TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 26

THÁNH NHÂN PHỐI THIÊN

第 二 十 六 章

故 至 誠 無 息. 不 息 則 久; 久 則 征; 征 則 悠遠; 悠 遠 則 博 厚; 博 厚 則 高 明. 博 厚, 所 以 載 物 也; 高 明, 所 以 覆 物 也; 悠 久, 所 以 成 物 也; 博 厚 配 地; 高 明 配 天; 悠 久 無 疆. 如 此 者, 不 見 而 章; 不 動 而 變; 無 為 而 成. 天 地 之 道, 可 一 言 而 盡 也: 其 為 物 不 貳, 則 其 生 物 不 測. 天 地 之 道 博 也, 厚 也, 高 也, 明 也, 悠 也, 久 也. 今 夫 天, 斯 昭 昭 之 多; 及 其 無 窮 也, 日 月 星 辰 系 焉, 萬 物 覆 焉. 今 夫 地, 一 撮 土 之 多; 及 其 廣 厚, 載 華 岳 而 不 重, 振 河 海 而 不 洩, 萬 物 載 焉. 今 夫 山, 一 卷 石 之 多; 及 其 廣 大, 草 木 生 之; 禽 獸 居 之; 寶 藏 興 焉. 今 夫 水, 一 勺 之 多; 及 其 不 測, 黿, , , , , 鱉 生 焉; 貨 財 殖 焉. 詩 云: 維 天 之 命 于 穆 不 已. 蓋 曰: 天 之 所 以 為 天 也: 于 乎. 不 顯. 文 王 之 德 之 純. 蓋 曰: 文 王 之 所 以 為 文 也 , 純 亦 不 已.

PHIÊN ÂM

Cố chí thành vô tức. Bất tức tắc cửu; cửu tắc trưng; trưng tắc du viễn; du viễn tắc bác hậu; bác hậu tắc cao minh. Bác hậu, sở dĩ tải vật dã; cao minh, sở dĩ phú vật dã; du cửu, sở dĩ thành vật dã. Bác hậu phối địa; cao minh phối thiên; du cửu vô cương. Như thử giả, bất hiện nhi chương; bất động nhi biến; vô vi nhi thành.[1] Thiên địa chi đạo, khả nhất ngôn nhi tận dã: kỳ vi vật bất nhị, tắc kỳ sinh vật bất trắc. Thiên địa chi đạo bác dã, hậu dã, cao dã, minh dã, du dã, cửu dã. Kim phù thiên, tư chiêu chiêu chi đa; cập kỳ vô cùng dã, nhật nguyệt tinh thần hệ yên, vạn vật phú yên. Kim phù địa, nhất toát thổ chi đa; cập kỳ, quảng hậu, tải Hoa Nhạc nhi bất trọng, chấn hà hải nhi bất tiết, vạn vật tải yên. Kim phù sơn, nhất quyển thạch chi đa; cập kỳ quảng đại, thảo mộc sinh chi; cầm thú cư chi; bảo tàng hưng yên. Kim phù thủy, nhất thược chi đa; cập kỳ bất trắc, nguyên, đà, giao, long, ngư, biết sinh yên; hóa tài thực yên. Thi vân: «Duy thiên chi mệnh ô mục bất dĩ!» [2] Cái viết: Thiên chi sở dĩ vi Thiên dã: «Ô hô! bất hiển! Văn vương chi đức chi thuần.» Cái viết: Văn vương chi sở dĩ vi Văn dã, thuần diệc bất dĩ.

CHÚ THÍCH

  - Tức = nghỉ. - Trưng = hiện ra, trưng lên. - Du = bao la bát ngát (ví dụ: du du bỉ thương 悠 悠 彼 蒼 = Xanh kia thăm thẳm tầng trên - Chinh phụ ngâm 征 婦 吟 ). - Trắc = đoán trước. - Tinh thần 星 辰 = tinh tú. - Hệ = treo. - Toát  = Nắm, tóm lấy. – Hoa  = núi Hoa. - Chấn = thu vào. - Thược = gáo. - Nguyên 黿 = con giải. - Đà = rùa lớn. - Giao = con thuồng luồng, cá sấu. - Biết = ba ba. - Ô = Ôi. - Mục = sâu xa. - Bất dĩ 不 已 = không cùng, vô cùng. - Bất hiển 不 顯 = phi hiển 丕 顯 (các sách cổ). - Phi hiển 丕 顯 = lớn lao hiển hách. - Thuần = tinh thuần, thuần nhất.[3]

DỊCH CHƯƠNG 26

Thánh nhân phối thiên

Nên bậc chí thánh không hề ngơi nghỉ,

không nghỉ ngơi nên sẽ vững bền.[4]

Vững bền muôn vẻ trưng lên,

Trưng lên, vang dội khắp miền gần xa.

Khắp gần xa, ắt là dày rộng,

Đã rộng dày, thời cũng cao minh.

Rộng dày để chở chúng sinh,

Cao minh che khắp sinh linh xa gần.[5]

Trường cửu để tác thành muôn vật,

Rộng dày nên cùng đất sánh duyên.

Cao minh kết ngãi thanh thiên,

Vô biên, vô tận triền miên vô cùng.

Được như vậy không trưng vẫn tỏ,

Tuy ở yên biến hóa khôn lường,

Không làm mà vẫn thành công.[6]

Thuyết tiến hóa:

Đạo trời đất một câu tóm hết,

Làm muôn loài chẳng biết hai khuôn.

Nhưng mà sinh hóa khôn lường,

Đất trời đường lối mênh mang rộng dày.

Cao minh trong sáng xưa nay,

Xa gần vĩnh cửu đó đây khôn lường.

*

Kìa như trời vài nguồn sang sáng,

Nhưng một khi tản mạn vô cùng.

Lửng lơ nhật nguyệt hai vừng,

Muôn vàn tinh tú tưng bừng treo trên.

Trời còn che chở mọi miền...

*

Kìa như đất vài thưng bụi cát,

Nhưng một khi bát ngát rộng dày.

Hoa sơn nó chở như bay,

Muôn vàn sông biển hút ngay vào lòng.

Đất còn chở hết non sông.

*

Kìa núi non, đá chồng mấy tảng,

Nhưng một khi khoáng đãng vươn cao.

Cỏ cây muôn khóm chen nhau,

Muôn chim cầm thú nương vào ở ăn.

Núi còn biết mấy kho tàng.

*

Kìa sông nước, mấy ang mấy gáo,

Nhưng một khi biến ảo mênh mông.

Sấu, rùa, cá, giải, giao long,

Sinh sinh, hóa hóa vẫy vùng triền miên.

Nước còn biết mấy nguồn tiền,

Biết bao hóa phẩm còn chìm biển sâu.[7]

*

Thánh nhân dữ thiên đồng đức:

Việc trời ngẫm xiết bao huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn áo, không cùng.

Thực là đáng mặt hóa công,

Đức vua Văn tinh thuần chói lọi.

Thế cho nên đáng gọi là Văn,

Tinh ròng vĩnh cửu vô chung.[8]

BÌNH LUẬN

1. Cố chí thành vô tức... vô vi nhi thành.

Đạo chí thành là đạo của Thánh-nhân và cũng là đạo trời đất. Thánh nhân là những người đã khuếch sung thiên tính đến cùng cực,[9] cho nên đã bước lên được thiên vị: Dữ thiên đồng đức.

Trời hoạt động không ngừng thì thánh nhân cũng bắt chước Trời hoạt động không ngừng nghỉ. Hoạt động của thánh nhân không cứ phải là lao tác tay chân, mà là hoạt động siêu việt về thần trí.

Nhờ sức hoạt động không ngừng nghỉ ấy mà thánh nhân trở nên cao minh, bác hậu, ảnh hưởng đến muôn dân, muôn đời.

Ảnh hưởng của thánh nhân không biên cương, giới hạn, biến hóa quần sinh, tác thành muôn vật. Cho nên nói: Các ngài bác hậu, cao minh, phối hợp được với đất trời.

Trung Dung coi thánh nhân với Trời là một, nên dùng cùng một thứ hình dung từ để mô tả thánh nhân và trời đất.

Thánh nhân chí thành vô tức thì Trời cũng ô mục bất dĩ. Thánh nhân bác hậu, cao minh, du cửu, vô cương thì trời đất cũng bác hậu, cao minh, du cửu, vô cương.

Đó cũng là quan niệm của các danh nho đời Tống như Chu Hi, Trình Tử.[10] Các vị thánh nhân khi đã đạt tới thiên đức, không cần phô trương mà đức độ vẫn luôn hiển hiện; không cần lao tác mà vẫn cảm hóa chúng dân, chẳng phải lao đao vất vả mà vẫn thành công rực rỡ. Dịch Kinh viết: «Trời đất cảm vạn vật mà vạn vật hóa sinh; thánh nhân cảm nhân tâm mà thiên hạ bình.» [11]

Sách Trung Dung kim thích bình rằng: «Thánh nhân cùng một thể với trời đất, cho nên chẳng phô trương mà vẫn hiển hiện, chẳng lao tác mà vẫn cảm hóa, chẳng làm mà vẫn thành công.» [12]

Thánh hiền Trung Quốc cho rằng chỉ có Trời và thánh nhân mới có thể vô ngôn nhi tín, vô vi nhi thành,[13] cho nên hai chữ vô vi ở đây cần được hiểu là hoạt động siêu việt của thần minh. Liệt Tử viết trong Xung Hư Chân Kinh: «Hoạt động cao siêu nhất gọi là vô vi.» [14]

Nhìn vào lịch sử, ta thấy Chúa Jesus, Phật, Lão Tử, Khổng Tử, tuy sống không đầy trăm năm mà ảnh hưởng đến mấy ngàn năm, đến hằng ngàn muôn triệu người. Như vậy những lời bàn của Trung Dung tưởng không ngoa vậy.

2. Thiên địa chi đạo ... hóa tài thực yên.

Cái bí quyết làm nên những công chuyện vĩ đại chính là sự hoạt động không ngừng nghỉ. Cho nên chương này khởi đầu bằng chữ chí thành vô tức, rồi lại kết thúc bằng thuần diệc bất dĩ. Đó là định luật chung cho Trời và người.

Dịch Kinh (quẻ Càn) viết: «Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. « (Trời hoạt động mãnh liệt, người quân tử cũng phải cố gắng không ngừng.)

Nhờ sự hoạt động không ngừng nghỉ ấy mà một khuôn thiêng Thái Cực đã sinh hóa ra được muôn loài muôn vật, kỳ ảo khôn lường. Cho nên Trung Dung viết: «Kỳ vi vật bất nhị, kỳ sinh vật bất trắc.» [15]

Tiên nho cho rằng hoạt động không ngừng nghỉ sẽ súc tích mãi mãi, và càng súc tích nhiều thì càng trở nên bao la vĩ đại.[16]

Trình Tử viết: «Thần sở dĩ là thần, chính là nơi súc tích vô cùng mà thôi.» [17]

Trời đất, sông biển, núi non cũng đều là do định luật tích thiểu thành đại mà ra, đều do súc tích mà thành.[18]

Con người cũng vậy, có tích đức tích thiện thì mới trở nên thánh hiền cao cả được. Dương Qui Sơn viết: «Tích mãi cho đến bác hậu, cao minh, sẽ có thể chở che, thành tựu muôn vật, công dụng ảnh hưởng sẽ không thể nào lường, cho nên vô cùng như trời đất.» [19]

Ta cũng có thể bình luận rằng vì hoạt động không ngừng nghỉ của vũ trụ mà trời đất, núi non, sông biển được triển dương biến hóa đến cùng cực.

Cắt nghĩa câu «cập kỳ chí, cập kỳ bất trắc...» [20] là: khi triển dương, biến hóa đến kỳ cùng ta sẽ làm cho muôn vật trở nên hết sức sống động, sẽ làm nổi bật được sức tiến hóa của Tuyệt đối thể, của Nguyên động lực tiềm ẩn trong lòng vạn vật, sẽ bao quát được các lẽ biến dịch tiến hóa, bao quát không gian, thời gian, hiểu được thuyết nhất thể vạn thù của cổ nhân, cũng như phối kiểm được các thuyết khoa học mới mẻ nhất về vũ trụ và về vạn vật, như thuyết vũ trụ triển dương của linh mục Georges Lemaître, Hubble, và Eddington,[21] thuyết vạn vật tiến hóa của Lamarck và Darwin, thuyết vạn sự, vạn vật đều tàng ẩn trong nguyên thể, nguyên noãn của Weissmann, v.v.[22]

Chỗ giống nhau của thuyết Đông Tây kim cổ là tất cả đều đề xướng thuyết Nhất thể vạn thù. Chỗ khác nhau là: Á Đông chủ trương Nhất thể là Thái Cực, là Trời; còn Georges Lemaître chủ trương Nhất thể là nguyên tử ban sơ (atome primitif); Lamarck, Darwin chủ trương nguyên thểnguyên noãn.

Đồng thời đoạn này cũng cho ta thấy rằng con người tuy tầm thường, nhưng nếu dày công tu luyện, sẽ có thể tiến hóa, triển dương đến cùng cực, có thể đạt được thiên đức, thiên vị.[23]

Chính vì vậy mà Mạnh Tử đã viết: «Mình có sẵn 4 mối (thiện đoan) ấy nơi mình, mà mình biết mở rộng ra cho chúng nó sung túc, thì chúng nó như ngọn lửa nhen nhúm sắp cháy bùng, như dòng suối phát tích sắp lưu thông. Nếu mình biết làm cho 4 mối thương xót, hổ thẹn, khiêm nhường, phải quấy ấy được sung túc nơi mình thì mình đủ sức giữ gìn bốn biển; còn như chẳng biết làm cho chúng nó được sung túc, thì mình chẳng đủ sức phụng dưỡng cha mẹ.» [24]

3. Thi vân ... thuần diệc bất dĩ.

Cuối chương, tác giả viện dẫn Kinh Thi để cho thấy rằng thánh nhân cũng như trời đất sở dĩ làm nên được những việc cao cả chính vì đã hoạt động không hề ngừng nghỉ gián đoạn, chính vì đã đạt tới mức hoàn thiện, tinh thuần. Như vậy Trung Dung đã cho ta bí quyết để trở nên thánh hiền. Muốn thành thánh hiền cần phải học hỏi, tu luyện, cố gắng không ngừng để khuếch sung các mối thiện đoan trong mình, khuếch sung thiên lý thiên chân cho đến chỗ chí thiện, chí mỹ, chí cao, chí đại.[25]


CHÚ THÍCH

[1] L’homme, ici-bas, ne possède la vérité que comme il possède la vertu: en tant que direction d’un devenir. Il lui fait toujours faire effort, toujours conquérir, toujours se renouveler et renaître. Point d’équilibre pour lui, sinon un de ces équilibre que ne subsistent que lar le fait même du mouvement. Dès qu’il s’arrête il tombe; et la vérité qui est esprit lui échappe. (Edouard Le Roy)

[2] Mao Thi, Chu tụng, Duy Thiên chi mệnh.

[3] Trình Tử viết: Thiên địa bất dĩ; Văn vương ư thiên đạo, diệc bất dĩ. Thuần tắc vô nhị vô tạp; Bất dĩ tắc vô gián đoạn tiên hậu. 程 子 曰: 天 地 不 已; 文 王 於 天 道, 亦 不 已. 純 則 無 貳 無 雜. 不 已 則 無 間 斷 先 後 (Thiên đạo vô cùng, Văn vương sánh với thiên đạo cũng vô cùng.)

[4] Toutes les fois qu’un homme se met, suivant ses forces, en rapport avec le Créateur, et qu’il produit une institution quelconque au nom de la Divinité; quels que soient d’ailleurs sa faiblesse individuelle, son ignorance, sa pauvreté, en un mot son dénument absolu de tous les moyens humaine, il participe en quelque manière à la toute-puissance dont il s’est fait l’insttrument; il produit des oeuvres dont la force et la durée étonnent la raison. (Joseph de Maistre)

- Il vivra aussi longtemps que le soleil et aussi longtemps que la lune d’âge en âge. (Psaume 71-5)

[5] Car la Sagesse est plus active que toute activité elle pénètre et gagne toutes choses à cause de sa pureté. (Livre de la Sagesse 7-24)

[6] Toute seule qu’elle est, elle peut tout;

et sans sortir d’elle-même, elle renouvelle tout;

se répandant, à travers les âges, dans les âmes saintes,

elle en fait des amis de Dieu et des prophètes.

(Livre de la Sagesse 7-27)

[7] Car les éléments échangeaient leurs propriétés,

comme dans le psaltérion les sons changent de rythme,

tout en conservant le même ton.

C’est ce que manifeste clairement le spectacle de ces évènements.

(Livre de la Sagesse 19-18)

[8] - Tout ce qui se cache et tout ce qui se voit, je l’ai appris car la sagesse, ouvrière de touts choses, me l’a enseigné. En elle, en effet, il y a un esprit intelligent, saint, unique, multiple, subtil,

se mouvant aisément, pénétrant, incapable de souillure, limpide, impassible, aimant le bien, allègre, incoercible, bienfaisant,

bon pour les hommes, ferme, assuré, sans inquiétudes,

tout puissant, surveillant tout,

animant tous les esprits,

les intelligents, les purs et les plus subtils.

Car la sagesse est plus active que toute activité;

elle pénètre et gagne toutes choses à cause de sa pureté.

Elle est, en effet, le souffle de la puissance de Dieu,

une pure émanation de la gloire du Tout-Puissant;

aussi rien de souillé ne peut s’insinuer en elle.

Car elle est le resplendissement de la lumière éternelle,

le miroir sans tache des operations de Dieu,

et l’image de sa bonté. (Livre de la Sagesse 7, 21-26)

- Comprenez que vous n’êtes rien, et que ce qui fut avant ne fut rien, et ce qui sera après ne sera rien. Et rien n’existe, si ce n’est toi, clarté de Dieu ! (Armand Salacrou)

[9] Hoằng vu thiên. 弘 于 天 (Kinh Thư, Khang Cáo)

- Nhiên sở dĩ chí ư thánh nhân giả, sung kỳ lương tâm, đức thịnh, nhân thục nhi hậu xưng dã. 然 所 以 至 於 聖 人 者, 充 其 良 心, 德 盛, 仁 孰 而 後 稱 也 (Trung Dung hoặc vấn, tr.126a)

[10] Thánh nhân thành nhất chi ư thiên. Thiên tức thánh nhân, thánh nhân tức thiên. 聖 人 誠 一 之 於 天. 天 即 聖 人, 聖 人 即 天 (Trình thị kinh thuyết, q.7, tr.5b)

[11] Thiên địa cảm nhi vạn vật hóa sinh; thánh nhân cảm nhân tâm nhi thiên hạ hòa bình. 天 地 感 而 萬 物 化 生. 聖 人 感 人 心 而 天 下 和 平. (Dịch Kinh, quẻ Hàm, thoán)

[12] Thánh nhân hòa thiên địa đồng thể, sở dĩ bất hiện nhi chương, bất động nhi năng biến hóa, vô vi nhi thành. 聖 人 和 天 地 同 體, 所 以 不 見 而 章, 不 動 而 能 變 化, 無 為 而 成. (Sđd, tr.63a)

[13] Thiên tắc bất ngôn nhi tín, thần tắc bất nộ nhi uy. 天 則 不 言 而 信 神 則 不 怒 而 威. (Di thư, q.11, 2b)

[14] Chí vi vô vi. 至 為 無 為 (Liệt Tử, Xung Hư Chân Kinh, 8-H)

[15] Nhất khí giả, tức tiên thiên. Âm Dương vị phán chi khí; chí ư phân Âm phân Dương, lưỡng nghi ký lập, tắc bất đắc danh vi nhất khí. Nho gia vân: Kỳ vi vật bất nhị, kỳ sinh vật bất trắc, diệc chỉ tiên thiên nhất khí chi ngôn. 一 氣 者 即 先 天. 陰 陽 未 判 之 氣;至 於 分 陰 分 陽 兩 儀 既 立 則 不 得 名 為 一 氣. 儒 家 云: 其 為 物 不 二, 則 其 生 物 不 測, 亦 指 先 天 一 氣 而 言. (Tôn Bất nhị nữ đan thi chú, tr.11)

[16] Qui Sơn Dương Thị viết: Thành chi nhất ngôn túc dĩ tận chi, bất tức chi tích dã. 龜 山 楊 氏 曰: 誠 之 一 言 足 以 盡 之, 不 息 之 積 也. (Trung Dung hoặc vấn, tr.124b)

[17] Sở dĩ thần giả, tích chi vô cùng nhi dĩ. 所 以 神 者 積 之 無 窮 而 已. (Trình thị kinh thuyết, q.8, tr.5b)

[18] Dĩ tích thiên chi chiêu chiêu dĩ chí ư vô cùng. 以 積 天 之 昭 昭 以 至 於 無 窮. (Trung Dung hoặc vấn, tr.123b)

- Đãi tích nhi hậu thành chi. 待 積 而 後 成 之. (Ib., tr.123b)

[19] Qui Sơn Dương Thị viết: Tích nhi chí ư bác hậu cao minh tắc phúc tải thành vật chi sự bị hĩ, kỳ dụng tắc bất khả đắc nhi kiến dã, cố phối thiên địa vô cương ngôn chi. 龜 山 楊 氏 曰: 積 而 至 於 博 厚 高 明 則 覆 載 成 物 之 事 備 矣. 其 用 則 不 可 得 而 見 也. 故 配 天 地 無 彊 言 之. (Trung Dung hoặc vấn, tr.124b)

[20] Có sách dịch các chữ ‘cập kỳ chí, cập kỳ quảng đại, v.v.’ là «nhìn cho khắp, gẫm ra vô cùng». (Đoàn Trung Còn dịch, Trung Dung)

[21] - Pierre Rousseau, Histoire de la science, p.769.

- G. Lemaître, L’Hypothèse de l’atome primitif, Essai de cosmogonie.

[22] L’homme physique ne peut être considéré que comme l’aboutissment d’une série ininterrompue d’organismes qui remontent jusqu’aux formes les plus élémentaires de la vie. (Lecomte du Noüy, L’Avenir de l’Esprit, p.106)

... D’après Donald Culross Peattie, l’ancêtre le plus ancien antérieur aux algues serait une sorte de bactérie... qui vivait autrefois aux temps les plus reculés qu’on appelle tantôt Précambrien, tantôt Algonkien, tantôt Archéozoïque, dans les grands océans d’eau douce... C’est le Leptothrix. (Ib., p.86)

... Préformation absolue et complète dans l’être originel. Tout le futur inscrit dans le 1er oeuf. (Weissmann). (Ib., p.168)

[23] Phù nhân chi sung kỳ lương tâm dĩ chí ư dữ thiên địa hợp đức. 夫 人 之 充 其 良 心 以 至 於 與 天 合 德 (Trung Dung hoặc vấn, tr.123b)

[24] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu [thượng-6], Đoàn Trung Còn dịch, tr.107.

[25] Tứ Thư Ngũ Kinh coi Văn Vương như vị thánh nhân, như là hiện thân của Thượng Đế:

- Kinh Thi viết: «Thượng thiên chi tải vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương vạn bang tác phu.» 上 天 之 載 無 聲 無 臭 儀 刑 文 王 萬 邦 作 孚. (Kinh Thi, Đại nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất)

- Luận Ngữ viết: «Tử úy ư Khuông. Văn Vương ký một, văn bất tư hồ?» 子 畏 於 匡. 文 王 既 沒, 文 不 斯 乎 (Luận Ngữ, Tử Hãn [ch.9], #5)

- Trung Dung viết: «Văn Vương chi đức chi thuần.» 文 王 之 德 之 純 文 (Trung Dung, ch.26)

- Trình Tử viết: «Văn Vương chi đức trực thị tự thiên.» 王 之 德 直 是 似 天. (Di Thư, q.23, tr.21b)


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33