ĐẠO ĐỨC KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch

» mục lục » khảo luận

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

57

58

59

60

61

62

63

64

65

66

67

68

69

70

71

72

73

74

75

76

77

78

79

80

81

CHƯƠNG 32

THÁNH ĐỨC

聖 德

Hán văn:

道 常 無 名. 朴 雖 小, 天下 不 敢 臣. 侯 王 若 能 守 之, 萬 物 將 自 賓. 天 地 相 合, 以 降 甘 露, 民 莫 之 令 而 自 均. 始 制 有 名, 名 亦 既 有. 夫 亦 將 知 止; 止 可 以 不 殆. 譬 道 之 在 天 下; 猶 川 谷 之 於 江 海.

Phiên âm:

1. Đạo thường vô danh. Phác tuy tiểu, thiên hạ bất cảm thần. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự tân. Thiên địa tương hợp, dĩ giáng cam lộ, dân mạc chi lệnh, nhi tự quân.[1]

2. Thủy chế hữu danh, danh diệc ký hữu. Phù diệc tương tri chỉ; [2] tri chỉ khả bất đãi. [3] Thí Đạo chi tại thiên hạ; do xuyên cốc chi ư giang hải.

Dịch xuôi:

1. Đạo thường không tên, mộc mạc. Tuy nhỏ, dưới trời không ai bắt được nó phải thuần phục. Nếu bậc vương hầu giữ được nó, vạn vật sẽ thuần phục; trời đất hòa hợp làm cho móc ngọt rơi xuống. Dân không phải sai khiến, mà chia đều nhau.

2. Bắt đầu phân chia, mới có tên. Đã có tên phải biết chốn dừng. Biết chốn dừng mới không hại. Đạo sánh với thiên hạ, như suối khe với sông biển.

Dịch thơ:

1. Đạo vốn dĩ không tên, không tuổi,

Lại tế vi xiết nỗi đơn thuần.

Thế mà trong khắp nhân quần,

Đố ai bắt được Đạo thuần phục oai.

Vương hầu nào thờ Ngài một dạ,

Thì dân con cảm hóa liền tay.

Đất trời đúng tiết vần xoay,

Cam lồ tưới xuống (cỏ cây phỉ tình),

Dân gian sống an bình đầy đủ,

Chẳng đợi truyền tự sẻ áo cơm.

2.  Kìa tạo vật nhiều tên, lắm tuổi,

Lắm tuổi tên, một cội, một nguồn.

Mang danh vào chốn trần hoàn,

Biết nơi dừng bước mới ngoan mới lành.

(Nơi Đạo cả siêu linh), dừng bước,

Sẽ thoát vành (ô trược), gian nan.

Đạo kia đối với thế gian,

Như khe, như suối đối hàng biển sông.

BÌNH GIẢNG

Chương này Lão tử lại tiếp tục bình luận về Đạo.

A. Đạo vừa là cực tiểu, vừa là cực đại

- Cực tiểu vì «vô danh» và «thuần phác».

- Cực đại vì mọi vương tước đều phải thuần phục.

Quan niệm này sẽ còn được nhắc lại nơi chương 34: «Thường vô dục khả danh ư tiểu; Vạn vật qui yên nhi bất vi chủ, khả danh vi đại.» 常 無 欲,可 名於 小 ;萬 物 歸 焉 而 不 為 主,可 名 為 大 .

Trang tử nơi Tạp thiên, Thiên Hạ, cũng nói: «Rất lớn không ngoài... rất nhỏ không trong.» (Chí đại vô ngoại, chí tiểu vô nội 至 大 無 外,至 小 無 內) [4]

Nói Đạo vừa cực tiểu, vừa cực đại, nghĩa là nói Đạo bao quát hết cả mọi phương diện, vì thế nên tuyệt đối vô cùng.

B. Thuận theo Đạo, thiên hạ sẽ bình trị.

Lão tử chủ trương nếu con người sống thuận theo Đạo, thuận theo lẽ tự nhiên, thiên hạ sẽ bình trị. Nói thế tức là bao lâu chúng ta còn đi sai đường lối của trời đất, bao lâu còn chưa thuận thiên thời, thủy thổ, vật lý, tâm lý, thiên lý, thì bấy lâu, cuộc đời chúng ta - bất kỳ là đời sống tư nhân, hay quốc gia, xã hội - vẫn chưa được ổn định.

C. Đạo trước và sau khi sinh ra vạn vật:

Đạo khi chưa sinh ra vạn vật thì hồn nhiên nhất thể; đạo khi đã sinh vạn vật thì y như sẽ phân tán, chia phôi thành nhiều hình trạng và có nhiều danh hiệu khác nhau.

Con người giác ngộ phải biết sống một cuộc sống không xa lìa Đạo thể, phải biết dừng chân nơi bến bờ hoàn thiện, thuần phác, vĩnh cửu.

Tìm ra được vĩnh cửu giữa vạn trạng phù du; tìm ra được tĩnh lãng giữa muôn vàn đợt sóng thế sự rạt rào; tìm ra được thiên chân giữa mọi hoàn cảnh tang thương, ảo hóa; tìm ra được viên mãn, thuần phác trong một thế giới đầy bác tạp, chếch mác dở dang, như vậy tức là:

- Tri chỉ theo Lão tử.

- «Hưu Hồ Thiên quân» 休 乎 天 鈞 (an nghỉ trong Thượng đế) theo Trang tử. [5]

- «Chỉ ư chí thiện» 止 於 至 善 theo Đại Học [6] hay «Thung dung trung đạo» 從 容 中 道 theo từ ngữ Trung Dung. [7]

- «Đáo bỉ ngạn» 到 彼 岸 theo từ ngữ Phật giáo.

Lão tử còn cho ta thấy rằng Đạo sinh ra muôn loài muôn vật, y thức như khe suối sinh ra sông biển. Đạo không lìa khỏi muôn loài muôn vật, cũng như khe suối chẳng bao giờ lìa khỏi sông biển. Nước khe suối tuôn ra sông biển, rồi nước sông biển lại thành mưa trở về nguồn.[8]

Các học giả thường bình giải như Tô Tử Do rằng: «Nước tụ vào sông biển; suối khe ở núi có thể coi như những bộ phận nhỏ của nước chia ra. Muôn loài là tế phân của Đạo, mà Đạo là đầu gốc muôn loài. Vật thì hết thảy sông ngòi trở lại đại dương cũng như hết thảy mọi vật dưới trời này phải lộn về Đạo đã phát sinh ra chúng.» [9]

Bình giảng như cách trên, xét về ý thời không sai, nhưng không ăn ý với câu văn của Lão tử.

Lão tử viết: «Đạo đối với thiên hạ, như suối khe đối với sông biển.» Như vậy Đạo ứng với suối khe, thiên hạ ứng với sông biển.

Wieger bình toàn chương này một cách sâu sắc như sau: «Mọi vật tồn tại là nhờ ở sự triển dương của Đạo. Những sự triển dương ấy không tách rời khỏi Đạo, và Đạo không suy giảm khi chia sẻ với tạo vật. Sự triển dương của Đạo trong mỗi vật chính là bản thể của vật. Đạo là Đại thể, tức là toàn thể vạn vật, vì vạn vật là những tiểu thể phát sinh do sự triển dương của Đạo.» [10]


[1] Duyvendak đem câu «Phác tuy tiểu... dân mạc chi lệnh nhi tự quân» 朴 雖 小,天 下 不 敢 臣 。 侯 王 若 能 守 之,萬 物 將 自 賓 。 天 地 相 合,以 降 甘 露,民 莫 之 令 而 自 均 xuống chương 37. Duyvendak lại còn cho rằng chương 32 này có liên lạc với chương 66. Và có lẽ chương 66 tiếp ngay sau chương 32 này.

[2] Chữ «tri chỉ» 知 止 đây giống với chữ «tri chỉ» 知 止 trong Đại Học và «tri chỉ» 知 止 trong Nam Hoa kinh, chương 23, Canh tang sở, đoạn C.

[3] Hà Thượng Công viết: Thiên diệc tương tri chi; tri chi khả dĩ bất đãi 天 亦 將 知 之 . 知 之 可 以 不 殆. Và giảng rằng: Nếu mình hành động theo Đạo đức, thì trời sẽ biết, và thần linh sẽ hộ trì, nên không gặp nguy hại.

[4] Xem thêm Trung Dung, chương 12: Ngứ đại, thiên hạ mạc năng tải yên; ngứ tiểu, thiên hạ mạc năng phá yên 語 大, 天 下 莫 能 載 焉 語 小 天 下 莫 能 破 焉.

[5] Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên quân 是 以 聖 人 和 之 以 是 非 而 休 乎 天 鈞. Trang tử Nam hoa kinh, Tề Vật luận, đoạn C.

[6] Cf. Đại Học, chương 1.

[7] Xem Trung Dung, chương 20.

[8] Duyvendak dịch: La place de la Voie à l’égard de tout-sous-le-ciel peut être comparée à celles des torrents et des vallées à l’égard du Fleuve et de la Mer. Cf. J. J. L. Duyvendak, Le Livre de la Voie et de la Vertue, 1953 p. 77.

[9] Xem Nghiêm Toản, Lão tử Đạo Đức kinh, q. 1, tr. 226. Xem Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 40. Wieger dịch: Il en est du Principe par rapport aux êtres divers qui remplissent le monde, comme de la masse des grands fleuves et des mers par rapport aux ruisseaux et aux filets d’eau. Ib. 40.

[10] Chaque être existe par un prolongement du Principe en lui. Ces prolongements ne sont pas détachés du Principe, lequel ne diminue donc pas en se communiquant. Le prolongement du Principe est la nature universelle, étant la somme de toutes les natures individuelles, ses prolongements. Léon Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 40-41.