ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 73

NHIỆM VI

 任 為 

Hán văn:

勇 於 敢 則 殺. 勇 於 不 敢 則 活. 此 兩 者 或 利 或 害. 天 之 所 惡, 孰 知 其 故. 是 以 聖 人 猶 難 之. 天 之 道 不 爭 而 善 勝, 不 言 而 善 應, 不 召 而 自 來, 坦 然 而 善 謀. 天 網 恢 恢, 疏 而 不 失.

Phiên âm:

1. Dũng ư cảm tắc sát. Dũng ư bất cảm tắc hoạt. Thử lưỡng giả hoặc lợi hoặc hại.

2. Thiên chi sở ố, thục tri kỳ cố. Thị dĩ thánh nhân do nan chi.

3. Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng, bất triệu nhi tự lai, thản nhiên [1] nhi thiện mưu.

4. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất.

Dịch xuôi:

1. Mạnh bạo dám làm là chết, mạnh bạo chẳng dám làm là sống. Hai cái đó, hoặc lợi hoặc hại.

2. Cái mà Trời ghét, ai mà biết được căn do, thánh nhân còn lấy làm khó nữa là.

3. Đạo Trời không tranh mà thành, không nói, mà người hưởng ứng, không mời mà người tự tới, nhẹ nhàng mà công việc vẫn xong xuôi.

4. Lưới Trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt.

Dịch thơ:

1. Can trường chẳng phải liều thân,

Bằng hà bạo hổ có lần mạng vong.

Can trường một dạ nấu nung,

Nấu nung chí lớn, mới mong sinh tồn.

Hai đường một mất một còn,

Cùng là dũng cảm, thiệt hơn khác vời.

2. Những điều chẳng hợp ý Trời,

Mấy người hiểu được khúc nhôi vân mòng.

Đến ngay những bậc thánh nhân,

Cũng còn cảm thấy khó khăn lọ là.

3. Trời xanh đường lối cao xa,

Không cần tranh chấp thế mà thắng luôn.

Không cần biện bác thiệt hơn,

Thế mà đây đó vẫn thường nghe theo.

Không mời thiên hạ tới đều,

Thung dung mà vẫn muôn chiều thành công.

Lưới trời lồng lộng mịt mùng,

Tuy thưa mà chẳng chi từng lọt qua.  

BÌNH GIẢNG

Chương này Lão tử bàn:

1. Thế nào là dũng cảm chân thực

2. Thế nào là hung họa

3. Thế nào là đường lối Trời

4. Cách Trời thưởng phạt

1. Thế nào là dũng cảm chân thực?

Dũng cảm chân thực, theo Lão tử, không phải là lao đầu vào hiểm nguy, mà chính là biết tránh hiểm nguy, biết thực hiện sứ mạng của mình.

Các thánh hiền xưa nay đều dạy như vậy.

Tử Lộ hỏi Khổng tử: «Như Thầy đem ba quân ra trận Thầy sẽ chọn ai giúp Thầy?». Đức Khổng đáp: «Như kẻ tay không bắt hổ, chân không mà lội qua sông, chết không hối tiếc thì ta chẳng cho theo. Ta chỉ chọn kẻ vào việc mà biết lo sợ, dè dặt, biết lo tính cho được thành công.» [2]

2. Thế nào là hung họa?

Nói cách khác Trời ghét cái gì? Trời ghét những con người đi sai định luật thiên nhiên. Mà định luật thiên nhiên chung qui chỉ muốn cho ta:

- Thích ứng với hoàn cảnh

- Phát huy các đức tính tiềm ẩn nơi ta.

- Tiến tới tinh hoa cao đại.

Cho nên dĩ nhiên Trời ghét sự ù lì, sự ươn hèn, thiếu nỗ lực, những gì làm giảm giá trị con người, giảm tự do con người giảm hạnh phúc con người, ngăn chặn không cho con người sống một cuộc đời toàn diện, toàn bích.

3. Thế nào là đường lối của Trời.

Đường lối của Trời là đường lối của sự công chính, của lẽ phải. Vì thế cho nên, nếu con người sống theo lẽ phải, sống theo lẽ công chính, thì tự nhiên mọi người sẽ phục mình.

Dịch Kinh viết:

«Dạy rằng quân tử trên đời,

Ngồi nhà nói phải muôn người vẫn theo.

Dặm nghìn còn phải hướng chiều,

Thời trong gang tấc đâu điều lần khân.» [3]

4. Trời thưởng phạt ra sao?

Trời thưởng phạt một cách tự nhiên bằng định luật nhân quả. Hoạt động hay hèn trên bình diện nào, thì kết quả sẽ báo ứng trên bình diện ấy.

Hoạt động hay, đúng sẽ đem lại thành công, sẽ làm cho mình sung sướng, sẽ không trái với lương tâm, sẽ được mọi người tán thưởng. Hoạt động dở sai, sẽ đem lại thất bại, sẽ làm cho mình khổ sở, sẽ bị lương tâm cắn rứt, sẽ bị mọi người chê trách.

Hoạt động hay trên bình diện xã hội, sẽ làm cho xã hội tiến bộ, đoàn kết, sung sướng. Hoạt động dở trên bình diện xã hội sẽ làm cho xã hội thoái hóa, chia ly, khốn nạn.

Hoạt động hay trên bình diện cá nhân sẽ làm cho con người tiến bộ, phát triển, hạnh phúc. Hoạt động dở trên bình diện cá nhân sẽ làm cho con người thoái hóa, trụy lạc, sầu bi, thống khổ, v.v.

Người xưa đã nói: «Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu. Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu.» 種 瓜 得 瓜,種 豆 得 豆 . 天 網 恢 恢, 疏 而 不 漏. [4]

Upanishad Yajnavalkya viết: «Tùy như cách mình làm sao, cách mình cư xử làm sao, mình sẽ trở nên vậy. Người làm lành trở nên lành, người làm dữ trở nên dữ. Mình trở nên nhân đức do hành động nhân đức, trở nên xấu xa do hành động xấu xa. Có người cho rằng mỗi người tùy thuộc ý muốn mình. Muốn sao, sẽ định vậy; làm sao, sẽ được vậy. [5]


[1] Có sách viết là xiển nhiên 繟 然.

[2] Tử Lộ viết: «Hành tam quân, tắc thùy dữ.» Tử viết: «Bạo hổ bằng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã. Tất dã, lâm sự nhi cụ, háo mưu nhi thành giả dã. 子 路 曰 行 三 軍, 則 誰 與 子 曰 暴 虎 馮 河, 死 而 無 悔 也 . 必 也 臨 事 而 懼 好 謀 而 成 者 也 Luận Ngữ 論 語, Thuật Nhi 述 而 chương 7, câu 10.

– Bạo hổ bằng hà: tay không bắt cọp là bạo hổ, chân không lội qua sông lớn là bằng hà. Bằng hà (không đọc là phùng hà) đầu tiên xuất hiện ở Kinh Dịch (quẻ Thái , hào cửu nhị) và Kinh Thi (Tiểu Nhã 小 雅, Tiểu Mân 小 旻). Bạo hổ xuất hiện ở Kinh Thi (Trịnh Phong 鄭 風, Tiểu Nhã 小 雅, Tiểu Mân 小 旻). Như vậy Bạo hổ bằng hà là một tục ngữ đã xuất hiện rất sớm, nguyên là ám chỉ Hoàng Hà 黃 河, về sau phiếm chỉ sông nước. (chú thích của Dương Bá Tuấn 楊 伯 峻, Luận Ngữ Dịch Chú 論 語譯 注, tr. 74.)

[3] Tử viết: Cư kỳ thất. Xuất kỳ ngôn thiện. Tắc thiên lý chi ngoại ứng chi. Huống kỳ nhĩ giả hồ. Cư kỳ thất. Xuất kỳ ngôn bất thiện. Tắc thiên lý chi ngoại vi chi. Huống kỳ nhĩ giả hồ. 子 曰 居 其 室 出 其 言 善 則 千 里 之 外 應 之 況 其 邇 者 乎 居 其 室 出 其 言 不 善 則 千 里 之 外 違 之 況其 邇 者 乎.

Xem Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê, Dịch Kinh Đại Toàn 易 經 大 全, tập III (Hạ Kinh), Hệ từ thượng, chương 8, tr. 455. Bình giải hào cửu nhị quẻ Trung Phu 中 孚.

[4] Xem thêm Cựu Ước: Cựu Ước theo Maisen cho rằng: Tội một người có thể truyền tới ba đời (Cf. Exode 20: 5). Nhưng theo Jérémie và Ezéchiel thì ai làm tội, nấy chịu phạt mà thôi. Xem Jérémie XXX, 29-30, Ezéchiel, 18, 2.

[5] According as one acts, according as one behaves, so does he becomes. The doer of good becomes good, the doer of evil becomes evil. One becomes virtuous by virtuous action, bad by bad action.                Others, however, say that a person consists of desire. As is his desire, so is his will; as is his will, so is the deed he does; whatever deed he does, that he attains.

SGF. Brandon, Man and his Destiny, p. 320.

Brh. Up. IV, 4,5, transl. Radhakrishan, p. 273. Cf. R-G Lesebuch (K. F. Geldner) p. 199. Hume, p. 140.