ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 56

HUYỀN ĐỨC

玄 德

Hán văn:

知 者 不 言. 言 者 不 知. 塞 其 兌, 閉 其 門, 挫 其 銳, 解 其 紛, 和 其 光, 其 塵. 是 謂 玄 同. 故 不 可 得 而 親, 亦 不 可 得 而 疏; 不 可 得 而 利, 亦 不 可 得 而 害; 不 可 得 而 貴, 亦 不 可 得 而 賤. 故 為 天 下 貴.

Phiên âm:

1. Tri giả bất ngôn. Ngôn giả bất tri.

2. Tắc [1] kỳ đoài,[2] bế kỳ môn, tỏa [3] kỳ nhuệ,[4] giải [5] kỳ phân,[6] hòa kỳ quang, đồng kỳ trần. Thị vị huyền đồng.[7]

3. Cố bất khả đắc nhi thân, diệc bất khả đắc nhi sơ; bất khả đắc nhi lợi, diệc bất khả đắc nhi hại; bất khả đắc nhi quí, diệc bất khả đắc nhi tiện. Cố vi thiên hạ quí.

Dịch xuôi:

1. Người biết thì không nói, người nói không biết.

2. Ngậm miệng, bít tai, làm nhụt sự bén nhọn, tháo gỡ sự tần phiền, giảm ánh sáng, hòa mình cùng bụi bặm, thế gọi là huyền đồng.

3. Cho nên thân cũng không được, sơ cũng không được, lợi cũng không được, hại cũng không được, quí cũng không được, tiện cũng không được. Vì thế nên quí nhất thiên hạ.

Dịch thơ:

1.      Biết thời sẻn tiếng, sẻn lời,

Những người không biết thường thời huênh hoang.

2.      Âm thầm đóng khóa ngũ quan,

Mà che sắc sảo, mà san tần phiền.

Hòa mình trong đám dân đen,

Cho mờ ánh sáng, cho nhem phong trần.

Ấy là đạo cả huyền đồng.

3.      Ai mà vẹn đạo huyền đồng,

Tâm hồn son sắt khó lòng chuyển lay.

Thân sơ cũng chẳng đổi thay,

Hay hèn, lợi hại mảy may chẳng màng.

Cho nên quí nhất trần gian.

BÌNH GIẢNG

1. Bậc chân nhân sống huyền hóa với trời đất muôn vật

Vì đã kết hợp với đạo thể, nên không cần phô trương, khoe mẽ. Chỉ những người dốt nát, thiển cận mới huênh hoang rườm lời.

2. Bậc chân nhân sống ung dung tiêu sái, không để cho ngoại cảnh hình hài chi phối, không phô trương không lập dị, sống huyền hóa với đất trời.

Chủ trương này đã được Nội kinh lấy làm thuật dưỡng sinh và tu đạo. Nội kinh chủ trương: «Sống điềm đạm, thanh tĩnh, chân khí sẽ vẹn toàn. (Tinh thần mà giữ cho được nguyên vẹn, thì làm sao mà có bệnh tật được.) Cho nên tâm chí thảnh thơi, ít dục vọng, ít lo âu, xác thân vận động nhưng không mệt mỏi. Vì ít tham cầu nên ước gì được nấy, muốn gì được nấy. Ăn uống thế nào cũng ngon, phục sức thế nào cũng được, sống sao cũng vui. Sống vô tư vô cầu cho nên gọi là thuần phác. Cho nên thị dục không làm cho mỏi mắt, dâm tà không huyễn hoặc được tâm tư.» [8]

Khải Huyền tử bình rằng: «Tâm đã hợp với Huyền nên dâm tà không làm mê hoặc được.» 心 與 玄 同 故 淫 邪不 能 惑 (Tâm dữ huyền đồng, cố dâm tà bất năng hoặc.)

Như vậy, Huyền đồng 玄 同 có thể hiểu theo hai cách:

a) Sống huyền hóa với Trời với Đạo.

b) Sống hòa mình cùng vạn hữu.

3. Các bậc chân nhân không bị cảm tình chi phối, lợi hại chi phối, quí tiện chi phối.

Như vậy là các ngài đã thoát vòng phù sinh tương đối. Luận ngữ cũng có chủ trương tương tự khi nói rằng: «Tử tuyệt tứ: Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã.» 子 絕 四 :毋 意,毋 必,毋 固,毋 我 (Khổng tử đã tuyệt được bốn điều: Ngài không có tình ý riêng tư, không bị ngoại vật chi phối, thúc đẩy, không cố chấp, không còn có cái mình nhỏ nhoi.) [9]

Sống thoát vòng ái ố, lợi danh như vậy là sống siêu phàm thoát tục.


[1] Tắc : lấp, đóng.

[2] Đoài : miệng.

[3] Tỏa : làm cho nhụt.

[4] Nhuệ : sự bén nhọn.

[5] Giải : tháo gỡ.

[6] Phân : sự rắc rối.

[7] Huyền đồng 玄 同 : (1) Sống huyền hóa với Trời với Đạo; (2) Sống huyền hóa với vạn hữu.

[8] «Điềm đạm hư vô. Chân khí tòng chi. Tinh thần nội thủ. Bệnh an tòng lai. Thị dĩ chí nhàn nhi thiểu dục. Tâm an nhi bất cụ. Hình lao nhi bất quyện. Khí tòng dĩ thuận, các tòng kỳ dục giai đắc sở nguyện. Cố mỹ kỳ thực, nhiệm kỳ phục, lạc kỳ tục khứ. Cao hạ bất tương mộ kỳ dân cố viết phác. Thị dĩ thị dục bất năng lao kỳ mục, dâm tà bất năng hoặc kỳ tâm.» 恬 淡 虛 無 真 氣 從 之 精 神 內 守 病 安 從 來 是 以 志 閑 而 少 欲 心 安 而 不 懼 . 形 勞 而 不 倦 氣 從 以 順,各 從 其 欲 皆 得 所 願 故 美 其 食,任 其 服 樂 其 俗 去 . 高 下 不 相 慕 其 民 故 曰 朴 是 以 嗜 欲 不 能 勞 其 目,淫 邪 不 能 惑 其 心 (Hoàng đế Nội kinh 黃 帝 內 經 Thượng cổ thiên chân luận 上 古 天 真 論) Xem Hoàng đế Nội kinh, Thượng hải Cầm Chương đồ thư cục ấn hành, q. 1, tr. 1b.

[9] Luận Ngữ, Tử Hãn.