TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 16

TRỜI CHẲNG XA NGƯỜI

第 十 六 章

 子 曰: 鬼 神 之 為 德, 其 盛 矣 乎. 視 之 而 弗 見, 聽 之 而 弗 聞; 體 物 而 不 可 遺. 使 天 下 之 人, 齊 明 盛 服, 以 承 祭 祀. 洋 洋 乎, 如 在 其 上, 如 在 其 左 右. 詩 曰: 神 之 格 思, 不 可 度 思; 矧 可 射 思. 夫 微 之 顯, 誠 之 不 可 掩 如 此 夫.

PHIÊN ÂM

Tử viết: «Quỉ thần chi vi đức, kỳ thịnh hĩ hồ! Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn; thể vật nhi bất khả di. Sử thiên hạ chi nhân, tề minh thịnh phục, dĩ thừa tế tự. Dương dương hồ, như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu!» Thi viết: «Thần chi cách tư, bất khả đạc tư; thần khả địch tư.» Phù vi chi hiển, thành chi bất khả yểm như thử phù!

CHÚ THÍCH

- Quỉ = mânes (vong hồn). - Thần = esprits = Quỉ thần thể vật 鬼 神 體 物 (Tự điển Couvreur giải: Spiritus cum rebus unum sunt = Thần linh hợp nhất cùng vạn vật). - Dương dương 洋 洋 = mênh mông man mác. - Cách = đến. - = trợ ngữ từ. - Thẩn = huống chi. - Địch = khinh nhờn. - Yểm = che lấp. - Xem như lời Kinh Thi nói, thời viết rằng quỷ thần tức là thiên đạo, mà thiên đạo vẫn có sẵn ở nơi nhân tâm; duy cái chân lý đó không phải văn tự mà hình dung được hết. (Phan Bội Châu, Khổng học đăng I, tr.343)

DỊCH CHƯƠNG 16

Thiên nhân tương dữ

Quyền phép thần linh oai hùng khôn xiết,

Nhìn chẳng ra, nghe cũng chẳng thấy gì.

Những vẫn lồng vào vạn vật chẳng phân ly.

Khiến chay tịnh tâm hồn, chững chàng áo xống,

Mới cho làm những việc tâm thành thờ phụng.

Man mác y như phất phưởng ở trên,

Linh lung y như mường tượng ở hai bên.

Thần giáng lâm lúc nào ta đâu biết

Cớ sao ta dám bơ thờ khinh miệt

Thật siêu vi nhưng vẫn hiển hình,

Quá hoàn hảo, nên không che nổi oai linh.[1]

BÌNH LUẬN

Chương này dựa vào niềm tín ngưỡng dân gian để chứng minh rằng: Đạo chẳng xa người, Trời chẳng xa người.

Khảo sát niềm tín ngưỡng trong dân gian ta thấy rằng:

- Thần linh chẳng có xa người, vì hằng ngày lồng trong vạn vật và trong con người.[2]

- Không hiển hình nhưng vẫn hiện diện.

Khiến một người phải trai giới hẳn hoi, y phục tề chỉnh, mới được lễ bái, vì tế thần như thần tại.[3]

Như vậy ta thấy rằng thần linh chẳng có xa người, và thần linh giáng lâm ta đâu có hay biết. Đó là quan điểm của Kinh Thi mà Trung Dung đã nhắc lại.

Ta có thể nói rằng Trung Dung dùng chương này để chứng minh Đạo chẳng xa người, chữ Đạo đây phải hiểu là Lý, là Thiên, là Trời.

Lối giải thích này không có gì là gượng ép.

Thực vậy, thánh hiền Trung Hoa từ thượng cổ đã tin rằng Trời chẳng xa người. Kinh Thi đã có những câu: Thượng Đế lâm nhữ,[4] hay Bất hiển diệc lâm.[5]

Trong Luận Ngữ, đức Khổng đã bộc lộ niềm tin ấy trong nhiều trường hợp. Ngài cho rằng:

- Ngài là vẻ sáng của Trời.[6]

- Chỉ có Trời mới hiểu ngài, và hiểu công phu tu luyện của ngài.[7]

- Trời chứng giám lòng ngay thẳng của ngài.[8]

- Phạm tội đến Trời thì còn cầu đảo ai được nữa.[9]

- Và khi đã có Trời hiện diện trong lòng mình, thì suốt đời là bài kinh nguyện trường thiên, còn phải lo gì tế tự, cầu xin van vái thánh thần nào khác.[10]

Chương 16 này của Trung Dung cũng dành cho ta lắm điều bất ngờ.

- Thoạt đầu dùng chữ quỷ thần.

- Tiếp theo, dùng nguyên chữ Thần.

- Cuối cùng, dùng chữ thành là hoàn thiện, để mô tả đức tính thần linh. Nhưng Trung Dung cũng đã minh định rằng: Thành giả, Thiên chi đạo dã. (Hoàn toàn là đạo Trời.)

Như vậy chắng ám chỉ đến Trời là gì?

Hơn nữa Trung Dung dạy ta phải dày Thiên đức, Thiên đạo, thực hiện chữ thành, dạy ta phối thiên, chớ có dạy ta đạt quỷ thần chi đức đâu?

Đàng khác Chu Hi cho rằng chương này cốt chứng minh: Đạo chẳng xa người. Các nhà bình giải cho rằng: Đạo thuộc hình nhi thượng, còn quỷ thần thuộc hình nhi hạ; quỷ thần chẳng qua là hai phương diện khuất thân lai vãng của Đạo. Nếu vậy, chứng minh quỷ thần chẳng xa người, tức là đã chứng minh Đạo hay Trời chẳng xa người vậy. Vả lại cứ theo mạch sách Trung Dung phải giải đoạn này là Trời chẳng xa người thì mới tìm ra được sự duy nhất của sách.

Quan niệm Trời chẳng xa người là quan niệm của các bậc hiền thánh xưa nay.

Ramakrishna nói: «Thượng Đế ở trong mọi người, nhưng mọi người không có trong Thượng Đế, vì vậy mà họ khổ đau tục lụy.» [11]

Thánh Jean de la Croix viết: «Phải biết rằng Thiên Chúa ở trong mọi tâm hồn, dẫu là tâm hồn của kẻ tội lỗi nhất thiên hạ, và sự hiện diện bằng bản tính ngài. Thiên Chúa cũng ở trong vạn vật y thức như vậy, nhờ vậy vạn vật mới sinh tồn; chẳng vậy, vạn vật sẽ trở thành hư vô ngay lập tức.» [12]

Mục đích chính yếu của sách Phúc Âm là giúp cho mọi người nhận biết rằng Trời người chẳng có xa nhau,[13] người mà sống lìa xa Trời sẽ tử vong, tiêu tẫn,[14] nước Trời cũng như Trời chẳng có ở đâu xa mà đã ở trong đáy lòng con người,[15] và mục đích Tân Ước là phối hợp Trời người cho nên một.[16]


CHÚ THÍCH

[1] Mao Thi, Đại nhã, Ức thiên:

Thị nhĩ hữu quân tử                     視 爾 友 君 子

Chấp nhu nhĩ nhan                     輯 柔 爾 顏

Bất hà hữu khiên                         不 遐 有 愆

Tướng tại nhĩ thất                        相 在 爾 室

Thượng bất quý vu ốc lậu.         尚 不 愧 于 屋 漏

Vô viết bất hiển                            無 曰 不 顯

Mạc dư vân cấu                           莫 予 云 覯

Thần chi cách tư                          神 之 格 思

Bất khả đạc tư                              不 可 度 思

Thẩn khả địch tư.                         矧 可 射 思

Khi bầu bạn với người quân tử,

Phải dịu dàng vui vẻ dung nhan.

Tức là tránh được lỗi lầm,

Còn đâu lầm lỗi đồn gần đồn xa.

Chái tây bắc góc nhà thanh vắng,

Đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Đừng rằng tăm tối chơi vơi,

Đừng rằng tăm tối ai người thấy ta.

Thần giáng lâm ai mà hay biết

Nên dám đâu khinh miệt dể người.

- Dieu réside dans tous les hommes, mais eux ne sont pas en lui et de là viennent leurs souffrances. (L’Enseignement de Ramakrishna, p.409)

- On demande un jour à Shri Ramakrishna. Comment le Seigneur réside-il dans le corps humain. Il répondit «Comme le piston d’un seringue, il est dans le corps et cependant distinct de lui. (Ibid., p.500)

[2] Thể vật nhi bất khả di.

[3] Luận Ngữ, Bát dật (ch.2), #12.

[4] Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương thất chương, bát cú.

[5] Kinh Thi, Đại Nhã, Tư trai, tứ chương, lục cú.

[6] Luận Ngữ, Tử Hãn (ch.9), #5.

[7] Luận Ngữ, Hiến vấn (ch.14), #37.

[8] Luận Ngữ, Ung dã (ch.6), #26.

[9] Luận Ngữ, Bát dật (ch.3), #13.

[10] Luận Ngữ, Thuật nhi (ch.7), #34.

[11] Dieu réside dans tous les hommes, mais eux ne sont pas en lui et de là viennent leurs souffrances. (L’Enseignement de Ramakrishna, p.409)

[12] Il faut savoir que Dieu demeure en toutes les âmes, fut-ce celle du plus grand pécheur du monde et y est présent en substance. Et cette manière d’union est toujours entre Dieu et toutes les créatures, selon laquelle il les conserve en leur être, de sorte que si elle venait à leur manquer elle s’anéantiraient aussitôt et ne seraient plus... (La montée du Carmel; Desclée et Brower, Les oeuvres spirituelles du bien heureux Père Jean de la Croix. p.133-134)

[13] Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Thần Chúa ở trong anh em sao? (I. Cor. 13,16)

[14] Ta là gốc nho, các người là nhánh… Nếu ai chẳng ở trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho và nó sẽ héo đi. (Jean 15,5-6)

[15] Nước Trời ở trong anh em. (Luc 17,21)

- Hãy ngợi khen và hãy mang Thiên Chúa trong mình anh em. (I. Cor 6,20)

[16] Để cho ai nấy hợp làm một như Cha ở trong con, và con ở trong Cha, lại để cho họ ở trong lòng chúng ta. (Jean 17,21)

- Để cho Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người. (I. Cor 15,28)


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33