TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33


Chương 29

ĐẠO THÁNH NHÂN HỢP TÂM LÝ, LỊCH SỬ, THIÊN CƠ

第 二 十 九 章

 王 天 下 有 三 重 焉. 其 寡 過 矣 乎 ! 上 焉 者, 雖 善 無 征, 無 征 不 信; 不 信 民 弗 從. 下 焉 者, 雖 善 不 尊; 不 尊 不 信, 不 信 民 弗 從. 故 君 子 之 道, 本 諸 身, 征 諸 庶 民; 考 諸 三 王, 而 不 繆; 建 諸 天 地 而 不 悖; 質 諸 鬼 神, 而 無 疑, 百 世 以 俟 聖 人 而 不 感. 質 鬼 神 而 無 疑: 知 天 也. 百 世 以 俟 聖 人 而 不 感, 知 人 也. 是 故 君 子 動 而 世 為 天 下 道; 行 而 世 為 天 下 法; 言 而 世 為 天 下 則. 遠 之 則 有 望; 近 之 則 不 厭. 詩 曰 : 在 彼 無 惡; 在 此 無 射; 庶 几 夙 夜, 以 永 終 譽. 君 子 未 有 不 如 此, 而 蚤 有 譽 于 天 下 者 也.

PHIÊN ÂM

Vương thiên hạ hữu tam trọng yên. Kỳ quả quá hĩ hồ ! Thượng yên giả, tuy thiện vô trưng, vô trưng bất tín; bất tín dân phất tùng. Hạ yên giả, tuy thiện bất tôn; bất tôn bất tín, bất tín dân phất tùng. Cố quân tử chi đạo, bản chư thân, trưng chư thứ dân; khảo chư tam vương, nhi bất mậu; kiến chư thiên địa nhi bất bội; chất chư quỷ thần, nhi vô nghi, bá thế dĩ sĩ Thánh nhân nhi bất hoặc. Chất chư quỷ thần nhi vô nghi: tri Thiên dã. Bá thế dĩ sĩ Thánh nhân nhi bất hoặc, tri nhân dã. Thị cố quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo; hạnh nhi thế vi thiên hạ pháp; ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc. Viễn chi tắc hữu vọng; cận chi tắc bất yếm. Thi viết: «Tại bỉ vô ố; tại thử vô đố; thứ cơ túc dạ, dĩ vĩnh chung dự.» [1] Quân tử hữu bất như thử, nhi tao hữu dự ư thiên hạ giả dã.

CHÚ THÍCH

- Vương = cai trị, thống suất. - Trọng = trọng hệ, quan trọng. - Tam trọng 三 重 = các sách thường cho là: (1) Lễ nhạc; (2) Luật lệ; (3) Văn tự. Dịch giả, theo ý đọan này, thiết nghĩ tác giả trưng ra ba điều kiện truyền đạo hữu hiệu: Tam trọng = (1) Đức độ; (2) Phát huy, biểu dương đức độ; (3) Địa vị tôn quý. - Trưng = Tỏ ra, dẫn chứng. - Thượng vị quân dã... Hạ vị thần dã. 上 謂 君 也 下 謂 臣 也 (Tống bản thập tam kinh Lễ Ký) [2] - = ghét.- Đố = nhàm, nhờn.- = mong mỏi.- Túc = sớm. - Dự = khen.

DỊCH CHƯƠNG 29

Đạo thánh nhân hợp tâm lý, lịch sử, thiên cơ

Muốn thống suất toàn dân thiên hạ,

Cần ba điều, gồm cả mới bớt sai.

Trên có đức mà chẳng biết tỏ bày,

Không trông thấy, dân tin sao cho nổi;

Đã không tin, dân đâu theo đường lối.

Dưới có đức, nhưng ngôi vị không sang,

Ngôi không cao, nên dân ít nể nang,

Chẳng vị nể, dân tin sao cho nổi.

Đã không tin, dân đâu theo đường lối,

Nên đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm.

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân,

Khảo chứng tiên vương, không có chi lầm lỗi.

Sánh với luật đất trời không phản bội,

So quỉ thần, thấy đường lối đúng không sai.

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ.[3]

Mỗi động tác quân tử đều như mẫu mực,

Mỗi hành vi, là khuôn phép chúng dân theo.

Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,

Người ta ngưỡng vọng, người gần không hề ngán.[4]

Kinh Thi rằng: khắp đây đó không ai chê chán,

Suốt tháng ngày thiên hạ những ngợi khen.

Người quân tử nếu chẳng theo lối đường trên,

Thì sao sớm được vinh danh trong thiên hạ? [5]

BÌNH LUẬN

1. Vương thiên hạ hữu tam trọng... dân phất tùng.

Chu Hi dẫn lời Lã Thị cho rằng ‘tam trọng’ là ‘lễ nghi, chế độ, khảo văn’. Ba điều này phải để thiên tử qui định, ban hành thì trong nước mới có cùng lệ luật, phong tục, và dân mới bớt sai lầm.[6]

Trình Tử và Trịnh Huyền cho rằng: ‘tam trọng’ là ‘tam vương chi lễ’.[7]

Ta cũng có thể cắt nghĩa ‘tam trọng’ như sau:

(1) Đức độ.

(2) Phát huy, biểu dương đức độ.

(3) Địa vị tôn quý.

Tóm lại, cần phải có địa vị cao trong xã hội, cần phải có đức độ, cần phát huy và biểu dương đức độ. Đó là định luật ‘Đăng cao viễn chiếu’ (đèn để nơi cao chiếu sáng xa). Đức độ của vua chúa, thái độ của vua chúa rất dễ cảm hóa dân và làm cho dân phải noi theo.

Một Constantin (274-337), một Théodose (thượng vị La Mã từ 379 đến 393) theo Công giáo, thì toàn quốc theo Công giáo. Một A Dục theo Phật giáo thì cả dân theo Phật giáo.

Có lẽ vì vậy mà Khổng Tử đã mong ước có một địa vị tôn quý trong nước để thi hành và phổ biến đạo ngài.

Các linh mục dòng Tên, khi sang Trung Quốc giảng giáo, đã quyết tâm chinh phục vua Khang Hi và triều thần, vì nghĩ rằng nếu đạt được mục đích ấy thì nước Tàu theo Công giáo rất đông.[8]

2. Thị cố quân tử chi đạo ... tri nhân dã.

Đạo người quân tử phải hội đủ những điều kiện sau đây:

(1) Phát xuất tự thâm tâm.

(2) Đem trưng bày, phổ cập được vào quần chúng, tức là có thể minh chứng được.

(3) Hợp với đạo thánh hiền thiên cổ.

(4) Hợp với định luật trời đất.

(5) Hợp với đường lối quỷ thần.

(6) Siêu việt không gian, thời gian, dẫu ngàn đời sau có thánh nhân ra đời cũng không phủ nhận được những lời mình. Tiên thánh hậu thánh kỳ quỹ nhất dã.

Những tiêu chuẩn trên đây có thể xem là những tiêu chuẩn chính yếu để nhận biết thế nào là chân lý vĩnh cửu.

Nói cách khác, chân lý vĩnh cửu là thứ chân lý mà mọi nơi, mọi đời, mọi người thường tin tưởng.[9] Nó phải hợp vũ trụ và siêu không gian, thời gian, cho nên không biến thiên theo giòng lịch sử hay theo hoàn cảnh địa lý.

Chân lý vĩnh cửu và phổ quát thực ra không phải là phát minh của một cá nhân nào, một đạo giáo nào, mà chính là đã được tất cả các bậc thánh hiền vạn cổ phát huy, và đã được lưu truyền qua các trung gian của đạo giáo và các nền văn hóa với những vo tròn bóp méo của con người, cũng như của thời gian và hoàn cảnh. Cho nên mọi người chúng ta đều có bổn phận tìm cho ra chân lý vĩnh cửu, phổ quát và nguyên tuyền ấy.

Trong một phiên họp của Hiệp hội Âu Châu Phát huy Văn hóa, linh mục Houang đã nói những lời hữu lý sau đây: «Bổn phận người Âu cũng như người Á là phải tìm cho ra chân lý hằng cửu và phổ quát... Chúng ta có nhiệm vụ khơi mào cho một cuộc đối thoại giữa Á và Âu bằng cách minh định rằng trong mọi nền văn hóa đều có những điều hằng cửu và phổ quát. Như vậy chúng ta sẽ có thể yêu nhau như anh em, và thế giới sẽ có thể sống bình yên thực. [...] Trong suốt thế kỷ 19, quý vị đã coi thế giới như là chiếc xe lửa đang di chuyển, mà chân lý phổ quát là đầu tàu, người Âu Châu thì ở toa thượng hạng và hạng nhất, còn các toa hạng ba và toa hàng hóa thì dành cho người Á Phi. Quan điểm này ngày nay không thể chấp nhận được... Trái lại phải quan niệm thế giới như là một chiếc hoa thị mà ta thấy ở các giáo đường xây vào thời Trung Cổ, trong đó mỗi cánh hoa là một chủng tộc với tất cả những điều nguyện ước, thắc mắc, băn khoăn, và đòi hỏi của họ.» [10]

3. Thị cố quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo... nhi tao hữu dự ư thiên hạ giả dã.

Cho nên người quân tử phải ăn ở sao cho ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi mình nên như mẫu mực của chúng dân.

Gần đây Kant cũng đưa ra một phương châm tương tự: «Hãy ăn ở sao để bạn có thể muốn được rằng phương châm hành động của bạn sẽ trở thành một định luật phổ quát.» [11]

Có như vậy mới mong được xa gần tôn trọng, quý mến.


CHÚ THÍCH

[1] Mao Thi, Chu tụng, chấn lộ thiên. 毛 詩 周 頌 振 鷺 篇.

[2] 1/ Ở ngôi cao mà muốn làm điều lành, tất trước phải có việc trưng chứng cho dân biết. 2/ Ở bậc dưới, tất phải làm thế nào tạo được một thời thế mà đặt mình lên ngôi tôn. Nếu không cả hai lẽ ấy, hoặc có ngôi mà không đức sẵn, hoặc có đức mà không ngôi cao, thảy là không sử được dân; lý vẫn như thế mà thế cũng như thế. Chúng ta ra đời không phải chuyên ỷ một chữ "thiện" mà xong được. (Phan Bội Châu, Khổng học đăng, tr.388)

Danh ngôn đối chiếu:

[3] - Mais la sagesse du pauvre est méprisée,

et ses paroles ne sont pas écoutées. (L’Ecclésiaste 9–16)

- Tam trọng: 1/ Vous êtes la lumière du monde. (Mat. 5,16); 2/ Qu’ainsi brille votre lumière aux yeux des hommes, pour qi’ils voient vos bonnes oeuvres et glorifient votre Père qui est dans les Cieux. (Mat. 5,16); 3/ On n’allume pas non plus la lampe pour la mettre sous le boisseau, mais sur le support, et elle brille pour tous ceux qui sont dans la maison. (Mat. 5,15).

- La vraie religion, c’est, concordanct avec la raison et le savoir de l’homme, le rapport établi par lui envers la vie infinie qui l’entoure, qui lie sa vie avec cet infini et le guide dans ses actes. (Léon Tolstoi)

- Dữ thiên địa tương tự, cố bất vi. Tri chu hồ vạn vật, nhi đạo tế thiên hạ cố bất quá. Bàng hành nhi bất lưu, lạc Thiên tri mệnh cố bất ưu. An thổ đôn hồ nhân cố năng ái. 與 天 地 相 似 故 不 違. 知 周 乎 萬 物, 而 道 濟 天 下 故 不 過. 旁 行 而 不 流, 樂 天 知 命 故 不 憂. 安 土 敦 乎 仁 故 不 能 愛. (Giống đất trời nên không sai. Biết khắp muôn vật, giúp đỡ thiên hạ nên không lỗi.) (Hệ từ thượng)

[4] Lâm Ngữ Đường dịch: «C’est pourquoi il est vrai de dire de l’homme vraiment moral, que chacun de ses gestes devient un exemple pour les générations chacun de ses actes un modèle, chacune de ses paroles, un guide. Ceux qui sont au loin regardent à lui et ceux qui sont près ne l’en respectent pas moins.» (Lin Yutang, La Sagesse de Confucius)

- C’est une grande folie que de vouloir être sage tout seul. (François de la Rochefoucauld)

- La sagesse de la vie est toujours plus profonde et plus large que la sagesse des hommes. (Maxime Gorki)

- Outre que l’Ecclésiaste fut un sage,

il a encore enseigné le savoir au peuple;

il a pesé et sondé et il a arrangé becaucoup de sentences.

L’Ecclésiaste a cherché à trouver des paroles qui plaisent et à écrire droitement des paroles de vérité. (L’Ecclésiaste 12, 9–10)

[5] Traduction de Couvreur:

Il est dit dans le Cheu king: «Là personne ne les hait ici personne n’est lassé de leur présence; leur mémoire sera célébrée dans tous les âges.» Jamais prince n’est parvenu de bonne heure à se faire un nom dans tout l’empire, si ce n’est pas cette voie.

[6] Trung Dung văn ngôn đối chiếu, tr.37.

[7] Trung Dung hoặc vấn, tr.131a.

- James Legge, The Doctrine of the Mean, p.425.

[8] En adoptant cette politique, les Jésuites avaient clairement présent à l’esprit l’éclatant succès de la conversion de l’Empire romain au christianisme, et ils caressèrent l’espoir que les divers souverains asiatiques se révèleraient de nouveaux Constantins, prêts à ambrasser la nouvelle ici...

... Dès lors, il (Matteo Ricci) s’attacha à appliquer la méthode prescrite par ses supérieurs: au lieu de tenter la conversion de millions de paysans et d’artisans illettrés, s’efforcer d’atteindre la tête même de l’Empire. Il valait infiniment mieux convertir les milieux dirigeants de Pékin, les intellectuels et les mandarins. les Jésuites étaitent convaincus que si les couches supérieures de la nation épousaient le christianisme, le reste de l’Empire suivrait automatiquement leur exemple... (Amoury de Riencourt, L’Âme de la Chine, p.223-224)

[9] Quod ubique, quod semper, quod ab omn us creditum est. (Robert Will, Le Culte, Étude d’histoire de la philosophie religieuse, p.81)

- Thiên bách thế chi thượng, hữu thánh nhân xuất yên, thử tâm, thử lý đồng dã. Thiên bách thế chi hạ, hữu thánh nhân xuất yên, thử tâm, thử lý, đồng dã. 天 百 世 之 上, 有 聖 人 出 焉, 此 心, 此 理 同 也. 天 百 世 之 下, 有 聖 人 出 焉, 此 心, 此 理, 同 也. (Trung Dung hoặc vấn, tr.232)

[10] cf. Comprendre, revue de politique de la culture, No16 (Société européenne de culture près la biennale Venise), p.334-335.

R.P. Houang: Au contraire, la tâche des Occidentaux et des Asiatiques seraient de trouver les constantes de l’universalité. Notre tâche à nous est d’amorcer un dialogue entre Asiatiques et Européens, montrant qu’à travers toutes les cultures il y a des constantes de l’universalité. Nous pourrons alors nous aimer en frères, et le monde pourra vivre vraiment en paix...

Tout au long du XIXe siècle, vous avez représenté l’universel à l’image d’un train en mouvement dont l’universalité est la locomotive et dans lequel les Européens occupent les wagons-lits et les wagons de 1e classe, laissant les 3e classe et peut-être les wagons de marchandises aux Asiatiques et aux Africains. Cette forme d’universalité est inacceptable, d’autant plus qu’aujourd’hui nous devrions former une universalité qui ressemblerait non pas à ce train à sens unique, mais plutôt à une rosace, à la belle rosace des grandes cathédrales du moyen-âge dont chaque pétale représenterait une race avec toutes ses aspirations, ses angoisses et ses besoins...

[11] Agis de telle sorte que tu puisses vouloir que la maxime de ton action soit érigée en loi universelle. (Émile Boutroux, La philosophie de Kant, p.300)


» Mục lục » Tựa của Chu Hi » Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13

14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  33