ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 58

THUẬN HÓA

順 化

Hán văn:

其 政 悶 悶, 其 民 淳 淳. 其 政 察 察, 其 民 缺 缺. 禍 兮 福 之 所 倚, 福 兮 禍 之 所 伏. 孰 知 其 極. 其 無 正. 正 復 為 奇, 善 復 為 妖. 人 之 迷, 其 日 固 . 是 以 聖 人 方 而 不 割, 廉 而 不 劌, 直 而 不 肆, 光 而 不 耀.

Phiên âm:

1. Kỳ chính muộn muộn, kỳ dân thuần thuần. Kỳ chính sát sát, kỳ dân khuyết khuyết.

2. Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục. Thục tri kỳ cực. Kỳ vô chính. [1] Chính phục vi kỳ,[2] thiên phục vi yêu. [3] Nhân chi mê, kỳ nhật cố cửu.

3. Thị dĩ thánh nhân, phương nhi bất cát [4] liêm nhi bất quế,[5] trực nhi bất tứ [6] quang nhi bất diệu.

Dịch xuôi:

1. Chính lệnh mơ hồ, dân con thư thái, chính lệnh soi mói, dân con lo âu.

2. Họa là nơi phúc tựa, phúc là nơi họa nấp. Trên mà không ngay thẳng thì người ngay sẽ thành nguy, người thiện trở thành tà. Con người u mê đã từ lâu.

3. Cho nên thánh nhân ngay chính nhưng không làm cho người tổn thương; liêm minh nhưng không làm mất lòng người, ngay thẳng nhưng không nghiệt ngã với người, sáng láng nhưng không làm cho ai chói lòa.

Dịch thơ:

1. Nếu mà chính lệnh khoan hòa,

Dân gian thư thái âu ca thanh bình.

Nếu mà chính lệnh nghiêm minh,

Dân gian những sống giật mình lo thân.

Ở đời họa phúc xoay vần,

Cùng đoan, cực điểm dễ lần ra sao ?

2. Người trên phóng túng tầm phào,

Dân gian theo thói lẽ nào chẳng hư.

Người hay cũng mất lòng từ,

Người lành rồi cũng ra như gian tà.

Người lầm tự thủa xưa xa,

Người mê, mê tự bao giờ ai hay !

3. Cho nên hiền thánh xưa nay,

Tuy mình vuông vắn, chẳng xoay xở người.

Tuy mình liêm khiết hơn đời,

Mà nào có nỡ làm ai mếch lòng.

Tuy mình ngay thẳng trắng trong,

Mà nào cay nghiệt nghênh ngông với người.

Tuy mình rự rỡ sáng ngời,

Mà nào có nỡ làm ai chói lòa.

BÌNH GIẢNG

1. Chương này Lão tử chủ trương rằng nhà cầm quyền không nên quá soi mói đối với dân.

Chủ trương này chính là chủ trương của Dịch kinh. Nơi Đại Tượng chuyện, quẻ Minh Di 明 夷, Dịch kinh dạy rằng:

«Sáng vào lòng đất Minh Di,

Nên người quân tử cũng y tượng Trời.

Xuề xòa đối đãi với người,

Bề trong sáng suốt bề ngoài giả lơ.»

(Minh nhập địa trung Minh Di. Quân tử dĩ lị chúng, dụng hối nhi minh. 明 入 地 中 明 夷 君 子 以 蒞 眾,用 晦 而 明).

Như vậy khi người quan tử đến với dân, không nên quá soi mói. Tuy bề trong mình sáng láng, nhưng bề ngoài nhiều khi phải giả lơ như là không biết không nghe.

Mũ miện của vua chúa xưa thường có những bông tua rủ xuống trước mặt, trước tai,[7] hoặc vua chúa thường dùng bình phong che ngoài cửa,[8] cốt tỏ ý muốn nhắm mắt bưng tai, làm ngơ bớt, trước những lỗi lầm của kẻ dưới.

2. Lão tử lại còn đưa ra ý kiến thứ hai là họa phúc ở đời này vô thường, vô định, phúc sinh họa, họa sinh phúc.

Cũng y thức như người ta dùng chuyện «Tái Ông mất ngựa» để nói lên rằng ở đời nay «họa phúc tương sinh». Tống Long Uyên bình thêm rằng: «Họa phúc đã đành rằng do ngoại cảnh đẩy đưa, xui khiến, nhưng căn cơ họa phúc chính là do lòng con người gây nên.» [9]

Nếu gặp họa nạn, mà tâm ta biết hối quá, biết e dè thận trọng, thì họa sẽ chuyển thành phúc. Nếu gặp phúc khánh mà sinh lòng kiêu sa, ngạo mạn, phế bỏ nhân cách, phế bỏ cương thường, thì phúc sẽ biến thành họa.

Nhân bàn về chuyện họa phúc vô thường, tưởng cũng nên ghi vào nơi đây bi ký nơi Lăng Hư Đài của Tô Đông Pha, do Trần thái thú xây. Trần thái thú là một võ quan hết sức nghiêm khắc và ngạo nghễ, có nhiều khi còn dám chữa cả lời văn của Tô Đông Pha vì thế Tô Đông Pha mượn lời bi ký này mà răn ông:

«... Ai mà biết trước được vạn vật lúc nào phế, lúc nào hưng, lúc nào thành, lúc nào hủy? Hồi mà nơi này là bãi hoang, đồng trống, sương mù phủ kín, chồn rắn đào hang, thì ai mà biết được đời sau có Lăng Hư Đài ở đây? Luật phế rồi hưng, thành rồi hủy cứ tiếp tục tới vô cùng, thì ai mà biết được ngày nào thì đài này lại trở thành bãi hoang đồng trống. Tôi có lần cùng ông (tức viên Thái thú) lên đài ngắm cảnh, phía đông là cung Kỳ Niên, Thác Tuyền của Tần Mục Công; phía nam là sân Trường Dương, cung Ngũ Tắc của Hán Vũ Đế; phía bắc là cung Nhân Thọ đời Tùy, cung Cửu Thành đời Đường. Nghĩ tới cái thời thịnh của các cung đó, nó nguy nga đẹp đẽ, kiên cố có gấp trăm lần cái đài này chứ! Vậy mà chỉ vài đời sau, ai có muốn tìm cái hình phảng phất của các cung đó, thì chỉ thấy ngói tan, tường đổ, đã thành đồng lúa, bụi gai cả rồi. Tới những cung đó mà cũng không còn gì cả, huống hồ là cái đài này. Đài kia còn không may gì được trường cửu, huống hồ là nhân sự lúc đắc lúc thất, đột nhiên đến đó rồi đột nhiên biến mất. Vậy mà có kẻ khoe khoang ở đời lấy làm tự mãn thì thật là lầm quá. Ở đời có những cái vĩnh cửu, nhưng cái đài này không thuộc vào những cái đó.» [10]

3. Đoạn thứ ba của chương này chủ đích là nhắc lại ý tứ đoạn đầu chương.

Thánh nhân tuy bề trong hoàn hảo, thông minh, sáng láng, nhưng không bắt mọi người phải giống như mình ngược lại biết uyển chuyển tùy nghi, tùy tài, tùy đức mỗi người mà thiết giáo. Chính vì vậy mà Hà Thượng Công gọi chương này là «Thuận Hóa» (Hóa dục phải tùy thuận theo từng người từng trình độ).


[1] Wieger viết kỳ vô chính da 其 無 政 邪. Bản của Lưu Tư lại bỏ ba chữ kỳ vô chính 其 無政, bắt chước Trần Trụ.

[2] Kỳ : trá ngụy.

[3] Yêu : gian tà.

[4] Cát : cắt.

[5] Quế : cắt, làm hại.

[6] Tứ : giết, nghiêm nhặt. = 急 切太 甚 Cấp thiết thái thậm (theo Tống Long Uyên)

[7] Miện lưu thùy mục, đẩu khoáng tắc nhĩ. 冕 旒垂 目, 黈 纊 塞 耳 Tống bản thập tam kinh 宋 本十 三 經, quẻ Minh Di 明 夷.

[8] Thánh nhân thiết tiền lưu, bình thụ giả, bất dung minh chi tận hồ ẩn giả. 聖 人 設 前 旒, 屏 樹 者, 不 容 明 之 盡 乎 隱 者. Đại Toàn, Minh Di, Trình truyện.

[9] Khước bất tri họa phúc chi sự, tuy tòng ngoại lai, họa phúc chi cơ bản tự tâm sinh. Tâm vi vạn pháp chi chủ, tâm vi thiện ác chi nguyên. Thử tâm nhất thiện, nhi vô sở bất thiện, thử tâm nhất ác nhi vô sở bất ác... 卻 不 知 禍 福 之 事, 雖 從 外 來, 禍 福 之 基 本 自 心 生. 心 為 萬 法 之 主, 心 為 善 惡 之 源. 此 心 一 善, 而 無 所 不 善, 此 心 一 惡 而 無 所 不 惡 Tống Long Uyên, Đạo Đức kinh giảng nghĩa.

[10] Xem Nguyễn Hiến Lê, Tô Đông Pha, Cảo thơm xuất bản, tr. 51-52.