ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 34
NHIỆM THÀNH
任 成
Hán văn:
大 道 氾 兮,
其 可 左 右. 萬 物 恃 之 而 生 而 不 死.
功 成 不 名 有. 愛 養 萬 物 而 不 為 主.
常 無 欲 可 名 於 小, 萬 物 歸 之 而 不
為 主, 可 名 於 大. 是 以 聖
人 終 不 為 大, 故 能 成 其 大.
Phiên âm:
1. Đại Đạo phiếm
hề, kỳ khả tả hữu. Vạn vật thị chi nhi sinh nhi
bất tử. Công thành bất danh hữu.
Ái dưỡng
vạn vật nhi bất vi chủ. Thường vô dục
khả danh ư tiểu, vạn vật qui chi nhi bất vi chủ, khả danh ư đại.
2. Thị dĩ thánh nhân chung bất vi đại,
cố năng thành kỳ đại.
Dịch xuôi:
1. Đại Đạo tràn lan bên phải, bên trái. Vạn vật nhờ Nó mà sinh, mà nó
không nói gì.
Nên việc rồi, không xưng là có. Thương
yêu nuôi dưỡng muôn loài mà không làm chủ. Thường không ham muốn. Có thể
gọi tên là nhỏ; Muôn vật theo về mà không làm chủ, nên có thể gọi tên là
lớn.
2. Thánh nhân suốt đời không cho mình là lớn, cho nên thành được việc
lớn của mình.
Dịch thơ:
1. Đạo cao cả lan tràn tả hữu,
Cho muôn loài bám víu sống còn.
Dưỡng sinh vạn vật trần gian,
Lặng thinh chẳng có khoe khoang nửa lời.
Chẳng tranh chấp công, công chú,
Muôn công trình vẫn cứ nín thinh.
Dưỡng nuôi ưu ái quần sinh,
Chẳng phân chủ tớ, chẳng dành quyền uy.
Không ham muốn, có bề yếu thế,
Nhưng thật tình quá lẽ lớn lao.
Quần sinh muôn kiếp gồm thâu,
Mà không có giọng vương hầu, chúa tôi.
Đấng thánh nhân suốt đời khiêm tốn,
Chẳng bao giờ khoe lớn, khoe công.
Vì không cậy thế cậy thần,
Cho nên lập được đại công với đời.
BÌNH
GIẢNG
Chương này Lão tử khuyên bậc thánh nhân bắt chước Trời, bắt chước Đạo mà
hành sự.
Vì thế chương này chia làm hai phần:
-
Phần trên nói về thái độ, về hành vi của Đạo
-
Phần dưới nói về thái độ, về hành vi của thánh nhân.
Đạo thời vô kỷ, vô ngôn, vô công, vô danh. Cho nên thánh nhân cũng nên
vô kỷ, vô ngôn, vô công, vô danh.
Trang Tử, trong Nam Hoa kinh cũng có một đoạn tương tự như đoạn này:
Tìm Trời phải quên đời, quên cảnh,
Quên phù sinh, ảo ảnh bên ngoài.
Tâm hồn khi hết pha phôi,
Mới mong rực rỡ ảnh trời hiện ra.
Đã thấy Đạo đâu là kim cổ,
Hết cổ kim vào chỗ trường sinh.
Ham sinh thời lại điêu linh,
Phù sinh chẳng chuộng, thần minh ấy là.
Hãy cố gắng vượt qua nhân nghĩa,
Hãy quên đi nghi lễ của đời.
Quên mình, quên cả hình hài,
Thông minh, trí tuệ gác ngoài tâm linh.
Hãy hợp với vô hình vô tượng,
Cùng Đại Thông vô lượng sánh đôi.
Thế là được Đạo, được Trời,
Thoát vòng biến hóa muôn đời trường sinh.
Ai chỉ vẽ sự tình sau trước,
Ấy thầy ta đại lược cho ta.
Thầy ta, muôn vật điều hòa,
Mà nào kể nghĩa, với là kể ơn.
Ban phúc trạch cho muôn thế hệ,
Mà chưa hề lấy thế làm nhân.
Trường tồn đã mấy muôn năm,
Mà chưa hề thấy có phần già nua.
Thày ta chở cùng che trời đất,
Lại ra tay điêu khắc muôn loài.
Thế mà một mực thảnh thơi,
Chưa hề có bảo là tài, là hay.
[8]
Có bản viết là
汎.
Có bản viết là dĩ
以.
|