TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 32

THÁNH NHÂN LÀ BẬC ĐẠI TRÍ VÀ HOÀN HẢO

第 三 十 二 章

 唯 天 下 至 誠, 為 能 經 綸 天 下 之 大 經, 立 天下 之 大 本, 知 天 地 之 化 育, 夫 焉 有 所 倚? 肫 肫 其 仁; 淵 淵 其 淵; 浩 浩 其 天. 苟 不 固 聰 明 聖 知, 達 天 德 者, 其 孰 能 知 之

PHIÊN ÂM

Duy thiên hạ chí thành, vi năng kinh luân thiên hạ chi đại kinh, lập thiên hạ chi đại bản, tri thiên địa chi hóa dục, phù yên hữu sở ỷ ? Chuân chuân kỳ nhân; uyên uyên kỳ uyên; hạo hạo kỳ thiên. Cẩu bất cố thông minh thánh trí, đạt thiên đức giả, kỳ thục năng tri chi ?

CHÚ THÍCH

- Kinh luân = sửa sang. - Kinh = luật lệ. - Kinh = gỡ tơ. - Luân = xắp tơ. - = dựa.

- Chuân chuân = khẩn thiết. - Uyên uyên = sâu xa. - Hạo hạo = man mác.

DỊCH CHƯƠNG 32

Thánh nhân là bậc đại trí và hoàn hảo

 

Chỉ những đấng chí thánh trong thiên hạ,

Mới có thể vì đời sang sửa đại kinh.

Mới có thể xây căn bản cho xã hội quần sinh,

Mới thấu rõ luật đất trời sinh hóa.

Những bậc ấy hết cần nương tựa,

Đức nhân ngài tuyệt thế.

Trí tuệ ngài thâm uyên.

Tâm hồn ngài mang nhiên.

Nên trừ phi bậc thông minh thánh trí,

Trừ những ai đạt mức trời tuyệt mỹ,

Ai là người hiểu nổi được khúc nhôi.[1]

BÌNH LUẬN

1. Duy thiên hạ chí thành ... tri thiên địa chi hóa dục.

Các nhà bình dịch Trung Dung giải đại kinh là:

- Ngũ luân.[2]

- Những đường lối chính trị.[3]

và giải đại bảnngũ thường,[4] hoặc là gốc lớn của thiên hạ.

Thiết tưởng còn có thể cắt nghĩa đoạn này như sau: Thánh nhân là những người đã có thể:

- Tháo gỡ và tìm ra những đường lối chính yếu của nhân loại.

- Tìm ra được căn bản của nhân loại.

- Hiểu được mục đích biến thiên, hóa dục của trời đất.

Thánh nhân đã tìm ra được căn bản của nhân loại và minh định căn bản căn nguyên ấy chính là Trời.

Đồng thời các ngài cũng nhận định rằng tất cả mọi cuộc biến thiên, tiến hóa trong trời đất là cốt giúp con người cải thiện mình, giúp con người đạt được mục đích cao siêu ấy.

Như vậy đường lối chính yếu của con người là phải biết tận dụng hoàn cảnh xã hội và tha nhân, thời gian và không gian, và phải hiểu biết về mình cho tận tường để có thể tiến hóa, để có thể phục hồi bản nguyên, hay quy nguyên phục mệnh theo từ ngữ của Đạo Đức Kinh.

Đường lối nhân loại tưởng chừng hết sức đa đoan, phức tạp, nhưng kỳ thực chỉ có hai chiều hướng chính yếu:

a/ Hướng ngoại để mưu sinh. Chiều hướng ngoại tức là chiều vãng, tức là chiều đi ra ngoại cảnh, đi vào xã hội. Á Đông xưa gọi là nhập thế.

b/ Hướng nội để mưu đạo. Chiều hướng nội tức là chiều lai, chiều đi vào tâm linh, để cầu đạo, đắc đạo, phối thiên.

Trung Dung đã xác định hai chiều hướng ấy nơi chương 25: «Tính chi đức dã, hợp nội ngoại chi đạo dã.» Hai chiều hướng ấy cũng đã ghi trong tượng hình Thái Cực:[5]

 

—> : chiều hướng ngoại (VÃNG)

<— : chiều hướng nội (LAI)

Tâm điểm là Thái Cực, Trời.

Vòng tròn là ngoại cảnh, xã hội.

 

Xác định được rằng căn nguyên và cùng đích con người là một, ấy là Trời, tức là tìm ra định luật tuần hoàn, thủy chung như nhất.

Xác định được hai chiều vãng lai, từ nhất tiến ra vạn, rồi lại từ vạn trở về nhất, là tìm ra được định luật Âm Dương thác tống, vãng lai, phản phúc của Dịch Kinh.[6]

2. Chuân chuân kỳ nhân ... hạo hạo kỳ Thiên.

Thánh nhân là những người siêu việt, có một lý tưởng cao siêu tuyệt đỉnh, sống một cuộc đời hoàn thiện tuyệt vời, sâu xa như vực thẳm, mênh mang như Trời.

Legge dịch câu ‘hạo hạo kỳ thiên’ là ‘Hãy gọi Ngài là Trời, Ngài mênh mang biết bao’.[7]

Thiệu Văn biên giải câu ‘hạo hạo kỳ thiên’ hết sức đặc biệt. Tạm dịch thành mấy vần thơ như sau:

«Trời người đâu có chia hai,

Con người vì có hình hài mới xa.

Trông, nghe, suy nghĩ, lân la,

Ai ai cũng tưởng tự ta tự mình.

‘ Ta ’, ‘mình’ khi đã phát sinh,

Con người thôi thế đã đành nhỏ nhoi.

Nếu trừ được hết hình hài,

Con người hợp nhất với Trời như xưa.

Hình hài làm thế nào trừ?

Muốn trừ: Bỏ hết riêng tư, ta, mình.

Trừ xong lộng lộng trời xanh,

Tâm ta lồng lộng một vành mênh mang.

Hết còn cách trở quan san,

Trời người hợp nhất muôn vàn khinh phiêu.» [8]

Những lời bình giải như vậy thiết tưởng cũng phù hợp với ý Trình Tử. Trình Tử viết trong Di Thư: «Người và trời đất là một, nhưng con người tự coi mình là ti tiểu, tại sao?» [9]

3. Cẩu bất cố thông minh thánh trí... kỳ thục năng tri chi.

Trung Dung cho rằng thánh nhân là những người:

- Đạt đạo Trung Dung,

- Thông minh thượng trí,

- Đạt tới thiên đức, thiên đạo,

cho nên phi là những bậc thánh nhân, thì không ai hiểu nổi thánh nhân. Điều đó không lạ, vì định luật ‘Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’.[10] Tam Quốc Chí có câu: «Yến tước an tri hồng hạc chí tai?» (Chim di, chim sẻ làm sao biết được chí của chim hồng, chim hạc?) [11]

Trang Tử cũng viết trong thiên Tiêu tiêu du: «Người trí nhỏ không hiểu được người trí lớn, vật sống ít năm không thể hiểu được những chuyện lâu dài nhiều năm.» [12]

Tại sao? Vì thánh nhân là những người thông minh tuyệt phẩm, nhìn thấy toàn thể, bao quát không gian, thời gian, lịch sử, địa dư; còn những người tiểu trí chỉ trông thấy một vài vấn đề, biết một vài khía cạnh, lại bị giam hãm trong những khung cảnh lịch sử, địa dư eo hẹp, trong những thành kiến hẹp hòi, như vậy làm sao hiểu được thánh nhân?


CHÚ THÍCH

[1] Danh ngôn đối chiếu:

- Thánh nhân ký kiệt mục lực yên, kế chi dĩ qui, củ, chuẩn, thằng dĩ vi viên, phương, bình, trực, bất khả thắng dụng dã. Ký kiệt nhĩ lực yên, kể chi dĩ lục luật chính ngũ âm, bất khả thắng dụng dã. Ký kiệt tâm tư yên, kế chi dĩ bất nhẫn nhân chi chính nhi nhân phú thiên hạ hĩ. 聖 人 既 竭 目 力 焉. 繼 之 以 規, , , 繩 以 為 圓, , , , 不 可 勝 用 也. 既 竭 而 力 焉, 繼 之 以 六 律 正 五 音, 不 可 勝 用 也. 既 竭 心 思 焉. 繼 之 以 不 忍 人 之 政 而 仁 覆 天 下 矣. (Mạnh Tử, Ly lâu [thượng-1])

- Car elle connaît et comprend toutes choses,

et elle me conduira avec prudence dans mes activités

et me protégera par sa gloire.

Et mes oeuvres seront acceptables, je gouvernerai ton peuple   avec justice,

et je serai digne du trône de mon père.

Quel homme, en effet, peut connaître les desseins de Dieu,

ou bien qui peut considérer ce que veut le Seigneur?

(Livre de la Sagesse 9, 11-13)

- Lorsqu’une barque appareille, son patron connaît d’ordinaire toute la traversée à l’avance; mais s’il s’agit d’une frégate ce n’est qu’au large que le capitaine ouvre enfin son ordre de route. Il en va de même avec le génie: taillé pour la haute mer, c’est là qu’il reçoit ses ordres - mais nous autres nous ne savons guère que des bribes sur les bribes d’entreprises qui nous occupent. (Kierkegaard Carnet VI, A, 93)

[2] Đoàn Trung Còn, Phan Khoang.

[3] Trung Dung độc bản, Trung Dung văn ngôn đối chiếu.

[4] Đoàn Trung Còn.

[5] Les deux aspects de la dualité existentielle humaine, le Biologique et le Spirituel s’unissent dans ce mandala en une synthèse expressive, on dirait qu’ici le pouvoir de s’élever vers l’Absolu détient encore sa force toute entière que rien n’a brisée. (Wilfried Daim, Transvaluation de la psychanalyse, p.200)

[6] Cũng còn gọi là Âm Dương điên đảo.

[7] Call him Heaven, how vast is he. (James Legge, The Doctrine of the Mean, p.430)

[8] cf. James Legge, The Doctrine of the Mean, p.430, notes:

In the 紹 聞 編 we read: 天 人 本 無 二, 人 只 有 此 形 體, 與 天 便 隔, 視 聽, 思 慮, 動 作 皆 曰 由 我, 各 我 其 我, 可 知 其 我 小 也. 除 卻 形 體, 便 渾 是 天. 形 體 如 何 除 得? 只 克 去 有 我 之 私, 便 是 除 也. 天 這 般 廣 大, 吾 心 亦 這 般 廣 大, 而 造 化 無 間 於 我, 故 曰 浩 浩 其 天.

Thiên nhân bản vô nhị, nhân chỉ hữu thử hình thể, dữ Thiên tiện cách, thị thính, tư lự, động tác giai viết do ngã, các ngã kỳ ngã, khả tri kỳ ngã tiểu dã. Trừ khước hình thể, tiện hồn thị Thiên. Hình thể như hà trừ đắc? Chỉ khắc khử hữu ngã chi tư, tiện thị trừ dã. Thiên giá ban quảng đại, ngô tâm diệc giá ban quảng đại, nhi tạo hóa vô gián như ngã, cố viết «hạo hạo kỳ Thiên».

[9] Nhân dữ Thiên địa nhất vật, nhi nhân đặc tự tiểu chi, hà da? 人 與 天 地 一 物 而 人 特 自 小 之 何 耶? (Di Thư II, tr.3b)

[10] Kinh Dịch, Càn quái, Văn ngôn cửu ngũ.

[11] Lời Tào Tháo trả lời Trần Cung. (Hồi 4, tr.15)

[12] Tiểu trí bất cập đại trí. Tiểu niên bất cập đại niên. 小 知 不 及 大 知. 小 年 不 及 大 年. (Tiêu diêu du, đoạn A)


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33