TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 21

THIÊN ĐẠO & NHÂN ĐẠO

第 二 十 一 章

 自 誠 明, 謂 之 性. 自 明 誠, 謂 之 教. 誠 則 明 矣. 明 則 誠 矣. 右 第 二 十 一 章. 子 思 承 上 章 夫 子 天 道, 人 道 之 意 而 立 言 也. 自 此 以 下 十 二章 皆 子 思 之 言 以 反 覆 推 明 此 章 之 意 .

PHIÊN ÂM

Tự thành minh, vị chi tính. Tự minh thành, vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ. Minh tắc thành hĩ. Hữu đệ nhị thập nhất chương. Tử Tư thừa thượng chương Phu Tử Thiên đạo, nhân đạo chi ý nhi lập ngôn dã. Tự thử dĩ hạ thập nhị chương giai Tử Tư chi ngôn dĩ phản phúc suy minh thử chương chi ý.

CHÚ THÍCH

- Tính : nguyên động lực hướng dẫn muôn loài tới trật tự vật chất hoặc tinh thần.[1] Căn bản nhân đức là tính.[2]

- Thành : Hoàn thiện.[3]

DỊCH CHƯƠNG 21

Thiên đạo và nhân đạo

Vốn hoàn thiện quang minh mọi lẽ,

Ấy tính trời muôn vẻ tinh anh.[4]

Quang minh rồi mới tinh thành,

Ấy nhờ giáo hóa tập tành mà nên.

Đã hoàn thiện, tất nhiên thông tuệ,

Thông tuệ rồi ắt sẽ tinh thành.

Chú = Đây là chương 21, Tử Tư dựa theo ý Đức Khổng nói về đạo Trời, đạo người ở chương trên mà viết ra. Từ đây trở xuống 12 chương đều là lời ông Tử Tư nói đi nói lại để bàn cho rõ ý chương này.

BÌNH LUẬN

Từ đoạn này, Trung Dung bắt đầu về thiên đạo và nhân đạo. Muốn hiểu rõ thiên đạo và nhân đạo ta phải hiểu rõ chữ thành.

Thành là một chữ rất quan hệ trong Nho giáo.

Tiên Nho cho rằng thành là:

- Thuần nhất bất tạp.[5]

- Chân thật vô vọng.[6] Tức là tinh toàn hoàn thiện, không vương vấn mảy may tà ngụy.

Tiên Nho cũng cho rằng:

- Chỉ có Trời là thành.[7]

- Thiên tính, thiên lý là thành.[8]

- Thánh nhân là thành.[9]

Tóm lại, thành là hoàn thiện. Đã là Trời, là thiên tính, thiên lý, thì tự nhiên thông tuệ, minh giác, đó là lẽ tự nhiên.

Còn như đối với con người, muốn trở nên hoàn thiện, trước hết phải minh giác, thông tuệ, mới có thể trở nên hoàn thiện được. Nhưng muốn trở nên minh giác, thông tuệ, lại cần nhờ đến sự giáo dục.

Thế là đường lối thánh phàm khác nhau, tuy là một nhưng tráo trở đầu đuôi.

THÁNH NHÂN : THÀNH —> MINH

THÀNH <— MINH <— GIÁC : THƯỜNG NHÂN

Cụ Phan Sào Nam bàn rằng: «Chữ tính với chữ giáo sở dĩ khác nhau, chỉ là cái giới hạn thiên với nhân: hoàn toàn do thiên phận mà nên, thuộc về phần thiên gọi bằng ‘tính’; cần nhờ công giáo tập mà nên thời thuộc về phần nhân gọi bằng ‘giáo’

Trình Tử cho rằng: «Người thường phải học hỏi để tiến dần từ bên ngoài vào nội tâm... Học cốt để biết tâm mình, biết đường lối tâm hồn phải noi theo, rồi ra sẽ hết sức noi theo đường ấy cho đến kỳ cùng, thế gọi là từ biết đi đến hoàn thiện. Cho nên học cần phải ‘tận kỳ tâm, tri kỳ tính’, rồi ra mới cố gắng thực hiện sự hoàn thiện, và nên thánh nhân vậy…» [10]

Còn thánh nhân thì ngược lại, các ngài trực giác ngay được bản tâm, bản tính, và do đó phóng phát ra bên ngoài.[11] Nói ra thì thành lời giáo huấn, mà xuất xứ, hành tàng, khởi cư, cử chỉ thì thành gương mẫu cho đời soi.

Dương Qui Sơn cũng bàn rằng: «Từ hoàn thiện đi đến minh giác là đường lối của Trời, cho nên gọi là tính. Tự minh giác đi đến hoàn thiện là đường lối của người nên gọi là giáo.

Đường lối Trời người có một nhưng tùy theo sự nhận thức của tâm mà thành ra sai biệt. Nhưng khi đã đi tới cùng thì chỉ có một đường. Vì thế lại nói: «Thành thời minh, minh thời thành.» [12]

Trình Tử cũng nói: «Thành với minh là một.» [13]


CHÚ THÍCH

[1] -... principe dirigeant, une force d’essence différente de la matière qui agit dans les êtres et particulièrement dans l’homme, c’est le moteur secondaire du développement harmonique des êtres dans l’ordre physique et dans l’ordre moral. Donc, la nature désigne l’ensemble des propriétés d’un être ‘qui est né ou produit sans aucune influence artificielle. Cette nature sera pour chaque espèce ou chaque individu le fondement premier et permanent de toute modification ultérieure.’ (Trần văn Hiến Minh, La Conception Confucéenne de l’Homme, p.42-43)

[2] La vertu a sa racine dans le Tính. (LK, II, 79) - Trần Văn Hiến Minh, op.cit., p.43.

[3] Trần Văn Hiến Minh, op. cit., p.158.- Couvreur, Lexique des Quatre Livres. - Lời bàn của cụ Phan Bội Châu: Chữ tính với chữ giáo sở dĩ khác nhau, chỉ là cái giới hạn thiên với nhân: hoàn toàn do thiên phận mà nên, thuộc về phần thiên gọi bằng ‘tính’; cần nhờ công giáo tập mà nên thời thuộc về phần nhân gọi bằng ‘giáo’. (Khổng học đăng, tr.373)

[4] - Nul arme ne peut blesser le Moi de l’homme, nul feu le bruler, nulle eau le mouiller, nul vent le dessécher. Il ne peut être ni blessé ni mouillé, ni desséché. Il est impérissable, inchangeant, immuable, sans commencement. On le dit immatériel, dépassant toute compréhension, et inchangeable. Si tu sais que le Moi de l’homme est tout cela, ne t’afflige pas. (Vishnou-Sutras, XX, 50)

- Hà kỳ tự tính bản tự thanh tịnh                  何 其 自 性 本 自 清 淨

Hà kỳ tự tính bản bất sinh diệt                     何 其 自 性 本 不 生 滅

Hà kỳ tự tính bản tự cụ túc                           何 其 自 性 本 自 具 足

Hà kỳ tự tính bản vô động dao                    何 其 自 性 本 無 動 搖     

Hà kỳ tự tính năng sinh vạn pháp               何 其 自 性 能 生 萬 法

Chẳng dè tự tính gốc vẫn thanh tịnh

Chẳng dè tự tính gốc chẳng sinh diệt

Chẳng dè tự tính gốc sẵn đầy đủ

Chẳng dè tự tính tính gốc không động lay,

Chẳng dè tự tính sanh được muôn pháp.

(Pháp Bảo Đàn Kinh, tr.28-29)

- Bồ tát giới kinh vân: «Ngã bản nguyên tự tính thanh tịnh, nhược thức tự tâm, kiến tự tính, giai thành Phật đạo.» 菩 薩 戒 經 云: 我 本 元 自 性 清 淨 若 識 自 心 見 自 性 皆 成 佛 道 (Kinh Bồ tát giới nói: «Tự tính bản nguyên của ta vẫn thanh tịnh; nếu biết được tự tâm thấy được tự tính, thì đều thành Phật đạo.») (Pháp Bảo Đàn Kinh, tr.60-61)

- Brillante et immarcescible est la Sagesse. (Livre de la Sagesse)

[5] Viết: Nhất tắc thuần, nhị tắc tạp, thuần tắc thành, tạp tắc vọng. : 一 則 純 二 則 雜 純 則 誠 雜 則 妄 (Trung Dung hoặc vấn, tr.104b)

[6] Viết: Thành chi vi nghĩa... chân thật vô vọng chi vân dã. : 誠 之 為 義... 真 實 無 妄 之 云 也 (Ibid., tr.104b)

[7] Phù Thiên chi sở dĩ vi Thiên dã, xung mạc vô trẫm, nhi vạn lý kiêm cai, vô sở bất cụ, nhiên kỳ vi thể tắc Nhất nhi dĩ hĩ. Vị thủy hữu vật dĩ tạp chi dã. Thị dĩ vô thanh, vô xú, vô tư, vô vi nhi nhất nguyên chi khí. 夫 天 之 所 以 為 天 也, 沖 漠 無 朕, 而 萬 理 兼 該, 無 所 不 具, 然 其 為 體 則 一 而 已 矣. 未 始 有 物 以 雜 之 也. 是 以 無 清, 無 臭, 無 思, 無 為 而 一 元 之 氣 (Ibid., tr.104b)

[8] Duy Thiên lý vi chí thật vô vọng, cố Thiên lý đắc thành chi danh. 惟 天 理 為 至 實 無 妄, 故 天 理 得 誠 之 名 (Ib., tr.104a)

[9] Duy Thánh nhân chi tâm vi chí thật vô vọng, cố Thánh nhân đắc thành chi danh. 惟 聖 人 之 心 為 至 實 無 妄, 故 聖 人 得 誠 之 名 (Ib., tr.104a)

[10] Trình Tử viết: Tự kỳ ngoại giả học nhi đắc ư nội giả vị chi minh… Quân tử chi học tất tiên minh chư tâm tri sở vãng, nhiên hậu lực chi dĩ cầu chí. Sở vị tự minh nhi thành dã. Cố học tất tận kỳ tâm, tri kỳ tính, nhiên hậu phản nhi thành chi tác thánh nhân dã. 程 子 曰: 自 其 外 者 學 而 得 於 內 者 謂 之 明... 君 子 之 學 必 先 明 諸 心 知 所 往, 然 後 力 之 以 求 至. 所 謂 自 明 而 誠 也. 故 學 必 盡 其 心, 知 其 性, 然 後 反 而 誠 之 則 聖 人 也 (Trung Dung hoặc vấn, tr.111a)

[11] Tự kỳ nội giả đắc chi nhi kiêm ư ngoại giả vị chi thành. 自 其 內 者 得 之 而 兼 於 外 者 謂 之 誠 (Trung Dung hoặc vấn, tr.111a)

[12] Qui Sơn Dương thị viết: Tự thành nhi minh, thiên chi đạo dã. Cố vị chi tính. Tự minh nhi thành, nhân chi đạo dã. Cố vị chi giáo. Thiên nhân nhất đạo nhi tâm chi sở chí hữu sai yên. Kỳ qui tắc vô nhị chí dã. Cố viết thành tắc minh hĩ, minh tắc thành hĩ. 龜 山 楊 氏 曰: 自 誠 而 明, 天 之 道 也. 故 謂 之 性. 自 明 而 誠, 人 之 道 也. 故 謂 之 教. 天 人 一 道 而 心 之 所 至 有 差 焉. 其 歸 則 無 二 教 也. 故 曰 誠 則 明 矣, 明 則 誠 矣 (Trung Dung hoặc vấn, tr.102a)

[13] Thành dữ minh nhất dã 誠 與 明 一 也 (Trung Dung hoặc vấn, tr.111a)


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33