ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 3

AN DÂN

安 民

Hán văn:

不 尚 賢, 使 民 不 爭. 不 貴 難 得 之 貨, 使 民 不 為 盜. 不 見 可 欲, 使 民 心 不 亂. 是以 聖 人 之 治, 虛 其 心, 實 其 腹, 弱 其 志, 強 其 骨. 使 民 無 知 無 欲. 使 夫 知 不 敢 為 也. 為 無 , 則 無 不 治.

Phiên âm:

1.  Bất thượng hiền, sử dân bất tranh. Bất quí nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo. Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn.

2. Thị dĩ thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc,[1] nhược kỳ chí, cường kỳ cốt. Thường sử dân vô tri vô dục. [2] Sở phù trí giả bất cảm vi dã.

3. Vi vô vi, tắc vô bất trị.

Dịch xuôi:

1. Không sùng thượng hiền tài, khiến cho dân không tranh. Không quí của khó được, khiến cho dân không trộm cướp. Không phô trương những gì kích thích lòng ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn.

2. Vì vậy phép trị nước của thánh nhân là làm cho dân: Trống lòng; No dạ; Yếu chí; Mạnh xương. Thường khiến cho dân không biết, không ham. Khiến cho kẻ trí không dám làm gì cả.

3. Làm theo phép Vô vi, thời không gì là không trị.

Dịch thơ:

1. Không sùng thượng hiền tài trần thế,

Cho dân gian bỏ lệ tranh đua,

Không tham vật quí khó mua,

Cho dân hết thiết đi vơ của người.

Mọi vẻ đẹp bên ngoài chẳng thiết,

Cho lòng dân cao khiết trong veo.

2. Trị dân hiền thánh muốn điều,

Ít ham, ít muốn, ăn nhiều uống no.

Bao tơ tưởng làm cho yếu hết,

Nhưng thịt xương sắt thép khang cường. [3]

Tò mò, cớ tưởng vấn vương,

Dân ta ta giữ cho thường vô lo,

Khiến người xảo quyệt mưu cơ,

Sống trong cảnh ấy khó mà ra tay.

       3. Sống khinh khoát mảy may chẳng bợn,

Thời muôn điều ngang chướng hết ngay.

BÌNH GIẢNG

Chương này là một trong những chương của Đạo Đức kinh bàn về cách trị dân theo Lão tử. Vậy trước khi bình giải chương này chúng ta nên biết đại khái chủ trương của Lão tử và Trang tử về chính trị.

Chủ trương của Lão tử là muốn cho dân trở lại đời sống thời thái cổ, vì thời buổi ấy dân chúng sống thuần phác hồn nhiên, thuận thiên lý, chưa có chút gì là nhân vi ngụy tạo.

Thời thái cổ ấy đại khái là thời Tam Hoàng - Phục Hi, Thần Nông, Chúc Dung (khoảng 2800 trước kỷ nguyên trở về trước) - hoặc là thời trước nữa: càng mộc mạc, càng thô sơ càng tốt.

Ta có thể mượn lời Trang tử nói trong thiên Khư Khiếp 胠 篋, Nam Hoa kinh mà mô tả thời thái cổ ấy như sau:

Thời thượng cổ là thời đạo đức,

Thời Đại Đình, Lật Lục, Chúc Dung,

Hiên Viên, Lý Súc, Thần Nông,

Hách Tư, Thái Hạo, Hoàng, Trung, Dung Thành. [4]

Thời buổi ấy thanh bình an lạc,

Và chúng dân thuần phác ung dung.

Thắt thừng bện lõi mà dùng,

Ăn ngon, mặc đẹp, chưa từng xốn xang.

Thời buổi ấy lân bang giáp cạnh,

Tiếng gà kêu chó cắn đều nghe,

Tuy không cách trở sơn khê,

Mà không tiếp xúc đi về với nhau.

Thời buổi ấy đâu đâu cũng trị,

Sống yên bình đến thế thì thôi. [5]

Gần đây Ernest Aeppli, một nhà tâm lý học Âu châu đã mô tả trạng thái ban sơ ấy của nhân loại như sau: «Người ban sơ ít ngã chấp, sống hồn nhiên, thuận theo thiên lý.» Vì ngã chấp còn ít oi, nên họ sống hầu như hòa mình với đoàn thể, và chính vì thế, trách nhiệm họ cũng được giảm thiểu đến mức tối đa. Lúc ấy, đời sống tri thức họ rất thô sơ, nhưng sức mạnh vô thức họ lại hoạt động rất mạnh. Người thời buổi văn minh ngày nay thường ước mơ trạng thái ấy. Họ muốn trút bỏ trách nhiệm và muốn thoát nợ suy tư. Họ muốn trở lại tình trạng thiên nhiên, và họ tưởng tượng ra một đời sống tiên cảnh, khi mà con người chưa ăn phải trái tri thức đắng đót. [6]

Lão tử ước mơ cho dân con sống lại những ngày hoàng kim ấy. Đạo Đức kinh chương 80, Lão tử viết:

«Nước ta bé nhỏ dân thưa,

Vài mươi tôi giỏi, ta chưa hề dùng.

Dạy dân sợ chết làm lòng,

Cho nên dân chẳng vẫy vùng phiêu lưu.

Xe kia thuyền nọ đìu hiu,

Nào ai muốn cưỡi, muốn chèo mà chi.

Binh kia giáp nọ ủ ê,

Chẳng ai dở dói nghĩ khoe, nghĩ bày.

Dạy dân trở lại thắt dây,

Sống đời thuần phác tháng ngày tiêu dao.

Cho dân ăn uống thanh tao,

Cho dân ăn mặc bảnh bao, chững chàng.

Cho dân đời sống bình an,

Cho dân phong tục dịu dàng đẹp tươi.

Liên bang nào cách mấy mươi,

Gà kêu, chó cắn đòi nơi rõ ràng.

Tuy rằng gần gũi tấc gang,

Suốt đời dân chúng nào màng tới nơi.

Lão tử cũng như Trang đều cho rằng người xưa vẹn được thiên chân, thiên tính của mình, vì thế nên sung sướng hạnh phúc.

Ngày nay các nhà cầm quyền vì bày vẽ quá nhiều luật pháp, lễ nghi, hình thức, nên đã làm cho dân con mất thiên chân thiên tính, để rồi chạy theo những văn minh, những kiến thức kiến văn giả tạo bên ngoài. Những cái đó không đem lại hạnh phúc, an bình cho con người được; trái lại chúng chính là mầm loạn lạc chia ly.

Trang tử chủ trương đại khái như sau nơi thiên Mã đề 馬 蹄:

«Kìa thiên hạ ung dung tự tại,

Sống đơn sơ vui với muông chim.

Sống đời mộc mạc tự nhiên,

Thung dung cùng đạo một niềm sắt son.

Vì đâu đã mỏi mòn nhớn nhác,

Vì đâu nên tan tác phân ly?

Bày ra nhân nghĩa mà chi?

Để cho thiên hạ suy vi tần phiền.

Gỗ không nát, sao nên được chén,

Ngọc không tan, sao vẹn chương khuê.

Đạo tan đức nát ê chề,

Mới bày ra được những bề nghĩa nhân.

Loạn năm sắc, mới văn mới vẻ,

Rối thanh âm, bày vẽ đàn ca.

Ai làm đạo đức xác xơ,

Lập ra nhân nghĩa vẩn vơ hại đời.

Lập nghi lễ, hình hài trói buộc,

Lập nghĩa nhân, bày chước ủi an.

Lòng người vì thế ly tan,

Khôn ngoan càng lắm, gian ngoan càng nhiều. [7]

Trong thiên Biền Mẫu 駢 拇, Trang tử lại viết đại khái rằng:

«Vậy đừng có suy bì vẽ sự,

Đừng chia phôi quân tử tiểu nhân.

Đã cùng đánh mất thiên chân,

Dù phân biệt hão, cũng ngần ấy thôi.

Đem thiên tính làm tôi nhân nghĩa,

Giỏi Sử, Tăng ta kể như không.

Vì ăn mà tổn tấc lòng,

Du nhi có giỏi, chớ hòng ta khen.

Đem nhã nhạc đảo điên tính khí,

Sư Khoáng kia, nào quí chi đâu.

Tính Trời lệ thuộc năm mầu,

Ly Chu ta cũng trước sau coi hèn.

Ta sau trước chỉ khen đạo đức,

Phục tính trời, chẳng phục nghĩa nhân.

Thông minh chẳng tại kiến văn,

Mà do tìm được cốt căn của mình.

Bỏ căn cốt tông minh đâu nữa,

Đạo Chích [8] kia cũng lứa Bá Di,[9]

Đều là đắm đuối, sân si,

Đều là thiên lệch có gì khác đâu.

Nên ta chẳng tìm cầu nhân nghĩa,

Chẳng mơ màng dâm tị, đảo điên,

Cốt sao giữ vẹn căn nguyên,

Tính trời cốt giữ tinh truyền trước sau...» [10]

Vì thế cho nên theo Lão tử, làm chính trị là phải cố phục hồi trạng thái hồn nhiên nguyên thủy ấy cho dân. Muốn được vậy đại khái sẽ:

1. Không sùng thượng hiền tài, để dân hết tranh dành.

2. Không tham vật quí khó mua, khó chuốc, để dân hết trộm cắp.

3. Không ngó ngàng đến những vẻ đẹp bên ngoài, để cho dân khỏi loạn.

4. Lo cho dân ăn uống no đủ, sống một đời sống khỏe mạnh. (Thực kỳ phúc, cường kỳ cốt.)

5. Không đem kiến văn kiến thức dạy dân. (Thường xử dân vô trị.)

6. Không kích thích thị hiếu của dân, cho lòng dân không bợn ham muốn tư dục, thanh thản hồn nhiên. (Hư kỳ tâm..., thường sử dân vô tri vô dục.)

7. Giữ không cho những người khôn ngoan, tinh quái lũng đoạn tinh thần dân, đời sống dân.

8. Như vậy, dân sẽ sống hồn nhiên, hạnh phúc, thế làm không làm mà vẫn làm được hết mọi sự, vẫn trị được hết mọi sự. (Vi vô vi tắc vô bất vi.)

Trong thiên Khư Khiếp 胠 篋, Trang Tử cũng theo chủ trương của Lão tử, nhưng đã trình bày chủ trương ấy với một luận điệu quyết liệt hơn nhiều. Ông viết đại khái như sau:

... Nên dứt tánh, dứt tình với trí,

Thời cướp ngày sẽ bí lối sinh.

Trầm châu, đắm ngọc tan tành,

Rồi ra trộm cắp lưu manh hết liền.

Phá ấn tín, dân nên thuần phác,

Đập đấu cân, dân gác ghen tuông.

Phá tan thánh pháp, kỷ cương,

Rồi ra dân sẽ rộng đường tới lui.

Vứt đàn sáo, bịt tai Sư Khoáng,

Thời chúng dân sẽ sáng tai ra.

Tung hê mầu sắc văn hoa,

Cho mờ văn vẻ, cho lòa Ly Châu. [11]

Hãy hủy hẳn giây, câu, khuôn, thước,

Tay Công Thùy [12] tìm chước chặt đi.

Sử, Tăng [13] ta hãy khinh khi,

Bịt mồm Dương,[14] Mặc,[15] bịt đi đỡ phiền.

Điều nhân nghĩa đảo điên hãy bỏ,

Bỏ đi rồi, sẽ rõ huyền đồng.

Huyền đồng là chính thần thông,

Hợp cùng đạo cả, thung dung vẹn nghì.

Kìa Tăng, Sử, Công Thùy, Sư Khoáng,

Hạng Ly Chu hay hạng Mặc Dương.

Đều là nhân đức phô trương,

Dốc bầu tinh túy, huynh hoang bên ngoài.

Chính vì vậy gieo tai gieo họa,

Loạn dân tình, loạn cả nước non.

Tưởng là ích lợi ngàn muôn,

Nào ngờ điên đảo, mỏi mòn lòng ai. [16]

Tóm lại, chủ trương của Lão tử, chính là không can thiệp vào đời sống dân, không đem kiến văn, kiến thức dạy dân. Tại sao?

a. Vì con người là một nghệ phẩm tối cao, không được nhào nắn bậy bạ. Đạo Đức kinh chương 29 viết:

Những muốn nặn muốn nhào thiên hạ,

Suy cho cùng chẳng khá được nào.

Lòng người nghệ phẩm tối cao.

Ai cho ta nặn ta nhào tự do?

Lòng người ai nắm giữ hoài,

Già tay nặn bóp bao đời tiêu ma...» [17]

b. Vì thánh nhân chỉ giúp cho vạn vật sống tự nhiên theo thiên chân, thiên lý mà thôi. Đạo Đức kinh chương 64 viết:

Cho nên hiền thánh trên đời,

Chỉ say Đạo cả chơi vơi ngàn trùng.

Của khan, vật hiếm chẳng mong,

Của đời người tế đèo bòng mà chi.

Học là học đạo siêu vi,

Dạy đời lầm lạc hướng đi tuyệt vời.

Giúp ai thanh thả đường trời,

Chứ không chọc nước quấy trời uổng công.

c. Vì đem điều xảo trá, đem kiến văn kiến thức dạy dân, là làm hại dân, làm cho họ trở nên xa Đạo, xa trời, trở nên bất trị, chứ không làm lợi cho họ. Đạo Đức kinh chương 65 viết:

Nên những kẻ am tường đạo cả,

Chẳng đem điều xảo trá dạy dân,

Muốn dân chất phác ôn thuần...» [18]

Đọc thiên Biền Mẫu của Trang tử ta càng thấy rõ chủ trương để mặc cho dân sống theo «tự nhiên» của Đạo Lão. Trang tử viết đại khái như sau:

«Chân nhân biết nhẽ chân thường,

«Thường nhiên», «chí chính» am tường vân vi.

Cũng vì vậy nên chê ngụy tạo,

Ghét những điều đánh tráo, lộn sòng.

Chân liền ngón chạnh, bướu sưng,

Ấy đâu có phải của chung con người.

Cũng một lẽ, hán hài cổn mãng,

Với những điều mô phạm nghĩa nhân.

Cùng là lễ nhạc, gian trần,

Ấy đâu có thuộc chân tâm con người.

Kìa Sư Khoáng vẽ vời tơ trúc,

Nọ Ly, Chu háo hức xiêm y,

Sử, Tăng bày chuyện lễ nghi,

Mặc, Dương biện bác thôi thì trăm khoanh.

Thế đâu phải nhân tình chất phác,

Toàn là điều bôi bác bên ngoài.

Le le cổ ngắn lẽ trời,

Hạc kia dài cổ cũng thời tự nhiên.

Dài hay ngắn bớt thêm đều khổ,

Phá tự nhiên phá vỡ lòng ai.

Keo sơn, qui củ bên ngoài,

Chẳng qua vá víu nhất thời ích chi...

Bình chương này, Duvendak cho rằng về phương diện chính trị, đạo Lão phản văn hóa.[19] Wieger cho rằng Lão tử muốn cho dân chúng trở thành những con vật siêng năng cần cù, dễ bảo.[20] Những lời phê bình như vậy hơi quá đáng, vì thực ra Lão tử muốn điều hay cho dân, chứ không muốn điều dở cho dân; muốn cho dân sống yên vui chứ không muốn lợi dụng dân.

Trở về lối sống hồn nhiên nguyên thủy, Lão Trang không cho đó là phục cổ, mà là phục hồi lối sống thiên nhiên của con người.

Phục cổ theo Lão trang có nghĩa là đem áp dụng những chính sách, những lễ nghi, những pháp độ của các vua chúa xưa vào đời sống dân ngày nay. Điều đó Lão cũng như Trang và nhất là Trang không hề cổ súy. Trang thì cho rằng «lễ nghi pháp độ biến thiên theo thời gian» nên người nay không thể theo pháp độ người xưa.[21]

Chúng ta chỉ có thể nhận xét rằng từ khi Lão tử chủ xướng những quan điểm trên về chính trị đến nay, chưa có một triều đại vua chúa nào ở Trung Hoa dám đem ra mà áp dụng.

Chẳng những vua chúa không theo nổi Lão tử, mà chính ngay khi đạo Lão cực thịnh vào đầu đời Tam Quốc với những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Trương Lỗ 張 魯, Trương Giác 張角, Trương Bảo 張 寶, Trương Lương 張 梁, Trương Tu 張 修, với những vùng đất lớn lao đã được đặt dưới tầm ảnh hưởng như vùng Hán Trung, với một số giáo dân lớn lao, ta thấy các nhà lãnh đạo tinh thần đạo Lão lúc ấy cũng hoàn toàn đi vào hữu vi, hữu tướng với một giáo hội có hệ thống tổ chức, có nhiều loại cán bộ, có binh lực, có lễ nghi, có kinh kệ, có bùa chú, có đóng góp, hội hè, v.v. [22]

Xem thế đủ biết, muốn đem nhân loại ra khỏi trào lưu lịch sử thực là một điều không thể làm được.


[1] Câu: Hư kỳ tâm, thực kỳ phúc 虛 其 心 實 其 腹 nhiều người thường tách ra, để hướng về phía tu dưỡng. Sách Đông du bát tiên 東 遊八 仙 viết: «Phép sống lâu chẳng có lạ gì, lòng phải trống mà bụng phải đặc. Chung Ly nguyên soái hỏi: Xin ông cắt nghĩa cho rành. Ông ấy nói: Trong lòng đừng lo việc gì cả, để cho thư thái như không, ấy là trống lòng. Còn đừng theo việc sắc dục, dưỡng tinh thần, nguyên khí chẳng hao, gọi là đặc bụng.» (tr. 27)

[2] Hoài Nam tử 淮 南 子 (quyển 1, chương 11b) có một đoạn tương tự: «Thị cố chí nhân chi trị dã yểm kỳ thông minh, diệt kỳ văn chương, y đạo, phế trí, dự dân đồng xuất vu công chính, ước kỳ sở thủ, quả kỳ sở cầu, khử kỳ dụ mộ, trừ kỳ thị dục, tổn kỳ tư lự.» 是 故至 人 之 治 也 掩 其 聰 明, 滅 其 文 章, 依 道, 廢 智, 與 民 同 出 于 公 正, 約其 所 守, 寡 其 所 求, 去 其 誘 慕, 除 其 嗜 欲, 損 其 思 慮.

[3] Trước kia tôi dịch mấy câu này theo xu hướng tu dưỡng như sau:

Lối đường hiền thánh khó theo,

Rảnh rang niềm tục, chắt chiu niềm trời.

Bỏ ham muốn thảnh thơi hồn phách,

Lo tài bồi cốt cách thiện lương.

Lưu Nhất Minh 劉 一 明 trong Chu Dịch Xiển Chân 周 易 闡 真, chương Văn Vương Hậu Thiên Bát Quái 文 王 後 天 八 掛, cũng giải như vậy.

[4] Thái Hạo 太 昊 = Phục Hi 伏 羲. Hoàng = Bá Hoàng 伯 皇. Trung = Trung ương 中 央. Đại Đình 大 庭, Lật Lục 栗 陸, Chúc Dung 祝 融, Hiên Viên 軒 轅, Ly Súc 驪 畜, Thần Nông 神 農, Phục Hi 伏 羲, Hách Tư 赫 胥, Bá Hoàng 伯 皇, Trung Ương 中 央, Dung Thành 容 成.

[5] Nam hoa kinh, chương 10, Khư khiếp 胠 篋, đoạn C.

[6] L’homme très peu conscient de lui-même qui ne se dirige pas dans la vie par ses propres initiatives conscientes, le primitif, enfant de la nature, vit en harmonie inconsciente avec les archétypes. Son moi est cependant très réduit, de telle sorte que toute son individualité n’est pas différenciée de la collectivité. Sa responsabilité en est diminuée pour autant. C’est vers cet état, alors que les forces du moi sont très réduites alors que celles de l’inconscient sont très importantes, que tend souvant la nostalgie de l’homme civilisé. Il voudrait se libérer de ses responsabilités et-dit-il, ne plus être obligé de penser. Il voudrait retourner «à la nature» et il imagine une existence paradisiaque dans laquelle il n’a pas mordu encore au fruit amer de la connaissance. — Ernest Aeppli, Psychologie du Conscient et de l’Inconscient, Payot Paris, 1953, p. 60.

[7] Xem Nam hoa kinh, chương IX, C, D.

[8] Đạo Chích: Tên một người ăn trộm nổi tiếng.

[9] Tên một người hiền cuối đời Ân. Bá Di và em là Thúc Tề không thần phục nhà Chu, đã nhịn đói cho đến chết ở núi Thủ Dương.

[10] Nam hoa kinh, chương VIII, Biền mẫu 駢 拇, C, và D.

[11] Ly Châu 離 朱: tên người thợ vẽ đã nghĩ ra văn vẻ, trang hoàng.

[12] Công Thùy 工 倕: tên của một người giỏi về lễ nhạc.

[13] Sử , Tăng : Sử Thu 史 鰍 và Tăng Sâm 曾參, tên hai người giỏi về lễ, nhạc.

[14] Dương: Dương Chu 楊 朱, triết gia thời Xuân thu.

[15] Mặc: Mặc Địch 墨 翟, triết gia thời Xuân thu.

[16] Nam hoa kinh, chương X, Khư khiếp, B.

[17] Xem thêm Nam hoa kinh, chương XI, Tại hựu, B.

[18] Cổ chi thiện vi đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi 古 之 善 為 道 者 非 以 明 民 將 以 愚 之 .

[19] Dans son application politique, le Taoïsme est donc anti-culturel. Duvendak, Tao To King, Adrien Maisonneuse, 1953, p. 9.

[20] Faites des hommes, des bêtes de travail productives et dociles, veillez à ce que, bien repus, ils ne pensent pas, ne sachant rien, les hommes n’auront pas d’envies, ne coteront pas de surveillance, et rapporteront à l’État. -- Léon Wieger, Les Pères du Système Taoïste, Cathasia, 1950, p. 20, commentaires.

[21] Cf. Nam hoa kinh, chương XIV, Thiên vận 天 運, D.

[22] Xem Henri Maspero, Le Taoïsme, Civilisation du Sud S. A. E. P. Paris, 1950, p. 149-184.