ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 9

VẬN DI [1]

運 夷

Hán văn:

持 而 盈 之, 不 如 其 已. 揣 而 銳 之, 不 可 長 保. 金 玉 滿 堂, 莫 之 能 守. 富 貴 而 驕, 自 遺 其 咎. 功 成 名 遂, 身 退, 天 之 道.

Phiên âm:

1. Trì [2] nhi doanh [3] chi bất như kỳ dĩ.[4]

2. Sủy [5] nhi nhuệ [6] chi bất khả trường bảo.

3. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ.

4. Phú quí nhi kiêu, tự di [7] kỳ cữu.[8]

5. Công thành, danh toại, thân thoái,[9] thiên chi đạo.

Dịch xuôi:

1. Giữ mà làm cho đầy mãi, không bằng dừng lại.

2. Mài cho nhọn, cho sắc không giữ được lâu.

3. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được.

4. Giàu sang mà kiêu căng, sẽ tự vời tai họa.

5. Thành công, thành danh rồi thời nên lui thân, ấy là đạo Trời.

Dịch thơ:

1. Bình nước đầy giữ sao khỏi đổ,

Đổ chi đầy quá cỡ chứa chan?

2. Ra công mài nhọn dao oan,

Giữ sao cho được vẹn toàn trước sau?

3. Đầy vàng ngọc nhà nào bền bỉ,

4. Quá giàu sang chắc sẽ kiêu sa,

Suy vong do đó sinh ra,

5. Nên giờ vinh hiển là giờ thoái lui.

Công thành thân thoái lẽ Trời.

BÌNH GIẢNG

Chương này bàn về sự thăng trầm của cuộc đời.

Léon Wieger bình chương này như sau: «Một bình nước đầy, hơi đụng tới sẽ tràn, hoặc sẽ hao dần vì bốc hơi. Một lưỡi nhọn quá nhọn, sẽ bị khí trời làm giảm sức bén. Một kho tàng trước sau sẽ bị cướp bóc, bị tịch thâu. Mặt trời lên đến đỉnh sẽ xế; trăng mà tròn thời sẽ khuyết. Một bánh xe quay tới điểm cao nhất sẽ lộn xuống. Ai mà hiểu định luật phổ quát và bất biến này của trời đất là hết doanh sẽ đến hư, khi thấy công danh của mình đã lên tới cực điểm rồi, thì phải liệu bề rút lui. Làm vậy không phải vì sợ nhục sau này, mà chính là để bảo thân, để theo đúng đường lối của số mệnh. Một nhà bình giải cho rằng: khi giờ đã điểm, thánh nhân sẽ tháo cũi, sổ lồng, để sống ngoài vòng cương tỏa. Như kinh Dịch đã nói, lúc ấy thánh nhân không còn phục vụ vua chúa nữa, vì tâm trí ngài đã ở trên một bình diện cao hơn. [10] Nhiều đạo gia xưa nay đã theo đường lối này và đã qui ẩn lúc đang thời thịnh mãn. [11]

Con người cần phải biết định luật doanh hư, tiêu trưởng của trời đất, mới bảo tồn được tấm thân. Đó chính cũng là chủ trương của Dịch, và của Khổng giáo.

Kinh Dịch nơi Thoán truyện quẻ Phong viết:

«Vừng dương cao sẽ xế ngang,

Trăng tròn rồi sẽ chuyển sang hao gầy.

Đất trời lúc rỗng, lúc đầy,

Thăng trầm, tăng giảm đổi thay theo thời.

Đất trời còn thế nữa người,

Quỉ thần âu cũng một bài thịnh suy.» [12]

Trong quyển Khổng tử thánh tích đồ có kể: «Trong miếu thờ Lỗ Hoàn công có treo một bình gọi là y khí. Để không thì nghiêng; đổ nước vào lưng chừng thời ngay ngắn, đổ nước đầy đến miệng thì lập úp xấp lại. Vua chúa treo để tự răn. Đức Khổng bảo môn đệ đổ nước thí nghiệm, thấy đúng như vậy. Ngài dạy các môn đệ rằng: Muốn trì mãn (giữ sự sung mãn) phải hết sức khiêm cung.»[13]

Thoán truyện quẻ Khiêm cũng viết:

«Trời làm vơi chốn dồi dào,

Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.

Đất soi mòn bớt cao phong,

Mà cho lòng biển, lòng sông thêm dày.

Quỉ thần hại kẻ no đầy,

Mà đem phúc lại cho người khiêm cung.

Người thường ghét kẻ thừa dùng,

Còn người khiêm tốn thật lòng thời ưa.

Trên khiêm thời sáng mãi ra,

Dưới khiêm ai kẻ hơn ta được nào?

Khiêm cung giữ vẹn trước sau,

Rồi ra quân tử gót đầu hanh thông.» [14]

Rút lui đúng lúc đúng thời, kinh Dịch gọi thế là:

- Hiếu độn 好 遯 (rút lui mà vui thích);[15]

- Gia độn 嘉 遯 (rút lui một cách đẹp đẽ);[16]

- Phì độn 肥 遯 (rút lui mà lòng khoan khoái).[17]

Ta có thể tóm tắt tư tưởng của Lão, của kinh Dịch về sự cần phải rút lui khi đã thành công như sau:

- Bịn rịn mà chi lúc rút lui,

Tư tình, quân tử rũ xong rồi,

Thênh thang nhẹ gót đường bôn tẩu,

Tiểu nhân tình lụy, khó êm xuôi.

(phóng tác hào cửu tứ quẻ Độn)

- Rút lui đẹp đẽ mới là lui,

Phải thời, mọi chuyện sẽ êm xuôi,

Mình mạnh, mình lui người mới phục,

Lui cho lý tưởng khỏi pha phôi.

(phóng tác hào cửu ngũ quẻ Độn)

- Rút lui hớn hở mới là hay,

Về với điền viên, với cỏ cây,

Bỏ chuyện công danh vui đạo lý,

«Công thành thân thoái» lẽ xưa nay.

(phóng tác hào thượng cửu quẻ Độn) [18]


[1] Vận di 運 夷: có thể là «bị hại vì vận mệnh».

[2] Trì : cầm.

[3] Doanh : đầy.

[4] : thôi.

[5] Sủy : mài nhọn.

[6] Nhuệ : làm cho sắc bén.

[7] Di : để lại.

[8] Cữu : lỗi.

[9] Công thành, doanh toại, thân thoái: Có nhiều sách chỉ chép có công toại, thân thoái.

[10] Xem quẻ Cổ , hào thượng cửu: «Bất sự vương hầu, cao thượng kỳ sự.» 不 事 王 侯 高 尚 其 事.

[11] Xem Wieger, Les Pères du Sytème Taoïste, tr. 25 - 26.

[12] Xem Dịch kinh, quẻ Phong , Thoán truyện: Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thực; thiên địa doanh hư, dữ thời tiêu tức, nhi huống ư nhân hồ? Huống ư quỉ thần hồ? 日 中 則 昃 月 盈 則 食 ; 天地 盈 虛 與 時 消 息 而 況 於 人 乎 ? 況 於 鬼 神 乎 Xem Nguyễn Văn Thọ, Chân dung Khổng Tử, tr. 209.

[13] Xem Khổng tử thánh tích đồ, tr. 62 - 63. -- Xem Nguyễn Văn Thọ, Chân dung Khổng tử, tr. 210.

[14] Xem kinh Dịch, quẻ Khiêm , Thoán truyện: Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm, quỉ thần hại doanh nhi phúc khiêm, nhân đạo ố doanh nhi háo khiêm. Khiêm tôn nhi quang, ti nhi bất khả du: Quân tử chi chung dã. 天 道 虧 盈 而 益 謙, 地 道 變 盈 而 流 謙, 鬼 神 害 盈 而 福 謙, 人 道 惡 盈 而 好 謙. 謙 尊 而 光, 卑 而 不 可 踰: 君子 之 終 也. Xem Chân dung Khổng tử, tr. 210-211.

[15] Xem Kinh Dịch quẻ Độn , hào cửu tứ: Hiếu độn, quân tử cát, tiểu nhân phủ. 好 遯 君 子 吉 小 人 否.

[16] Xem Kinh Dịch quẻ Độn , hào cửu ngũ: Gia độn, trinh cát. 遯 嘉 遯 貞 吉.

[17] Xem Kinh Dịch, quả Độn , hào thượng cửu: Phì độn, vô bất lợi. 遯 肥 遯 無 不 利.

[18] Xem Kinh Dịch, dịch thơ và bình giảng của Nguyễn Văn Thọ, nơi quẻ Độn .