý.» [6]

2. Vô nhập nhi bất tự đắc yên 無 入 而 不 自 得 焉

Nếu người quân tử thậ tình có một đời sống nội tâm, một đời sống tinh thần dồi dào, thì những phiền lụy bên ngoài khó ảnh hưởng tới được.

Dương thị cho rằng mình tìm cầu sự hoàn thiện trong thâm tâm mình, tìm nguồn vui trong tâm hồn mình, thì lo chi ngoại cảnh.[7]

Cho nên dẫu cùng thông, tồn vong, đắc táng, hay bĩ thái cũng không làm cho người quân tử mất sự bình yên trong tâm hồn.

Các vị chân tu mọi tôn giáo cũng đều chủ trương như vậy. Tác giả sách Gương Phúc nói: «Lúc nào cũng có Thiên Chúa hiện diện trong lòng mình, không quan tâm đến ngoại cảnh, đó là tâm trạng của người có đời sống bên trong.» [8]

Huệ Năng nói: «Còn như tỏ ngộ được đốn giáo, không chấp sự tu bề ngoài, chỉ do nơi tâm mình hằng phát khởi cái thấy chân chính. Những thứ phiền não trần lao thường không nhiễm được, tức là kiến tính.» [9]

3. Tại thượng vị, bất lăng hạ; tại hạ vị, bất viên thượng 在 上 位 不 陵 下 在 下 位 不 援 上

Nếu ở cấp trên thì phải tỏ ra hết sức hiểu biết, khoan dung đối với người dưới.

Trị người mà người không phục, hãy kiểm soát lại tài trí mình. Yêu người mà người không thương, hãy soát xét lại lòng nhân của mình.

Ở cấp dưới không luồn cúi nịnh bợ người trên, vì nếu người trên có tiền, có chức, thì mình có nhân có nghĩa. Đâu có thua nhau.

4. Cư dị dĩ sĩ mệnh 居 易 以 俟 命

Người quân tử luôn cẩn trọng trong các công việc và lời ăn tiếng nói hằng ngày, còn sứ mạng Trời trao cho là tùy Trời, mình chỉ có việc an nhiên chờ đợi. Đó chính là thái độ của Mạnh Tử. Nhạc Chính Tử giới thiệu Mạnh Tử với vua Lỗ. Vua đã toan đến gặp, nhưng Tang Thương cản trở, vua lại thôi. Mạnh Tử nói: «Ta chẳng hội ngộ với vua nước Lỗ, là tại Trời khiến vậy. Chớ con người họ Tang có tài gì mà ngăn trở sự hội ngộ ấy được?» [10]

5. Thất chư chính hộc, phản cầu chư kỳ thân 失 諸 正 鵠 反 求 諸 其 身

Nếu gặp dở dang chếch mác không vừa ý, thay vì oán Trời trách người, người quân tử lập tức xét lại mình, xét lại sự hiểu biết của mình, chí hướng mình, công phu mình, lề lối làm việc của mình. Gặp khiếm khuyết lập tức lo cải thiện, như vậy nhất định sẽ tiến bước. Sự xét lại mình mỗi khi gặp chuyện không vừa ý, đã được Mạnh Tử giảng giải rất rõ ràng: «Mình thương yêu người mà người chẳng thương mến mình, mình nên tự xét coi mình có đủ lòng nhân hay không. Mình cai trị người mà người chẳng phục tùng mình, nên tự xét coi mình có đủ trí sáng không. Mình lấy lễ đãi người mà người chẳng hồi đáp mình, nên tự xét coi sự kính trọng của mình có toàn vẹn hay chăng. Mình làm việc mà chẳng được kết quả theo ý muốn, vậy mình nên tự xét lấy mình để tìm nguyên nhân sự thất bại. Một vị quốc trưởng trước hết phải giữ mình cho ngay thẳng, sau đó thiên hạ mới quy thuận nghe theo mình.» [11]

Tóm lại luôn giữ tâm hồn thanh thản bất kỳ trong hoàn cảnh nào, luôn cải tiến, tin nơi mình, trách cứ mình mỗi khi gặp chuyện không hay, thực là những nguyên tắc tốt đẹp giúp ta sống an vui lý tưởng.


CHÚ THÍCH

[1] Nhược khả ngộ đốn giáo, bất chấp ngoại tu, đãn thường ư tự tâm thường khởi chính kiến, phiền não trần lao thường bất năng nhiễm, tức thị kiến tính. 若 可 悟 頓 教, 不 執 外 修. 但 常 於 自 心 常 起 正 見, 煩 惱 塵 勞 不 能 染, 即 是 見 性. (Còn như tỏ ngộ được đốn giáo, không chấp sự tu ở bề ngoài, chỉ do nơi tâm mình hằng phát khởi cái thấy chân chính. Những thứ phiền não trần lao thường không nhiễm được, tức là kiến tính.) (Pháp Bảo Đàn Kinh, tr.58-59)

[2] L’homme intelligent a devant lui sagesse, mais les yeux de l’insensé sont à l’extrémité de la terre. (Livre des Proverbes, 17,24)

[3] Mạnh Tử viết: Ái nhân, bất thân, phản kỳ nhân. Trị nhân, bất trị, phản kỳ trí. Lễ nhân, bất đáp, phản kỳ kính. Hành hữu bất đắc giả, giai phản cầu chư kỷ. Kỳ thân chính, nhi thiên hạ qui chi. 孟 子 曰: 愛 人, 不 親, 反 其 仁. 治 人, 不 治, 反 其 智. 禮 人, 不 答, 反 其 敬. 行 有 不 得 者, 皆 反 求 諸 己. 其 身 正, 而 天 下 歸 之 (Mình tự nói: Mình thương yêu người mà người chẳng thương mến mình; mình nên tự xét coi mình có đủ lòng nhân hay không Mình cai trị người, mà người chẳng phục tùng mình, nên xét coi mình có đủ trí sáng không. Mình lấy lễ đãi người, mà người chẳng hồi đáp mình, nên tự xét coi sự kính trọng của mình có toàn vẹn hay chăng. Mình làm việc mà, mà chẳng được kết quả theo ý muốn vậy mình nên tự xét lấy mình để tìm nguyên nhân sự thất bại. Một vị quốc trưởng trước hêt phải giữ mình cho ngay thẳng sau đó thiên hạ mới qui thuận theo mình.) (Mạnh Tư, Ly Lâu [thượng-3], tr.12)

[4] Lê Thước, Sư nghiệp và thi văn của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ.

    - Đàm Xuân Thiều & Trần Trọng San, Việt Văn Độc Bản, lớp đệ Nhị, tr.10.

[5] Đàm Xuân Thiều & Trần Trọng San, Việt Văn Độc Bản, lớp đệ Nhị, tr.35.

[6] Ibid., tr.21.

[7] Dương thị viết: Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên, hà nguyện hồ ngoại chi hữu. 萬 物 皆 備 於 我, 反 身 而 成 樂 莫 大 焉, 何 願 乎 外 之 有 (Trung Dung Hoặc Vấn, tr.67b)

[8] L’Imitation de Jésus-Christ, ch.VI,4.

[9] Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Bát Nhã, câu 24.

[10] Mạnh Tử, Lương Huệ Vương [hạ-16].

[11] Mạnh Tử, Ly Lâu [thượng-3].


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33