ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 21

HƯ TÂM

虛 心

Hán văn:

孔 德 之 容, 惟 道 是 從. 道 之 為 物, 惟 恍 惟 惚. 惚 兮 恍 兮, 其 中 有 象. 恍 兮 惚 兮, 其 中 有 物; 窈 兮 冥 兮, 其 中 有 精. 其 精 甚 真, 其 中 有 信. 自 古 及 今其 名 不 去, 以 閱 眾 甫. 吾 何 以 治 眾 甫 之 狀 哉. 以 此.

Phiên âm:

1. Khổng đức chi dung, duy Đạo thị tùng.[1]

2. Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt. Hốt hề, hoảng hề, kỳ trung hữu tượng. Hoảng hề, hốt hề kỳ trung hữu vật; ảo hề minh hề, kỳ trung hữu tinh. Kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín.

3. Tự cổ cập kim, kỳ danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ.[2]

4. Ngô hà dĩ trị chúng phủ chi trạng tai, dĩ thử.

Dịch xuôi:

1. Dung nghi của bậc Đại đức, khuôn theo Đạo.

2. Đạo sinh ra muôn vật, hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có hình ảnh của Đạo. Hoảng hoảng hốt hốt nhưng trong vẫn có bản thể (của Đạo). Mờ mịt nhưng trong vẫn có tinh hoa (của Đạo). Tinh hoa ấy rất chân thực; trong lại có tín.

3. Từ xưa đến nay, tên ngài vẫn đó, để bẩm sinh ra muôn vật.

4. Ta làm sao biết được hình trạng đầu gốc muôn vật? Nhờ vậy !

Dịch thơ:

1. Người chí thánh hòa mình với Đạo,

Dáng dấp người ẩn áo vẻ Trời.

2. Trời sinh ra khắp muôn loài,

Phất phơ phất phưởng ảnh Trời ở trong.

Tưởng muôn loài tối tăm u ẩn,

Tinh quang Trời vẫn lẩn bên trong.

Tinh quang ấy thực thiên chân.

Khơi nguồn tín dưỡng xa gần xưa nay.

3. Xưa và nay, tên ngài vẫn đó,

Tên ngài còn mới có chúng sinh,

4. Ta hay dáng dấp quần sinh,

Là nhờ phương pháp thuyết trình trên đây.

BÌNH GIẢNG

Chương này có hai cách bình giải:

1. Đạo sinh xuất muôn loài, nên từ trong lòng Đạo đã thấy mung lung, hoảng hốt, hình ảnh của muôn loài muôn vật.

2. Đạo sinh xuất muôn loài, nhưng vẫn lồng trong lòng muôn loài muôn vật.

Léon Wieger bình dịch theo lối thứ nhất như sau:

a. Vạn vật trong thế giới hiện tướng đều phát xuất từ nguyên thể bằng cách khai triển, hiển dương.

b. Nguyên thể là như thế này: Nguyên thể hoảng hốt khó phân, khó định. Tuy khó phân định nhưng bên trong đã có các chủng loại. Tuy khó phân định, nhưng bên trong đã có các vật, tuy còn là ở trong trạng thái tiềm ẩn. Thực là ẩn áo, thực là nhiệm mầu. Trong nhiệm mầu ẩn áo đó vẫn có một tinh hoa; tinh hoa đó là thực tại. Đạo là như thế đó.

c. Từ xưa đến nay tên ngài vẫn y nguyên. Ngài sinh xuất ra muôn vật.

d. Làm sao mà ta biết gốc gác quần sinh?

Ta biết bằng cách đó (bằng cách quan sát vũ trụ một cách khách quan); do đó ta thấy vạn vật tương đối đều phát xuất từ Tuyệt đối.[3]

Tôi bình dịch theo lối thứ hai. Đại khái rằng:

Thánh nhân trong dạ có Trời; Vạn vật trong lòng có Đạo.

Đạo chẳng hề xa rời người vật, vì thế nên bậc đại thánh chính là hiện thân của Trời.

Vạn vật bên ngoài tưởng chừng như là tối tăm, u uẩn, phàm hèn nhưng kỳ thực vẫn hàm chứa Đạo, hàm chứa Tuyệt đối bên trong.

Mới hay Tuyệt đối không hề rời xa Tương đối, hay nói theo từ ngữ Phật giáo: Niết bàn không hề rời xa Luân Hồi.

Muốn tìm Niết Bàn phải tìm trong Luân Hồi, Muốn tìm Tuyệt đối, phải tìm trong tương đối. Muốn tìm Trời, tìm Đạo, phải tìm ngay trong lòng mình.

Ở đây tôi trình bày cả hai phương pháp bình giảng, vì chúng bổ túc lẫn cho nhau và cho chúng ta một cái nhìn viên mãn về vũ trụ vạn hữu.

Vũ trụ vạn hữu này là biểu dương của Thượng đế, của Tuyệt đối. Cho nên vũ trụ vạn hữu này vẫn hàm tàng Tuyệt đối. Đó chính là phương pháp chính xác để biết nơi đâu mà tìm ra Đạo, ra Trời !


[1] Câu này tôi giải thích theo Cao Hanh và Trương Mạc: Bậc đại đức khi nói năng cử động luôn luôn theo Đạo mà hành chỉ.

[2] Chúng phủ 眾 甫: vật trước nhất đầu tiên phát sinh ra vạn vật.

[3] Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 33 - 34.