ĐẠO ĐỨC
KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
khảo luận & bình dịch
»
mục lục
»
khảo luận
CHƯƠNG 72
ÁI KỶ
愛 己
Hán văn:
民 不 畏 威,
則 大 威 至. 無 狎 其 所 居,
無 厭 其 所 生. 夫 唯 不 厭,
是 以 不 厭. 是 以聖 人 自 知 不 自 見,
自 愛 不 自 貴. 故 去 彼 取 此.
Phiên âm:
1. Dân
bất
úy uy, tắc đại uy chí.
2. Vô
hiệp
kỳ sở cư, vô yếm kỳ sở sinh. Phù duy bất yếm, thị dĩ bất yếm.
3. Thị dĩ
thánh nhân, tự tri bất tự kiến, tự ái bất tự quý. Cố khứ bỉ, thủ thử.
Dịch xuôi:
1. Dân mà
không sợ cái đáng sợ, tất cái sợ lớn sẽ đến.
2. Đừng
khinh chỗ mình ở, đừng chán đời sống mình. Vì không chê nên không chán.
3. Cho
nên thánh nhân biết mình, và không cầu người biết, yêu mình mà không cần
người trọng. Cho nên bỏ cái kia giữ cái này.
Dịch thơ:
1.
Những người chẳng sợ chẳng kinh,
Có
ngày sẽ phải tan tành xác ve.
2. Cửa
nhà chật hẹp chẳng chê,
Cuộc
đời đáng sống chớ nề hà chi.
Chẳng
chê cũng chẳng khinh khi,
Cho
nên vui sống, còn gì hay hơn.
3. Cho
nên phàm đấng thánh nhân,
Trọng
mình nhưng chẳng tranh khôn với người.
Yêu
mình nhưng chẳng đua đời,
Chẳng
cần danh giá, chẳng đòi tiếng tăm.
Nguồn
cơn rõ lẽ biến hằng,
Biết
buông cái dở, biết cầm cái hay.
BÌNH GIẢNG
Chương
này Lão tử lại đề cập ba vấn đề:
1. Nên
cẩn trọng, đề phòng hiểm họa.
2. Đừng
khinh chê hoàn cảnh hiện tại của mình.
3. Hãy tự
trọng nhưng không cầu danh; tự ái nhưng không cầu tha nhân tôn trọng,
quí hóa mình.
1. Nên
cẩn trọng đề phòng hiểm họa.
Đó là một
bài học khôn ngoan tối thiểu. Luận Ngữ cũng nói: «Nhân vô viễn
lự, tất hữu cận ưu.»
人無 遠 慮 必 有 近 憂
(Người
không lo xa, tất sẽ có cái buồn gần.)
Câu
«Cư an, tư nguy»
居 安 思 危
ngày nay
cũng trở thành phương châm hoạt động.
Dịch Kinh
nơi quẻ Khôn và quẻ Bĩ cũng đã nhiều lần dạy người bài học nói trên.
2. Đừng
khinh chê hoàn cảnh hiện tại của mình.
Nghèo
không khổ, khổ vì mình nghèo mới là khổ. Đức Khổng cũng nói: «Phạn sơ tự
ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ trung hĩ. Bất nghĩa
nhi phú thả quí, ư ngã như phù vân.»
飯 疏 食 飲 水,曲
肱 而 枕 之,樂
亦 在 其 中 矣
.
不 義 而 富 且 貴,於
我 如 浮 雲
(Ăn cơm
thô, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu, vẫn thấy vui. Bất nghĩa mà
phú quí, thì ta coi như mây nổi.)
3. Hãy tự
trọng nhưng không cầu danh, tự ái nhưng không cầu tha nhân tôn trọng quí
hóa mình.
Âu Châu
thường dạy rằng con người đạo đức phải khinh miệt mình, ghét bỏ mình,
phải đi vào con đường vong thân (aliénation) cho xã hội.
Á Châu,
trái lại, dạy rằng con người đạo đức phải tự trọng, tự ái, phải tự do,
tự chủ.
Khổng tử
cũng nói: «Này một con người tự khinh khi mình trước, rồi kẻ khác mới
khinh khi mình. Một nhà tự hủy hoại mình trước, rồi kẻ khác mới hủy hoại
nhà mình.»
Thiên
Thái Giáp
太 甲
trong Kinh Thư có chép: «Những tai ách do Trời làm ra, mình còn
tránh được. Những tai ách tự mình gây nên, thì mình phải chết.»
Mới hay
«Linh tại ngã, bất linh tại ngã.»
靈 在 我 不 靈 在 我
. Cho nên
thánh nhân nhận chân được giá trị nội tại của mình.
Tự trọng
vì biết trong lòng mình có Trời, có Đạo.
Tự ái vì
biết mình sinh ra đời để thực hiện một sứ mệnh tối cao đại là tiến tới
tinh hoa hoàn thiện.
Tuy nhiên
không cầu danh tranh lợi, không khoe hay khoe giỏi với người. Miễn là
lương tâm mình chứng giám cho hành vi mình, như vậy đã là đủ.
Trung
Dung viết: «Đến như xa lánh thế tục, chẳng ai thấy biết mình, thế mà
mình không buồn, duy có bậc thánh nhân mới làm như vậy được.»
Cho nên thánh nhân khứ
bỉ, thủ thử
去 彼 守 此
.
Khứ bỉ
là bỏ danh lợi phù phiếm bên ngoài. Thủ thử là giữ chân giá trị
bên trong của mình.
Có sách viết: Dân chi úy uy
民 之 畏 威.
Hiệp 狎:
khinh thường.
Wieger dịch: Le sage connait sa valeur, mais ne se montre pas n’éprouve
pas le besoin d’exhiber sa valeur). Il s’aime mais ne cherche pas à se
faire estimer. Il discerne, adoptant ceci et rejetant celà (d’après les
lumières de sa sagesse).
|