TRUNG DUNG TÂN KHẢO
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
QUYỂN
II: TRUNG DUNG
BÌNH DỊCH
»
Mục lục
»
Tựa của Chu Hi
»
Chương:
1
2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13
14
15 16
17 18
19 20
21 22
23 24
25 26
27 28
29 30
31 32
33
Chương 2
TRUNG DUNG LÀ ĐẠO CỦA QUÂN TỬ
第 二 章
仲 尼 曰:
君 子 中 庸;
小 人 反 中 庸.
君 子 之 中 庸 也,
君 子 而 時 中;小
人 之 中 庸 也,
小 人 而 無 忌 憚 也.
PHIÊN ÂM
Trọng Ni
viết: «Quân tử Trung Dung; tiểu nhân phản Trung Dung. Quân Tử chi Trung
Dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi phản Trung Dung dã, tiểu
nhân nhi vô kỵ đạn dã.»
CHÚ THÍCH
1. Từ
thời Khổng tử về trước, người quân tử là người có địa vị cao, hào hoa
phú quí. Trái lại, Khổng tử gọi người đạo đức, đức hạnh là người quân
tử. Con người tiểu nhân là người vô đạo bất lương. (Khổng Tử dĩ tiền sở
xưng đích quân tử, thị chỉ tại thượng vị, đãn phú quí đích nhân. Khổng
Tử tắc dĩ xưng hữu đạo đức đích nhân. Hòa bất đạo đức, đích tiểu nhân
tương đối trĩ. (Trung Dung văn ngôn đối chiếu, tr.3)
2. Quân
tử theo được đạo Trung hòa, Tiểu nhân thì không. Quân tử lúc nào tình ý
cũng trúng tiết hợp lẽ, còn tiểu nhân thì không còn biết kiêng dè e nể
cái gì vì lương tâm đã táng tận. (Trung Dung văn ngôn đối chiếu,
tr.4)
DỊCH CHƯƠNG 2
Thiên đạo: lối đường quân tử
Đức Khổng
nói:
Người
quân tử Trung Dung một đạo,
Kẻ tiểu
nhân trở tráo Trung Dung.
Trung
Dung quân tử thời thường,
Phản
Trung Dung ấy là phường tiểu nhân.
Tiểu
nhân chẳng thẹn chẳng cần,
Chẳng
còn sợ hãi, lần khân tháng ngày.
BÌNH LUẬN
Từ thời
Khổng Tử về trước, người quân tử là người có địa vị cao, hào hoa phú
quý. Trái lại, Khổng Tử gọi người đức hạnh là người quân tử còn người
tiểu nhân là kẻ vô đạo, bất lương.
Quân tử
và tiểu nhân là một đề tài rất quan trọng trong Nho giáo, và được Tứ Thư
đề cập nhiều lần. Trần Trọng Kim đã bình luận rất nhiều về quân tử và
tiểu nhân trong Nho giáo, quyển I, tr.105-117.
Ta tóm
tắt:
a. Quân
tử
- Biết mục
đích sang cả của đời mình.
-
Có hoài bão cao đẹp, luôn luôn hướng
thượng.
- Cố tu
đạo, theo đạo.
- Đi theo
nhân nghĩa, không ham danh lợi.
- Lo hoàn
thiện mình.
- Sáng
suốt, ham học, thức thời.
- Nói ít,
làm nhiều.
- Thương
yêu mọi người.
- Lúc nào
cũng ung dung thư thái.
- Lúc nguy
cơ vẫn bình tĩnh.
Tóm lại người
quân tử luôn trau dồi tâm thần,
«ở thì ở chỗ quảng đại của thiên hạ, đứng thì đứng vào địa
vị chính đáng của
thiên hạ, đi thì đi trên con đường lớn của thiên hạ, đắc chí thì cùng
với nhân dân noi theo đạo nghĩa, không đắc chí thì một mình thực hành
đạo nghĩa. Giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo hèn không thay đổi lòng,
vũ lực không khuất phục được chí lớn. Như thế mới là đại trượng phu.»
Đó là người quân
tử mà Vương Dương Minh đã phác họa như sau: «Người quân tử lấy trung tín
làm lợi, lấy lễ nghĩa làm phúc. Nếu trung tín lễ nghĩa mà không còn, thì
tuy lộc có muôn chung, tước đến vương hầu, cái quý ấy người quân tử vẫn
cho là họa với hại.»
Đó là
người quân tử mà Kinh Thi đã khen bằng những vần thơ:
«Kìa
xem bên khuỷu sông Kỳ,
Tre
non mới mọc xanh rì vườn ai.
Người
sao văn vẻ hỡi người,
Dường
như cắt đánh dũa mài bấy nay.
Lẫm
liệt thay, rực rỡ thay,
Hỡi
người quân tử biết ngày nào quên.»
b. Tiểu
nhân
Tiểu nhân
thì trái lại:
- Lý tưởng
của họ là lợi và dục,
mặc tình cho vật dục và ngoại cảnh khiên dẫn, không kể đến việc sa đọa.
- Tiểu
nhân chỉ cần bề ngoài, cần hư danh, miễn sao che mắt thế gian được là
đủ, còn trong dạ xấu xa gian ác thế nào thì chẳng sao.
- Họ
thường hợm hĩnh kiêu căng, nhưng lòng dạ chẳng bao giờ được an vui.
- Họ thích
a dua bè đảng.
- Họ sẵn
sàng hại người để đạt ý mình.
Tóm lại,
tiểu nhân chỉ lo trau giồi những phần thấp kém trong người, vì thế gọi
là tiểu nhân.
Họ hoàn toàn phóng ngoại, hoàn toàn xao lãng phần tâm thần, và đi theo
con đường bất nhân.
Ta có thể
mượn lời Ramakrishna để kết thúc phần bình luận quân tử và tiểu nhân:
«Con người sinh ra mang theo hai khuynh hướng: một là giác,
khuynh hướng này thúc đẩy họ đi tìm con đường giải thoát; hai là
mê, khuynh hướng này thúc đẩy họ lăn vào đời sống trần hoàn và
nô lệ. Lúc mới sinh ra thì hai khuynh hướng cân bằng như hai đĩa cân.
Thế rồi trần tục đặt lên một đĩa cân những thú vui thế tạm. Còn bên đĩa
cân kia Trời đặt lên những hứa hẹn người. Nếu đĩa cân nghiêng về hướng
mê, thì con người sẽ chọn trần tục và sẽ bị luôi cuốn về vật chất thế
tục; nếu con người chọn tinh thần thì đĩa cân giác ngộ sẽ nâng họ lên
tới
Thượng
Đế.»
Thời Trung
Có thể hiểu theo hai cách:
1. Người
quân tử không bao giờ rời bỏ lý tưởng hoàn thiện.
2. Người
quân tử tỏ ra biết thích ứng với hoàn cảnh.
Muốn hiểu chữ thời trung cho phải, thiết tưởng phải phân biệt
tiến hóa (évolution) và thích ứng (adaptation). Phân biệt
thế, ta thấy ngay rằng người quân tử không bao giờ được dừng bước trên
con đường tiến hóa, nhưng cũng phải luôn luôn thích ứng với hoàn cảnh.
Nói cách
khác, có kinh nhưng cũng có quyền. Những kẻ khư khư cứng cỏi, cố chấp
một chiều là những người thấp kém.
Người
theo đạo Trung Dung tuy không bao giờ
rời bỏ lý tưởng hoàn thiện, nhưng bao giờ cũng tỏ ra thích thời,
lúc đáng làm sao thì làm vậy, hết sức linh động uyển chuyển. Nghĩa là
làm việc gì, làm trường hợp nào, cũng cư xử cho hết sức hẳn hoi, tốt
đẹp, không thẹn với người, với lương tâm, với trời đất.
Đức Khổng
đã tỏ ra hết sức linh động, luôn cư xử đúng với hoàn cảnh. «Khi ra khỏi
nước Tề, gạo vừa vo xong chưa kịp nấu chín, thế mà ngài tiếp lấy và vội
vã ra đi. Khi ra khỏi nước Lỗ, ngài rằng: ‘Ta đi chầm chậm vậy thôi ! Đó
là buộc lòng rời đất nước của cha mẹ vậy. Lúc cần đi gấp thì ngài đi
gấp. Lúc cần ở lâu thì ngài ở lâu. Khi nên lui về ẩn thì ngài lui về ẩn.
Khi nên ra làm quan thì ngài ra làm quan. Đó là phong độ của đức Khổng
vậy.» ... Vì thế mà Mạnh Tử gọi Khổng Tử là ‘Thánh chi thời dã.»
Thế là «tùy
thời biến dịch nhi tòng đạo dã».
Chữ thời
có nhiều nghĩa:
- Thời
gian thông thường, hoặc thời tiết (temps sidéral et temps climatérique).
- Thời
thế (temps historique).
- Tuổi
tác (temps biologique).
- Thời
gian tâm lý (temps psychologique).
tất cả
hành động của mình phải lo sao cho hợp với mọi thứ thời gian đó.
CHÚ THÍCH
»
Mục lục
»
Tựa của Chu Hi
»
Chương:
1
2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13
14
15 16
17 18
19 20
21 22
23 24
25 26
27 28
29 30
31 32
33
|